KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 07 Tháng một. 2018

THỜI SƠ TÁN (1)




Tác giả: Tự sướng đào ngũ

Ngày 04/06/2017 vợ chồng tôi được mấy người bạn rủ đi thăm Yên Thế (Bắc Giang), căn cứ địa của Cụ Đề Thám, thủ lĩnh của khởi nghĩa Yên Thế.

Tôi đã từng sơ tán ở rất gần Yên Thế, nhưng bây giờ, sau 50 năm, mới có dịp đến thăm địa danh nổi tiếng này. Câu chuyện khởi nghĩa nông dân chống thực dân Pháp của Cụ Đề Thám, cuộc chiến đấu lâu dài và quy mô nhất của VN chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp, là một trang sử bi hùng của dân tộc VN, của đồng bào Yên Thế, Bắc Giang, đã ghi sâu trong trí nhớ của chúng tôi, với những cái tên bao thành kính như Cả Trọng, Bà Ba Cẩn, với những câu chuyện ly kỳ của người con gái út của Cụ Đề Thám và bà Ba, bà Hoàng Thị Thế, được đưa sang Pháp từ bé, là con nuôi của toàn quyền Pháp tại Đông Dương, nhưng sau này vẫn quay về VN khi biết gốc gác cội nguồn của mình.

Tượng Hoàng Hoa Thám và bà Ba Cẩn

 

Thành lũy căn cứ của Nghĩa quân Yên Thế còn giữ được đến hôm nay

Buổi sáng hôm đó chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ thăm quan đặt ra.

Buổi chiều chúng tôi chúng tôi không trở về HN ngay mà ghé vào nơi tôi sơ tán cách đây hơn 50 năm (1966-1968), cách Yên Thế chừng 12 km. Thực ra lý do tôi đồng ý đi chơi Yên Thế chính là về cuộc trở lại nơi sơ tán này, thôn Đồng Trống, xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang (hồi tôi sơ tán ở đó tên tỉnh là Hà Bắc, bao gồm Bắc Giang và Bắc Ninh bây giờ). Đây là nơi tôi sơ tán lâu nhất, hai năm trời, trong số 9 địa điểm sơ tán của 2 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của Mỹ (1965-1968 và 1972). Đây là nơi mà sau nhiều năm đã xa thời sơ tán, sau biết bao sự kiện đến với cuộc đời tôi, với biết bao xứ xở của các nước khác mà tôi được đặt chân đến, dù là đi học, đi du lịch hay đi công tác, vẫn đến với tôi trong các giấc mơ ngủ, dù rằng hình ảnh trong mơ không thực sự rõ nét (mơ ngủ vốn là vậy), nhưng đủ để sáng dậy tôi hiểu rằng, đêm qua mình đã mơ về nơi sơ tán ở Bắc Giang.

Từ Yên Thế chúng tôi hỏi đường đi về xã Ngọc Vân. Sau 50 năm, cảnh vật đổi thay rất nhiều. Tôi đi theo định hướng trí nhớ mang máng, qua những con đường, những con mương, trong đó có con mương mà hồi đó, bố tôi đã chở tôi lên đó để tắm trong một lần ông thăm mẹ con tôi (tôi sơ tán cùng mẹ ở Bắc Giang). Về đến Ngọc Vân, tôi theo trí nhớ tìm về thôn Đồng Trống, chỉ cần 1 lần hỏi đường là về đến thôn. Tôi loay hoay vài phút rồi mạnh dạn hỏi thăm 1 người dân đang trên đường của thôn:

-     Anh cho tôi hỏi nhà anh Tỉnh ở đâu?

-     Đằng kia kìa, chỗ cây cột điện ấy

Tôi đi đến ngôi nhà đó, Tỉnh là tên anh bạn cùng học với tôi người địa phương thôn Đồng Trống. Tôi gặp một phụ nữ cao tuổi ở sân, và hỏi:

-     Chị cho hỏi đây có phải nhà anh Tỉnh không ạ?

-     Đúng rồi, nhưng nhà tôi đang ở đằng kia có tý việc

-     Chị làm ơn gọi anh ấy về hộ, nói rằng có bạn học khi xưa ghé thăm

Mấy người bạn và Nguyệt ngạc nhiên sao tôi có thể tìm nhanh được nhà bạn như vậy sau 50 năm xa cách. Tôi cũng không lý giải được điều này, chỉ cho rằng tôi ăn ở thế nào đó nên mới được gặp may như thế.

Mấy phút sau một người đàn ông trạc tuổi tôi bước vào sân. Tôi nhận ra ngay đây là ông bạn Tỉnh khi xưa, nay đã trên 60 rồi. Tôi chủ động tiến ra bắt tay và giới thiệu:

-     Mình là Ngọc, bạn học của bạn thời sơ tán hồi lớp 4 và lớp 5

-     À, bạn Ngọc, Bùi Quang Ngọc, mình nhận ra rồi. Bố bạn là Bùi Văn Trí, mẹ bạn là Hồng Thúy Ái

Chúng tôi bắt tay nhau, những người bạn sau 50 năm mới gặp lại. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi Tỉnh nhớ tên tôi, tên bố mẹ tôi đầy đủ cả họ và tên như vậy, nó quá sức tưởng tượng của tôi, dù tôi cũng có trí nhớ khá tốt.

Tôi hỏi về các bạn khác của thôn Đồng Trống, trong khi Nguyệt và các bạn khác làm nhiệm vụ chụp ảnh lưu niệm chúng tôi. Tỉnh cho tôi biết rằng 3 bạn nam thôn Đồng Trống hồi đó thì bạn Thính đi bộ đội năm 1972 và hy sinh ngay trong trận chiến đấu đầu tiên, đến bây giờ vẫn chưa tìm thấy xác. Tỉnh và bạn thứ 3, tên là Tình, cũng đi bộ đội khi đó nhưng may mắn được giải ngũ sau 1975. Bạn Tình ở cách nhà Tỉnh không xa, còn mấy bạn nữ thì đi lấy chồng ở xã bên.

Sau khi uống nước tôi và Tỉnh cùng Nguyệt sang nhà bạn Tình. Chúng tôi dừng trước ngôi nhà có cánh cửa to, sân vườn rộng. Tỉnh gọi với vào trong nhà:

-     Ông Tình ơi, có bạn đến thăm đây

Mấy phút bạn Tình ra cổng trong điệu bộ của 1 ông già, râu dài, Tỉnh giới thiệu:

-     Ông Tình à, có bạn Ngọc cùng học khi xưa đây, đến thăm ông, ông có nhớ không?

-     Chẳng nhớ gì hết, gần 70 rồi còn nhớ được gì

Tuy nhiên Tình vẫn mở cửa mời chúng tôi vào nhà. Thực ra tôi chẳng nhớ tuổi các bạn hồi cùng đi học. Sau đó Tỉnh có giải thích cho tôi rằng bạn Tình này học mỗi lớp 2 năm nên khi đi học hơn chúng tôi nhiều tuổi. Chúng tôi nói chuyện một lúc thì bạn Tình mới nói ra:

-     Ừ, thời sơ tán có mấy bạn HN về học cùng, hình như có bạn tên là Ngọc.

Tỉnh liền chỉ tôi và nói:

-     Thì đây là Ngọc đấy thôi

Xem ra trí nhớ bạn Tình đã phục hồi và câu chuyện chúng tôi rôm rả hơn.

Sau đó Tỉnh đưa tôi đến thăm mảnh đất khi xưa tôi đã ở trong hai năm học lớp 4 và lớp 5 (niên học 1966-1967 và 1967-1968). Khi đó nhà trường “Đại học chính trị, Bộ Giáo dục” (mẹ tôi là học viên khóa 1966-1968 của trường) mua đất của dân, dựng nhà cho học viên ở. Nay là vợ chồng anh Tiến ở trên mảnh đất này, một ngôi nhà ngói, chứ khi xưa là một ngôi nhà tranh vách đất. Chúng tôi cũng sang thăm nhà hàng xóm của anh Lập, chị Kiên. Hồi sơ tán tôi luôn trèo qua cái tường giữa hai nhà để sang chơi nhà anh Lập, câu chuyện mà tôi sẽ đề cập chi tiết hơn ở phần sau. Sau này chị Kiên vợ anh Lập đã mua lại đất cái nhà của nhà trường chính trị để dựng nhà cho em trai là Tiến lấy vợ.

1-Tôi và bạn Tỉnh hôm 4/6              2-Chúng tôi đứng trên mảnh đất khi xưa tôi ở Đồng Trống

Tôi xin phép ra về với Tỉnh và Tình, hẹn sẽ quay trở lại thăm các bạn Đồng Trống khi trời thu mát mẻ (hôm 4/6/2017 nhiệt độ nóng đến 39-40 độ), trong sự trầm trồ thán phục của Nguyệt và các bạn tôi. Tôi cũng không hình dung ra tại sao tôi có thể dễ dàng tìm lại bạn học và nơi sơ tán xưa sau 50 năm xa cách.

Tất cả những chi tiết thời sơ tán lại ùa về trong ký ức của tôi, khiến tôi ngồi trên chiếc máy tính viết ra bài này, thời sơ tán.

******

Tôi sinh ra ở Nghệ An 2 năm sau hòa bình của kháng chiến chống Pháp. Mẹ tôi khi đó là giáo viên ở quê ông ngoại tôi, huyện Nghi Lộc. Bố tôi là bộ đội đóng quân tại Nghệ An. Hai tuổi tôi theo ông ngoại ra HN, mẹ tôi ra sau tôi một năm. Tôi lớn lên và đi học tại thành phố. Những ký ức về thôn quê của hai năm đầu tiên chẳng còn đọng lại tý nào trong tôi. Các dì, các cậu tôi vẫn kể lại mấy câu nói của tôi khi mới ở Nghệ An ra HN: “Hoan hô tàu điện cắm cờ VN”, “Con chuột nó chạy bên ni sang bên tê”, “Trứng trong mình ngon hơn trứng ngoài ni” (khi đó nhìn thấy cơm ngô tôi cứ tưởng đó là trứng đúc). Đến khi đi học tôi là một cậu bé HN chính thống. Với cậu bé ấy, HN là những phố phường, là tầu điện leng keng, là ăn sáng với những gói xôi nóng, là những cuộc duyệt binh oai hùng của các chú bộ đội qua phố Hai Bà Trưng (nơi ở của ông bà ngoại tôi) và những đêm bắn pháo hoa xung quanh Hồ Gươm vào ngày 2/9 mà người lớn gọi là Tết Độc lập. Và tôi bắt đầu đi học, đến trường cùng lũ trẻ trong phố. Tôi, một cậu bé thành phố, chẳng biết tý gì về nông thôn cho đến khi phải đi sơ tán để tránh bom đạn Mỹ đánh vào HN. Dù rằng tôi được sinh ra ở một làng quê Nghệ An, dù rằng ông bà nội tôi là nông dân chính hiệu của đất Hưng Yên (hai cụ đã mất từ nhiều năm trước khi tôi ra đời).

Chính nhờ sơ tán mà tôi biết đến sân kho hợp tác to lớn rộng rãi ở Ứng Hòa, Hà Tây cũ (ở những sân kho này thời đó rất hay có chiếu phim chiến đấu Liên Xô màn ảnh rộng, món ăn tinh thần duy nhất ở nông thôn miền Bắc khi đó), tôi biết bơi trên ao hồ ngoại thành HN, tôi biết đến mùi thơm lúa mới, đến đêm trăng sáng vằng vặc gió mát của bờ đê sông Hồng, biết đến lũy tre làng của nông thôn Hà Bắc (và để sau này tôi thấy được cái hay của bài luận “Cây tre VN” của nhà văn Thép Mới), biết bắt tôm, bắt cá, cưỡi trâu, nhổ mạ trên cánh đồng Ngọc Vân, biết gánh nước nhịp nhàng từ giếng làng Đan Phượng, biết đến con vắt và tắm suối mát lạnh của núi rừng Yên Bái. Cũng nhờ sơ tán mà tôi mới hiểu hơn người nông dân VN, cuộc sống nông thôn của họ, mới hiểu và yêu thơ của Nguyễn Bính, nhà thơ tài ba về đề tài nông thôn của phong trào thơ mới những năm 30 thế kỷ trước. Thời sơ tán đã cho tôi rất nhiều.

Thời kỳ 1965-1968

Lớp 2

Tôi vẫn còn nhớ ở bữa cơm tối ngày 5/8/1964, cô Châu hàng xóm sang thông báo với bố mẹ tôi (tôi là trẻ con nên chỉ nghe lỏm được mà thôi), rằng chiều nay máy bay Mỹ đánh phá nhiều tỉnh của miền Bắc, quân ta bắn rơi nhiều máy bay, bắt sống cả phi công Mỹ. Tôi chẳng có cảm xúc gì khi đó. HN vẫn bình yên và chiến tranh là một khái niệm mà tôi chưa hiểu được.

Khi đó vẫn đang còn là nghỉ hè của năm học lớp một của tôi. Tôi được học tiếp học kỳ 1 năm lớp 2 niên học 1964-1965 tại HN. Mỹ đã tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân đánh phá miền Bắc VN vào tháng 2 năm 1965 nhằm làm suy yếu hậu phương miền Bắc để quân Mỹ và quân Sài Gòn có thể dành được chiến thắng tại chiến trường miền Nam, nơi Mỹ tiến hành chiến tranh cục bộ bằng cách đưa bộ binh vào trực tiếp tham chiến.

Sang học kỳ 2 HN đóng cửa tất cả các trường học, tôi đi sơ tán theo trại thiếu nhi của cơ quan ông ngoại tôi, nhà xuất bản Văn học, tại một làng của huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ, tôi không nhớ được thôn, xã nơi mình từng sơ tán khi đó. Khi đó tôi mới 8 tuổi, vào loại trung bình trong trại mà tổng cộng chừng 40 trẻ em đủ các lứa tuổi. Lũ trẻ sống cùng nhau trong vài ngôi nhà của dân địa phương, mỗi nhà có hơn chục cháu. Chúng tôi cùng ăn (có các cô cấp dưỡng lo nấu nướng cho lũ chúng tôi), cùng ngủ, khi đi học thì theo các lớp cùng học với trẻ em địa phương. Với chúng tôi chẳng có điều gì phải bận tâm, lo lắng, chẳng thấy thiếu thốn gì, mà lại còn được vui chơi thoải mái khi tự nhiên được tụ tập đông đến như vậy sống cùng nhau. Các anh cấp 2 được phong là cấp tá, bọn cấp 1 chúng tôi là cấp úy, còn trẻ em vỡ lòng trở xuống là binh nhất, binh nhì (trại chúng tôi không có các anh chị cấp 3). Chức vụ này thường xuyên được sử dụng trong giao tiếp giữa chúng tôi. Tôi còn nhớ chơi khá thân với 2 anh học lơp 3, có tên là Thắng và Huyên, mà anh Thắng chính là con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Chính nơi đây của huyện Ứng Hòa mà tôi biết đến cái sân kho HTX. Với tôi, một cậu bé 8 tuổi, cái sân kho sao mà to thế. Tại đó chúng tôi xem các anh năm trên đá bóng, các anh ấy đá với nhau, hoặc đá giao lưu với các bạn địa phương. Tôi còn quá nhỏ nên chỉ được làm cổ động viên, không được đá, dù rất muốn được vào sân. Cũng trên sân kho HTX này lần đầu tiên tôi được xem phim chiếu lên màn hình giữa trời, người xem ngồi bệt trên sân kho mà xem. Nếu đông người xem quá, đôi khi khán giả chuyển ra phía sau, xem màn hình ngược, nhưng hình như khi đã quen rồi thì vẫn thấy phim hay, phim Liên Xô mà.

Có chăng chúng tôi phải xa cha mẹ, tuy rằng các cô trông trại đã cố gắng rất nhiều để khỏa lấp sự thiếu thốn tình cảm với cha mẹ của chúng tôi. Chiều thứ 7 hàng tuần là chúng tôi trông ngóng bố mẹ đạp xe đến thăm từ HN. Hồi đó chẳng có phương tiện liên lạc gì nên cũng không biết khi nào bố mẹ đến thăm, vì rằng bố mẹ chúng tôi chẳng thể nào tuần nào cũng lên thăm, mà vài tuần mới lên một lần, chẳng có quy luật thời gian nào cả. Cái thích nhất khi bố mẹ lên thăm là được quà của HN, mà chủ yếu là bánh kẹo. Chúng tôi vẫn chia quà cho nhau, bạn có bố mẹ lên thăm chia cho bạn bố mẹ không lên thăm. Bố tôi lên thăm tôi chừng vài lần trong thời gian mấy tháng tôi sơ tán ở Ứng Hòa.

Kỷ niệm khó quên nhất với tôi ở Ứng Hòa là cái nhà vệ sinh công cộng. Thật sự khủng khiếp là bẩn với một đứa trẻ như tôi. Tôi còn nhớ có lần em bé gái con cô Mến, một trong các cô trông coi chúng tôi, bị ngã vào cái bể chứa đồ thải ra phía sau của nhà vệ sinh công cộng. Em được lôi lên, khóc rất thương tâm vì bẩn, và các cô phải tắm rửa cả tiếng đồng hồ mà chắc vẫn chưa đủ tẩy uế cái mùi kinh khủng từ cái bể đó.

Hết năm học, sang kỳ nghỉ hè năm 1965, lũ chúng tôi được chuyển tất cả lên xã Đông Du, huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Ninh), cùng cơ quan ông ngoại tôi và cả Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật. Chả là khi học kỳ 2 bắt đầu, trường học đóng cửa nên chúng tôi phải đi sơ tán ngay để tiếp tục học tập, chứ còn bố mẹ ông bà chúng tôi từ từ đi sơ tán sau. Tại Đông Du thì không còn trại trẻ nữa, ai về nhà đó, tôi sống cùng ông ngoại tại một nhà chủ mà có 2 em bé trai bé hơn tôi, tên là Quý và Mến, bố 2 em ấy đi làm nhà nước ở HN. Nhà chủ có cái sân xi măng khá rộng, hằng ngày tôi vẫn quét sân giúp nhà chủ, được các cô chú người lớn phổ biến cần phải làm như vậy. Lần đầu tiên tôi biết đến 2 chữ “dân vận”.

Đông Du là một xã trung du, xóm tôi ở nằm trên một quả đồi, nên nước giếng rất trong, lần đầu trong đời tôi biết đến giếng nước và kéo gầu nước lên để sử dụng. Chính tại một cái giếng của xóm mà mọi người chỉ cho tôi nhạc sỹ Nguyền Đình Thi. Hồi đấy ông còn rất trẻ, đội cái mũ bêrê, trông rất đẹp trai dưới con mắt của tôi. Bài “Diệt Phát xit” là nhạc hiệu buổi sáng sớm của Đài tiếng nói VN nên tôi cũng biết ai là tác giả bài hát đó. Khi đó tôi chưa biết ông còn là tác giả một bài nổi tiếng khác, bài “Người HN”, nhạc hiệu của Đài phát thanh HN.

Từ Đông Du đến sông Đuống (đổ về Phả Lại) chỉ khoảng hơn 1 km. Trên sông Đuống có rất nhiều thuyền đi lại mà nhìn từ xa chỉ thấy cánh buồm màu nâu sẫm, vì con đê che mất con thuyền  Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy thuyền buồm.

<Phần tiếp theo>


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 07-01-2018 18:06






Xem 11 - 20 của tổng số 25 Comments



09/01/2018 18:28:34

Em Cúc à, về văn phong, anh xin xếp dưới MM và Huyền Đại sứ. Cần biết người biết ta, em à. Ngoài ra còn nhiều cao thủ khác mà chưa xếp hạng được văn phong, nhưng biết chắc là ít nhất xếp dưới hai nữ sỹ Thái Bình



Từ: CucNT
09/01/2018 16:59:23

Ngồn ngộn kỹ niệm trong dòng chảy miên  man của ký ức. Anh Ngọc có trí nhớ siêu phàm và lối viết văn lối cuốn hấp dẫn . Đúng là chỉ có thể so sánh với MM và Thanh Huyền. Em không đi sơ tán vì cả dãi đất miền Trung , ở đâu cũng bom Mỹ dội và vì con nông dân nên chẳng ai đưa đi sơ tán. Đọc những dòng ký ức của anh Ngọc và mọi người, hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử của dân tộc, vất vả gian truân nhưng đầy ắp nghĩa tình. Là người yêu lịch sử nên anh Ngọc kể chuyện mình mà người đọc hình dung và biết thêm bao sự kiện, con người lịch sử ghi dấu. Cảm ơn anh! Em háo hức chờ phần tiếp theo!



Từ: HoaNT
09/01/2018 15:34:57

Hồi học lớp 4 thì mình đi sơ tán ở Hồng Thái, Thường Tín, năm đó là năm 1964 sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ 5/8/1964. Năm đấy bọn mình được miễn thi lớp 4, còn em mình mới 5 tuổi. Hai chị em mình đi sơ tán cùng bà nội, mình cứ nhớ mãi cái cảnh bố mẹ và chú mình đi xe đạp đèo lóc cóc nồi niêu xoong chảo, gạo thực phẩm đến chỗ nhà bác Hài ở xóm 1. Nhà mình thực ra cũng chẳng có họ hàng gì với nhà bác hài mà chỉ là quen qua các bà chị em với bà nội mình thôi, thế mà nhà mình được nằm trên nhà chính với giường to nhất của nhà bác rồi thường xuyên được ăn rau củ nhà chủ dùn. Sau đó thì bà cháu mình có 1 tuần sơ rán về Ứng Hòa, Vân Đình là nơi ông nội mình có 40 năm dạy học tại đây nên được cả thị trấn Vân Đình biết tới bà nội mình và họ gọi là bà Giáo. Nhưng được vài hôm thì bị ném bom ngay thị xã Vân đình, lần đầu tiên trong đời mình được tận mắt cảnh ném bom mà tới bây giờ vẫn sợ, lúc đấy mình đang đi mua củi với bác minhfm nghe tiếng máy bay tất cả chạy toán loạn ra cánh đồng, mình chạy thế nào mà rách hết cả quần áo. Đêm hôm đó bố mình đi xe comawngca của đơn vị đón tất cả mấy chị em nhà mình về Hà Nội và rồi sau đó mình có 3 năm sơ tán với trại trẻ Cục Quân y ở Hồng Châu,  rồi xã Chiến , huyện Thường Tín rất nhiều kỷ niệm những năm sơ tán. Đến bây giờ mình vẫn thỉnh thoảng về Hồng Châu gặp các bạn cùng học với mình thời sơ tán.



Từ: BaLX
09/01/2018 11:36:42

Năm lớp 6 mình sơ tán theo trại trẻ của con em CBGVNV ĐHBK HN ở Tiên Sơn Bắc Ninh. Năm lớp 7 sơ tán ở thôn Giàng, Việt Yên Hà Bắc. Ba năm 8,9 và 10 sơ tán ở thôn Dền Khê, Chương Mỹ Hà Tây. Đến bây giờ mình vẫn nhớ rất nhiều kỷ niệm thời những năm só tán đó. Ở đâu mình cũng thấy tấm lòng chân tình của những người dân ở quê dành cho các em, các cháu ở thành phố só tán về. Tuy mới là học sinh lớp 6, lớp 7 nhưng khi về ở cùng nhà với bà con cô bác bọn mình rất mau hoà nhập với cuộc sống gia đình tại địa phương. Cũng băm rau, nấu cám heo cho lợn, ra đồng tập cấy lúa, đập lúa... Và còn biết bao trò chơi sau buổi đi học về còn lang thang mò của bắt ốc chán chê rồi mới chịu đi về trại. Mình nhớ mãi một lần tập trèo lên lưng bò cưỡi, bị bò hất tung ngã đau điếng.... còn nhiều chuyện kỷ niệm vui của tuổi học trò, nhất là trong mấy năm ho j cấp 3 ở Chương Mỹ. Mấy tuần nay mình cũng theo dõi bộ phim “ Thương nhớ ở ai “ làm mình nhớ lại một thời đX sống ở miền quê Miền Bắc hiền hoà và thân thiện.



Từ: PhongPT
09/01/2018 11:36:22



Rất vui với một câu chuyện chân thực và hay về thời sơ tán. Quả là một tín hiệu tốt lành đầu năm 2018.




Từ: Guest Pt Thơ
09/01/2018 10:20:11

Anh Ngọc. Đúng là hơn.


 



09/01/2018 08:15:53

@MM:Anh đã đọc lại bài về thời sơ tán của MM, anh thấy trí nhớ của MM cũng tuyệt vời đấy chứ.


Có chăng cách viết của MM, dân chuyên văn, khác với của anh, dân chuyên toán. Trong chợ KGU, anh vẫn nể văn phong của em và Huyền đại sứ, 2 bạn chuyên văn Thái Bình khi xưa. Dân tự nhiên, chưa thấy nể ai, hehe


@P T Thơ: Sau 5 năm thực hiện cam kết vẫn còn hơn rất nhiều người ko giữ cam kết, đúng ko bạn?



Từ: ThoaNP
09/01/2018 02:59:23

 


 @MM: Chị vừa mất đúng 1 giờ đọc lại bài "Ký ức về những ngày sơ tán" của em và cả các còm rất hay của mọi người nữa. Bài này hồi đó chị cũng đọc rồi, nhưng giờ vẫn thích đọc lại. Hồi đó đọc xong chị không dám còm chính vì câu chuyện em kể về bác Đế. Chị cũng có 1 kỷ niệm buồn, không hề liên quan đến sơ tán, nhưng cũng về một câu nói vô tâm của chị làm người khác buồn và khó xử. Câu nói đó không nặng nề như câu em nói, nhưng thật sự là rất vô tâm vì khi đó chị đã 17 tuổi rồi. Ngay sau khi chị nói, có người đã nhắc nhở, và chỉ đến lúc đó chị mới nhận ra sự vô tâm của mình. Đến giờ mỗi khi nghĩ lai chị vẫn áy náy mãi vì chẳng thể nào sửa sai.


Lạ kỳ thật là tình cảm con người, bài em hôm đó chị đọc rất thích, vì cũng bao nhiêu kỷ niệm sơ  tán ùa về, vậy mà không thể còm hay nghĩ được gì khác ngoài chuyện mình đã làm người khác buồn trước mặt bạn bè.


Tự nhiên hôm nay đọc lại bài em chị lại thấy giông giống không khí làng quê trong phim "Thương nhớ ở ai" đang chiếu ở Rubic 8 VTV3.


 



Từ: Meomun
08/01/2018 20:02:28

@HT: Hồi sơ tán 1971-72, MM em mới học cấp 1 nên cũng không nhớ được một cách sâu sắc, bài bản như HT. Ấn tượng nhất là họ còn khổ hơn mình, thế mà vẫn đùm bọc bà con sơ tán mà không đòi hỏi gì. Họ mộc mạc, chân chất như hạt lúa, củ khoai... Mấy năm trước MM cũng có bài viết về cái thời sơ tán ấy. MM gửi lại cái link, nếu ai muốn đọc bài ấy.


http://www.studentkgu.vn/news/detail/id_1946/sec_2/cat_11/



Từ: Meomun
08/01/2018 19:41:33

@HT: MM bị lỗi typo, mong các "cao thủ" thông cảm. Lúc viết, bụng nghĩ là quần "short" mà lại viết thành "Shirt". Đọc lại thấy cũng hay hay, nên không muốn sửa. Giống các bé tuổi teen bây giờ đang có mốt "áo giấu quần", hihi. Teen thôi chứ các pác KGU mà diện thế thì thiên hạ chết giấc mất!!!.


HT thì siêu nhớ rồi! MM cũng được 1-2 người phong là "Sọt nhớ", nhưng thua bác Trưởng xa. Vì là cái sọt nên MM toàn nhớ những thứ không cần cho công việc, cho nghề nghiệp của mình. Thế mới chán!  





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s