GẶP GỠ KGU
Tác giả: CucNT
GẶP GỠ KGU
Hồi cấp 3 tôi học chuyên văn, chúng tôi thả hồn theo những vẫn thơ, áng văn treo lơ lửng trên khoảng không bao la của vũ trụ, gọi tình yêu là xúc cảm của vô vàn vì sao tinh tú. Một ánh trăng thanh, 1 chớp sáng xanh trên bầu trời cũng gợi chúng tôi liên tưởng những nét đẹp lãng mạn của tình người bao la.Chúng tôi ở ký túc xá cùng các bạn học toán, học lý, các bạn bảo với chúng tôi các hiện tượng trong tự nhiên đều có nguyên nhân của nó, hãy học môn vật lý thật tốt sẽ hiểu thêm được nhiều điều kỳ diệu của thiên nhiên. Tôi đọc ở đâu đó định nghĩa về Vật lý “Vật lý là môn khoa học tự nhiên lãng mạn. Sự lãng mạn của vật lý là ánh lấp lánh của những tinh cầu, sự lung linh của những hành tinh trên dải Ngân Hà, là sự long lanh của những hạt cơ bản cấu thành trên vũ trụ, là sự tương đối và tuyệt đối của thời gian- không gian, và cả sự im lặng thách thức của siêu nhiên…” Nhưng rồi chúng tôi không học môn vật lý, vào đại học, chúng tôi học Luật. Sau này khi Tổng Giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc thành lập hội Kgu, đã gọi chúng tôi là dân “Cãi cọ”. Chúng tôi biết nhiều về các anh chị em trong các ngành học khác như “Chai, lọ “ ( hóa) đặc biệt cái tên “Vờ lờ” ( vật Lý) làm tôi thích thú. Hẳn là những người này cũng hay để “Tâm hồn treo ngược cành cây” như mình đây. Khi biết thêm về nhiều người Kgu, tôi thật sự ngưỡng mộ vì dân ‘Vờ Lờ” đúng là những nhà khoa học kiêm nhà thơ, nhà văn đại tài.
Năm 1993 , Giáo sư Trần Thanh Vân theo đề nghị của Gs Nguyễn VănHiệu, lúc đó là Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam đã tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam” thu hút hàng trăm nhà vật lý nổi tiếng trên thế giới nhằm trình bày những kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực vật lý và thiên văn. Giáo sư Trần Thanh Vân sinh năm 1936 tại Đồng hới, Quảng Bình, học trung học tại Huế, tốt nghiệp cử nhân vật lý năm 1957, tiến Sỹ vật lý năm 1963 tại Paris. Hiện ông sống và làm việc tại Viên hàn lâm khoa học Pháp nhưng luôn yêu quê hương đất nước tha thiết. Ông tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam” với mong muốn kêu gọi các tài năng, các nhà khoa học Việt nam trên thế giới hướng về quê hương, đóng góp công sức trí tuệ cho sự phát triển của nước nhà.
Kể từ năm 1993, hàng năm “Gặp gỡ Việt nam" lại diễn ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Những năm trước, các nhà vật lý của Kgu đều về tham gia hội nghị, tiếc là những dịp đó tôi bận nên không gặp được họ. Năm nay,giáo sư Thoa thông báo trên email Kgu, “Gặp mặt 3 Việt Kiều Kgu” vào tối thứ 5, ngày 23/07 tại nhà hàng Ks Athena , Q 10. Đã được biết họ qua lời kể của anh chị em Kgu nhưng “Trăm nghe không bằng 1 thấy” nên tôi đã đến cuộc gặp gỡ với niềm háo hức. Nhân viên Khách sạn chỉ cho tôi lên lầu 11. Gần 40 người đã có mặt đầy đủ xung quanh 4 chiếc bàn sang trọng.
