KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 02 Tháng mười một. 2016

VỀ NGUỒN (của cựu sinh viên VN)




Tác giả: Nguyễn Thị Huệ (Khoa Báo chí-USM 2013-2017)

Từ lâu đời này, người Việt Nam ta đã có truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tôn sư trọng đạo; Tục ngữ có câu: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây; “Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa”. Dựa trên tinh thần đó, 70 cô chú cựu sinh viên Hội KGU đã quay trở lại Trường đại học Tổng hợp Ki-Si-Nhốp, Moldova nhân dịp kỉ niệm 70 năm thành lập trường (1946-2016), dưới sự dẫn đầu của bác Bùi Quang Ngọc – Hội trưởng Student KGU và cô Bùi Thanh Huyền – đại sứ của KGU tại Moldova.

Nhận được thông báo lịch trình của các bác và các cô chú Hội KGU sẽ đáp chuyến bay AirMoldova vào lúc 01h ngày 28/09 tại Ki-Si-Nhốp, tất cả chúng tôi - thế hệ sinh viên mới của trường Đại học Tổng hợp Moldova (KGU trước đây) náo nức, tất bật sửa soạn, ra sân bay để chào đón sự trở lại của  các cựu sinh viên sau nhiều năm xa cách với đất nước này. Chúng tôi háo hức vô cùng, niềm phấn khởi hiện rõ trên từng gương mặt của các anh chị em. Bởi đất nước mà chúng tôi đang theo học có quá ít người Việt, đối với các anh chị em, không gì vui hơn khi được gặp gỡ, trò chuyện với người Việt, mà lại là những cựu sinh viên của mái trường chúng tôi đang tiếp bước.

Các cháu hậu duê chuẩn bị đón đoàn Về nguồn tại sân bay

Hành trình về nguồn lần thứ hai hội tụ nhiều khóa sinh viên từ năm 1962 đến năm 1993. Với tuổi tác hiện tại của họ, chúng tôi có thể gọi ông bà, bác, cô chú và xưng cháu. Cứ ngỡ rằng, sau chuyến bay dài thì sự mệt mỏi sẽ không thể nào che giấu nhưng trái lại, những nụ cười rạng rỡ trong từng bức ảnh, những cái ôm nồng ấm xóa tan mọi khoảng cách không gian, đẩy lùi cái cảm giác lành lạnh của mùa thu. Bao nhiêu tình cảm đã từng có với Ki-Si-Nhốp dường như đã sống lại và bắt đầu lan tỏa mọi ngóc ngách trong tâm hồn, kịp cho trái tim cảm nhận, kích thích bộ não nhớ về những kỉ niệm khó quên của tuổi đời sinh viên. Bác Bùi Quang Ngọc có chia sẻ với mọi người rằng: “Ở Mát-xơ-cơ-va lộn xộn bao nhiêu, mệt mỏi, căng thẳng bao nhiêu khi nhập cảnh ở sân bay, khi về Ki-Si-Nhốp, đã có sẵn bốn cửa biên phòng dành riêng cho đoàn chúng ta. Rất khác biệt!”. Đúng như những gì bác cảm nhận, đó là sự khác biệt trong tình cảm, cảm xúc giữa một bên là nơi dừng chân, một bên là nhà. Là nhà, dù cho chúng ta đi xa bao nhiêu lâu thì khi trở về, mọi cánh cửa đều luôn chào đón chúng ta bằng tất cả tình thương yêu. Thời gian di chuyển trên chuyến xe từ sân bay về khách sạn là quá trình khởi đầu cho sự hồi tưởng, nhớ lại, kèm theo sự hiếu kì về sự thay đổi của các địa điểm, cảnh quan: Từ chợ đến cửa hàng, bệnh viện, kí túc xá, tên những con đường xưa cũ,…. Với những ai xa quê có tâm lí như vậy cũng là điều dễ hiểu.

