DMZ (Demilitarized Zone, khu phi quân sự)
Tác giả: Tự sướng đào ngũ
Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc (1945), các nước thắng trận phân chia ảnh hưởng tại những nước tham gia chiến tranh, ở hội nghị Teheran (1943) và Postdam (1945). Tại châu Âu hình thành hai khối Đông Âu (dưới sự ảnh hưởng của Liên Xô) và Tây Âu (là các nước phương Tây hoặc theo thể chế chính trị phương Tây). Đặc biệt có 3 quốc gia là Đức, Triều Tiên và Việt Nam đã bị chia cắt tạm thời. Nước Đức thua trận được chia thành 4 khu vực tương ứng với 4 nước tham gia đánh bại phát xít Đức: Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, mà sau này do hệ tư tưởng mà hình thành 2 nước Đức: Đông Đức (1949), theo hệ tư tưởng cộng sản chủ nghĩa, trở thành thành viên khối XNCN do Liên Xô đứng đầu, và Tây Đức (cũng 1949), gộp cả 3 phần được chia ảnh hưởng cho Mỹ, Anh, Pháp thành Cộng hòa Liên bang Đức, theo chế độ cộng hòa nghị viện phương Tây. Đặc biệt thủ đô của Đức, thành phố Berlin, cũng chia thành 4 và rồi kết hợp lại thành 2 phần, Đông Berlin và Tây Berlin.
Tại châu Á, Triều Tiên (vốn bị Nhật chiếm đóng từ 1910), được chia thành Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên, lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới, miền Bắc do Liên Xô quản lý, miền Nam do Mỹ quản lý, để rồi sau đó hình thành 2 quốc gia riêng biệt: Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên (1949) và Đại Hàn dân quốc (1948). Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), do Bắc Triều Tiên phát động, lôi kéo Mỹ và các nước đồng minh (ủng hộ Nam Triều Tiên) và Trung Quốc (ủng hộ Bắc Triều Tiên) cùng tham gia, mà kết quả vẫn là sự phân chia thành 2 quốc gia với vĩ tuyến 38 làm ranh giới.
Nước thứ 3, Việt Nam được chia thành 2 miền Bắc và Nam, lấy vĩ tuyến 16 (đi qua Đà Nẵng) làm ranh giới. Phía Bắc do Trung hoa dân quốc (chính quyền do Tưởng Gới Thạch đứng đầu) quản lý với nhiêm vụ giải giáp quân Nhật, phía Nam do Anh quản lý và giải ráp quân Nhật. Tuy nhiên quân Anh đã để thực dân Pháp kéo quân vào Nam bộ để một lần nữa chiếm lại VN làm thuộc địa. Còn ở Miền Bắc, Chính phủ nước VNDCCH của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh đổi việc quân Tưởng rút lui bằng sự thay thế của quân Pháp, nhằm loại bớt kẻ thù. Tuy nhiên nước Pháp đã tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện tại VN và Đông Dương (vốn là thuộc địa cũ của Pháp trước 1945). Chiến thắng Điện Biên Phủ của Quân đội VNDCCH (7/5/1954), dẫn tới hội nghị Geneve được ký kết (20/7/1954), chấm dứt sự có mặt của Pháp tại Đông Dương, nhưng VN một lần nữa lại bị chia cắt làm 2 phần, lấy vĩ tuyến 17 (cụ thể là sông Bến Hải của tỉnh Quảng Trị) làm ranh giới.
Cầu Hiền Lương tại vĩ tuyến 17
Đến hôm nay, có hai quốc gia là Đức và VN đã thống nhất bằng những con đường khác nhau. Chỉ còn Triều Tiên là vẫn còn bị chia cắt và luôn căng thẳng về chính trị, quân sự, ngoại giao (mà hiện nay đang diẽn ra với việc Bắc Triều Tiên liên tục thử các loại tên lửa). VN và Đức, hạnh phúc hơn, đã được thống nhất vào năm 1975 (khi quân đội miền Bắc giải phóng Sài Gòn và toàn bộ miền Nam) và năm 1989 (khi bức tường Berlin sụp đổ).
Thế hệ chúng tôi được chứng kiến và hiểu được sự mất mát, khổ đau khi VN bị chia cắt. Vĩ tuyến 17 trở thành một nỗi đau vô tận trong rất nhiều người VN thời kỳ 1954-1975. Những cặp vợ chống bị chia ly (cán bộ của ta tập kết từ Nam ra ngoài Bắc), bố (ra Bắc tập kết) xa lìa con (ở lại miền Nam cùng mẹ), những cảnh ngày Bắc đêm Nam (ban ngày sống ở miền Bắc, ban đêm nhớ về miền Nam), những ca khúc nổi tiếng như “Câu hò bên bến Hiền Lương”, “Tình ca”, những bộ phim nổi tiếng như “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” đã ra đời trong thời kỳ đó, phản ánh nỗi đau to lớn khi đất nước bị chia cắt. Bằng một nỗ lực tuyệt với, với sự hy sinh của biết bao chiến sỹ, đồng bào, chúng ta đã thực hiện thành công chiến lược “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” của Bác Hồ và chấm dứt sự chia cắt đó và thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.
