KGU News >>Người KGU >>Chúng ta
KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 16 Tháng mười một. 2010

Tâm sự bà giáo về hưu




Tác giả: LinhND

Đang dự đám tang đứa cháu thì cô bạn dạy cùng bộ môn điện thoại hỏi:  L có được mời dự tiệc của bộ môn không?  Chưa thấy ai mời, tôi đáp. Tiếng lẩm bẩm từ đầu dây bên kia: Bọn này láo, lại quên (ám chỉ bộ môn).

Trở về sau khi tiễn đứa cháu, hưởng dương 29 năm, tôi mới sực nhớ sắp tới 20.11, ngày nhà giáo Việt Nam.

 

Tôi vào ngành sư phạm là do hoàn cảnh đưa đẩy. Hai đứa lấy nhau năm 1979, nhưng vẫn kẻ Nam người Bắc cho đến 1988. Khi điều kiện “xum họp” đã có, thì nảy sinh vấn đề: Tôi chuyển công tác vào đâu? Thôi về trường anh dạy tiếng Nga, đang thiếu giáo viên lắm. Anh sẽ tác động chắc ổn thôi. Chồng tôi đề xuất.  Phụ nữ có gia đình tốt nhất làm giáo viên, có nhiều thời gian chăm sóc con cái, chị hàng xóm, giáo viên đại học dược khuyên.

 

Vậy là tôi thành cô giáo dạy tiếng Nga, đại học Bách khoa, tp Hồ chí Minh.

Tôi theo chồng vào đầu tháng 9.1988, thì nhận dạy ngay 4 lớp. Buổi đầu tiên, tôi cũng bình tĩnh lắm vì tin vào khả năng chuyên môn khá vững của mình, chả là tôi có 10 năm thâm niên học tập và làm việc tại Liên xô cũ. Chồng tôi lén đứng bên ngoài, theo dõi tôi lên lớp. Về nhà, anh khen tôi có giọng nói “sang sảng” có tố chất của cô giáo.

Con lớn tôi khi đó vào học lớp một, tôi mang thai cháu thứ hai. Gia đình sống trong khu tập thể giáo viên ngay sát trường, nên tôi hoàn toàn chủ động được thời gian. Đúng là ai có gia đình nên chọn nghề sư phạm, đặc biệt phụ nữ có con nhỏ.

Tôi không xin dạy các lớp sớm, bắt đầu 6g30 và lớp muộn, kết thúc 17g45. Tôi đủ thời gian đưa đón con đi học và chợ búa cơm nước hàng ngày.

Sinh viên lớn, tự học là chính, nên tôi không khổ công như giáo viên phổ thông; Họ phải nhồi kiến thức, thậm chí thức cùng học sinh lo cho chúng thi đậu chuyển cấp: lớp 5, lớp 9 và đặc biệt là tốt nghiệp lớp 12.

Sinh viên từ khắp nơi, trình độ ngoại ngữ cũng “tứ xứ”. Nghĩ lại thấy tội nghiệp cho chúng phải học thứ tiếng khó vào loại nhất nhì. Khó về văn phạm, khó về chữ viết. Thầy trò như đánh vật trên lớp. Nghĩ lại thời tôi học cấp 3 (1969 -1971), suốt ba năm học tiếng Nga, chữ thầy trả thầy, nên tôi thương sinh viên nào gặp khó như tôi. Cứ nhè vào vấn đề hóc búa mình từng gặp hồi phổ thông, và những khoản làm chúng rối bời mà gỡ. Lại rất yêu tiếng Nga nên tôi “vận động” chúng phải yêu tiếng Nga để “giỏi” như tôi, hoặc giả vờ yêu tiếng Nga mới nuốt nổi nó, hòng thi đậu.

Cũng may tụi tôi toàn tổ chức thi vấn đáp, sinh viên thấy tự tin hơn vì yếu quá lại có câu hỏi phụ như biếu điểm.

 

Năm 1991, Liên xô tan rã, tiếng Nga cũng từ từ nhường vị trí cho tiếng Anh. “Bứt ili nhe bứt?- Tồn tại hay không tồn tại?” Tôi quyết định học hệ đại học mở ngành tiếng Anh khi sang tuổi 38, hy vọng được tiếp tục làm cô giáo. Vừa dạy tiếng Nga, vừa học tiếng Anh mà trong lòng rối bời. Sinh viên buồn khi phải học Nga văn, còn cô buồn vì phải học Anh văn. Lúc đầu tôi tự nhủ phải học chuyên cần vì sẽ “câu cơm” bằng NÓ, dần dần tôi cũng yêu NÓ và tốt nghiệp loại khá.

Đúng lúc đó, bộ môn Nga văn sát nhập với bộ môn Anh văn, giáo viên tiếng Nga trở thành giáo viên tiếng Anh. Ai trong hoàn cảnh tương tự sẽ buồn tủi khi một vài đồng nghiệp thiếu tế nhị tỏ ý không tin tưởng tụi “hai hệ” như chúng tôi. Tôi thường động viên chị em: Mình kém họ về chuyên môn là tất yếu, chịu khó“cày sâu cuốc bẫm”sẽ theo kịp, chứ trình độ hiện có vẫn dư để dạy. Tôi thầm cám ơn tiếng Nga đã giúp tôi đắc lực nhằm trau dồi tiếng Anh. Chồng tôi khuyên: Nhân đà này (khi vừa tốt nghiệp), em hãy đăng ký học tiếp cao học tại chỗ do đại học Victoria, Úc chiêu sinh. Học phí tuy  rất cao nhưng bản lĩnh chuyên môn sẽ trội. Tôi nghe anh, rủ thêm đứa bạn đàn em cùng thi tuyển. Chúng tôi đậu. Vào học mới ngã ngửa chỉ 20% học viên là chuyển hệ giống tôi. Tôi âm thầm theo học, kẻo người xấu miệng lại dè bỉu trèo cao. Tôi xin nghỉ hẳn dạy Nga văn, chuyên cần học tập, có môn tôi được điểm cao nhất lớp, đấy là do bà giáo phê: the best of 24. Vui thì ít mà hãnh diện thì nhiều, chả gì cũng là cựu sinh viên KGU, khó hơn nhiều còn học nổi, nhằm nhò gì “ba cái lẻ tẻ”. Năm 1998, tôi là Thạc sĩ giảng dạy tiếng Anh, rồi tiếp tục dạy đến 2009 và hiện nay là bà giáo về hưu.

 

Về hưu ai cũng bảo sẽ buồn, tôi cũng sợ buồn nên xin dạy 2 lớp. Dạy được hai tuần thì tôi trả lớp với lời xin lỗi do không yêu nghề nữa, hết yêu tiếng Anh luôn.

Thế là tôi bỏ nghề sau hơn 30 năm gắn bó, cũng kịp có “Huy chương vì sự nghiệp giáo dục”.

 

Khác với một số nghề, sản phẩm của chúng tôi là CON NGƯỜI CÓ TRI THỨC. Chính  “tri thức” cộng với tính nhân văn làm nên nét đẹp của ngành sư phạm.

Tôi không sao quên được sinh viên mình từng dạy dỗ. Chúng tinh tế và tình cảm lắm. Chúng kéo đến chúc Tết và năm sau, không học Nga văn nữa, vẫn tới nhà gửi hoa mừng ngày Nhà giáo. Tôi nhiều lần rớt nước mắt khi có lớp xin phép tôi được nghỉ sớm và mời tôi nán lại. Chúng hè nhau xếp lại bàn ghế, đặt vội bịch kẹo bánh lên bàn, kính cẩn mời cô vào dự liên hoan với lý do sắp đến ngày 20.11. Cô trò nói chuyện rôm rả, tôi hiểu thêm chúng, khát khao có tri thức để thoát nghèo. Rồi có lớp xin phép tôi trước giờ vào học cho chúng hát mừng cô tuy ngày nhà giáo đã qua từ hôm trước. Ngồi nghe chúng say sưa hát, với lời hát trên tay tôi thổn thức: Cám ơn các em nhiều lắm vì tình cảm chân thành. Nó sẽ giúp tôi yêu nghề hơn, tôi nói bằng tiếng Anh với chúng. Bó hoa đặt trên bàn đang khoe sắc, tôi cầu chúc các em sớm tỏa hương cho đời và kết trái thành đạt.

