KGU News >>Người KGU >>Chúng ta
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 14 Tháng mười. 2010

Năm đầu tiên ở Kishinhốp




Tác giả: ThanhLK

Năm đầu tiên sống ở Kishinhốp

Vì tôi và Thúy Hoa ở cùng phòng trong cả sáu năm sống trên đất Mônđavi (1971 – 1977) nên tôi muốn viết tiếp một phần thời gian sau chuyến tàu hỏa 10 ngày từ Việt Nam đến Kishinhốp đầy ắp các kỷ niệm khác nhau của tuổi 17 mà bạn Thúy Hoa đã gửi cho cộng đồng STUDENTKGU. Tôi không có khiếu về văn thơ, nhưng cứ “viết đại” những gì mình cảm nhận, nhớ lại một vài kỷ niệm trong năm đầu tiên sống ở Kishinhốp, chỉ mong chia sẻ với cộng đồng các cựu sinh viên KGU.

 Ob.3 và bữa ăn đầu tiên

Đi từ ga tàu hỏa về, chúng tôi được xếp ở Ob3, Ob của Khoa Hóa nhưng mùa hè thường dành để đón dân dự bị mới sang. Ob 3 nằm khiêm tốn trên một phố nhỏ có tên là Benderskaia, bên kia đường hơi chếch một chút là Sân vận động thành phố, nơi diễn ra các trận đá bóng sôi nổi mà có lần đi xem, vì không hiểu chuyên môn nên chúng tôi bảo nhau: “xem khán giả cổ vũ hay hơn các cậu ạ”, khi thấy họ la hét, có lúc ôm nhau nhảy lên, có lúc còn vỗ vào đùi nhau đen đét. Tuy thuộc quần thể ký túc xá của Trường KGU nhưng Ob3 có ưu điểm là nằm ngay cạnh Nhà văn hóa dành cho sinh viên (Dom Kulturư) và gần cửa hàng thực phẩm tươi sống cũng như gần bến xe buýt  hơn các Ob sinh viên khác.

Tôi được xếp ở cùng phòng với Hoa và Tuyết (OB 77), sau này bạn Tuyết học Sinh vật chuyển sang Ob khác thì tôi và Hoa ở cùng hai bạn Mônđavi là Galia và Ôlia,̀ nhà trường chủ trương xếp: cứ hai SV Việt Nam thì ở cùng hai bạn Môn trong một phòng để giao lưu học tiếng. Mặc dù ở Việt Nam ba chúng tôi không học cùng trường nhưng do đồng cảnh xa nhà nên chúng tôi quen và thân nhau rất nhanh, như chị em trong một nhà vậy. Về tuổi thì chúng tôi cùng là “tuổi ngựa” nên cũng hợp nhau trong cả khoản “hay đi” và “chạy nước rút” để leo lên xe buýt khi cần.

Tôi còn nhớ, do trên tàu bị say không ăn được và rất thiếu rau nên ngay trong ngày đầu tiên chúng tôi đã mượn tiền đi Magazin mua “nguyên liệu” để nấu kiểu Việt Nam. Đến Magazin chúng tôi nhìn thấy thịt, cá, rau và đặc biệt là các loại quả của Mônđavi thì thèm lắm, nhưng vì không có tiền nên chúng tôi chỉ “nhìn ngó mà không dám sờ mó”, cùng bàn bạc và quyết định chỉ mua 10 cái bánh mì (loại dài vì chưa quen ổ bánh mì hình tròn) và 6 cái bắp cải (dự tính cho 3 bữa trong ngày). Khi mua chúng tôi chỉ biết nói mỗi một câu còn nhớ được khi học tiếng Nga ở trường phổ thông là: ” Đaiche pagialuyxta…” và chỉ trỏ vào đồ cần mua. Các nhân viên bán hàng ở đây chắc đã quen phục vụ dân ngoại quốc nên hiểu vấn đề rất nhanh. Về đến Ob3, các chị năm trên (hình như là chị Nhung và chị Vãng, CL 75) nhìn chúng tôi khuân đồ ăn về mà lắc đầu khiếp sợ. Vì không muốn phiền các chị năm trên nên chúng tôi chỉ mượn hai cái ấm nhôm để luộc bắp cải.

Ở nhà quen nấu bếp mùn cưa nên dùng bếp ga lần đầu đối với tôi là cả một việc “xa xỉ”, sạch ơi là sạch và nhanh ơi là nhanh. Chúng tôi vừa hát (tôi nhớ hình như là lời bài “Cùng mắc võng bên rừng Trường sơn…” thì phải) vừa luộc hai mẻ trong mỗi cái ấm thì xong một nửa số bắp cải đã mua và gọi thêm ba bạn phòng bên sang cùng ăn cho vui. Loáng một cái, sáu đứa chúng tôi đã chén sạch 10 cái bánh mì và chỗ bắp cải đã luộc, chính xác hơn là số bắp cải còn lại sau khi vừa luộc vừa nếm. 

Bữa ăn “không có người lái” đầu tiên trên đất bạn thật là ngon và vui vẻ. Sau này, khi được phát tiền, chúng tôi mua thêm được món giò, lần đầu đi mua giò thay vì nói từ “kalbasa” chúng tôi đã nói nhầm thành từ “sabaka” (tức là thịt chó) làm các nhân viên bán hàng lúc đầu phải tròn xoe mắt hỏi lại: “Shto?”, nhưng nhờ năng khiều chỉ trỏ của chúng tôi nên cuối cùng rồi cũng đâu vào đấy cả.

 Dạo phố lần đầu

Vì là tuổi ngựa nên ngay hôm sau chúng tôi đã rủ nhau đi phố để xem thế nào. Trước khi đi Liên Xô, “bác Bửu” đã phát cho chúng tôi mỗi người một bộ váy (gọi là giuýp) cùng kiểu dáng, một đôi xăng đan màu đen giống hệt nhau, một khăn len và một áo dài lụa hoa khác màu. Váy của Hoa và Tuyết cùng màu ghi, còn của tôi màu tím than nên tôi phải mượn váy của một bạn khác để ba người chúng tôi mặc giống nhau khi ra đường đỡ lạc.

 

 Những người qua đường khi đó đã nhìn chúng tôi với ánh mắt thương cảm, có lẽ họ tưởng chúng tôi ở cùng một “trại mồ côi’ ra, nhưng chúng tôi không để ý mà vẫn bước đi rất “hiên ngang” và vui tươi, nói cười thoải mái, mặc dù thỉnh thoảng chợt nhớ ra có nhắc nhau nói nhỏ lại (vì đã được học cách ứng xử khi đi ngoài đường và chỗ công cộng khi còn học chính trị ở Trường ĐH KTQD trong nước).

Chúng tôi đi lòng vòng rồi cũng ra được đại lộ “Leninski Prospect”, nơi có tòa nhà bưu điện – là mục tiêu chúng tôi nhắm đến để biết chỗ sau này sẽ gửi thư về nhà. Đại lộ Leninski lúc đó đối với chúng tôi thật rộng lớn (vì đường ở Việt Nam đa số quá hẹp) và hoành tráng với những tòa nhà cổ và những hàng cây cao to lá đã ngả màu thu đông.. Chim bồ câu bay ríu rít  trên trời, sà xuống các mái nhà và đôi khi không ngại ngần “thả chất thải” xuống đầu và vai khách qua đường. Chúng tôi nói với nhau: “Chúng nó béo nhỉ, giá mà bắt được nấu cháo thì ngon tuyệt”.

Bưu điện đây rồi! Vừa qua, do trải qua hơn ba mươi năm và đã từng được bôn ba nhiều nước để đi học tập và đi họp, được nhìn thấy những quảng trường vĩ đại với những tòa nhà chọc trời và khổng lồ…nên khi xem đoạn video của hội trưởng Ngọc quay trong chuyến đi “Trở về” thì thấy tòa nhà Bưu điện thành phố vẫn vậy, nhưng có phần bé nhỏ hơn nhiều so với cảm tưởng của chúng tôi lúc đó, khi lần đầu nhìn ngắm và bước vào bưu điện của thành phố Kishinhốp. Chúng tôi ngắm nhìn quanh nhà, nhìn vòm trần lúc đó cảm thấy “cao vời vợi”, đúng như một lũ “ở quê mới ra thành phố”. Vì tiếng Nga còn kém nên chúng tôi không dám hỏi các nhân viên bưu điện một câu nào, chỉ cười tươi rồi gật đầu chào như một lũ “khiếm tiếng”. Ở bưu điện ra, sau khi đi dọc đại lộ, ghé thăm chợ trời chúng tôi rủ nhau đi về vì trong túi của cả ba đứa đều “tiên có khồng”.

 Sắc màu thời sinh viên dự bị

Những ngày sau đó chúng tôi được dẫn đi mua quần áo, khăn mũ và giày mùa đông. Tôi và Hoa chọn cái gì cũng gần giống nhau: ủng đông cùng màu đỏ; mũ lông cùng màu vàng bịt kín tai, áo Palto cùng kiểu chỉ khác màu, của Hoa màu xanh đen còn của tôi màu đỏ – lại màu đỏ. Sau này, cuối năm dự bị tôi có mua một cái váy màu đỏ cổ trắng (vì giá rẻ) để diện mỗi khi có dịp lễ tết hoặc đi thi cần mặc lịch sự (xem ảnh dưới đây), có một bạn trai khác khoa để ý thấy cứ tưởng tôi mặc màu đỏ để đi thi cho may mắn. Dạo đó, sao màu đỏ nó cứ đeo đẳng tôi, mặc dù màu mà tôi thích lại là trắng kết hợp với màu xanh da trời, hai màu thanh khiết của “blue sky” – xin bật mí là từ “blue sky” tôi hay dùng để giải thích ý nghĩa của tên tôi cho các bạn nước ngoài khi được hỏi và cũng là  nickname của tôi hiện nay. Tôi còn nhớ là đã rất cảm động khi năm cuối cùng của cuộc đời sinh viên KGU, bạn Trự lớp tôi không hiểu từ đâu đã biết hai màu mà tôi yêu thích và đã tặng tôi một Thiệp mừng ngày 8/3 với nội dung: “…Chúc cho màu xanh dịu hiền trên nền trắng tinh khiết mà bạn yêu thích không bao giờ bị u ám bởi màu xám cuộc đời. Thanh hãy tin rằng, ngoài Rômeo của mình, mãi mãi về sau bên cạnh bạn luôn có chúng tôi – những người sẵn sàng cùng đi đến đỉnh cao của tình yêu và mơ ước – Các bạn trai của bạn

Trự ạ, tớ vẫn giữ cái thiệp ấy đến tận bây giờ, như một kỷ vật của tình bạn thời sinh viên trong sáng.

 Dự lễ kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga

Khi bắt đầu năm học dự bị, một sự kiện làm chúng tôi rất háo hức là: toàn trường sẽ tham gia mít tinh và diễu hành nhân kỷ niệm Cách Mạng Tháng 10 Nga thành công, vào ngày 7/11 hàng năm. Chúng tôi hỏi kinh nghiệm các anh chị năm trên và được biết là đoàn sinh viên sẽ được đi diễu hành, nhưng phải đi chậm và chờ trong nhiều giờ nên phải chuẩn bị mặc ấm (có gì thì đóng tất cả vào người vì cũng có gì mấy đâu), cầm theo bóng bay để thả khi qua Quảng trường lớn. Lúc đó chúng tôi náo nức lắm, được đi diễu hành qua quảng trường thành phố với các sinh viên từ nhiều nước, được vẫy vẫy lên khán đài có các vị lãnh đạo của Mônđavi đang đứng…quả là một vinh dự, nhất là đối với các bạn ở  nông thôn ra và chưa từng được tham gia diễu hành lần nào trong đời.

Bây giờ ngắm lại ảnh thấy: toàn các “bà cụ non” đầu bịt khăn giống “Babuska”, mặc váy đi tất mỏng, mặc măng tô giống nhau…nhưng mặt thì hớn hở như “đi trẩy hội”. Hiện nay, con cái của chúng ta có nhiều thông tin và nhiều cơ hội chứng kiến những cuộc diễu binh, diễu hành hoành tráng của nhiều nước và Việt Nam  nên chúng không thể có cái  tình cảm vui và hạnh phúc vô tư như của các sinh viên dự bị chúng tôi hồi đó. Chỉ là một sự kiện nhỏ nhưng có một ý nghĩa lớn trong tâm hồn mà đến nay cứ mỗi lần gần đến ngày 7/11 tôi vẫn mong ước lại được thường xuyên tham gia các cuộc diễu hành như vậy.

 

 Học tiếng Nga

Nhóm tiếng Nga tôi học có chín sinh viên Việt nam, trong đó gồm có năm nữ và bốn nam, một anh tên là Cường đã từng đi bộ đội và hơn chúng tôi năm tuổi. Anh ấy mặt trông thông minh sáng sủa, chỉ mỗi tội hơi “ít mét” thôi. Ngay những ngày đầu chúng tôi đã gọi anh ấy là “chú”. Sau khi quen rồi anh ấy thắc mắc: “Sao các vị lại gọi tớ là chú?”, chúng tôi trả lời: “Không biết, cứ 20 tuổi trở lên đều gọi là chú tất”. Đến năm thứ ba học đại học, có lần “chú ấy” căn vặn lại” “Bây giờ các vị cũng 20 rồi thì gọi tớ là gì?” – “Vẫn là chú chứ còn sao nữa”.

Nói vậy thôi chứ cứ mỗi lần lũ con gái hết tiền lại sai tôi và Thúy Hoa đi vay tiền của “chú ấy”, thì chúng tôi lại đổi giọng gọi anh “ngọt xớt” – biết là “chú” ấy rất thích gọi là anh. Có lần trong Nhà ăn sinh viên ở trường, cả lũ con gái xếp hàng phía trên mà túi thì “rỗng”, tôi và Hoa đành lại muối mặt đi xuống cuối hàng gặp “chú” để vay tiền. Tôi vừa cất giọng nói: “Anh Cường ơi anh Cường…” thì anh ấy hỏi độp luôn trước mặt nhiều bạn trai đang cùng xếp hàng: ”Bao nhiêu ?”. Quả thật lúc đó tôi chỉ muốn đất nứt ra để có thể chui tọt xuống, quay lại nói nhỏ: “thôi chết rồi Hoa ơi”, nhưng vì nghĩ đến việc chín con người đang “đói khát mà không có tiền” nên đành nhỏ nhẹ và thỏ thẻ: “Càng nhiều càng ít anh ạ, vì các bạn trên kia cũng hết tiền ạ”. Anh ấy mỉm cười từ từ rút 5 rúp trong túi đưa cho tôi trước sự ngạc nhiên của các bạn đứng quanh đó. Sau 30 năm, nhân dịp cả khóa 77 chúng tôi (gồm 3 khoa: Lý, Hóa và Sinh vật) cùng tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày ra trường ở vịnh Hạ Long, anh ấy mới thổ lộ: “Hồi đó cuối tháng có lúc tớ cũng hết tiền, nhưng biết các bạn gái phải chi nhiều khoản tư trang phức tạp hơn bọn đàn ông, tài nào cũng đến vay tiền nên tớ vay trước để sẵn đấy. Mà cả chị em ở khoa Lý cũng vay tớ chứ không chỉ các vị đâu”. Tại buổi gặp mặt đó, ban Dương Mai Khoa Lý cũng đã xác nhận “sự thật ngỡ ngàng” này. Tôi đã nói dài về “người anh” rất tâm lý này vì mặc dầu anh ấy đã quan tâm tới chúng tôi như một người anh trai thực thụ, nhưng chúng tôi do bản ngã “chỉ sau nhất quỉ nhì ma” nên vẫn tiếp tục vô tư trêu chọc “ ân nhân” của mình bất cứ khi nào có dịp.

 

 Thầy dạy tiếng Nga năm dự bị của nhóm chúng tôi tên là Arkadi Ivanovich – người đàn ông duy nhất trong đội ngũ các thầy cô dạy tiếng Nga ở khoa dự bị. Thày có dáng người nhỏ nhắn thư sinh và một khuôn mặt thanh tú và hiền từ. Mà thầy hiền thật, rất hiền mới chịu nổi lũ học sinh “là con gái nhưng quá nghịch ngơm” chúng tôi lúc đó. Tại sao cũng cùng tuổi “ngựa” mà các bạn nữ khoa Lý rất nghiêm túc, khoa Sinh rất chăm chỉ, còn chúng tôi thì đủ hết các trò: ngủ muộn - trốn học; phim hay - cũng trốn học; đi chợ - trốn giờ… và phân công thay nhau trốn giờ để lớp không vắng. Tuy vậy, thầy Arkadi Ivanovich vẫn phát hiện ra. Có lần thầy không thấy tôi và Hoa đến lớp, thầy hỏi thì các bạn "trí trá" giúp là chúng tôi bị cảm. Thầy cho lớp làm bài luận, đi về ký túc xá để xem hai chúng tôi “bị cảm gió” như thế nào. Thầy gõ cửa phòng chúng tôi rồi không đợi trả lời mở cửa đột ngột bước vào, thấy “hai trò yêu” vẫn nằm trên giường. Thầy không nói gì, lấy bàn chải và thuốc đánh răng đặt vào tay chúng tôi rồi nói: “Dậy uống thuốc cảm đi rồi đến lớp”. Chúng tôi ngoan ngoãn chuẩn bị nhanh rồi cun cút theo thầy đến lớp. Thầy không mắng lời nào, cũng không nói cho cả lớp biết nhưng từ đó chúng tôi chăm chỉ hẳn lên và không dám trốn giờ của thầy nữa. Cuối năm dự bị tôi còn được khen vì học tốt môn tiếng Nga, giấy khen đó tôi vẫn còn giữ cho đến nay như một kỷ vật nhớ về "người thầy đầu tiên" trên đất Mônđavi mà chúng tôi đã rất yêu quí, gắn bó và kính trọng.

Chưa hết đâu, trong giờ học chúng tôi còn “bắt nạt thầy” ghê lắm. Ví dụ khi học đến từ “Sabaka” – con chó, mặc dù thầy đã vẽ hình minh họa lên bảng, chúng tôi cũng đã biết và nói nhầm khi đi mua giò, nhưng vẫn vờ lắc đầu: “Nhi ponhimaiem”, thầy phải bắt chước tiếng chó sủa “gâu gâu” chúng tôi mới gật đầu tỏ vẻ đã hiểu rồi. Khi học đến từ “Invalid” – thương binh”, thày phải “đi cà nhắc” chúng tôi mới “panhiatnờ”.

Ấy vậy mà thầy không "ghét" chúng tôi, mà có dịp nghỉ thầy còn mời cả lũ chúng tôi đến nhà chơi. Thầy có ba con trai, vợ thầy bị tai nạn cụt một bàn tay nên khi về nhà thầy phải giúp vợ nhiều việc nhà như dọn dẹp, cơm nước, giặt giũ…Thấy cảnh nhà thầy đầm ấm vui vẻ, dù thầy phải vất vả làm việc nhà, chúng tôi thương thầy lắm... Thầy như một người cha, người anh tận tâm chăm sóc chúng tôi: thầy vỗ về khi có bạn khóc vì lâu không nhận thư nhà; thầy hỏi han gia cảnh từng người và rất nhớ; thầy sẵn sàng hát dân ca Ukrain – quê hương của thầy cho chúng tôi khi chúng tôi yêu cầu, với một chất giọng trầm ấm và truyền cảm. Thầy phát âm tiếng Nga rất chuẩn và du dương và đã rất nhẫn nại sửa cho bạn Tuấn lớp tôi (người Nam Hà) quen nói ngọng “nờ” thành “lờ”, như “Nê - Lin skazan”..

Ôi, các kỷ niệm về thầy thì kể “cả đời” cũng không hết, nên tôi phải chuyển đề tài kể chuyện, không thì mất nhiều thời gian nghỉ ngơi của mọi người.

                                                  Kỷ niệm ngày 10/10/2010

                                                                                                      BlueSky

 (Còn bốn phần các “kỷ niệm đàu tiên” sẽ đăng tiếp, nếu chợ KGU không thấy chán chuyện kể của tôi).


Người post: ThanhLK

Ngày đăng: 14-10-2010 22:10






Xem 21 - 27 của tổng số 27 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 | 3 |

Từ: ThanhLK
15/10/2010 14:54:42
Anh Khoa ơi,
bạn Hoàng Lương thì đến hè năm thứ 3 mới xuất hiện ở Ob1 của khoa Vờ Lờ, lúc đó Ob3 sửa chữa bọn em phải đi ở nhờ.́


15/10/2010 14:43:20
Hi Hạnh,
Nói người lại nghĩ đến ta.
Bạn có viết lách gì về chuyện tình của mình ko?
Có thể ko ly kỳ như của Huy - Thủy với 10.000 km và 5 năm trờ xa cách, nhưng chuyện tình nào cũng hay hết.
Mà anh HiềnVC ơi, KGU mình có bao nhiêu chuyện tình nhỉ?


Từ: KhoaDT
15/10/2010 12:20:31
Cám ơn Thanh đã có một hồi ký rất sinh động, tuy hồi đó tụi anh ở ngay Ob.1 nhưng cũng ít giao lưu với các bạn dự bị ở Ob.3, phải đến 1-2 năm sau mới mang máng biết đến các em trong hội CL77. Thật là đáng trách. Không hiểu ông Hoàng Lương hồi ấy ở phòng nào của Ob.3 mà không thấy xuất hiện trong hồi ký này nhỉ ? Hihi.


Từ: HanhLM
15/10/2010 12:06:39
Hoan hô chị Kim Thanh! Ngay tiếp theo chị Thanh là anh Huy (Khửu)cũng "TACC được quyền tuyên bố". Em xin hoan hô luôn cả a. Huy và tất cả những anh chị em đang "thai nghén" ý tưởng hoặc đang trong quá trình "soạn thảo" hồi ký, ký ức về Kisinhop và KGU. Các anh chị thật tuyệt vời. Thực sự em rất mong trên web của chúng ta ngày càng nhiều những bài viết chia sẻ ký ức, kỷ niệm về mảnh đất Kisinhop, vể trường KGU thân yêu của chúng ta, về thầy cô và bạn bè KGU. Em nghĩ là những bài viết đó chắc chắn sẽ nhận được sự đồng cảm nhất của mọi người KGU.
Chị Thanh ơi, chị viết rất chân thực, giản dị. Đó là điều em thích nhất. Xin cám ơn chị Thanh, anh Huy,a.Tánh,c.Thục Anh,bạn Quang Ngọc và toàn thể nguoikgu đã mang đến món ăn tinh thần vô giá cho tất cả chúng ta.


Từ: camtumai
15/10/2010 08:01:54
Thanh ơi, Em viết hay lắm. Đăng tiếp, nhanh nhé.


Từ: HoaNT
15/10/2010 07:48:26
Thanh ơi hay lắm, mình đã khóc khi mới đọc những đoàn đầu, tất cả hiện lên trước mắt mình những kỷ niệm thời sinh viên. Sáng nay mình phải đi họp chưa đọc kỹ được mà mới chỉ lướt qua thôi.Để dành đến tối khi yên tĩnh mình mới đọc lại. lúc đấy mới ngẫm nghĩ,hồi tưởng lại thì mới hay. Cứ postbài tiếp nhé, mình cũng đã viết lại hồi ký nhưng chưa xong vì chưa có thời gian, lúc nào mình cũng sẽ bổ sung thêm các đoạn mà mình nhớ.


14/10/2010 23:10:11
Hoan hô chị Thanh có bài viết khá dài, lại còn hứa hẹn những phần tiếp theo.
Chị ơi, chị thích viết, cứ viết. Thiên hạ có đọc hay ko, kệ họ. Mình làm theo ý thích của mình là được. Web là để như vậy mà, để phục vụ người viết là chủ yếu, còn người đọc là thứ yếu, hehe



<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 | 3 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s