VN phải trải qua 2 cuộc chiến tranh đẫm máu trong 30 năm, với số người chết lên tới nhiều triệu người cho nhiều quốc gia tham dự (cho đến nay chưa có một con số thống kê chính thức nào được đưa ra) để thống nhất đất nước. Cái giá phải trả cho sự thống nhất là rất đắt. Di chứng của sự chia cắt vẫn còn đến hôm nay, như vẫn chưa có một sự hòa hợp dân tộc triệt để được thực hiện. Nhưng dù sao VN cũng đã được sống trong cảnh thống nhất, núi sông liền một dải, và nếu so sánh với việc Triều Tiên vẫn còn bị chia cắt, chúng ta cần trân trọng đánh giá việc VN không còn bị chia cắt từ 1975.
Nước Đức thống nhất bằng một cách khác so với VN. Tuy không có chiến tranh nhưng cũng có nhiều người chết. Bi kịch chia cắt cũng rất nhiều đau khổ, thương tâm, mất nhân văn.
Bức tường Berlin, phần đi qua cổng Brandenburg nổi tiếng
Biên giới Đông Đức và Tây Đức trải dọc theo nước Đức bằng đường dây thép gai. Riêng Tây Berlin là một phần lãnh thổ của Tây Đức nhưng lại nằm lọt trong lãnh thổ của Đông Đức, được nối với Tây Đức bằng 1 con đường duy nhất và được kiểm soát gắt gao. Đường ranh giới giữa Tây Berlin và Đông Berlin phức tạp hơn. Lúc đầu chỉ là những trạm gác giữa những con phố. Sau đó dòng người bỏ Đông Đức sang Tây Đức là rất lớn nên vào tháng 8/1961, Đông Đức đã cho xây bức tường Berlin bằng beton và dây thép gai, chấm dứt việc người Đông Đức có thể trốn qua Tây Đức qua Tây Berlin. Đến ngày 9/11/1989, dưới áp lực của người dân Đông Đức, các trạm gác của bức tường đã được mở cửa thông cho 2 phần của Berlin. Bức tường Berlin sụp đổ. Sau này người Đức đã phá dỡ bức tường và chỉ để lại những phần làm tưởng niệm. Trong thời gian tồn tại của bức tưởng, có hơn 5000 người đã tìm cách vượt tường và hơn 1000 người đã bị bắn chết. Người Tây Đức đã gọi bức tường là “Bức tưởng ô nhục”.
Nhân dân Đông Đức hân hoan khi bức tường Berlin bị sụp đổ, 11/1989
Năm 2015 tôi cũng gia đình đã đến Berlin và thăm quan những di tích còn giữ lại của bức tường Berlin, đã cảm nhận được sự vô lý, mất nhân văn của bức tường tồn tại giữa một thành phố to đẹp của Châu Âu, của nhân loại. Rất may lịch sử nước Đức đã khép lại sự chia cắt, trong đó đã phá dỡ bức tường Berlin, biểu tượng rõ nhất của thời ký chiến tranh Lạnh.
Do vậy mà trong dịp thăm Hàn Quốc tháng 3/2017 để tôn vinh 100 cá nhân XS của FPT, vợ chồng tôi đã dành thời gian 1 ngày để thăm DMZ, khu phi quân sự giữa Bắc và Nam Triều Tiên, cách thủ đô Seoul chừng 50 km. Khi đó tôi nhớ lại vĩ tuyến 17 của VN với con sông Bến Hải, nhớ lại bức tường Berlin, và nhận ra rằng sự chia cắt của đất nước Triều Tiên không biết đến bao giờ mới chấm dứt. Sự khát khao thống nhất được thể hiện rõ ở phía Nam giới tuyến, nhưng vẫn còn đó những ụ súng, những bức tường, những hàng rào giây thép gai. Tôi xin được chia sẻ cũng các bạn một số ảnh này.
Binh lính Hàn Quốc tuần tra tại DMZ
Phía Bắc Triều tiên đã đào nhiều đường hầm từ phía Bắc, vượt qua DMZ và nhắm vào Seoul. Đường hầm số 3:
Phát hiện: 6/1978; Dài 1,635m, trong đó 435m bên phía Nam. Sâu 73m, rộng 2,1m, cao 1,95m.
Bắc Triều Tiên lúc đầu chối, nói là do khai thác than
Nay là điểm du lịch hấp dẫn. Ngày 17/3/2017 Ngoại trưởng Mỹ thăm DMZ, trước đó TT Obama cũng đa thăm DMZ
Trước khi xuống thăm quan đường hầm số 3
Điểm cuối cùng của đường hầm số 3 đi thăm quan, cách đường ranh giới khoảng hơn 200m
Cầu "Hy vọng", mới được xây dựng lại trong DMZ (bên cạnh các mố cầu cũ)
với hy vọng sẽ được sử dụng cho đường xe lửa liên Triều
Ga xe lửa nằm trong DMZ, được xây sau thỏa thuận thông tàu giữa 2 miền vào năm 2000.
Tuy nhiên miến Bắc đã không tiến hành bất cứ việc xây dựng nào
Hôm nay vẫn còn đó đất nước Triều Tiên bị chia cắt, vẫn còn đó những cuộc chiến tranh tại Syrie, tại Iraq, vẫn còn đó khủng bố ở khắp nơi nơi. Và dù KHKT đã tiến bộ rất nhiều, thế giới đã được kết nối Internet, nhưng vẫn còn đó sự phân chia tôn giáo, phân chia ý thức hệ, còn đó DMZ, dù rằng sự tồn tại của nó thực sự vô nghĩa trong thế kỷ 21 này.
Người post: NgocBQ
Ngày đăng: 04-06-2017 23:11
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 21 - 30 của tổng số 44 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |