KGU News >>Người KGU >>Chúng ta
KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 30 Tháng mười một. 2010

MÙA ĐÔNG ĐẦU TIÊN




Tác giả: ThanhLK

Những kỷ niệm về năm đầu tiên ở Кишинёв, khi chúng tôi học dự bị vẫn mông lung trong ký ức của tôi qua năm tháng nay được thức dậy sống động nhờ  có “chất xúc tác” là Studentkgu Supermarket. Tôi lại muốn chia sẻ tiếp với các ACE Nguoi.KGU những ký ức ào ạt này…

 Phần 2.

Tuyết trắng

Tuyết rơi, ra xem tuyết rơi các cậu ơi”. Chúng tôi gọi nhau í ới rồi chỉ kịp khoác vội lên người chiếc áo măng tô mới được dẫn đi mua, chạy ùa ra đường để thưởng thức những cảm giác mùa đông đầu tiên trên đất Молдавия. Tôi nhớ hôm đó là chủ nhật, chúng tôi may mắn  được nghỉ học.

Hồi còn học phổ thông, khi đọc những truyện kinh điển như: Thép đã tôi thế đấy; Chiến tranh và hòa bình; Anna Karenhina…tôi cũng đã hình dung ra là khi tuyết rơi thì ấm, nhưng khi rơi xuống đóng thành băng rồi thì sẽ tạo ra một khung cảnh ảm đạm, lạnh cóng, rét tê tái của mùa đông nước Nga. Thậm chí tôi còn được nghe kể về việc người đang đi rét và lạnh quá (nhiệt độ ở Matxcơva có chỗ xuống đến âm 40 độ C) mũi và tai có thể rụng ra, rơi xuống tuyết…

Vậy mà giờ đây, trước mặt tôi là một khung cảnh thần tiên và thơ mộng chưa từng thấy: ánh sáng ban ngày trở nên huyền ảo, không khí trong lành ấm áp và tinh khôi…Chúng tôi mê mẩn ngắm những bông tuyết đa dạng từ từ rơi, quang cảnh như trong cõi tiên bồng. Cánh tuyết đang rơi trong suốt và có hình thù đa dạng, khi rơi xuống đầu, xuống tóc và xuống mặt chúng tôi thì tan ra tạo một cảm giác sảng khoái và lâng lâng. Nếu nhìn xa hơn, thấy những bông tuyết nhẹ nhàng bay lơ lửng rồi từ từ “tiếp đất” và biến mất. Chúng tôi chạy, đuổi nhau, cười vang như con trẻ, vô tư thưởng thức những giây phút kỳ diệu được hòa quyện vào thiên nhiên. Nhưng rồi tôi dừng lại, chợt nghĩ: giá bố mẹ mình, các em của mình cũng được chứng kiến cảnh này thì hạnh phúc biết bao. Giờ này mọi người ở nhà có lẽ đang phải nấp dưới hầm trú ẩn khi nghe tiếng thông báo day dứt của cô phát thanh viên trên loa phóng thanh: “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch còn cách Hà Nội…”, thế là một nỗi buồn  ập đến, nước mắt rưng rưng.

Những ngày mùa đông sau đó, ngồi trong lớp nhưng tâm hồn chúng tôi cứ để ở ngoài kia, trước cổng trường là hồ Komxômôn (Комсомольское Озеро) với công viên bao quanh xanh mướt nay được phủ một màu trắng tinh khiết. Thế rồi cơ hội cũng đến khi chúng tôi được trống một tiết học. Chúng tôi lấy áo măng tô gửi ở tầng trệt và đi rất nhanh ra phía hồ. Gió và không khí lạnh không làm chúng tôi chùn bước. Các bậc thang đi vào công viên cũng bị tuyết phủ và trơn. Chúng tôi khoác chặt tay nhau và đi lò dò như những chú gấu con. Công viên bao quanh hồ vào lúc này trong ngày rất vắng, chỉ thỉnh thoảng thấy một vài ông bà già dắt tay nhau hoặc có người dắt theo chó đi dạo. Các cây thông lúp xúp, cây tùng cao cao, cây liễu nghiêng nghiêng mình…tất cả đều phủ tuyết, trông như được khoác một tấm áo khoác trắng loang lổ màu lá kim.

Đây rồi, mặt hồ lần trước chúng tôi đến nước vẫn trong xanh, vậy mà giờ đây là một mặt băng gương trắng muốt, trông rộng mênh mông. Sau này tôi nhận thấy: vào ngày nghỉ nhiều gia đình trong thành phố đến đây cho trẻ con chơi trượt tuyết, nhưng phải trông con cẩn thận tránh những cái hố do những người câu cá tạo ra và để lại. Chúng tôi đi dạo quanh hồ để thưởng thức không khí trong lành và ngắm tuyết bao phủ khắp không gian quanh hồ. Quang cảnh tuyết trắng luôn gợi trong ta một nỗi buồn man mác, làm tôi lại nhớ đến một câu ca thán vui mà hồi nhỏ đã được nghe: “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn!”.

Từ nhà đến trường

Những ngày đi học, do không đủ tiền đi xe buýt nên chúng tôi thường phải đi bộ. Từ Общ.3 đến trường không xa lắm, nhưng vì thường dậy muộn nên lúc nào chúng tôi cũng phải vừa đi vừa chạy  trên một lớp tuyết khô lạo xạo bám trên mặt đường, có chỗ trơn láng như thủy tinh mà nếu không cẩn thận sẽ ngã biêu đầu. Có lần toán con gái chúng tôi đi sau, chứng kiến cảnh anh Cửu (OB 77) – vì người quá cao (cao khoảng hơn 1,7m) từ từ đổ xuống như một cây sào đổ, rồi lồm cồm đứng dậy.  Vì bất ngờ và thấy anh ấy đổ từ từ, không ngã oạch như lũ “ít mét” chúng tôi” nên cả lũ cười phá lên. Thế là một mệnh phụ Молдавия đi gần đó nhắc nhở: “Khi bạn gặp nạn thì không nên cười”, chúng tôi nhận thấy mình quá vô duyên, vội im lặng và rảo bước tới trường.

Và khi phải đi trong im lặng thì chúng tôi cảm thấy rất nặng: áo măng-tô nặng, ủng đông nặng, cặp sách nặng và cộng với váy áo, rồi lại thêm đôi tất hoa dày cộp …tất cả trở nên nặng ơi là nặng. Tôi nói với Hoa: “Giá lúc này chúng mình không phải mặc những thứ này và được nằm trùm trong chăn ấm ngủ thì tuyệt biết bao nhiêu cậu nhỉ”. Hoa hưởng ứng liền: “ừ, nhưng mà buồn cười chuyện thằng Valia nhỉ”, tôi đồng tình “ừ’ và hai đứa cười vang khi nhớ lại câu chuyện xảy ra trong phòng ở của chúng tôi ngày hôm trước.

Chuyện là thế này: tôi và Hoa được phân ở cùng hai bạn Môn là Galia và Ôlia. Bạn Ôlia có khuôn mặt tròn phúc hậu, hai má lúc nào cũng đỏ hồng như hai quả táo, hiền và ít nói. Còn Galia thì xinh đẹp, sắc sảo nhưng cũng rất tốt tính. Galia có anh bạn người yêu là Valia, hình như học trên một năm, hay đến phòng chúng tôi chơi và ngồi rất lâu. Chiều hôm đó, vì không có tiết học nên chúng tôi về sớm và quyết định ngủ đã. Thời sinh viên sao lúc nào cũng thèm ngủ đến thế. Lúc Valia đến chơi thì tôi và Hoa đã ngủ rồi. Vì rét nên tôi và Hoa thường ngủ chung một giường, đắp hai chăn cho ấm. Hồi đó, chúng tôi chưa có khái niệm “đồng tính” trong đầu nên trong cả những năm học đại học sau này chúng tôi thường vô tư ngủ chung như vậy với cả các bạn nữ khác trong khóa. Các bạn thường thích ngủ chung với tôi vì tôi ngủ say, khi ngủ thì nằm im không hay cựa quậy và các bạn có thể chui vào chui ra lúc nào cũng được, không sợ tôi bị đánh thức .

