KGU News >>Người KGU >>Chúng ta
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 14 Tháng năm 2017

VẪN CÒN ĐÓ MỘT THỜI TUỔI TRẺ




Tác giả: Meomun

        

Cách nghỉ lễ 30/4 chừng một tuần, trên Viber có một nhóm nguoikgu ra đời, với cái tên …thơm nức thật quyến rũ với những ai có tâm hồn ăn uống: “Chả Cá Nhơn Trạch”. Số thành viên khoảng chục cô cậu cựu sinh viên khoa Luật KGU, từ Luật 88 (MM tự nhiên bị “chúng nó” add vào) đến Luật 90. Nhân dịp nghỉ lễ, anh Khôi và bà xã (Huynh), xuất thân đều từ luật 89, rủ cả bọn về “Dacha” của họ ở Nhơn Trạch để thưởng thức món chả cá do ông chủ kiêm đầu bếp Khôi  thực hiện. Thật tuyệt vời là dịp này có sự tham gia của bạn Hải Châu, “đại diện KGU tại Moscow” về Việt Nam nghỉ phép. Thời đại kỹ thuật số, các thành viên hội “Chả cá Nhơn Trạch”, kẻ ở Tây, người ở ta, kẻ Hà nội, người Vũng Tàu, Sài gòn… chuyện nở như ngô rang, mà ngô rang qua mạng! Say sưa nhất là chuyện về chuyến “về nguồn 2016” mà một số bạn đã được tham gia và chuyện về chuyến thăm Việt Nam của các thầy cô và Olga, con gái cô Ludmila Franxeevna. Olga được mời từ sáng kiến của nhóm học trò khoa luật của cô Lud và nhiều anh chị năm trên từ khoa Luật và một số khoa khác. Lại nói chuyện cô Lud, năm 2001, sau chuyến đi Moldova của Đằng (có lẽ là một trong những chuyến về nguồn sớm nhất của cựu sinh viên KGU), nghe Đằng bùi ngùi kể chuyện cô Lud bị bệnh nan y, thế là MM nảy ra ý muốn viết một bài về cô, mặc dù MM không trực tiếp học cô. Bài viết ấy sau đó được đăng trong tuyển tập hồi ức về nước Nga của Hội Hữu Nghị Việt Nga. Vừa qua, nghe tin Olga được mời sang Việt Nam, MM chợt nhớ ra bài viết nên tỉ tê kể với Việt Hà về bài viết từ hồi xửa hồi xưa của mình. Ngay lập tức, Việt Hà gửi bài viết ấy sang Maskva cho Hải Châu dịch ra tiếng Nga. Sau vài ngày, Hải Châu dịch xong và gửi cho Olga và cả nhóm đọc. Olga rất cảm động và nhắn tin: “Rất thật, tất cả là sự thật, cám ơn tác giả, cám ơn người dịch với những ký ức tốt đẹp về mẹ Ludmila của tôi…” và Olga mong chờ được gặp các học trò cũ của người mẹ thân yêu…

Như đã hẹn, sáng ngày 30/4, MM và ông xã, cũng là đồng môn của các bạn ấy, đi xe máy đến phà Cát Lái để sau đó qua Nhơn Trạch. Các bạn còn lại thì hẹn nhau ở nhà Hà Quang để đi taxi cùng nhau. Trời nắng như lột da, MM và ông xã chìm trong một dòng người đông nghịt trẻ em, người lớn đi xe máy, mặt mũi đỏ ửng đứng chờ phà trông thật “thê thảm”. Ngày nghỉ lễ, nhiều người tranh thủ đi Vũng Tàu nên phà Cát Lái bị kẹt. Nhiều xe máy chở đến 4-5 người, chắc là cả nhà có bao nhiêu người đều chất hết lên 1 xe máy…

