KGU News >>Văn học >>Truyện
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 26 Tháng mười hai. 2016

THÁNG NGÀY VẦN VŨ




Tác giả: Meomun

THÁNG NGÀY VẦN VŨ

Truyện ngắn

Đã mồng 10 tháng Chạp, thế mà tờ lịch trên tường nhà bà mới xé đến ngày mồng 6. Nhoáng cái đã gần hết năm, mới hôm nào bằng tầm bây giờ, thằng con bà đóng cuốn lịch năm mới dày cộp lên tường rồi bảo bà: - Lịch to, chữ to nhé, để mẹ xé cho sướng tay! Ngày lại ngày, cuốn lịch cứ mỏng dần, mỗi lần cầm tờ lịch mới xé trên tay bà đều có cảm giác bâng khuâng. Nhiều hôm bà không muốn xé lịch nữa, bởi một cảm giác cứ một tờ lịch bị bóc và bà đang vo trên tay ấy là một ngày không bao giờ trở lại. Năm nay Tết sớm, cuối tháng 1 Dương lịch đã Tết rồi. Hai mươi hai tháng Chạp là đám giỗ của chồng bà, ông đi xa đã 10 năm.  Ra Giêng ít ngày, bà sẽ ra ngoài quê, cùng với gia đình ông anh ruột ở ngoài ấy làm giỗ ông cụ thân sinh. Rồi tháng Năm lại đến giỗ mẹ đẻ của bà …

Không biết tự bao giờ, một năm đối với bà được đánh dấu bằng những đám giỗ, những dịp tưởng nhớ đến người đã mất. Dường như đối với người đã qua tuổi bảy lăm như bà, những hoài niệm ngày một trở về nhiều hơn. Có một thế giới nào đó, nó vừa xa xôi, vừa gần gũi đến mức bà tưởng mình đã là phần hòa tan trong đó. Thế giới của những ngày đã qua với những gương mặt, những hình ảnh của quá khứ chầm chậm như những thước phim, rồi ào ào vội vã chứa đựng cả nỗi sợ hãi nếu lại phải đương đầu với nó, cả nỗi tiếc nuối lẫn với những bâng khuâng không thể gọi tên. Đau đáu trong bà ánh mắt cha mình ngày nào khi đưa tiễn ông cụ trở về Bắc để sống với vợ chồng anh con cả, ông cụ bùi ngùi: - Không biết còn có lần sau cha con mình gặp nhau hay không…Lúc ấy bà còn cười xòa, bảo cha:- Thầy toàn nói gở! Thế mà đúng thật, hai năm sau ông cụ mất, rồi ít lâu sau cả bà cụ nữa cũng đi theo ông cụ, cả hai lần bà đều không kịp gặp mặt cha mẹ trước khi nhắm mắt.

Từ ngày về hưu, ông chồng bà hay ngồi ở chỗ yêu thích của mình là ở cái ghế sát cửa thông xuống bếp và nhìn ra sân sau. Ánh mắt ông dường như vô định, mênh mang một nỗi buồn và ánh mắt ấy cứ ám ảnh bà mãi, cả đến bây giờ, hàng chục năm sau khi ông mất, bà vẫn cảm thấy đang ở đâu đây, một cái nhìn bế tắc và bất đắc chí, chứa đựng những nỗi niềm không thể san sẻ cùng ai.

Khi ông tập kết ra Bắc, tóc còn xanh với trái tim đầy nhiệt huyết và cả ngây thơ, ngỡ tưởng chỉ hai năm sau đó sẽ trở về quê hương. Mới chân ướt chân ráo ra Bắc, ông đã phải tham gia vào đoàn cán bộ đi thực hiện cải cách ruộng đất ở một tỉnh trung du, vùng đất mang tiếng chó ăn đá, gà ăn sỏi. Sau này lấy nhau rồi, có lúc ông tâm sự với bà là thấy xót xa và cảm thấy có cái gì sai sai, cái gì đó không phải, khi ông thấy những người được gọi là địa chủ họ cũng áo nâu chân đất, quỳ xuống và khoanh tay lí nhí kính thưa Đội, kính thưa các ông bà nông dân. Chỉ vì cái tội họ có hơn những người dân đang đằng đằng sát khí xung quanh là một vài sào ruộng, con trâu mà họ phải đổi bằng cả mạng sống của mình, đến lúc sửa sai thì cũng đã muộn, mạng  người chẳng lấy lại được nữa. Với ông, những tháng năm “ngày Bắc đêm Nam” thật dài nhưng đó cũng là động lực để ông cống hiến, để làm việc, để quên đi những bất bình vốn đầy rẫy xung quanh. Nhiều khi ông cũng chạnh lòng, mang tiếng có chút chức vụ, thế mà vợ con vẫn nheo nhóc. Ngày đất nước được thống nhất, khỏi phải nói tim ông đã vỡ òa vì vui sướng như thế nào. Ngay lập tức tìm cách liên hệ về quê và sau đó ít tháng, ông nhận được những lá thư của người bạn từng chung đội du kích với ông hồi năm 1945, nay đã là cán bộ cấp tỉnh. Khấp khởi, ông đưa cho bà đọc những lá thư hừng hực nhiệt huyết của những ngày đầu giải phóng, đầy màu hồng lạc quan và những dự định mà sau đó, ai cũng hiểu là duy ý chí. Ông và bà ngất ngây với những dòng thư rộn ràng của bạn: “- Về đi anh, quê hương đang cần anh! Rồi đây chúng ta sẽ xây dựng cho quê hương vạn lần no ấm…”. Nhưng cuộc đời không phải là mơ, khi ông bán nhà và tha vợ con trở về quê hương, ba má ông đã mất từ lâu, anh em chẳng còn ai,ông và bà đã phải vạ vật chờ công tác gần năm trời. Có tý tiền bán nhà thì đã lôi ra ăn để chờ việc, lại còn cái vụ đổi tiền khiến số tiền ông bà tích cóp bao nhiêu năm chỉ còn mua được căn nhà bé tí trong hẻm. Ông chạnh lòng khi thấy nhiều cán bộ đi tập kết về được phân cho nhà cao cửa rộng, mà toàn là “nhà của ngụy quân, ngụy quyền” bỏ lại. Thế rồi sống ở ngoài quê vất vả quá, ông lại đưa cả nhà “Nam tiến” tiếp và rồi mảnh đất lành này đã cưu mang ông bà và các con cả ba chục năm nay.   

 

Mỗi lần đi qua khung kính “huy hiệu 50 năm tuổi Đảng” có lồng ảnh ông, bà vẫn có cảm giác có một ánh nhìn từ ông đang dõi theo bà, khắc khoải và bao dung. Lúc ông chừng 70 tuổi, chính quyền có cấp miễn phí cho ông 1 suất huyệt ở khu nghĩa trang lão thành cách mạng, kèm theo là một suất nữa cho bà, như  để bù đắp cho hành trình theo cách mạng của ông. Hồi ấy, bà rất bực mình khi thấy ông vui mừng khi vân vê cái tờ quyết định được nhận 2 suất huyệt miễn phí ấy, bởi bà nghĩ cái chết nó là cái gì đó còn ở nơi nào xa lắm, thế mà cứ làm như chết đến nơi…Rồi cả sự giận dỗi với người vô hình nào đó, bởi từ khi bà về hưu, bà bỏ hết, chẳng sinh hoạt Đảng, đoàn gì cả, mặc dù ông vẫn nhắc bà.  Bà vùng vằng:- Tôi chả thèm, phần của ông, ông cứ việc giữ cái tiêu chuẩn ấy! Rồi ông mất khi chỉ còn một tuần nữa đến Tết, mà lại mất rất nhanh như không muốn làm khổ vợ con. Trong lúc tang gia bối rối, nhưng vì đã có “tiêu chuẩn” sẵn, bà và con cái không phải lo đi tìm chỗ cho ông an nghỉ, lại được ở chỗ cao ráo sạch sẽ, an ninh, bà và các con thầm biết ơn ân tình ông để lại.

Đêm thật tĩnh lặng. Trước khi đi ngủ, bà đã cẩn thận đóng từng cái cửa sổ, xem lại cái khóa cổng, thế mà bà vẫn có một cảm giác gì đó bất an. Nằm mãi vẫn không ngủ được, bà trở dậy mở tivi. Sau đợt bà mệt phải nhập viện, các con bà đã ra “nghị quyết” cấm bà xem tivi khuya.  Nể con, bà chấp hành được ít ngày rồi tặc lưỡi: - Xem một lúc thôi nhưng không xem thì cũng chẳng làm gì cho hết đêm dài. Nếu biết bà vẫn xem tivi hàng đêm, chúng lại càu nhàu cho mà coi! Nhiều lần các con bảo bà lên ở cùng chúng nó, bà lên được một vài ngày rồi lại đòi về, bà bảo còn về nhang khói cho ông và bảo bà quen có chỗ đi ra đi vào, ở thành phố ngợp quá...

Mới ngày nào, chúng nó – nửa tiểu đội vừa trai vừa gái còn ríu rít ở bên bà, cái cảnh nhà đông con, bữa nào cũng chống đũa thòm thèm nhìn cái nồi còn bốc khói mà đã hết sạch cơm, bà xót xa lắm. Lúc ấy, bà chỉ ước mong đến lúc nào đó có đủ gạo cho các con ăn thật no. Rồi năm tháng qua đi, từ những đứa trẻ con như trứng gà trứng vịt, chúng lớn lên, đi học, ra trường, có công ăn việc làm. Đến lúc mà chẳng ai còn mơ ước đủ ăn, thì lần lượt những đứa con bà đứa nào cũng có cái tổ ấm con con của mình, rồi cuối cùng chẳng còn đứa nào ở chung với ông bà nữa.  Mấy năm trước, cô con gái giữa của bà, con bé hiền lành nhất nhà mà bà vẫn hay mắng mỏ, chì chiết mà nhiều khi bà cũng biết là mình bất công, là đứa cuối cùng rời bà đi lấy chồng ở tuổi 40. Kể ra thì nó có thể lập gia đình từ lâu rồi, nhưng từ lúc nó mới 20, hết cậu trai này đến cậu khác đến nhà chơi đều bị bà chê ỏng chê eo. Con bé thấy mẹ không vừa lòng, nó cũng dần dần ngãng ra. Khi ông nhà bà mất, chỉ còn hai mẹ con ở bên nhau, ngày ngày nó đi làm, trưa ghé qua nhà lo cơm nước cho bà, tối về mẹ con bên mâm cơm, tỉ tê vài câu chuyện rồi đi ngủ…Rồi những câu chuyện tỷ tê ấy cũng ít dần, khi cơ hội lấy chồng của nó ngày càng thưa đi. Nó vẫn là đứa con ngoan, nhưng bà vẫn thấy chợt đâu đó đôi mắt buồn và có phần trách móc của nó.  Đến lúc tưởng chừng con bé đã an phận sống cùng bà đến già thì nó gặp anh chồng nó bây giờ. Cậu ấy là người tử tế, chân thành, bà cũng tự mình thấy thế. Nhưng bà vẫn chê nguồn gốc xứ “bọ”, chê cảnh góa vợ, gà trống nuôi con của nó (mặc dù con gái nó đã lớn) rồi ra sức cấm cản con gái. Bà chạnh nghĩ tới cuộc đời hơn 50 năm làm vợ, làm mẹ đầy vất vả, lo toan của bà, chưa kịp biết yêu thì đã lấy chồng. Cô gái quê 18 tuổi ngày ấy, da trắng tóc dài và nụ cười rạng rỡ với dáng người cao cao mà bạn bè vẫn gọi bà là “ngỗng vườn đã được chọn để đi học sư phạm trên tỉnh. Cả nhà hân hoan, cô sẽ được ăn gạo Nhà nước, sau này ra trường sẽ trở thành cô giáo, thoát cái kiếp đi sau đít trâu, lấy một anh nông dân và đẻ cả tá con... Hồi ấy, người ta gọi là đi “thoát ly”, ai được thoát ly thì thật may mắn. Bà vẫn mơ ước đi xa để thoát khỏi cái cổng làng với những người dân quê lam lũ, nơi có tiếng trống hợp tác gióng giả từ sáng sớm cho đến khuya, cảnh ruộng vườn tiêu điều những năm mất mùa, rồi cả tiếng mẹ của bà ngày ngày chì chiết, mắng mỏ bà chị dâu. 18 tuổi, sau mấy lần tham gia đào mương thủy lợi đưa nước về thôn, bà được kết nạp vào Đảng (chắc cũng vì nguồn gốc bần cố nông của gia đình bà). Thế rồi đùng một cái, năm sau bà lấy chồng, và sau đó là những đứa con, đứa này vừa biết chạy thì đứa kia đã ra đời. Hết cả những mộng mơ, thay vào đó là những vất vả lo toan và cả phần nào oán trách, vì ông chồng bà tuy hiền lành thật thà nhưng chỉ biết có công việc, mọi thứ phó thác cho bà gánh vác.  Mà ông chồng bà cũng thật vô tư, rất yêu con nhưng cả đời chưa từng đi họp phụ huynh cho bất cứ đứa con nào. Nhiều lần, khách đến nhà hỏi các con đứa này học lớp mấy, đứa kia mấy tuổi, ông ấp úng và lại phải hỏi lại con khiến khách khứa chỉ còn biết cười và bảo là số ông sướng!

Có những ngày tranh thủ mẹ con bên nhau, vừa ngọt nhạt, vừa riết róng, bà khuyên con gái: - Đến tuổi này thì ở vậy cho xong, lấy chồng làm gì cho vất vả, ở với mẹ chẳng sướng hơn à con? Nhưng nó –  đứa con gái ngoan hiền ngày xưa không còn vâng lời bà nữa, chúng vẫn quyết định đến với nhau. Thôi thì trời không chịu đất thì đất chịu trời vậy. Hôm nó về nhà chồng, theo phong tục bà không đi tiễn con gái, nhưng bà đã khóc thầm. Cảm giác cô đơn trong căn nhà rộng làm bà hoảng hốt. Bà giận con không nghe lời mình, cố đâm đầu lấy chồng ở tuổi sắp nên ông nên bà.  Rồi bà mang máng nghĩ, có lẽ mình đã có gì đó ích kỉ khi giữ nó bên mình lâu thế, hết tuổi thanh xuân của nó. Hay tại cả cuộc đời dài dằng dặc nỗi vất vả làm vợ, làm mẹ đã khiến bà trở nên khe khắt với con. Nhưng bà lại tự biện bạch: nó tuy nhiều tuổi nhưng vẫn còn dại lắm, không có bà bên cạnh nó sẽ ra sao, bà làm thế cũng chỉ vì thương nó chứ chẳng phải cay nghiệt gì…

Đâu đó có tiếng mèo kêu, y như tiếng trẻ con léo nhéo trong đêm. Rồi tiếng chân mèo đuổi nhau chạy ầm ầm trên mái tôn khiến bà càng khó ngủ. Lại cái con mèo mốc nhà bà, chắc nó đang vờn với con mướp nhà hàng xóm. Trước kia, bà còn nuôi 2 con chó rất khôn, chúng ở với bà đã hơn 5 năm. Có chúng, bà cảm thấy an toàn hơn, ấm cúng hơn. Nhưng các con bà những lần về chơi thấy mẹ già vẫn phải đi quét dọn vệ sinh cho hai con chó, mà sân nhà lại mới láng gạch men bóng loáng, chúng nó lén mang 2 con chó đi cho người ta rồi xin về con mèo tam thể. Bây giờ, nó là sinh vật duy nhất làm bạn với bà trong căn nhà rộng mà các con mới làm lại cho bà. Bà đi đến đâu, nó bám theo đó, như đứa trẻ con bám mẹ. Bà vừa âu yếm nó, vừa mắng mỏ, cứ y như thể nó hiểu tiếng người. Các cháu bà về chơi, đứa nào cũng giành lấy con mèo, cả thằng cháu “đích tôn” đã 20 tuổi lẫn đứa bé nhất mới lên bốn.

Ừ, cái ngày ông còn là một “chàng trai già ế vợ” từ trên tỉnh về làng “xem mặt” bà, cả làng nhấp nhỏm trước cổng nhà bà để xem mặt lại ông, nghe nói làm ở tận Ủy ban tỉnh, là người miền Nam tập kết. Mấy đứa bạn gái trong đoàn thanh niên của bà còn cười rúc rích khi thấy ông ngồi nép bên mép ghế, tay cạy cạy mặt bàn chẳng dám nói câu nào, nhường lời cho anh trưởng đoàn hỏi vợ giúp. Chúng nó nhại giọng miền Nam, trêu bà là mày phải kê hai viên gạch để cho ông ấy đứng khi chụp ảnh chung với mày nhé! Mẹ của bà thì mặt tươi roi rói, phấn khởi kể cho cả làng nghe chuyện hôm ấy xe đạp của “các bác trên tỉnh” trắng lóa cả vườn chuối mé hiên nhà! Danh giá lắm chứ, chẳng có cô gái nào trong làng được như con gái của cụ,vừa được đi học sư phạm, vừa lấy được chồng là cán bộ tỉnh! Cho dù có lúc nào đó, cụ cũng thoáng ngại ngần khi để con gái lấy chồng xa, sau này thống nhất đất nước thì phải theo chồng về quê chồng mãi trong đó, biết bao giờ gặp lại nơi chôn rau cắt rốn.

 

Từ thuở mới cưới nhau cho đến khi mái đầu đã bạc trắng, bà nhiều khi vẫn tự hỏi là ông có yêu bà không. Chưa bao giờ ông “thổ lộ”, hay có câu gì có vẻ lãng mạn một chút với bà. Duy nhất chỉ lần sắp cưới, ông viết cho bà một lá thư đầy lỗi chính tả, nó khiến bà tò mò hơn là hồi hộp. Nhưng bà thất vọng, trong thư ông chỉ những là đất nước thống nhất, rồi Nam Bắc một nhà, nhưng chốt lại còn được câu “Anh thương em”. Lúc ấy, bà chạnh lòng vì cái tiếng “thương” ấy, nó như sự thương hại, mặc dù bà cũng hiểu là người miền Nam nói thương thay cho yêu. Rồi năm tháng qua đi, cũng như nhiều phụ nữ khác, bà vừa phải đi làm, phấn đấu trong công việc, nuôi con và lại cả nuôi chồng, vì chồng nhiều khi chẳng khác nào một đứa con bướng bỉnh và vô tâm trong cảnh nhà lúc nào cũng như hết tiền. Cho đến buổi sáng hôm ấy, khi đang ăn món đậu hũ (tào phớ) nóng, món ăn thanh đạm mà ông rất thích, ông bỗng nhiên bị sặc và choáng. Đưa ông vào viện, gọi các con về để giúp mẹ chăm ba, nhưng bà vẫn nghĩ sẽ chẳng có chuyện gì đáng kể với ông, rồi ông sẽ khỏi ngay thôi! Quả thật đến trước khi mất, ông chẳng mấy khi ốm đau, ông tự đi khám sức khỏe định kỳ, chẳng phiền bà và các con. Hôm sau, bà đang ở nhà nấu cháo để mang vào viện cho ông, các con bà gọi bà vào viện gấp, vì ba muốn gặp mẹ. Bà tất tả chạy vào và hoảng sợ khi thấy toàn bộ hai hốc mắt của ông đã bầm tím lại, dấu hiệu của xuất huyết nội. Ông bác sĩ trưởng khoa nhìn bà và khẽ lắc đầu. Bà cuống quýt cầm lấy tay ông, loáng thoáng nghe ông thều thào, chữ được chữ mất: - Bà có giận tôi không, tôi ...tôi... Bà gục đầu xuống ngực ông và vào cái giây phút sinh ly tử biệt ấy, bà chợt hiểu người đàn ông đang hấp hối ngay bên bà thực sự có ý nghĩa với bà, với các con thế nào và ngoài tình nghĩa vợ chồng, bà đã yêu người đàn ông thô vụng ấy từ bao giờ chẳng biết...     

xxx

Hồi chuyển về nhà này được ít năm, bà trồng một cây khế ở phía vườn sau nhà, tự nhủ nhà có trẻ con, sau này chúng nó tha hồ hái khế ăn, bù cho hồi ngoài Bắc toàn đi hái trộm khế nhà hàng xóm, khiến bà mất mặt nhiều lần khi họ đến tận nhà mách tội chúng nó. Cây khế bà trồng lớn dần, quả đã ngọt lại còn sai trĩu cành, bọn trẻ thích lắm. Chúng nó hăm hở trèo lên cây hái, nhưng bà bắt phải xuống, vì thiên hạ vẫn nói “hóc xương gà, sa cành khế”, nó mà gẫy thì khốn. Những quả khế vàng óng, ngọt lịm, mỗi lần hái quả, chúng đều trêu bà: “Ăn quả khế, trả cục vàng…”, mẹ tha hồ giàu nhé! Chúng bảo bà là nếu đúng như thế thì bà đã thu hoạch được biết bao nhiêu là túi vàng rồi! Các con bà lớn lên, gốc cây mỗi năm một to hơn, vỏ sần sùi in dấu thời gian. Cây khế vẫn lúc lỉu những quả là quả nhưng các con bà không còn thích hái khế nữa, con chúng nó cũng chẳng đứa nào còn thèm ăn khế như cái thuở cha mẹ chúng còn bé. Những quả khế vàng rụng đầy gốc khiến bà thấy bâng khuâng, cảm giác gì đó như nuối tiếc. Cho cũng chẳng có ai thích ăn nên bà lại phải quét dọn, cho vào thùng rác mang đi đổ.