Chiều hôm đó, khi ngủ “đã” rồi thì tôi và Hoa muốn dậy, nhưng hai đứa đều mặc váy ngủ, thật không tiện khi có khách khác giới trong phòng. Hai đứa loay hoay không biết làm thế nào liền bàn nhau: chúng nó hôn hít nhiều thế kia mất cả thuần phong m tục nên  đành phải “đuổi” thôi, vả lại cũng không thể lịch sự hơn được nữa vì ...

Thế rồi tôi quyết định cất tiếng:

-         Валия, иди сюда!

-         Что?  

-         иди сюда!

Chắc Валия đã hiểu chúng tôi muốn nói gì, nhưng giả vờ ngây ngô đến đứng ở đầu giường của chúng tôi, vừa mỉm cười vừa nói:

-         Вот Я.

-         Chết rồi Hoa ơi, hình như nói ngược rồi, làm sao bây giờ?

Đúng là thay vì định nói:” Уйти отсюда!” - hãy ra khỏi đây, thì tôi lại nói ngược lại là hãy đến đây. Thấy chúng tôi như vậy ba người bạn Môn cười phá lên và lúc đó Galia mới ra lệnh cho Valia: "Ты, уходи быстро!". Khi Valia vừa ra khỏi cửa phòng, tôi và Hoa lao như tên bắn ra hành lang...

Bài học tiếng Nga trong thực tế làm chúng tôi nhớ mãi không bao giờ quên.

Kỳ nghỉ đông đầu tiên

Một điều cũng rất ấn tượng đối với tôi là sinh viên cả trường được nghỉ đông. Tuổi học trò ở các nước châu Á chúng ta chỉ háo hức chờ đón mùa hè với hoa phượng đỏ và tiếng ve kêu náo nức, báo hiệu một khoảng thời gian mà học sinh không phải đến lớp, không phải học bài và nhất là không phải làm bài tập cũng như bài kiểm tra. Còn mùa đông bắt đầu với những cơn gió se lạnh, mùi hoa sữa âm thầm tỏa hương ngào ngạt trên những con phố…thì học sinh phải mặc áo ấm và rảo bước hoặc đạp nhanh xe đạp đến trường.

Vậy mà lần đầu tiên chúng tôi lại được nghỉ đông. Hình thức nghỉ đông của sinh viên KGU có thể là: nghỉ  tại chỗ hoặc đi thăm quan ở một thành phố nào đó thuộc Liên Bang Xô Viết. Năm đó, tôi và Hoa quyết định chọn tham gia đoàn đi Bacu (Баку), một nơi rất xa Молдавия, vì chúng tôi nghĩ rằng sẽ ít có đoàn đi đến đó hơn so với các thành phố khác.

Đoàn chúng tôi đi rất vui vì đa số là các bạn cùng khóa, chỉ khác khoa (xem ảnh), cụ thể gồm: khoa Hóa có tôi, Thúy Hoa và Thục; khoa Vật Lý có bạn Khang và bạn Chính; khoa Sinh Vật là đông nhất gồm các bạn: Tuyết, Lam, Bình Ph, Phẩm Hạnh, Thọ, Giảng; Bắc Hải và anh Thịnh. Năm trên có các anh chị Tánh - Mai và Thúy - Tỉnh (anh Tỉnh người Nam Hà có đặc điểm là hay nói ngọng) và một nhân vật rất đặc biệt đó là anh Võ Thành Đồng.

Cô giáo trưởng đoàn dẫn chúng tôi đi chính là cô Elena Eduardovna Kudelskaia mà học trò đã đặt cho cái nick đáng yêu là “Bà Mèo”. Đó là do cô Elena rất xinh xắn, đáng yêu như chú mèo con và do cô đã chiếm được tình cảm thân thương của các trò: ngoài vai trò là một cô giáo, trò còn có thể tâm sự với cô như một người bạn thân thiết. Cô Elena dẫn theo một cô em gái xinh đẹp, người đã hút hồn chàng trai Đồng giỏi giang nhưng cũng rất “nãng mạn” (theo cách bình luận của anh Tỉnh), ngay từ giây phút “sét đánh” đầu tiên gặp gỡ.

Tôi viết nhiều về anh Đồng vì anh là nhân vật trung tâm làm cho chuyến đi của chúng tôi có nhiều kỷ niệm sinh động và sâu sắc. Anh Đồng có dáng người nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi, nước da đen với khuôn mặt thông minh và hài ước. Anh ít nói nhưng hiếu động. Ấn tượng đầu tiên anh gây ra đối với tôi đó là: khi đoàn chúng tôi đi bộ trên đường phố để đến thăm các di tích lịch sử của thành phố Баку, trong khi chúng tôi thả bước trên đường phổ cổ thì anh nhảy phắt lên bờ tường của những ngôi nhà cổ có mái thấp và đi men theo bờ tường, mái ngói như một diễn viên “xiếc đi trên tường”. Tôi tò mò hỏi về anh thì được biết anh học rất giỏi nhưng có nhiều giai thoại về “hoc nhiều quá” của anh. Ví dụ như anh đã tuyên bố là: “Cuộc đời tôi là một hình tam giác: Ký túc xá, Trường KGU và Góc đỏ “ (phòng dành cho sinh viên học ở ký túc xá). Việc ăn uống đối với anh là “xa xỉ về thời gian” nên anh không quan tâm nhiều và có những cách thu xếp sao cho không mất thời gian, kể cả thời gian vừa ăn vừa hàn huyên với bạn bè, chắc cũng vì vậy nên trông anh hơi bị gầy quá. Anh luôn say sưa học và nghiên cứu nên nhiều khi không có khái niệm về thời gian và khung cảnh quanh mình. Có một chuyện nghe được mà tôi nhớ để đời, cứ nghĩ đến là cười một mình như người thần kinh: Có lần anh Đồng học ở Góc đỏ về là lăn ra ngủ ngay không giao tiếp với ai. Có anh bạn cùng phòng nghịch ngợm trêu anh, chờ cho anh ngủ một giờ, đánh thức anh dậy và nói: “Đồng, đậy đi học không muộn giờ”. Thế là Đồng ta vội bật dậy, đánh răng và ôm cặp lao đến trường. Trời mùa đông tuyết trắng với ánh đèn điện lung linh, tạo cảm giác như sáng sớm. Nhưng khi đến trường thì anh Đồng không thấy ai cả, trường vắng tanh vắng ngắt. Anh vội đến gặp bà trực nhật và hỏi:

-  Скажите пожалуйста, сейчас сегодня или завтра?

-  Что вы сказали?

Bà trực nhật không hiểu anh đinh nói gì và thế là anh vừa nói vừa dùng tay giải thích, cuối cùng rồi hai bên cũng hiểu ra và nhất trí là lúc đó vẫn còn là ban đêm và thế là anh Đồng vội băng về nhà để ngủ tiếp.

Trong chuyến đi Баку ngày đó, tôi lần đầu được đi máy bay nên rất háo hức. Tuy nhiên khi lên đến máy bay tôi bị say đến nỗi “nôn ra mật xanh mật vàng” đúng như người ta thường nói. Còn anh Đồng thì đã kịp làm một bài thơ tình để tặng cô em Bà Mèo, trong đó có thổ lộ: “Я тебя люблю ”.

Thành phố cảng Баку là nơi khai thác dầu,̀ nơi xuất phát của những chuyến tàu chở dầu đi khắp mọi nơi trong LBXV cũng như xuất khẩu đi nước ngoài. Chúng tôi tá túc ở ký túc xá của Trường ĐH Dầu khí, lưu học sinh Việt Nam ở Баку đa số học ở trường này, chỉ có một số ít học ở trường ĐH Tổng hợp Баку.  Chúng tôi đến vào mùa đông nên khung cảnh thiên nhiên rất ảm đạm và lạnh giá. Sau khi đi thăm một số di tích lịch sử của thành phố, chúng tôi được dẫn ra thăm bến cảng. Bãi biển đóng băng trắng lóa nhưng vẫn nhìn thấy các váng dầu đọng lại trên băng. Phía xa các con tàu khổng lồ nằm bất động chờ đến lượt được bơm dầu để chở hàng ra khơi…

Một kỷ niệm nữa để tôi nhớ mãi thành phố Баку đó là: thức ăn ở đây phần lớn được chế biến từ thịt cừu rất gây, tôi ăn không hợp nên hay bị nhịn đói. Buổi tối khi chúng tôi mò ra phố kiếm gì ăn cũng rất khó vì các cửa hàng đóng cửa rất sớm. Duy chỉ có món chả thịt cừu nướng (Шашлыки) là tôi ăn được. Người Баку ướp những xiên thịt cừu để nướng chả bằng một thứ rượu đặc sản của địa phương và rượu đó cũng dùng luôn để uống khi ăn chả thịt cừu, tạo cho khách vãng lai một cảm giác đậm đà, lâng lâng và khó quên.

Tạm biệt Баку chúng tôi bay về Молдавия. Trong chuyến bay về không hiểu do đã được trải nghiệm hay do tinh thần vui vẻ, tôi thấy rất khỏe và không bị say như chuyến đi.

 Kỳ nghỉ đông đầu tiên đối với tôi là là một chuyến đi nhớ mãi như thế đấy.

 

BlueSky, Tháng 12/2010


Người post: ThanhLK

Ngày đăng: 30-11-2010 00:12






Xem 1 - 10 của tổng số 19 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: KhanhT
04/12/2010 17:48:22

Công nhận ThanhLK nhớ hơi bị… ghen tỵ đấy. Đúng là đi Bacu lần ấy lớp bọn mình chỉ 2 đôi, 3 đôi còn lại không đi đợt ấy. Tánh Mai đi là muốn trở lại thăm nơi học dự bị cũ, còn Tỉnh thì cũng như Võ (Ngô) Thanh Đồng thôi, đi chơi chứ chưa thành đôi lúc ấy, hay chưa công khai thì ai mà biết được, đông năm 70 chỉ mới có 2 đôi công khai thôi, K và H công khai ngay từ đầu là bởi cần phải tuyên bố “độc lập” cho bọn xâm lược ở thành phố khác không đến nhòm ngó nữa, còn T và L hình như là do  Lượng thôi làm bí thư chi đoàn, chuyển sang “bạch vệ” nên khỏi cần “bật mí” nữa. Còn các đôi khác đang thời kỳ “thăm dò” cảm tình đối tượng… Anh Đồng không có trong ảnh thì không có nghĩa là anh ấy chụp ảnh đâu, anh không biết chụp ảnh, cũng không làm thí nghiệm được, toàn tớ làm giúp, anh ấy nói, anh ấy sinh ra chỉ để tư duy thôi, và hay nhắc câu: “ta tư duy là ta tồn tại”, có khi mọi người đang chụp ảnh thì anh ấy đang leo tường cũng nên. Còn anh Tỉnh Nam Hà (Đông Anh – Hà Nội) nói ngọng (hắp), anh ấy nổi tiếng với câu hỏi của Thầy Кахана: а знаеш, для чего лопата? Tất nhiên là không trả lời được, thầy cho về, vừa nhổm lên đi ra được vài bước, anh ấy “chào” thầy: hắp, hắp… Thầy nghe thấy hỏi lại bạn khác đang chuẩn bị trả bài, что он говорит? Bạn ấy chịu không dịch được.



Từ: ThongNV
04/12/2010 07:18:23

Trời! cái cảm giác lần đầu tiên thấy tuyết sao mà giống nhau thế.



Từ: ThanhLK
03/12/2010 15:07:47

Cám ơn các ACE đã động viên. Nợ này chắc phải trả bằng cách cố gắng có hứng để viết các phần tiếp theo thôi.


@ Em Trinh: cám ơn em. đã viết những dòng comment rất chân tình, chứng tỏ em rất hiểu các chị CL 77. Thực tế là chỉ có các em gái hiểu và yêu quí các chị, còn các anh thì...Lần sau chị vào SG ta lại gặp nhau nhé.



Từ: HuongLH
01/12/2010 22:13:24

Phục cậu Thanh quá. Sao cậu tài nhớ thế không biết. Từng chi tiết một và lại rất sinh động nữa. Mình cũng chả nhớ năm đầu tiên bọn mình đi thăm thành phố nào, hình như là Leningrat thì phải. Cũng chẳng có ảnh kỷ niệm như các cậu vì không có anh Đồng và anh Bái (OB), những người rất thích chụp ảnh cho các em dự bị đi cùng. Cậu viết tiếp các phần tiếp theo để chúng mình cùng nhớ lại một thời đã xa nhé.



Từ: TrinhNX
01/12/2010 09:08:56

Chị Thanh ơi, em đã đọc phần 1, 2 của chị & chờ đọc các phần tiếp theo. Những sự kiện chị kể thời sinh viên vui thật & đầy ắp kỷ niệm. Công nhận CL77 năm chị thật nghịch ngơm & ân tượng, cho đến tận bây giờ em vẫn nhớ như in hội diễn văn nghệ năm đó các chị diễn vở "nghêu sò ốc hến", cười chảy nước mắt. Hồi đó nhiều người thấy các chị cũng hoảng vì khâu "nói nhiều", nghe các chị nói "ù hết tai" chẳng kịp hiểu  gì hết. Nhưng thực ra các chị rất đáng yêu. Tuy mắc  chuyện riêng  nên ít tiếp xúc với các chị nhưng em rất thích cách sống của các chị hồi đó vừa nghịch ngợm, vừa trong sáng vô tư của tuổi trẻ. Chị kể hấp dẫn lắm. Kể tiếp đi nhé. Cám ơn những hồi ức của chị rất nhiều.



Từ: ThanhLK
30/11/2010 23:24:18

Tuyết ơi, đứng sau em Bà Mèo mình nghĩ chính là Phạm Bình đấy. Mình sẽ gửi ảnh nguyên cho cậu, còn bản này mình đã crop bớt để chèn vào bài cho đẹp. Cậu có ảnh nào về chuyến đi đó thì scan gửi cho mình nhé.



Từ: TuyetHA
30/11/2010 22:58:59

Thanh ơi mình cũng còn giữ nhiều ảnh của chuyến đi nghỉ đông đầu tiên ở ở Bacu, nhưng ảnh này thì không có. Ảnh này chắc anh Đồng chụp vì không thấy có anh Đồng trong ảnh. Câu gửi ảnh này qua mail cho mình nhé! Này có ai đứng đằng sau em bà Mèo, đầu đội mũ lông mà mình không nhận ra.



Từ: KhoaDT
30/11/2010 17:27:50

Mình thực sự ngạc nhiên vì trí nhớ siêu của Thanh và các bạn. Cám ơn Thanh đã có một phóng sự hồi tưởng > 30 năm trước rất sinh động. Mình nhớ mùa đông đầu tiên dân 70-76 đều ở tầng 1 của Ob3 và khi tụi mình lần đầu tiên thấy tuyết sướng quá chạy ngay ra phố Benderskaya hứng tuyết, nặn cục ném nhau lung tung. Đặc biệt nhớ Tất Thắng (TTK hội cờ Vua VN) là một trong những tay nghịch ngầm nhất, toàn lấy cục tuyết đút vào cổ áo Palto của các bạn sau đó cười như nắc nẻ. Tụi mình chơi tuyết xong về Ob3 thì ông Komendant (là một veteran có ria mép) cứ chỉ tụi mình rồi cười bảo tụi Vietnamtsy này chưa bao giờ biết tuyết rơi là gì. Còn đợt nghỉ đông đầu tiên hình như quân ta đi Matscova tham quan (nếu tôi nhớ không nhầm), chỉ tiếc chẳng có photo nào còn lại bây giờ. Không hiểu ông Huy còn giữ được ảnh nào không?  



Từ: HoaNT
30/11/2010 17:19:53

Mình và Thanh rất thích các kỳ đi nghỉ như thế này vì: không phải học, được đi chơi và cơ bản là ăn  và đi chơi không mất tiền. Hầu như đi chơi như thế chúng mình chẳng có một xu nào.



Từ: 3Chai
30/11/2010 15:52:12

Cảm ơn Thanh.


Hồi đó chưa có nhiều máy chụp hình như bây giờ nhưng mình ấn tượng mãi về những kiến trúc Hồi Giáo được lần đầu tiên trông thấy.




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s