Bà giáo Alekseeva Margarita Venediktovna và phòng Hóa protein KGU
Tác giả: LienTP
Có những khi điều may mắn kỳ diệu đến với mình cứ như là chuyện cổ tích vậy.
Ngày 15-7-2016 là ngày sinh nhật lần thứ 85 của bà giáo mình, bà Margarita Venediktovna. Mình gọi điện cho bà từ Hà Nội, chúc mừng bà và nói mình rất tự hào được là sinh viên – học trò của bà. Mình luôn biết ơn bà vì tất cả, những gì đã học được.
Cùng ngày đó, em Huyền, Nữ Đại sứ của Hội KGU tại Kishinev đã dành được thời gian, tìm được địa chỉ và đến tặng hoa cho bà. Niềm vui đến với bà giáo già 85 tuổi, sống độc thân, thật không có gì bằng tình cảm thương nhớ của học trò, của các người bạn KGU từ đất nước Việt Nam xa xôi.
Ảnh: Em Huyền, Nũ Đại sứ KGU đến chúc mừng bà giáo tại nhà bà.
Câu chuyện bắt đầu từ 4 tháng trước đây. Mình muốn liên lạc với bà giáo mình , bà Alekseeva Margarita Venediktovna từ lâu rồi. Năm năm trước đây, khi Hội KGU tổ chức Về nguồn lần đầu tiên, mình đã hỏi mãi mà không được. Tình cờ có lần anh Ngô Xuân Mạnh SV 1978 nói là có Nina, học trò của bà giáo mình, học cùng lớp với anh và vẫn thường xuyên liên hệ. Trên FB của anh, thấy có Nina, mình đánh bạo gửi cho cô một tin nhắn hỏi về bà giáo. Bẵng đi đến 4 tháng sau, vào đầu tháng 7 mình nhận được tin nhắn của Nina Kovarschi. Mình được biết bà vẫn khỏe, biết số điện thoại của bà và hay nhất là biết tin ngày 15-7-2016 là ngày sinh nhật lần thứ 85 của bà giáo mình. Không thể nói hết được mình vui như thế nào.
Mình tìm cách để liên lạc với bà giáo, hy vọng mang lại cho bà niềm vui nhỏ nhỏ từ cô học trò cách đây 36 năm, mà lại còn ở rất xa. Điện thoại của mình trục trặc đường gọi ra nước ngoài, liên hệ với Huyền đang ở Kishinev và em đã gọi điện ngay cho bà giáo. Mình cảm động vô cùng. Đúng là Đại sứ của KGU. Mình thật may mắn. Thế rồi loay hoay thế nào rồi mình đã gọi điện được cho bà.
Bà Margarita Venediktovna là Phó tiến sĩ , không tham gia giảng dạy, và cũng không giữ chức vụ gì. Bọn mình hay gọi là Bà tóc trắng, vì bà có mái tóc rất đẹp trắng như cước. Bà rất hiền, nhẹ nhàng và luôn tin tưởng vào học trò. Hồi đó bà nghiên cứu protein từ phôi mầm hạt đậu Hà Lan. Chính vì đó mà mình đã học được hầu hết những phương pháp hiện đại nhất hồi đó ở phòng thí nghiệm. Mấy tháng trời mình chỉ ngồi tách phôi mầm từ túi hạt to mà chỉ được một cốc nhỏ phôi mầm. Mình không nhớ đã bao nhiêu lần làm hỏng thí nghiệm, làm vỡ những chai lọ, thiết bị rất quý của bà.
Ảnh: Liên và bà giáo trước khi bảo vệ, năm 1980
Thế rồi mình về nước năm 1980. Bẵng đi mấy năm, năm 1988, mình có dịp sang Kiev thực tập ở Viện hàn lâm Ucraina. Hè năm ấy mình về thăm lại phòng thí nghiệm, thăm bà giáo và các thầy cô giáo khác. Mình ở đúng ký túc xá hồi học dự bị. Tất cả vẫn như xưa, thân thiết, gần gũi như về nhà. Mình mang về một cái bánh gato của Kiev rất đặc biệt, khác với kiểu của Kishinev. Mọi người rất thích. Thế rồi đến lúc phải chia tay, rất bịn rịn, không biết bao giờ mới gặp lại các thầy cô.
Ảnh: Liên trong Phòng thí nghiệm Hóa protein, năm 1979.
Ảnh: Nhóm Hóa sinh sau khi bảo vệ Khóa luận tốt nghiệp, 1980.
Cách đây hơn 20 năm, có lần mình tìm tài liệu để viết thì thấy tên mình trong một bài báo được trích dẫn. Trong bài báo đó bà giáo là tác giả chính, mình đồng tác giả cùng với một số người khác. Đó là bài báo nước ngoài đầu tiên của mình, năm 1989, 9 năm sau khi mình về nước. Thật tuyệt vời khi bà giáo vẫn nhớ và trân trọng công việc mình làm cùng bà.
Ảnhi: Các thầy cô tiễn bọn mình trên sân ga, 1980.
Nói chuyện qua điện thoại với bà giáo, bà vẫn vậy, vẫn sống độc thân. Giọng bà vẫn khỏe, nhẹ nhàng. Và hiểu những gì mình nói. Tiếng Nga của mình chắc tồi lắm rồi. Bà giáo vẫn nhớ mình, nhớ ngay từ giọng nói của mình, nhớ anh Lanh và Hạnh. Bà giáo có 2 học trò Việt Nam cùng một năm đó, Liên và Hạnh. Bà giáo có nhắc đến em Huyền đã gọi điện đến. Bà rất vui, mình thật sung sướng.
Mình rất muốn có một bó hoa , một chút quà nhỏ cho bà giáo vào ngày sinh nhật bà lần thứ 85 này. Nhưng mình hỏi cô Nina, cô chỉ biết nhà chứ không nhớ địa chỉ, cô lại đang ở nước ngoài. Mình rất áy náy… Huyền nhắn cho mình ngay là chị và chú Lanh cứ yên tâm. Huyền sẽ đến.
Thế rồi những gì tuyệt vời nhất đã đến. Bà giáo đã nhận được hoa và một chút quà nhỏ từ Huyền. Em kể: ” Căn hộ của thời Liên xô ngày xưa. Từ cách bày trí trong nhà cũng vẫn như thế. Những chiếc ghế xô-pha bọc đệm mộc mạc và đã sờn, tấm thảm treo trên tường, giá sách bằng gỗ cũ kỹ với những cuốn sách đã cũ như người xưa....Nhưng gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ. Bà giáo bảo: tuổi già buồn lắm, về hưu đã hơn 25 năm, niềm vui là khi nhớ lại những kỷ niệm khi còn đi dạy ở trường. Bà nói, sau này, bà vẫn có viết một số bài báo khoa học, gửi đăng các tạp chí khoa học ở Matxcova, bà đều trân trọng ghi tên các em sinh viên (là chị Lien, và các sinh viên khác nữa), vì kết quả thí nghiệm là do các em thực hiện...Khi em gửi bà chút quà (là tiền) chị Liên gửi), bà ngân ngấn nước mắt, nói lẽ ra là ngược lại, bà phải chăm lo cho học trò mới đúng chứ. Em phải nói mãi rằng, bà hãy coi đó là quà của đứa con gái ở xa, là chút chăm lo cho mẹ già một mình đơn chiếc... Bà mới nhận quà và hỏi: ở VN đời sống đã tốt lên chưa? Liên và gia đình sống thế nào? Các con của Liên đã đi làm, tự lo cuộc sống được chưa?... Ôi, ký ức về một VN nghèo khổ , thiếu thốn trong thời gian chiến tranh in đậm khắc sâu trong lòng các thầy cô ngày xưa. Em thương ý nghĩ ấy, ký ức ấy của các thầy cô quá! Em nói rất nhiều về VN hôm nay, về đời sống và công việc của các anh chị,học sinh cũ của bà.... Bà vui hơn, chắc thấy yên lòng hơn. Lần nào đến thăm các thầy cô giáo cũ, cũng xúc động như thế. Vừa được sống lại tình cảm thầy trò Xô- Việt đẹp đẽ ngày xưa, vừa thấy buồn vì thầy cô đã sống những năm tháng tuổi già không như chúng mình hình dung mong muốn, và rồi từng năm, từng năm, cứ lần lượt ra đi...”.
Rồi em chụp ảnh bà giáo trong căn hộ của bà gửi cho mình. Mình ứa nước mắt vì cảm động. Không biết dùng từ gì để nói lời cảm ơn em rất rất nhiều, Nữ Đại sứ của Hội KGU.
Vợ chồng mình, Lanh Liên , học cùng một khóa, cùng phòng thí nghiệm Hóa protein. Sau khi cưới 1 tháng anh Lanh quay lại chính phòng thí nghiệm đó làm nghiên cứu sinh và bảo vệ Luận án Phó tiến sĩ. Phòng Hóa protein với các thấy cô thân thương: Thầy Vaintraunb Iosiv Alekxandrovich, thầy Shutov Andrei Dmitrovich đều là thầy hướng dẫn của anh Lanh; thầy Grigorcha Pavel Demiamovich là thầy của nhiều anh chị Hóa sinh, thầy đã dẫn bọn mình đi thực tập ở Leningrat vào năm 1978…
Ảnh : Nhóm Hóa sinh- Sinh lý Thực vật đi thực tập cùng thầy Grigorcha P.A.
Cuộc sống là vậy, có lúc vui, có chuyện buồn, không ít khó khăn vất vả. Bao nhiêu năm trôi qua mình thực sự cảm nhận được những người thật tốt với mình, luôn quan tâm lo lắng, luôn mong mình vui và hạnh phúc.
Ảnh Lanh Liên - 25 năm ngày cưới, 2006
Ảnh: Đại gia đình Lanh Liên, Tết năm 2015,
Mình luôn trân trọng những gì tốt đẹp có được, những gì tốt đẹp dành cho nhau dù là nhỏ nhất.Và giữ gìn điều đó, để sống tốt hơn, hạnh phúc hơn. Hạnh phúc – hai từ thật đơn giản mộc mạc mà có được ở những khoảng khắc thật tuyệt vời mà ai cũng mong đợi trân trọng giữ gìn.
Người post: LienTP
Ngày đăng: 17-07-2016 18:06
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |