KGU News >>Người KGU
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 24 Tháng chín. 2015

NHỮNG KÝ ỨC VỀ BA CU




Tác giả: Diệp Chí Mậu

NHỮNG KÝ ỨC VỀ BAKU

 

              Tháng 8 năm1966, chúng tôi là lứa sinh viên thứ 2 sang Liên xô học theo diện nước bạn đào tạo cán bộ kỉ thuật cho Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam.   

             Tại Moskva,đoàn chúng tôi được đón tiếp trọng thể với dàn nhạc kèn trống và rất nhiều biểu ngữ cùng các quan khách nước Bạn, cán bộ Đại sứ quán Việt nam tại Liên xô, các anh chị sinh viên, nghiên cứu sinh Việt nam. Các biểu ngữ mang dòng chữ “Vinh quang thay nhân dân Việt nam anh hùng”, ’’Chào mừng con em của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền nam Việt nam”…được phất cao với không khí trang nghiêm, âm thanh rộn rã khiến chúng tôi thật tự hào khi cảm nhận được ánh hào quang của Dân tộc mà chúng tôi may mắn được hưởng trong giờ phút này.

           Sau nhiều giờ, tàu hỏa đưa chúng tôi đến thủ đô Ba ku của nước Cộng hòa Azerbaijan. Đoàn xe đưa chúng tôi về đến khuôn viên rộng lớn của Viện Dầu nổi tiếng, tại đây chúng tôi cũng được chào đón nồng nhiệt. Anh Nguyễn Giao (nghiên cứu sinh về dầu) làm phiên dịch giới thiệu ông Viện trưởng phát biểu chào mừng trong sự có mặt rất đông các thầy, cô giáo của trường, các bạn sinh viên của các nước châu Phi, Mỹ Latinh, Indonexia …Chúng tôi được thông báo sẽ học 1 năm dự bị tại đây với các môn tiếng Nga và ôn tập các kiến thức về toán học, vật lí…của chương trình phổ thông cuối cấp 3 (Nhà trường cho rằng chúng tôi bị hổng kiến thức do chiến tranh) thay vì chỉ phải học tiếng Nga như được biết trước đó.

           Chúng tôi nhanh chóng làm quen với cuộc sống mới một phần nhờ một số anh, chị cùng diện đi học khóa trước với nhiều lí do còn ở lại trường (hoặc sức khỏe,hoặc học lực yếu…) sẽ cùng học với chúng tôi, truyền đạt cho. Chúng tôi sinh hoạt và học tập ngay trong tòa nhà 4 tầng được thiết kế đẹp và thuận tiện: Tầng trệt là các lớp học, văn phòng các khoa, các tầng trên là nơi ở của chúng tôi. Mỗi phòng  ở khá rộng rãi giành cho 4 người. Nhà trường bố trí một sinh viên Nga ở cùng để giúp chúng tôi học ngoại ngữ này.

           Tôi may mắn được ở cùng phòng với Frank- một sinh viên năm cuối học ngành Xây dựng. Frank cùng hai người bạn thân cùng quê vùng Bantich. Ba người họ đều cao lớn, đẹp trai, lịch sự và vô cùng tốt bụng. Họ cùng chung sở thích là nghe nhạc, miệt mài với những bản vẽ kỹ thuật và mỗi người có một cô gái cũng tuyệt vời như họ. Lần đầu tiên tôi được nghe những bài hát tiếng Pháp trữ tình từ máy ghi âm của Frank. Những bản nhạc nhẹ “Histore Dún Amour”(Chuyện một tình yêu) theo điệu rumba, bài “Tombe la Neige” (Tuyết rơi) do ca sĩ nhạc sĩ Salvatoire Adamo sáng tác và trình bàyn(Tác giả sáng tác bài này năm 1963 khi mới 20 tuổi) mà lời Việt được nhạc sĩ Phạm Duy đặt rất hay về sau trở nên bài hát bất hủ trên thế giới:

            “ Ngoài kia tuyết rơi đầy

              Sao anh không đến bên em chiều nay

              Ngoài kia tuyết rơi rơi

              Trong băng giá tim em tả tơi…”

           Frank và các bạn anh giúp chúng tôi nói tiếng Nga, giảng giải cho chúng tôi những câu tục ngữ Nga thật hay mà lúc đó chúng tôi còn lạ lẫm và khó hiểu. Chính các anh ấy là những người mang đến cho chúng tôi nền văn minh châu Âu bắt đầu bằng những câu chào buổi sáng thường xuyên mỗi khi thức dậy, được xem nhưng vũ điệu  thật đẹp trên nền nhạc vanse, rumba, cha cha cha…do họ và các bạn gái thực hiện qua các buổi tiệc sinh nhật trong phòng vào những buổi tối dưới ánh sáng đỏ lung linh, thơ mộng…Họ là những người đàn ông Nga đúng nghĩa vì tình bạn, tình yêu khi xử lí những chuyện bất đồng. Tôi rất thích và đến tận bây giờ vẫn còn nhớ ca từ trong một bài hát về tình bạn do nhạc sĩ A.Petrop sáng tác trong bộ phim có tên “Đường đến bến bờ” có đoạn “ Bạn tôi-bờ vai thứ ba của tôi sẽ bên tôi mãi mãi. Một ngày kia bạn ấy phải lòng môt cô gái, và tôi cũng vậy. Tôi sẽ rút lui bởi luật định rằng: Người thứ ba cần phải ra đi…”

          Vào khóa học, chúng tôi được chia lớp để học tiêng Nga và ôn tập các kiến thức toán, vật lí. Mỗi lớp chỉ có 6 người. Do lớp ít người nên việc học ngoại ngữ thật kết quả, chúng tôi tiến bộ rất nhanh. Mấy anh cán bộ đi học người Nam bộ (lớn hơn chúng tôi cả chục tuôi) luôn “đánh vật” với cách phát âm tiếng Nga vì trong tiếng Việt họ luôn đọc chữ “v” thanh “d,đ”. Tôi nhớ anh C. khi chia động từ “nhìn” trong câu “anh ấy nhìn” luôn đọc là “anh ấy dí đit” làm cả lớp không ai nhịn được cười, còn thầy giáo không hiểu anh ấy nói gì. Chúng tôi học tiến bộ nhanh một phần do các thầy, cô dạy chúng tôi hát trong đó có các danh từ biến cách đứng sau các từ chỉ số lượng “nhiều” như bài hát ca ngợi tổ quốc Xô viết “Tổ quốc tôi”:” Bầu trời Âu Liên xô là nơi biết bao người. Ở đấy có nhiều rừng, nhiều cánh đồng và sông ngòi…”,bài hát “Hãy để mặt trời luôn luôn chiếu sáng”…đến tận giờ tôi vẫn nhớ ca từ. Tôi yêu văn học Xô viết từ những năm tháng phổ thông nên khi học văn học Nga bằng tiếng Nga, thầy giáo rất ngạc nhiên khi tôi kể tên các tác phẩm của Pautopxki, Lev Tonxtoi, Nhicolai Ostropxki…thành thạo. Có lần ông hỏi tôi có biết ca khúc xô viêt nào không. Tôi khẽ hát cho ông nghe một số bài hát Nga đã nổi tiếng ở Viêt nam nhiều năm trước: Bài “Hoàng hôn trên nông trường”, bài”Cuộc sống ơi ta mến yêu người” cua nhac sĩ E. Kolmanovxki, các bài hát của nữ nhạc sĩ nổi tiếng A. Pakhmutova “Bài hát về tuổi thanh niên sôi nổi” (bài ca về nổi lo của tuổi trẻ) , “Những người địa chất”(Geologi), bài “ Chiều Moxkva” của nhạc sĩ V. Xôloviev- Xedoi…làm ông kinh ngạc và thich thú khi văn hóa Nga đã đến tận một đất nước Việt nam xa xôi. Từ đó ông quí mến chúng tôi hơn. Về nhà ông kể chuyện chúng tôi với mẹ (Lúc đó ông chưa có vợ). Và ngay chủ nhật sau đó ông mời cả lớp chúng tôi về nhà để mẹ ông gặp mặt và dự một bữa cơm thật vui với những món ăn đậm chất Nga do mẹ ông chế biến. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi đến làm khách tại một gia đình người Nga.

          Trường chúng tôi là trường đa sắc tộc. Sinh viên các nước và chúng tôi chung sống rất thân thiện và hữu nghị. Nhờ học tiếng Nga ở 3 năm cuối cấp phổ thông(Tuy học đối phó là chính do ham chơi) nên chúng tôi dễ giao tiếp với sinh viên các nước Ả rập Yemen Công gô…Cu ba, Indonexia.Tôi còn nhớ Abdo sinh viên người Yemen rất mến sinh viên Viêt nam. Abdo sẳn sàng giúp chúng tôi mọi việc từ dẫn đi chơi phố, chỉ dẫn mua sắm, cách trả tiền đến việc bảo vệ các nữ sinh trước du côn ngoài đường. Chúng tôi phục các sinh viên ngoại quốc ở chỗ họ nói tiếng Nga rất nhanh và phát âm chuẩn tuy viết còn chưa đúng ngữ pháp. Thỉnh thoảng chúng tôi tổ chức văn nghệ trong kí túc xá vào dịp các ngày lễ của mỗi nước. Tôi nhớ nhóm sinh viên người Indonexia học ngành Hóa Dầu cùng chơi ghita điện thật hay.Thời đó ghita điện còn hiếm ở Liên xô. Mỗi khi có họ tham gia không khí vô cùng náo nhiệt bởi âm thanh của dàn ghita điện vang vọng, cuốn hút mọi người. Chị B. là giọng nữ cao của sinh viên Việt nam hát bài “Con ếch xanh”, dân ca vùng Maluku của Indonexia

một bài hát nổi tiếng ở Đông Nam Á bằng tiếng Việt, lời do nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất viết (Nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất là nhạc sĩ người Việt được trao tặng danh hiệu nghệ sĩ công huân của Cộng hòa Liên bang Nga đầu tiên vì những cống hiến cho nghệ thuật năm 2001) cùng dàn nhạc ghita điện của sinh viên Indonexia thật xuất sắc làm thấm đậm tình hữu nghị Việt nam-Indonexia, lời ca có đoạn:

              Kìa con ếch xanh đi từ đâu tới đây

               Từ đồng lúa xanh rờn nhảy ngay xuống sông này    

               Tình của tôi ơi bắt nguồn từ nơi nào

               Đó chính do đôi mắt kia thấu con tim này

              Ayo Ma ma, con xin mẹ đừng nên trách con

              Ayo Ma ma,con xin mẹ đừng nên mắng con

              Ayo Ma ma, con xin mẹ đừng nên tức mình

              Cái anh thanh niên ấy con thấy đâu si tình…”

          Các sinh viên người Cu ba vô cùng sôi động. Vào dịp lễ quốc tế Lao động 1/5, hòa vào dòng người diễu hành trên đường phố Baku, tôi chứng kiến dòng máu Latinh sôi sục chảy trong lòng họ: Với trống, xenla họ liên tục hát múa từ sáng cho tới tận chiều mà không hề biết mệt .

          Tôi nhớ sau khoảng 3-4 tháng học, Nhà trường tổ chức cho chúng tôi đi tham quan và giới thiệu về thành phố Baku, nơi chúng tôi đang sống. Đây là trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế của Ajerbaijan và của cả vùng Kavkaz. Baku nằm ở bờ Nam của bán đảo Absheron, một bán đảo nhô ra biển Caspi. Các cơ quan chính của Quốc gia bao gồm cả công ty Dầu khí Ogic Ajerbaijan(Nằm trong nhóm 100 công ty dầu khí lớn nhất thế giới) đều nằm ở đây. Sự hiện diện của dầu khí được biết đến từ thế kỷ 8. Vào thế kỷ 15, dầu dùng cho thắp đèn được thu bằng cách đào tay từ các giếng bề mặt. Đấu thế kỷ 20, các mỏ dầu Baku lớn nhất thế giới. Thành phố có tới hơn 3000 mỏ dầu, giếng dầu vào năm1900. Trước thế chiến 2 Baku là một trong những trung tâm lớn nhất cho viêc sản xuất các thiết bị ngành dầu mỏ. Năm mươi năm trước trận Stalingrad của thế chiến 2, Baku sản xuất một nửa nguồn dầu của thế giới. Chúng tôi đến thăm phố cổ, nơi có cung điện Shirvanshahs - cung điện có từ thời trung cổ,tháp Maiden (Giz Qalasi) là tháp bí ẩn và lâp dị được xây dựng giữa thế kỷ 7 và 12 như một hải đăng lửa ,xem pháo đài phòng thủ…Leo lên tầng cao nhất của pháo đài ta mới cảm nhận rõ nét tai sao người ta gọi Baku là thành phố của gió hay thành phố trên đồi. Gió trên đỉnh pháo đài mạnh đến nổi tôi không thể đứng vững. Từ đây ta có thể nhìn thấy toàn bộ thành phố Baku với những căn nhà nhỏ màu vàng cạnh nhau san sát, cao dần lên ngọn đồi. Có những ngôi nhà cổ kính cao 2-3 tầng bên cạnh những con đường lát đá ,nơi người dân bán những quầy hàng lưu niệm và những tấm thảm đặc trưng của Azerbaijan. Chúng tôi đi tham quan nơi ở của nhà vua nằm trong một tòa nhà lớn gồm rất nhiều phòng. Ấn tượng mạnh là trần và tường phòng được chạm khắc và trang trí rất cầu kì bằng những hoa văn đặc trưng của văn hóa Azerbaijan, sàn và cầu thang được trải bằng những tấm thảm to tuyệt đẹp do người dân nơi đây dệt nên.

          Tôi cũng không thể nào quên đêm xem vở Hồ thiên nga (Lebedinoye ozero) tại nhà hát lớn  Baku. Đó là vở bale đầu tiên và cũng là duy nhất tôi được xem hết vở diễn ( Sau nầy tôi chỉ xem được các trích đoạn). Để chẩn bị cho buổi đi xem, thầy giáo lớp tôi  đã giới thiệu cho chúng tôi múa Bale là loại hình vũ kịch có xuất xứ từ triều đình Pháp, dần dần được phát trển tại Anh, Ý và Nga. Ông kể nội dung của vở diễn, những đòi hỏi của kỹ thuật múa bale là diễn viên phải trải qua quá trình luyện tập gian nan cùng chế độ ăn uống khắc nghiệt. Họ phải học đứng và di chuyển bằng mũi chân, học giữ cân bằng, xoay vòng trên mũi chân giữ cơ thể đứng thẳng sau khi nhảy lên cao. Họ phải làm quen với những “vòng xoay bất tận” mà không cảm thấy chóng mặt như người bình thường khiến chúng tôi thật thích thú. Thầy cũng giới thiệu cho chúng tôi về nhạc sĩ Nga vĩ đại Pyotr Ilyich Tchaicovsky với vở ballet số 20 được ông sang tác vào năm 1875-1876 dựa trên chuyện cổ tich có nguồn gốc Đức- Nga. Chúng tôi đắm mình trong nhà hát với câu chuyện cổ tích đầy lãng mạn về tình yêu đôi lứa của nghệ thuât bale dưới âm nhạc tuyệt vời của P.I. Tchaicovsky do dàn nhạc Quốc gia của nước Cọng hòa biểu diễn:

 

         Mở đầu màn 1 là cảnh đẹp lung linh của buổi tiệc hoàng gia mừng sinh nhật của hoàng tử Siegfried. Mẹ của hoàng tử thông báo rằng chàng phải chọn lấy một người vợ tại tiệc của hoàng gia vào đêm mai. Hoàng tử thất vọng khi biết mình không được kết hôn vì yêu. Khi hoàng hôn xuống, bạn của hoàng tử bổng thấy một đàn thiên nga bay trên trời nên nảy ra ý định đi săn. Hoàng tử và mọi người lấy nỏ chuẩn bi đi săn những con thiên nga.

         Màn hai: Hồ thiên nga hiện ra giữa đống tàn tích đổ nát của một ngôi nhà thờ trong một đêm trăng sáng. Hoàng tử tách ra khỏi mọi người đến bên hồ cùng lúc với đàn thiên nga đáp xuống gần đó. Anh giương nỏ định bắn nhưng bàng hoàng khi thấy một con thiên nga biến thành thiếu nữ cực kì xinh đẹp- nàng Odette. Nàng vô cùng sợ hãi. Khi anh hứa không làm hại, nàng mới kể rằng mình là Nữ hoàng thiên nga Odette, còn đàn thiên nga là những nạn nhân của lời nguyền khủng khiếp do ác phù thủy Von Rothbart, kẻ nữa  người nữa cú tạo ra. Ban ngày họ phải biến thành thiên nga và ban đêm, chỉ khi đứng trong hồ ma thuật – hồ được tạo ra từ những giọt nước mắt của  mẹ Odette mới trở về hình dạng con người. Lời nguyền chỉ bị phá vỡ nếu có một người  chưa bao giờ yêu ai trước đây thề sẽ yêu Odette mãi mãi. Ác quỉ đột nhiên xuất hiện, hoàng tử đe dọa giết hắn nhưng Odette ngăn lại vì nếu ác quỉ chết trước khi hóa giải lời nguyền thì nàng mãi mãi  không bao giờ thoát khỏi kíp thiên nga. Khi ác quỉ biến mất, các thiếu nữ thiên nga đáp xuống đầy hồ nước. Trên hồ chỉ còn hoàng tử và nàng Odette. Hoàng tử gây dựng niềm tin bằng tình yêu của mình với  nàng Odette xinh đẹp. Khi bình minh đến, lời nguyền độc ác khiến Odette và các bạn của mình trở lại hồ và biến thành thiên nga.

 

          Màn ba: Tại cung điện hoàng gia , trong buổi tiệc mẹ hoàng tử lệnh cho anh phải nhảy với 6 nàng công chúa và phải chọn một trong số họ làm cô dâu. Anh than phiền rằng không yêu ai trong số đó. Ác quỉ ngụy trang đến cùng một cô gái xinh đẹp Odile và biến cô này giống hệt Odette. Hoàng tử nhầm Odile với Odette và nhảy cùng nàng. Odette lúc nầy hiện ra như ảo ảnh và tuyệt vọng cảnh báo với hoàng tử rằng anh đã bị lừa nhưng anh không hay biết gì. Anh đã tuyên bố sẽ lấy Odile làm vợ. Ác quỉ lúc này làm phép cho hoàng tử nhìn thấy Odette thật. Chàng nhận ra sai lầm và vội vã chạy ra hồ thiên nga.

          Màn bốn: Odette quẩn trí trước sự phản bội của hoàng tử. Các nàng thiên nga khác cố an ủi nàng nhưng Odette từ khước cho đên chết. Khi hoàng tử đến được hồ và gặp được Odette, chàng cầu xin nàng tha thứ. Odette đồng ý tha lỗi cho chàng và cả hai thề trên tình yêu của họ. Đúng lúc này ác quỉ xuất hiện và nói nhất định hoàng tử phải giữ lời hứa kết hôn với Odile và Odette sẽ thành thiên nga mãi mãi. Hoàng tử quyêt định quyên sinh cùng nàng Odette và họ cùng lao xuống hồ. Tình yêu chân chính của hai người đã hóa giải lời nguyền của Ác quỉ  nên những con thiên nga khác hóa thành người khiến  ác quỉ mất quyền lực và chết. Các thiếu nữ nhìn theo hoàng tử và Odette  lên thiên đàng, được ở cùng nhau mãi mãi. Màn sân khấu đã hạ với những tràng pháo tay tưỡng không bao giờ dứt. Với những góc tạo hình tuyệt đẹp, các nghệ sĩ múa hòa quyện với ánh sáng, âm nhạc và nghệ thuật kịch cho người xem bức tranh vô cùng độc đáo đến mức không tưởng tượng được.

          Tôi cũng không thể quên một lần duy nhất được đi ra khơi thăm dàn khoan dầu nằm cách bờ hơn trăm cây số. Tàu thủy đưa chúng tôi đến dàn khoan sau hơn 2 giờ chạy liên tục. Cảnh dàn khoan dầu giữa biển khơi thật kỳ vĩ: Ngọn lửa cháy rực trên bầu trời, các ống bơm kích cỡ lớn nhịp nhàng hút dòng dầu đen lên tàu chứa dầu. Các công nhân và kỹ sư tại đây làm việc miệt mài, rất chuyên nghiệp, hồ hởi chào đón chúng tôi khi biết chúng tôi từ Việt nam xa xôi ra khơi thăm dàn khoang giữa biển trời mênh mông lộng gió.Tôi cảm thấy sự vĩ đại của đất nước Xô viết và thầm ước mơ sau chiến tranh nước ta cũng sẽ có dàn khoan dầu xa bờ như thế nầy để làm giàu cho tổ quốc. Nhà nước ta đã nhìn xa, cử người sang đây nhờ Baku đào tạo chuyên gia cho ngành dầu khí Việt nam, như anh Nguyễn Giao lúc đó làm nghiên cứu sinh trong lĩnh vực nầy.

         Tôi nhớ một chiều năm ấy (1966) chúng tôi tập trung tại sân khấu ven biển để gặp mặt nhà văn Phan Tứ, đến từ miền Nam Việt nam. Ông sang Baku theo lời mời của Hội nhà văn Azerbaijan. Phan Tứ (Lê Khâm) là nhà văn chuyên viết về chiến tranh. Tôi đã đọc các tác phẩm “Bên kia biên giới”, “Trước giờ nổ súng” của ông từ thời phổ thông về chiến đấu của bộ đội tình nguyện Việt nam tại chiến  trường Lào (Nhà văn Phan Tứ sinh tại Qui Nhơn, quê gốc Quảng Nam. Ông ngoại của ông là nhà chí sĩ Phan Chu Trinh. Ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ chí Minh về văn hòa nghệ thuật. Các tác phẩm tiêu biểu ngoài hai cuốn kể trên còn có “Trở về Hà nội”,” Gia đình má Bảy”, “Mẫn và tôi” và nhiều truyện ngắn). Giữa gió lộng trên biển thổi vào bờ,  ông kể cho chúng tôi, những con em của đồng bào miền Nam về tình hình chiến sự ác liệt với giặc tại quê nhà. Ông nói lúc này Mỹ đã đưa bộ binh vào Đà nẵng, về những tội ác dã man của quân thù, về trận đánh báo thù của quân giải phóng ở Núi Thành diệt cả tiểu đoàn Mỹ toàn bằng lưỡi lê khiến chúng vô cùng sợ hãi. Câu chuyện của ông thật cuốn hút khiến chúng tôi nhớ quê hương da diết và nguyện cố gắng học tâp để trở về phục vụ tổ quốc sau này. Tôi bất ngờ được ông tìm gặp tại kí túc xá vào buổi tối. Ông nói trước khi đi Liên xô từ chiến trường khu 5, ông có gặp ba tôi lúc nầy đang công tác tại Ban tuyên huấn khu ủy. Ông chuyển cho tôi lá thư và tấm ảnh ba tôi chụp tại chiến khu. Nhìn tấm hình gầy gò và hốc hác của ông chụp ở căn cứ trong rừng tôi không khỏi chạnh lòng.Tôi biết cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ ta lúc đó vô cùng khó khăn. Gạo và rau, thuốc chữa bệnh đều khan hiếm.Tôi tháo chiếc đồng hồ trên tay nhờ nhà văn chuyển hộ cho ba tôi làm kỷ niệm. Ba tôi tập kết ra Bắc năm 1954. Đầu năm 1961 ông trở về Nam công tác tai Khu ủy khu 5 ở Quảng Nam. Năm 1971, tôi được gặp ông tại Mockva khi ông cùng đoàn cán bộ Miền Nam sang Liên xô chữa bệnh và nghỉ dưỡng tại Xô chi. Ông mang cho tôi thư và ảnh chụp mẹ và em gái tôi tại quê nhà Bình Định. Đó là những dòng chữ thân thương cuối cùng mà tôi nhận được vì ngày tốt nghiệp về nước tôi được tin mẹ và em gái tôi (lúc đó mới 19 tuổi) đã hi sinh tại quê nhà trong những lần xuống núi công tác bị địch phục kích. Sau giái phóng về thăm quê nghe bà con kể lại, giặc không cho lấy xác mẹ tôi  mà đem xác bà đặt trên đường xe lửa với tấm biển “Việt cộng đầu sỏ”. Lúc sinh thời, mẹ va em gái tôi lúc nào cũng bên nhau. Bà hi sinh đầu năm thì cuối năm em gái tôi hi sinh. Tôi gặp lại họ ở nghĩa trang liệt sĩ xã Hoài Xuân (Huyện  Hoài Nhơn Bình Định), hai nấm mộ nằm cạnh nhau như hai mẹ con không bao giờ chia lìa. Mẹ tôi được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt nam anh hùng. Bà là liệt sĩ Ngô thị Kề.

         Vào cuối năm học, nhà trường tổ chức cho chúng tôi đi trại hè Zacactalu nằm ở vùng núi phía Bắc Azerbaijan. Đây là nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời cách Baku vài trăm cây số. Khí hậu miền núi nơi đây thật mát mẻ và trong lành. Chúng tôi mặc sức thảy bộ khám phá các hang động, các dòng suối nhỏ chảy róc rách. Rùa núi ở đây đặc biệt nhiều vô kể, mỗi bước chân chúng tôi đều gặp chúng. Tôi giúp chúng lật mai lại khi gặp những con bị ngã chổng bốn chân lên trời. Xa xa là ngọn núi có tên là Yana Dagh. Người dân ở đây nói với chúng tôi rằng đó là ngọn núi liên tục trên lửa trong 1000 năm nay. Các lỗ thông khí tự nhiên từ hai ngọn đồi bên núi đảm bảo cho ngọn lửa nóng gầm thét suốt ngày kể cả dưới cơn mưa lớn. Buổi tối chúng tôi đốt lửa trại và văn nghệ ca múa. Đoàn chúng tôi có những giọng ca đặc sắc, các nhạc công nghiệp dư chơi Acoodeong, mandolin, ghita, sáo trúc. Các chị em biểu diễn điệu múa Chăm, Chàm rông vui nhộn.Tôi và người bạn góp vui cùng mọi người bản Vũ khúc Tây ban nha, bản Tướng cướp trên ghita…

        Một năm trời rồi cũng kết thúc. Rời Baku của nước Cộng hòa Azerbaijan chúng tôi mỗi người đi về một thành phố của Liên bang Xô viêt bao la. Chúng tôi gồm 30 người (15 theo ngành Sinh vật, 15 theo ngành Hóa ) về Kisinhop cúa Cộng hòa Mondavia. Ở đây chúng tôi cũng có thật nhiều kỉ niệm (Tôi có viết bài Những kỉ niệm khó quên của khóa 72 chúng tôi). Rời Baku ngày ấy cũng có vài chuyện không vui. Chuyện tình tay ba của ba người cùng có tên với chữ cái là “T”có đoạn kết không đẹp, chuyện nổ lớn ở Kí túc xá, chuyện quyết định dại dột từ bỏ cuộc đời của một thành viên khóa học do không đáp ứng việc học…Vui, buồn đều song hành  trong cuộc đời mà!