Cuối cùng khoảng 9.30 sáng, gia đình MM cũng đến được nhà Khôi Huynh, nhà nằm trong cái hẻm cách đường cái vài ba chục mét, sát bờ sông Đồng nai. Ông chủ- anh Khôi vui mừng chạy ra đón khách, tay còn cầm cái kẹp chả cá, miệng thì nạt lũ chó đang sủa ong óc. Ông chủ, còn vương vấn đâu đó những nét đẹp trai đã từng khiến chị em chao đảo (nghe nói thế), hất mái tóc quăn dài chấm vai, muối nhiều hơn tiêu, xua khách vào nhà uống nước cho đỡ mệt. Trước “thiện ý” của khách muốn giúp anh một tay, anh xua xua: - Thôi thôi, cái món này anh chả tin ai làm ngon hơn anh làm! Hấp dẫn quá, MM ghé xem cái bếp than đang đỏ rực và xuýt xoa. Cá lăng thái từng miếng đủ dày, ướp nghệ và đủ thứ gia vị “ gia truyền”, kẹp vào những thanh tre tươi thơm nức được ông chủ lật lên lật xuống nhịp nhàng trên bếp than đỏ rực. Tiếc là MM không chụp được cái ảnh nào để “mô tả” anh trong tư thế ấy. Anh kể về cái hồi mới mua miếng đất 2000 m2 này, chỉ vì thích cảnh có nhà ở bên bờ sông rồi mắc võng ngủ . Thế mà sau đó, mảnh đất ấy đã trở thành một nơi gắn bó với anh sau khi về hưu (hưu non), nơi anh nuôi gà, nuôi lợn, trồng rau…Do bà cụ nhà anh đã nhiều tuổi nên Huynh vợ anh ở Sài gòn chăm bà, chỉ có mình anh ở trong căn nhà cấp 4 xinh xinh cách SG vài chục KM này, chăm chỉ trồng rau, nuôi gà, nuôi heo và cuối tuần anh mới về thành phố. Bác nông dân …thời @ là Khôi “úm” lũ gà con ở cái phòng sau nhà. Còn ở cái căn nhà gỗ có tuổi thọ hơn 200 năm được 2 vợ chồng tha từ tận Bình Định về, bây giờ đã thành cái chuồng gỗ xiêu vẹo, lụp xụp, là chỗ ở của bầy heo.

Chờ mãi, đến sát trưa mới thấy đoàn đại biểu còn lại tới: vợ chồng anh Quang- Hà, Huynh, Mai Kim và Thảo từ Hà Nội vào. Vắng mất em Thanh Hương vì bị ốm đột xuất và Lê Thúy từ Vũng Tàu, hai tên tích cực nhất. Ba chú chó nhà anh Khôi nhỏm hết dậy, sủa đến nhức óc, khách vào trong nhà rồi mà vẫn cay cú sủa. Hóa ra Việt Hà ôm theo tiểu thư Envita, gọi tắt là Vi, thuộc dòng Poodie với bộ lông màu nâu, xoăn xoăn rất đáng yêu. Đang trong vòng tay bà chủ, thế mà “Vi tiểu thư” cũng rướn cổ, hét lên choe chóe quát lại lũ “chó cậy gần nhà”.

Tay bắt mặt mừng, xuýt xoa khen nhau trẻ đẹp sau rất nhiều năm MM mới gặp lại như Hải Châu và Thảo. Thảo (mà bạn bè vẫn gọi là “Thảo Con” vì bé xinh xinh, da trắng môi hồng như trẻ con, hay “Thảo Sơn” theo tên người yêu và sau này là ông xã) vẫn nhỏ nhắn xinh đẹp, nàng mặc cái váy đỏ chói, cười toét nhận bạn từ ngoài cổng…  

Mọi người xuống bếp giúp bà chủ nhặt rau, tỉa hành hoa phục vụ cho món chả cá lăng “huyền thoại” của anh Khôi. Cả bọn thay phiên nhau đi xem toàn cảnh dacha, đi xuống bờ sông ngắm cảnh rồi hì hục chạy tóe lên vì nắng quá!