Thông thường vào đúng ngày 20.11, nhà trường tổ chức lễ kỷ niệm, những ai có giờ hôm đó vẫn lên lớp như thường. Lần nọ, sau khi dự lễ tôi trở về bộ môn, thấy một bông hồng đỏ ngay ngắn trên bàn. Một cô sinh viên học chị năm trước gửi tặng, cô đồng nghiệp giải thích. Cầm bông hồng, tôi thấy mẩu giấy bên cạnh: thưa cô em là … sinh viên năm … chúc cô mãi tươi như hoa và dạy dỗ chúng em nên người. Cảm giác tê tê nơi sống mũi truyền lên làm ướt nhòa mắt, tôi đọc vài ba lần dòng chữ ngắn ngũi đầy hàm ơn của EM. Về nhà chồng tôi chia sẻ: Cái quí nhất, đáng trân trọng nhất là khi trò nhớ tới thầy giáo cũ. Tôi càng thấm thía cảm giác hạnh phúc trào dâng của cô Irina Stepanovna khi sang thăm VN năm 2010 theo lời mời của sinh viên lớp đầu tiên. Hồi đó tôi cũng vậy, sinh viên đã hiểu và yêu quí tôi. Lại có hôm nhận được tin nhắn chúc mừng 20.11, tôi nhắn lại: xin lỗi, cho biết quí danh. Lát sau tin trả lời: Em là … em học cô năm …. Em rất thích cách truyền đạt của cô. Tôi không nhớ nổi cô bé, nhưng thỉnh thoảng cô trò vẫn trao đổi qua tin nhắn với nhau. Và còn nhiều nữa các sinh viên hiếu học, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tìm đến tôi nhờ phụ đạo. Tôi thường bảo chúng: quà các em tặng cô nhân ngày lễ không giá trị bằng các câu hỏi các em đưa ra nhằm có thêm kiến thức. Đứa nào học yếu, mỗi buổi học tôi bắt chúng phải hỏi 3 câu, hiểu rồi cũng gắng hoàn thành định mức. Đôi khi tôi còn tấu hài cho chúng vui, hoặc chuyện rằng: có sinh viên vừa tốt nghiệp được trả lương cao ngất nhờ giỏi tiếng Anh.  Tóm lại tôi tìm mọi cách cho chúng “tiêu hóa” tiếng Anh để chí ít cũng thi đậu và còn cái mà nhớ.

Nhiều trò sau này trở thành đồng nghiệp cùng trường. Có lần cùng đi dạy dưới Kiên giang, miền Tây Nam bộ, em H, khoa Điện-Điện tử kể lại kỷ niệm khi còn học tiếng Nga. Hồi đó cuối mỗi bài học tôi thường yêu cầu sinh viên dịch bài đọc. Chúng thay nhau lần lượt dịch từng câu, do vậy có thế đoán được câu nào tới lượt mình. Th, sinh viên chăm giỏi, bất ngờ bị mời dịch do tôi đổi chiến thuật “lần lượt” bằng “ngẫu hứng”. Đúng là “nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò”, cậu ta khăng khăng nói chưa phải lượt. Tôi phải dùng quyền cô giáo mới cự lại được. Và giờ nó thành kỷ niệm mỗi khi chúng gặp nhau. Em V, khoa Hóa lại kể: Cô là giáo viên đầu tiên và duy nhất cho tụi em nghe bài hát và hát bằng tiếng Anh. Ấn tượng lắm cô ạ. Trong tôi còn đầy ắp kỷ niệm vui với trò của mình.

 

Dạo này, xã hội ngày càng phân hóa thì con người hình như cũng phân rã thành phần con và phần người, con có vẻ lất át người. Ở bộ môn tôi cũng vậy. Hiếm thấy chuyện đồng nghiệp giúp nhau chân tình, mà chỉ thấy “soi” nhau, bằng mọi cách hạ nhau miễn cho mình  hưởng lợi. Cái TÔI, kiểu sùng bái cá nhân, được lấp liếm bằng luận điệu vì sinh viên. Có mà bỏ mặc sinh viên thì có, họ dạy cái (tiếng Anh) sinh viên học ở đâu cũng được vì ngại đầu tư vào giáo trình mới phù hợp với sinh viên của trường. Người ta thường bắt công chức “khai” ra có tham nhũng gì không. Tôi trộm nghĩ giáo viên trường này có gì mà tham nhũng, tiền giảng dạy nhiều khi còn bị trường nợ. Có chăng là “tham nhũng lòng tin” của sinh viên.

Sinh viên chán chường vì nhai lại tiếng Anh, trình độ có khi còn thấp hơn phổ thông.  Chúng lên lớp mà tâm trí “treo ngược trên cành cây”, ra khỏi lớp thấy cô cũng quên chào hoặc giả bộ không thấy. Tôi cũng sợ gặp sinh viên mình còn nhớ mặt, chỉ sợ nó tỉnh bơ thì mình lại buồn. Tôi càng sợ có giờ dạy vào đúng ngày G, 20.11 vì lên lớp hoặc chẳng có ai, hoặc vài ba đứa ở lại xin phép được nghỉ. Tôi cũng ngán khi thấy các em không tha thiết mà mình cũng hết thiết tha. Lại càng bực vì phải dạy cái người ta không cần. Lực bất tòng tâm, lại thuộc tip người: không nói không chịu được nên tìm cách rút lui có trật tự. 

 

Thế là tôi thành bà giáo về hưu một cách tròn trịa. Về hưu mà không kịp buồn vì có studentkgu, ngươikgu, hcmkgu và nhiều nhiều kgu nữa. Nơi đó tôi lại thấy CON-NGƯỜI không tách mà còn quện vào nhau như một chính thể. Không quen thành quen, quen ít thành nhiều, quen nhiều thành mật thiết như ruột thịt. Chúng tôi đã từng bỏ dự đám cưới bên họ hàng để tới dự đám cưới của cháu có họ là KGU, mà không thể chỉ vợ hoặc chồng tham dự. Tới để thấy nơi đây bình yên, không đòi “chia” như câu chuyện mà em Ch. hay nhắc tới trong chuyện vui thường kể, nhưng “chia sẻ” lại rất nhiều.

 

Tp HCM, chiều thu 16 Nov, 2010


Người post: LinhND

Ngày đăng: 16-11-2010 17:05






Xem 1 - 10 của tổng số 26 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: BinhLT78
13/03/2011 15:41:11