Hội trưởng Thắng nêu lý do buổi gặp “Những người bạn thân yêu của chúng ta đã thành đạt trên nước bạn nhưng luôn mong ước đóng góp cho đất Việt đã có mặt ở Việt Nam tham gia hội thảo nhằm đóng góp kiến thức của mình cho quê hương.
Hôm nay, chúng ta hội tụ để chúc mừng họ, để kết nối và để khắng định gia đình Kgu luôn gắn bó và yêu thương nhau”. Những ly bia vàng óng được rót ra, những chiếc ly chạm vào nhau lanh canh âm vang 1 niềm vui náo nức. Tôi ngồi bên anh Quốc Anh và anh Mai Xuân Lý.
ANH TƯỜNG, MAI XUÂN LÝ, QUỐC ANH, CUCNT
Tôi tham gia hội Kgu muộn hơn mọi người và một trong những lý do gợi lên trong tôi ý định tham gia là khi tôi đọc bài viết của anh Mai Xuân Lý “Gửi những người bạn chưa 1 lần gặp mặt”. Từ Ba Lan, anh gửi tới những người bạn Kgu tình cảm thân thiết, ấm nồng và mong ước sự kết nối sẽ mãi mãi dù có những người bạn chưa 1 lần gặp mặt. Giá trị của văn học là đây, tôi nghĩ thế, bởi chỉ qua những con chữ thôi người ta đã có thể yêu thương nhau. Khi tham gia rồi, tôi hiểu sâu sắc nó không đơn thuần là văn học mà chính tình người chung 1 mái trường, chung những thầy cô và những kiến thức, những cảm nhận, những trách nhiệm riêng, chung về cuộc sống đã gắn người Kgu lại với nhau. Tôi nói với anh Lý "Lần đầu được gặp anh nhưng em đã biết về anh từ lâu, đó là vào năm 2013 khi báo VNExpress đưa tin “Một nhà khoa học Việt Nam được tổng thống Bronislav Komoruwsky trao quyết định phong hàm giáo sư cấp nhà nước. Buổi trao nhận diễn ra hôm 22/04/2013 tại phủ tổng thống Ba Lan". Thật vinh dự cho người Việt Nam, tôi vừa đọc vừa nghĩ và khi đọc đến dòng “Giáo sư Mai Xuân Lý sinh năm 1953 tại Thanh Hóa. Ông tốt nhiệp phổ thông năm 1970, Từ năm 1970 đến 1976 ông học tại trường Đại học Tổng hợp Khishinew, Mondova, chuyên ngành vật lý lý thuyết…” thì trong tôi dào lên 1 niềm tự hào khôn tả “Là người Kgu của mình đây!”. Anh làm việc tại Viện hàn lâm khoa học Ba Lan, công việc của 1 nhà nghiên cứu hẳn là bận lắm nhưng anh đúng là nhà khoa học lãng mạn bởi thơ anh đã làm rung cảm bao người. . “Em về rồi biển không còn xanh nữa…” . Nhà thơ, nhà văn, nhà bình luận văn học, Ngài Đại tá Chu Kỳ Minh đã bình luận “Biển bao giờ cũng xanh, xanh màu của nước biển, của trời biếc. Đó là 1 hiện tượng vật lý bình thường, muôn thủa của trái đất này…Nhưng khi em về rồi, biển trở nên tăm tối, mịt mờ , hình như biển cũng hiểu nỗi lòng của mình thì phải”… Bài thơ tác giả đề tặng vợ mình, chị Tâm “Người Kgu” người đã được anh chị em Kgu giới thiệu “ Đằng sau sự thành công của đàn ông là bóng dáng của người vợ” thì chị Tâm đúng là người phụ nữ đó. Tôi chợt nghĩ, nếu anh không đề tặng ai, cứ để lửng lơ như thế hẳn là nhiều phụ nữ mơ ước mình là nhân vật làm thay đổi hiện tượng vật lý của đất trời trong cảm xúc của anh mà không cần bất cứ chất xúc tác nào. Tôi bảo với anh “Giờ em mới được gặp anh nhưng em biết anh qua trang web Kgu rồi, em rất mến mộ anh”. Thật bất ngờ, anh bảo “Anh biết em lâu rồi, từ khi em bắt đầu đăng bài, anh vẫn thường đọc và thích những bài em viết nhưng anh chưa comment bài viết của em vì chưa gặp trực tiếp em”. Trong tôi lóe lên 1 tia hy vọng, vậy là từ nay, nếu mình viết hay, sẽ được anh comment đây, phải cố lên mới được. Tiếng nói chuyện râm ran khắp các bàn. Anh Thắng giới thiệu là hôm nay còn có chị Thủy từ Hà Nội vào nữa. Những bài hát tiếng Nga được cất lên,”Đôi bờ”, “Chiều trên bến cảng” vv . Anh Thắng kể trước đây, anh cứ nghĩ ưu thế của anh là bóng đá, thế rồi trong 1 cuộc hội nghị Nga - Việt tổ chức tại Tp. HCM, khi hơi rượu đã sương sương, anh bảo mấy ca sỹ Việt Nam chưa sống ở Nga nên hát bài tiếng Nga không có hồn, để anh hát cho, anh cầm micro lên sân khấu và khi bài hát “Chiều ngoại ô Matxcva” của anh cất lên thì cả hội trường im phắc chuồi theo nguồn cảm xúc trong lời hát của anh. Khi anh ngững lời thì những tiếng vỗ tay vang dội cất lên, nhiều người cầm cốc chạy đến chúc mừng chàng ca sỹ hát tiếng Nga tuyệt hảo. Từ đó, anh có thêm ưu thế làm ca sỹ nữa. Tôi bảo với anh “May anh là viện trưởng viện sinh học, anh mà ở trong giới nghệ sỹ thì làm khổ nhiều phụ nữ lắm đây!”. Các chị Cấp, Hoa, Lộc, anh Diệp Chí Mậu, những người có bài viết rất xúc động gần đây trên trang web Kgu đều có mặt. Mừng cho em Cúc là các anh chị đọc bài giới thiệu của em về “Những lá thư thời chiến” đều xúc động và xin em số tài khoản của nhà văn Đặng Vương Hưng để gửi tiển mua sách. Anh Uyển hát bài tiếng Nga và bài hát tiếng Việt ra đời cách đây 40 năm nhưng bây giờ cất lên ai cũng xao xuyến, bồi hồi.
Những ly bia lại nâng lên, tiếng “Dzô! Dzô!” Át cả tiếng nhạc.
Anh Quốc Anh nâng ly chạm cùng mọi người nhưng tôi để ý thấy anh uống rất ít. Anh là dân vật lý nhưng giờ là chuyên gia tin học, chồng của chị Quê Hương. Anh chị định cư tại Mỹ cùng 2 con. Tôi đã được đọc bài viết của chị Hồng Vân về 2 con anh chị là những họa sỹ tài ba trong tương lai. Tôi chúc mừng anh và hỏi thăm anh về cuộc sống. Anh kể chị Quê Hương trước làm việc ở Viện khoa học Việt Nam, sau qua Mỹ làm tiến sỹ và trở thành giáo sư nghành vật lý. Chị nghiên cứu về vật liệu Nano Graphene và gốc – Graphene. Hàng năm anh chị vẫn về Việt Nam thăm quê hương, xứ sở, gia đình, bạn bè bởi dù ở đâu thì nước Việt vẫn luôn trong lòng mỗi người. Tôi thấy anh và anh Lý thật hiền và trẻ hơn tuổi rất nhiều. Có lẽ những người làm khoa học ít bon chen với cuộc sống đời thường nên họ hiền hậu và trẻ trung hơn quy luật tự nhiên của con người.
MAI XUÂN LÝ, CUCNT, DIỆP CHÍ MẬU, QUỐC ANH.
Tôi cầm ly qua bàn ngồi cùng chị Quê Hương “Giờ em mới được gặp chị nhưng em đã biết chị qua lời kể của các anh chị Kgu khác”. “Chị cũng biết em lâu rồi, khi em mới viết bài, chị hỏi về em và Cần kể cho chị nghe về em!” Thật là xúc động! Thì ra không ai hờ hững cả, ai cũng gắn bó với hội Kgu và thường xuyên vào trang web để biết tin về bạn mình. Ngày ở Kishinew, em ở cùng phòng với chị Nguyễn Ái Cần, chị ấy là người phụ nữ có cái đầu thông minh nhất mà trong cuộc đời, em gặp được ít người như thế. Khi nghe tin chị ấy trở thành vợ của Đàm Thanh Sơn- Nay là giáo sư khoa vật lý của Viện Đại học Washington đồng thời là học giả cao cấp (senior Fellow) tại viện vật lý hạt nhân trực thuộc viện đại học này, bọn em nói với nhau “Hai cái đầu thông minh như thế gặp nhau hẳn là con họ sẽ trở thành thiên tài”.
Tôi xin chụp ảnh với chị, chị đồng ý dù chị Hồng Vân bảo rằng chị Quê Hương khống muốn mọi người nhắc đến chị nhiều trên trang web.
Không nhắc làm sao được khi người Kgu nào qua Mỹ cũng được anh chị đón tiếp chu đáo, nồng nhiệt như đón người thân trong gia đình. Tôi bảo với chị, em tham gia trang web Kgu sau này nên chưa đọc những bài thủa hồng hoang, chưa biết đến văn phong của chị nhưng đã đọc nhiều tác phẩm của ba chị, nhà văn Nguyễn Thành Long, đặc biệt bọn em rất thích chuyện vừa “Lặng lẽ Sa Pa”. Tiểu thuyết mang tên lặng lẽ nhưng âm thầm sống trong lòng độc giả qua năm tháng bởi bức chân dung về Sa Pa chẳng lặng lẽ chút nào mà nó in dấu ấn tiêu biểu về vẻ đẹp tinh thần, tình cảm của những thanh niên thời đó. Những nhà vật lý thường làm thơ, viết truyện rất hay vì bản thân họ là những người vừa có tính chính xác trong khoa học vừa là những người có tâm hồn lãng mạn. Với gia đình chị Quê Hương thì ngược lại, nhà văn đã sản sinh cho nhân loại 2 giáo sư vật lý tài ba (chị và em gái chị) Tôi nói chuyện với chị 1 lát, nhắc tên nhiều người chúng tôi cùng biết nhất là Hội trưởng Ngọc và nữ Đại sứ Thanh Huyền. Tôi bảo, em mơ ước được đi du lịch ở Mỹ, chị sẽ đón em chứ? “Nhất định rồi!”, Chị trả lời ân tình, thân thiết. Tôi mơ tới 1 ngày trên đất Mỹ sẽ đến ngôi nhà “Welcome neighbors” của chị, sẽ cảm nhận tình người Việt ấm áp nơi xứ người đầy tuyết và tôi sẽ được gặp lại chị Ái Cần, người chị tôi rất ái mộ mà từ khi rời xa Kishinew tới nay tôi chưa được gặp lại.
Thêm 1 người nữa bước vào , anh Cao Xuân Vịnh, anh mới từ Hà Nội bay vào, nhận tin là đến thẳng đây luôn. Mọi người lại nâng ly chúc cho cuộc hội ngộ. Chị Ngân thướt tha trong chiếc váy xinh đẹp cất tiếng hát bài “Thơ tình cuối mùa Thu”, tất cả lại im phắc cảm nhận tiếng hát ngọt ngào của chị ngấm vào trong tim giai điệu với lời nhắn gửi “Chỉ còn em và anh cùng tình yêu ở lại”.
Tiếng nhạc nổi lên, nhiều người rời bàn ra phòng nhún nhảy.
Đẹp nhất là cặp đôi hoàn hảo Ánh Tuyết, Hoàng Anh. Chị Tuyết mặc chiếc đầm xòe, nhìn chị cứ như em bé thiếu niên 50 năm trước của nhà văn hóa thiếu nhi Hà Nội. Chị Bồng Lai, Kim Anh, Hòa, Cấp vv nhảy thật đẹp. Em Cúc đứng lắc lư theo điệu nhạc 1 chút rồi quay về bàn. Anh Tuấn nói với em, “Khi báo mạng đang tràn ngập nhiều tư tưởng, giọng văn khác nhau thì những bài em viết luôn mang âm hưởng “Cách mạng”, bộc lộ sự tích cực vv. Tôi nói với anh, những điều mọi người trách cứ chúng ta đều biết nhưng cuộc sống vẫn còn rất nhiều điều rốt đẹp. Tuần trước, khi chị Tỵ ở Hà Nội vào, cả hội lại có mặt ở nhà chị Thoa, 2 vợ chồng là giáo sư ở trên tầng 4 của chung cư Trần Hưng Đạo, nhà ở còn chật chội nhưng 2 vợ chồng vẫn hăng say công tác, tận tụy với việc đào tạo bao thế hệ sinh viên trở thành những kỹ sư tài ba. Lúc nào, công việc gì các chị Tuyết, Lâm, Lam, Bồng lai, Ngân, Thu Hồng, Thoa vv cũng đầu tàu gương mẫu. Rồi những người như anh Tuấn thường xuyên tự nguyện chụp ảnh để cung cấp tư liệu cho em Cúc viết bài. Em toàn gặp người tốt làm sao em có thể viết tiêu cực được. Nếu ai còn nghi ngờ lòng tốt của con người, hãy tham gia hội Kgu, sự hoài nghi của họ sẽ bị bẻ gãy”. Tôi lại nhớ tới lời của giáo sư vật lý, thiên văn học Trịnh Xuân Thuận “ Đằng sau 1 thời kỳ phát triển thái cực là 1 giai đoạn rơi vào khủng hoẳng, là tình trạng hỗn độn. Bên trong sự hỗn độn là ước mong về 1 cuộc sống hài hòa. Hài hòa mang khuôn mặt của sự phát triển bền vững…Muốn có 1 xã hội hài hòa và bên vững, mỗi cá nhân cần thiết thấu hiểu giá trị hài hòa của chính mình trong cộng đồng…”
Vui, vui lắm nhưng muộn rồi, phải về thôi . Mọi người nâng ly chúc mừng nhau và cùng ăn những lát sô cô la ngọt ngào anh chị Quốc Anh, Quê Hương mang từ Mỹ về. Những cái bắt tay và ôm nhau không rời với lời hứa hẹn sẽ gặp nhau lần sau. Tôi ra về trong niềm vui lâng lâng, rằng nhũng Việt Kiều yêu nước như anh Lý, Quốc Anh, chị Quê Hương cùng với hội Kgu đã làm cho xã hội này hài hòa hơn và mỗi người đều thấy lãng mạn hơn yêu đời hơn qua mỗi lần gặp gỡ ấm áp tình thân như thế này.
Và tôi muốn kết thúc bài viết này bằng 1 định nghĩa về vật lý: "Nếu thi ca đi tìm cái đẹp, triết học đi tìm sự khôn ngoan, tôn giáo đi tìm thấn linh thì khoa học đi tìm sự thông thái. Vật lý trên con đường đi tìm sự thấu hiểu đã ấp ui một khát vọng khôn cùng là Lý thuyết cuối cùng ( The Final Theory) như môt biểu hiện tột cùng của sự lãng mạn".
Tp. HCM ngày 26/07/2015
Cucnt
”
Người post: CucNT
Ngày đăng: 27-07-2015 01:01
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 11 - 20 của tổng số 32 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |