KGU News >>Người KGU
KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 11 Tháng tám. 2015

Gia đình nhỏ của tôi




Tác giả: Nguyễn Tiến Nguyên

GIA ĐÌNH NHỎ CỦA TÔI

 

   Mẹ tôi là con nhà khá giả, trong gia đình có 7 anh ,chị ,em. Mẹ có dáng người nhỏ nhắn, khá xinh và nết na. Bên nội tôi nghèo hơn, ba tôi là con cả, dáng cao to,  biết chữ nho, làm nghề bắt mạch bốc thuốc, chữa bệnh cho dân trong vùng. Ba được các chú, các bác thế hệ đảng viên năm 1930 dìu dắt đi theo kháng chiến .
   Nhà mẹ  tôi ở thôn trên, cạnh đường tầu xe lửa còn nhà ba ở thôn dưới, gần quốc lộ 1. Thời đó còn nặng về môn đăng hộ đối, ông, bà ngoại tôi không đồng ý để ba lấy mẹ .
   Ngày, tháng trôi đi, tình yêu chân thành của ba đã  thuyết phục được ông bà ngoại và cuốn hút được mẹ về làm dâu nhà nghèo.
   Dân gian có câu "trăm dâu đổ đầu dâu trưởng. Mẹ tôi là dâu trưởng, thật vất vả, lo quán xuyến nề nếp trong, ngoài gia đình chồng. Ông nội tôi mất sớm. Bà nội là mẹ chồng rất nóng tính, miệng lúc nào cũng nhai trầu bỏm bẻm. Khi nào được gần bà, tôi cũng giành ngoáy trầu cho bà ăn. Nội tôi có ba nàng dâu thì dâu nào cũng bị đòn của nội, mỗi khi làm trái ý bà. Hàng ngày công việc đồng áng nặng nhọc, mẹ tôi dường như không lúc nào rảnh rang . Những năm sau này, nội tôi tham gia tích cực trong các hội đoàn kháng chiến. Được giao tiếp với nhiều người cán bộ cách mạng, nếp sống mới đã làm nội tôi thay đổi cách cư xử với các nàng dâu.
   Vào đầu những năm 1950, khu uỷ khu 5 có quyết định: Bí mật điều động những cán bộ cốt cán ở các địa phương chi viện cho khu uỷ khu 6, gồm các tỉnh Phú Yên ,Ninh Thuận , Bình Thuận.Tại các tỉnh này lúc đó cán bộ còn thiếu nhiều, địa bàn  hoạt động trong vùng địch rất phức tạp, hiểm nguy .
   Ba tôi được cấp trên điều về hoạt động bí mật tại huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận.Từ đó mọi tin tức về hoạt động, cuộc sống của ba tôi trong lòng địch cấp trên luôn giữ bí mật, không cho gia đình biết. Mẹ ở nhà, ngày đêm bồn chồn, lo lắng ngóng chờ tin ba, cầu mong mọi điều may  mắn đến với ba.
Năm 1954, sau hiệp định  Geneve, một nửa đất nước có hoà bình, miền nam tiếp tục bị Pháp chiếm đóng. Ba tôi không đi tập kết ở lại bám trụ, hoạt động bí mật .
   Nhớ về ngày ba còn ở nhà, ông thường mặc bộ bà ba lụa mỏng, sáng mầu, áo có hai túi ở trước, chân đi đôi guốc mộc. Chị em tôi thường lăng xăng bên ba khi ông bốc thuốc cho khách . Ba đi rồi, dụng cụ, đồ nghề làm thuốc của ba vẫn còn đó: Thuyền tán, dao cầu cắt dược liệu, cân thuốc mà giờ đây chúng trở nên lạnh lẽo, xa lạ. Chiều chiều, chị em tôi thường rủ nhau vô lục tủ thuốc của ba tìm táo tàu , cam thảo, quế để ăn .
   Ba đi thoát ly, bà nội thương tôi nhiều hơn mấy đứa cháu khác. Hàng đêm bà bảo tôi lên ngủ với bà. Chị tôi và cậu út ngủ với mẹ. Mẹ nằm giữa để hai con không tranh nhau nằm gần mẹ .Về khuya, mẹ nhẹ nhàng đặt em vào giữa để tiện cho mẹ dậy sớm, không làm các con thức giấc .
   Ngày ấy, quê tôi là vùng tự do. Người dân yêu nước, sục sôi khí thế thế cách mạng, tổ chức đội du kích, tham gia vào các hội đoàn. Mẹ và nội tôi tham gia công tác trong "Hội mẹ chiến sỹ ". Mẹ thường đi vào các chợ để tuyên truyền, phát triển hội viên.
   Chợ quê tôi họp vào cuối buổi chiều cho đến tận đêm. Ban ngày, mọi người bận việc đồng áng và các hoạt động phòng chống địch đổ bộ tàn phá làng quê. Có lần được mẹ dắt theo vào chợ, khu chợ quê cách nhà không xa lắm. Chợ đông vui. Từ xa, những ngọn đèn dầu nhấp nháy như sao đêm.
Có cả những người Thượng trong những bộ quần áo dân tộc lạ mắt cùng xuống chợ . Dân dưới xuôi quê tôi gọi người dân tộc miền núi là Thượng,vì họ sống trên vùng cao. Đồng bào Thượng xuống đồng bằng cùng với các sản vật của núi rừng: chà là, trái sim, mật ong ... Đi chợ với mẹ thế nào cũng được mẹ mua cho kẹo mạch nha, bánh tráng. Buổi chợ đang đông vui, mẹ vội vã dắt tôi ra về để kịp nấu bữa cơn tối cho cả nhà.
   Đã lâu, chị tôi không có ở nhà. Tôi nghĩ chắc chị về thăm ngoại. Những lúc khó khăn, một mình không thể vượt qua được, mẹ đành phải gởi chị em tôi về ngoại nương tựa một thời gian. Ở nhà, chỉ còn cậu út và mẹ. Mẹ kéo tôi lại gần và bảo ngày mai mẹ sẽ đưa con đi gặp chị .
   Hôm sau, trước lúc đi, đến trước bàn thờ thắp mấy
nén nhang, mẹ khấn cầu mong tổ tiên phù hộ cho gia đình và các con của mẹ được bình yên và may mắn. Đã gần trưa rồi, mẹ cho con ăn món cá nục hấp cuộn bánh tráng nướng - món ăn dân dã rất được ưa thích ở quê tôi. Mẹ dẫn tôi ra ga xép ở tận cuối làng để vào Quy Nhơn. Sân ga cũng đã đông người. Tôi vô tư vui đùa cùng bọn trẻ. Mẹ quay đi để dấu nỗi buồn phải xa con, lúc ngoảnh lại mắt mẹ đỏ hoe .
   Lần thứ hai mẹ tiễn con của mẹ tập kết ra bắc.Trước đó mấy tháng, chị tôi đã được các chú đến tận nhà dẫn đi. Mẹ cho chúng con ra đi vì mẹ tin tưởng chắc chắn rằng tương lai của các con mình sẽ tốt đẹp hơn nhiều cuộc đời của ba mẹ bây giờ.
Mãi đến hôm nay, tôi mới hiểu quyết định để hai chị em tôi, chưa ai quá 10 tuổi ra đi là quyết định khó khăn nhất của cuộc đời mẹ .
   Cậu út ở lại với mẹ, lớn lên tham gia du kích. Còn nhỏ tuổi nhưng em đã tham gia nhiều trận đánh Mỹ, nguỵ trên quê hương mình. Trong trận đánh đồn trên núi Chóp Vung, em tôi đã hy sinh.Từ nay thiếu vắng đứa con trai chăm sóc, an ủi mẹ. Căn nhà thêm trống vắng quạnh hiu.
   Những năm sau giải phóng,
Ban tổ chức tỉnh uỷ tỉnh Bình Thuận đã hết sức giúp đỡ để tôi tiếp xúc với các chú, các bác cùng hoạt động với ba trước đây, các cuốn sách về lịch sử đảng bộ tỉnh và huyện Hàm Tân có đoạn viết về hoạt động  của ba tôi .
   Trong cuốn "Tân Thắng truyền thống cách mạng " 1945 - 2010, Đảng bộ huyện Hàm Tân xuất bản năm 2012, có ghi : "Cuối năm 1961,đồng chí Nguyễn Cửu Kinh ( tên ba tôi khi đi hoạt động tại Hàm Tân ) trên đường đi công tác từ Hiệp Hoà về căn cứ bí mật của huyện, bị địch phục khích bắt đưa về  nhà lao Bình Tuy. Địch tra tấn dã man. Đồng chí Kinh không hề khai báo. Không khai thác được gì trước tinh thần trung kiên của đồng chí Kinh, địch đưa đồng chí đi thủ tiêu tại Láng Gòn. Đây là một tổn thất lớn cho phong trào cách mạng tại Hiệp Hoà".
   Điều tiếc nuối cứ dằn vặt mãi trong lòng cho đến tận bây giờ là tôi không có một tấm hình nào ghi lại hình ảnh gia đình: ba, mẹ và đứa em trai. Chỉ mường tượng khuôn mặt, hình dáng của ba, mẹ qua các chú, các dì khi về thăm quê sau giải phóng .
   Viết để chia sẻ cùng các bạn Hội KGU bởi biết rằng: Niềm vui
nhân đôi, tăng gấp bội. Nỗi buồn sẻ nửa, tan biến chẳng còn.


                                                        Tp HCM tháng 7/2015
                                                 Nguyễn Tiến Nguyên,
Hoá 72


Người post: TuyetHA

Ngày đăng: 11-08-2015 01:01






Xem 11 - 17 của tổng số 17 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: Guest Phạm Thị Ngọc Hoa Hoá 72
11/08/2015 20:28:48

"Tan biến chẳng còn...." Ba, mẹ và cả em trai của Nguyên hài cốt không còn, bia mộ không có...Câu chuyện về "Gia đình nhỏ của tôi" nhưng lại chẳng có được một bức ảnh nào của gia đình. Hình ảnh của ba chỉ còn lại "thuyền tán, dao cắt dược liệu, cân thuốc lạnh lẽo, xa lạ". Có lần tôi hỏi Nguyên:"Sau giải phóng có tìm được mẹ không?" Nguyên nói:"Lúc đó Nguyên còn tại ngũ, đơn vị đưa xe về tận quê. Chỉ còn lại cái nền nhà!!! Không tìm được mẹ!" Không biết còn bao nhiêu nỗi đau chiến tranh, nỗi buồn chiến tranh với từng gia đình nhỏ như gia đình của Nguyên.


Cám ơn Nguyên đã chia sẻ sự mất mát, nỗi đau mồ côi của chị em Nguyên để KGU gần nhau hơn, thương yêu nhau hơn và để nhắc ta luôn có trách nhiệm với thế hệ cha ông. Một ngày nào đó Nguyên chọn làm ngày giỗ cha mẹ, Nguyên thắp giùm Hoa một nén nhang trên bàn thờ không di ảnh. Hoa cầu chúc cho Ba Mẹ và em của Nguyên yên nghỉ.



Từ: TanhVH
11/08/2015 15:47:39

Bài viết của Anh Nguyên thật cảm động và xin chia sẻ nỗi buồn của Anh Nguyên.Cùng ở với nhau mấy năm tại Kishinhop mà mãi đến bây giờ mới rõ hoàn cảnh của anh. Thời sinh viên thật quá vô tư. Mong gia đình anh hạnh phúc và bên cạnh anh còn có những đứa em KGU nữa



Từ: Guest Tu Diepchi Mau H72
11/08/2015 15:05:47

Thoa ơi,me anh Nguyên cũng đã mất trước Giải phóng.Anh thật sự đã mồ côi cả cha lẫn mẹ từ 8 tuổi rồi.



Từ: ThoaNP
11/08/2015 05:53:17

Cảm ơn Anh Nguyên đã chia sẻ. Em khâm phục gia đình anh, khâm phục ba, mẹ và em anh. Em không tưởng tượng nổi nếu mình ở vị trí mẹ anh, mất cả chồng và con trong chiến tranh. Biết bao nhiêu hy sinh để giữ cho nước mình được như ngày hôm nay (dù còn vô vàn điều bất bình). Nhiều khi em cứ nghĩ mãi không biết phải làm gì để xứng đáng với những hy sinh của nhân dân mình.


Anh cho em gửi lời thăm Mẹ. Anh và cả nhà cố gắng sống thật hạnh phúc để Ba và em anh mỉm cười nơi suối vàng nhé.



Từ: TuyetHA
11/08/2015 04:01:33

Rất vui mừng và trân trọng các anh chị Khoá 72. Các anh các chị tuy gia nhập Hội KGU hơi muộn do không có thông tin trước đó về Hội mình nhưng khi đã tham gia, các anh các chị rất nhiệt tình làm cho hoạt động của Hội thêm sôi nổi, phong phú. Các bài viết của các anh, các chị thật chân tình, thật xúc động và làm cho Hội KGU của chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống gia đình của các anh, các chị, những người con của Thành đồng Tổ quốc trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ của Dân tộc.


@ Cám ơn anh Trần Tiến Nguyên đã chia sẻ câu chuyện về gia đình mình thật giản dị và cảm động, em nghĩ trong lòng người KGU,  má anh đã  là "Mẹ Việt Nam anh hùng" rồi, ! Em cứ hình dung chắc anh giống má anh lắm thì phải cũng dáng người nhỏ nhắn, nhẹ nhàng và có lẽ cũng rất chịu thương, chịu khó! Một lần nữa cám ơn anh!



Từ: Guest HoaiPV
11/08/2015 03:54:00

Thật đúng anh Nguyên à, "nỗi buồn sẻ nửa tan biến chẳng còn"! Mặc dù sẽ chẳng bao giờ nỗi buồn nhớ Ba Mẹ nguôi ngoai được, nhất là vào tuổi của Anh, tuổi của chúng em, khi đã trở thành Ba Mẹ, thành ông, thành bà, điều ấy càng khó hơn rất nhiều! Nhưng dù sao, anh đã viết ra thành lời, có nghĩa là anh sẽ có những anh chị, những đứa em được  chia sẻ cùng anh! Cầu mong các bác, những người đã mãi mãi đi xa - Ba Mẹ của anh, cũng như Ba Mẹ của những đứa con dưới mái ấm KGU - không bao giờ phải rầu lòng với những đứa con!



Từ: Guest tu Diep chi Mau Hoa 72
11/08/2015 02:56:56

That la mot ki niem buon nua ve cuoc chien đã qua cùa Dân tộc ta. Mặt du Nhà nước đã có nhiều chính sách tôn vinh những anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng cuộc sống cua mình cho dân tộc chúng ta trường tồn song vẫn chưa đủ và công bằng. Vẫn chưa thòa đáng vì trường hợp của gia đinh anh Nguyên. Nếu Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt nam anh hung cho phụ nữ thì ba anh Nguyên là liệt sĩ đã anh dũng hi sinh thân mình và có con trai cung là liệt sĩ(đủ tiêu chuẩn nếu là phụ nữ) sao không có danh hiệu "Người cha Việt nam anh hùng". Bai cua Nguyên thật hay và xúc động.




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s