Một ngày mới bắt đầu, lịch trình đầu tiên của cựu sinh viên là đến thăm các khoa mà các cô bác từng học: khoa Toán, Lý, Hóa, Sinh, Luật, Kinh tế. Có lẽ, cảm giác đầu tiên khi quay trở lại khoa, gặp lại thầy cô giáo cũ, đến thư viện, phòng thí nghiệm, thực hành,… thật khó diễn tả hết bằng lời. Đặc biệt là cảm xúc nghẹn ngào, vỡ òa khi gặp lại thầy cô giáo cũ mà tôi gọi đó là cuộc gặp gỡ của những con người tóc ngả màu sương. Họ vào ngồi nghe giảng một tiết học bất kì chỉ để tìm lại, “nhặt” lại những mảng cảm xúc một thời sinh viên như ai đó đã vô tình cất giấu một khoảng thời gian dài. Có gì đó vừa quen vừa lạ, không nghĩ rằng mình đã từng ngồi học ở đây, đã từng đến đây mượn những cuốn sách dày cộm về nghiền ngẫm mấy học kì rồi mới mang trả, đã từng làm thí nghiệm những ngày cho tới tận khuya ở căn phòng này,…. Tất cả hình ảnh về trường, về khoa, thầy cô giáo và lớp học đang dần tái hiện rõ mồn một trong tâm trí mỗi người.

Sau đó, tất cả “dắt díu” nhau bước từng bậc cầu thang, đổ xuôi xuống hồ Komsomolskoe – là nơi chứng kiến những mối tình đầu tiên nơi se duyên kết tóc 68 đôi uyên ương nên vợ thành chồng; trong chuyến về nguồn lần này có 8 cặp đôi trở lại. Cảnh vật không đổi khác là bao, vẫn hàng thông xanh, ghế đá cũ, vẫn mặt hồ yên ả ngày thu, vẫn tiếng lá vàng “kêu xào xạc”, chỉ không còn “con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô” nữa mà thôi. Cảnh xưa người cũ thì chẳng có lí do gì không khiến những con tim yêu rung động thêm một lần nữa. Những nụ hôn, những cái ôm tay trong tay giữa trời thu, khi xưa e thẹn, rón rén, nay có chút sâu lắng hơn pha lẫn chút kiêu hãnh. Tôi tin rằng, trong số họ có ít nhất một vài người mang “Mùa thu cho em” để tỏ tình, hò hẹn với các cô: “"Em có mơ mùa thu cho ai nức nở/ Em có mơ, mơ mùa mắt ướt hoen mi/ Và em có mơ khi mùa thu tới, hai chúng ta sẽ cùng chung lối/ Em với anh mơ mùa thu ấy, tình ta ngát hương". Hồ thu Komsomolskoe đặc biệt như vậy đấy, đó là lí do mà ai trong số cựu sinh viên KGU quay trở lại Ki-Si-Nhốp đều muốn dừng chân tại đây.