Được thưởng thức món chả cá lăng, ăn với bún và thìa là, hành hoa chẻ thật tuyệt. Anh Quang mang theo mấy chai rượu, có loại nhẹ dành riêng cho nữ, có chai là sản phẩm của Moldova.

MM mang theo món khoai luộc, theo lời “đặt hàng” của vài bạn, thế mà ngon.  Hải Châu từ Moskva bày ra các thể loại kẹo Nga, đồ ngọt, táo tươi chính gốc từ Moldova, do Olga gửi Châu mang về. Olga về đến nhà là ngay lập tức liên hệ với hội NguoiKgu, nàng cảm động lắm vì đã được đi đến một đất nước thật xa, đầy bom đạn, chiến tranh như trong ký ức thời “teen” của nàng, mỗi khi mẹ nàng nhắc đến bọn sinh viên Việt Nam và lâu lâu lại mời một nhóm sinh viên về nhà cô chơi. Các bạn luật 89 còn nhớ, hồi ấy mẹ Ludmila bảo Olga chơi đàn cho các anh chị nghe, nhưng cô bé 14 tuổi thuở ấy thẹn thùng và lỉnh ra ngoài mất. Lần này Olga sang Việt Nam, mang theo mấy tấm ảnh ngày xưa bé Olga chụp cùng với các anh chị Việt Nam. Đúng là những "tấm ảnh ân tình" như chị Ngọc Hoa đã gọi trong bài viết cùng tên của chị.

 

 

 

 

Mọi người tranh thủ chụp ảnh, tái hiện lại những cô bé cậu bé ngày xưa bên cạnh cô Lud, cạnh “bé” Olga ngày nào. Ai ở vị trí nào thì bây giờ vẫn ngồi chỗ đó, vị trí của Olga và cô Lud trong ảnh mới thì MM và Kim sẽ thế chỗ. Bồi hồi, thế mà đã mấy chục năm trôi qua!

 

 

Trong chuyến đi vừa qua, Olga cũng mang theo nhiều kỉ niệm mà cô Lud lưu trữ, các bài viết của học sinh cũ, như bài của anh Nguyễn Văn Hoàn, hiện làm việc tại Bộ Tư Pháp, thư của anh Khôi gửi cô, gọi cô là mẹ và bao nhiêu kỷ niệm nhìn thấy mà ai cũng thấy mềm hết cả lòng. Hồ Komcomol, rạp Sorok Let, hàng cây siren trước cửa Ob 10. Một thời tuổi trẻ, những năm tháng ngây thơ và đầy nhiệt huyết, y như tên một quyển sách tiếng Nga “Такая молодость, пора...”, mà MM mới thấy trong phòng khách, anh Khôi kể là anh được thầy tặng từ năm 1987. Thấm thoắt thế mà cũng đã 30 năm rồi.

Tên cuốn sách làm MM xao xuyến. Làm sao quên được một thời tuổi trẻ, ngây thơ và vụng dại trên đất nước Moldova xa xôi. Những ngày đông tuyết phủ trắng xóa, đi học qua cái dốc đá ngã cái oạch và đang loay hoay đứng dậy (vì cái panto nặng quá) thì đã có một cách tay chắc khỏe của một bạn người Môn nào đó chìa ra, nâng ta dậy rồi lại vội vã ra bến xe tranleibus, không kịp nghe một tiếng cám ơn. Rồi mùa xuân tới, hoa xuyên tuyết ngỡ ngàng chui lên, nghiêng nghiêng nhìn ngắm vạn vật bừng tỉnh sau giấc ngủ đông dài. Rồi hoa táo, hoa mơ nở trắng trên cành, hoa nở cả trước khi có lá (thơ Bùi Thanh Huyền), xôn xao những bước chân, ríu rít tiếng nói, những nụ cười…


(Có ai nhận ra Nữ đại sứ thuở ấy không nhỉ?)

 

Nơi ấy, khi xa gia đình, xa đất nước, chúng ta đã được sống ấm áp trong sự quan tâm và tình yêu thương vô điều kiện của các thầy, các cô và cả những người dân Moldova, bạn bè…Và dường như, ngón tay mình còn vương mùi táo chín...  

 

Anh Khôi tranh thủ mở Macbook và facetime cho mọi người nói chuyện với Olga. Ai cũng tranh nhau nói chuyện, tiếng Nga lẫn tiếng Anh, tay chân vung loạn xạ, thế mà Olga hiểu hết.  Cô bé cười tươi và nhận ra từng người, cả lũ ríu ra ríu rít thật vui. Việt Hà kể là sau chuyến đi Miền Tây với các thầy cô, anh Uyển, anh Khôi…Olga thích món giá đỗ xào nên hỏi cách làm. Chả biết các bạn với món tiếng Nga cùn sau mấy chục năm, cộng với “body language” sinh động đến mức nào mà chỉ dẫn được cho Olga cách làm giá đỗ. Sau khi về Kishinev mấy ngày, Olga khoe là đã làm được giá đỗ, nhưng không hiểu sai ở chỗ nào mà cọng nào cũng béo ú, ngắn ngủn!!!    MM tranh thủ hỏi Olga:- Thế “mày” có xài được cái túi xách đỏ choét “tao” tặng không? và thấy rất vui khi cô bé cười xinh: - Đa , đa! Podkhogit chứ, “tao” có nhiều đầm màu đỏ lắm”. Olga hỏi thăm chị Hạnh, chị Tuyết, anh Uyển và nhiều anh chị khác, giọng cô bé rưng rưng:- Cảm ơn mọi người nhiều lắm, “em” không nghĩ “em” đã có dịp đến Việt Nam, và lại đã trở về nhà, y như một giấc mơ!   

Sau vài chén, bắt đầu ngấm rượu nên tên nào tên ấy hăng hái hẳn lên. Chuyện “ngày xưa”, trốn học vì ngủ quên, đi săn đồ ở cửa hàng, đi phố ăn kem, những chuyến pakhot…loanh quanh lại quay về chuyện tình yêu. Chuyện quanh những nhân vật “khét tiếng” là có sức hút còn hơn cả nam châm với các đối tượng khác phái, ngày ấy - bây giờ. Hồi ấy có bao nhiêu đôi yêu nhau, ngay cả nhóm “chả cá” ngồi đây cũng đã có tới 3 đôi “thuần chủng” Kishinev. Kishinev ngày ấy là địa chỉ của nhiều cô gái Việt Nam xinh đẹp, là nơi các chàng trai từ các thành phố, tranh thủ từng ngày nghỉ đông, nghỉ hè, nghỉ lễ là “bay” đến, và bàn để thư từ của sinh viên nước ngoài ở cửa ra vào lúc nào cũng đầy ắp thư của các sinh viên Việt Nam, nhất là các cô gái. Có nhiều đôi thành, nhưng cũng có khá nhiều chuyện tình dang dở, hoặc chẳng biết gọi là gì. Ngọn đồi phía sau Café Drujba, hay con đường phía sau ob Toán, rồi vườn trẻ xinh xắn có những căn nhà gỗ be bé cho trẻ con chơi cũng là nơi hò hẹn và là chứng nhân của biết bao chuyện tình. Cô gái Hà Nội là Hải Châu ngày nào đã khiến không biết bao nhiêu lần chàng Nguyên cao to đẹp giai từ Tbilixi chăm chỉ bay tới. “Chúng” thường lôi cờ ra chơi, cờ caro, cờ vua, cho đến khi thành đôi. Hải Châu cho mọi người xem ảnh gia đình (hiện đang sống ở Maskva), hai cậu con trai cao to hơn bố Nguyên. Còn mẹ Châu đứng bên cạnh xinh xắn nhỏ nhắn, giống như bạn gái của con. Còn cô bé Phương Thảo – Luật 89, cười tít khi mọi người nhắc đến chuyện tình của mình thuở ở Kishinev. Hồi ấy, ngoài dịp nghỉ lễ, Tết, hầu như tháng nào cũng có bạn Sơn từ Kiev trốn visa xuống Kishinev thăm nàng. Quen thân đến nỗi dân Kishinev coi chàng rể cũng như là người nhà, dịp đi cắm trại, sinh hoạt nào của hội đồng hương cũng có mặt. Vui nhất là khi thấy Thảo - Sơn mùa đông lút cút đi trên dốc gần Ob 10, trắng trẻo, má phính và tròn tròn như cục bột, bọn Tây cũng bảo: -Chúng nó trẻ y như học sinh ấy nhỉ!

