KGU News >>Văn học
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 16 Tháng bẩy. 2015

ĐỌC




Tác giả: CucNT

               

 Đọc “NHỮNG LÁ THƯ THỜI CHIẾN’

                     của tác giả Đặng Vương Hưng.

 

 

Các nhà lãnh đạo Mỹ đã không thể hiểu nổi vì sao họ lại thất bại thảm hại ở Việt Nam. Hàng trăm công trình nghiên cứu đã ra đời để tìm hiểu nguyên nhân sự bại trận của họ. Rồi họ đã dày công nghiên cứu văn hóa Việt và hiểu ra 1 trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của họ chính là họ đã không hiểu văn hóa Việt. Nhiều cựu binh Mỹ kể lại, khi lục soát thi thể của những người lính Việt Nam họ thường tìm thấy nhật ký và những lá thư. Giữa sự tàn khốc của cuộc chiến những trang nhật ký vẫn xanh màu hy vọng, chan chứa tình yêu dành cho Tổ quốc , quê hương, gia đình. Đặc biệt người chiến sỹ Việt Nam rất lãng mạn, yêu đời, dường như chiến sỹ nào cũng làm thơ. Người chiến s ra trận mang trên mình khí phách hào hùng không bao giờ khuất phục trước kẻ thù của cha ông và tinh thần “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” của toàn dân tộc. Đó là cội nguồn của chân lý để chúng ta chiến thắng bất cứ kẻ thù nào dù kẻ đó có mạnh gấp chúng ta bội phần.

Tôi đã đọc nhiều trang sử vẻ vang của dân tộc, đọc nhiều tác phẩm văn học ca ngợi tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân ta. Tình yêu tổ quốc, yêu cuộc sống trong tôi nhân lên nhờ những tác phẩm văn học đó. Văn học đi ra từ cuộc sống, miêu tả những sự kiện tiêu biểu, hư cấu nên những nhân vật  điển hình để mang  tới cho người đọc những hình mẫu , những chuẩn mực cho người đọc noi theo. Các nhà viết sử lựa chọn những sự kiện tiêu biểu để miêu tả lại 1 giai đoạn lịch sử, các nhà  văn nhà thơ sáng tạo nên nhân vật trên cơ sở những hình mẫu có thật trong cuộc sống. Khi ta đến với lịch sử hay văn học ta tiếp cận với sự thật nhưng đã qua lăng kính của người viết.

Hôm nay, ngày 30/4/2015 khi đang hân hoan với ngày lễ kỹ niệm 40 năm thống nhất đất nước, bất ngờ tôi nhận được món quà của nhà văn Đặng Vương Hưng. Cuốn sách “ Những lá thư thời chiến” anh gửi tặng tôi đúng vào lúc tôi đang suy gẫm về những mất mát hy sinh, bao xương máu cha ông đã đổ xuống để chúng ta có ngày hôm nay.

Cuốn sách dày gần 1000 trang trong đó chứa gần 300 lá thư của hơn 200 tác giả. Phần lớn tác giả là những liệt sỹ đã hy sinh, những lá thư là kỹ vật vô giá gia đình còn giữ lại được qua thời gian đã ố vàng, nhòe nhoẹt vì gió mưa, nước mắt và cả máu của người viết thư và người đưa thư. Viết thư không phải là làm văn và bản thân người viết cũng không nghĩ mai sau những dòng chữ của mình lại trở thành tư liệu vì vậy những lá thư này là những gì  chân thật nhất, có đủ tất cả mọi cung bậc cảm xúc của  người viết dành cho người thân của mình. Họ viết cho cha mẹ, vợ con, anh chị em, bạn bè, những người ruột thịt chứ không phải viết cho cộng đồng nên đã tâm sự những gì thật nhất trong lòng họ. Phải mất hai tuần tôi mới đọc xong cuốn sách bởi cứ đọc được 1 đoạn là nước mắt ướt nhòe trang giấy. Một quá khứ hào hùng của dân tộc trỗi dậy, một thời đau thương không thể quên và sáng mãi trong những trang thư là nhân cách cao đẹp của những người chiến sỹ trên mặt trận cũng như những người cha, người mẹ, người anh người chị , người em, người vợ ở hậu phương. Bên cạnh những trang thư là lời của người thân gửi tới, họ kể thêm cho chúng ta biết lai lịch  những lá thư, tính cách của từng người và họ kỳ vọng qua những trang viết này, ai có đó thể biết được phần mộ liệt sỹ ở đâu. Chiến tranh đi qua đã 40 năm, những lá thư có khi nằm trên bàn thờ đã 50, 60 năm nhưng hài cốt của liệt sỹ thì vẫn còn vô vọng. Nỗi khắc khoải mong chờ tin tức về các liệt sỹ trong lòng những người thân chưa bao giờ nguôi ngoai. Tôi đọc, vừa đọc vừa khóc vừa hình dung những diễn biến của lịch sử dân tộc qua những trang viết và hiểu rằng tôi đã được tiếp cận với lịch sử vẹn nguyên nhất, chân thật nhất,  trong sáng nhất bởi những gì tôi được biết là trực tiếp, không hề phải đi qua lăng kính nào của nhà văn hay nhà viết sử.

Lá thư đầu tiên trong tập sách là thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho 1 người Công giáo yêu nước, bác sỹ Vũ Đình Tụng có người con trai út Vũ Văn Thành, 1 chiến sỹ tự vệ của Thủ đô đã hy sinh trongkhi chiến đấu bảo vệ Hà Nội mùa Đông năm 1946. Trong thư có đoạn viết “Tôi không có gia đình cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên  Việt Nam là con cháu tôi.  Mất 1 thanh niên thì hình như tôi mất 1 đoạn ruột...” .Xúc động nghẹn ngào trước tình thương bao la của Bác dành cho cả dân tộc. Tôi không khỏi ngậm ngùi  khi biết bác sỹ Vũ Đình Tụng đã cứu được hàng ngàn sinh mệnh nhưng không thể cứu nổi con mình khi anh bị thương nặng giập cả ổ bụng và người thầy thuốc đứng ra mổ ca này lại  chính là ông. Phải chứng kiến con mình ra đi trong ca mổ của mình, dưới căn hầm sâu quả là 1 nỗi đau quá lớn đối với người làm cha là bác sỹ như ông.  Mấy năm sau thì đứa con thứ 2 của ông, Vũ Đình Tín cũng hy sinh. Nén đau thương vào lòng ông đã cống hiến tất cả sức lực, tài năng của mình cho cuộc kháng chiến của dân tộc.

Một thời cả dân tộc rùng rùng ra trận, những thanh niên nhẹ cân bỏ thêm đá vào túi để cân cho đủ, chưa đủ tuổi cũng khai thêm để xung phong nhập ngũ. Họ biết chiến trường là đói khổ gian nan, khốc liệt là có thể hy sinh, thương tật nhưng lý tưởng cao cả của mỗi người con lúc đó là “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù” ( Lê Mã Lương) . Mỗi người đọc đều rưng rưng xúc động trước lá thư ngắn gọn của nguyên Chủ tịch ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng đích thân viết gửi Bộ quốc phòng xin cho con mình nhập ngũ. Tôi hy vọng rằng khi đọc lại những lá thư này, những quan chức thời nay sẽ suy nghĩ kỹ càng khi trao cho con mình 1 vị trí nào đó mà không phải xấu hổ với tiền nhân.

Tố Hữu không tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng đã viết những câu thơ “tả thực’,

“56 ngày đêm khoét núi ngũ hầm, mưa dầm cơm vắt.

Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn..” 

Thì đây, thư của thượng tướng Vũ Lăng  là 1 trong những vị Tướng lập được nhiều thành tích nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ gửi cho vợ “ “Hơn hai tháng hành quân liên miên, đi cả ngày lẫn đêm trung bình từ 34-45 cây số ( có ngày tới 62 cây) leo những đèo cao ngút ngàn hàng 20 cây và dưới trời nắng như thiêu người , khát khô cổ không có lấy một giọt nước trong. Có đêm cứ đội mưa mà đi, nước ngấm vào người lạnh thấu xương, vắt bám đầy chân cẳng…” Gian nan như thế nhưng không 1 chút nản chí “ Viết cho em lúc này anh có cảm tưởng như lá thư của một chiến sỹ viết trước giờ phút xung phong để một  mất một còn với kẻ thù, giành lại hạnh phúc cho mình, cho gia đình mình, cho Tổ quốc và cả nhân loại..” Cao cả làm sao!

Trong trăm ngàn công việc bộn bề của 1 nữ tướng – Người đã vinh dự được Bác Hồ khen: “Cả thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân gái như thế thật vẻ vang cho Miền Nam, cho cả dân tộc”, bà vẫn dành thời gian viết thư riêng cho đồng đội ân cần thăm hỏi, dặn dò. Đó là thư của nữ tướng Nguyễn Thị Định viết cho đồng đội của mình. Dù là Phó tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam thư bà cũng thể hiện tính chân thật, tình cảm thân mật, yêu thương, quan tâm chia sẻ đến đồng đội của mình. Nhiều nhất là những lá thư của người lính viết về cho gia đình từ chiến trường chống Mỹ. Có những người  gửi về vẻn vẹn 1 lá thư và vĩnh viễn không bao giờ về nữa nhưng cả lá thư là bản lược thuật về cuộc đời đi theo cách mạng của anh với một niền tin và niềm tự hào “…Đó cũng là nhờ cách mạng, nhờ Đảng dạy bảo giáo dục và con tự hào là con trung thành với Đảng , với dân… Vinh dự cho con, cho thầy mẹ, cho gia đình và con ơn Đảng đã dìu dắt giáo dục con trở thành người như ngày nay..” (Thư của liệt sỹ Nguyễn Ngọc Sơn).

