DẤU XƯA...
Tác giả: meomun
“Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương" (Bà Huyện Thanh Quan)
Tuy phần diện tích thuộc châu Âu nhỏ hơn phần châu Á, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ được coi như một quốc gia châu Âu, Liên đoàn bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) và người Thổ đang mơ về ngày họ trở thành công dân Liên Minh Châu Âu (EU). Người ta vẫn cho rằng con lai thường xinh đẹp, vì được kết hợp bởi những nét đẹp, gen trội của cha và mẹ (nói đến “gen” thì chắc phải check với nhà bác học HaiNV) . Thổ Nhĩ Kỳ và Istanbul cũng thế, một đất nước, một thủ đô có hai phần Á và Âu ấy là sự giao thoa tuyệt vời giữa vẻ đẹp kì bí, quyến rũ của châu Á và sự tươi mới, phóng khoáng, mạnh mẽ của Châu Âu, một lần đến mà nhớ mãi. Trong phạm vi hạn hẹp của một bài viết, đây không phải là một nhật ký chuyến đi, cũng không phải là những con số, những thông tin có thể lấy được dễ dàng từ bác “Gú Gồ”. Đơn giản, chỉ là những cảm nhận cá nhân mà người viết muốn chia sẻ.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, có những con đường mà ở đâu cũng dễ nhận ra, bởi những miếng đá hoa cương được lát từ một điểm và sau đó tỏa theo hình tia nắng mặt trời. Không biết người xưa đã tìm được cách lát đá này tự bao giờ để đến hôm nay sau nhiều thế kỷ, những đoạn đường ấy vẫn còn gần như nguyên vẹn, đá vẫn bám chắc đường mà không bị tróc.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, dường như mỗi địa điểm du khách đặt chân tới đều gắn liền với những huyền thoại, những trường ca như “Iliad và Odise” với con ngựa thành Troy, đã không còn là của riêng đất nước Thổ Nhĩ Kỳ mà còn là báu vật của cả khu vực Trung Cận Đông và của loài người. Vùng đất màu mỡ ấy là châu thổ hai con sông Tigris – Euphrates, là nơi sản sinh ra nền văn minh Lưỡng Hà và nhiều địa danh khác đã trở thành những di sản vĩ đại của lịch sử loài người. Có thể lắm, mỗi bước đường ta đi còn nghe đâu đó tiếng vó ngựa rầm rập của đoàn quân Thập Tự Chinh (Crusaders), những kẻ gieo rắc bao đau thương mất mát cho những người theo đạo Hồi trong suốt hai thế kỷ từ 11 đến 13 (1096-1291) sau CN. Rồi tiếng lóc cóc đều đều, chăm chỉ và cam chịu của những chú ngựa, chú lạc đà, lưng chai sần vì núi hàng hóa trên lưng lại cộng thêm ông lái buôn hay một “transporter”, mắt nhắm nghiền mệt mỏi sau những chuyến đi dài, người lắc lư theo nhịp đi của ngựa, của lạc đà. Trên con đường tơ lụa từ Á sang Âu đầy gian nan và nguy hiểm ấy, cứ cách nhau chừng 40-50 km sẽ có 1 Kervan saray (trạm dừng). Tại đó, cả chủ (các lái buôn và thường là “tài xế” được thuê để chở hàng) và súc vật sẽ được tiếp thức ăn, được nghỉ ngơi trong những hốc đá còn sót đến ngày nay. Những hốc đá ấy vừa mát mẻ, lại vừa an toàn để tránh lũ cướp. Năm tháng trôi qua, lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực có bao nhiêu thay đổi, lúc thịnh lúc suy của những đế chế hùng mạnh như La Mã, Byzantine, Latin và gần nhất là đế chế Ottoman với những cuộc xâm lăng bành trướng lãnh thổ, những cuộc chinh phạt, những cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu kéo dài hàng thế kỷ. Nhưng vẫn còn đó những di tích của quá khứ, của những đền đài, cung điện. Còn đó, những cột đá cao ngất với những đường nét tinh xảo, là chứng nhân của những biến cố lịch sử, là bằng chứng của sức lực, trí tuệ siêu việt của con người từ thời cổ đại.
Đền thờ nữ thần Artemis, nữ thần săn bắn và là con gái thần Zeus, tọa lạc ở thành phố cổ Ephesus là một trong 7 kì quan thế giới cổ đại. Sau khi bị kẻ háo danh và liều lĩnh là Herostratus đốt, đền thờ này đã được xây dựng lại to lớn hơn, kiên cố hơn. Nhưng rồi trải qua bao mưa nắng, những trận động đất, núi lửa và cả sự tắc trách của con người, đền thờ Artemis bây giờ chỉ còn một cột đá cẩm thạch chơ vơ giữa trời và loài người có thêm 1 thuật ngữ “kẻ đốt đền” cho những kẻ háo danh như Herostratus. Trên đỉnh cột, nếu nhìn kỹ tấm ảnh dưới đây được chụp tình cờ, bạn sẽ thấy một tổ “pelicant” (bồ nông ???) với những rơm cùng rạ tạo thành một ổ tròn. Một con bồ nông đứng trên cột cao, ưu tư nhìn xuống nhân gian. Một chú bồ nông con trong tổ đang thò đầu ra, có lẽ nó đang hóng thức ăn từ bồ nông mẹ. Chẳng biết đã có từ bao giờ, cái tổ bồ nông ấy ? Bao nhiêu thế hệ bồ nông đã được sinh ra và lớn lên từ cái cột duy nhất còn sót lại của ngôi đền –kỳ quan thế giới cổ đại ấy?
Với trập trùng núi đồi, những cảnh thiên nhiên hùng vĩ, những di tích miếu mạo, đền thờ, những khu bảo tồn quốc gia rộng lớn và độc đáo khiến Thổ Nhĩ Kỳ cuốn hút bước chân du khách. Có những ngôi làng cổ nằm trên núi, lại có những thành quách, thành phố ngầm, trong đó có cả nhà cửa, nhà thờ, có nơi cất giấu lương thực và cả …nơi ủ rượu của những người theo đạo Cơ Đốc trong khi chạy trốn khỏi sự truy đuổi của những người theo Hồi giáo ở thời Hồi giáo cực thịnh.
Có thể nói cả đất nước Thổ Nhĩ Kỳ như một viện bảo tàng với rất nhiều danh lam thắng cảnh, một khu bảo tồn khổng lồ với những di tích lịch sử quý giá, những cảnh thiên nhiên đẹp đến ngỡ ngàng, là niềm tự hào của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có lãnh thổ ở 2 hai châu lục Á và Âu. Những quả núi bị thời gian, bị mưa nắng bào mòn thành những đụn đất, đụn đá lô nhô, khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh những người phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ tần tảo và chịu đựng, ngàn đời giấu mình trong những áo choàng kín mít, đang xúm lại cùng nhau thì thầm to nhỏ…
Ảnh chụp thung lũng Bồ câu
(Tại Pigeon House, bạn sẽ thấy muôn vàn chim bồ câu túa ra từ những “căn hộ mini” của chúng, nhìn về phía tay trái ảnh)
Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia với số đông dân số theo đạo Hồi nhưng khá “thoáng” với phụ nữ. Tuy thế, ngoài đường vẫn có nhiều phụ nữ mặc áo choàng, đa số màu đen, nhiều kiểu với những tên gọi và đối tượng được sử dụng cũng …rắc rối. Có những người phụ nữ mặc áo choàng nhưng chỉ choàng khăn che tóc. Một số người chỉ để hở phần 2 mắt, mà mắt của con gái Trung Đông thì đẹp quá rồi, đôi mắt to với cái nhìn mênh mông thăm thẳm dưới cặp mi dài. Nhiều bà, nhiều cô tuy mặc áo choàng nhưng trên mắt là những gọng kính Gucci hay Chanel, tay bấm iphone nhoay nhoáy và còn selfie nữa. Kín đáo nhất là áo choàng kiểu Burka, có một miếng lưới dày che phần mắt để nguời sử dụng có thể nhìn qua miếng lưới này.
Chẳng biết tự bao giờ, từ ngàn xưa, phụ nữ xứ sở này đã mặc những áo choàng và rồi đến lượt con cháu họ, lại tiếp tục thu mình trong những chiếc áo đó. Mỗi người phụ nữ vẫn là một thế giới bí ẩn bên trong tấm áo choàng ấy, bất kể những biến động thời gian, không gian.
https://www.youtube.com/watch?v=l0qHZP3hPmA
(Ảnh MM chụp ở TNK, bên cạnh cô gái Hồi giáo mặc áo choàng đen là một người mang túi xách LV)
Và đây nữa, tại thành phố Ephesus xinh đẹp hàng ngàn năm trước có một “Arena” rộng lớn hình tròn, được xây dựng bằng những tảng đá cao có sức chứa cả vạn người. Nơi đây đã từng diễn ra các trận đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và cả đấu giá nô lệ của giới thượng lưu hồi ấy. Nhưng rồi vật đổi sao dời, thành phố Ephesous không còn nữa, kéo theo số phận của Arena cũng như thế, chỉ còn những khán đài đổ nát. Thế mà giữa không gian u tịch ấy bỗng cất lên một giọng nữ cao vút, ngọt ngào và trong trẻo, như một suối nước thần tiên giữa trưa hè nắng gắt. Từ trên khán đài cao nhìn xuống, phải nhìn kỹ mới thấy rõ một cô gái đang đứng giữa sân Arena. Có lẽ là một cô gái Hàn Quốc với mái tóc dài đen nhánh. Nhỏ nhắn, xinh đẹp và đầy tự tin, cô trình bày một tác phẩm opera bằng tiếng Hàn, với chỉ hơn một chục “khán giả” là khách du lịch may mắn được thưởng thức giọng hát hoàn toàn “vo”nhưng rất vang của cô. Người xưa đã có bí quyết khi thiết kế và xây dựng những sân khấu ngoài trời thật đặc biệt nên âm thanh- tiếng hát đạt đến độ vang tối ưu mà chẳng cần những micro và thiết bị khuếch đại âm thanh như ngày nay, để giọng hát thiếu nữ Hàn Quốc thế kỷ 21 trong Arena hôm nay âm vang bay cao, bay xa. Em hát về tình yêu, hay về tuổi trẻ mà tiếng hát em vút cao giữa Arena cổ kính và đổ nát, bay đi khắp không gian, xóa nhòa mọi ranh giới do chính con người tạo ra. Dường như trong giọng hát của em có cả tiếng thời gian ngàn năm vọng về, tiếng gió luồn qua khe những tảng đá còn sót lại của những đền đài, thành quách, những cung điện tráng lệ với những ông hoàng bà chúa, kể về một nền văn minh đã mất. Cả tiếng rên siết của những nô lệ, của những dân thường, những phận người mà bằng sức lực, bằng máu và cả sinh mạng của mình từ hàng ngàn năm trước đã tạo nên những kiệt tác vô giá và vẫn tồn tại đến ngày nay, dù chỉ còn một cột đá...
(Istanbul- HCM July 2017)
Người post: VanNH
Ngày đăng: 27-07-2017 16:04
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 41 - 50 của tổng số 51 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |