Dã ngoại mừng ngày 7.11
CHUYẾN DÃ NGOẠI KHU DU LỊCH « THÁC GIANG ĐIỀN »
Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Cách Mạng Tháng 10 Nga, ban liên lạc Cựu sinh viên KGU Kishinhốp tại Tp. Hồ Chí Minh quyết định tổ chức một chuyến dã ngoại đi - về trong ngày mà nơi đến phải thỏa mãn tiêu chí « hoang sơ nhưng lại không được quá xa thành phố ». Sau nhiều ngày bàn bạc, địa điểm được chọn là Khu du lịch « Thác Giang Điền » tại ấp Hoà Bình, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Nằm trên quốc lộ 1A, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 50 km và cách thành phố Biên Hoà khoảng 15 km về phía Đông - Bắc, từ lâu « Thác Giang Điền » vẫn được giới trẻ ưa thích những chuyến pícníc cuối tuần xưng tụng là « tiếng thác reo giữa lòng thành phố ».
Có thể đối với nhiều người, khu du lịch Giang Điền là điểm du lịch không xa lạ thuộc xứ Đồng Nai, nhưng với những người lần đầu tìm đến Giang Điền như chúng tôi, những thông tin quảng bá du lịch hấp dẫn trên mạng tạo nên sự háo hức lạ thường. Chúng tôi đến với Giang Điền là tìm về với thiên nhiên, với hoang sơ, với sự thanh sạch, xa lánh dù là tạm thời phố thị ồn ào và ô nhiễm
Ngay từ lúc làm công tác chuẩn bị cũng đã có lắm chuyện buồn cười. Chi Mai Lâm khi nhận được mail của chị Tuyết mời đăng ký tham gia chuyến đi thông qua ban liên lạc (viết tắt Ban LL). Có lẽ « cửa sổ tâm hồn » đã bước vào giai đoạn « cập bờ lời » cộng với sự lơ đãng đã hỏi lại « thế Bạn LL là bạn nào ? ». Lúc lên xe nghe kể lại ai cũng bật cười.
Xuất phát lúc 7giờ sáng tại số 3, đường 3/2 - trụ sở của Chi nhánh phía Nam, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, chiếc xe do anh - chị Dũng Thoa thuê chở theo 19 thành viên của nhóm lên đường đến với Giang Điền.
Lên xe nhìn thấy mặt nhau là nghe thấy tiếng cười, tiếng nói. Cười như thể lâu lắm chưa biết đến niềm vui, nói tưởng chừng như lâu lắm rồi không hề được nói. Tôi rất thích những lần gặp gỡ hay đi chơi chung cùng với các anh chị cựu sinh viên KGU Kishinhốp bởi tính cách vui nhộn, hài hước và đầy tình cảm của các anh chị. Vốn là người hướng nội và ít giao du, nhưng chơi với các anh chị, tôi có cảm giác như lòng mình ngày một rộng mở. Tôi cũng cười hết cỡ vì những câu chuyện tiếu lâm qua cách kể dí dỏm của anh Châu và kiểu dẫn đề, nhập đề, thêm thắt chi tiết tỉnh rụi của chị Tuyết. Giống như những lần gặp gỡ trước đây, trong chuyến đi này, chuyện tiếu lâm và những bài hát tiếng Nga « đi cùng năm tháng » là những điều không thể thiếu.
Bài hát đầu tiên mà cả nhóm say sưa luyện giọng dưới sự chỉ huy của chị Bích Lam là bài « Mùa xuân ở nơi đầy nắng ». do anh Nguyễn Đình Minh phổ thơ anh Nguyễn Đình Phư. Hình như các anh chị luyện bài hát này là chuẩn bị để tháng ba sang năm tổ chức chuyến du xuân Bắc Hà và giao lưu với các anh chị cựu học sinh KGU Kishinhốp ngoài đó. Dù rất tin vào hiểu biết về nhạc lý cũng như phương pháp truyền thụ của chị Bích Lam nhưng do hát chay, không nhạc đệm nên lúc đầu còn chệch choạc lắm. Nhưng càng hát càng nhuyễn, càng thấm, càng say sưa và đầy biểu cảm. Những lúc thế này lại tiếc vì sự vắng mặt của anh Thắng.
Cuối buổi tập là có sự kiểm tra, sát hạch hẳn hoi. Ai hát sai giọng thì biện pháp chế tài bắt buộc là phải tập lại. Nhưng may mắn khả năng thẩm âm của anh chị em trong đoàn khá tốt nên ai cũng qua được sự sát hạch gắt gao do chị Diệu Linh làm chánh chủ khảo.
Bỏ lại phố thị sau lưng, xe đang tiến gần tới Giang Điền. Khi đi qua chỗ giao nhau giữa đường bộ và đường rầy xe lửa – nơi vẫn xảy ra những tai nạn thương tâm giữa người, xe và tàu hoả Bắc – Nam tôi bỗng nghĩ ngay đến tai nạn thảm khốc xảy ra với chiếc xe chở các em học sinh của trường PTTH Nguyễn Khuyến/ Tp. HCM đi dã ngoại tại Giang Điền năm 2008. Khi xe chở các em đến đây, dù tàu hoả đang đến gần nhưng lái xe vẫn cố vượt. Chiếc xe bỗng dưng chết máy giữa đường và hậu quả kinh hoàng như báo chí đã đưa tin. Dù chuyện xảy ra đã hai năm và hôm nay trời rải nắng vàng như mật ngọt thật đẹp nhưng tôi vẫn có cảm giác rờn rợn trong lòng.
Càng đến gần dòng thác, bầu trời như trong hơn, không khí như dịu mát hơn và tiếng ầm ào cũng càng nghe thấy rõ hơn. Tôi vẫn lẩn thẩn tự hỏi tại sao thác lại có tên là Giang Điền. Giang là sông, điền là ruộng. Vậy có phải thác là dòng chảy trên đồng ruộng hay không. Theo cẩm nang du lịch giới thiệu: Vùng đất này ngày xưa là nơi dân tộc Mạ sinh sống. Ngày ấy có đôi trai gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau nên đã tuẫn tiết ở dòng suối này vì vậy mới sinh ra hai dòng thác Chàng và Nàng (hay còn gọi là thác Đôi)
Giang Điền quả không hổ với danh truyền. Dù chảy trên một vùng địa hình không dốc đứng như những ngọn thác khác của Tây Nguyên như Cam Ly, Dambri, Datangla…nhưng sự hùng vĩ so ra không hề kém cạnh. Người ta nói dòng thác này nước đổ quanh năm, kể cả vào mùa khô hạn. Như một cô gái đỏng đảnh thích gây sự chú ý của mọi người, dù không đổi dòng nhưng nó luôn đổi màu. Hôm nay đang trong vắt có thể nhìn thấy đáy, chỉ sau một đêm mưa đã chuyển thành màu đỏ pha nâu. Khi chúng tôi đến, thác đang gầm gừ trong sắc đỏ nâu như thế. Dòng nước đục ngầu không thể lội xuống hoặc tắm nhưng đứng trên bờ ngắm nhìn thác cuộn trào, nghe tiếng thác đổ ầm ầm, tận hưởng không khí đẫm hơi nước mát dịu đã cảm thấy sảng khoái không thể tả.
Cùng với thác gập ghềnh đá tảng giữa dòng, đá chồng chất hai bên bờ là cây cỏ, hoa lá kỳ thú và những chòi lợp lá dừa nước làm nơi nghỉ chân cho du khách khi đến tham quan Giang Điền. Việc đầu tiên khi chúng tôi đến đây là tham quan toàn khu vực, ngắm cảnh, chụp ảnh. Các đức lang quân thi nhau trổ thi làm phó nháy, còn người mẫu là các nàng dù hầu hết đã bước qua tuổi 50, thậm chí gần 70 như chị Tâm nhưng vẫn còn lúng liếng, đu đưa lắm. Tôi yêu cái nét trẻ trung không biết tuổi của các chị. Không biết khi tôi đến tuổi 50, 60 … có còn giữ gìn được sự lãng mạn như thế hay không ?
Dù vui, dù chơi hay làm gì đi nữa thì trước hết cũng phải ăn. Có thực mới vực được đạo. Như anh Châu nói: tiếng Việt của chúng mình hay lắm, chỉ có động từ làm là đứng trước động từ ăn, còn tất thảy những hành động khác trong hoạt động sống của con người đều nằm sau động từ «ăn» hết: Ăn nói, ăn học, thậm chí ăn nằm…
Với tình thần dã ngoại triệt để nên thức ăn do các chị chuẩn bị theo cũng là những thứ đặc trưng cho những buổi ngoài trời. Xa lát kiểu Nga do chị Diệu Linh chuẩn bị; các loại xúc xích, giò, dưa leo, các loại bánh, trái cây..do chị Tuyết, chị Lam, chị Thoa mang theo. Thậm chí cả khoai lang cũng được vợ chồng anh Dũng - chị Thoa luộc từ đêm trước mang theo như một món ăn chơi xếp vào hàng « Lông sản phụ - Nông sản phụ ».
Ăn rồi hát, hát rồi kể chuyện tiếu lâm. Chủ đề của chuyến dã ngoại là kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga nên các hát được cất lên là tiếng Nga. Ban đầu chị Tâm đề xuất, trước khi cử hành lễ kỷ niệm nên có lời phát biểu mào đầu để anh Chí quay và thu âm để tung lên mạng hoặc tung lên đâu đó. Ý tưởng thì hay thế nhưng mới nói được mấy câu lại quên mất tính trang nghiêm, lại lo cười đùa và hát những bài không đầu không cuối. Rồi lại kể chuyện tiếu lâm. Cười ngả nghiêng nhưng vẫn không quên ăn. Chẳng biết sao mà ăn nhiều thế. Ăn từ lúc đến cho tới lúc về.
Mải vui nên không để ý thời gian chạy đi nhanh quá. Đã hơn ba giờ chiều rồi. Trời lại đang chuyển mưa. Mây xám và những tiếng sấm ì ầm từ xa vọng lại báo hiệu cơn mưa đang đến gần. Phải về thôi. Dù đang vui cũng phải trở về phố thị. Về để tránh cơn mưa và tránh những điểm kẹt xe - sự khó chịu triền miên mà những cư dân sinh sống tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội phải đối mặt.
Ngồi trên xe tôi thầm nghĩ, giá như trời không đổ mưa, giá như chúng ta còn có ít nhiều tính phiêu lưu của tuổi trẻ để có thêm một đêm lửa trại tại Giang Điền và ngủ trong các căn chòi lợp bằng dừa nước thì huyền diệu biết bao.
Thôi tạm biệt Giang Điền. Chúng mình về với phố đây. Nhưng rồi có ngày sẽ trở lại.
Chưa hoàn tất chuyến dã ngoại, đang trên xe các anh chị đã bàn đến một chuyến đi khác, đến một nơi khác, đâu đó ở Củ Chi mà tiêu chí mà chị Diệu Linh đặt ra: cảnh đẹp, vui nhưng chi phí phải rẻ 150.000 đồng/người. Khó tính thật. Nhưng rất may trong hội có những người cầm chịch như chị Diệu Linh.
Em Ngân NT.
Người post: NgocBQ
Ngày đăng: 08-11-2010 16:04
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |