KGU News >>Người KGU >>Chúng ta
KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 20 Tháng mười một. 2010

CÁI MÙI CỦA MÔI TRƯỜNG




Tác giả: NhuanNT

 

 Tôi đang sống ở một chỗ mà vấn đề về môi trường cũng luôn là vấn đề nóng bỏng, chỉ có điều họ có ít hội nghị về môi trường lắm. Tôi là thường dân thôi, nhưng tôi thấy gì thì viết thế. Mong không phật lòng ai.

  Chuyện Nhà nước : Tôi cho là quan trọng nhất. Một đất nước dơ dáy, bụi bậm, độc hại hay thơm tho sạch sẽ và gọn gàng là do nhà nước. Ở đây, bất kể một khu dân cư mới nào cũng phải qui họach phù hợp với luật môi trường và an sinh xã hội trước. Nghĩa là làm hệ thống hạ tầng trước (đường xá, hệ thống nước thải, nước uống, công viên, khu dịch vụ..) rồi mới chia lô, bán đất xây nhà. Luật môi trường được đưa ra không trừ một ai. Và chủ yếu là dành cho các doanh nghiệp. Luật để bảo vệ môi trường và như thế là bảo vệ con người và tương lai của con người.

  Chuyện của Ủy ban quận, huyện (local council). Họ chỉ có một việc quan trọng là giữ cho khu vực của họ sạch, đẹp, an tòan, người dân an vui. Họ không giỏi để quản lý cả cơ quan cảnh sát, cơ quan pháp lý, giáo dục, giao thông, y tế vv. Bởi vậy nhiệm vụ của họ là cung cấp cho mỗi nhà 3 thùng rác to (cỡ 500 l): một cái đựng rác thường (general), một cái đựng rác tái sinh (chai lọ nhựa, thủy tinh, giấy các lọai..)và thùng rác xanh (chứa cac lọai cỏ, cây xanh trong vườn bị cắt bỏ có thể dùng làm phân hữu cơ). Một tuần một lần gom rác thường, vài tuần một lần gom rác khác. Luật xả rác nghiêm lắm. Ai mà vứt đồ ra đường là bị phạt. Tuy nhiên ý thức tự giác vẫn là hạng đầu.

 Hàng năm vẫn có ngày gom rác của các cháu thiếu nhi và của những người  thiện nguyện. Council  còn có trách nhiệm dọn vệ sinh các lò BBQ và toilets trong các công viên. Tôi đã đi một vài nước khác, nhưng chẳng ở đâu hệ thống toilet công cộng lại nhiều, sạch (luôn có giấy vệ sinh) và không mất tiền như ở Úc. Bù lại, chúng tôi phài đóng council rate (thuế nhà, theo cách gọi của chúng tôi) rất cao, như nhà tôi phải đóng 1300 A$/ năm. Họ còn có nhiệm vụ trồng cây và chăm cây ven đường, trong công viên, chăm sóc các bãi cỏ cho các sân vận động nhỏ trong các công viên và khu dân cư. Council cũng là nơi xét duyệt dự án xây dựng, thay đổi kết cấu nhà… Tất cả là làm sao cho khu dân cư đồng bộ, sạch đẹp, vừa lòng dân và phù hợp với sự phát triển lâu  dài.

 

  Ý thức người dân.

  Tôi còn nhớ lâu lắm rồi (gần 30 năm), tôi đi tắm ở Sầm sơn  và rất ngạc nhiên tại sao người dân ở đây lại ị bậy ở mọi chỗ như vậy. Ai cũng như vậy thành ra chỗ nào cũng như nhà xí, mình phải ngửi phân của mình, rồi của người khác. Và người khác cũng phải ngửi phân của mình, thành ra mình phải ngửi nhiều đến con số nhân của những gì mình thải ra.  Hồi đó tôi nghĩ “ con mèo cũng còn biết dấu cứt …”.

  Thế rồi càng ngày rác càng nhiều lên, Ở thành phố, một số nhà vứt rác ra đường thản nhiên. Về nông thôn thì …hai bên đường cái phấp phới các bao rác, tôi nghĩ “cái tốt chưng ra, xấu xa đậy lại cơ mà …”

  Khi tôi sống ở Úc, trở về thăm nhà mới thấy cái sự khập khễnh rõ ràng hơn. Ở Úc thì anh bày vẽ gì trong nhà cũng được, ở bẩn thế nào cũng không ai can thiệp (trừ trường hợp anh thuê nhà mà ở bẩn làm hỏng nhà). Anh treo cờ nào cũng được, thờ ông nào cũng tốt miễn là đừng phạm luật, làm ảnh hưởng đến người khác. Tuy vậy trước nhà anh mà lộn xộn, bẩn thỉu làm ảnh hưởng đến cảnh quan chung thì không được. Nếu muốn vất đồ trong nhà đi mà đồ quá to không bỏ thùng rác được thì phải gọi điện cho council, hẹn ngày họ đến lấy và hẹn ngày mình được mang ra trước cửa, bên lề đường, làm sao để không ảnh hưởng đến người đi lại. Rác có chỗ qui định, nếu có điều kiện, thuê  rơ mooc kéo đồ đến đó mà vứt.

 Chúng tôi  vẫn dùng xô để gom nước rửa rau mang ra vườn tưới. Vẫn nhắc các cháu tiết kiệm nước, tiết kiệm điện là bảo vệ môi trường.

 

Người Hà nội , người Sài gòn ăn mặc đẹp đẽ, đầu tóc bóng bảy. Tôi phục lắm. Chỉ có điều xung quanh chỗ họ ở thì không được đẹp đẽ và bóng bảy như thế. Chỗ đông người, giữ sạch là khó. Tuy nhiên tôi cho rằng họ chú ý trang điểm cái mặt của mình mà không chú ý đến cái mùi họ để lại ra sao. Người Sài gòn đẹp thế mà cái mùi kênh Nhiêu Lộc khi nước ròng qua cầu Công Lý cứ váng vất trong tôi. Bây giờ con kênh ấy đã khác nhiều do sự quan tâm của chính quyền thành phố và rất nhiều tiền.

 Phải nói thêm một điều bí mật nữa: Cái thói ăn ở của mình nó có  trong máu của mình rồi. Trên một chuyến bay về VN bằng Vietnam airlines tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy cái bãi rác ( đúng là bãi rác) dưới ghế ngồi của  hành khách (chủ yếu là người Viet) khi họ rời máy bay. Và một lần về nước, đi tàu cánh ngầm từ SG ra Vũng tàu, tôi tò mò và đã chụp trộm vài pô ảnh về một cặp vợ chồng trẻ, với đứa con trai 3-4 tuổi, họ ăn mặc vô cùng mốt, vẻ cũng khá sang trọng, mặt mũi đẹp đẽ và xả rác đầy dưới chân, xả rác với thái độ vô tư rất dễ thương. Không biết ở nhà họ, họ có làm thế không?

 

Cái mùi quan trọng lắm, bởi vậy ông bà ta dạy: "đói cho sạch, rách cho thơm…”

Mình diện bảnh bao thế mà ….

 

 


Người post: NhuanNT

Ngày đăng: 20-11-2010 15:03






Xem 21 - 26 của tổng số 26 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 | 3 |

Từ: NguyetTM
20/11/2010 22:11:33
Riêng vụ thấy rác ở dưới gầm ghế trong máy bay thì em có phần hơi "hên" hơn mọi người.Có lần em bay chuyến HN-BKK. Sau khi máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay mơi hoành tráng của Thailand, các hành khách từ từ rời chỗ ngồi để ra khỏi máy bay. Trên đường dọc theo hành lang em thấy có một bó hoa hồng nhung rất tươi đẹp (được trang điểm thêm bằng những hoa babie mầu trắng rất lich sự)bị vứt chỏng chơ dưới gầm ghế của một vị khách nào đó.Bên cạnh bó hao là giấy lau, vỏ bim bim, vỏ đựng lạc rang... Khi "gặp hoa" thì tưởng mình "hên" nhưng khi hiểu đó là rác thì rất buồn. Cũng chẳng biết chủ nhân của những thứ rác đó là quốc tịch nước nào nữa.
Đúng là vấn đề rác đang là mối đe dọa đối với cả nhân loại.Ngoài trình độ phát triển xã hội và công nghệ sản xuất thì ý thức của con người là cực kỳ quan trọng trong công cuộc giữ gìn vệ sinh chung.Con người phải được dạy dỗ chuẩn mực từ tấm bé không kể mình là ai trong xã hội.


Từ: LinhND
20/11/2010 20:23:22
Bài viết chua chát quá. Làm mình là người HN cũng xấu hổ. Con sâu làm rầu nồi canh. Ngày bé tụi mình cũng ý thức lắm, nhưng giờ HN đông quá, rộng quá và con người thì đa dạng (sinh học)quá. Cứ phạt nặng như Sing là đâu vào đó. Dạo ở tp HCM, mình thấy mọi người trong xóm cứ mang rác ra đổ, lại gần nhà mình. Vậy mình vận động từng gia đình đợi giờ đổ rác (như kiểu ở HN xưa) mang đổ, kết quả ai cũng nghe ra, chỉ trừ một ông (kém tuổi mình) trợn mắt nói: Nếu vậy mấy bà quét đường làm gì?


Từ: NghiPH
20/11/2010 19:37:04

Nhuận- Hải Có khoảng trời riêng/ Có góc vườn riêng/ Xinh xinh/ Như Nhuận nói “Chỉ có hai ta”/ Cỏ cây xanh tươi/ Ánh nắng ngập tràn/Hoa đỏ, hoa tím đua nhau nở/ Bắc Hải ngồi trầm ngâm/ Viết Hải đội Trường Sa/ Say mê với Moldovia- tình yêu đầu tiên/ Rộn ràng trống hội quê em…/ Nhuận đau nỗi đau của con trâu chiến thắng/ Trong Lễ Hội chọi trâu/Bưng bát cơm mà nước mắt lưng tròng/ Nhuận- Hải nặng mối nhân tình thế thái/ Vấn vương chuyện sinh thái Môi trường!



Từ: camtumai
20/11/2010 18:42:28
Nhuận ơi, đúng là Môi trường có mùi ... Chị chẳng bao giờ quên được mùi của Môi trường: không khí, rơm rạ, cây cỏ và đất trời khi con tàu Tàu đưa bọn chị từ Cảng Nakhotca về Matxcơva đi qua vùng đất Xibiri của nước Nga Xô Viết mùa thu năm 1969 ...
Con người sống trong môi trường, Môi trường sống của con người tốt đẹp, trong lành, hài hòa ...hay không suy cho cùng cũng do Con người tạo nên. Từ Người lãnh đạo cấp cao, tầm vĩ mô; Người Lãnh đạo bậc trung cấp vùng cho đến từng Người dân, từ già đến trẻ nhỏ. Không có đường hướng và giải pháp đồng bộ, kịp thời, nhận thức và ý thức của Mọi người không ngang tầm thì làm sao đây?
Giữa Thủ đô bao nhiêu "kênh đào" là bấy nhiêu kênh hứng nước thải từ các nhà, các khu dân cư và cũng là nơi hứng rác ...Làm sao có mùi thơm cho được?
Đến bao giờ Môi trường sống của chúng ta mới không trở nên phản cảm với cảm nhận của mỗi người, không chỉ là mùi đối với khứu giác mà còn ...


Từ: ThongNV
20/11/2010 18:28:32
Cám ơn Nhuận có bài viết rất hay, nhưng khi đọc Tôi thấy có gì đó hơi mâu thuẫn thì phải. Tôi thì không cho rằng:" cái thói ăn ở của mình nó có trong máu của mình rồi đâu" mà điều chủ yếu ở đây là sự yếu kém của Nhà nước trong việc quản lý xã hội. và từ đó mọi người thành thới quen. Năm 1974 -1975, tôi học dự bị ở Trường NN Thanh Xuân khi ra quán ăn cơm bình dân hay ăn phở mọi người đều bỏ xương vào thùng đan bằng nứa ở dưới gầm bàn, nhưng bây giờ tại cửa hàng ăn sang trọng người ta cũng sẵn sàng thả xương xuống sàn nhà hoặc để bừa trên mặt bàn.Khi ăn cơm ở gia đình thì không biết có nhà nào làm như thế không? cách đây không lâu một số các cơ qua hành chính của TQ còn trang bị ống nhổ, hoặc họ có thới quen khạc nhổ ra đường. Khi NNTQ nhận ra điều ấy là mất vệ sinh, thiếu văn hóa họ tập trung vào quản lý là xong ngay. Tháng 6 vừa qua tôi đi TQ để ý không thấy điều này diễn ra như những năm của thập niên 2000.

Nhà Nước cần chú ý quản lý tốt xã hội -đây là vấn đề then chốt nhất.


Từ: NghiPH
20/11/2010 17:42:07
Tôi rất chú ý đến ý đầu và ý cuối trong bài viết của chị Nhuận.
Ý đầu: "Chỉ có điều họ có ít hội nghị về môi trường lắm". Thế mà mọi chuyện đâu vào đấy.
Ý cuối bài: "Cái mùi quan trọng lắm, bởi vậy ông bà ta dạy: "đói cho sạch, rách cho thơm…”
Mình diện bảnh bao thế mà...".
Hỡi ôi! Cái con người ở nước chúng ta sao chỉ chú ý đến cái mẽ bề ngoài trong lúc...
Cám ơn chị Nhuận về bài viết hay.
Xin được tiếp tục trao đổi dài hơn với chị vào dịp khác.
Nghị, Luật 81



<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 | 3 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s