Ở những trang đầu của cuốn sách chúng ta được đọc những lá thư của liệt sỹ Hoàng Kim Giao với lòng yêu thương vô bờ bến dành cho gia đình. Chúng ta nghẹn lòng tiếc thương cho cả dân tộc đã mất đi 1 người con ưu tú khi tuổi đời còn quá trẻ. Nhà khoa học trẻ Hoàng Kim Giao đã được tặng giải  thưởng Hồ Chí Minh khi mới 26 tuổi với công trình “Phá thủy lôi từ tính và bom từ trường, bảo đảm giao thông 1967-1972”. Những sáng tạo của anh đã giúp ích cho những người tham gia phá bom mình giảm biết bao thiệt hại đau thương nhưng rồi chính anh đã hy sinh khi tham gia phá quả bom ở Nam Đàn, Nghệ An.  Ở cuối cuốn sách chúng ta được đọc thư ngỏ của CCB Lê Ngọc Hoàn gửi các cựu TNXP ở chiến trường khu 4 cũ. “….Trong thời điểm chúng tôi đang thi công xây dựng đường 22B đó ( Con đường đi sâu vào vùng núi phía tây Hà Tĩnh  - tránh đèo ngang nối tiếp vào chiến trường Miền Nam) máy bay Mỹ đã liên tục ném bom đánh phá. Chúng thả rất nhiều bom mà nhiều nhất là loại bom nổ chậm. Bom đạn chúng đã gây ra rất nhiều mất mát đau thương cho tất cả các lực lượng phải thường xuyên bám trụ mặt đường...mặc dù không phải lính công binh, cũng chưa từng 1 ngày học kỹ thuật tháo gỡ bom mìn qua trường lớp nhưng nhiệt tình Cách mạng và bản chất không cầm lòng được trước những mất mát thương vong của đồng đội, đồng chí Dương Ngọc Ẩn đã âm thầm tự tìm tòi nghiên cứu rồi cũng âm thầm tự đi tìm bom nổ chậm của giặc để phá… Thế là bom nổ chậm của giặc cứ như tự nổ… Chúng tôi không thể tính đếm hoặc nhớ hết anh Ẩn và 1 số đồng đội khác đã anh dũng liều thân để tháo gỡ được bao nhiêu quả bom chậm của kẻ thù. Cũng không thể tính đếm hoặc nhớ hết biết bao thuận lợi trong công việc, bao sinh mạng đã tai qua nạn khỏi nhờ hành động nghĩa hiệp đến mức cao thượng của những người như đồng chí Dương Ngọc Ẩn…. Ngày 2/9/1967 khi đang tìm cách tháo kíp nổ thứ 2, bom thù đã hất các anh lên cao, hóa trọn vẹn thân xác các anh vào đất mẹ. …Khi đã sau mấy chục năm, chúng tôi đã cố công trình báo, đề nghị nhiều lần tấm gương hy sinh cao cả của liệt sỹ Dương Ngọc Ẩn – cùng nhiều tấm gương tiên liệt khác nữa – vẫn chưa được các cơ quan chức năng làm thủ tục công nhận là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân!... Trong vụ nổ bom đó có 3 người thì 2 liệt sỹ đã được tuyên dương Anh hùng. Chỉ riêng liệt sỹ Dương Ngọc Ẩn là chưa được tuyên dương vì chưa có ai làm đơn đề nghị…” Đọc đến đây, tôi khóc nấc lên, xót xa. Các anh hy sinh cho Tổ quốc không cần chi những lời tuyên dương nhưng khi nghĩ tới bao nhiêu hồ sơ liệt sỹ thương binh bị làm giả để trục lợi của những kẻ vô liêm sỷ, tôi thấy hổ thẹn trước vong linh các anh.

Chúng ta đã từng biết đến tình yêu chân thành mãnh liệt của anh Trỗi dành cho chị Quyên (Sống như anh – Trần Đình Vân), của Nguyễn Văn Thạc dành cho Như Anh ( mãi mãi tuổi 20) của bác sỹ  Đặng Thùy Trâm dành cho người có tên M vv  Trong cuốn sách này, ta được đọc trọn vẹn những lá thư đó. Đợt du xuân vào ngày 20/4 năm nay của cựu sinh viên trường đại học Tổng hợp Kishinew, tôi được nghe chị Như Anh ( người yêu của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc ) nói về hạnh phúc “Hạnh phúc là khi ta làm tốt những gì ta mong muốn và chia sẻ cùng người khác những khó khăn”.  Tôi nhớ mãi những dòng thư anh Thạc viết cho chị  “Chúng ta đừng đi tìm chân lý sâu xa đơn thuần qua những áng văn và những bài thơ và bài toán. Ngày 30/04/1975 T sẽ trả lời cho P câu Hạnh Phúc là gì?”  Có lẽ anh đã tiên cảm thấy ngày 30/4/1975 là ngày thống nhất đất nước và đó chính là ngày hạnh phúc của lứa đôi trong niềm hạnh phúc chung của dân tộc.  Tiếc rằng Nguyễn Văn Thạc đã ngã xuống tại chiến trường Quảng Trị ngày 30/7/1972 khi anh chưa đủ 1 tuổi quân và chưa tròn 20 tuổi đời. Không chỉ những dòng nhật ký của chị Thùy Trâm làm rung động trái tim nhân loại, những lá thư của chị viết cho gia đình cũng sáng ngời lý tưởng cách mạng. “ Biết bao lần trong giấc mơ, con trở về trong vòng tay êm ấm của mẹ, của ba, trong tiếng cười trong trẻo của các em và trong ánh sáng chan hòa của Hà Nội. Ai có thể vì tiền tài danh vọng mà ra đi nhưng với con, ngoài Đảng – chắc không ai khiến con xa nổi gia đình”. Yêu gia đình, yêu cuộc sống, yêu Hà Nội như thế chị vẫn xung phong vào chiến trường đạn bom khốc liệt và đã anh dũng hy sinh cho lý tưởng cao cả, hòa bình độc lập tự do cho dân tộc. Điều bất ngờ là trong cuốn sách này tôi biết thêm về nhân vật  M trong nhật ký của chị.  Đó chính là anh Khương Thế Hưng , đại tá QĐND Việt Nam, là con trai của nhà thơ Khương Hữu Dụng. Khi đọc “nhật ký Đặng Thùy Trâm, tôi thầm trách nhân vật M đã phụ bạc tình yêu của chị nhưng khi hiểu ra tôi càng cảm phục tình cảm cao thượng của anh. “Được biết anh Khương Thế Hưng và chị Đặng Thùy Trâm đã yêu nhau từ những ngày hai người con ở Hà Nội. Tuy nhiên khi anh Khương Thế Hưng vào chiến trường, do bị thương nhiều lần và nhiễm chất độc hóa học  nên bác sỹ nghĩ anh Hưng không thể có con được nữa. Khi gặp lại chị  Đặng Thùy Trâm tại hiến trường Miền Nam, anh đã  chủ động giữ lại mối quan hệ bình thường vì lo nếu hai người yêu nhau, anh sẽ không mang lại hạnh phúc làm mẹ cho chị”…Một sự hy sinh vô bờ bến, một tình cảm cao thượng vô song dành cho người mình yêu quý. Tiếc rằng chị hy sinh với nỗi buồn đè nặng trong tim vì chưa hiểu hết tình cảm cao quý anh dành cho chị.

Bất cứ ai khi nhắc đến thành cổ Quảng Trị đều ngậm ngùi .

Theo số liệu đã công bố tại mít tinh kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng Quảng Trị (01.05.1972- 01.05.2012) trên toàn bộ chiến trường Quảng Trị trong năm 1972 Quân đội nhân Việt Nam đã tiêu diệt 26.000 quân của quân đội của chính quyền Sài Gòn. Quân đội nhân dân Việt Nam bị thiệt hại 36.000 quân.

81 ngày đêm máu lửa đã diễn ra…Trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương chưa có nơi nào chiến sự diễn ra ác liệt và bi tráng như tại Thành Cổ Quảng Trị năm 1972!

Trong cuốn sách này, hẳn sẽ không ai bỏ qua bài viết “ Bí mật  dưới thành cổ Quảng trị và lá thư của 1 người vợ liệt sỹ” “Hai mươi bảy năm sau cuộc chiến, khoảng giữa năm 1999, trong khi thi công đào cống thoát nước công trình trùng tu di tích thành Cổ Quảng Trị …Người ta phát hiện ra 7 hài cốt liệt sỹ … trong 1 cái sắc cốt có 2 lá thư nhà được xác định là của vợ liệt sỹ, ký tên là Biển Khơi.  Nhờ 2 lá thư đó người thân đã tìm được hài cốt và ngôi mộ có đầy đủ họ tên, đó là liệt sỹ Lê Binh Chủng.  Đó cũng là người duy nhất trong gần 1 vạn liệt sỹ đã hy sinh trong thành cổ Quảng Trị mà người thân tìm được chính xác họ tên. Nếu không có 2 lá thư của vợ mà anh nâng nui cất giữ thì khi tìm thấy hài cốt, người ta cũng chỉ biết gọi anh là liệt sỹ chưa biết tên mà thôi. Hàng vạn người lính qua sông Thạch Hãn đã không trở về để rồi ai cũng nghẹn ngào xúc động trước những vần thơ của Lê Bá Dương:

“ Đò lên ThạchHãn, ơi! Chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi 20 hòa sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm” .

Đối diện với cuộc sống hôm nay, cuộc sống của nền cơ chế thị trường đầy toan tính, đã không ít lần tôi thất vọng với sự lỗi hẹn của bạn mình thì khi đọc những lá thư của liệt sỹ Trần Thế Ngọ viết từ chiến trường Quảng Trị gửi về cho gia đình tôi không khỏi bồi hồi cảm phục. Anh đã ngã xuống trên mảnh đất Nhan Biều ngày 28/08/1972 nhưng những lời yêu thương anh gửi cho gia đình thì còn mãi “Anh hứa và thi đua với các em rằng…Các em sẽ tự hào là anh đang làm nhiệm vụ cho Tổ quốc…”. Anh đi chiến đấu không tiếc tuổi xuân, máu xương và anh đã hiến trọn cuộc đời mình cho Tổ quốc nhưng trong thư gửi cho gia đình, anh vẫn dặn mọi người nhớ trả cho anh Chính, nhà hàng xóm 2 bìa đậu phụ và 1 quả chanh mà khi anh về phép, gia đình đã mượn tạm. Không cần nhà thơ, nhà văn phải xây dựng những tích cách điển hình của người chiến sỹ. Chỉ những lời dặn trong thư đó thôi giúp ta hiểu được nhân cách đáng kính, đáng trân trọng biết nhường nào…

Trong cuốn sách này ta gặp những sự kiện tâm linh mà khoa học chưa thể đưa ra lời giải thích, đó là thư của người lính dặn người nhà tìm hài cốt của mình như thế nào, đó là những giấc mơ của người yêu báo mộng anh đã hy sinh ra sao, rồi cuộc gặp thấm đẫm nước mắt của linh hồn liệt sỹ Dương Ngọc Ẩn và cô con gái mà khi còn sống không biết anh có biết bé đã phôi thai hay chưa…

Có những lá thư đi nửa vòng trái đất, nằm trong ba lô của người lính, thấm máu người đưa thư đã hy sinh nhưng mãi 22 năm sau 1 cựu binh Mỹ mới mang tới tay người nhận. Người lính Mỹ đó đã bắn chết người lính Việt Nam và nỗi ân hận, đau đớn giày vò đã làm anh ta cất giữ những lá thư hy vọng tới ngày có thể gặp người thân của người lính mà tạ lỗi.

 

Gần 1 ngàn trang viết, gần 300 lá thư của chiến trường, của  hơn 200 người, cứ thế từng trang viết, từng lá thư là những nỗi niềm của người gửi lại. Người tuyển tập những lá thư, tác giả Đặng Vương Hưng đã gắng công tìm kiếm lai lịch của người viết để chúng ta hiểu rõ hơn về những nhân vật có thật trong cuộc đời. Kèm theo những lá thư là nỗi niềm của người thân, những người đã nâng niu những lá thư này như báu vật của gia đình. Theo những lá thư, chúng ta hình dung được 1 giai đoạn lịch sử của dân tộc bi tráng và hào hùng. Những người lính dũng cảm vô song trước kẻ thù cũng là những người con dành cho gia đình quê hương 1 tình yêu thương vô hạn. Có những lá thư mộc mạc giản dị và có những lá thư mượt mà bóng bẩy. Tôi thấy tiếc vô cùng, nếu những người đó còn sống hẳn họ đã trở thành nhà văn, nhà thơ tài ba, cống hiến cho xã hội những tác phẩm kiệt xuất. Những người gửi đến cho  Đặng Vương Hưng những lá thư này đều cảm phục tấm lòng của tác giả vì họ coi đây là việc làm tri ân các anh hùng liệt sỹ, các cựu chiến binh và thanh niên xung phong, những người đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho cuộc sống yên bình hôm nay.

Tôi tâm đắc với ý kiến của anh Trần Thế Lợi,  Danh tướng Napholeon trong 1 lần phong tặng danh hiệu anh hùng cho những người lính, đã nói, đại ý . Chúng ta phong tặng danh hiệu anh hùng cho những người hạng 2 bởi tất cả những anh hùng hạng nhất đã ngã xuống rồi.

