KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 29 Tháng sáu. 2017

Rượu Tây Rượu Ta




Tác giả: LuongDT

Rượu Tây Rượu Ta

Đặng Thanh Lương

 

Cơn mưa chiều đã làm cho bầu không khí của Hà Nội dịu hẳn đi so với mấy ngày trước. Hà Nội như một chảo lửa. Vào những ngày đó, ngoài trời, nhiệt độ có lúc lên tới 45o-46o, mặt đường nắng trắng xoá, hơi nóng phả vào người như đứng trước một lò than, không khí đặc quánh khó thở, mồ hôi vã ra như tắm. Sau cơn mưa, Hà Nội trở nên mát dịu lạ thường, những làn gió thổi qua ban công đem đến cho căn phòng những mùi thơm quyến rũ của hoa và lá, không khí trong lành. Đôi khi  có những đợt gió mạnh làm cho ta có cảm giác se se lạnh. Đang ngồi đọc bỗng nhìn thấy bình rượu và tôi muốn nhâm nhi một ly.

Tuy không phải là chuyên gia về rượu, nhưng tôi tin rằng những câu chuyện về rượu không ở đâu phong phú như ở xứ mình. Chỉ cần nhắc đến tên gọi các loại rượu là đủ thấy cái sự đa dạng của nó. Ví như Rượu “Quốc doanh” và rượu “Cuốc lủi’ [1]là những cái tên phản ánh cả một thời bao cấp khó khăn, thiếu thốn; Rượu làng Vân (xứ Bắc Hà), Rượu nếp cái hoa vàng (Thái Bình, Hải phòng, Bắc Giang), Rượu Bầu đá (Bình định), Rượu Kim Sơn (Ninh Bình), Rượu Phú Lễ (Bến Tre), Rượu Đế Gò Đen (Long An)… là những đặc sản mà tên tuổi của chúng đã gắn liền với miền quê nơi sinh ra chúng. Có những cái tên chỉ cần nhắc đến là biết ngay người uống muốn gì như Rượu Minh Mạng, Rượu Ba kích, Rượu Amakong… với những loại rượu này dân dã thường cho nó một cái tên rất đáng yêu đó là Rượu “ông uống bà khen hay” hoặc  Rượu “ông uống bà sướng” hoặc Rượu “một người uống hai người vui”. 

Có lẽ người Việt rất tinh tế trong chế tác và hưởng thụ loại nước uống đặc biệt này. Họ có sự cảm thụ về rượu rất độc đáo. Người Việt đã khéo tận dụng tất cả các giác quan để thưởng thức món đồ uống của trời đất này: bằng vị giác ta nếm được cái vị cay cay nồng nồng của rượu; bằng khứu giác ta ngửi được cái mùi thơm hương đồng gió nội của rượu; bằng thị giác ta có thể ngắm được cái sắc mầu thiên nhiên trong rượu; bằng thính giác ta có thể nghe và cảm được tiếng rượu gieo vào lòng bát[2], cũng như những vần thơ, những câu chuyện phiếm vô tận về rượu và cuối cùng là cảm nhận toàn thân về rượu khi loại nước ma mị này lan toả và tan biến trong ta. Có lần chúng tôi tiếp đoàn khách nước ngoài khi mời họ dùng rượu Ba kích với hương vị của thảo dược, với mầu tím ánh lên từ ly rượu và khi được giải thích về tác dụng của loại rượu nổi tiếng này của tỉnh Quảng Ninh, rồi nhất là khi họ biết được ý nghĩa về cái tên dân dã “một người uống hai người vui” là cả bọn đều sung sướng lăn ra cười như nắc nẻ. Rượu giúp ta quên đi ranh giới, rượu giúp ta xích lại gần nhau hơn. Một minh chứng lịch sử cho sự kiện này là câu truyện về  Chai rượu “Cuốc lủi nút lá chuối”. Nó đã giúp cho cuộc gặp mặt giữa hai nhà lãnh đạo của hai bên chiến tuyến gặp nhau thân thiện hơn và để rồi họ cùng nhau chia đôi giải thưởng Nobel vì hoà bình. Rượu “Cuốc lủi nút lá chuối” trong bữa tiệc hôm đó là một đặc sản thuần Việt, được nấu ra từ loại nếp cái hoa vàng trồng trên quê hương Thái Bình và được người dân hạ thổ để hấp thu toàn bộ cái tinh tuý của đất trời. Rượu nếp cái hoa vàng toả ra hương thơm từ những cánh đồng lúa mới chín vàng được tích tụ từ ngàn đời; có cái vị ngọt êm được lấy từ lòng đất mẹ và có độ tinh khiết của nguồn nước cha ông. Đặc biệt hơn là có mùi thơm của lá chuối khô được toả ra từ cái nút chai bình dị. Không cầu kỳ, không bóng bảy như những cái nút chai công nghiệp, nút lá chuối khô đã làm nên sự khác biệt giữa chai rượu ta và chai rượu tây. Ngài Cố vấn Hen-ri Kít-xinh-giơ trong bữa tiệc tại Hà Nội năm 1973 đã khen hết lời về rượu nếp cái hoa vàng nút lá chuối khô mà ông Lê Đức Thọ đã mời ngài cố vấn hôm đó. Ông ta nói đã thưởng thức rất nhiều loại rượu quý của các nước Tây, Tầu. Nhưng chưa thứ rượu nào lại ngọt êm và thơm như "quốc lủi" Việt Nam. Năm 2015 tôi có dịp làm việc với đoàn chuyên gia về an ninh hạt nhân của Hoa Kỳ. Trong bữa tiệc, sau khi uống vài tuần bia và rượu vang Pháp, cảm thấy bầu không khí vẫn hơi chìm lắng, tôi nói với Thiếu tướng chủ bữa tiệc hôm đó “giá có chút rượu Việt thì hay biết mấy”. Thế là Thiếu tướng sai cần vụ đi mua rượu. Sau khoảng 15 phút một kiện rượu nếp cái hoa vàng được mang tới. Tôi đã từng được uống nhiều loại rượu nếp cái hoa vàng nhưng có lẽ chưa bao giờ thấy ngon như lần đó. Chỉ tiếc là để an toàn vận chuyển nên hôm đó các bạn Mỹ không được thưởng thức cái mùi quê Việt toả ra từ cái nút lá chuối khô. Cũng từ khi có rượu “lủi” mà bàn tiệc trở nên sôi động hơn, thân thiện và cởi mở hơn.

 

Có rượu vui thì cũng có rượu buồn. Trong hồi ký của một nhà văn, ông tâm sự: một trong những điều đáng sợ là phải đón bố đẻ, bố vợ hoặc các bạn văn vào ngày cuối tháng. Gặp những người này tất nhiên không thể thiếu rượu. Cuối tháng không đủ tiền ăn thì còn lấy đâu ra tiền mua rượu. Hồi đó ngoài chút lương viên chức và thỉnh thoảng có thêm ít tiền nhận bút [3] thì mọi người chẳng còn biết làm gì, cũng chẳng có gì để bán ngoài trừ máu mình. Mà bán có được tự do đâu. Ai muốn bán loại hàng hoá đặc biệt này phải đăng ký và được cấp một cuốn sổ để ghi lịch bán. Nhiều nhà văn hồi đó cũng làm sổ bán máu để đề phòng lúc gặp khó khăn. Mà không hiểu sao khó khăn lại đến liên tục đến như vậy? nên cuốn sổ đó cũng được sử dụng hết công suất. Một lần do vợ ốm đột suất nên Nhà văn đã phải dùng sổ ngay từ đầu tháng. Rồi một ngày đẹp trời cuối tháng, ông bố vợ từ quê lên chơi. Nhà văn quýnh hết cả lên không biết lấy đâu ra tiền để mua rượu thết bố. Bỗng nhớ đến “tấm bùa hộ mệnh” Nhà văn lao vào mở tủ, lấy cuốn sổ rồi nhảy lên xe, đạp thẳng đến bệnh viện. Giữa đường, sực nhớ ra mình vừa bán đầu tháng, Nhà văn quay xe, đạp đến nhà một bạn văn khác mượn cuốn sổ. Lần đó, may mà ông bạn chưa dùng đến nên Nhà văn có dịp bán máu phá rào trong tháng để mua rượu. Nghe câu chuyện này mà thấy sót xa cho một thời.

    Rượu uống cũng có nhiều cách. Người Tây thì chú trọng tới hình thức. Những chiếc ly uống rượu luôn được chuẩn bị một cách kỹ càng, sạch bóng không một vết nhơ. Rượu mạnh của Tây phần lớn là mầu trắng và màu cánh gián, còn rượu mầu phần lớn là rượu mùi để pha cốctay. Sự cầu kỳ và đa đạng trong cách pha chế cốctay cũng làm nên những thương hiệu riêng của từng nhà hàng. Rượu tây mang về Việt Nam mà uống với thịt chó hoặc lòng lợn tiết canh thì phí rượu. Hình như người Việt mình dùng rượu tây chưa đúng cách?

 

Người Việt uống rượu không quá cầu kỳ nhưng rất tinh tế, họ quan tâm nhiều đến chất rượu đựng trong bình hơn là cái vỏ bình. Cách uống rượu của họ cũng rất lạ. Hầu hết các tỉnh phía Bắc uống xong thì phải bắt tay[4], Miền Nam uống thì phải “zô” ầm ĩ,  Bắc hà trước đây uống theo kiểu nhâm nhi bây giờ cũng sôi động chẳng kém người Nam.

Uống rượu đông người cũng vui mà một mình cũng thích. Có loại rượu non được uống ngay từ lúc mới lên men, có loại lại phải hạ thổ vài ba tháng đến cả chục năm mới được đem lên uống.

Uống rượu thường uống riêng mỗi người một chén nhưng cũng có nơi tất cả mọi người uống chung một bát lớn và được chuyền tay nhau từ người này sang người khác; nhưng cũng có nơi lại có kiểu uống tập thể, tất cả mọi người dùng những chiếc cần cong vút để hút rượu chung từ một chum lớn. Thế mới biết uống rượu cũng đã trở thành những nét văn hoá riêng của mỗi dân tộc, của mỗi làng quê.                

    Hậu uống rượu cũng có nhiều điều lý thú không kém. Ngày còn bé mỗi lần về quê thăm ông bà, được ngồi chung với bố và ông nhâm nhi mấy hạt lạc và cũng được cầm chén rượu không tửu nâng lên chúc sức khoẻ ông ba thấy cũng vui vui. Và càng thấy “vui” hơn khi trên đường về nhà, bố và con thường hay “hôn” đất bờ đê. Tôi có ông chú, sau khi về quê thăm ông xong, hai bố con đèo nhau từ quê ra Hà Nội, dọc đường chờ tránh tầu. Lúc tầu đi qua, cậu con trai vụt xe đi để ông bố ở lại. Đi cả cây số mới nhận ra mình đánh rơi bố ở đâu không biết!!?

Rượu Việt thường được nấu theo kiểu dân dã nên mang nhiều đặc tính vùng miền, rất đa dạng và rất phong phú nhưng thiếu tính ổn định. Rượu tây ổn định hơn, mẫu mã đẹp hơn nên dễ chiếm lĩnh thị trường. Nếu biết cách dung hoà giữa hai phong cách uống rượu và chế biến giữa tây và ta thì ẩm thực và đồ uống của Việt Nam mình không chỉ toả sáng trong nước mà còn được các bạn năm châu hào hứng đón chào. Để làm được điều này yếu tố khoa học và công nghệ phải được quan tâm một cách đúng đắn.

Thế đấy ngồi uống rượu nghĩ về rượu có vài lời chép ra xin cùng chia sẻ với mọi người.

Hà Nội, Hè 2017


[1] Chỉ riêng cái tên “Cuốc lủi” đã là cả một giai thoại rồi. “Cuốc” là con cuốc và còn là từ nói lái của “Quốc” là nhà nước, là quốc gia. Rượu quốc doanh là rượu do nhà nước độc quyền sản xuất và kinh doanh. Lủi là là sự đi lại không rõ ràng. Rượu quốc lủi là rượu lậu.

[2]  http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nguoi-nghe-ruou-cuoi-cung-n20110517091042784.htm

[3] Có người lại còn bị tước luôn cả cái quyền ấy.

[4] Lúc đầu tôi cũng không quen. Uống xong bữa rượu mỏi hết cả tay. Thậm chí có hôm bị tai nạn nếu gặp phải chủ nhà hiếu khách bắt tay quá mạnh.Hi

 


Người post: LuongDT

Ngày đăng: 29-06-2017 12:12






Xem 51 - 60 của tổng số 64 Comments



Từ: LuongDT
03/07/2017 01:33:53

Cảm ơn mọi người đã cùng TL chia sẻ về chủ đề “rượu”. Không ngờ anh HiềnVC lại cho mọi người biết thêm Ngoài Rượu ca còn có Hịch tửu không biết có Trường ca tửu/rượ không?


Cảm ơn MM đã nói tới cảm nhận nghe tiếng rượu gieo trong lòng bát. Thực ra khi viết đến đoạn này, TL cũng hơn băn khoăn vì nghe tiếng nước chảy thì có gì là đặc biệt? thế nhưng một điều kỳ diệu đã xảy ra ở ở Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang, nơi đó có một nghệ nhân  nấu rượu, một Mỹ tửu làng Vân- Cụ bà tên Tom, Cụ có khả năng đặc biệt nghe tiếng lòng của rượu. Rượu  cho rót chảy vào bát, gây bọt tăm, tiếng rượu chảy nghe mỗi lúc một khác, biết rượu còn nặng hay đã nhạt để còn ngừng mẻ nấu. “Vâng nghe tiếng rượu gieo vào lòng bát, cụ biết rượu ấy bao nhiêu độ. Không cần nếm thử như mọi nhà sản xuất rượu, bà cụ vẫn biết độ ngon của nó... Chuyện chỉ có ở làng ấy”.  Nếu cụ còn sống thì năm nay cụ Tom đã 101 tuổi.


Hi. Thế mà nhiều người lại chê những người dính lứu đến tửu. Chỉ thấy MM và HanhLT đã “biết nấu rượu” từ bé đều là những người tài ba của KGU rồi.



 



Từ: Guest Phạm thi Thơ
02/07/2017 17:58:32

Anh Khánh. "Nếu có thể được năm nay anh Khánh quay một chút được không ạ". Câu này xem như em chưa nói anh Khánh nhé. Vì không tiện, làm mọi người mất tự nhiên. Với lại tốn thời gian của anh, anh sẽ không tham gia được 100%.


Anh Lương. Có một chi tiết thú vị làm em nhớ mãi: Cụ Nguyễn Tuân, có tên thân mật là Cụ Nguyễn. "... Vào một buổi sáng (mùa đông?), tôi gặp cụ Nguyễn trước Tòa báo Văn nghệ, tay cầm can đã lên nước bước đi thủng thẳng...". Chi tiết "tay cầm can đã lên nước bước đi thủng thẳng", em cứ ấn tượng mãi với câu nói này của cô phóng viên báo Văn nghệ.


 



Từ: HienVC
01/07/2017 22:35:04

 


@HanhLT: Không phải BS mà cứ nói như trạng về tác hại của rượu. Đọc mấy câu thơ sau nhé:


Nam quốc sơn hà Tửu hội  


Hiến pháp rành rành  rõ thực hư


Phen này tu hết bia cùng rượu


Gan vẫn lành yên thận chẳng hư 


Nguồn : http://www.studentkgu.vn/forum/posts/id_39/


 



Từ: Guest HanhLT
01/07/2017 21:23:53

Rượu cay nồng nóng cổ, uống vào sau đó nó tác dụng lên thần kinh thế nào thì cái loại khg biết uống như mình chả thể biết đc,chỉ có điều uống nhiều rượu hại gan vô cùng nên các pác có họp chi bộ thì chớ ép nhau và đặc biệt phải uống rượu có nguồn gốc rõ ràng.Thời sơ tán mình cũng đã từng trông nồi rượu lậu cho ông cậu,toàn nấu đêm thôi,đúng là ma lực....đói kém khó khăn nhưng các ông vẫn cố kiếm dăm cân nếp con( nếp quýt) để nấu rượu,thơm lừng...



Từ: Meomun
01/07/2017 21:22:44



Như nhiều người KGU khác, tác giả tuy là người Việt 100% nhưng lại chịu ảnh hưởng không ít của văn hóa phương Tây, trong cách tư duy và cả trong cuộc sống thường ngày. Có lẽ đó là kết quả của những năm tháng du học nước ngoài và do đặc trưng của công việc, thường xuyên tiếp xúc với các đồng nghiệp nước ngoài và những chuyến đi công tác xa (có lẽ đến khi về hưu anh đã có không ít hơn 5 cuốn hộ chiếu). Vì thế, các bài viết của anh trên KGU vừa thấm đẫm cái “ta” và điểm xuyết cả cái “Tây” nữa. Nào là Helsinki những ngày nắng ấm run rẩy nỗi buồn của hồi ức và thấp thoáng niềm hi vọng,  rồi “Cánh buồm đỏ thắm” gợi nhớ đến tác phẩm “Алые паруса” của Aleksandr Grin, đến “mùi Tây, mùi Ta” và nay lại có “Rượu Tây  rượu Ta”, mới nghe đã thấm, đã say.



Trong bài, anh có nói đến tiếng rượu gieo vào lòng bát, một chi tiết rất tinh tế. MM nhớ lần đầu tiên về quê nội, được ngồi cạnh bếp nấu bằng rơm nếp, xem người nhà nấu rượu. Cái bếp có hình thuôn dài, được đắp bằng đất sét và cuối bếp có một cái ống nhựa dẫn những giọt rượu thơm nức vào một cái bình bằng gốm. Lúc ấy MM cũng xốn xang khi nghe tiếng những giọt rượu chảy vào bình thánh thót, trong veo, là kết tinh của hạt nếp dẻo thơm của đất trời sau những ngày được nâng niu, ấp ủ cùng với những cục men thơm thơm, nồng nồng...



MM không uống được rượu nên không biết nó ngon như thế nào. Vì thế, khi được chầu rìa thì MM chỉ giỏi phá mồi thôi. Mồi có khi là chú mực khô, còn phảng phất mùi biển mặn mòi, hay là một món ăn nào đó, thậm chí là mấy quả cóc xanh, lai rai cả ngày mà không hết...  




Từ: Guest Phạm thi Thơ
01/07/2017 12:14:33

Em có được xem mấy Video Họp chi bộ, em rất thích, cảm thấy rất thú vị. Nếu có thể được năm nay anh Khánh quay một chút được không ạ, để người không thể tham gia Họp cũng được cảm nhận, và như được dự Họp.


Có vài lỗi nhỏ xin phép được sửa: com số 4, từ "rủ" thứ 2 dấu "hỏi" mới đúng; "gọi thịt chó nhưng thức uống thì lại gọi bia" thì đúng hơn; ở com số 8, từ "đặt" mới đúng. Thành thật xin lỗi.



Từ: Guest Phạm thi Thơ
01/07/2017 09:36:20

Anh Hiền. Em nghĩ với đề tài này thì chí ít cũng được trên 80% quý ông của KGU lên tiếng chứ "Nhẩy"? Nghe nói tới khái niệm "họp chi bộ", sau này mới biết, rất thú vị. Hẹn Tháng 8 KGU 73 Họp mặt, nhân kỷ niệm 50 năm gặp nhau ở Kishinhop, vậy mà đã có đồng chí đặc hàng thứ thức uống không thể thiếu của cuộc Họp này rồi, thế mới biết các quý ông rất coi trọng, vậy mà chỉ mới 3 quý ông lên tiếng thì quá ít anh Hiền "Nhẩy"?



Từ: HienVC
30/06/2017 23:03:18

Trong chuyện nhậu, có thể liệt kê sự khác biệt của miền Bắc và miền Nam như sau: 
- Thời gian : Miền Bắc cấp tập, 100% là chủ yếu, cùng lắm 2-3 giờ là kết thúc; miền Nam lai rai, có thể từ sáng đến đêm luôn.
- Rượu cuốc lủi miền Bắc nặng hơn rượu đế ở miền Nam.
- Mồi nhậu miền Nam phong phú hơn miền Bắc.
- Không khí nhậu miền Nam sôi nổi, ồn ào hơn miền Bắc.
Thích uống ở đâu và uống cái gì là tùy sở thích của mỗi người nhưng mình thì vui đâu họp "chi bộ" đấy thôi !


 



Từ: LuongDT
30/06/2017 22:28:07

 


 



Trước hết xin lỗi mọi người vì nhận định rượu tây uống với thịt chó thì phí rượu. chắc phải chỉnh đi một chút thì mới đúng. Có lẽ sửa như sau "rượu tây uống với thịt chó thì phí rượu trừ vodka nga". Quốc lủi cỉa ta còn có tên là vodka Việt Nam đấy.


Lần đầu tiên được nghe Tuý ca. Hay nhỉ không biết có trà ca hay cà phê ca không nhỉ? Cảm ơn anh Khánh.


 @ Guest Phạm Thị Thơ, xem ra con đường tới RTC cũng nhiều trắc trở nhỉ? nhưng đã là cái "thú" thì kiểu gì cũng cố như người nghiền thuốc lào nhỉ. Thanks.



 


 


 


 


 



Từ: KhanhT
30/06/2017 22:00:12









Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s