KGU News >>Người KGU >>Chúng ta
KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 20 Tháng mười một. 2010

CÁI MÙI CỦA MÔI TRƯỜNG




Tác giả: NhuanNT

 

 Tôi đang sống ở một chỗ mà vấn đề về môi trường cũng luôn là vấn đề nóng bỏng, chỉ có điều họ có ít hội nghị về môi trường lắm. Tôi là thường dân thôi, nhưng tôi thấy gì thì viết thế. Mong không phật lòng ai.

  Chuyện Nhà nước : Tôi cho là quan trọng nhất. Một đất nước dơ dáy, bụi bậm, độc hại hay thơm tho sạch sẽ và gọn gàng là do nhà nước. Ở đây, bất kể một khu dân cư mới nào cũng phải qui họach phù hợp với luật môi trường và an sinh xã hội trước. Nghĩa là làm hệ thống hạ tầng trước (đường xá, hệ thống nước thải, nước uống, công viên, khu dịch vụ..) rồi mới chia lô, bán đất xây nhà. Luật môi trường được đưa ra không trừ một ai. Và chủ yếu là dành cho các doanh nghiệp. Luật để bảo vệ môi trường và như thế là bảo vệ con người và tương lai của con người.

  Chuyện của Ủy ban quận, huyện (local council). Họ chỉ có một việc quan trọng là giữ cho khu vực của họ sạch, đẹp, an tòan, người dân an vui. Họ không giỏi để quản lý cả cơ quan cảnh sát, cơ quan pháp lý, giáo dục, giao thông, y tế vv. Bởi vậy nhiệm vụ của họ là cung cấp cho mỗi nhà 3 thùng rác to (cỡ 500 l): một cái đựng rác thường (general), một cái đựng rác tái sinh (chai lọ nhựa, thủy tinh, giấy các lọai..)và thùng rác xanh (chứa cac lọai cỏ, cây xanh trong vườn bị cắt bỏ có thể dùng làm phân hữu cơ). Một tuần một lần gom rác thường, vài tuần một lần gom rác khác. Luật xả rác nghiêm lắm. Ai mà vứt đồ ra đường là bị phạt. Tuy nhiên ý thức tự giác vẫn là hạng đầu.

 Hàng năm vẫn có ngày gom rác của các cháu thiếu nhi và của những người  thiện nguyện. Council  còn có trách nhiệm dọn vệ sinh các lò BBQ và toilets trong các công viên. Tôi đã đi một vài nước khác, nhưng chẳng ở đâu hệ thống toilet công cộng lại nhiều, sạch (luôn có giấy vệ sinh) và không mất tiền như ở Úc. Bù lại, chúng tôi phài đóng council rate (thuế nhà, theo cách gọi của chúng tôi) rất cao, như nhà tôi phải đóng 1300 A$/ năm. Họ còn có nhiệm vụ trồng cây và chăm cây ven đường, trong công viên, chăm sóc các bãi cỏ cho các sân vận động nhỏ trong các công viên và khu dân cư. Council cũng là nơi xét duyệt dự án xây dựng, thay đổi kết cấu nhà… Tất cả là làm sao cho khu dân cư đồng bộ, sạch đẹp, vừa lòng dân và phù hợp với sự phát triển lâu  dài.

 

  Ý thức người dân.

  Tôi còn nhớ lâu lắm rồi (gần 30 năm), tôi đi tắm ở Sầm sơn  và rất ngạc nhiên tại sao người dân ở đây lại ị bậy ở mọi chỗ như vậy. Ai cũng như vậy thành ra chỗ nào cũng như nhà xí, mình phải ngửi phân của mình, rồi của người khác. Và người khác cũng phải ngửi phân của mình, thành ra mình phải ngửi nhiều đến con số nhân của những gì mình thải ra.  Hồi đó tôi nghĩ “ con mèo cũng còn biết dấu cứt …”.

  Thế rồi càng ngày rác càng nhiều lên, Ở thành phố, một số nhà vứt rác ra đường thản nhiên. Về nông thôn thì …hai bên đường cái phấp phới các bao rác, tôi nghĩ “cái tốt chưng ra, xấu xa đậy lại cơ mà …”

  Khi tôi sống ở Úc, trở về thăm nhà mới thấy cái sự khập khễnh rõ ràng hơn. Ở Úc thì anh bày vẽ gì trong nhà cũng được, ở bẩn thế nào cũng không ai can thiệp (trừ trường hợp anh thuê nhà mà ở bẩn làm hỏng nhà). Anh treo cờ nào cũng được, thờ ông nào cũng tốt miễn là đừng phạm luật, làm ảnh hưởng đến người khác. Tuy vậy trước nhà anh mà lộn xộn, bẩn thỉu làm ảnh hưởng đến cảnh quan chung thì không được. Nếu muốn vất đồ trong nhà đi mà đồ quá to không bỏ thùng rác được thì phải gọi điện cho council, hẹn ngày họ đến lấy và hẹn ngày mình được mang ra trước cửa, bên lề đường, làm sao để không ảnh hưởng đến người đi lại. Rác có chỗ qui định, nếu có điều kiện, thuê  rơ mooc kéo đồ đến đó mà vứt.

 Chúng tôi  vẫn dùng xô để gom nước rửa rau mang ra vườn tưới. Vẫn nhắc các cháu tiết kiệm nước, tiết kiệm điện là bảo vệ môi trường.

 

Người Hà nội , người Sài gòn ăn mặc đẹp đẽ, đầu tóc bóng bảy. Tôi phục lắm. Chỉ có điều xung quanh chỗ họ ở thì không được đẹp đẽ và bóng bảy như thế. Chỗ đông người, giữ sạch là khó. Tuy nhiên tôi cho rằng họ chú ý trang điểm cái mặt của mình mà không chú ý đến cái mùi họ để lại ra sao. Người Sài gòn đẹp thế mà cái mùi kênh Nhiêu Lộc khi nước ròng qua cầu Công Lý cứ váng vất trong tôi. Bây giờ con kênh ấy đã khác nhiều do sự quan tâm của chính quyền thành phố và rất nhiều tiền.

 Phải nói thêm một điều bí mật nữa: Cái thói ăn ở của mình nó có  trong máu của mình rồi. Trên một chuyến bay về VN bằng Vietnam airlines tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy cái bãi rác ( đúng là bãi rác) dưới ghế ngồi của  hành khách (chủ yếu là người Viet) khi họ rời máy bay. Và một lần về nước, đi tàu cánh ngầm từ SG ra Vũng tàu, tôi tò mò và đã chụp trộm vài pô ảnh về một cặp vợ chồng trẻ, với đứa con trai 3-4 tuổi, họ ăn mặc vô cùng mốt, vẻ cũng khá sang trọng, mặt mũi đẹp đẽ và xả rác đầy dưới chân, xả rác với thái độ vô tư rất dễ thương. Không biết ở nhà họ, họ có làm thế không?

 

Cái mùi quan trọng lắm, bởi vậy ông bà ta dạy: "đói cho sạch, rách cho thơm…”

Mình diện bảnh bao thế mà ….

 

 


Người post: NhuanNT

Ngày đăng: 20-11-2010 15:03






Xem 1 - 10 của tổng số 26 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: NhuanNT
19/01/2011 07:22:23

Chị Chi ơi, chỉ tiếc là có rất nhiều cơ quan tham gia quản lý môi trường, nhiều viện, nhiều tiến sỹ, giáo sư, thạc sỹ.. nhiều hội nghị, nhiều cuộc trao đổi, thảo luận với nước ngòai. 'Nông dân' thất học đâu có ngồi đó chị ơi.


Hơn nữa hàng ngũ lãnh đạo mình cũng tòan có bằng tiến sỹ cả đấy, chẳng kém ai đâu.


Nhưng em cứ tự hỏi: ta thiếu cái gỉ?



Từ: KhanhT
04/12/2010 18:21:36

3Chai nói: "Hãy đặt một câu hỏi duy vật: ý thức (người dân) kém xuất phát từ hiện thực nào?".


TuyetHA bảo: “Ngày ấy thì bà tôi chẳng biết đến khái niệm môi trường, nhưng bà tôi thường bảo ngày xưa HN sạch lắm, làm gì có chuyện đái bậy, ỉa bậy, vứt rác lung tung ra đường như bây giờ… Cho đến nay dân HN gốc còn được bao người?... HN bây giờ người tứ phương tụ lại, nhất là sau khi HN được mở rộng…”   Oan cho người nhà quê quá, tớ nghĩ đó là do phong hóa – trào lưu văn hóa theo thời, chứ chẳng phải người gốc hay không gốc. Bà nội TuyếtHA chắc nói đến HN thời min-đơ min-toa cũng nên, nhưng năm 73 lần đầu tiên tớ về HN thì HN vẫn sạch lắm, nên thơ lắm, cho nên TH mới có câu “tiếng chổi tre đêm hè quét rác”, bây giờ người ta quét rác vào giờ tan tầm! Vì người quét rác là công nhân, họ làm chủ mà, họ quét lúc nào tiện cho họ là họ quét.


Còn cái thứ “rác mắt” mà Nhuận và mọi người nêu ra cũng vậy. Ta bây giờ thì tương đương những năm 65-70 ở Singapore hoặc Thái lan 80-95 gì đó, thu nhập quốc dân của ta năm nay mới được 1100USD. Nhưng họ lúc đó chưa “dân chủ” như ta bây giờ. Mà ta thì chưa biết làm theo luật là gì thì đã “dân chủ” (quá trớn) hết mức lại cộng thêm tinh thần “làm chủ” vốn sẵn của người VN rất Chí Phèo nữa nên khó bảo, chị Nở ạ. Cho nên tuyên truyền vận động khó vào. Túm lại vẫn là chưa học bắt chuột đã … bếp rồi, làm sao mà văn minh được ngay đây.





Từ: ChiNB
01/12/2010 14:32:41

Thanh ơi, phong trào BVMT vẫn cứ "liên tục phát triển" đấy chứ. Cách đây mấy tháng, HN có "Ngày không dùng túi nilon" nhưng chỉ đúng 1 ngày và chỉ tại các siêu thị, còn ở các cửa hàng nhỏ và chợ thì túi nilon vẫn muôn năm. Ngày hôm sau, siêu thị lại dùng túi nilon, phong trào đặt ra để làm gì. Sáng nay đi công tác HB, khi ngồi ăn phở với một người làm về MT nhưng sau khi ăn xong, người kia vứt luôn giấy lau xuống đất mặc dù dưới gầm bàn đã có giỏ đựng rác. "Ngu lâu khó đào tạo". Tất cả ở cách giáo dục và quản lý thôi, cho người nông dân quản Lý Thành phố thì làm sao phố "có mùi của môi trường" được.



Từ: ThanhLK
29/11/2010 15:00:35
Đọc bài của bạn Nhuận tôi thấy nước Úc quả là có nhiều kinh nghiệm quản lý môi trường khu đô thị mà Việt nam cần học tập.
Hà Nội của chúng ta ngày xưa sạch đẹp, người Hà Nội xưa (và nay vẫn còn nhiều người như vậy) luôn thanh lịch chứ không "vô tư xả rác" ra đường. Hà nội ngày nay phát triển kéo theo nhiều dân cư từ mọi miền về sinh sống và làm việc. Việc quản lý môi trường là của nhiều cấp, nhiều tổ chức và sự đóng góp của nhiều người, của từng người. Tiếc rằng đây đó vẫn có một số người còn thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh chung, để mọi người, nhất là khách nước ngoài khi đến thăm Việt Nam nhìn thấy sẽ mất thiện cảm.
Nhân bàn về môi trường tôi thấy: rác, bụi và bẩn chỉ là một trong các vấn đề của môi trường, nó có thể tạo cảm giác khó chịu về mùi và ảnh hưởng mỹ quan đô thị như bạn Nhuận đã nêu. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là bảo vệ để môi trường bền vững cho con cháu chúng ta sau này: không phá rừng; không khai thác tài nguyên bừa bãi; không làm ô nhiễm các dòng sông và nước biển ven bờ; không sử dụng các vật liệu khó tiêu hủy và không tái chế được...
Hiện nay, ở Hà nội và nhiều thành phố tỉnh thành đang có những phong trào như: hạn chế sử dụng túi nilông; xả rác nơi qui định; phân loại rác cho xử lý; sinh viên và học sinh lập các đội thu gom rác dọc biển và sông... Tôi nghĩ đó là những dấu hiệu đáng mừng cho thấy nhiều cấp chính quyền và người dân Việt nam ở mọi miền đã bắt đầu có ý thức về việc góp phần bảo vệ môi trường chung.


Từ: NhuanNT
26/11/2010 05:41:16
Chuyện hay lắm T ơi.
Mình thì cho là nhà nước phải có chính sách tốt, phương pháp thực hành hiệu quả (tổ chức, đầu tư, giáo dục), luật pháp nghiêm. Nhưng cuộc 'cách mạng rác' này thành công được hay không phải là do dân mình, mà mỗi người (kể cả bọn mình) đều có bổn phận và trách nhiệm trong đó.
E he. Ếch ngồi đáy giếng nhưng thích bàn việc của trời, khổ thế.


Từ: TuyetHA
25/11/2010 22:48:03
Một nhà khoa học Nga-bà bạn khá thân làm việc cùng mình ở TTND Việt-Nga, lần đầu tiên được sếp phía VN mời đi ăn tối, bà ta háo hức lắm, chuẩn bị váy áo từ chiều. Sáng hôm sau đến cơ quan mình vừa mở miệng hỏi buổi tối hôm trước thế nào, bà ta làm cho một tràng: "Trời ơi hỏng hết cả cái váy trắng của tao T ạ". Sao thế? Tôi ngạc nhiên hỏi. Bà bạn giải thích:"Khi biết tao mặc váy trắng đi ăn, Natasha (một bà bạn cũng cùng làm nhưng ở VN khá lâu rồi) đã ngăn: "Đi ăn với ông này thì đừng mặc váy trắng". "Tại sao?". "Thì bảo đừng mặc, sao thì sau sẽ hiểu!". "Kệ, tao cứ mặc. Trong bữa ăn có món đùi gà chiên bơ, rất ngon, tao đang say sưa ăn thì bỗng thấy bụp! một cái gì đó văng vào chân mình. Khó hiểu quá, tao bắt đầu để ý. Bụp một cái nữa và tao thấy hình như tay sếp vừa kéo lên từ dưới bàn ăn (tao ngồi đối diện với ông ấy mà). Mục tiêu để theo dõi đây rồi,vừa nói chuyện như là rất vô tư, tao vừa quan sát sếp rất kỹ. Sếp vừa gặm xong miếng thịt gà , rất nhanh, tay sếp thò xuống dưới và tao thấy bụp một cái, thế là hiểu rồi, toàn xương gà ném vào chân mình. Tội nghiệp cái váy của tao loang lổ toàn vết dầu mỡ. Giá mà tao nghe lời Natasha, nhưng ai mà biết lại như thế chứ. Mà mày biết không ngay sau khi phát hiện ra, tao đã rất ý tứ lấy một miếng giấy ăn, trải phẳng phiu trước mặt và từng miếng xương gà nhằn ra tao để rất gọn gàng vào đó, ngay trước mặt ông ấy, như là làm ví dụ cho ông ấy thấy, vậy mà nhất quyết ông ấy không thèm để ý, cứ tiếp tục triển khai phương pháp ăn của mình". Nhìn bà bạn mắt, mồm tròn xoe, thao thao kể vừa buồn cười vừa ngượng. Câu chuyện này có thật 100% và xảy ra cách đây cũng hơn 10 năm rồi
Sếp của tôi là TS.Hoá học của ĐH danh tiếng nhất Nga-ĐHTH Lomonoxop và là nhà KH có rất nhiều công trình KH phục vụ cho công tác Bảo vệ MT. rất không may sếp chẳng phải người HN, cũng chẳng phải người SG. Phải chăng "thói ăn ở của mình nó có trong máu mình rồi". Mình cho không hẳn là như thế, nó phụ thuộc rất nhiều vào nếp sống, mà nếp sống thì cũng phải được uốn nắn, dạy dỗ ngay từ thủa còn thơ.
Nhuận ơi có gì đâu mà cậu phải xin lỗi mình. Mỗi người một cách suy nghĩ, mỗi người một cách thể hiện những suy nghĩ của mình. Chúng mình nói chuyện ở đây chia sẻ với nhau để vui là chính ấy mà. Còn để làm được cái gì cho xã hội cho đất nước vẫn cần có chỗ thể hiện là các "hội nghị" đấy Nhuận ạ.


Từ: LinhND
25/11/2010 19:26:00
Lần sau Nhuận về ghé chung cư mình đang sống để xem có mùi MT ko nhé.
đôi khi mình thấy hành lang sạch hơn trong nhà, phòng để rác thì ko có mùi mới lạ. Mọi người đa số đều yên lặng, tránh nói chuyện khi vào thang máy. Chắc họ học nhau, vì nếu vứt rác,khạc nhổ, nói to sẽ trở thành "ngoại lai". Và vì ai cũng thấy cần Sạch. Họ là ai, chắc Nhuận đoán ra.
Còn nông thôn có hẳn làng ngày xưa được gọi là cầu tõm,ra ao rửa 9 củ khoai lang thành 10, ko hiểu giờ còn không.
Nhuận không có lỗi vì cái cậu nêu ra là đúng, cậu chỉ nhìn hơi phiến diện và nặng tay thôi. Mong đọc khám phá nữa về VN của cậu, nhưng mềm mại hơn nhé.


Từ: NhuanNT
25/11/2010 07:51:25
Tuyết ơi, xin lỗi cậu nếu cậu phật ý.Bài viết nhỏ, làm sao nói hết được, thành ra như Linh nói, con sau làm rầu nồi canh, hay vơ đũa cả nắm.
Mình vẫn tin là ngày xưa ông bà mình ăn ở nề nếp sạch sẽ hơn. Mình cũng nghĩ là trong cái sự 'đi xuống' này cũng có phần trách nhiệm của mình trong đó.Ở đâu con người cũng thế cả, quản lý tốt thì xã hội trật tự hơn. Mình sống ở nhà thì cũng chịu như mọi người thôi, mà mọi người sống ở bên này thì cũng như bọn mình. Môi trường bên này vẫn là vấn để lớn cơ mà. Nếu thiếu sự quản lý tốt, những chỗ đông người như HN, SG, cái mùi được tập trung hơn, thế thôi. Mình đã nói là thói quen đó như ở trong máu của mình rồi mà. Cậu không biết chứ hồi mới sang đây, mình thấy hoa, trái cây ven đường tòan muốn đưa tay ra hái.Cây trong vườn người ta nhưng quả thì chìa ra ngòai đường, họ chẳng ăn nên đến mùa để chín rụng xuống đất. Tớ cũng đã hái như thế, đã lấy hoa ngòai đường một cách vô tư, nhất là ở các cuộc đi dạo trong rừng. Đến nỗi cứ thấy trái cây trước mặt là Hải kéo vội tớ sang bên kia đường.

Nhưng bài viết là những suy nghĩ về một vấn đề mà mình bức xúc, Mình không ám chỉ, không nói xấu. Mình chỉ muốn nói đến một sự thật, theo cách nhìn của mình.Sự thật thì ..nhiều khi mất lòng.

Chúng mình cùng quan điểm là mội trường hiện nay rất tệ, cần tìm nguyên nhân và thay đổi nó.

Cám ơn tất cả mọi người đã chia sẻ những bức xúc của mình.


Từ: TuyetHA
24/11/2010 00:39:24
Nhân kỷ niệm 1000 năm TL-HN, người ta bàn rất nhiều xung quanh chuyện HN xưa và nay qua thời gian 1000 năm. Cho đến nay dân HN gốc còn được bao người? kể cả những người hiện nay đang sống ở những phố cổ của HN. Gia đình ông bà nội,ngoại tôi vốn là dân HN cổ . Nhà ngoại ở phố Hàng Bạc, còn bên nội thì ở phố Hàng giấy. Hồi bà ngoại tôi còn sống vẫn hay kể chúng tôi nghe về chuyện ngày xưa ở HN: từ chuyện cách nuôi,dạy con cái, nhất là con gái phải như thế nào cho đến các nghi lễ trong gia đình: cúng giỗ,lễ, tết, cưới xin, tang lễ, phép tắc với người trên, cư xử với người dưới v.v... ngay cả cách thưởng thức món ăn cũng phải học. Ngày ấy thì bà tôi chẳng biết đến khái niệm môi trường, nhưng bà tôi thường bảo ngày xưa HN sạch lắm, làm gì có chuyện đái bậy, ỉa bậy, vứt rác lung tung ra đường như bây giờ (bà tôi mất năm 1991, thọ 91 tuổi). Tôi nghĩ người HN xưa coi trọng "nếp nhà" lắm. Mà nhờ cái "nếp nhà" ấy mới có cái phong cách "người HN:"Không thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". HN bây giờ người tứ phương tụ lại, nhất là sau khi HN được mở rộng ("Phố từ làng đi lên") và trở thành thủ đô có DT rộng đứng thứ 17 trên TG nữa, thảm nào bạn Nhuận ngồi trên tàu cánh ngầm cũng nhận ra người nói giọng HN. Tôi chợt nhớ câu chuyện của Diệu Linh khi làm công tác quản lý dân lao động VN ở LX năm nào. Linh kể đang đi trên đường gặp mấy cô công nhân hỏi đi đâu? các cô trả lời: chúng em đi mua va li. Đi đâu mà mua va ly? Linh hỏi. Mua va li cho vào chè chị ạ, bọn em lấu chè mà. Linh cười ngặt nghẽo, còn các cô kia thì bảo: chắc chị không phải người Hà Lội! Tôi ít ở nông thôn, theo Nhuận: người HN, người SG bẩn thế, ở nông thôn, người nông thôn chắc sạch hơn?
Một điều không thể phủ nhận: môi trường VN hiện nay tồi tệ thật và tất nhiên đó là kết quả của sự thiếu ý thức của mọi người (từ những nhà quản lý, những cơ quan hữu quan đến người dân) về vấn đề này. Tôi tâm đắc với ý kiến của Bắc Hải:"Hãy đặt một câu hỏi duy vật: ý thức (người dân) kém xuất phát từ hiện thực nào?".


Từ: 3Chai
23/11/2010 21:08:13
Team Mosta Algerian Hacker đã tự nhận với giang hồ việc đánh sập mạng VNN. Khửu Đại Hiệp và Bột Bột Tiên Sinh bảo trọng.



Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s