ĐỌC ‘NHỮNG KẺ GIỜI HÀNH"
Cuộc sống hiện nay thật nhiều bất trắc đó là khi 1 chiếc xe đứt thắng có thể gây tai nạn liên hoàn, 1 cơn lũ có thể quyét đi rất nhiều tài sản và sinh mạng, 1 cơn bão tài chính đi qua có thể biến 1 đại gia thành kẻ cơ hàn vv Người ta giải thích cho sự may rủi ở đời bằng cái từ “nhân quả”…Thế rồi phong trào về với cội nguồn, tri ân tổ tiên trở nên rầm rộ hơn bao giờ hết. Những cái nghĩa trang ngày xưa âm u chỉ có hồn ma cô quanh nay được các gia đình đua nhau hối hả xây dựng lại, cái sau hoành tráng hơn cái trước để thể hiện đẳng cấp của mỗi gia đình.
Trong cái hỗn độn đó, tôi theo chân nhà văn Đặng Vương Hưng về với nghĩa trang Vạn Điềm để gặp lão Sầm, 1 công dân hạng 2 sống dưới đáy xã hội, một số phận bị người đời lãng quên, hắt hủi và tôi được gặp không chỉ lão mà thêm 1 số “ Những kẻ giời hành”.
Nhà thơ Chế Lan Viên từng thốt lên:
“Dẫu là Chúa cũng sinh ra từ giọt máu,
Ta sống ở đời sao thoát khỏi những cơn đau”.
Đành rằng là vậy, trong mỗi đời người, ai chẳng có những ngày hạnh phúc và những lúc khổ đau nhưng với lão Sầm thì hình như lão sinh ra chỉ để mà chịu đựng nỗi đau của kiếp người. Lão Sầm con ai, từ đâu đến, không ai biết, chỉ biết từ khi biết nhớ lão đã đi thuê cho hết người này đến người khác để kiếm bữa ăn. Đời lão tưởng như có thế chỉ có lao động quần quật để kiếm cái bỏ vào miệng cho qua cơn đói, rồi bạ đâu ngủ đó, bên đống rơm, cạnh cối xay, qua 1 ngày đến ngày khác . Nhưng nếu chỉ thế thôi thì lão Sầm không phải là con người cho nên tác giã đã độ lượng mang đến cho gã 1 người đàn bà, Hĩm Gái. Hình hài và thân phận của Hĩm Gái cũng ngang ngữa với lão Sầm. Hĩm Gái hơn Sầm đến chục tuổi, con của “thằng mõ” – chẳng sáng sủa gì hơn xuất thân vô tích của Sầm. Thế nhưng tình yêu, kết tinh của tinh thần tinh túy và bản năng giống nòi đã hút 2 người lại với nhau và hứa hẹn cho ra đời 1 đứa con- Niềm hạnh phúc vô biên của lão Sầm. Hai người sẽ làm thuê cuốc mướn, sẽ sống và nuôi con. Thế nhưng chiến tranh – cội nguồn của bao mất mát thương đau diễn ra và Sầm lên đường “đầu quân” vào Vệ Quốc. Hĩm Gái ở lại làng Đông cùng cái bụng ngày càng to ra.
Sầm cùng hàng vạn Vệ Quốc Quân đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. 10 năm sau, ra quân, Sầm háo hức về lại làng Đông với ước muốn bình dị của một người đàn ông sẽ cùng Hĩm Gái xây dựng gia đình, nuôi con khôn lớn. Thế nhưng Hĩm Gái đã phiêu bạt đi nơi khác bởi những trận đói và chiến tranh xảy ra ở làng Đông. Không ai thân thích, không chốn nương thân, lão quay lại tìm đơn vị cũ và trở thành người lính trong trận chiến chống giặc Mỹ xâm lược. Phải! Khi không còn ai thân thích thì đồng đội chính là điểm tựa chắc chắn nhất của mỗi người. Thêm 20 năm nữa trong quân ngũ với những chiến công thầm lặng lão Sầm lập được nhưng bị người khác cướp mất lão quay về làng Đông, nơi lão lớn lên và nơi đó đang cất giấu tình yêu của lão.Dù cuộc đời có trôi bạt đi đâu thì quê hương luôn là điểm nhấn để mỗi đứa con xa quê đều đáu đáu trông về.
Lão Sầm về làng và cũng nhờ có mối quan hệ trước đây với thủ trưởng Trần Đức nên lão mới được nhận làm chân trông coi nghĩa trang. Cái nơi không phải là “lắm người nhiều ma” mà chỉ toàn là ma. Cái nơi mà có lẽ chỉ có kẻ cùng đinh mạt hạng như lão Sầm mới nhận làm.
Theo chân lão Sầm, chúng ta gặp thêm những phận người nhỏ bé dưới đáy xã hội bị số phận vùi dập đến tả tơi. Hình như họ sinh ra để gánh chịu mọi bất hạnh, gian truân nơi dương thế đến tàn khốc. Lý giải cho sự phi lý đó chỉ có thể vẻn vẹn trong mấy từ “Những kẻ giời hành”.
Người đàn bà tên Xuyến gánh chịu nỗi đau chiến tranh khi chị là người có nhan sắc, tích cực tham gia phong trào đoàn xã nhưng rồi phải sống trong nghi án có chồng là Vũ Thành đi lính phản bội. Áp lực làm chị hóa điên. Bởi bản tính rất đàn bà đang trong thời kỳ nồng nhiệt nên chị trở thành kẻ bị “giời hành mộng ảo”,gặp người đàn ông nào cũng tưởng là chồng nên sẵn sàng quan hệ. Đâu đó trong cuộc sống vẫn có những con người thật bị điên tình như vậy nhưng đưa vào trang sách làm nên 1 nhân vật điển hình thì có lẽ chỉ có nhà văn Đạng Vương Hưng mới dũng cảm làm vậy.
Mọi nỗi đau của chị Xuyến và sự thiệt thòi của lão Sầm đều do kẻ đểu giả bị “bệnh háu gái “ là Hữu Hoạt gây ra. Hữu Hoạt mưu mô xảo trá cướp công của lão Sầm, của đồng đội để lên chức lên quyền và bằng đủ mánh khóe gian xảo Hữu Hoạt có cả tiền tài và địa vị. Khi có tiền rồi, lão triết lý “Cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng nhiều tiền”. Để “trả ơn” cho đồng đội đã từng cứu sống và nhường thành tích cho mình, Hữu Hoạt đã ép cháu gái của đồng đội yêu mình và xác lập một quan hệ nhân ngãi. Sự tán tận lương tâm của Hữu Hoạt đã khiến y bị “giời hành” khi đứa con trai duy nhất của y bị nghiện ma túy.
Câu chuyện đưa chúng ta đi từ sự kiện này đến sự kiện khác bằng những lời văn lôi cuốn từ bí ẩn thâm trầm đến ồn ào, náo nhiệt. Triết lý Châu Âu cho rằng “Tính cách làm nên số phận” còn câu chuyện này của Đặng Vương Hưng viết theo phong cách Á đông nên mang đậm tính tâm linh nhưng cũng nhằm nêu bật cốt lõi của vấn đề “nhân, quả”.
Chiến tranh đi qua đã 40 năm, nhiều số phận cho đến bây giờ cũng chưa ai biết được họ còn sống hay đã mất, họ là kẻ hèn nhát hay đấng anh hùng. Thi thoảng ta đọc những mẩu tin “Liệt sỹ trở về” và trong lòng những người thân có con em chưa trở về lại dấy lên hy vọng sẽ có ngày người ấy trở về bằng xương bằng thịt chứ không chỉ là bộ hài cốt.
Để cho liệt sỹ Vũ Thành được trở về và minh oan, tác giả đã giải thích bằng sự kiện tâm linh khi Hĩm Gái về báo mộng cho lão Sầm. Đi từ cõi hư đến cõi thực, lão Sầm đã tìm ra được những nhân chứng sống để trả lại danh dự cho Vũ Thành và giúp bà Xuyến tĩnh tâm trở lại. Dù bắt đầu bằng giấc mơ và kết thúc bằng thực tại thì người đọc vẫn thấy hoàn toàn có lý bởi tác giải đã khéo léo dẫn dắt người đọc đi từ sự kiện này qua sự kiện khác bằng những dẫn giải hết sức minh triết.
Kết quả có hậu cho những con người bị “giời hành” như Lão Sầm tìm được con trai là một chàng trai đàng hoàng, có nghề công an luôn bảo vệ công lý cho người dân và cuối đời con trai đã đưa vợ con về quê sống cùng lão. Bà Xuyến cùng lão Sầm kết duyên khi chiều tà bóng xế để 2 cái số phận đơn côi ấy nương tựa vào nhau trong ấm nồng tình nghĩa.
Hữu Hoạt cũng đã gị “giời hành” để rồi y nhận ra gieo mầm độc thì phải hái quả đắng. Về già, Hữu Hoạt làm việc thiện rất nhiều để chuộc lại lỗi lầm thời trai trẻ nên con lão đã cai nghiện được để trở thành 1 người có ích trong xã hội. Tác giả có tấm lòng vô cùng nhân ái nên tha thứ hết cho tất thảy. Riêng tôi, tôi muốn Hữu Hoạt phải trả giá thật đắt. Danh vọng, tiền bạc, tình ái y cướp được bằng mánh khóe tàn bạo thời trai trẻ, lẽ ra y phải chịu hình phạt thật tương ứng khi về già. Thế nhưng tác giả để cho y sám hối bằng những hành động nghĩa cử và nhờ đó, y thoát được “giời hành”.
Nhân vật chính trong tiểu thuyết này là lão Sầm với lời tự bạch “ Đời ta sướng ít, khổ nhiều. Sướng trong chốc lát, chẳng được bao nhiêu, còn nỗi khổ thì triền miên, lắm lúc nhục hơn con chó”. Ta đi theo từng chặng đường của lão Sầm, gặp thêm những nhân vật dưới đáy xã hội như Tí “chuột”, Quản “ chột” để cùng tác giả cảm thông cuộc sống thê lương của những kiếp người. Và nơi đó, trong cái cuộc sống u tối đó lóe lên nhân cách cao thượng của con người. Dù đói nghèo và có khi phải ăn cắp để sống thì lớp người đó vẫn mang trong mình tình người bao la. Dù lắm lúc “nhục hơn con chó” thì lão Sầm vẫn chưa bao giờ làm gì hại ai và cũng chưa bao giờ nuôi trong lòng sự thù tức với ai. Trong giai đoạn hiện nay, rất nhiều người tin vào tâm linh thường đến các đền chùa miếu mạo để cầu xin bình an, bổng lộc thì đọc tiểu thuyết “Những kẻ giời hành” của Đặng Vương Hưng ta nhận ra rằng tâm linh là có thật, xung quanh ta những linh hồn vẫn còn lẩn quẩn nhưng sẽ chẳng có thần linh nào giúp ta bằng chính ta. Hãy chân thật với chính mình và sống lương thiện với xung quanh thì nếu ông giời có nỡ hành ta lúc trước sẽ trả lại công bằng cho ta về sau.
Cảm ơn nhà văn Đặng Vương Hưng đã lặn sâu vào kiếp người khổ ải, sống cùng họ, xẻ chia cùng họ rồi đưa họ đến cùng ta để ta hiểu thêm về những số phận, những kiếp người mà đôi khi ta lướt qua họ với thái độ bàng quang như họ chỉ là những phận người chỉ biết kiếm miếng ăn làm lẽ sống.
Hãy đọc đi bạn! Đọc “Những kẻ giời hành” để ta thấy dù là những người “mạt hạng” nhất đi nữa thì bên trong hình hài đó là những tâm hồn sống động, khao khát được yêu, được sống được làm việc thiện và mong ước được đền đáp sự công bằng.
Cùng tác giả rơi nước mắt trên những kiếp người, ta sẽ thấy mình không còn vô tâm nữa.
Tp. HCM tháng 9/2015.
Cucnt