KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 26 Tháng tám. 2017

Hазад в CCCP – Trở lại Liên Xô




Tác giả: Meomun

 Không hiểu sao tôi cứ lần lữa mãi với bài viết này, cứ được vài câu lại dừng. Rồi sáng nay có email của vợ chồng thầy giáo tiếng Nga từ Kishinev, chỉ vẻn vẹn một câu, nghẹn ngào: Дорогая Ван,  Сегодня  не стало  дорогого Валерия Николаевича.

 “не стало”, thế là hết, là không còn nữa, thầy giáo tiếng Nga của tôi và nhiều bạn khác,  đã không chờ được ngày đón học trò sang Moldova thăm thầy.

Многоуважаемый Валерий Николаевич! Xin gửi thầy lời chúc bình an nơi chín suối. Sẽ còn mãi hình ảnh thầy, với những ký ức đẹp, lòng biết ơn sâu nặng của các học trò đối với thầy. 

 

_________________

Tuần trước, nghe nói Sài gòn có quán ăn Nga mới mở, gia đình tôi ghé ăn tối. Thức ăn thì bình thường, nhưng không phải là vấn đề. Bởi khách ăn là những người hoài cổ, đến quán là để nhớ lại một thời thanh xuân, được nghe tiếng Nga và ăn những món ăn thuở ấy, kể cả những món mới chỉ nghe tên đã “ám ảnhsinh viên như món kollettư. Rồi cách bài trí, những tấm tranh treo tường, những con búp bê gỗ (matriroska) xinh xinh và cả cái slogan “Hазад в CCCP” để nghe lòng mình mềm lại với những kniệm một thời trẻ dại.

 

“Hазад в CCCP”, hay là Trở lại Liên Xô”- làm sao có thể trở lại trọn vẹn, khi chẳng còn nữa – đất nước Liên xô vĩ đại với những con người đôn hậu. Tất cả đã là chuyện quá khứ. Putin cũng đã nói: -Ai không tiếc về sự tan vỡ của Liên Xô thì kẻ đó không có trái tim; ai muốn dựng lại nó ở dạng như cũ thì kẻ đó không có cái đầu.

Trở lại Liên Xô”, tôi chưa có dịp về lại nơi ấy sau gần 30 năm vì nhiều lý do, nhưng tôi e rằng sẽ không tìm lại được những cảm xúc mà tôi đã kỳ vọng, đã gìn giữ và nâng niu trong suốt bao nhiêu năm.  Tôi vẫn nợ nơi ấy, nơi chúng tôi đã gặp nhau và con trai chúng tôi đã ra đời vào một ngày cuối xuân...

Trở lại Liên Xô”-tôi nợ cái dốc đá với những cây táo, cây lê nở trắng hoa, rồi cả cái rặng cây hoa siren tím biếc trước cửa Ob. Những đêm ngủ dậy thấy tuyết trắng khung cửa sổ…

 

Khi chưa có một cuộc trở lại theo đúng nghĩa đen của nó, tôi thường đắm mình với những kí ức, tưởng mới đâu đây mà đã quá xa rồi. Thời gian, bãi bể nương dâu…

 

Tôi có một cái túi khá to, đựng đầy những tháng năm. Những bộ bưu thiếp chụp phong cảnh một số thành phố khác mà bạn bè gửi tặng, rồi một loạt thiếp chúc mừng, đủ kiểu – nào là chúc mừng năm mới, ngày 8/3, chúc sinh nhật, chúc mừng ngày cưới...Có  những cái thiếp mà tuổi đời hơn 40 năm, từ khi tôi theo bố mẹ chuyển vào Nam. Mỗi cái thiếp gắn liền với một câu chuyện, có đời sống riêng, nó nhắc ta về những tháng ngày đã qua với những ký ức không thể nào quên. Rồi nào là thư gia đình, bạn bè gửi cho nhau và cả những cánh thư cái thuở còn “cưa cẩm, giấy đã ngả màu. Mà sao ngày ấy ai cũng chăm viết thư thế nhỉ? Mỗi sáng đi học, chúng tôi ghé qua cái bàn ở tầng trệt, nơi để thư từ, đa số là của sinh viên Việt Nam. Ai có thư thì mặt mày rạng rỡ, ai không có thì ỉu xìu. Huyền và tôi hay xin tem của sinh viên nước ngoài khác, lưu giữ trong một cuốn sổ dày cộp, thế mà lúc về nước là không biết thất lạc ở đâu, tiếc hùi hụi.  Nhưng tôi quý nhất là những tấm ảnh, mà hầu hết là ảnh đen trắng. Với chúng tôi, năm dự bị là năm “ăn chơi”, chỉ chăm chụp ảnh và được chụp ảnh nhiều nhất. Những tấm ảnh đen trắng ấylà chứng nhân một thời tuổi trẻ, là “thành quả” từ cái máy chụp ảnh cổ lỗ sĩ hiệu gì đó của Liên Xô cũ. Ban ngày đi lang thang khắp nơi để chụp ảnh rồi buổi tối, cả lũ quây quanh cái khay rửa ảnh và được quây kín sáng bằng cái chăn len, nín thở chờ ảnh hiện lên. Sau đó là tiếng trầm trồ, tiếng cười và cả tiếng ai đó trách:  - Sao chụp em xấu thế !!!

 

 

 

Năm đầu tiên học dự bị, chúng tôi ở Ob 12. Tôi nhớ lại cái đêm mùa thu mà tôi, ông bạn Th, và 2 bạn nữa từ Thanh Xuân đi tàu hỏa từ Mat về Kishinev, được các anh chị Toán và Luật đón ở ga và đưa về Ob 12. Là “ma mới”, chúng tôi được các bạn cùng khoá đã đến Kishinev vài ngày trước đó đưa xuống podval gặp Komendant (quản lý) để nhận phòng và các thứ  đồ dùng cá nhân như đệm, chăn, vải trải giường, thảm treo tường… Tôi nhớ lúc đó, bạn Kim Dung vừa ôm đống đồ giúp tôi và dõng dạc hỏi Komendant:- Где Ключ? khiến tôi phục sát đất, bởi tuy đã học dự bị tiếng Nga 1 năm ở Việt Nam nhưng chúng tôi chẳng có cơ hội nói chuyện với “Tây”, nghe tiếng Nga mà cứ ù ù cạc cạc.

Komendant Ob 12 hồi ấy là một ông Tây to lớn, mặt đỏ như gà chọi, bà vợ cũng to lớn không kém. Xong tiết mục nhận đồ thì mỗi đứa được phát 5 Rub, gọi là tạm ứng học bổng, nghe nói những 60 rub! Ngày ấy cái bánh mì “baton” to như cái gối mây mà chỉ có 20 kopec, nên thấy 60 Rub to là phải rồi. Sau này tôi biết sinh viên Xoviet có một câu đố về học bổng, nghe hơi “phô” nhưng mà quá đúng, hihi.

 

(Đi kolkhot hái cà chua)

Năm dự bị, tôi và một số bạn được học thầy Валерий Николаевич, tức “ông Hói” như  học trò vẫn gọi sau lưng.  Như đa số các thầy cô Xô Viết, thầy rất tận tụy với học trò. Còn tôi thì thích học giờ của thầy và thầy cũng rất quý tôi, có lẽ vì tôi là đứa duy nhất trả lời được những câu  hỏi “ngoài lề” của thầy, kiểu như  câu: Có biết nguyên soái Tito là ai không. Viết đến những dòng này, tôi thấy mắt mình cay cay, bởi tôi mới vừa nhận thầy tin là  thầy không còn nữa.

Sau khi “tốt nghiệp” khóa dự bị tiếng Nga, chúng tôi chuyển sang Ob 10- Khoa Luật, chính thức thành “sinh viên”. Sau khóa các anh năm thứ 5,  bẵng đi 4 năm thì sứ quán mới tiếp tục gửi sinh viên là khóa chúng tôi. Là sinh viên mới, chúng tôi được các anh giúp đỡ khá tận tình.  Komendant Ob 10 là một phụ nữ trung niên, cả ngày không thấy bà ấy nói chuyện hay nở một nụ cười nào, mặt khó đăm đăm. Ở Ob 10 có nhiều bà  là вахтёр (trực), ngồi ở quầy kiểu như Tiếp Tân bây giờ, đôi lúc nhớ đến nhiệm vụ thì hỏi Thẻ sinh viên, còn không thì lại lắc lư ngủ gật. Các bà bảo: - Chúng mày giống nhau quá, mà toàn họ là “Nguyen” thế! Nói chung là sinh viên rất quý những bà вахтёр hiền lành. Thích nhất là mỗi khi đón bạn bè, người yêu ở các thành phố khác trốn visa đến thăm mà không bị Komendant phát hiện và báo cho công an địa phương “tóm” và lại còn bị nộp phạt và thông báo cho trường biết, rất rầy rà.

Hồi ở Kishnev, lần đầu tiên chúng tôi được trải nghiệm, biết thế nào là động đất. Buổi tối hôm đó, tôi, Huyền, Tú Anh và ai đó không nhớ, đang râm ran tán chuyện thì im bặt, ngơ ngác và sau đó là run như dẽ. Có ai đó ở ngoài hành lang hét lên và tất cả rầm rập chạy xuống sân. Qua lúc hoảng hồn, có gì mặc nấy nên lúc hoàn hồn ngắm lại nhau mà bật cười. Còn các chàng trai bên khoa Toán (Ov 16) đối diện Ov 12 thì còn “thảm” hơn. Có anh chàng chỉ kịp quấn mình trong tấm vải trải giường chạy xuống. Thấy yên yên, chúng tôi trở lại phòng  mình.  Tôi thấy bà bахтёр to béo, đầu tóc dính đầy bụi vôi vữa, mắt nhắm nghiền, miệng không ngớt kêu: “Бoже мой”.  Cậu sinh viên đang dìu bà cố gắng an ủi, dỗ dành nhưng bà vẫn run cầm cập và lại khóc nữa.

Ov 10 hồi ấy có một bà bахтёp mà sinh viên Việt nam rất quý, đó là Тётя Галя. Tiếng Nga là “Тётя”, nhưng quả thật không biết nên gọi là “cô” hay “bác” hay là “dì”. Vì thế chúng tôi vẫn gọi bà là Тётя Галя theo tiếng Nga. Bà có dáng người đậm như nhiều phụ nữ Xô Viết cỡ tầm tuổi ấy. Bà rất hiền, rất quý sinh viên, đặc biệt là sinh viên Việt Nam. Bà lúc nào cũng tươi vui, xởi lởi, chưa thấy bà cáu giận ai. Lúc nào cũng thấy bà mặc cái “khalat” màu xanh, luôn bận rộn với đủ việc. Тётя Галя chắc nghèo lắm nên bữa trưa của bà chỉ có mấy lát bánh mì, quả dưa chuột và miếng Kolbasa bé xíu. Sinh viên Việt Nam thương bà nên hay cho bà vỏ chai bia, chai sữa... để bà mang ra cái Magazin đầu dốc để bán hay đổi lấy thực phẩm. Hồi ấy nghe điện thoại đường dài là một sự xa xỉ, chúng tôi phải đi ra bưu điện trung tâm. Các cuộc gọi trong thành phố thì còn phụ thuộc vào tâm trạng các bà вахтёр. Nhưng hôm nào có Тётя Галя trực thì bà sẽ lên từng phòng, có khi tận lầu 4 và mời “đối tượng” xuống nghe điện thoại. Với các cô gái, bà còn giúp các cô “sàng lọc” là nên nói chuyện hay không. Thấy ai nhăn nhó, bà tủm tỉm bảo: “ - Thế có nghe không? Tao bảo nó là mày đi vắng nhé!

 

(Đại sứ đi hội Mùa thu vàng) 

Những năm sau, khi chúng tôi lên năm thứ 4 thì “chú Sứ” không còn cấm đoán chuyện kết hôn, chuyện có con bên đó. Vì thế, đã có nhiều đứa trẻ F1 của “dân KGU” ra đời trên đất Moldova.  Тётя Галя thương các ông bố, bà mẹ trẻ, chưa có kinh nghiệm nuôi con, lại xa gia đình nữa. Thế là bà đến tắm cho các cháu ngay từ ngày đầu tiên các cháu mới về nhà. Nở nụ cười hiền hậu, bà truyền lại chúng tôi, cách xử lý khi trẻ bị sốt, bị trớ….

Nhiều lần, tôi hỏi nữ Đại sứ xem có tin tức về Тётя Галя, tiếc là nữ Đại Sứ cũng không có tin tức gì về bà, nếu còn sống thì bà cũng nhiều tuổi rồi…

“Trở lại Liên Xô”, tôi còn nợ mảnh đất ấy đâu chỉ một chuyến đi, chuyến đi để mà trở lại…

HCMC 26/08/2017

PS: “Hазад в CCCP”, tôi định dịch là “Trở về Liên Xô” nhưng sau khi tham vấn chuyên gia về tiếng Nga là HienVC, tôi đã đổi lại là “Trở lại Liên Xô”, bởi Liên Xô đâu còn nữa mà “trở về”, thậm chí khi đã có một cuộc “trở về”, nhưng thực chất chỉ có thể là “trở lại” trong ký ức, trong hoài niệm…Cám ơn anh Hiền nhiều.  

 

 

 

 


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 26-08-2017 21:09






Xem 31 - 40 của tổng số 49 Comments



Từ: Guest Dương
01/09/2017 06:08:44




Người làm bạn với tất cả mọi người không phải là bạn của ai cả [Aristotle].


Một trang web cũng vậy, nó không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Cho nên có người đến, lại có người đi, đó là lẽ tự nhiên. Nhưng trang web đang thay đổi, có thể bạn cũng sẽ thay đổi quyết định của mình. Chúng ta đợi đến ngày mai…


 





Từ: Meomun
31/08/2017 20:30:38

 


@Guest Dương & Hoang: Cám ơn 2 bác đã đến chơi nhà ... Thôi thì có gì thì đọc nấy, cây nhà lá vườn thôi ạ.      


 @CucNT: La cà ở FB, thấy ảnh Cúc chụp với các bạn cùng khóa. Hồi ấy bọn em mới sang "bển", tên nào tên ấy trẻ măng, tóc dài...


À mà Cúc đừng gọi MM là "người giữ lửa KGU" nhé. Giữ không khéo lại cháy... cả đống củi tươi, sợ lắm,hihi. 




 



Từ: Guest Cucnt
31/08/2017 17:00:00

Bài viết nào của MM cũng kéo theo rất nhiều người hưởng ứng bởi bài viết đúng tâm trạng của nhiều người, rất hay, rất tình cảm. 


Trở lại CCCp có lẽ là ước muốn, khao khát của nhiều người. Rất may là năm  ngoái  Cucnt đã cùng hơn 70 anh chị em Kgu quay lại đó, nơi đấy ắp kỹ niệm của tuổi thanh xuân. 


Cảm ơn MM, người giữ lửa và thắp lửa cho Kgu sống động mãi. Hy vọng sẽ được đọc nhiều bài viết nữa của chị!



Từ: Guest Hoang
31/08/2017 12:29:25

Các bạn có những cây bút rất hay. Cám ơn các bạn, 



Từ: Guest Dương
31/08/2017 06:21:05




Một quán ăn Nga và cảm xúc ùa về làm rưng rưng bạn đọc. MM là một người bạn bền bỉ với những bài viết tâm huyết được chuẩn bị chu đáo. Tôi cũng muốn nói tới một người bạn khác, âm thầm, cần mẫn như một con đò chuyển tải những những món nợ tình cảm của chúng ta: trang web KGU. Ở đó chúng ta viết cho bạn bè, chúng ta viết cho chính chúng ta như một cách lưu lại ngày hôm nay của mình. Tôi nhận ra rằng mong muốn kết bạn với trang web KGU là công việc chớp nhoáng, nhưng tình bạn với nó là thứ quả chầm chậm chín, chín ép là thứ quả không ngon.




Từ: Meomun
30/08/2017 20:45:09

@các anh chị quý mến của MM: Cám ơn các anh chị đã chia sẻ với MM. Mấy hôm nay không có tâm trạng tốt nên cũng không muốn "còm", sợ làm người khác mất vui. Nếu anh chị nào theo dõi mục Blog thì chắc còn nhớ hồi ấy em có một bài và ảnh chụp thầy giáo của em ở Kis đang đánh vật với...laptop mà học sinh đã biếu thầy. Em rất vui vì thầy cô không còn "cô đơn", đã tiếp cận được với cuộc sống sôi động thời @. Ông bà chỉ có 1 cô con gái, lấy chồng và sinh sống tại Thụy Điển nên ngày nào cả nhà cũng "nói chuyện" với nhau qua internet. Mấy năm vừa qua, thầy cô rất chăm gửi email cho em. Một vài ngày mà em không kịp viết lại, hai ông bà già lại cuống quýt ko biết "nó" có chuyện gì không. Lâu rồi em cũng như nhiều người là hầu như không dùng email nữa, vì đã có smartphone. Thế là phải check mail thường xuyên để trả lời thầy cô kịp thời. Ông thì "low tech" nên việc viết thư là giao cho bà, ông chỉ ngồi cạnh để "gà bài". Mấy tháng trước có đoàn thầy cô và Olia sang VN, cô Nadia có kể chuyện là thầy đang bệnh. Thế mà nhanh quá...



Từ: Guest Phạm Thị Ngọc Hoa Hoá 72
30/08/2017 00:18:49

Sao mà ngưỡng mộ cái "bảo tàng di động" của MM thế! Em lưu giữ cả tuổi thơ trong chiếc Balô. Quá sâu sắc! Bây giờ em cho KGU nhìn lại thẻ KGU làm chị nhớ mình cũng từng có thẻ đó. Nó đâu rồi ta?! Mấy chục năm nay ko thấy nó! Quên nó luôn rồi. Bái phục em, MM! Cám ơn em đã đưa chị trở lại CCCP, trở lại bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ, một thời của những bức ảnh đen trắng mà nay nhìn lại hoài ko chán.



Từ: ChiNB
28/08/2017 22:10:07

MM ơi, trước tiên xin chia buồn với em và các bạn học trò của Thầy Валерий Николаевич vì sự ra đi của Thầy. Chị cũng đã trải qua những cảm giác hụt hẫng và buồn khó tả khi lần đầu tiên hỏi thăm được tin tức cô Ludmila Franxeevna qua cô Irina khi cô đến Việt Nam năm 2011: "Она умерла от болезни". Tối hôm đó sau buổi gặp gỡ, về nhà chị đã khóc, thật ân hận không gặp được cô sớm hơn ( hồi trước khó có điều kiện quay lại trường). Nhưng may mắn chị đã sang được Moldova theo đoàn về nguồn năm 2011 và đã đặt được nén hương lên mộ cô (và cả mộ cô giáo hướng dẫn Luận án của chị nữa), cầu mong các cô tha thứ cho sự trở về muộn mằn này. Không biết sao chứ lần trở lại ấy, cảm giác của chị về mảnh đất ấy và những con người ở đấy vẫn nguyên như thủa nào. Hãy trở lại đi MM, trở lại CCCP và trở về Moldova để tìm lại những cảm xúc, những kỷ niệm xưa, chúng thật tuyệt vời khó tả lắm, nhất là đối với chúng ta khi đã đi gần hết chặng đường của mình rồi. Cám ơn em đã cho mọi người được TRỞ LẠI CCCP 


 



Từ: MinhCK
28/08/2017 21:15:55

Em làm anh nhớ nước Nga, nhớ Liên Xô quá. Đọc bài viét của Em mà cứ nghen ngào mãi mới com được. Có lẽ chỉ có thế hệ mình mới có những suy nghĩ như thế. Cám ơn em đã cho anh được hoài niệm về những năm tháng không thể náo quên của một thời tuổi tre



Từ: HoaNT
28/08/2017 14:49:46

MM ơi xin chia sẻ với em về sự ra đi của thày giáo dạy tiếng Nga, chị cũngđẫ trải qua những cảm giác như thế này khi thày Arkady yêu quý của bọn chị ra đi. Cả 2 đợt đi Về Nguồn của người KGU chị đều không đi được cũng vì mắc công việc nhưng chi lại có được may mắn là đón thày thăm Việt Nam được sống với đi với vợ chồng thày thăm một số nơi của VN và năm 2007 chị lại được trở lại thăm nước Nga tuy không về Kisinhoops nhưng khi đặt chân đến Moskva chị vẫn lâng lâng cảm động. Xin gửi lại MM và mọi người đường link 2 sự kiện này lúc nào có thời gian đọc lại nhé.


http://www.studentkgu.vn/news/detail/sec_3/id_1366


và http://www.studentkgu.vn/news/detail/sec_3/id_1366- Bài 30 năm trở lại nước Nga





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s