Tôi là bạn học cùng lớp với DL, nhưng DL hơn tôi một tuổi nên tôi cứ lúc gọi bằng tên DL , lúc thì lại gọi bằng chị (với đầy sự kính trọng) vì thấy DL khôn lớn hơn chúng tôi rất nhiều . Tôi không ngờ Linh lại viết hay, một lối viết "kể chuyện mình, chuyện đời" đầy lôi cuốn hấp dẫn và cứ nhẹ như không như vậy. Có lẽ, tôi cũng là người may mắn có nhiều dịp được gặp Linh và chứng kiến những "mốc" cuộc đời của Linh. Khoảng  1978-1982, sau khi tốt nghiệp đại học ở Kisi nhốp về nước đúng lúc đất nước đang vào thời kỳ khó khăn nhất, chúng tôi ai cũng lo mưu sinh và bận rộn. Nhà tôi và nhà Linh ở gần nhau, gần bệnh viện mắt trung ương, nhưng 2 đứa đều đi làm xa suốt ngày.Tôi và Linh đều gửi con vào cùng một nhà trẻ (Linh ơi, có nhớ không? nhà trẻ 65 bà triệu ấy);. Hai đứa gặp nhau đều tất tả sau giờ đi làm về. Thế rồi, Linh bỗng nhiên thông báo sẽ chuyển vào Nam sinh sống... Tôi thoáng buồn. Rồi sau đó, khoảng 1985, tôi vô tình gặp Linh ở Matxcova, tại khu nhà của cán bộ Việt nam làm ở SEV; Linh đi xuất khẩu lao động, còn tôi đi công tác qua đó; Có một "tình tiết" mà tôi vẫn nhớ và cảm động đến bây giờ: khi ấy ai cũng nghèo; tôi thì thương Linh phải xa chồng con sang "kiếm tiền " còn chị Linh thương tôi đi công tác không có tiền mua quà. Linh giúi cho tôi mấy chục rúp bảo để mua quà cho con tôi. Khoảng năm 1987-88 gì đó, Linh ra HN để lo cho vụ anh Đức đi thi đấu cờ ở nước ngoài, Linh rủ tôi đến Ủy ban TDTT ở trên đường Trần Phú . Linh thì mới tập lái xe máy, chở tôi đi và 2 đứa đâm xe vào một gốc cây.Rồi sau đó, năm 1992, tôi có dịp vào thành phố HCM công tác chúng tôi đã đến nhà Linh ở gần trường BK HCM , được ăn món nem rán do chính tay anh Đức nhà Linh làm lúc vợ đi dạy học. Hôm ấy tôi còn đến dự lớp dạy tiếng anh của Linh ở trường. Tôi cũng đã ngac nhiên khi thấy Linh quyết tâm đi học lấy bằng tiếng anh để dạy học.  Tháng 8 năm 2008, lớp sinh 78 chúng tôi gặp nhau kỷ niệm 30 năm về nước, tại Nha Trang. Linh và anh Đức đã rong ruổi bằng xe otô tự lái từ TP HCM. Linh có nói sắp nghỉ hưu rồi. Và , thời gian hơn 30 năm đã trôi qua, mang theo bao nỗi thăng trầm của đời người, chúng tôi đã về hưu. Linh đã là "cô giáo về hưu".... Chúc mừng Linh và những người về hưu . Những mốc thời gian này có Bình nhớ có đúng không hả Linh?



Từ: MaiDT
23/02/2011 20:27:08

Thú thật là sau khi bị HT Ngọc ép và Hoàng Lương dọa phải viết xong bài về lớp VL77 rồi nhờ Lương Thanh hướng dẫn cách post bài và vào các trang của mạng này tớ mới bắt đầu được đọc các bài của mọi người. Nhờ vậy mới biết Diệu Linh đã là bà nội và là tướng bà về hưu. Đọc bài tớ rất cảm động vì thấy rằng bạn Đức lớp tớ đã luôn là người ở bên, thấu hiểu và chia sẻ, động viên "bà sư cô" của mình (xin lỗi Linh vì đã gọi Linh như vậy trong bài viết về lớp mình).Chưa lần nào hop lớp VL77 mà có Linh tham dự được, chỉ có LK Thanh. Lần này có hội du xuân vào 3/4, Đức và Linh có ra được không?



Từ: HanhLT
05/12/2010 10:00:59

Linh thân


Chị rất tâm đắc với comment của Ngọc, bây giờ XH có những thay đổi lớn về đạo đức, việc giữ được nề nếp đối với cha mẹ, ông bà, thầy cô, đồng nghiệp..kho còn như xưa nữa...hy vọng, trong XH KGU thu nhỏ mọi người vẫn mãi mãi 'chuẩn".


Khi nào cháu em bập bẹ tập nói và bắt đầu nhận thức được mọi việc xung quanh, em sẽ thấy cuộc đời kho có gì đẹp hơn thế, chị đang mong mà con trai còn chưa chịu lấy vợ đây. Mong sớm có dịp gặp lại em. 



Từ: LinhND
25/11/2010 19:43:16
Cám ơn ACE đã chia sẻ và động viên các nhà giáo và đặc biệt là hoàn cảnh của tôi.
Cứ để cho hình ảnh đẹp đọng mãi trong ký ức, nỗi tủi phận của nhà giáo-cơn ác mộng sẽ mau tan.


Từ: NhuanNT
20/11/2010 17:56:28
Chúc mừng các nhà giáo nhân dịp 20/11. Nhưng mà về hưu thì có gì mà buồn hả Linh ơi. Có cháu để trông nom, được làm những việc mà mình thích. Ai cũng nói: phải đi làm, giá mà được nghỉ...Bây giờ mới được nghỉ, chơi cho khỏe. Cứ yêu người đi, cậu sẽ chẳng bao giờ buồn đâu.Chép tặng cậu mấy câu thơ này, của một nhà sư:
Niềm an vui vẫn luôn có thật
Như bát cơm thanh đạm dưa cà
Gỉan đơn thôi người đừng đánh mất
Bỏ công đi tìm hình bóng đâu xa.


Từ: HuyenBT
19/11/2010 23:56:56
Chị Linh ơi, nếu có điều để mơ ước cho "lần sau', thì em ước mình sẽ là cô giáo.Suốt tuổi thơ,em luôn thấy mình sẽ đứng trên bục giảng.Cũng có thể những vui, buồn,hạnh phúc, dằn vặt của ba, mẹ em trong suốt cuộc đời làm nghề giáo đã cho em sống chỉ trong một mối quan hệ:tình thầy trò.Ngày ấy tình cảm ấy giản dị,mà trong sáng lắm.Học trò chỉ vừa nghe tin được nghỉ học, vì cô giáo ốm,đã reo ầm lên, rồi chạy ào ra khỏi lớp như ong vỡ tổ, nhưng chỉ đến buổi chiều thì đã thấy chúng tập trung đầy ở nhà cô giáo, với bao nhiêu là quà thăm hỏi.Và khi cô giáo bảo chúng mang quà về mà ăn, thì chỉ cần ra đến ngõ,đã thấy chúng ngồi thụp xuống chia nhau mấy quả cam, quả chuối, ăn ngay,không ngần ngại.
Cái thời ấy thật thanh bình và trong sáng.
Mặc dù chị là cô giáo "miễn cưỡng",nhưng quả thật chị có tố chất làm giáo đấy, không phải chỉ ở cái giọng"sang sảng" như anh Đức nhận xét đâu, mà ở chỗ, chị luôn nhớ lại, hồi còn là học trò thì chị muốn điều gì ở cô giáo. Người Thầy, trước hết là một nhà tâm lý giỏi.Em cũng thích được làm học trò của chị lắm!
Em xin được chúc mừng tất cả các anh chị đã từng là nhà giáo.Đúng , đó là nghề Cao quý nhất trong các nghề Cao quý. Sản phẩm của nó là Con người(s bolísoi bukvoi).


Từ: ChiNB
17/11/2010 22:02:52
Ba mẹ và em gái của chị cũng là giáo viên, thật tiếc là mình lại không theo nghề truyền thống của gia đình. Đến bây giờ, khi bà đã hơn 80 tuổi vẫn còn những học sinh tóc bạc phơ,có khi còn già hơn bà đến thăm, những học sinh đã học bà từ thời KC chống Pháp. Làm nghề giáo có ích lắm Linh ạ, nhất là những nhà giáo theo đúng nghĩa của nó. Chúc mừng Linh và các nhà giáo của KGU nhân ngày 20/11 sức khỏe, hạnh phúc.


Từ: NgocNT
17/11/2010 21:28:26
Em thì lại nghĩ, giáo viên khi về hưu là hay nhất vì đầu óc rất nhẹ nhàng, nhìn lại chỉ thấy mình là người có ích cho xã hội, ít nhất là cho "một số người" đã ở trên "chuyến đò" mà mình chở qua sông! Ẩm ương nhất có lẽ là làm các nhà "quản lý" hiện nay vì nghĩ đi nghĩ lại, bao nhiêu năm rồi mình cống hiến mà vẫn chưa có gì thay đổi cả, có khi lại bị đau đầu thêm! Bố em cũng đã từng là nhà giáo, chỉ dạy môn Chính trị thôi, vì thời xưa cụ học tiếng Trung, ở Trường chuyên ngữ sư phạm có thời không học tiếng Trung nữa. Sau đó bố làm "nghề" tổ chức, chuyên phân công học sinh đi các nơi làm việc. Cuối những năm 90, bố em vẫn làm tổ chức nhưng luôn tìm mọi cách giúp, người càng nghèo ông càng ra sức giúp, giúp không công, giúp một cách tự nguyện, lấy đó làm lẽ sống cho mình. Khi ông mất, có những nhà đi cả nhà (cả vợ chồng con cái đến viếng)! Ông không phải "ông cả, bà lớn" nhưng số vòng hoa lên tới hơn trăm, với hàng trăm lượt người đến viếng. Đời người đến lúc nhắm mắt mới thấy giá trị thế! Em nghĩ, giáo viên hay ai cũng vậy thôi, nếu ta làm đúng và lại đúng với lương tâm một con người thì không có gì đáng buồn, đúng không các anh chị em KGU!?!


Từ: KhanhT
17/11/2010 17:58:31
Chúc mừng cô giáo Linh và tất cả các nhà giáo người KGU nhân ngày 20/11, mình là đích tôn của mấy đời nhà giáo, thầy đồ nên mình hiểu những cảm xúc, những suy tư, tình cảm của người thầy như thế nào, và rất bồi hồi nhớ lại những ngày kỷ niệm năm xưa Ngày nhà giáo quốc tế - nhà giáo Việt Nam ở trường và ở nhà mình khi đọc bài viết của Linh. Mỗi năm đến Ngày nhà giáo hoặc ngày Tết thường có mấy cụ già chống gậy – cựu học sinh Trường Collège de Vinh đến thăm nhà mình, mặc dầu Thầy mình đã đi xa lâu rồi. Tình cảm thầy trò của người Việt Nam ta thật sâu đậm, là truyền thống của dân ta. Và thật vui mừng người KGU ta vẫn tiếp nối ngày nay.


Từ: TuyetHA
17/11/2010 16:50:41
Trưa nay cơ quan điện thoại mời mình dự liên hoan thân mật nhân ngày Nhà giáo VN-20/11 (mình đã bắt đầu nghỉ chờ hưu từ 1/7/2010). Chả là trước khi về Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga làm việc, mình cũng đã có 10 năm (1979-1988) làm công tác giảng dạy tại HVQY. Hồi mới tốt nghiệp về nước mình được phân công về làm việc ở Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ cùng Thúy Hoa. Năm 1979 khi xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc, mình được điều động sang phục vụ quân đội theo lệnh Tổng động viên, thế là trở thành cô giáo và sĩ quan quân đội. Môn mình giảng dạy là Sinh lý Lao động quân sự thuộc khối Y học Quân sự. Sinh viên năm thứ 5 mới bắt đầu học môn này, vì thế khi mình dạy "chúng" đã "già" lắm rồi, mà lại là sinh viên-bộ đội nữa, nên câu"nhất quỷ,nhì ma, thứ ba học trò" so với chúng xem ra còn nhẹ. Về Học viện mình còn khá trẻ, là một trong những giáo viên trẻ nhất của Học viện và là giáo viên trẻ nhất của Bộ môn nên hay bị học trò trêu trọc (ở HVQY lúc đó có khá nhiều sinh viên đã từng phục vụ trong quân đội rồi mới đi học), tất nhiên là ngoài giờ học và giả vờ không biết đấy là cô giáo. 10 năm, không dài nhưng cũng đầy ắp kỷ niệm. Công việc chuyên môn của mình ở HVQY cũng như ở TTNĐ Việt-Nga, luôn gắn chặt chẽ với những chuyến công tác dã ngoại tại các đơn vị quân đội. Ở rất nhiều đơn vị mình gặp được học trò cũ là cán bộ phụ trách QY. Nhiều người mình chẳng nhớ (hồi đó HVQY dạy khá nhiều đối tượng: sinh viên chính quy, chuyên tu, cao đẳng, chuyên khoa, Sinh viên Lào, Cămpuchia...) nhưng anh em tự giới thiệu và giúp đỡ cô và đoàn công tác rất nhiệt tình thành ra công việc khá suôn sẻ. Sau này, khi không còn là giáo viên của HVQY nữa nhưng hàng năm mình vẫn được mời tham gia giảng dạy cho phân hiệu của Học viện tại TP. HCM nên vẫn có điều kiện gắn bó với bục giảng trong suốt hơn 30 năm qua, chưa bị "mất dạy". cơ quan mình làm việc sau này-TTNĐ Việt-Nga, có nhiều cán bộ đã từng là giáo viên của các Học viện trong quân đội như HVQY, HVKTQS, HV Hậu Cần...nên năm nào cơ quan cũng tổ chức kỷ niệm ngày Nhà giáo VN cho những ai đã từng làm công tác giảng dạy. Đó cũng là một truyền thống rất đẹp mà ít có đơn vị nào làm được.
Nhân ngày Nhà giáo VN xin gửi lời chúc mừng chân thành nhất tới tất cả ACE KGU, những ai đã và đang làm công tác giảng dạy, một trong những nghề cao quý nhất của nhân loại. nhân ngày này tôi cũng chợt nhớ tới câu chuyên của bạn Châu HM, một cựu SV KGU HCMC trong đợt đi dã ngoại tại Thác GĐ vừa qua. Châu là người am hiểu khá sâu sắc về tiếng Việt. Trong câu chuyện của mình, Châu giải thích nghĩa kép của khá nhiều câu rất quen thuộc với chúng ta, nhưng hiểu cặn kẽ nó thì không được mấy người. Ví dụ câu "Tôn sư, trọng đạo". Xưa nay người ta vẫn nghĩ câu nói này dành cho học trò và gần đây dư luận xã hội vẫn cho là thời buổi bây giờ học trò rất kém trong việc"tôn sư, trọng đạo". Nếu hiểu đúng thì câu này có 2 vế, vế tôn sư là dành cho học trò, học trò phải tôn kính thầy, còn vế thừ: trọng đạo là dành cho thầy, thầy phải giữ đúng đạo của người thầy. vì vậy đừng chỉ có trách trò là không"tôn sư, trọng đạo". Trong tiệc cưới con gái Hồng-Công vừa rồi, mình ngồi cạnh Kim Anh, vợ bạn Trự-CL-77, giáo viên một trường PT tại TP.HCM, gười cũng được nghe câu chuyện của Châu trong buổi dã ngoại hôm nào,Kim Anh tâm sự: câu chuyên của anh Châu về câu chữ hay thật chị ạ, hôm nọ em tổ chức một buổi ngoại khóa cho lớp em, em giải thích câu này cho học sinh, các em tỏ ra rất thích thú. Như vậy muốn được trò "tôn sư" thì trước hết thầy phải "trọng đạo". Mình tin rằng tất cả ACE KGU, những người là "sư" đều rất "trọng đạo".



Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s