KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 09 Tháng mười một. 2016

VỀ NGUỒN CÙNG CÁC THẦY CÔ




Tác giả: NguyetTM

                                   Nguyệt, Ngọc, con gái, con trai cùng vợ chồng bà Samus, tháng 6/2010

 

Cả chợ KGU suốt hơn một tháng nay náo nhiệt với các sự kiện diễn ra trong chuyến Về Nguồn 2016. Tôi cũng trở về sau chuyến thăm lại mái trường xưa ấy với bao nỗi niềm buồn vui lãn lộn. Về nhà nhiều việc, thỉnh thoảng lại “chạy vào Chợ” xem có những ai đi chợ và xem họ đã trao đổi cho nhau những gì rồi.  Toàn những thứ mình vừa mới nghe, mới nhìn, mới thấy mà vẫn ham xem! Té ra, tự nhiên chỉ là một nhưng dưới góc độ của mối ống kính thì chúng ta lại được ngắm vẻ đép của nó theo một vẻ riêng. Thật là tuyệt hảo với những gì mà chúng ta vừa trải qua trong chuyến Về Nguồn. Ai không đi chuyến trước đã tiếc và không đi chuyến này lại tiếc nữa. Có người vừa về tới nhà đã mong sao cứ 2 năm đi lại một lần. Ôi! Sao mà bốc thế cơ chứ. Hôm nay thấy Chợ bắt đầu vãn vãn chuyện Về Nguồn, tui xin mạo muội đôi lời, biết đâu lại có người quyết định sang năm tổ chức Về Nguồn thì hay quá.

 Tôi tốt nghiệp 1980, về Viện Khoa học Việt Nam làm việc. Năm 1989 sang thực tập ở trường Hóa Công nghệ Xophia, Bungary. Hè 1990, tôi từ Bungary sang Moscow đón chồng cùng con gái đầu lòng, bắt đầu chuyến Trở Về đầu tiên. Chúng tôi thăm lại Sain- Peterburg và Moscow như những thành phố thân quen và đẹp đẽ nhất của nước Nga Xô Viết xưa kia. Sau đó đi Moldova bằng tàu hỏa với những kỷ niệm hun hút trở về với quá khứ giống như đoàn tàu bỏ lại đằng sau những thành phố, làng quê chợt thấy, đã quen thân mà lại phải rời xa. Về đến Kishinhov lúc bấy giờ mới thấy một vài khu mới được xây dựng ở ngoại ô, còn mấy ký túc xá của chúng mình vẫn giữ nguyên. Vào trường thăm các Thầy Cô thì thấy những người Nga, Ucraina vẻ buồn buồn, người Mol dường như đã chiếm lĩnh tất cả những vị trí quan trong trong trường. Thời thế là vậy, biết làm sao được. Tuy vậy, các Thầy Cô vẫn hết lòng dạy dỗ và hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh như những nhà khoa học chân chính. Bà Samus của chúng tôi thì nói rằng: Nguyet-tik (bà hay gọi tôi thân mật vậy), sao không sang đây làm với tao mà lại sang Bungary? Tôi đành phải thú thật với Bà là “Nhà nước cho đi đâu thì đi đó thôi, bản thân đâu có chọn được”. Chúng tôi lưu lại 1 tuần ở Kishinhov, đưa con gái đi thăm trường KGU, thăm viện Hàn lâm, Hồ Comxomol, đại lộ Lenin, chợ trung tâm… rồi về Xophia và cũng chưa nghĩ xem khi nào trở lại Moldova.

              Bà Samus và Nguyệt cùng con gái Nguyệt Minh, hè 1990                                  

Bẵng đi một thời gian dài lăn lộn với cuộc sống mưu sinh, năm 2010, khi chúng tôi đã có thêm cậu con trai 16 tuổi, chúng tôi mới có ý thức thực sự việc đưa các con về nơi mà mình đã có những năm tháng học tập và cuộc sống sinh viên đáng trân trọng. Cuộc hành trình năm ấy cũng như lần trước: thăm Mos và Len rồi mới về Mol. Có khác là khi Liên bang Xô Viết tan rã thì phải làm VISA vào Mol. Trong thời gian thăm quan Mos, Công ty Du lịch đã làm VISA cho chúng tôi. Và thế là sau khi thăm quan Len, chúng tôi bay thẳng về Kish. Lần này chúng tôi chuẩn khá kỹ càng việc đến thăm trường, thăm Thầy Cô và được vợ chồng Huyền – Kỳ, vợ chồng em của Huyền là Huy-Linh hỗ trợ hết sức chu đáo, tận tình. Chúng tôi thật Hạnh phúc, khi được cả vợ chồng của nhiều Thầy cô nhận lời đến dự buổi gặp mặt như vợ chồng Thầy Melnhic, Thầy Pusnhiac, bà Samus, Thầy Riabukhin, Thầy Arnautov …  Rồi ban giám hiệu mới cũng tới dự. Rất vui. Nhưng cũng chính tại buổi gặp mặt rất đầm ấm và trang trọng này, chúng tôi nhận ra rằng các Thầy Cô của chúng mình đã già quá rồi – Thầy Pusnhiac phải dìu mới lên được tầng 2 của khách sạn, Thầy Melnhic thì phát biểu rất cảm động nhưng vợ Thầy ngồi bên cạnh dường như còn bình tĩnh và minh mẫn hơn, thỉnh thoảng lại nhắc giúp lời….Chúng tôi bảo nhau rằng nên mời các Thầy Cô sang Việt Nam chơi càng sớm càng tốt chứ không thể chạy kịp được với thời gian khi mà tuổi của các Thầy Cô đều ngoài 80 rồi. Và ý tưởng Về Nguồn cho cả Hội KGU cũng bắt đầu từ đó.  

Vợ chồng Thầy Melnhic và Thầy Pusnhiac trong buổi                  Các Thầy cô dự buổi liên hoan với gia đình tôi và

               liên hoan với gia đình tôi, hè 2010                                                       Thanh Huyền, hè 2010

                               

                                               Chúng tôi cùng Thầy Constantin Turta chụp ảnh bên thiết bị từ thời CCCP, 6/2010

Giữa tháng 6/2010 gia đình tôi trở về Việt Nam và xúc tiến ngay việc mời vợ chồng Bà Samus và Thầy Riabukhin sang chơi. Thế mà cũng đã không kịp nữa rồi! Ngày 21/8/2010 ông Samusi Ivan Dumitru – chồng Bà Samus Nhina Mikhailovna, qua đời! Thanh Huyền biết tin này mà chần chừ mãi mới báo cho chúng tôi vì tất cả đều rất buồn. Huyền hiểu rằng sự ra đi của Dumitru Ivan Samus sẽ đánh dấu chấm hết cho khả năng mời vợ chồng bà Samus sang Việt Nam. Ông ra đi làm tinh thần của Bà suy sụp, các con bệnh của người cao tuổi chồi lên, mỗi lần tôi gọi điện thoại sang thăm là bà lại khóc. Bà già yếu và cô đơn lại thương nhớ chồng vô hạn nên sức khỏe bà suy giảm rất nhanh. Bà không còn đủ sức đi Việt Nam được nữa. Tháng 4 năm 2011 chúng tôi chỉ mời được vợ chồng Thầy Riabukhin sang Việt Nam được mà thôi. Vì vậy, hòa nhập vào chuyến Về Nguồn 2011, tôi có nguyện vọng sâu thẳm là sang lại ngôi nhà của Bà giáo, thăm Bà và viếng mộ Ông. Trong mấy ngày ở Kishinhov lần ấy, trừ những lúc đi dự theo chương trình của đoàn, vợ chồng tôi dành nhiều thời gian ở lại với Bà trong căn hộ khá rộng nhưng thật là trống vắng và buồn! Trong phòng khách, bên cạnh bàn uống nước mà Bà giáo đang mời chúng tôi dùng những đặc sản của Moldova là một chiếc bàn nhỏ, trang trọng đặt trên đó một tấm ảnh của chồng, một lọ hoa nhỏ, bà dâng một đĩa bánh đậu xanh Việt Nam mời Ông: “Dmitri, ông ăn đi, bánh Việt Nam của Nguyet-Ngoc mang sang đó!”. Tôi giật mình, ngỡ mình đang ở châu Á. Vì từ trước tôi vẫn nghĩ là phong tục lễ bái, dâng cúng là kiểu Phương Đông. Hóa ra, nghi lễ chỉ là sự biểu hiện của tình cảm. Phương Tây hay Phương Đông cũng trìu mến và ý nhị cả.

          Về nguồn 2011 đón Bà Samus đến dự Liên hoan                 Nguyệt đến thăm Bà giáo tại nhà, Về Nguồn 2011

      Các Thầy Cô khoa Hóa cùng học trò dự buổi Liên hoan, Về Nguồn 2011

Tình cảnh Thầy Pusnhiac cũng không khác gì Bà Samus. Vài tháng trước lần Về Nguồn 2011, vợ Thầy mất. Thế là Thầy cũng sụp. Chúng tôi hẹn đến thăm Thầy mà Thầy đã ngồi chờ ở ghế dưới vườn từ lúc nào không biết. Đàn con KGU đến vây quanh Người mà không thể nào cầm được nước mắt. Khi vào nhà Thầy là thấy ngay một chiếc bàn nhỏ có lọ với hoa cắm đã khô và hơi chút bạc màu, nhưng Thầy vẫn giữ nguyên vì đó là lọ hoa cuối cùng vợ Thầy cắm trước khi ra đi. Bên cạnh là một ghế salon cũ kỹ tưởng chừng như lâu lắm rồi không ai chăm chút cả. Thế mà Thầy đã làm chúng tôi xúc động quá khi Thầy chỉ vào đôi dép xục bằng vải màu xanh nằm ở dưới salon, Thầy nói rằng đây là đôi dép mà vợ Thầy dùng vào ngày CUỐI CÙNG ĐÓ. Và đêm nào khi đi ngủ Thầy cũng mang theo đôi dép của vợ để dưới giường ngủ của Thầy!

Thầy Pusnhiac đang chia sẻ về vật liệu ceramic mà thầy đã dầy công nghiên cứu, 6/2010

Nhiều chuyện thú vị của chuyến về nguồn 2011 đã được đăng trên Web từ hồi ấy. Thế rồi hẹn nhau, 5 năm nữa là kỷ niệm 70 năm thành lập trường KGU, lại Về Nguồn. Nhưng mà, sau 2011, các Thầy Cô của chúng ta phần lớn đã lần lượt ra đi. Thầy Melnhic, thầy Pusnhiac, Bà Samus, Thầy Arcady, Bà Xipliakova, Bà Vera…  đều đã mất. Khi việc Về Nguồn 2016 bắt đầu khởi động, tôi tự hỏi liệu mình có đi chuyến này nữa không? Thế rồi tôi lại khăn áo lên đường. Lại về Moldova, lại về mái trường xưa nhưng lần này thì ý niệm thâm sâu là viếng mộ các Thầy Cô! Và ngay chiều đầu tiên ở Kish, cả đoàn đã chia làm 2 tốp: một tốp đi nghĩa trang Dona và tốp còn lại đi nghĩa trang trong thành phố (khá gần OB.1). Tôi trong tốp thứ 2 ra thăm mộ chị Nguyện, Thầy Melnhic, Thầy Gherbeleu, Vợ chồng Bà Samus và Cô Vera. Chúng tôi đã mang tâm nguyện của tất cả các học trò KGU đến viếng các Thầy Cô và cầu mong cho Linh Hồn các Thầy Cô được an vui.

Còn một người Thầy đã hướng dẫn tôi thực hiện một phần thực nghiệm cho luận văn tốt nghiệp đó là Thầy Constantin Turta. Hồi dạy tôi, Thầy là Candidat làm về phổ Miosbauer ở Viện Hàn Lâm. Sau này Thầy trở thành Viện sĩ Viện Hàn Lâm Moldova. Lần nào về Kish, tồi đều về Viện Hàn lâm thăm Thầy. Trước khi Về Nguồn năm 2011, tôi thư cho Thầy và hẹn gặp Thầy vào dịp đó. Thầy đang ở Rumani nhưng Thầy hứa là sẽ về gặp chúng tôi ở Kishinhov. Và Thầy đã hiển hiện thực sự vào buổi gặp gỡ đông vui ở nhà hang Vino bên Hồ Comxomol năm ấy. Sau buổi liên hoan Thầy còn cùng Bà Samus đưa chúng tôi ra Nghĩa Trang viếng mộ chồng Bà Samus và mộ Thầy Gherbeleu. Không có Thầy thì hôm đó chúng tôi không thể nào tìm được mộ Thầy Gherbeleu. Thầy còn khỏe mạnh và nhanh nhẹn lắm. Ấy thế mà đến đợt Về nguồn năm nay, tôi thư đi thư lại cho Thầy không thấy Thầy trả lời. Thầy có bao nhiêu địa chỉ Email tôi đều gửi đi hết mà vân không nhận được hồi âm. Điện thoại và nhờ Thanh Huyền liên lạc giúp cũng không được. Trong đầu tôi cho rằng Thầy về hưu và đã chuyển nhà nên không tìm ra. Tôi nói với Huyền: “để chị vào tận nơi, Viện Hàn Lâm mời Thầy em ạ”. Huyền cũng bảo:  “đúng rồi, chị đi đi”. Hai ngày đầu tiên chương trình kín mít, tôi không vào Viện Hàn lâm được. Sáng ngày tiếp theo, vợ chồng tôi và anh Dũng (Toán 79) bắt taxi vào Viện. Đến cửa Viện tôi hỏi ông bảo vệ xem Thầy đã đến chưa, ông ấy nói rằng Thầy chưa đến, chắc sẽ đến. Chúng tôi theo cầu thang lên tầng 3 nơi mà Labo của Thầy ở đó. Người ta chỉ cho tôi hỏi chuyện một phụ nữ đã luống tuổi. Ngay câu đầu tiên, bà ấy báo rằng Thầy đã mất vì bệnh ung thư đường ruột! Tôi xuýt xỉu và không còn hứng thú hỏi thêm và làm thêm việc gì nữa ở đó. Hỏi thêm một số vấn đề về Thầy, bà ấy cũng không biết nhiều hơn. Chúng tôi cảm ơn bà và xin cáo lui. Một cảm giác hẫng hụt và mất mát. Tôi cũng không muốn lan truyền cảm giác đó sang hai anh khoa Toán đang bên cạnh tôi và tôi thầm cảm ơn hai anh đã có mặt cùng tôi lúc ấy, nếu không tôi sẽ bơ vơ biết chừng nào. Và bây giờ tôi chỉ còn cho các bạn xem những ảnh mà chúng tôi gặp Thầy từ những lần về Nguồn trước mà thôi.

 

Anh HiềnVC chia sẻ với Thầy Constantin Turta, về nguồn 2011     Cùng Thầy Constantin Turta và Cô Nina Mikhailovna viếng mộ

