KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 12 Tháng ba. 2016

CON GÁI LẤY CHỒNG KHÔNG THỂ THỜ BỐ MẸ?




Tác giả: TungDX

BA LÝ DO CON GÁI ĐI LẤY CHỒNG KHÔNG THỜ BỐ MẸ ĐẺ

Chị đồng nghiệp khóc nấc lên đầy tủi thân khi kể với tôi rằng, nhà chị ấy có 2 chị em gái. Chị ấy thì đã lấy chồng xa nhà hàng trăm cây số. Giờ ở nhà chỉ có em gái cùng mẹ đẻ vì bố chị ấy đã mất từ khi chị ấy 7 tuổi. Thời gian gần đây, mẹ chị ấy hay bị ốm đau liên miên do tuổi già và do bị tiền đình. Và hôm trước gọi điện về nhà hỏi thăm mẹ, tự nhiên mẹ chị chạnh lòng hỏi: “Sau này mẹ mất rồi thì ai thờ cúng bố mẹ đây?”. Tất nhiên, chị ấy trả lời là 2 chị em chị ấy rồi.

Nhưng rồi mẹ chị ấy lại hỏi ngay trong xót xa rằng: “Đi lấy chồng rồi nên các con sẽ chỉ được thờ cúng tổ tiên nhà chồng thôi. Vì một nhà không thể thờ hai họ, con gái không thể thờ bố mẹ đẻ được. Mà nhà chồng có cho thờ thì họ hàng tổ tiên bên chồng cũng sẽ không cho về, thổ công trong nhà nghe nói cũng không cho vào”...

Chính vì câu nói này của mẹ đẻ mà chị đồng nghiệp của tôi cứ suy nghĩ và buồn mãi. Chị lấy chồng và cũng biết thân biết phận: con gái không được thờ bố mẹ đẻ của mình dù đã có nhà riêng hay chưa có nhà riêng.

Nghe chị nói vậy tôi đã bảo chị, nếu chị ở chung với nhà chồng thì không thể. Nhưng nếu chị ở riêng thì có thể lập bàn thờ bố mẹ mình riêng, không chung với bàn thờ nhà chồng là được. Sau đó, nếu chị có 2 con trai thì để 1 con thờ ông bà ngoại, 1 con thờ ông bà nội cũng ổn.

Nghe tôi nói an ủi thế, chị vẫn trào nước mắt nói bảo nhất quyết không làm như vậy không được vì những lý do sau:

Thứ nhất, tục một nhà không được thờ hai họ đã có từ rất lâu và ăn sâu bám rễ vào quan niệm của mọi người, mọi nhà. Chính ngay ở bên đằng nội, đằng ngoại nhà chị hiện nay, chị bảo đều không thấy bố mẹ thờ các cụ, ông bà đằng ngoại. Ngay cả bố chồng chị cũng không cho mẹ chồng chị thờ bà ngoại. Bố chồng đã từng nói với mẹ chồng chị rằng, con gái đi lấy chồng thì chỉ được thờ tổ tiên nhà chồng.

Thứ hai, chị kêu dù cho bố mẹ chồng có tâm lý cho chị là con dâu thờ bố mẹ đẻ sau này đi chăng nữa thì theo tâm linh, con gái thờ cúng bố mẹ đẻ ở nhà chồng, bố mẹ cũng không về được. Như vậy thì khác nào thờ cũng như không?

Thứ ba, cũng vẫn là tục lệ từ nhiều đời nay. Nếu gia đình không có con trai mà chỉ có con gái như gia đình chị thì khi bố mẹ mất, người cháu trai có quan hệ gần nhất đằng nội phải có trách nhiệm cúng giỗ. Cụ thể, nếu mai này mẹ chị qua đời thì 2 chị em chị không được lo tang lễ và thờ cúng cha mẹ. Ngược lại, người cháu gần nhất đó lại được đứng ra lo tang lễ, chủ trì tang lễ.

Thậm chí, chị là con gái ruột của bố mẹ nhưng hàng năm giỗ Tết vẫn phải đem đến nhà người cháu cúng giỗ cha mẹ mình để làm lễ hết 3 đời mới thôi. Ba đời ở đây tương ứng là đời chị, con và cháu chị.

Chị đưa ra 3 lý do đó và cứ ngồi thở dài, buồn mãi cho số phận. Tự nhiên, nghe chị nói mà tôi cũng thấy cuộc sống này quá bất công cho những gia đình sinh con gái. Bởi sinh con gái ra đã chẳng chăm sóc được bố mẹ nhiều ngày đã vội đi lấy chồng. Đến tận khi bố mẹ mất đi mà vẫn không chăm lo được cho bố mẹ chu đáo thì còn gì bất hiếu, đau lòng hơn.

Giờ thì tự nhiên tôi lại lờ mờ nghĩ ra lý do tại sao nhiều gia đình xung quanh tôi cứ phải “đẻ cố” hay “cố kiếm” cho được một người con trai nối dõi. Phải chăng là cũng vì lý do này?

Nghe xong câu chuyện của chị đồng nghiệp mà tôi cứ buồn và suy nghĩ mãi. Sinh con gái đúng là vứt đi sao, là con nhà người ta thật sao? Và con gái đã đi lấy chồng là không được thờ cúng bố mẹ đẻ nữa phải không các bạn? Hoặc bạn đọc nào am tường về vấn đề này thì chia sẻ cách làm sao thuyết phục được bố mẹ chồng cho con dâu được thờ bố mẹ đẻ đi?

Đỗ Thanh Minh (Hà Đông, HN)

 


Người post: TungDX

Ngày đăng: 12-03-2016 23:11






Xem 1 - 10 của tổng số 11 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Guest lê quốc hán
16/03/2018 15:47:02

Nếu gia đình ko có con trai thì việc thờ cúng nhà ngoại là trách nhiệm của con gái. Gia đình nhà chồng phải cảm thông điều đó mới đúng, vì không có con gái thì không có vợ mình , không có con cháu mình vả lại mình đặt trọng tình huống tương tự thì sao?. Theo tôi đây là đạo nho giáo tác động không tốt đến đạo đức xã hội cần phải loại bỏ. Nhà nước lên có quy định cho vấn đề này để đảm bảo bình đẳng giới được thực thi



Từ: Guest Vinh TQ luật 80
16/04/2016 14:58:50

Gia đình em cũng chỉ có 4 chị em gái. Có được 1 cậu con trai thì không lên đời. Em cũng nặng trĩu tâm tư về việc nối tiếp thờ cúng cha mẹ mình. Chúng em lấy căn nhà của cha mẹ làm nhà từ đường và tính giao cho các cháu cai quản, thờ tự. Xem bài viết của các anh chị mong học hỏi được giải pháp nào thuận nhất. Bí quá !



Từ: Guest PHỤNG
18/03/2016 01:31:40

Sau khi cải táng, chị em chia nhau ảnh bố để đem theo; Ông trưởng họ gọi mẹ, chú và bọn mình lại nêu ý kiến:


Thương nhớ bố là tất yếu, nhưng hành xử thế nào cho phải cũng quan trọng, các lý do tầm tầm như bài nêu và thêm nữa là: Xưa nay thương để trong lòng, BỐ CÁC CHÁU CÓ NHÀ ĐÂY, BAN THỜ ĐÂY, MẸ VÀ GIA ĐÌNH CHĂM SÓC, sao cứ phải làm trái với phong tục, đôi khi việc làm này của các cháu còn gây phản cảm và đau lòng hơn,các cháu suy nghĩ cho kỹ mà làm. Ý kiến kết luận THẢO LUẬN cuối là: THÔI



Từ: ThoaNP
18/03/2016 00:06:29

Đúng là ở quê khổ thật.


Nhà mình khi ba mẹ đẻ mất cũng chỉ do mấy chị em (nhà không có con trai) và các anh em rể, bàn bạc, tự chọn ngày, giờ, chương trình sao cho thuận lợi, và thông báo cho tất cả họ hàng đến dự. Các công đoạn đại sự do anh rể trưởng thực hiện.


Khi bố chồng mình mất thì mẹ chồng cũng giao hết cho mấy con trai cùng các con dâu tự bàn bạc và quyết định (bên đó thì không có con gái và chồng mình là con trưởng). Chương trình sắp xếp dựa trên sao cho thuận lợi nhất cho cả nhà và bệnh viện + nơi tổ chức tang lễ, ...


Giờ mới biết mình là dâu trưởng mà sướng quá, nhờ mẹ chồng thật dễ dãi. Bên họ nhà chồng thì bố chồng cũng là con trưởng nên chồng mình chỉ thông báo ngày giờ là các cô chú từ Bắc vào dự tang lễ đầy đủ.



