Tâm sự bà giáo về hưu
Đang dự đám tang đứa cháu thì cô bạn dạy cùng bộ môn điện thoại hỏi: L có được mời dự tiệc của bộ môn không? Chưa thấy ai mời, tôi đáp. Tiếng lẩm bẩm từ đầu dây bên kia: Bọn này láo, lại quên (ám chỉ bộ môn).
Trở về sau khi tiễn đứa cháu, hưởng dương 29 năm, tôi mới sực nhớ sắp tới 20.11, ngày nhà giáo Việt Nam.
Tôi vào ngành sư phạm là do hoàn cảnh đưa đẩy. Hai đứa lấy nhau năm 1979, nhưng vẫn kẻ Nam người Bắc cho đến 1988. Khi điều kiện “xum họp” đã có, thì nảy sinh vấn đề: Tôi chuyển công tác vào đâu? Thôi về trường anh dạy tiếng Nga, đang thiếu giáo viên lắm. Anh sẽ tác động chắc ổn thôi. Chồng tôi đề xuất. Phụ nữ có gia đình tốt nhất làm giáo viên, có nhiều thời gian chăm sóc con cái, chị hàng xóm, giáo viên đại học dược khuyên.
Vậy là tôi thành cô giáo dạy tiếng Nga, đại học Bách khoa, tp Hồ chí Minh.
Tôi theo chồng vào đầu tháng 9.1988, thì nhận dạy ngay 4 lớp. Buổi đầu tiên, tôi cũng bình tĩnh lắm vì tin vào khả năng chuyên môn khá vững của mình, chả là tôi có 10 năm thâm niên học tập và làm việc tại Liên xô cũ. Chồng tôi lén đứng bên ngoài, theo dõi tôi lên lớp. Về nhà, anh khen tôi có giọng nói “sang sảng” có tố chất của cô giáo.
Con lớn tôi khi đó vào học lớp một, tôi mang thai cháu thứ hai. Gia đình sống trong khu tập thể giáo viên ngay sát trường, nên tôi hoàn toàn chủ động được thời gian. Đúng là ai có gia đình nên chọn nghề sư phạm, đặc biệt phụ nữ có con nhỏ.
Tôi không xin dạy các lớp sớm, bắt đầu 6g30 và lớp muộn, kết thúc 17g45. Tôi đủ thời gian đưa đón con đi học và chợ búa cơm nước hàng ngày.
Sinh viên lớn, tự học là chính, nên tôi không khổ công như giáo viên phổ thông; Họ phải nhồi kiến thức, thậm chí thức cùng học sinh lo cho chúng thi đậu chuyển cấp: lớp 5, lớp 9 và đặc biệt là tốt nghiệp lớp 12.
Sinh viên từ khắp nơi, trình độ ngoại ngữ cũng “tứ xứ”. Nghĩ lại thấy tội nghiệp cho chúng phải học thứ tiếng khó vào loại nhất nhì. Khó về văn phạm, khó về chữ viết. Thầy trò như đánh vật trên lớp. Nghĩ lại thời tôi học cấp 3 (1969 -1971), suốt ba năm học tiếng Nga, chữ thầy trả thầy, nên tôi thương sinh viên nào gặp khó như tôi. Cứ nhè vào vấn đề hóc búa mình từng gặp hồi phổ thông, và những khoản làm chúng rối bời mà gỡ. Lại rất yêu tiếng Nga nên tôi “vận động” chúng phải yêu tiếng Nga để “giỏi” như tôi, hoặc giả vờ yêu tiếng Nga mới nuốt nổi nó, hòng thi đậu.
Cũng may tụi tôi toàn tổ chức thi vấn đáp, sinh viên thấy tự tin hơn vì yếu quá lại có câu hỏi phụ như biếu điểm.
Năm 1991, Liên xô tan rã, tiếng Nga cũng từ từ nhường vị trí cho tiếng Anh. “Bứt ili nhe bứt?- Tồn tại hay không tồn tại?” Tôi quyết định học hệ đại học mở ngành tiếng Anh khi sang tuổi 38, hy vọng được tiếp tục làm cô giáo. Vừa dạy tiếng Nga, vừa học tiếng Anh mà trong lòng rối bời. Sinh viên buồn khi phải học Nga văn, còn cô buồn vì phải học Anh văn. Lúc đầu tôi tự nhủ phải học chuyên cần vì sẽ “câu cơm” bằng NÓ, dần dần tôi cũng yêu NÓ và tốt nghiệp loại khá.
Đúng lúc đó, bộ môn Nga văn sát nhập với bộ môn Anh văn, giáo viên tiếng Nga trở thành giáo viên tiếng Anh. Ai trong hoàn cảnh tương tự sẽ buồn tủi khi một vài đồng nghiệp thiếu tế nhị tỏ ý không tin tưởng tụi “hai hệ” như chúng tôi. Tôi thường động viên chị em: Mình kém họ về chuyên môn là tất yếu, chịu khó“cày sâu cuốc bẫm”sẽ theo kịp, chứ trình độ hiện có vẫn dư để dạy. Tôi thầm cám ơn tiếng Nga đã giúp tôi đắc lực nhằm trau dồi tiếng Anh. Chồng tôi khuyên: Nhân đà này (khi vừa tốt nghiệp), em hãy đăng ký học tiếp cao học tại chỗ do đại học Victoria, Úc chiêu sinh. Học phí tuy rất cao nhưng bản lĩnh chuyên môn sẽ trội. Tôi nghe anh, rủ thêm đứa bạn đàn em cùng thi tuyển. Chúng tôi đậu. Vào học mới ngã ngửa chỉ 20% học viên là chuyển hệ giống tôi. Tôi âm thầm theo học, kẻo người xấu miệng lại dè bỉu trèo cao. Tôi xin nghỉ hẳn dạy Nga văn, chuyên cần học tập, có môn tôi được điểm cao nhất lớp, đấy là do bà giáo phê: the best of 24. Vui thì ít mà hãnh diện thì nhiều, chả gì cũng là cựu sinh viên KGU, khó hơn nhiều còn học nổi, nhằm nhò gì “ba cái lẻ tẻ”. Năm 1998, tôi là Thạc sĩ giảng dạy tiếng Anh, rồi tiếp tục dạy đến 2009 và hiện nay là bà giáo về hưu.
Về hưu ai cũng bảo sẽ buồn, tôi cũng sợ buồn nên xin dạy 2 lớp. Dạy được hai tuần thì tôi trả lớp với lời xin lỗi do không yêu nghề nữa, hết yêu tiếng Anh luôn.
Thế là tôi bỏ nghề sau hơn 30 năm gắn bó, cũng kịp có “Huy chương vì sự nghiệp giáo dục”.
Khác với một số nghề, sản phẩm của chúng tôi là CON NGƯỜI CÓ TRI THỨC. Chính “tri thức” cộng với tính nhân văn làm nên nét đẹp của ngành sư phạm.
Tôi không sao quên được sinh viên mình từng dạy dỗ. Chúng tinh tế và tình cảm lắm. Chúng kéo đến chúc Tết và năm sau, không học Nga văn nữa, vẫn tới nhà gửi hoa mừng ngày Nhà giáo. Tôi nhiều lần rớt nước mắt khi có lớp xin phép tôi được nghỉ sớm và mời tôi nán lại. Chúng hè nhau xếp lại bàn ghế, đặt vội bịch kẹo bánh lên bàn, kính cẩn mời cô vào dự liên hoan với lý do sắp đến ngày 20.11. Cô trò nói chuyện rôm rả, tôi hiểu thêm chúng, khát khao có tri thức để thoát nghèo. Rồi có lớp xin phép tôi trước giờ vào học cho chúng hát mừng cô tuy ngày nhà giáo đã qua từ hôm trước. Ngồi nghe chúng say sưa hát, với lời hát trên tay tôi thổn thức: Cám ơn các em nhiều lắm vì tình cảm chân thành. Nó sẽ giúp tôi yêu nghề hơn, tôi nói bằng tiếng Anh với chúng. Bó hoa đặt trên bàn đang khoe sắc, tôi cầu chúc các em sớm tỏa hương cho đời và kết trái thành đạt.
Thông thường vào đúng ngày 20.11, nhà trường tổ chức lễ kỷ niệm, những ai có giờ hôm đó vẫn lên lớp như thường. Lần nọ, sau khi dự lễ tôi trở về bộ môn, thấy một bông hồng đỏ ngay ngắn trên bàn. Một cô sinh viên học chị năm trước gửi tặng, cô đồng nghiệp giải thích. Cầm bông hồng, tôi thấy mẩu giấy bên cạnh: thưa cô em là … sinh viên năm … chúc cô mãi tươi như hoa và dạy dỗ chúng em nên người. Cảm giác tê tê nơi sống mũi truyền lên làm ướt nhòa mắt, tôi đọc vài ba lần dòng chữ ngắn ngũi đầy hàm ơn của EM. Về nhà chồng tôi chia sẻ: Cái quí nhất, đáng trân trọng nhất là khi trò nhớ tới thầy giáo cũ. Tôi càng thấm thía cảm giác hạnh phúc trào dâng của cô Irina Stepanovna khi sang thăm VN năm 2010 theo lời mời của sinh viên lớp đầu tiên. Hồi đó tôi cũng vậy, sinh viên đã hiểu và yêu quí tôi. Lại có hôm nhận được tin nhắn chúc mừng 20.11, tôi nhắn lại: xin lỗi, cho biết quí danh. Lát sau tin trả lời: Em là … em học cô năm …. Em rất thích cách truyền đạt của cô. Tôi không nhớ nổi cô bé, nhưng thỉnh thoảng cô trò vẫn trao đổi qua tin nhắn với nhau. Và còn nhiều nữa các sinh viên hiếu học, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tìm đến tôi nhờ phụ đạo. Tôi thường bảo chúng: quà các em tặng cô nhân ngày lễ không giá trị bằng các câu hỏi các em đưa ra nhằm có thêm kiến thức. Đứa nào học yếu, mỗi buổi học tôi bắt chúng phải hỏi 3 câu, hiểu rồi cũng gắng hoàn thành định mức. Đôi khi tôi còn tấu hài cho chúng vui, hoặc chuyện rằng: có sinh viên vừa tốt nghiệp được trả lương cao ngất nhờ giỏi tiếng Anh. Tóm lại tôi tìm mọi cách cho chúng “tiêu hóa” tiếng Anh để chí ít cũng thi đậu và còn cái mà nhớ.
Nhiều trò sau này trở thành đồng nghiệp cùng trường. Có lần cùng đi dạy dưới Kiên giang, miền Tây Nam bộ, em H, khoa Điện-Điện tử kể lại kỷ niệm khi còn học tiếng Nga. Hồi đó cuối mỗi bài học tôi thường yêu cầu sinh viên dịch bài đọc. Chúng thay nhau lần lượt dịch từng câu, do vậy có thế đoán được câu nào tới lượt mình. Th, sinh viên chăm giỏi, bất ngờ bị mời dịch do tôi đổi chiến thuật “lần lượt” bằng “ngẫu hứng”. Đúng là “nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò”, cậu ta khăng khăng nói chưa phải lượt. Tôi phải dùng quyền cô giáo mới cự lại được. Và giờ nó thành kỷ niệm mỗi khi chúng gặp nhau. Em V, khoa Hóa lại kể: Cô là giáo viên đầu tiên và duy nhất cho tụi em nghe bài hát và hát bằng tiếng Anh. Ấn tượng lắm cô ạ. Trong tôi còn đầy ắp kỷ niệm vui với trò của mình.
Dạo này, xã hội ngày càng phân hóa thì con người hình như cũng phân rã thành phần con và phần người, mà con có vẻ lất át người. Ở bộ môn tôi cũng vậy. Hiếm thấy chuyện đồng nghiệp giúp nhau chân tình, mà chỉ thấy “soi” nhau, bằng mọi cách hạ nhau miễn cho mình hưởng lợi. Cái TÔI, kiểu sùng bái cá nhân, được lấp liếm bằng luận điệu vì sinh viên. Có mà bỏ mặc sinh viên thì có, họ dạy cái (tiếng Anh) sinh viên học ở đâu cũng được vì ngại đầu tư vào giáo trình mới phù hợp với sinh viên của trường. Người ta thường bắt công chức “khai” ra có tham nhũng gì không. Tôi trộm nghĩ giáo viên trường này có gì mà tham nhũng, tiền giảng dạy nhiều khi còn bị trường nợ. Có chăng là “tham nhũng lòng tin” của sinh viên.
Sinh viên chán chường vì nhai lại tiếng Anh, trình độ có khi còn thấp hơn phổ thông. Chúng lên lớp mà tâm trí “treo ngược trên cành cây”, ra khỏi lớp thấy cô cũng quên chào hoặc giả bộ không thấy. Tôi cũng sợ gặp sinh viên mình còn nhớ mặt, chỉ sợ nó tỉnh bơ thì mình lại buồn. Tôi càng sợ có giờ dạy vào đúng ngày G, 20.11 vì lên lớp hoặc chẳng có ai, hoặc vài ba đứa ở lại xin phép được nghỉ. Tôi cũng ngán khi thấy các em không tha thiết mà mình cũng hết thiết tha. Lại càng bực vì phải dạy cái người ta không cần. Lực bất tòng tâm, lại thuộc tip người: không nói không chịu được nên tìm cách rút lui có trật tự.
Thế là tôi thành bà giáo về hưu một cách tròn trịa. Về hưu mà không kịp buồn vì có studentkgu, ngươikgu, hcmkgu và nhiều nhiều kgu nữa. Nơi đó tôi lại thấy CON-NGƯỜI không tách mà còn quện vào nhau như một chính thể. Không quen thành quen, quen ít thành nhiều, quen nhiều thành mật thiết như ruột thịt. Chúng tôi đã từng bỏ dự đám cưới bên họ hàng để tới dự đám cưới của cháu có họ là KGU, mà không thể chỉ vợ hoặc chồng tham dự. Tới để thấy nơi đây bình yên, không đòi “chia” như câu chuyện mà em Ch. hay nhắc tới trong chuyện vui thường kể, nhưng “chia sẻ” lại rất nhiều.
Tp HCM, chiều thu 16 Nov, 2010
Người post: LinhND
Ngày đăng: 16-11-2010 17:05
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 11 - 20 của tổng số 26 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |