KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 27 Tháng chín. 2010

Tôi có tự hào không?




Tác giả: LinhND

Tôi có tự hào không?

Diệu Linh- Sinh vật 78

 

Vẻ mặt rầu rầu, giọng nói buồn tủi pha chút tự ti của chị trong lúc chuyện trò cứ ám ảnh tôi suốt 15 năm qua.

Khi đó, chị chừng 52 tuổi, cái tuổi đã bắt đầu được an nhàn khi con cái khôn lớn.

        Tôi quen chị trong buổi trông thi tại trường Bách khoa TP. Hồ Chi Minh, nơi chúng tôi đang làm việc.

Theo phép xã giao, tôi hỏi: “Các cháu chị học ở đâu?”. Dường như đoán trước, chị trả lời ngay: “Chị có hai cháu trai, cả hai đều chỉ học cao đẳng và đã đi làm.”

Tôi cũng bất ngờ vì thông thường với câu hỏi như thế thì nhiều người hãnh diện đáp lại: Cháu học Bách khoa, cháu học Ngoại thương, hoặc cháu du học tại Mỹ theo học bổng của trường này, tổ chức kia, hay cháu đang làm tiến sĩ ở Úc.

“Có sao đâu chị, xã hội mà!”-  Tôi an ủi. Đó cũng là lần duy nhất tôi gặp chị.

Giây phút này đây,  tôi cứ mong gặp lại chị để nói rằng: “Em cũng như chị, cả hai cháu không học đại học.”

 

Tôi sinh cháu lớn năm 1982. Cháu rất hiếu động và không chăm học lắm.

Tuy thế, cả tiểu học và lớp 6 Trung học Cơ sở cháu đều là học sinh giỏi. Cháu nói: “Con nghe nói lớp 6 đầu cấp có kiến thức vững thì các năm sau sẽ không dốt”. Thấy con xác định như thế tôi cũng mừng.

Rồi vì mưu sinh và cháu thứ hai ra đời năm 1989, vợ chồng tôi sao nhãng chuyện học hành của cháu. Kết quả những năm sau cháu rớt xuống học sinh khá, rồi trung bình. Tuy thế, cháu vẫn đủ điểm vào trường điểm Trung học phổ thông  của thành phố. Thời gian này, cháu nhận thức nhiều vấn đề, tạm gọi là “cái ung” của giáo dục. Không học thêm thày cô môn nào thì môn đó điểm kém, phải lấy điểm thi học kỳ (do nhà trường ra đề) bù lại. Cháu bất mãn cách dạy và học (như vẹt), nên học chiếu lệ. Chồng tôi tuyên bố: “Ba chỉ cần con lên lớp. Để dành chất xám cho công việc sau này”. Và dĩ nhiên, cháu chỉ đậu Trường đại học bán công. Ngày đầu đi học, cháu hăm hở và hứa sẽ học tốt. Sau một thời gian cháu nói: Con chỉ học chăm môn tiếng Anh, các môn khác sao dạy như phổ thông, chán quá.  Thì đúng vậy, ở Việt Nam, học đại học thời đó năm 2000 giống như học lớp 13 ấy mà.  

Cuối học kỳ 1, năm thứ nhất, cháu thi rớt nhiều môn, có môn còn bị cấm thi. Lúc này tôi tá hỏa và hẹn dẫn cháu đến nhà cô bạn dạy cháu môn toán để xin phúc tra.

Tới giờ hẹn, không thấy con đâu, tối nó cũng không về nhà ngủ.

Tôi như ngồi trên đống lửa, chân tay rụng rời khi tìm được mẩu giấy cháu viết nguậch ngoạc, đại ý cháu xin lỗi cha mẹ, không thể tiếp tục học đại học. Cháu sẽ đi làm và khi nên sự nghiệp mới quay về gặp cha mẹ.

Qua bạn bè, sáng 30 Tết, ông xã tôi tìm ra cháu ở nhà ông bà ngoại của đứa bạn thân của cháu, cách thành phố hơn 70 km. Rồi chúng tôi còn phải theo ý cháu  là phải nhận là bác ruột đón cháu về nhà ăn Tết do “cha mẹ” cháu ra Hà Nội. Cháu trót nói dối ông bà rồi nên đã “đạo diễn” chúng tôi đóng kịch như thế.

Cháu giao hẹn chỉ ăn Tết ngày 30 và mồng 1. Sáng mồng 2 cháu lại bỏ nhà, hẹn sẽ liên lạc. Vợ chồng tôi không dám hé răng nửa lời, chỉ sợ “già néo, đứt dây”. Năm đó nhà tôi mất Tết, nhà như có tang.

Thế rồi cháu gọi điện hẹn về ăn cơm một tuần một lần. Như có liều thuốc thần xốc chúng tôi dậy. Tụi tôi rối rít chuẩn bị bữa ăn như đón khách VIP mỗi khi cháu về và tuyệt nhiên không đả động tới chuyện “đi bụi” của cháu.

Cháu kể đang làm thuê cho cửa hàng Gas, thế chỗ cho đứa bạn đi nghĩa vụ quân sự. Cháu chỉ phàn nàn không hợp với anh em vì họ hay nói tục. Tôi bảo bán Gas cho mẹ và bạn ba mẹ thì cháu gạt phắt.

Sau một tháng, cháu chuyển về làm quản lý nhà trẻ do mẹ đứa bạn thân mở. Cháu say mê công việc này và kiêm cả việc phát tờ rơi quảng cáo. Đôi khi nó còn phải vệ sinh cho các bé mỗi khi cô bảo mẫu làm không kịp. Nhưng sau đó do không có “lãi” nên nhà trẻ đóng cửa.

Tìm việc không được, cháu cầu cứu tôi, nhưng giao hẹn chỉ làm lao động chân tay. Sẵn có cô bạn làm nghề may gia công, tôi gửi cháu làm không công kèm lời dặn: phải “dập vùi” cho  cậu sợ. Mẹ của cô bạn, nguyên giám đốc nhà máy may Hòa Bình, trực tiếp quản lý cháu với chế độ khắt khe. Làm việc từ 7h30 đến 21h, ăn hai bữa tại xưởng. Khi đến làm và ra về phải vào trình diện để bà chấm công. Hết tuần đầu, cháu nhờ tôi xin bà chỉ làm đến 17h30 với lý do học thêm tiếng Anh và để ăn cơm nhà một bữa cho có dinh dưỡng. Đi làm thì cháu có bạn- một cậu 18 tuổi như cháu, từ miền Trung vào. Về nhà cháu kể: Nó chả biết gì về Internet, games, email. Nó được chị cho 5 ngàn thì vui như Tết còn mời con uống coffee.

Đây là lúc tôi “tuyên truyền” giá trị của trí thức. Phải học mới thoát nghèo khó.

Dịp đó là mùa tuyển sinh, cô Bồng Lai (Lý 78) nhận cháu làm nhân viên, chuyên bán hồ sơ cho thí sinh. Hết đợt, tổng kết kinh nghiệm và môi trường làm việc, cháu nhận thấy chỗ cô Bồng Lai là hợp nhất. Tôi lựa lời: “Con có muốn học tiếp không?” Cháu trả lời muốn nhưng mặc cả: chỉ học thực hành và không học ba cái môn phọt phẹt như Triết học, Kinh tế chính trị. Tôi cũng xin lỗi trước độc giả nào làm việc trong các lĩnh vực này.

            Vợ chồng bàn bạc, tính toán, thăm dò cuối cùng quyết định cho cháu sang Singapore học IT lấy Avanced Diplom (tương đương cao đẳng của Việt Nam), tuy kiến thức không nhiều nhưng bù lại có tiếng Anh vững, cơ hội làm việc nhiều hơn. Do không quen cách học căng: mỗi module nôm na có 3 bài kiểm tra, với chương trình ép lại 18 tháng, cháu phải học 24 tháng. Theo cháu, cái đáng giá nhất cháu thu được là cách học, nhìn nhận và đánh giá vấn đề.

Cuối năm 2003, cháu về nước và nhờ sự giới thiệu của cô Thu Hồng (Lý 78) và chú Châu HM (Toán 81) cháu làm việc cho hai công ty con của FPT. Hiện cháu đang làm việc cho Công ty nhựa Duy Tân. Được công ty cho sang Philipin học một tháng lấy chứng chỉ hành nghề quốc tế, cháu tâm sự: “Đây là lần đầu tiên con học thật sự vì nó rất cần cho công việc”.   Mẹ nào chẳng lo vì thằng con lười học, tôi treo giải 100USD nếu thi đậu thủ khoa. Nghĩ là khích cậu nào ngờ 12 người thi thì 8 người đậu và cháu đạt điểm cao nhất. Có nhiều người thi hai lần mới đậu.

Cháu cưới vợ năm 2008, chuẩn bị lên chức bố vào tháng 10/2010. Có lần cháu mơ thấy con gái mình học lớp một đã trốn học chơi games, tỉnh dậy mà toát mồ hôi. Cháu nói: Con hiểu ba mẹ đã chịu đựng và đau khổ nhiều về thời con còn đi học. 

Tôi muốn kể câu chuyện có thật 100% này, nhớ lại giây phút kinh hoàng trong đời, mà ai ai biết chuyện đều nói: Sao liều thế, nhỡ đi bụi nó xì ke ma túy thì sao!