 

Ai cũng lặng đi khi nhắc đến những thầy giáo mà sinh viên Việt Nam rất quý như thầy Chiutekin (đã mất), thầy Petrov, thầy Smokine…và mơ ước đến ngày nào đó các thầy có dịp sang thăm Việt Nam. MM thì bùi ngùi nghĩ đến thầy giáo tiếng Nga của mình (và của Việt Hà, Châu… nữa) thầy đang trong tình trạng thập tử nhất sinh vì bệnh hiểm nghèo. Liệu chút quà mọn mà MM gửi cô Nadia mang sang có làm thầy vui hơn chút nào chăng?

Chiều rồi, đã đến lúc cám ơn ông bà chủ và nói lời chia tay. Chủ nhà thì quý khách, cứ “động viên” cả bọn chờ đến lúc trời mát hãy quay về Sài gòn. Hi hi, ai đó còn nhắc tới chuyện trước đó còn trêu anh Khôi là không say không về, nhờ ông chủ sắp xếp chỗ nghỉ gần sát chỗ ông chủ, kẻo sợ ma! Chắc lúc đó Khôi-Huynh biết tỏng lũ bạn mạnh mồm mà nhát như cáy, nghe cả lũ lao xao trên Viber hẳn buồn cười lắm nên anh Khôi thỉnh thoảng “chen” vào: - Các cô vẫn như xưa, chỉ giỏi chém gió, liệu hồn đấy!

Ừ mà vẫn thế thôi, các “cô cậu” ngày xưa và các O50 (không dám nhắc tới số 60 vì…) bây giờ!

30 tháng 4 năm 2017

PS: Không biết nên dịch tên sách “Такая молодость, пора...” ra tiếng Việt như thế nào để tròn vành rõ chữ, sau khi được sư huynh Hiền VC gà giúp, MM lấy nó làm tên của bài viết này. Ai có sáng kiến khác thì giúp MM nhé.

 


Người post: VanNH

Ngày đăng: 14-05-2017 16:04






Xem 11 - 20 của tổng số 76 Comments



14/06/2017 18:33:54

@Cá cơm: Điều bạn khẳng định chẳng có cơ sở nào cả. Tôi vẫn tiếp tục giữ giả thuyết của mình.



Từ: Guest Cá cơm
14/06/2017 15:47:04

Xin khẳng định với HT :Cá cơm và PTT là 2 người hoàn toàn khác nhau,chưa hề gặp mặt.



Từ: Guest Đường Cỏ ngư - thi thơ
14/06/2017 11:38:14

Tới đây thì đầu mối ngưng.



Từ: Guest Cá cơm
13/06/2017 22:45:41

Bạn PTT đã nói địa điểm rồi đấy, xin mời HT đến phá án.Thời gian này cá cơm tôi vướng phi vụ mới ko biết khi nào xong nên ko hẹn trước.



Từ: Guest Phạm thi Thơ
13/06/2017 18:11:28

Hội trưởng Ngọc nhầm rồi, thời gian là rất quý.



13/06/2017 14:34:14

Với 2 còm mới nhất (số 59 và 60), tôi càng nghiêng về giả thuyết Cá Cơm và PTT là một người. Họ luôn kẻ tung người hứng. Những ttin mà Cá Cơm thu lượm được về PTT thật khó hình dung là người khác lại có nhiều ttin đến thế. Họ còn đẩy lên cao trào là hẹn nhau tại 1 quán Bánh tôm hồ Tây, với bông hoa này nọ cài bên túi áo ngực bên phải, giống hệt những truyện trinh thám của thế kỷ 20.


Họ còn tung hứng đến bao giờ đây? Họ còn đóng "Người có 2 bộ mặt còm" đến bao giờ đây?



Từ: Guest phạm thi Thơ
13/06/2017 13:50:12

Xin cảm ơn bạn Cá Cơm (23), không ngờ tin của bạn lại vui và thú vị đến vậy. Rất cảm ơn món quà của bạn. Tôi rất thích uống trà ở quán vỉa hè, nhất là các cụ già xưa bán, trên đường Tràng thi chẳng hạn, một nét văn hóa đặc trưng của người Hà nội mà nơi khác không có.



Từ: Guest Cá Cơm
13/06/2017 10:14:14

Xin thông báo với Hội trưởng cá cơm tôi hoàn toàn ko biết PTT là ai,mọi thông tin thu được là từ quán nước vỉa hè vì vậy độ chính xác ko phải là tuyệt đối. Có lẽ phải hẹn gặp PTT ở quán BÁNH TÔM HỒ TÂY mới được,  tín hiệu là bông hoa PHONG LAN ĐỎ cài trên túi áo ngực bên phải.



13/06/2017 08:54:01

Ngọc tôi cảm giác là Cá Cơm đã biêt PTT là ai nhưng chưa muốn công bố.


Ko loại trừ Cá Cơm và PTT là 1, vì người khác khó mà theo dõi vết tích chi tiết như vậy.


PTT có biết rõ 1 ttin liên quan đến tôi từ hồi lớp 7, tuy thêm ttin nhưng vẫn ko thêm được chân tướng của PTT.


Vụ án này hấp dẫn ko kém vụ truy tìm tác giả T.T.Kh của bài thơ nổi tiếng "Hai sắc hoa tigon" trên tạp chí "Tiểu thuyết thứ bẩy" của những năm 1930. Do vậy đề nghị các thám tử Cá Cơm, Tép riu, MM, ... tiếp tục tìm kiếm. Nếu quá khó khăn, sẽ mời Shelockhom của Anh quốc tham gia phá án.


/*Các ACE nếu chưa rõ lai lịch vụ tác giả của "Hai săc hoa tigon", xin mời tham kháo: https://vi.wikipedia.org/wiki/T.T.Kh. */



Từ: Meomun
12/06/2017 21:05:26



MM đang ngẫm nghĩ, có phải vô tình không mà các “cớm” xuất hiện để hưởng ứng chiến dịch “Guest PTT là ai” dưới những cái tên rất bình dị, khiêm nhường như là Cá Cơm, Tép Riu. Chắc các “Cớm” muốn khẳng định rằng mọi thắng lợi không thể thiếu vai trò của quần chúng nhân dân. Chỉ là “cá cơm’, là tép riu, nhưng là tai, là mắt của một cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh, chẳng gì có thể qua được mặt họ. Họ là những chiến binh âm thầm mà dũng cảm, nhưng lúc thắng lợi thì không màng đến địa vị, chức tước, lại áo nâu chân đất, “ngả mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành”.



@Guest PTT: MM giả vờ không biết anh Hải nào, thế mà bạn còn biết rõ anh Hải ấy là người Yên Bái! Thế thì Cá Cớm có lý khi đưa ra giả thiết về PTT là người biết rõ anh Hải Nông.



 MM còn nghi PTT  - là người biết rõ và mến mộ anh KhánhT nên hay “nói chuyện riêng” với anh KhánhT, lại biết chị HiềnH là phu nhân of anh Khánh, là con gái Hà Tây…  


 





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s