Cách đây ít năm, phía sau nhà bà có một thằng bé cỡ chừng 18 tuổi vẫn thường nhón chân qua bức tường rào nhà bà để vít cành khế hái quả. Nghe tiếng cành lá rào rào phía sau, 2 con chó nhà bà chạy ra sủa toáng lên rồi gầm ghè nhìn kẻ hái trộm khế. Điếc tai, bà e hèm một cái, thế là hai con chó im bặt, cậu bé thì cất tiếng:- Bác ơi, con xin bác hái mấy trái khế nha bác! Ừ, có mấy quả khế, con mình có thiết đâu, tiếc hàng xóm làm gì, bà còn thấy vui mỗi lần thằng bé vít cành hái khế. Ắng đi vài năm, không thấy nó hái nữa, hóa ra nó đi nghĩa vụ quân sự.  Thấm thoắt rồi nó cũng ra quân, trở về nhà, lấy vợ và lại níu cành khế nhà bà, vẫn toét miệng cười khi nhìn thấy bà ra mắng mấy con chó đang sủa inh tai. Bà thấy vui vui, nó đi xa về, đã trở thành người lớn thế mà vẫn thích những quả khế nhà bà. Hôm nào nó không hái khế, 2 con chó nằm lười nhác, bà lại thấy trống trải. 

Rồi một buổi sáng, bà đang lui cui quét sân, bỗng nghe giọng phụ nữ gào khóc om sòm từ phía nhà nó. Bà ghé nhìn qua bức tường rào thấy phía trước nhà nó có thấp thoáng bóng mấy anh cảnh sát khu vực và cả mấy cậu dân phòng. Bà bủn rủn, con vợ nó đang ôm nó trong tay, gào khóc kể lể chuyện trong khi vợ ra chợ mua đồ ăn sáng thì chồng thắt cổ tự tử trên tay vịn cầu thang, mà vợ chồng chỉ mấy câu xích mích, ai ngờ…Rồi còi xe cấp cứu vang lên mang nó vào bệnh viện. Nhưng chẳng còn kịp nữa, nó đã lìa bỏ thế gian khi mới ngoài 20 tuổi, vì một lý do lãng xẹt: cãi nhau với vợ! Mà cái sự cãi nhau của chúng nó có khác gì cơm bữa, khi nó chưa có việc làm, con vợ thì bán lặt vặt ngoài chợ nhỏ gần nhà…Sau khi nó mất, vợ nó khóa chặt căn nhà ấy để về ở với ba má ruột.

Cái chết đột ngột và vô lý của cậu trai trẻ khiến bà bị ám ảnh. Mới ngày nào nó còn thập thò hái khế nhà bà, có khi nó chỉ lấy cái cành tre khua khua để trêu 2 con chó, cho chúng sủa toáng lên…Không có nó hái khế, bà buồn hơn. Cuộc đời quả thật bất công khi người già như bà thì thèm được sống lâu bên con cháu thêm ngày nào tốt ngày ấy, còn tuổi trẻ thì lại lìa bỏ cuộc sống thật dễ dàng, không hề suy nghĩ đến nỗi đau người ở lại. Thế rồi một ngày, bà gọi người ta đến chặt cây khế, bà bảo chặt vì cây to quá, sợ cây ngã chạm vào mái nhà…

 

Tuần nào cũng thế, từ thứ Sáu, bà đã gọi điện cho cả lũ chúng nó, hỏi xem mai có về không? Bình thường thì thằng út ở gần vẫn lượn qua nhà bà, xem có khỏe không, có cần gì không. Vợ chồng nó cũng hay đưa 2 con đến chơi với bà. Nhưng bà vẫn mong chóng đến dịp cuối tuần, để tất cả các con, các cháu tụ tập cho nhà thêm vui. Vui nhất là những hôm tất cả vợ chồng con cái chúng nó cùng về, ăn cơm phải trải nối hai cái chiếu, lót thêm mấy cái bìa carton mới đủ chỗ ngồi. Mặc dù chúng nó đã mua đầy đủ các thứ nhưng bà vẫn chạy ra chợ mua thêm cọng hành, tí rau thơm rồi cùng các con nấu nướng và quây quần ăn uống, truyện trò, lôi bài ra đánh. Có đứa chợt nhìn ra gốc khế cụt, nó bảo bà chặt đi là đúng rồi, vì khế rụng đầy sân, sức đâu mà bà dọn dẹp. Thằng cháu bé nhất của bà thì tíu tít:- Bà “nhội ơi bà nhội”, thế có con chim đại bàng thật không bà? Rồi nó ngân nga: - Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng…

Sài gòn, những ngày cuối năm 2016

 

 


Người post: VanNH

Ngày đăng: 26-12-2016 21:09






Xem 1 - 10 của tổng số 16 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Meomun
26/02/2017 09:46:40



@Nguoidothi: Dạ, Meomun là con mèo có bộ y phục màu đen không bao giờ cần giặt ạ, nghe nói mèo đen dùng để làm thuốc rất tốt, nhưng mà thôi, đau lắm!




Từ: Guest Nguoidothi
24/02/2017 19:57:43

Meomun là ai thế? 



Từ: Meomun
04/02/2017 21:18:42

Tết qua rồi mà MM vẫn lu xu bu quá, hôm nay mới vào KGU để "recòm" anh chị, các bạn. MM rất vui vì có thêm độc giả không phải là người KGU chia sẻ với MM qua truyện ngắn này. Thú thực, MM biết truyện này MM viết chưa đạt, cái định nói nó cũng chỉ thập thò đâu đó, chẳng đi đến đầu đến đũa...Cám ơn các anh chị đã đọc và động viên, đó là món quà quý cho MM. 


Chị Thoa: Hôm em mua lịch thì cũng qua năm 2017 rồi, em còn trêu cô bán lịch là sao không trừ tiền mấy ngày đã bị muộn!


Chị HoaNT: Em chúc mừng anh chị đã lên chức, chúc cu Hà (mục tiêu tiềm năng của nhà em, mà sao cảm thấy ngày một xa vì Hà siêu quá, hihi) luôn học giỏi, là niềm tự hào của bố mẹ. Chúc anh chị và các cháu cả F1 và F2 một năm mới thật bình an và mọi sự như ý nhé!



Từ: HoaNT
04/02/2017 11:43:42

MM cám ơn em đã có những tác phẩm văn học quá hay và sâu sắc trên trang KGU. Chị vẫn hàng ngày đọc trên trang này các bài của em và mọi người chỉ tiếc là không com. và viết vì quá bận và máy tính, mạng có vấn đề không thể viết tiếng Việt được. Năm vừa qua có quá nhiều sự kiện đến với chị: có cháu nội, cu Hà thi và đỗ đại học QG, sửa nhà, về hưu... Năm nay Hùng nhà chị mang về khá nhiều lịch của Vettinbank nơi nó làm việc có các loại lịch bàn, lịch bloc, lịch treo. Nhiều quá nên đem biếu bạn bè ai cũng thích, còn nhà chị chẳng có ai xé lịch chỉ có anh Vĩnh nhà chị xé và theo dõi ngày để giỗ ông bà vì là trưởng tộc mà. Đọc truyên của em thấy hay quá rất giống những gì xảy ra ở nhà chị đấy.


Năm mới chúc em và gia đình sức khỏe, hạnh phúc, vạn sự nư ý. Chúc con gái học giỏi viết văn hay như mẹ nhé. Chúc em viết nhiều cho mọi người Kgu được thưởng thức nhé.



Từ: Guest Bạn Kgu
25/01/2017 17:23:41

Gần Tết, đọc truyện của bạn với những suy gẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời, về cái chết, về sự sống, tự dưng thấy bùi ngùi. Bạn viết được đấy, tôi không nghĩ trong phạm vi trang web vui là chính mà lại có những bài viết sâu sắc như thế, nó làm tôi từ chỗ tò mò đến thích thú. Dần dần kgu thành trang web quen thuoc. Xuân mới sắp đến, chúc các bạn mọi sự may mắn nhé, chúc nhiều sức khoẻ và hạnh phúc đến các bạn Kgu.



Từ: Guest Khách Kgu
08/01/2017 08:36:23

Tuy la khách nhưng tôi xin mạn phép bình vài câu. Tháng ngày vần vũ, cái tên bài không thể hay hơn. Vật vã, vần vũ giữa hiện tại và tương lai, mà tương lai không đủ sáng, đủ ngọt ngào để bấu víu...Những cai chết trong truyen ngắn này cũng làm người đọc phải nặng lòng. Nó ko phải chỉ là sự ket thúc của một đời người. Tháng ngày hạn hẹp lắm, hãy yeu thuong nhau mot khi còn có thể.


Cám ơn tac giả.



Từ: ThoaNP
03/01/2017 07:53:59

MM: Hôm qua con trai chị mang đến 1 lịch bloc cỡ khủng (to nhất cho đến giờ chị từng thấy). Nó cũng hì hục tìm chỗ và treo lên tường, kèm câu nói "mẹ xé cho sướng tay", làm chị nhớ tới truyện em viết. Tuy nhiên giấy to và tốt quá nên anh chị phải gấp lại cho vào bìa nylon để dành cho Bé Dâu vẽ khỏi phí. Ngoài bìa anh Dũng còn cẩn thận ghi "Giấy vẽ cho Cải, Dâu".



Từ: Meomun
02/01/2017 17:27:55

 


@Chị Xuân Ba: Em cám ơn chị đã còm cho bài viết của em. Web của mình chuộng viết về người thật việc thật, nên những truyện ngắn thường bị hiểu là viết về chính mình, gia đình mình, nhất là viết về tình yêu, thất tình, tan vỡ, ly dị...mới phiền, khổ thế. Tất nhiên thực tế là mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng những ý tưởng của người viết, không có sáng tác nào vượt qua khỏi thực tế cuộc sống. 


Email từ một người bạn của MM, xin lỗi không đề tên vì bạn ấy không thích:- Biết V rồi nhé, chuyện cây khế...của V chỉ là hỏa mù, đúng không? Chuyện phải là về một thời ngây thơ, một thời nhiệt huyết, 17-18 tuổi đã ...để rồi cuối đời nhận ra là mình đã phung phí thời gian để...và rồi 2 cái huyệt như một sự trả công, mà lại là cái huyệt...có cái gì chua xót và cay đắng. Phác thảo thì hoành tráng, nhưng người viết nhát tay, kha kha đúng chưa?


MM: đúng, hì hì.


 


 



Từ: BaLX
02/01/2017 15:46:04

Lúc đầu chị cũng nghĩ em viết về ba mẹ em. Khi đọc tiếp theo thì chị cũng cảm giác như em đang viết về một câu truyện ngắn nào đó trong đời. Đúng vậy Vân à, đây là hình ảnh thực tại của biết bao gia đình hiện nay, khi con cái ra ở riêng, nhà còn lại hai ông bà già lui cui với nhau. Ông bà trong truyện vẫn là những người hạnh phúc, vì con cái vẫn còn có hiếu, quan tâm tới bố mẹ, tuần nào cũng rủ nhau về thăm ba mẹ. Chúng bảo bà chawtj cây khế đi vì chúng sợ ngày nào bà cũng phải quét sân mệt người, nhưng chúng đâu hiểu hết được khi chúng đi hết rồi thì cây khế lại chính là người bạn sớm hôm của bà. 



Từ: Meomun
30/12/2016 10:17:35

@Chị Thoa yêu quý: Em vừa đọc comment của chị mà bật cười khi chị xếp em vào loại "trồng cây ít sống", đúng ơi là đúng chị nhỉ. Vườn thượng uyển nhà chị tuy nhỏ nhưng thật tuyệt, có hoa hồng mang cành từ Mỹ về, có chanh, có ổi...Có hôm chị mang cho em những bông hồng màu cà rốt tuyệt đẹp, mấy quả ổi chín vườn nhà nữa, ngon tuyệt, cám ơn chị yêu, chị đúng là người làm vườn xịn, chả như em, hihi. Chúc anh chị và các cháu năm mới 2017 thật bình an, hạnh phúc.




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s