Nếu găp chị bạn như đã viết ở đầu bài này, tôi sẽ nói: “Hai con em làm việc hiệu quả và đều không học đại học. Trường đời dạy chúng!”

Theo các bạn, tôi có tự hào không?


Người post: LinhND

Ngày đăng: 27-09-2010 23:11






Xem 11 - 17 của tổng số 17 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: HienVC
28/09/2010 11:16:03
Đáng tự hào quá đi chứ.
Vượt qua được nếp nghĩ đã hình thành trong xã hội hiện nay là phải có bằng ĐH trước khi ra đời, mặc dù chẳng biết kiến thức học để làm gì là việc rất khó.
Bản thân mình không vượt được nếp nghĩ này mặc dù biết nó rất không ổn do vậy mình rât khâm phục Linh và cháu.


Từ: HanhLT
28/09/2010 10:26:49
Chị biết Linh vẫn là người mạnh mẽ từ thời trẻ,bên cạnh đó chúng ta có những người bạn tốt như Bồng Lai, Thu Hồng, Châu... tuy kho cùng lớp, chỉ là dân KGU với nhau thôi mà rất có lòng. Mình cũng chỉ mong cư dân KGU gặp nhau kho phải chỉ có cười,có tự hào, mà cần có sẻ chia giúp đỡ.


Từ: ChiNB
28/09/2010 09:25:03
Linh ơi, chị chúc mừng em. Bọn trẻ bây giờ đều muốn tự đi theo con đường của chính nó. Con trai chị sinh năm 1985, đang đi học Thạc sĩ ở bên Anh, nó chỉ thích kinh doanh (nói đúng hơn là đi buôn, nó bảo kinh doanh đã ngấm vào máu con rồi), chị cũng đang lo vì gia đình mình có ai giỏi về buôn bán đâu. Bài của em đã an ủi chị được phần nào, bố mẹ không thể ép con cái theo ý mình được, bản thân chúng nó phải là chính chúng nó. Có lẽ để chúng nó có gia đình (như con em đấy), nó mới hiểu được tấm lòng và nỗi lo lắng của bố mẹ về con cái.


Từ: ChauHM
28/09/2010 09:09:54
Chị Linh ơi,
Bài của chị rất hay, vì nó được viết từ tình yêu của người mẹ với đứa con. Chị có quyền tự hào về đứa con của mình. Và theo em, chị là một người mẹ thành công.


Từ: ThoaNP
28/09/2010 00:02:54
Linh thương mến,
Mình rất cảm động khi đọc bài của linh, đó cũng là tâm trạng chung của những người mẹ. Để dịp nào đấy có thời gian mình cũng sẽ viết về con mình, nhiều lúc muốn chết được vì không thấy lối thoát, nhưng rồi vẫn phải mạnh mẽ đứng lên. Vì nếu người mẹ không mạnh mẽ để là chỗ dựa cho con thì ai sẽ giúp con đây. Và mình nghĩ tất cả người mẹ đều tự hào về sự trưởng thành của con mình, mà trong đó học vấn chỉ là 1 yếu tố, thậm chí không phải là quan trọng nhất. Mình luôn nói với các con "hãy làm điều gì mà các con thấy hạnh phúc". Các con hạnh phúc là mẹ mãn nguyện.


Từ: VinhDT
27/09/2010 23:54:29
Linh ơi
Mình đang ngồi viết thư cho con gái, cũng đang gặp chuyện buồn. Thấy em Ngọc nói chuyên mục gia đình chúng ta có bài mình vào ngay. Gặp nhau bao nhiêu lần mà bây giờ mình mới biết cậu anh hùng quá. Cám ơn cậu cho mình thêm niềm tin vào con cái chúng ta.
Vinh, chai lọ 77


27/09/2010 23:51:04
Chị Linh ơi, chị đã có bài, và 1 bài rất hay. Em rất đồng ý với cháu nhà chị là học hành hay làm việc phải thực chất, ko chạy theo hình thức, theo phong trào. Nhưng thực tế VN hiện nay rất khó để điều đó phổ cập trong XH.
Bên Mỹ người như Bill Gate không ít. Bill học dở đại học, và chẳng bao giờ có thì giờ hoàn thành chương trình đại học, Nhưng cuối cùng nhà trường vẫn phong cho Bill GS danh dự. Tất nhiên Bill Gate làm được nhiều thứ cho XH hơn bất cứ ông GS nào.
Cháu nhà chị rất có bản lĩnh. Tất nhiên không phải mọi người ai cũng có con đường giống ai, nhưng bây giờ chị hoàn toàn yên tâm với cháu.
Chị viết nữa nhé, và động viên các anh chị, các em trong HCM cũng lên mạng.
Chúc chị mau trở thành bà nội.



<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s