Gặp gỡ thầy cô, trào nước mắt, trong đó có cả những giọt nước mắt mừng vui hội ngộ, có cả những giọt nước mắt xó xa, đau buồn khi đã nhiều thầy cô không còn nữa.  Vì vậy, ngay ngày hôm đó, điểm đến tiếp theo của đoàn là nghĩa trang. Doina – một nghĩa trang lớn nằm ngoại ô thành phố, nơi yên nghỉ của một nhiều thầy cô giáo cũ, trong đó có thầy Pusnhac- Dekan ngoại quốc, là người gắn bó với sinh viên Việt Nam hơn hai chục năm. Có mộ của cô giáo tiếng Nga Ludmila Fransevna – Người phụ trách Hội đồng hương Việt Nam hàng chục năm. Và là nơi yên nghỉ của nhiều thầy cô các khoa khác nhau. Có nấm mồ của một thầy giáo, mà trên bia mộ có ghi dòng chữ :” Sinh viên Việt nam tưởng nhớ”. Vì đó chính là bia bộ được xây bởi tiền quyên góp của nhóm học sinh Việt Nam của thầy. Cuộc viếng thăm mang lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất khi theo đoàn đến đây. Nghĩa trang nằm khá xa với trung tâm thành phố, chúng tôi mất tầm ba mươi phút ô tô để đến đấy. Nghĩa trang nằm trên một ngọn đồi, tách biệt với trung tâm và rộng hơn những gì những gì tôi tưởng tượng. Một không gian trầm mặc với mùa thu, “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang; Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”, những giọt nước mắt lăn dài trên má của các cô chú. Tôi cảm nhận được chính bản thân mình, hiểu được tâm trạng của các cô chú. Sau một thời gian dài xa quê, nhớ quê, trở về quê, những người cha người mẹ thứ hai của mình bây giờ đã nằm yên giấc dưới nấm mồ xanh. Nhiều câu chuyện cũ chưa kịp ôn lại, lời tri ân chưa kịp nói hay những câu chuyện còn đang dang dở đành giữ lại trong tim. Tại thời điểm đó, có lẽ, họ có rất nhiều cảm xúc đan xen lẫn lộn. Như Chế Lan Viên từng nói: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở; Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”. Không chỉ cảnh vật mà con người tại vùng đất đó cũng làm ta phải khắc cốt ghi tâm; với thầy cô giáo cũ có ơn dìu dắt, dạy dỗ, yêu thương, truyền thụ kiến thức càng khiến ta nhói lòng, nghẹn ngào khi nhìn ngắm họ một lần nữa qua di ảnh của bia mộ. Mùa thu vốn dĩ đã mỏng manh, nhẹ nhàng, nay, tại nơi này lại khiến lòng người day dứt một nỗi niềm chẳng thể gọi tên.

Chúng tôi di chuyển đến nhiều vị trí khác nhau, mỗi phần mộ, các cô đều tỉ mỉ dọn cỏ, dán bông hồng, đặt hoa cúc, thắp nền và đốt nhang khấn nguyện, bày tỏ tấm lòng của một đứa học trò cũ lần đường về thăm thầy cô giáo. Và tất nhiên, không thể quên kể những câu chuyện xoay quanh người thầy, người cô đó cho thế hệ sinh viên mới bọn tôi. Tôi nhớ hôm đó, phần mộ cô giáo nằm ở khu số 7 là khó tìm nhất, chúng tôi được cung cấp  ba dữ liệu để chia nhau đi tìm: Họ tên, mộ được sơn màu đen và nằm yên nghỉ cùng người thân. Chúng tôi đi tìm khắp, men theo mép đường, len vào các bụi cây, í ới hỏi nhau: “Tìm thấy chưa?”, “Chị thấy chưa ạ?”, “Chỗ nào nhỉ?”,…. Sau một hồi tìm kiếm, mọi người gần như bỏ cuộc thì từ đằng xa vọng lại tiếng của một bạn sinh viên “Hậu duệ KGU”: “Tìm thấy rồi ạ!”. Mọi người bảo là may mắn nhưng tôi lại nghĩ theo hướng tâm linh tương thông, thầy-trò, kẻ âm người dương đều mong muốn nhìn thấy nhau. Các cô cứ mải miết đi và kể những câu chuyện gắn với cuộc đời và sự nghiệp thầy cô giáo cũ  cho đến phần mộ cô giáo cuối cùng nằm tiếp giáp với một cánh rừng phong già.

Tôi được biết là trong thời điểm này một nhóm các cô chú cựu sinh viên khác cũng đi đến Nghĩa trang trung tâm thành phố để viếng mộ thầy cô. Trong đó có mộ thầy hiệu trưởng KGU Boris Menic, có mộ của một nữ sinh Việt nam mất khi 18 tuổi, cô Trần Thị Nguyện. Và các thầy cô khoa Hóa, khoa Sinh…

Trời chiều, chúng tôi về đến trung tâm thành phố, cứ ngỡ mọi người sẽ về khách sạn nghỉ ngơi nhưng tất cả lại tiếp tục lên xe đến thăm nhà các thầy cô giáo đã về hưu, số khác đi bộ dọc theo các con đường lớn để tìm mua những món đồ kỷ niệm. Tôi sống và học tập ở Ki-Si-Nhốp gần 4 năm, tôi cũng đã từng mua búp bê Nga về làm quà cho người thân, bạn bè hoặc cho chính bản thân mình nhưng chưa một lần, tôi đi mua và mặc áo, khăn truyền thống dân tộc Moldova. Trong khi đó, các bác, các cô chú lại đi tìm mua những thứ đồ truyền thống của Moldova: Áo, khăn, mũ, bình rượu,…. Ngay tại  hội rượu vang toàn quốc, tôi bắt gặp hình ảnh phụ nữ Việt Nam U60-U75 tuổi khoác trên mình chiếc áo truyền thống của nước Moldova với họa tiết rất đặc trưng. Có thể cảm nhận được: các cô chú yêu quý đất nước này biết nhường nào.

Trong văn hóa phương Tây, người ta nhân cách hóa mùa thu như là một người đàn bà đẹp, khỏe mạnh được trang điểm bằng các loại quả, rau quả và ngũ cốc đã chín vào thời gian này. Phần lớn các nền văn minh cổ đại đều đề cao các lễ hội thu hoạch trong mùa thu, thông thường là quan trọng nhất trong các loại lịch của họ. Lần về nguồn này của các bác, cô chú sinh viên KGU may mắn đúng dịp tổ chức lễ hội rượu truyền thông của quốc gia, nổi tiếng là rượu vang. Tại đây, họ được thưởng thức những ly rượu vang chất lượng nhất, tham gia các hoạt động của lễ hội như học cách làm rượu, các tiết mục nhảy múa, ca hát, triễn lãm đồ gốm và ẩm thực truyền thống. Trước đó, họ cũng được công ty du lịch đưa  đến Hầm rượu vang Cricova nổi tiếng thế giới. Cô Bùi Thanh Huyền chia sẻ: “ Rượu vang chính là tinh túy của đất nước Moldova. “Đặc sản” của Moldova, nét nổi bật nhất của Moldova chính là cây nho và rượu vang. Chúng mình đã đi nhiều nước Châu Âu, Châu Á, Châu Phi, thưởng thức nhiều loại rượu vang nổi tiếng như vang Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Nam Phi… nhưng rượu vang mà chúng mình đang uống ở đây mang một hương vị thật khác, một hương vị không lặp lại ở đâu, khi nào….vì chúng mình đang uống “hương đồng gió nội” Moldova, đang “uống” những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ, khi uống có cảm giác rượu chảy vào tim ”. Cũng tại vùng đất Cricova này, các cô chú được đến tham quan vườn nho, được những người nông dân  cho phép hái nho mang về. Đó là món quà ý nghĩa, là tình cảm đáng quý của người dân thôn quê dành tặng khách vãng lai. Họ tuy nghèo nhưng tấm lòng của họ chưa bao giờ là nghèo cả. Bất giác, tôi chợt nhớ đến một câu trong lời bài hát do Gary Barlow viết và hát: “Những điều tốt đẹp có thể hoàn toàn miễn phí cơ mà!”.

Chiều ngày 30 tháng 9 sẽ là một trong những ngày tôi không bao giờ quên trong bốn năm học tập tại Ki-Si-Nhốp. Hôm đó, nhà trường tổ chức lễ kỉ niệm 70 năm thành lập trường tại nhà hát quốc gia “Nicolae Sulac”. Tất cả sinh viên Việt Nam được trân trọng  mời ngồi ở những dãy hàng ghế trung tâm của hội trường. Bác Bùi Quang Ngọc – Hội trưởng KGU đã đại diện cho 70 cựu sinh viên lên đọc bài phát biểu chúc mừng, gửi lời tri ân sâu sắc đến quý thầy cô giáo và lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến trường.

Bác mở đầu bài phảt biểu: “Cho phép tôi được nói bằng tiếng Nga, thứ tiếng mà thời đó chúng tôi đã được học, để lĩnh hội kiến thức”. (Hiện tại toàn nước cộng hòa và trường Tổng hợp đã dùng tiếng Moldova như tiếng chính thức để dạy và học). Tiếng Nga đã lùi xa 25 năm…Cả hội trường vỗ tay râm ran xúc động. Vì những câu nói đó vừa nhắc đến một thời kỳ lịch sử, tỏ lòng tôn trọng thầy cô và thứ tiếng đã giúp ta lĩnh hội kiến thức lúc đó, vừa tỏ lòng tôn trong ngôn ngữ của dân tộc Moldova. Bài phát biểu phải ngắt quãng nhiều lần bởi tiếng vỗ tay của hội trường. Bao nhiêu nụ cười hân hoan trên các gương mặt rạng ngời của người dự hội. Sau đó tôi được nghe nói, mọi người cho rằng đó là tiết mục chúc mừng đẹp nhất, hấp dẫn nhất, xúc động nhất trong buổi lễ. Cuối cùng, toàn hội kính tặng nhà trường một món quà lưu niệm, đó là chiếc bình hoa lớn bằng sứ, có in hình 2 cảnh đẹp của thành phố Ki-Si-Nhốp mạ vàng. Phải nói đến điểm thu hút đặc biệt hôm ấy  chính là sự xuất hiện của các quý cô trong trang phục áo dài truyền thông của Việt Nam. Người người trong hội trường vỗ tay tán thưởng, trông cứ như show diễn thời trang của các nhà thiết kế . Có lẽ, họ mãn nhãn vì chưa bao giờ thấy trang phục truyền thống nào đang dạng màu sắc, hình dáng, họa tiết như áo dài của Việt Nam. Từ những đóa sen, đóa hồng, đào, lan, mẫu đơn tươi thắm, rực rỡ; cánh chim, cánh bướm xinh xắn đến những đường kim mũi chỉ tinh tế tôn lên vẻ đẹp thanh tao, trang nhã, nhẹ nhàng, duyên dáng tựa hồ những nàng tiên, cô Tấm thời hiện đại. Tôi cảm tưởng như mình đang đứng trước một rừng hoa đẹp tuyệt vời. Tôi vui sướng và tự hào lắm! Vốn dĩ, tôi đã thích mặc áo dài, nay, trong ngày trọng đại như vậy, càng hạnh phúc, kiêu hãnh, tự tin hơn khi cùng các bác, các cô mặc trên mình trang phục truyền thống. Một lần nữa để lại dấu ấn trong tâm trí mọi người rằng: Chúng tôi là những người phụ nữ Việt Nam, không phải bất kì quốc gia nào khác.

Hành trình về nguồn của Hội Student KGU không thể bỏ sót đêm tiệc liên hoan vào tối ngày mùng 1 tháng 10, với sự tham dự của Ban giám hiệu nhà trường, quý thầy cô giáo và toàn bộ sinh viên KGU. Đây là đêm gặp gỡ, trò chuyện giao lưu văn nghệ giữa các thầy cô giáo với các thế hệ sinh viên của KGU. Tại buổi liên hoan này, cô giáo Irina Sacara đã nói rằng: “Trước đây, sinh viên Việt Nam là những người học rất chăm chỉ và rất giỏi. Sau khi về nước, họ đã rất thành công, họ giữ những chức vụ quan trọng,…. Nhưng điều chúng tôi quan tâm là: Sau khi thành công, họ vẫn còn nhớ và quay lại với chúng tôi. Điều này có ý nghĩa rất quý giá, nó làm cho chúng tôi khỏe hơn, vui hơn và sống lâu hơn”. Những lời chia sẻ ngắn gọn, xuất phát từ tận đáy lòng của một người giảng viên già khiến một đứa sinh viên thuộc thế hệ nối tiếp như tôi đây nghe mà thấm và phải suy nghĩ lại. Sau này, riêng cá nhân mình, tôi nhất định sẽ quay trở lại Moldova để thăm hỏi thầy cô giáo cũ của mình.

Thầy Nicolae Osmochescu cũng bộc bạch cảm xúc của mình trước cuộc hội ngộ này như sau: “Hôm nay, chúng tôi gặp gỡ với cựu sinh viên ở Việt Nam. Tôi là một giáo sư của khoa Luật, ngày hôm nay, chúng tôi có 22 cựu sinh viên đã tốt nghiệp từ năm 1980 đến năm 1994. Tất cả các khóa học, tôi đã dạy luật pháp quốc tế và tất nhiên tôi rất vui vì đã được gặp lại họ vào ngày kỷ niệm 70 năm, kể từ khi thành lập trường Đại học Tổng hợp Moldova. Bốn năm trước, tôi cùng với một số đồng nghiệp của tôi đã được đến thăm tất cả các sinh viên đã tốt nghiệp từ Đại học này ở Việt Nam. Tôi cũng tưởng tượng rằng: Đây là một cuộc gặp gỡ của các tâm hồn”.

Phần cuối của đêm tiệc, bác Bùi Quang Ngọc đã chia sẻ: “Năm 2011, kỉ niệm 65 năm thành lập trường, bác từng quay trở lại trường, sau năm năm, đối với nhiều cô chú, nhiều thầy cô đã ra đi, cũng rất buồn cho nhiều người vì trong thời gian đó không kịp gặp. Hiện tại, trường cũng có nhiều thay đổi, tu sửa đẹp hơn. Điều quan trọng với cô chú là tình cảm của ngày xưa với trường, còn hiện tại không tác động nhiều bằng kỉ niệm xưa. Còn thành phố Ki-Si-Nhốp vẫn như cũ nhưng xe ô tô nhiều quá, sớm hay muộn cũng sẽ dẫn đến tình trạng kẹt xe như nhiều thành phố lớn khác. Một điếm ấn tượng là lễ hội rượu truyền thống mang đậm màu sắc của những làng quê trồng nho của Moldova. Và điều đặc biệt là sau nhiều năm xa cách thì tình cảm của cô chú dành đất nước này ngày càng gắn bó hơn”. Trước khi ra về, bác đã có lời dặn dò thế hệ sinh viên mới chúng tôi cần phải phấn đấu, học tập chăm chỉ và đoàn kết để tiếp tục giữ và phát huy hình ảnh đẹp của sinh viên Việt Nam, đồng thời đi đến thành công.

 

 

 

 

Tại lễ tiệc có điều thú vị là chúng tôi nhận được thư chúc mừng của Đại sứ Nga tại Moldova. Nghe tin Đoàn cựu sinh viên trở lại mái trường KGU xưa, Đại sứ rất cảm động và cảm thấy tự hào bởi sinh viên Việt Nam, những con người thật tình nghĩa.

Và điều cuối cùng, không thể không nói đến là chương trình văn nghệ với chủ đề “ Tìm lại câu hát cũ”. Hai ca sĩ đã thể hiện nhiều bài hát, kỷ niệm một thời của bao thế hệ sinh viên Việt Nam. Trải dài từ những năm 60-70, những năm 80-90, mỗi thập kỷ, mỗi thế hệ sinh viên lại tìm thấy những câu hát cũ một thời, lại hòa giọng hát cùng nhau, mênh mang, rưng rưng nhớ về năm tháng ấy. Chương trình bị thay đổi nhiều vì những “ngẫu hứng” của các cô chú cựu sinh viên. Nhiều người “bỗng dưng muốn hát” và cứ bước lên cạnh ban nhạc để hả hồn mình với những bài hát, mà đôi khi quên, sót vài ba từ...Nhưng tất cả đều rất phấn khởi, hài lòng. Hậu duệ KGU chúng tôi cũng ngẫu hứng góp vui với bài hát tiếng Việt và tiếng Moldova. Thú vị là có chú sinh viên trẻ đẹp Huỳnh Anh Văn lĩnh xướng cho chúng tôi. Giao lưu văn nghệ, giao lưu cảm xúc, giao lưu tâm hồn giữa các thế hệ… Tôi được biết món quà âm nhạc này là do cô Đại sứ Bùi Thanh Huyền cùng gia đình yêu mến tặng cho đoàn Về nguồn.

Hành trình về nguồn của các bác và các cô chú cựu sinh viên KGU đã khép lại với nhiều cảm xúc lắng đọng đặc biệt. Điều đáng nói ở đây là: Họ đã thực hiện được một hành trình rất ý nghĩa – hành trình đi tìm lại tình yêu và tuổi trẻ. Paven Coocsaghin trong tác phẩm "Thép đã tôi thế đấy!" từng nói rằng: Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí”. Có lẽ, họ sẽ chẳng bao giờ cảm thấy hối hận khi đã cùng nhau thực hiện chuyến đi này, cùng nhau hoài niệm, cùng nhau tri ân, cùng nhau gắn bó tạo ra những kỉ niệm mới. Và biết đâu, vài năm sau lại có thêm hành trình về nguồn lần thứ ba. Hãy cùng nhau chờ đợi nhé!

 

 

 


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 02-11-2016 00:12






Xem 11 - 13 của tổng số 13 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: CucNT
02/11/2016 09:26:47

 


Môt bài viết đủ đầy, hấp dẫn, lôi cuốn người đọc từ những dòng đầu đến dòng cuối. Tôi tham gia trong đoàn về nguồn chứng kiến mọi sự kiện, trãi qua những cung bậc cảm xúc mà em đề cập tới. Chỉ biết nói là cảm ơn em vô cùng vì em đã miêu tả được những hành động đẹp nhất, lột tả được những tinh cảm sâu lắng nhất  chúng tôi dành cho thầy xưa trường cũ mà bản thân tôi  (và có lẽ nhiều người như tôi) dạt dào cảm xúc nhưng  chưa thể viết thành lời. 


 May mắn cho những ai đọc bài viết này ( dù học Kgu hay không) đều được tiếp cận với những nét đẹp của tình nghĩa  thầy trò, bạn hữu và khi lắng lại ta chợt nhắc mình hãy chăm sóc web kgu vì  đây là nơi hội tụ những tâm tình, những kỹ niệm, những cảm xúc mà  một thời tuổi trẻ hồn nhiên trong trẻo, ta đã bên nhau chung thầy  cô, chung bạn bè, chung một mái trường nơi xa quê. 


  Lần nữa, cảm ơn em!


 


 



02/11/2016 09:21:04

Anh cũng ko rõ tiếng Mol, tiếng Anh hay tiếng Nga nó tên là gì. Mấy hôm ở Kishinhop toàn nói tiếng Việt quân ta với nhau, chỉ biết có 2 cháu hậu duệ học khoa báo chí. Mà khoa báo chí nên lấy nick là Lá Cải (LC).


Cứ tưởng ko bao giờ có sinh viên VN học ở KGU nữa. Sau  20 năm vắng bóng, bỗng nhiên 2012 Huyền đại sứ thông báo rằng có 5 cháu đang học tập ở KGU. Thế là các cháu được gán cái tên hậu duệ, nghe rât xa xôi.


Như vậy văn đàn KGU chia làm 2 nửa, CC và phần còn lại. Phần còn lại gồm: TS, VL, CL, OB và LC, xem ra vẫn yếu hơn cánh CC. Diện tham gia viết đi, đã từng có bài về Hậu Liên Xô thì phải. Chứ serie Thị Nở Chí Phèo ko được đưa ra cân đo trên văn đàn KGU



02/11/2016 09:04:27

Hội trưởng ơi. Khoa báo chí đặt tên tắt là gì đây? Đối thủ ngang tầm của CC.




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s