KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 11 Tháng mười hai. 2016

"Thương nhớ Mười Hai"




Tác giả: Meomun

Xin cụ Vũ Bằng xá lỗi.

Sáng nay con gái bảo: Mẹ ơi, nhà mình có cuốn "Thương nhớ Mười Hai" của nhà văn Vũ Bằng phải không mẹ? Bọn con đang học tác phẩm ấy". Cám ơn con gái đã gợi nhớ.

__________________________________

Tháng 12 rồi, chẳng còn mấy ngày nữa lại được dùng cuốn lịch mới, lịch 2017. Sài gòn mấy hôm nay lành lạnh, buổi sáng sương mù bảng lảng khiến không gian như chật hẹp hơn, những tòa nhà mờ ảo trong sương. Vài hôm nay trời còn mưa phùn nữa, có gì đó quen quen, khiến lòng người  xốn xang, nhất là đối với những kẻ có nguồn gốc “Nam tiến” như tôi.

Cuối tuần, tôi rủ được các đồng nghiệp trẻ trong phòng làm một chuyến dã ngoại, đi tham quan nhà máy thủy điện Trị An, tiện thể có Long là em trai đang làm việc tại nhà máy, nó sẽ kiêm luôn việc của một hướng dẫn viên du lịch, như mỗi lần tôi đưa bạn bè lên chơi. Long đã làm việc tại nhà máy từ những ngày đầu tiên, từ lúc còn là một sinh viên mới ra trường, đến giờ tóc đã điểm bạc. Hơn ba chục năm trước, lớp lớp thanh niên xung phong đã lên vùng đất “khỉ ho cò gáy” ấy, đổ biết bao mồ hôi và cả máu, cùng với các chuyên gia Liên Xô đào, đắp hàng triệu mét khối đất xây dựng nên nhà máy, mang ánh điện về cho Thành Phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Ngày ấy, các bạn nói là cứ mở TV lên là nghe thấy ca khúc “Trị An âm vang mùa xuân”. Có Trị An, Sài gòn chấm dứt cảnh cúp điện liên miên, cả tuần chỉ có 2 ngày sáng đèn. Có gì đó xao xuyến khi nhìn lại những tấm ảnh đen trắng chụp các chuyên gia Liên xô cùng với đội ngũ cán bộ kỹ thuật người Việt  Nam đang châu đầu xung quanh bản vẽ kỹ thuật, cả Tây lẫn ta tóc tai bù xù, má hóp và những đôi mắt thiếu ngủ…

Các đồng nghiệp trẻ của tôi lâu lâu mới có dịp ra khỏi thành phố ồn ào náo nhiệt nên rất “sung”. Ai cũng háo hức với khung cảnh thanh bình bên hồ Trị An, thi nhau chụp ảnh trên đập tràn và trầm trồ với những cung đường xanh mát bóng cây, lâu lắm mới có bóng xe máy đi qua.

Vui chơi chán, chúng tôi ghé vào một khu du lịch sát ven hồ để ăn trưa. Đặc sản thịt rừng (nhưng bây giờ hầu như chỉ có thịt nai, heo rừng nuôi), cá lăng, tép từ lòng hồ Trị An, đầu bếp nấu không ngon lắm nhưng vì đói nên ai cũng ăn “thật tình”. Long và vợ nó áy náy: - Bọn em có việc bận chứ lẽ ra tự nấu mời mọi người , thôi hẹn lần sau…

Chúng tôi về lại ký túc xá, vào căn hộ của vợ chồng Long để nghỉ ngơi, uống nước. Lâu lắm không lên thăm nhà Long, tôi ngạc nhiên thấy chồng ghế gỗ xếp gọn ở góc nhà. Những cái ghế xinh xinh, đóng bằng gỗ tràm, nhỏ nhắn nhưng rất vững. Long bảo đấy là “ghế nhậu”- chuyên phục vụ các ông bạn thân mỗi lần ghé nhà nó để nhậu, mỗi ông một ghế xúm quanh cái bàn thấp kiểu Nhật. Nó bảo, ngồi ghế đó sướng hơn ngồi bàn ăn, thỏa mái hơn ngồi chiếu…  Tôi phải “vất vả” lắm mới nhớ ra tên của loại ghế ấy - ghế con.

 

Ừ nhỉ, dường như đã lâu lắm rồi chẳng còn mấy ai sử dụng những cái ghế gỗ như thế nữa. Gỗ cũng dần dần hiếm và đắt hơn. Thay vì những cái ghế gỗ ngày nào, người ta dùng ghế nhựa, ghế i-nốc thấp thấp xinh xinh. Nhưng rồi bếp ga, bếp điện, bếp từ dần dần thay bếp củi, chế biến thức ăn cũng trên bàn bếp nên những cái ghế con ấy cũng chẳng mấy khi cần nữa. Như ở nhà tôi, chẳng có một cái ghế con nào, dù bằng gỗ, hay bằng nhựa…   

 

Ngắm nghía từng cái ghế, tôi bồi hồi nhớ đến dáng ngồi vất vả của bà ngoại tôi bên bếp lửa , hồi ấy chất đốt sang nhất là củi, có khi đun bằng gốc tre khô, bằng lá thông, lá bạch đàn mà chị em tôi quét về còn chưa kịp khô, khiến bà phải cúi người thổi và ho sặc sụa…Cái ghế con bé xíu của bà chẳng biết có từ bao giờ mà bóng lên, những cái mũ đinh trên mặt ghế như mòn đi. Có hôm mấy đứa em nghịch, chúng mang cái ghế của bà ra chơi rồi vứt chỗ nào không biết, khiến bà tất tả đi tìm. Dường như không có nó, hầu như bà không thể ngồi nhặt rau, sàng sảy gạo, ngồi rửa bát hay nấu cơm…

Hồi ấy, vào những  ngày cuối năm, mưa phùn giăng giăng khiến tiết trời như lạnh hơn, lũ trẻ càng lười tắm. Mẹ tôi đi chợ mua bó mùi già, đủ loại lá thơm để nấu nước tắm rồi hô hào lũ em tôi ra mẹ tắm cho. Mẹ ấn từng đứa ngồi lên cái ghế con rồi hì hục gội dầu, kì cọ cho chúng. Khói nước, mùi thơm của lá mùi già và tiếng kêu oai oái, xuýt xoa của lũ trẻ con, giọng mẹ vừa mắng vừa vỗ về, tất cả tưởng chừng mới hôm qua…Rồi những lần mẹ ngồi trên ghế con, mẹ cúi đầu xuống chậu nước bồ kết gội đầu, mái tóc đen dài óng ả trên cái gáy trắng nõn. Gội xong, mẹ đứng ngoài sân quay tròn mái tóc cho mau khô, những giọt nước li ti văng xuống sân theo từng vệt. Con bé Tôi ngày ấy nhắm mắt để cảm nhận những giọt nước thơm thơm, mát lạnh rơi trên má…

 

Lúc tạm biệt để lên xe, Long đưa cho tôi cái ghế gỗ, nó bảo: - Cho chị này! Em dám chắc là chị sẽ không dùng đến nó, nhưng cứ cầm về, để lâu lâu nhớ đến những kỷ niệm ngày tụi mình còn nhỏ…

 


Người post: VanNH

Ngày đăng: 11-12-2016 20:08






Xem 11 - 20 của tổng số 28 Comments



Từ: KhanhT
14/12/2016 19:12:12

Lại nhớ, rất hay là trong bếp luôn có một ghế đòn để thường xuyên và gọi là “đòn bếp”, bên cạnh cũng luôn có cái ống thổi lả (thổi lửa), như trong ảnh minh họa, cụ bà ngồi bên bếp lửa, trên cái đòn bếp thường xuyên ở đó, nhưng không thấy cái ống thổi lửa.



Từ: Guest ThuTT
14/12/2016 16:28:00

Chị không ngồi xổm lâu được nên cách đây nhiều năm cũng phải mang sang đây một cái đòn đấy MM ạ. Tiếc là nó bằng nhựa, màu cà rốt, không được đẹp lắm, dùng càng nhiều năm càng xỉn chứ không như đồ gỗ dùng càng lâu càng đẹp.



14/12/2016 00:30:57

BT Sen nhà anh có nhiều ghế con bằng nhựa, chỉ có 1 cái bằng gỗ, hehe



Từ: ChiNB
13/12/2016 21:41:41



Đúng là ngày xưa, nhà ai cũng có ghế con (ghế đòn), bài của MM lại làm ai cũng muốn quay trở lại thời xa xưa cực khổ đầy kỷ niệm đấy, (để mà nhớ, để hồi tưởng thôi chứ ai lại muốn quay lại thời gian khó). Mà cái ghế con Long tặng MM đẹp thật, của hiếm cực quý đấy.




Từ: KhanhT
13/12/2016 21:07:28

Mình nhớ, cái ghế con ở quê mình gọi là cái ghế đòn, đơn giản gọi là cái đòn.



Từ: Meomun
13/12/2016 20:04:11

@Anh chị Ngọc Nguyệt: Em "cá" là ở nhà anh chị và cả ở Biệt thự Sen cũng không có lấy 1 cái ghế con, phải không ạ? Nó đã thuộc về những ngày xưa thương nhớ. Các bạn trẻ đồng nghiệp của em, tuy đứa nào cũng là bà mẹ trẻ (thời @) nhưng chả nhà nào có lấy 1 cái ghế con, nên hôm nhìn thấy ghế con ở TRị An, chúng tò mò và trầm trồ, có đứa còn tiếc là không xin anh Long 1 cái ghế mang về nhà khoe với người nhà!


@Khách: Sao lại là "khách", nghe giọng là người nhà..., ai thế nhỉ?



Từ: NguyetTM
13/12/2016 18:51:45

Meomun ơi, Em nhắc đến cái ghế con nhưng lại chạm đến bao kỷ niệm của chúng ta thời thơ ấu. Bởi vì ghế con đã giúp bao bà mẹ ngồi gội đầu bằng nước lá thơm, rồi..."đứng ngoài sân quay tròn mái tóc cho mau khô", biết bao tuổi thơ đã được ngồi trên những chiếc ghế con để mẹ gội đầu cho... Thật dễ thương và trìu mến biết nhường nào. Cảm ơn em đã gợi lại những ký ức thân thương mà lâu nay chìm sâu dưới cuộc sống của thời hiện đại với bếp ga bếp từ, bếp đứng... 



13/12/2016 16:47:36

Nên đổi tên bài là "Thương nhớ ghế con"



Từ: Guest Khách
13/12/2016 10:42:43

Đọc bài này của Chị Vân thấy nhớ quá những ngày mưa phùn năm xưa ở miền Bắc. Mà Vân tài thật, chuyện bảng lảng rồi cuối cùng kết lại là cái ghế con thân thuộc (bây giờ nhà em vẫn dùng).  



Từ: Meomun
12/12/2016 20:29:35

@Anh Kỳ Minh: Tuổi thơ em cũng có trò đánh khăng, đánh đáo y như con trai và cả trèo cây (thậm chí sau này thành "người lớn", sang Kishinev bọn em còn bày trò trèo cây ở dốc Ob 10 để hái quả Phúc bồn tử (treresnhia), nghĩ lại cũng thấy hơi ngường ngượng. 


Nếu được ước mơ, em cũng muốn ước cho thời gian quay trở lại, một thời trẻ con vui tươi, khờ dại, một thời thanh xuân tràn đầy năng lượng, đầy ắp tiếng cười... 





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s