Chắc rằng những người lính trước khi hy sinh chẳng ai đòi hỏi Tổ quốc phải phong anh hùng cho họ nhưng việc thế hệ sau ghi nhận sự hy sinh của họ và hình ảnh họ sống mãi trong lòng đồng đội và gia đình đã đủ làm cho linh hồn họ thanh thản cõi vĩnh hằng

Những người lính viết những lá thư trên đường hành quân, trong những phút bình yên hiếm hoi giữa 2 trận đánh, bên dòng suối trong xanh, dưới  ánh trăng hay trong giữa khói đạn mù mịt, trên cánh đồng hay trong hầm sâu bằng tình cảm chân thực nhất, họ không bao giờ nghĩ rằng những lá thư đó trở thành những tư liệu lịch sử vô giá.

Giữa sự im lặng của những con chữ và từ những trang giấy mỏng manh đã cũ kỹ úa vàng vì thời gian ấy, ta bỗng nhận ra khí phách Việt Nam trong quá khứ hào hùng và cả trách nhiệm với những người đã hy sinh, cống hiến và thời đại chúng ta đang sống.

Khi biển đông đang dậy sóng, khi sự vẹn toàn của chủ quyền biển đảo đang có nguy cơ bị đe dọa  thì “Những lá thư thời chiến” này thực sự là những âm vang từ quá khứ nhắc  nhủ chúng ta hiểu rõ một thời cha anh chúng ta đã sống cao đẹp thế nào, họ đã hy sinh ra sao để chúng ta có hôm nay và chúng ta phải biết làm gì để không hổ thẹn với cha ông.

Trong xu thế hội nhập toàn cầu, đất nước chúng ta đang bình thường hóa quan hệ với Mỹ, chúng ta phải khép lại quá khứ để hướng tới tương lai nhưng lịch sử không cho phép chúng ta lãng quên bất cứ 1 điều gì.

Trong bài phát biểu khi tổ chức chiêu đãi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tối 7/7/2015 tại Bộ Ngoại giao Mỹ,  Phó tổng thống Mỹ Joe Bided đã bất ngờ lẫy Kiều;

“Trời còn có để hôm nay

Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”.

Xu thế chung buộc chúng ta cùng Mỹ phải phát triển quan hệ toàn diện trong nhiều  lĩnh vực, chúng ta vén đi màn mây đen u ám của quá khứ nhưng “Không có ai bị quên lãng  và không có gì được lãng quên”.

Bạn ơi! Bạn hãy cùng tôi đọc “Những lá thư thời chiến” để sống lại 1 thời hào hùng của dân tộc, một thời:

“’Ôi! Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt,

 Như mẹ cha ta, như vợ như chồng.

 Ôi! Tổ quốc nếu cần ta chết,

Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi,  dòng sông”.

( Chế Lan Viên)

 

Chúng ta hãy đọc để thấu hiểu tấm lòng của nhà văn Đặng Vương Hưng bởi anh đã làm cho những con chữ vô tri vô giác trở thành những hình ảnh sống động, những âm thanh vang vọng, đưa những linh hồn phiêu bạt về bên cạnh ta, nhắc ta phải biết sống thế nào trước hiện tại. Nếu không có sự tập hợp của anh, qua thời gian những lá thư sẽ bị mục nát và đi vào quên lãng nhưng giờ đây nó được nằm trong 1 cuốn sách, đến với hàng triệu độc giả và những liệt sỹ viết sử bất đắc dĩ đó sẽ bất diệt trong lòng mọi người!

Xin cảm ơn anh và xin được gửi tới anh lòng tôn kính, biết ơn!

Tp. HCM tháng 7/2015

Cucnt


 


Người post: CucNT

Ngày đăng: 16-07-2015 22:10






Xem 11 - 14 của tổng số 14 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: Guest Lộc kgu72
17/07/2015 15:15:56

Đọc bài của Cúc nước mắt chị cứ chảy mãi nhoè cả kính, cám ơn Cúc nhiều. Những người như bọn chị(hsmn) sẽ tìm ở những  trang sách này nhiều lắm ,những gì của một phần cuộc đời mình. Chị nhớ ngày chị học khoảng lớp 4,5 gì đó chị cũng nhận được thư của Ba chị gởi ra Bắc(theo một đường dây bí mật, đặc biệt) bao giờ trên đầu trang ông cũng viết: "Miền Nam Đau Thương Và Anh Dũng ngày ..".Sau đó vài năm thì ông hy sinh vì bị lộ (ông là cán bộ nằm vùng ,được Đảng cử ở lại MN để gây dựng phong trào CM) mà khi sách giáo khoa thời đó có bài thơ:" Mộ Anh Hoa Nở " chị cứ đinh ninh nhà thơ này viết về ông:"Thằng này là cộng sản, Không được đứa nào chôn, không được đứa nào chôn..."  Cám ơn  cúc, cám ơn nhà văn Đặng vương Hưng...nhất định chị sẽ tìm mua và đoc để hiểu thêm dân tộc mình hiểu thêm cuộc kháng chiến thần thánh của chúng ta



Từ: Guest BìnhPT
17/07/2015 14:28:24

Gần 50 năm trôi qua anh Khánh vẫn giữ được các bức thư đáng giá! Cám ơn anh đã chia sẻ! Do biết anh nên thấy các bức thư cũng gần gũi hơn chứ không có cảm giác văn học xen vào!


Một thời niềm vinh dự và tự hào thật khác so với bây giờ!


Cảm ơn em Cúc đã giới thiệu sách và những điều tâm huyết!



Từ: KhanhT
17/07/2015 06:57:17

Ơ, ngẫu nhiên làm sao, hôm nay mình vừa lục ra đọc lại những lưu bút của bạn bè một thời tuổi trẻ khi chia tay tiễn mình lên đường nhập ngũ, thì lên mạng đọc được bài này của Cuc về những lá thư thời chiến. Những lời “lưu bút’ chân tình, mộc mạc và trong sáng làm sao! Người ra đi, ở lại, đi sau, cùng một ý chí, lên đường nhập ngũ cảm thấy vinh dự và tự hào được cầm súng vào mặt trận chiến đấu bảo vệ Tổ quốc:



và của một bạn nam:




Từ: NghiPH
17/07/2015 05:43:58

 


 


 


 


 


Những lá thư thời chiến do Đặng Vương Hưng sưu tầm thật quý giá. Không có người đứng ra thu thập, biên tập, xuất bản thì có thể một thời gian nữa các lá thư thời chiến này không còn nữa. 
Đọc những bức thư của những người lính tôi rất xúc động. Tôi đã từng là một người lính hay viết thư về nhà cho thày mẹ, anh chị em trong gia đình. Tôi cũng như các đồng đội  trông ngày ngóng đêm, mong nhận thư nhà. Một người nhận thư thì cả tiểu đội cùng được đọc, được chia sẻ. 


Những bức thư mang hơi thở chiến trường, mang tâm trạng của những người lính, tình yêu của người lính đối với gia đình, quê hương, đất nước, Tổ quốc. Tình yêu, tình cảm trong các lá thư bình dị mà cao đẹp, mộc mạc mà đằm thắm. 


Trong tập sách này có cả những bức thư của những người lính bên kia chiến tuyến. Là người lính họ cũng có những tâm trạng, tình cảm như chúng tôi. 


Cảm ơn anh Đặng Vương Hưng đã bỏ công sức ra sưu tầm, thu thập, biên tập và cho xuất bản Những lá thư thời chiến. 


Cảm ơn em Cúc đã giới thiệu, đã gửi tặng sách quý, đã viết những dòng cảm tưởng hay và xúc động về những lá thư thời chiến. 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s