       Tôi gặp lại thành phố Baku tại Việt nam, một Baku thực sự mà không phải trong cổ tích sau đó hơn hai mươi năm. Tôi đi trên con đường lớn, một con đường đep và rộng rãi, bên cạnh đường là những tòa nhà  đồ sộ với công viên đẹp đầy cây xanh tỏa bóng mát mang tên Baku cuả nước Cộng hòa Azerbaijan.. Đây là nơi dành cho các công dân Nga làm việc tại Liên doanh Dầu khí Viêt –XôPetro. Ngoài khơi Vũng Tàu cũng có giàn khoan dầu như trên biển Caspi ngày trước cúa Liên doanh này. Tôi đã gặp lại anh Nguyễn Giao, người bây giờ là một trong những lãnh đạo chủ chốt của Liên doanh đang làm ăn hiệu quả tại Viêt nam, là doanh nghiệp đang đóng góp hàng đầu cho nền kinh tế đất nước. Đối với nước Nga, sau sự kiện tan rã của Liên bang Xô viết những năm 90 của thế kỉ trước, sự đóng góp ngoại tệ  do Liên doanh này mang lại đã giúp ích không nhỏ cho sự phục hồi nền kinh tế Nga đã được lãnh đạo nước nay đánh giá cao khi thăm Viêt nam. Tại đây, tôi đã gặp những người Nga, những chuyên gia dầu khí thế hệ thứ hai tại bãi tắm Vũng Tàu. Tôi làm quen với anh Victo cùng vợ là chị Lena, cô con gái nhỏ xinh đẹp của họ có tên Masa. Họ rất vui khi biết tôi đã từng ở Baku những năm 60 trên quê hương họ. Anh kể rằng hơn 20 năm trước, cha anh là một trong những chuyên gia dầu khí từ Baku của nước Cộng hòa Azerbaijan sang đây cùng những người Việt nam trong số đó có người đã được đào tạo tại Viện Dầu khí Baku, thành lập nên Liên doanh dầu khí Viêt Xô Petro. Chính ông là người đã tạo cảm hứng cho Victo tiếp bước nghiệp cha theo học ngành dầu khí, sau khi ra trường đã sang Viêt nam thay thế thế hệ  lớp trước. Vợ anh, chị Lena là chuyên gia trong lĩnh vực phân tích hóa học cùng anh trong Liên doanh. Lena kể với tôi chị và đồng nghiệp được sử dụng các thiết bị dùng để phân tích dầu từ các mỏ ngoài khơi Vũng Tàu như máy Sắc kí khí, máy quang phổ hồng ngoại, tử ngoại, máy quang phổ hấp thụ nguyên tử…rất hiện đại và luôn được đổi mới của các hãng nổi tiếng trên thế giới. Anh chị lập gia đình tại đây, con họ gửi ở nhà trẻ. Họ có căn hộ đầy đủ tiện nghi và cuộc sống sung túc. Họ nói với tôi muốn gắn bó mãi mãi với mảnh đất Việt nam nầy bởi họ yêu công việc, yêu thích con người và khí hậu nơi đây.

        Bạn hỏi vì sao tôi không thể quên những kí ức sau nửa thế kỉ qua ư? Đơn giản vì đó là những “lần đầu tiên trong đời…”. Những gì thuộc về “lần đầu tiên” bao giờ cũng đọng lại trong kí ức con người những dấu ấn không thể nào quên. Lần đầu tiên tiếp xúc với nền văn minh Âu châu, với những bản nhạc, những ca khúc tuyệt vời về sau trở nên bất hủ, với loại hình nghệ thuật mới lạ, với con người, khí hậu đầy ấn tượng, những mối tình đầu sâu đậm…tất cả đều lưu dấu ấn trong tâm hồn khiến ta không thể nào quên. Ta bỗng thấy yêu quí cuộc sống biết bao! Tôi đồng cảm với nhạc sĩ E. Kolmanovxki khi ông viết nhạc cho lời bài hát “Cuộc sống ơi ta mến yêu người” của K.Vansenkin có ca từ “Cuộc sống ơi ta mến yêu người…

                  Cả tình yêu trào cuộc sống…

    Mãi mãi ta mến yêu người dù năm tháng qua…”

                                                                                                                

                                                         

                                                                                                                                                                                              TP. HCM, tháng 8, năm 2015

DIỆP CHI MẬU      

 


Người post: TuyetHA

Ngày đăng: 24-09-2015 04:04






Xem 11 - 20 của tổng số 23 Comments



Từ: BaLX
26/09/2015 17:10:07

Sáng nay được đọc một bài viết rất hay nữa của anh Mậu. Em thật sự kính phục trí nhớ của anh, sự việc gì anh cũng nhớ tới từng chi tiết, nhờ thế các bài viết của anh đều rất cuốn hút bọn em. Thế hệ các anh chị đi sang CCCP, hầu hết là con em của các  cán bộ nòng cốt trong sự nghiệp giải phóng MN, lưas bọn em đi sau cũng có nhiều bạn cos ba má đang hoạt động trên khắp các chiến trường khu 5, Miền Tây, Miền Đông Nam Bộ. Còn bọn em những đứa học ở trường ngoài cũng hưởng sái đi theo tiêu chuẩn của con em MN đi theo diện MTDTGPMN, học ngoại ngữ tại Taskent. Thế hệ anh em mình, ai cũng me các tác phẩm VH của Nga từ thời cấp 2. Đọc bài của anh em mới hiểu tường tận nội dung của vở ba lê Hồ Thiên Nga, mặc dù cũng đã có đi xem rồi, mà chắc cũng chỉ mới xem trích đoạn của vở. Em rất vui, từ khi các anh chị khoá 72 ra tay, trang web của mình khí thế hẳn lên, bọn đàn em chúng em phục sát đất. Theo nhw anh Mậu nói thì anh sẽ còn rất nhiều đề tai để tiếp tục cho những bài viết tiếp theo. Bọn em đang chờ đó.



Từ: TuyetHA
26/09/2015 15:44:15

Hoa ơi, đúng rồi! Cậu đứng thứ 2 từ phải sang, giữa Thục và Thanh. Ảnh hơi bị mờ, hồi đấy ai chụp cho bọn mình? cũng chẳng nhớ nữa. Gửi cho cậu xem thêm 2 ảnh nữa chụp ở Bacu dịp ấy nhé


 



Nhóm học tiếng Nga chụp cùng cô giáo Elena Eduarovdna


 


 


 Tại quảng trường tp. Ba Cu 2.1972


(Trong ảnh này Hoa đứng giữa Lam và Thanh)


 



Từ: HoaNT
25/09/2015 18:30:04

Cám ơn anh Mậu đã có bài về Bacu hay quá. Đọc bài này em lại nhớ chuyến đi nghỉ đông đầu tiên của mấy đứa khóa 77 bọn em là đi Ba Cu chỉ vì lý do là đi các thành phố khác thì mọi người đăng ký đi hết rồi mà bọn em lại thích đi đâu thật xa, ít người đăng ký. Lần đầu tiên trong đời bọn em được đi máy bay từ Kis. đến Ba Cu, em và nhiều bạn say lướt khướt . Em nhớ hôm đấy trên máy bay nóng lắm chắc là hệ thống điều hòa hỏng hay là  hồi đấy chưa có hệ thống điều hòa trên máy bay vì có bao giờ được đi máy bay đâu mà biết. Tất cả lũ bọn em phải cởi hết áo măng tô ra nhưng đến lúc xuống sân bay thì tuyết trắng phủ đầy, người ta bảo Ba Cu ít khi tuyết dầy như năm đó. Đến Ba Cu bọn em được vào ở Ký túc xá của trường dầu được các chị Việt Nam đón tiếp nồng nhiệt còn các anh VN thì thấy lũ 77 bọn em sợ hết vía vì toàn bị bọn em trêu đã thế bọn em lại còn gửi cho các anh ấy mấy cái cặp tóc mai vì các anh hồi đấy để tóc rất dài. Sướng nhất là đun bếp gas ở ký túc xá Ba Cu, bếp gas không cần tắt, lửa  to và đun thoải mái  có đường ống dẫn gas không như ở Kis cứ phải gọi từng bình gas, có lúc hết là chẳng thổi cơm được. 


Mà Tuyết ơi cậu giữ ảnh tốt nhỉ, mình cũng có mặt trong ảnh hay sao ấy nhỉ, đứng cạnh Thục và Thanh đúng không? Hơn 40 năm rồi còn gì, già rồi nên cũng chẳng nhận ra mình nữa.



Từ: NguyetTM
25/09/2015 16:00:24

Cảm ơn anh Mậu đã cho em cùng trở về Bacu với những ký ức không thể nào quên của những ngày đầu sang đất nước Xô Viết. Đối với anh Mậu thì đã nửa thế kỷ trôi qua, còn em thì đã gần 40 năm kể từ hè 1976. Hè 1976 em về Bacu thăm anh trai em lúc đó đang học trường dầu Bacu. Ở lại Bacu 2 tháng, em cũng được hưởng những cảm giác ấm áp của AZecbaijan, gió tung trời ngoài bờ biển Bacu , đã mục kỉnh nhưng ống dẫn dầu, những dàn khoan khổng lồ của xứ sở hồ Caspi, em đã vào chợ Bacu và mua về những mớ rau sam to và tía như rau muống tía nhà mình vậy... Bacu cũng thật là tuyệt vời đúng không anh Mậu?


Em rất xúc động khi đọc những dòng ngắn gọn anh viết về bố, mẹ và em gái. Em xin chia sẻ với anh niềm thương xót về mẹ và em gái nhé. Chiến tranh ! Sự tàn ác của chiến tranh ! Nỗi đau của cả dân tộc vì biết bao xương máu đã phải đổ, biết bao người thân yêu phải ra đi không bao giờ trở lại.



Từ: Guest TTCap OB-72
25/09/2015 07:43:07

A Mậu viết hay quá . Thật nhiều kỉ niệm đáng nhớ ở năm dự bị tại Baku.Cấp còn nhớ có thầy giáo môn toán rất chịu khó học tiếng Việt, thế là cảc thầy cô giáo bộ môn (ngoài tiếng Nga ) đua nhau học tiếng Việt, nên mới có chuyện thầy giáo toán khi giáp mặt thầy giáo sử  thì chào " Chào anh ", thầy giáo sử không biết chào nhưng cũng tự tin nghênh mặt len đáp lại " công xã nhân dân "(chả là món sử có bài về cách mang văn hoá Trung quốc )...Lại còn chuyện bị tẩy uế  là do một chàng nào đó bị ghẻ ruồi từ nơi sơ tán Đông triều bị cô giáo phát hiện, thế là toàn đoàn  sv Việt nam  gần 200 mạng bị đưa đến nhà tắm cong cộng , quần áo váy bị đưa vào lò tẩy hấp đến cong queo cả  ...Cấp còn bị bạn Q cùng phòng  chinh cho là xét lại vì mua ảnh diễn viên điện ảnh Nga và sách về tiểu sử Maia Plisetskaia nghệ sĩ múa Bullet nổi tiếng lúc đó ... Lại nhớ ở Baku có nhiều giềng dầu , cảc giếng dầu san sát bơm suốt ngày đếm  không ngừng nghỉ  , đại lộ ven biển thật đẹp nhưng nước biển sóng sánh dềnh đặc một lớp  dầu , người dân muốn tắm biển phải đi ra bãi biển xa vài chục cây số...  Dính chính hộ a Mậu là nhóm sinh vật từ Baku có 10 người Bon, Thống, Cúc,Phú,Vân,Năm,Mận,Cấp,Tiên và Quang, còn nhóm hoá có 13 là Mậu,Vinh,Nguyên,Luân,Ba,Hoa,Lộc,Kiểm,NghiN 77;m,Bích,Nhung,Thu,Thảo. Cảm ơn a Mậu đã đánh thức trong tôi nhiều kí ức của nam dự bị ở Baku Ajerbaijan.



Từ: TuyetHA
25/09/2015 05:57:00

Chiều qua (23.9) anh Mậu gọi cho mình báo có bài viết mới nhờ mình post lên trang web KGU, anh ấy bảo đợi sang tháng 10 hãy post, bài này viết cho tháng 10. "Tại sao phải đợi sang T 10?, em post lên ngay đây!", và thế là tôi mở mail "lấy" bài của anh gửi, đọc một mạch, tìm ảnh chèn vào bài viết cho sinh động và post ngay lên để ACE thưởng thức.


Vô cùng xúc động khi đọc những dòng anh tâm sự về gia đình mình. Qua những dòng tâm sự của các anh, chị - con em gia đình MN tập kết hồi đó em càng thấy thấm thía lời trong bài "Hội KGU" do chị Cấp sáng tác nhân 5 năm Kỷ niệm ngày thành lập Hội KGU: "...Xuân hoà bình càng ghi nhớ bao người kính yêu đã quên mình cho Tổ quốc đẹp muôn đời!".


Trong bài, anh Mậu nhắc đến chuyện "Mẫn và Tôi" của nhà văn Phan Tứ làm em lại nhớ hồi SV ở Kishinhop, không hiểu ai đó được gửi từ nhà sang quyển chuyện này, phải "xếp hàng" đợi đến lượt đọc. Đến lượt mình, em đọc say sưa một mạch, trốn học, cáo ốm để nằm nhà đọc cho bằng hết mới thôi.


Thành phố Bacu là nơi đầu tiên bọn em được đến thăm quan trong 6 năm sinh viên. Đó là kỳ nghỉ đông đầu tiên, tháng 2.1972, lúc đó bọn em còn đang học dự bị, lần đầu tiên được đi máy bay. Người dẫn đoàn SV Việt Nam đi tham quan Bacu năm đó là cô giáo dạy tiếng Nga của bọn em - Elena Eduarovdna, cô giáo rất trẻ, vừa mới ra trường và dạy lớp bọn em là lớp học trò đầu tiên của cô. Nói tóm lại là rất nhiều cái đầu tiên trong "Ký ức về Bacu" của bọn em.


Trên bờ biển Bacu tháng 1.1972


 


 



 


Rất cám ơn anh Mậu đã chia sẻ!



Từ: KhanhT
25/09/2015 04:33:59

 


Thật tự hào mình là ngườiKGU-đồng môn với Anh Mậu, một nhân sĩ ở ẩn trong ngôi nhà rất khiêm tốn phố chân cầu Nguyễn Văn Cừ!


Gửi ace KGU vài clip minh họa thêm cho bài viết của A.Mậu:


Tuyết Rơi (Tombe La Neige) - Ngọc Lan







Солнечный круг 







Адажио из балета "Лебединое озеро"







Và đây là phim quay từ 1957, đủ toàn tập, dài gần 1,5 giờ, bạn nào chưa xem hết, có thời gian thì click vào đường dẫn sau đây:


Лебединое озеро балет 1957 Swan lake (М. Плисецкая) Tchaikovsky


http://www.youtube.com/watch?v=KRGCH3koS2k 


 



Từ: Meomun
25/09/2015 03:13:06

@Anh Mậu: Đọc bài anh Mậu mà cứ như đang xem 1 cuốn phim sinh động, dù suýt soát 50 năm đã qua. Ở Baku có nhiều SV Việt Nam học luật, bên cạnh ngành chủ chốt là hóa dầu. Tiếc là hồi ở "bên đó", bọn em chưa có dịp đi Bacu chơi. Nghe anh kể về "Hồ Thiên Nga" thật thú vị vì quả thật em cũng chưa bao giờ được xem trọn vẹn vở này, lại càng không hiểu hết nội dung, nếu chỉ đơn thuần là xem.Về nhà văn Phan Tứ, thế hệ bọn em cũng mê mẩn với cô Mẫn và anh Thiêm trong "Mẫn và tôi".


Cám ơn anh đã chia sẻ câu chuyện về gia đình anh, thật cảm động và một người con như anh hẳn rất tự hào với truyền thống của gia đình.


Anh Mậu ơi, anh viết tiếp nữa đi, chuyện về quê hương, gia đình, tuổi trẻ, chuyện 3 chữ T, chuyện về vụ nổ...mà anh mới chỉ hé mở trong bài viết này.Mong được đọc tiếp những bài viết của anh.


 



Từ: Guest Diep chi Mau
25/09/2015 00:30:26

Cam on cac ban da com. đồng cảm với bài viêt của tác giả. Các bạn có thể nghe các bản nhạc, bài ca trong bài trên Youtube. Chuc các bạn vui vẽ, hạnh phúc.



Từ: CucNT
24/09/2015 21:22:14

Bài viết hay quá, em vừa đọc vừa sợ nó hết mất.


Em từng xem Bale nhưng đọc bài viết của anh Mậu mới hiểu hết ý nghĩa của nó. 


Đúng như anh Thắng nhận xét các anh chị học sinh Miền Nam có lịch sử gia đình rất bi tráng. Em hy vọng là sẽ được đọc tiếp những bài viết của các anh chị về cuộc đời, sự nghiệp, gia đỉnh mình để chúng ta cùng chia sẻ cho nhau và cùng hiểu thêm về 1 giai đạon lịch sử hào hùng của dân tộc. 


Anh Mậu đúng là 1 cây viết tài ba. cảm ơn anh!





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s