Từ: Guest Hồng
17/03/2016 17:28:13

Có hai việc mà chúng ta phụ thuộc: 1-khi tổ chưc tang lễ; 2- Khi tiến hanh bốc mộ (nếu không hỏa táng)


Hai quá trình này ta phải tuân thủ phong tục tập quán của dòng họ quê quán;


1-Có trường hợp chị em bàn nhau là chị cả sẽ chống gậy thay vì không có con trai; Nhưng khi họp bàn cùng ban trị sự của dòng họ thì không được thông qua, và cái lý phải sợ là nếu cháu cho là bố mẹ cháu, cháu muốn làm thế nào kệ cháu thì họ hàng sẽ không tham gia...


2-Khi bốc mộ cải táng cần xem ngày tốt, không thầy nào xem ngày dựa vào tuổi của bà chị cả mà phải tuổi của một cháu trai con anh hoặc anh ruột của bố


Cái gọi là: Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô - vẫn còn nặng nề lắm


 



Từ: TuyetHA
17/03/2016 02:53:30

Em Loan nói chuẩn luôn!


 



Từ: Guest Loan OB 78
16/03/2016 12:12:57

 Quê tôi vùng kinh bắc hồi trước cũng mang nặng tư tưởng đó nhưng giờ thì đã khác. Nhà tôi bốn chị em gái,khi tôi còn nhỏ chứng kiến mẹ hay bị ông anh con bác làm cho khóc vì chuyện không có con trai và bác thứ hai thì muốn con trai thừa tự nhà chúng tôi. Bây giờ những chuyện đó đã đi vào dĩ vãng. Khi bố tôi  ốm và mất chị em tôi hoàn toàn tự lo nhưng cũng vẫn bàn bạc với các anh, các cháu nội. Các anh con bác đều mặc áo tang đáp lễ như với bố đẻ. Ngày giỗ con cháu xum họp đông đủ,không có khúc mắc gì. Làng xóm ai cũng bảo bố mẹ tôi sướng hơn nhiều nhà có con trai, vì khi sống hay khi mất rồi con cái đều chăm lo chu đáo.Bây giờ chuyện con trai, con gái ở quê tôi không còn nặng nề nữa ,con nào có hiếu, có nghĩa là hơn.



Từ: Guest
14/03/2016 12:52:38



-Chúng theo duy vật và tín ngưỡng tự do nên tự mình chọn lời giải, tự bốc tự ù chả nói làm gì. Nhưng đời sống xã hội có lý riêng của nó; Có phép vua và lệ làng; Theo hay không theo là một rào cản


Khoan nói chuyện thờ cúng sau này, tôi muốn đặt câu hỏi này đã: Sau này khi bà mẹ mất ai sẽ là người chống gậy tiễn đưa cụ ra mộ?



 



Từ: Guest VOV
14/03/2016 02:12:23

Tôi có bà bạn đã lên U 80 cũng có TC khám ở BVTN rất hiền lành,chồng mất rồi, sống với vợ chồng cậu con trai nhưng nhiều hôm thấy bà ngồi một mình dưới sân lặng lẽ khóc,phải chờ con dâu đi ngủ mới lên nhà,nhiều hôm bức xúc ko ngủ được 12-1g sáng xuống sân đi dạo mong sẽ có đươc giấc ngủ ngon lành.Quan hệ mẹ chồng nàng dâu ko tốt nhưng bà ko dám nói với con trai sợ con buồn,con thương mẹ nhưng vẫn nghe vợ (tuy người làm ra tiền là con trai bà)đưa mẹ ra một nơi xa sống một mình vi con  dâu muốn thế .Hỏi rằng đẻ con trai như vậy sướng ko,cần con cái phụng dưỡng lúc còn sống chứ chết rồi mọi thủ tục thờ cúng chỉ là hình thức.Vì vậy con nào có hiếu với bố mẹ làm cho bố mẹ vui,hạnh phúc lúc về già đó mới là điều quan trọng.



Từ: ThoaNP
13/03/2016 06:14:09

Nhà mình chắc hay bị mắng là vô thần vì chẳng cứ mình không biết mà ngay ba mẹ hai bên cũng không hề câu nệ những chuyện này. Từ khi Ba mình mất (cách đây 24 năm) tụi mình đã lập bàn thờ trong nhà. Hai năm sau Bố chồng mất thì hai cụ chung nhau trên bàn thờ. Đến khi Mẹ mình mất thì ba cụ cùng trên đó. Bà Nội các cháu cũng có bàn thờ đầy đủ cả hai bên Nội, Ngoại. Các cụ rất đoàn kết cùng nhau phù hộ con cháu nên mình thấy cả đại gia đình nói chung là bình an, mọi việc đều tốt đẹp.



 




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s