Chồng tôi và anh Dũng thì hên hơn tôi. Tôi cũng mừng cho hai anh vì Về Nguồn lần này hai anh có niềm hạnh phúc lớn là được cùng nhau đến thăm Thầy của mình (lần trước anh Dũng không Về Nguồn), thầy vẫn mạnh khỏe và “hồn nhiên”. Tôi dùng chữ “hồn nhiên” cho Thầy Riabukhin là vì Thầy gần 80 tuổi mà vẫn Hồn nhiên thật – hồn nhiên vô tư của một Viện sĩ Hàn lâm. Buổi đến thăm Thầy cũng rất ly kỳ. Như thường lệ, trước khi sang Kish. chúng tôi đều nhờ Huyền liên lạc trước giúp và gọi điện sang cho Thầy và vợ Thầy luôn là người thay Thầy trả lời điện thoại. Mọi chuyện vẫn tiến triển bình thường cho đến khi chúng tôi đặt chân đến Kishinhov. Anh Ngọc băt đầu gọi cho Thầy thì không thể nào nói chuyện được với Thầy. Vì rằng ở đầu dây của Thầy cảm tưởng là một Riabukhin mất trí nhớ, không thể hẹn hò gì được, mà vợ Thầy đâu cũng chẳng thèm cầm máy! Chúng tôi trao đổi lại với em Huyền chuyện này. Lúc bấy giờ em Huyền mới thổ lộ rằng: “em không dám nói với anh chị sớm vì sợ anh chị buồn, chứ Thầy bị mất trí nhớ rối!”. Một hơi thở dài đầy lo lắng! Rồi chúng tôi quyết định ngay chiều 28/9, sau khi rời nghĩa trang thành phố là bắt xe đi Tiraspol. Thầy đang ở Tiraspol mà. Cô Nadia và em Huyền thì băn khoăn không biết có nên khuyên chúng tôi ở lại Kishinhov hay không vì tình hình an ninh giữa Kish và Tiraspol không được ổn lắm. Mọi người sợ chúng tôi gặp rắc rối khi sang vùng Tự Trị Tự Xưng ấy mà ngày hôm sau không về được Kish. để dự buổi miting trọng thể của trường. Chúng tôi thì không thể ngồi yên ở Kish được vì đã đến Mol rồi và trong đầu tưởng rằng Thầy đang đổ bệnh mất trí thì kiểu gì cũng phải đến thăm Thầy. Can ngăn chúng tôi không được, cô Nadia đành phải tìm phương án tốt nhất, an toàn nhất cho chúng tôi. Cô gọi một taxi quen biết và giao nhiệm vụ hộ tống chúng tôi cho đến khi về đến Kishinhov. Xe đi mất khoảng 1h30 phút thì đến Tiraspol. Chúng tôi tìm đến khu trung cư nhà số 1, phòng số 4. Ai ngờ vừa đỗ xe vào khu đó, thấy nhà ghi biển 1G. Vậy còn những nhà 1A, B, C, D, E… gì đó. Vậy nhà Thầy ở nhà 1 gì? Lại gọi điện thoại. Gọi bằng máy của chúng tôi không được, gọi bằng máy của chú lái xe cũng không được, mượn máy của một người dân ở đó gọi cũng chỉ nhận được những câu trả lời vu vơ không ăn nhằm vào đâu cả của người mất trí. Mà sao không thấy vợ Thầy cầm máy? thật khó hiểu. Đành gọi về Kishinhov để hỏi xem liệu có ai biết Thầy ở nhà 1 gì không. May quá, Thầy Arnautov biết chính xác Thầy ở nhà 1A. Thế là chúng tôi kéo nhau đến nhà 1A. Bấm chuông cầu thang đằng đông không ai trả lời, bấm cầu thang đằng Tây cũng im lặng. Thất vọng tràn trề. Chúng tôi tính bước đi về. Mới trở ra được chừng 7, 8 bước, tôi đưa mắt về bên phải để tìm nơi chiếc taxi đang đỗ đợi, ai ngờ lại nhìn thấy hình bóng Thầy quen thuộc – Thầy Riabukhin đang cắp nách đôi quyển sách bách bộ về phía chúng tôi – Người đang về nhà của mình. Chúng tôi ùa đến bên Thầy, Thầy rất ngạc nhiên khi thấy chúng tôi có mặt bất thình lình như vậy. Để khẳng định “tình cảnh” sức khỏe của Thầy, anh Ngọc hỏi ngay xem Thầy đi đâu về, Thầy trả lời là đi đọc Lecture ở University. Chúng tôi thở phào vì như vậy là Thầy vẫn minh mẫn như xưa, Viện sĩ vẫn làm việc bình thương! Thầy đưa chúng tôi lên căn hộ số 4 của Thầy, vài phút sau thấy Thầy dẫn vợ Thầy ra tiếp chúng tôi (cho đến bây giờ chúng tôi cũng không hiểu vì sao lúc trước bấm chuông mà vợ Thầy cũng không nghe thấy). Thế là có đến 15 phút vợ Thầy và anh Ngọc giảng giải với nhau về cách gọi điện thoại cho Thầy khi Thầy ở Tiraspol, sốt ruột quá vì thời gian xin phép vào Tiraspol gần như sắp hết và phải về Kish trước 10 như đã hứa với cô Nadia, tôi và anh Dũng phải đề nghị hai người dừng vụ nghiên cứu điện thoại lại để còn trò chuyện với Thầy. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi hiểu rằng tất cả những cú điện thoại gọi cho Thầy từ hôm sang Kish đều không gọi đúng cách đối với vùng Tự Trị Tự Xưng như Tiraspol - họ có mã vùng riêng nên mình gọi bình thường như số trong Moldova là không được! Gọi sai mã vùng nên chúng tôi đã gặp phải một người mất trí nhớ như đầu câu chuyện, còn Viện sĩ Riabukhin vẫn thông thái như xưa. Người ngồi tiếp chúng tôi rất khoan thai, tay ôm một chú mèo và rung rung đôi chân gầy guộc dường như muốn nhắc chú mèo ngồi yên để cụ chuyện trò với những học trò từ miền xa xôi đến. Lưu lại nhà Thầy gần 1 tiếng rồi chúng tôi xin phép ra về. Trời đã tối lắm rồi mà Thầy vẫn định lấy ô tô để đưa chúng tôi ghé qua thăm trường Đại học Tiraspol, nơi mà hiện nay Thầy đang làm việc. Lo Thầy mệt nên chúng tôi đề nghị chú Lái xe tự đưa chúng tôi đến thăm trường. Thầy đồng ý để chúng tôi tự đi và hẹn gặp Thầy vào chiều 1/10. Trên đường về Kish, xe chở chúng tôi đi ngang qua Tiraspol university, thế là Thầy yên tâm rồi. Còn chúng tôi thì tươi cười sung sướng vì cảm thấy mình thật may mắn, cho dù có trục trặc một chút nhưng quan trọng nhất là đã gặp được Thầy – một người Thầy vẫn thông thái, bình dị và … ”hồn nhiên”. Nghĩ lại mà mừng quá vì, mình chỉ nhanh một chút, Thầy về chậm một chút là chúng tôi đã bỏ về Kishinhov rồi. Duyên, vẫn còn duyên chán.

HT. NgocBQ và Thầy Riabukhin, hè 2010 ở Viện Hàn Lâm        Thầy Hiệu trưởng đương nhiệm, Thầy Riabukhin & Thầy Arcady

                                                                                                                                     Về nguồn 2011

NgocBQ và Trần Văn Dũng cùng vợ chồng Thầy Riabukhin                    Thầy Hiệu trưởng, thầy Riabukhin và khoa Toán, 2016                     trong nhà Thầy ở Tiraspol, 28/09/2016

Thầy Riabukhin vẫn có một căn hộ ở Kish nên Thầy cô đã về Kish từ 30/9 để chuẩn bị gặp mặt với các học trò chiều 1/10. Buổi chiều 1/10 thật là vui vẻ và hạnh phúc với tất cả đoàn về nguồn, với các cháu Hậu Duệ và các Thầy Cô – một buổi gặp mặt khó quên đối với tất cả chúng ta. Thầy Riabukhin còn được trân trọng tôn vinh vì là Thầy của nhiều học trò, trong đó có cả Hiệu trưởng đương nhiệm KGU và Hội trưởng KGU Viet Nam.

Chương trình gần như kín mít, muốn đi thăm nhiều người, nhiều nơi nhưng cũng không sao đi hết. Người tiếp theo chúng tôi chọn đến thăm là Cô Olga vợ Thầy Arcady. Chúng tôi cùng chị Đặng Phương Thảo và em Thúy Ngọc đến thăm cô. Sau cái chết của Thầy, cô cũng yếu hẳn đi – chân đau phải dung nặng. Ấy thế mà khi biết tin chúng tôi đến thăm là đã chuẩn bị một bàn thức ăn đồ sộ: nào là nho, nào là mận, là táo, là bánh, là kẹo và rượu. Một tay cô (tay kia đã cụt từ hơn 30 năm trước do tai nạn lao động) nâng chiếc nạng tất tưởi di chuyển từ chỗ này đến góc kia để mời mọc chúng tôi ăn uống. Thật là tội nghiệp và dễ thương quá, cô như người mẹ nghèo tần tảo nuôi con, con lớn rời tổ, nay trở về, Mẹ vui biết nhường nào nhưng thỉnh thoảng lại chớp mắt vẻ nhớ Thầy. Chúng tôi đều ái ngại, chân cô đau thế này thì hôm sau làm sao đến dự được buổi gặp mặt. Bỗng một sáng kiến lóe lên từ chị Thảo. Chị có một ít thuốc Bà Giằng đang ở Khách sạn nên lệnh ngay cho con trai cô Olga đến Khách Sạn mang về cho cô uống. Như liều thuốc Thần Tiên - tổ hợp giữa bài thuốc dân gian Việt Nam và sức mạnh của tình cảm Thầy trò, uống hai ngày thuốc mà tối 1/10 cô Olga đã tự vào được restaurant sau khi rời xe của cậu con trai đưa đến.   

          Thầy Arcady dự buổi Liên hoan, về nguồn 2011                                  Cô Olga, vợ Thầy Arcady tại nhà, 30/09/2016

 Buổi liên hoan kết thúc khá muộn vì thực ra không xác định được điểm dừng vì ai cũng lưu luyến khó chia tay. Các Thầy Cô cũng từ từ ra về theo ý nguyện, người KGU tiễn các Thầy Cô rồi mới thong dong chậm bước trở về Khách sạn để chuẩn bị cho việc tạm biệt Moldova vào sáng hôm sau. Tôi và HT là những người gần cuối cùng rời restaurant, chỉ còn Thanh Huyền và chị Lâm Minh Hạnh nán lại đôi chút lo cho chu tất mọi bề. Một không gian se lạnh của đầu thu, một nỗi buồn man mác. Tôi giật mình sao lại buồn nhỉ vì mình vừa trải qua một buổi gặp mặt rất vui cơ mà ?! Bởi vì tôi biết rằng chỉ sau hơn 10 giờ đồng hỗ nữa là chúng tôi phải rời xa nơi này, nơi mà mấy ngày qua đã khơi lại biết bao kỷ niệm của những năm tháng sinh viên đầy thơ mộng. Đại lộ Lenin bây giờ mang tên tướng Stephan vào ngày Lễ hội Vino, sáng lấp lánh bởi hàng ngàn đèn Led, báo hiệu cho chúng tôi chuẩn bị rẽ qua công viên Pushkin để về Khách sạn Jolly Alon. Chuyến Về Nguồn khép lại bằng một đêm ngủ chập chờn. Sáng hôm sau ra sân bay, một số người về thẳng Việt Nam, phần đông chúng tôi ghé lại nước Nga để cảm nhận lại hương vị của mùa thu vàng óng ả ở nơi đây.

                                            Quảng trường 5 khẩu súng, 30/09/2016                                                                                                   

    

 


Người post: NguyetTM

Ngày đăng: 09-11-2016 21:09






Xem 11 - 20 của tổng số 20 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: Guest Phạm Thị Ngọc Hoa Hóa 72
14/11/2016 14:55:55

Chia sẻ niềm vui với gia đình Nguyệt được về trường xưa, được thăm lại thầy cô nhiều lần. Cảm phục sự cố gắng và quyết tâm của em trên chặng đường tìm kiếm ân tình xưa trong sự thay đổi hiện tại. Cám ơn Nguyệt vì những thông tin, những bức ảnh, những hoài niệm... 



Từ: Guest ty ob76
14/11/2016 14:01:16

Hôm nay vào web đế xem thông báo du xuân vủa HT Ngọc thì gặp bài về nguồn của Nguyệt. Đọc thấy nhớ các thầy cô quá. Vợ chồng Nguyệt thật tiuyệt vời trong tình nghĩa với các thầy cô. Rất cảm phục. Mà nhìn bức ảnh mọi nguời mới chụp ở nhà thày Arkady thấy cô Olga già đi nhanh quá, trông thương quả Nguyệt a.  Bọn chị cũng đang cố gắng mời cô giáo của mình sang chơi đây.



Từ: 3Chai
14/11/2016 05:07:18

Cảm ơn em.



Từ: ThangNT
13/11/2016 09:28:24

Bài của Nguyệt hay quá. Đọc đi đọc lại vẫn thấy hay. Có lẽ phải tổ chức Về nguồn tiếp thôi. Đoạn cuối sao có cảm giác giống nhau thế. Hôm liên hoan với thầy cô xong trên đường đi bộ về khách sạn hình như ai cũng có suy nghĩ về quá khứ thời sinh viên xa xưa, về thành phố đã trở nên thân thương gần gũi và về việc sắp phải rời xa nó mà không biết có dịp gặp lại nữa không.



Từ: NguyetTM
12/11/2016 16:10:32



Cảm ơn Thanh Phương, anh Hoài, Vancon, Chị Thanh Thu, Chị Liên và tất cả mọi người đã đọc và chia sẻ những tâm tư với NguyệtTM sau những chuyến Về Nguồn. Thực sự bài viết này Nguyệt chỉ muốn gửi đến mọi người một thông điệp giản dị này thôi: Thời gian trôi đi rất nhanh, biết bao sự kiện xảy ra quanh ta qua từng giây từng phút. Chỉ trong năm sáu năm gần đây thôi, khi ngoảnh lại đã thấy biết bao người thân thiết nhất của chúng ta đã đi xa. Vậy hãy trân trọng từng khoảnh khắc và hãy biến từng giây từng phút trở thành chuỗi niềm vui và hạnh phúc cho nhau.


 




Từ: LienTP
11/11/2016 13:07:38

Cảm ơn Nguyệt. Chuyến đi và những câu chuyện cảm động quá. Các thầy cô đều có tuổi rồi. Chúng mình sợ phải nghe tin mà không ai muốn như vậy biết chừng nào. Mỗi lần đọc những bài mọi người Về nguồn, chị lại nhớ đến bà giáo chị. Cô bạn Moldova vừa nhắc, bà vẫn giữ những bức thư chị gửi cho bà. Thật hạnh phúc khi biết thầy cô vẫn còn khỏe, còn làm việc. 



Từ: Guest ThuTT
10/11/2016 16:17:18

Cám ơn bài viết đầy yêu thương trân trọng của  Nguyệt



Từ: Vancon
10/11/2016 10:08:39

Đọc một mạch, rồi đọc lại hồi hộp như đọc tiểu thuyết, nhất là đoạn các anh chị đi Tiraspol gặp thầy Riabukhin, thật cảm động. Hôm ở Kis có nghe về việc này nhưng không biết lại ly kỳ đến thế, đúng là Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ chị Nguyệt ạ. Tình cảm trân trọng của thế hệ các anh chị là bài cho hậu bối người KGU đấy.


Cảm ơn vì những chia sẻ rất cảm động của chị !



Từ: HoaiPV
10/11/2016 07:32:20

Nước mắt lại chảy mất rồi Nguyệt ơi!


Cám ơn em, cũng như các ACE khác trong đoàn Về Nguồn nhiều lắm!



Từ: PhuongTT
09/11/2016 22:57:07

Hay lắm Nguyệt ạ. Thật nhiều thông tin và tình cảm gửi gắm nơi đây. Cám ơn Nguyệt nhiều




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s