Tại sao tôi bị cứng cổ?
Tác giả: NghiPH
Tại sao tôi bị “cứng cổ”?
(Chuyện về những ngày không lên mail đàn, web đàn)
NghiPH
Sáng thứ Tư 01/12/2010 chị Kim Thanh gọi cho tôi:- Nghị ốm à! Đi khám ở đâu chưa? - Em bị cứng cổ thôi. Có khám ở phòng khám cạnh nhà. – Tối bọn mình đến thăm nhé!- Ôi, đừng chị ơi! Em có bị làm sao đâu mà.
Một lúc sau NgocBQ gọi: - Nghị à, cậu ốm à?- Ừ hơi ốm thôi!- Tuổi chúng ta là phải cẩn thận cậu ạ. Nên đi khám tổng thể xem thế nào? Đừng chủ quan đấy nhé!- Cám ơn bạn, mình sẽ làm theo lời khuyên của bạn.
Ai ngờ, tối đến chị Chi, anh Hiền, anh chị Thanh- Lương, chị Bình Phạm, anh chị Huy- Thủy vẫn đến thăm tôi. Tôi xúc động, lúng ta lúng túng cám ơn các anh các chị, rồi nói luyên tha luyên thuyên. Chị Chi hỏi: - Nghị bị đau ở đâu? Tôi trả lời:- Em bị cứng cổ, không quay trái, quay phải, không ngẩng lên, không cúi xuống được. – Thế có biết tại sao bị như thế không?
Mấy hôm nay, vợ tôi cũng đã hỏi câu này. Nhưng tôi không biết trả lời thế nào cả. – Có lẽ lúc đi đường em mải mê nhìn ai đó nên bị sái cổ.- Bọn tớ cũng nhìn nhưng có bị sái cổ đâu- tiếng anh Huy đế vào. - Có lẽ hôm đối thoại nhân quyền với Na Uy em nói nhiều quá nên bị cứng cổ. - Cậu làm sao mà nói nhiều được như các chị Chai Lọ 77. Các chị ấy có bị cứng cổ vì nói nhiều bao giờ đâu. Càng nói nhiều cổ càng mềm, cậu ạ.
Vậy thì tại sao tôi bị cứng cổ nhỉ? Suốt 5 ngày tôi bị cứng cổ rồi. Khổ nhất là lúc nằm và lúc ngồi dậy để ra khỏi giường. Phải để cái cổ ở dạng thẳng đứng thì mới không bị đau. Còn nếu để hơi nghẹo đi một chút là đau tím người. Tốt nhất là nhờ vợ con đỡ khi nằm xuống và khi ngồi dậy. Thế nhưng tôi lại muốn tự mình làm xem có được không đã.
Loay hoay một chập, tôi cũng đã tạo ra hai thao tác. Để nằm xuống tôi ngồi nghiêng, một tay chống vào má, một tay chống xuống giường rồi từ từ hạ người xuống. Khi dậy cũng phải làm tương tự như vậy, một tay áp má, một tay bám vào thành giường, tay áp má từ từ nâng cái đầu lên cùng với lúc tay kia chống cơ thể từ từ nâng lên. Còn muốn ngồi dậy từ tư thế nằm ngửa tôi dùng tay trái nắm tóc kéo lên từ từ cùng với nhịp đẩy nâng cơ thể lên của tay phải. Khi muốn nằm ngửa tôi cũng làm như vậy nhưng theo chiều ngược lại.
Tôi rất sướng vì đã tìm ra cách tự nằm và tự ngồi dậy ít gây đau, không phiền đến vợ con.
Nhưng tại sao tôi bị cứng cổ nhỉ?
Phải xem lại những hoạt động của mình trong mười ngày qua xem có gì bất bình thường dẫn đến bị cứng cổ không?
Trong hai ngày thứ tư, thứ năm 23-24/11/2010 tại Press Club của Hội Nhà báo Việt Nam, tôi tham gia đối thoại nhân quyền giữa Việt Nam và Na Uy, trong nhóm công tác về lĩnh vực tiếp cận thông tin. Tại đây các chuyên gia Na Uy và Việt Nam đã trao đổi, đối thoại cởi mở, thắng thắn, thân thiện về ba chủ đề:
- Chính sách về truyền thông công cộng của Nhà nước;
- Vai trò của báo chí, phương tiện truyền thông và các nhà báo;
- Nghiên cứu trường hợp- mối quan hệ giữa đòi hỏi tiếp cận thông tin của nhà báo và quản lý nhà nước.
Một số vụ việc đã được đưa ra phân tích mổ xẻ như: Vai trò của báo chí Na Uy trong việc phanh phui quan chức tham nhũng khi dùng quỹ nhà giá thấp dành để bán cho công chức trẻ về địa phương làm việc vào việc kinh doanh lấy tiền chia nhau; vụ sắn bắt hải cẩu quá mức ở Na Uy. Phía Việt Nam cũng nói đến vai trò của báo chí trong vụ Công ty Vedan gây ô nhiễm môi trường; trong dự án xây nhà cho những người có thu nhập thấp.
Qua trao đổi hai bên đã hiểu nhau hơn. Tôi và ông trưởng nhóm làm việc phía Na Uy gần như đã trở thành bạn bè. Trong thời gian nghỉ buổi trưa chúng tôi đã cùng nhau đọc thơ Nga, lẩm bẩm hát bài hát tiếng Nga.(Chả là ông bạn này làm luận án tiến sĩ ở Khoa Báo chí, Đại học Tổng hợp Xanh Pê-téc-bua (Saint Peterbourg).
Tôi nhận thấy, càng thẳng thắn, cởi mở thì người ta càng hiểu nhau hơn, càng dễ trở thành bạn bè của nhau.
Trong không khí làm việc có hiệu quả và đầy tình hữu nghị như thế thì làm sao mà tôi bị cứng cổ được cơ chứ.
Đêm ấy khi nằm ngủ thấy cái cổ hơi đau đau nhưng tôi không quan tâm. Sáng hôm sau, thứ Sáu 25/11/2010, 5h00 tôi cùng vợ chồng con trai cả và một đứa cháu trai con bà chị gái lên xe về Tam Điệp, Ninh Bình dự đám cưới cô cháu gái. Cháu năm nay 29 tuổi- ở quê như thế là tuổi hơi “cao” rồi. Biết tin cháu “quyết định” đi lấy chồng cả nhà đều mừng. Không biết gia đình nhà trai xem ngày giờ thế nào mà 8h30 đã sang đón dâu. Nhà trai cách nhà gái có 2km. Đám cưới ở quê có MC hoạt náo viên nên rất vui vẻ. Rất nhiều người hát. Bạn bè cô dâu chú rể hát. Anh chị em của cô dâu chú rể hát. Chú rể cũng hát mừng ngày cưới của chính mình.
9h30 chúng tôi quay về nhà chị gái tôi ăn cỗ (chứ không dùng cơm bên nhà trai). Ở quê, như nhiều người đã biết, việc mời cỗ cưới diễn ra trong vài ngày là chuyện thường.
Trong niềm vui to lớn nhân cháu gái đi lấy chồng, làm sao mà tôi bị cứng cổ được nhỉ.
Ăn cỗ xong, tôi trao đổi với vợ chồng cháu Việt và cháu Biên về việc đi thăm núi Non Nước, núi Kỳ Lân và về thăm nhà thờ phái tộc ở quê. Chúng tôi lên xe quay ra thành phố Ninh Bình.
Xe đã đến ven núi Non Nước. Chúng tôi rời xe, leo lên núi. Núi Non Nước (tên cổ là Dục Thúy Sơn), là một ngọn núi nằm ngay trên ngã ba sông Vân với sông Đáy, là một tiền đồn nằm ở cửa ngõ phía đông thành phố Ninh Bình. Lối lên đỉnh Non Nước qua 72 bậc gạch đá, chia làm 5 cấp. Đỉnh núi tương đối bằng phẳng, cây cối xanh mát, rất thuận tiện nghỉ ngơi, giải trí cho khách tham quan. Có một cái nhà vững chãi để khách ngồi nghỉ và ngắm cảnh. Có nhiều lô cốt do quân Pháp xây. Có tượng anh Lương Văn Tụy. Khi xưa, hồi còn đi học ở quê vào dịp 2/9 năm nào chúng tôi cũng xuống tỉnh và leo lên núi Non Nước chơi.
Đứng trên đỉnh núi Non Nước tôi say sưa giới thiệu cho các con các cháu về việc danh sĩ Trương Hán Siêu đời Trần là người có công đầu phát hiện và khai thác vẻ đẹp của núi Non Nước. Ông đặt tên núi là Dục Thúy Sơn (giải nghĩa: Chim trả tắm (dục: tắm, thúy: chim trả, sơn: núi) hoặc Núi tắm trong xanh biếc (thúy: xanh biếc) và là người đầu tiên lưu bút tích một bài thơ cho các thi sĩ đến thưởng ngoạn, ngắm cảnh làm những bài thơ khắc vào đá. Nay đền thờ Trương Hán Siêu được xây dựng bên chân núi. Từ trên đỉnh núi ta thấy cửa sông Vân mở ra bao bọc ba mặt núi Dục Thúy, chỉ còn một mặt nối với đất liền. Hàng ngàn năm trước chân núi bị sóng biển bào mòn tạo thành vòm đá rộng che kín một góc sông Vân. Đây trở thành địa điểm tránh mưa cho tàu thuyền. Còn chỗ kia chính là nơi thái hậu Dương Vân Nga đã khoác lên vai tướng quân Lê Hoàn tấm áo hoàng bào… Dòng sông ấy từ đó mang tên Vân Sàng- Giường Mây.
Sau Trương Hán Siêu các tao nhân mặc khách như: Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Thiệu Trị, Tự Đức, Phạm Sư Mạnh, Tản Đà,… đã làm thơ và thuê người khắc trên các vách núi trên 30 bài thơ. Có lẽ, không có nơi nào ở Việt Nam, một trái núi nhỏ nhỏ mang trên mình nó hàng trên 30 bài thơ như thế. Ngoài ra còn hàng trăm bài thơ của các nhà thơ viết về núi Non Nước. Tôi đọc cho con cháu nghe một bài thơ tôi thuộc từ hồi còn đi học ở quê, nay không còn nhớ là của ai nữa:
Nước non Non Nước như thơ
Ai về Dục Thúy chẳng ngơ ngẩn lòng
Trên thì núi, dưới thì sông
Cúc vàng còn đó, hương nồng còn đây
Núi Non Nước còn gắn với tên tuổi của hai người thanh niên mà thời trai trẻ tôi rất ngưỡng mộ. Người thứ nhất là Lương Văn Tụy. Vào ngày 07/11/1927 vượt qua sự canh phòng nghiêm ngặt của giặc Pháp, anh Lương Văn Tụy đã treo lá cờ đỏ búa liềm có thêu chữ: Ủng hộ Nga Xô, Nga Xô vạn tuế! lên trên đỉnh núi Non Nước. Mấy ngày sau anh đã bị địch bắt, bị đầy đi Côn Đảo và hy sinh khi tuổi còn xanh. Năm 1959 khi trường cấp III đầu tiên của Ninh Bình được thành lập tên của anh đã được đặt cho ngôi trường mới. Tôi là học sinh của trường này 40 năm trước.
Người thứ hai là anh Giáp Văn Khương. Đại đội của anh đã xông lên đánh chiếm các lô cốt trên đỉnh Non Nước nhưng sau đó bị quân Pháp ỷ thế nhiều quân hơn bao vây. Anh cản đường tấn công của giặc để các đồng đội rút lui an toàn. Còn một mình anh giữa vòng vây quân Pháp. Chúng hí hửng sẽ bắt sống được anh. Anh bắn loạt đạn cuối cùng về phía chúng rồi cắm đầu nhảy xuống sông từ trên đỉnh Non Nước.. Anh lặn ra xa, chồi lên, nương vào đám bèo trôi trên mặt sông bơi sang bờ bên kia, về với đơn vị. Sau này anh trở thành Chiến sĩ thi đua toàn quốc đợt đầu tiên.
Cách núi Non Nước khoảng 2km về phái Đông Nam có một trái núi khá to là núi Cánh Diều. Đúng là nhìn từ phía Bắc ngọn núi này giống như một Cánh Diều. Còn nhìn từ phái Tây Nam thì núi có dáng của một người phụ nữ đẹp đang nằm ngủ với bầu ngực nhô lên rất cao. Do vậy, trái núi này còn có cái tên thứ hai- Ngọc Mỹ Nhân.
Xuống núi chúng tôi vào đền thờ Trương Hán Siêu và ngôi chùa ven núi thắp hương. Tại đền thờ Trương Hán Siêu tôi đọc mấy câu trong bài Phú Bạch Đằng Giang cho các con nghe:
Bát ngát sóng kình muôn dặm,
Thướt tha đuôi trĩ một màu.
Nước trời một sắc,
Phong cảnh ba thu.
Bờ lau san sát,
Bến lách đìu hiu
Sông chìm giáo gãy,
Gò đầy xương khô.
Buồn vì cảnh thảm,
Đứng lặng giờ lâu.
Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá,
Tiếc thay dấu vết luống còn lưu…
Cạnh núi Non Nước còn có một trái núi nhỏ tuyệt đẹp- núi Hồi Hạc, nơi những con chim hạc bay về hội tụ khi ráng chiều buông xuống. Rất tiếc khi người Pháp đến đất này họ đã phá hết cả một trái núi đẹp phục vụ cho việc xây dựng các công trình. Phải chăng quá trình phát triển, dựng xây nào cũng đi liền với sự phá hủy…(Ở Hà Nội, người ta đã phá hủy ngôi chùa rất đẹp để xây Nhà Thờ Lớn).
Rời núi Non Nước chúng tôi đến núi Kỳ Lân. Chả là khi xem chương trình Chiếc nón kỳ diệu thấy có một câu hỏi về núi này nhưng không ai đoán được. Do vậy, các con cháu tôi bảo phải đi thăm để biết. Núi Kỳ Lân chỉ cách núi Non Nước hơn 3 km. Trái núi này đứng ngay cạnh quốc lộ 1A về phía Tây, đi từ Hà Nội về thì còn cách trung tâm thành phố 2 km. Kỳ Lân là một thế núi tượng hình đầu con Lân nhìn về phía Bắc. Núi cao trên 50m phía Bắc sườn núi hõm vào tạo thành một cái hàm Lân. Xung quanh là những vách núi nhấp nhô, cây cối mọc xanh um như bờm và râu của con lân.
Núi Kỳ Lân nhỏ nhưng có tới 5 cái hang. Hang Tối dài 10m, hang sáng dài khoảng 30m chạy xuyên qua núi theo hướng Bắc - Nam. Hai bên thành hang, đá dựng đứng, phẳng lỳ như một giao thông hào rộng có thể đi lại qua được. Hang Ngang ở ngang núi có độ sâu 8m, hang Đền ở sát cạnh ngôi đền thờ bà Quận Chúa ở phía Tây-Bắc. Hang Trung là hang ở lưng trừng núi, sâu khoảng 10m, khá rộng có thể chứa được cả trăm người.
Mấy cha con tôi chui vào các hang, trèo lên đỉnh núi, phóng tầm mắt nhìn ra bốn xung quanh. Trưa hôm ấy trời mù nên tôi không thể chụp từ đỉnh núi này trái núi Voi quê tôi cách đó 4 km. Đành để dịp khác vậy.
Có một điều đáng tiếc là người ta chạt xi măng trong các hang và xung quanh núi quá kỹ. Điều này sẽ cản trở sự phát triển của cây trên núi. Các rễ cây buông xuống gặp sàn xi măng sẽ bị thui chột hết. Ở nhiều nơi người ta cũng làm theo cách này, chỉ thuận lợi cho người tham quan nhưng lại gây hại cho cây cối.
Chúng tôi rời núi Kỳ Lân về quê. Mấy cha con vào khu vực nghĩa trang nho nhỏ của phái tộc thắp hương khấn tổ tiên. Nghĩa trang của phái tộc tôi nằm cạnh chân núi Nương Sơn, cạnh Động Thiên Tôn- cửa ngõ của kinh thành Hoa Lư. Tôi tranh thủ chụp ảnh núi Voi- trái núi tuổi thơ tôi.
Tôi lại được đi trên con đường quê. Tôi nhìn ra xung quanh. Bao nhiêu chuôm ao của tuổi thơ thôi không còn nữa. Người ta lấp đi đế lấy đất làm nhà. Những cánh đồng ngập nước năm xưa bị khô cạn hết. Không còn cây lăn, cây lác, hoa sen, hoa súng nữa. Tôi ngước nhìn lên các trái núi quê tôi. Dãy núi Nương Sơn, núi Nà Mả, núi Dũng Đương, núi Đền Hạ, núi Mỏm Nàng, núi Hú, núi Đầu Gai, núi Cửa Ông, núi Ngậu.
Ơ sao đá của núi Ngậu lại không thể đem nung vôi được nhỉ. Khi nói chuyện với nhau ven trái núi này giọng ai nấy đều vang lên như đang cãi nhau. Đúng là núi Ngậu. Còn cái anh núi Ngang này nữa chứ. Tất cả các trái núi khác xếp hàng theo hướng Bắc- Nam riêng anh quay ngang ra theo hướng Đông- Tây. Anh ngang ngạnh thật đấy! Còn cả dãy núi Xẻ người ta phá hết đến tận gốc mất rồi. May có các cụ già ra bảo vệ nay còn được Hòn Gươm. Chính nhờ Hòn Gươm này mà trai tráng làng tôi ra trận trong cả thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ ít người hy sinh.
Cây trên các trái núi quê tôi đang hồi sinh. Nhiều trái núi trước trơ màu đá xám nay đã xanh màu cỏ cây. Người dân quê tôi đã dùng gaz hoặc dùng biogaz để nấu nướng rồi nên cây trên các trái núi có phần yên phận phát triển, tươi tốt.
Tôi nhớ về các bạn chăn trâu, đi lính cùng tôi, ai còn ai mất, ai đang phải nuôi những đứa con tật nguyền. Tôi nhớ về những lần đi bắt sáo ngã núi suýt chết, có lần ong đốt xưng bầm mặt hàng tuần, có lần đi đánh dậm đỉa chui lung tung làm cho thằng bạn khóc suốt cả một buổi chiều, rất may đến tối nó lại tự chui ra…
Ba ơi! Về tới nhà rồi! Con dâu tôi nhắc nhỏ. Tôi bừng tỉnh. Nhà tôi ở quê bây giờ do cô em gái kế tôi cai quản. Có mỗi em nó lấy chồng ngay ở xóm bên cạnh. Còn 5 chị em đều đi sinh sống, làm ăn ở nơi khác.
Rất may có cô em gái lấy chồng gần để 6 anh chị em tôi còn có dịp gặp nhau vào dịp giỗ mẹ, giỗ cha, vào dịp Tết đến Xuân về tại ngôi nhà của mẹ cha.
Tôi thắp hương báo cáo với thầy mẹ về việc về quê dự cưới cháu Mai; về việc chuẩn bị sửa sang nghĩa trang phái tộc. Ngồi nói chuyện với vợ chồng cô em gái tôi một lúc, chúng tôi sang thắp hương ở nhà thờ phái tộc.
15h chiều tôi và cháu Biên ra xe về Hà Nội. Vợ chồng cháu Việt- Xuyến ở lại để ngày mai đi thăm khu du lịch Tràng An. Tôi và Biên đã thăm nơi này mấy tháng trước.
Về tới nhà ở Hà Nội, lúc đầu gáy của tôi đau nhức rồi cái cổ cứng đơ ra, không quay trái, quay phải, không ngẩng lên, không cúi xuống được.
….Tại sao thế nhỉ? Từ thứ bẩy tuần trước đến hôm nay là thứ tư. 5 ngày rồi. Cái cổ cứ cứng đơ là thế nào nhỉ?
Anh Huy gặng hỏi: - Cậu cố nhớ lại xem tại sao lại bị cứng cổ thì mọi người mới góp ý cho cậu chữa được chứ.
Một tay nâng cổ, một tay bóp trán suy nghĩ. Một lúc sau tôi reo lên: - Em tìm ra thủ phạm rồi. Chính nó. Cái gì như cái tủ lạnh, đặt sau lưng em suốt hai ngày ở Press Club, nó liên tục phun ra khí lạnh thẳng vào gáy em, lưng em. Cái tủ ấy đặt cách em khoảng một mét rưỡi thôi. Chính nó! Ông bạn Na Uy đồng chủ trì đối thoại với em cũng kêu oai oái: - Нги! Холодно! Очень холодно! (Nghị ơi! Lạnh quá! Lạnh quá!)
Thế là tìm ra thủ phạm rồi. Nó là cái gì đó như cái tủ lạnh, từ đó phun ra khí lạnh vào gáy tôi suốt hai ngày trời ở Press Club, ở phố Lý Đạo Thành, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.
Anh Huy reo lên: - Thế thì Nghị bị cảm lạnh nặng rồi. Cậu vào trong nhà tớ đánh gió cho!
Anh bảo tôi cởi hết áo ra rồi xoa dầu lên cổ, lên lưng tôi. Anh lấy đồng tiền bạc đánh gió cho tôi. Cổ và lưng tôi tím bầm. Đánh xong anh bảo tôi đi nằm. Tôi ngoái cổ ra chào và cám ơn các anh các chị đã đến thăm và nằm thiếp đi. Sáng nay thức dậy, tuy cái cổ vẫn còn đau nhưng 10 phần thì đã đỡ được 6- 7 phần rồi. Tôi mở máy tính, check mail, mở trang web thấy có bài của em Phan Thanh Diện viết về mình. Cám ơn Diện về tình cảm em dành cho anh! Viết vài dòng comment bài của Diện rồi ngồi gõ bài này sau 5 ngày không tham gia mail đàn, web đàn.
Xin giới thiệu với ace một bài thơ hay của nhà thơ Nguyễn Khuyến về Núi Non Nước Chơi núi Non Nước Nguyễn Khuyến Chú giải:
Chom chỏm trên sông đá một hòn,
Nước trôi sóng vỗ biết bao mòn?
Phơ đầu đã tự đời Bàn Cổ, (1)
Bia miệng còn đeo tiếng trẻ con.
Rừng cúc tiền triều (2) trơ mốc thếch,
Hồn câu Thái phó (3) tảng rêu tròn.
Trải bao trăng gió xuân già giặn,
Trời dẫu già, nhưng núi vẫn non.
1. Bàn Cổ: Ông Bàn Cổ sinh từ lúc mới có trời đất.
2. Tiền triều: triều vua thời trước.
3. Hòn câu thái phó: tảng đá mà thái phó Trương Hán Siêu đã ngồi câu cá.
Người post: NghiPH
Ngày đăng: 02-12-2010 14:02
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |