BÓNG ĐÁ VÀ .... TỰ SƯỚNG
Tác giả: Meomun
(Xin mở ngoặc là bài này không liên quan gì đến dân “tự sướng” KGU)
Tôi xem bóng đá từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước, khi còn thò lò mũi xanh, bắt đầu từ sân vận động thị xã Thái Bình, nay lên cấp là Thành Phố Thái Bình. Sân thì lầm bụi, khán đài mốc thếch, thấp lè tè và những người đi xem cũng lam lũ, chỉn chu chứ làm gì có cảnh đánh trống chiêng hay phất cờ phướn đỏ sân như sau này. Hồi ấy, ba mẹ tôi lâu lâu có giấy mời đi xem bóng đá, bỏ thì tiếc nên các cụ cho tôi và thằng em trai, (kém tôi 1 tuổi) đi xem. Có trận, gặp phải ông soát vé kỹ tính, chúng tôi suýt không được cho vào, vì bé quá mà lại không có người lớn đi kèm. Xẩm chiều khi mang cái mặt cháy nắng lấm lem đất cát về, tôi còn bị bà ngoại lườm:- “Chỉ trốn bế em là giỏi! Hay hớm gì cái chuyện đi xem mấy thằng con trai mặc quần đùi chạy nhông nhông! Rồi bà hạ giọng: “-Con gái con đứa không được xem bóng đá, vô duyên đấy cháu ạ!” Vô duyên thế nào thì tôi chả hiểu, chỉ biết là mình rất sung sướng, mà lại có cái… tự sướng kiểu bụng đói mà mà vẫn yêu thể thao! Dù là thời ấy về Thái Bình đấu chỉ có những đội tép riu như Tổng Cục Bưu Điện, Quân Khu Thủ Đô… chứ chưa bao giờ tôi được xem những đội chiếu trên như Công An Hà Nội hay Thể Công cả.
Lớn rồi, tôi bắt đầu ngại chuyện ra sân xem bóng đá, mặc dù những dịp có vé cũng hiếm hoi. Thời ấy chả thấy mấy bóng cổ động viên nữ nào trên sân, chưa kể đi xem về còn bị mắng là “trốn việc”. Chúng tôi “xem” bóng đá được tường thuật trực tiếp qua đài là chính và còn thuộc những bài tường thuật bóng đá được “phóng tác”, có những câu đại loại như: “Trọng tài Huy Kim cầm sào lùa hai đội ra sân rồi thổi còi toét một cái bắt đầu trận đấu. Lý Tũn ngáng Lý Ủn. Lý Ủn nằm lăn ra sân ăn vạ. Trọng tài chạy đến, cạy 1 cục dỉ mắt to bằng nắm đấm ném vào Lý Ủn. Sau khi choáng váng, Lý Ủn lồm cồm ngồi dậy…”. Đúng là nhất quỷ nhì ma! Sau này có ti-vi, hôm nào có bóng đá là tôi và thằng em lại chầu chực ở nhà hàng xóm từ xẩm tối, từ lúc màn hình còn sôi xèo xèo và lấm tấm hạt như bèo hoa dâu cho đến lúc bắt đầu có chương trình truyền hình.
Hồi sang Liên Xô học, tôi đã từng đến sân vận động Dinamo Kiev xem trận đấu giữa Dinamo Kiev và Dnhepr. Ngồi lọt thỏm trong cái lòng chảo có sức chứa 100.000 người ấy, tôi tận hưởng sự “tự sướng” trong khi thiên hạ đang đi lùng nồi hầm, bàn là còn tôi thì được chiêm ngưỡng những thần tượng bóng đá Xô Viết ngày ấy như Olec Blokhin, Demianhenco, Mikhailichenco, Zavarov của Dinamo Kiev và Olec Protaxov của Dnhepr bằng xương bằng thịt trên sân. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là hồi tôi đi Anh. Hôm ấy tranh thủ cuối tuần không họp, sếp (người Anh) rủ tôi đi xem Chelsea đá. Thế là hai tên mò ra sân Stamford Bridge, lấm lét một lúc (vì cảnh sát mà túm được cũng phiền) chúng tôi mới mua được 2 tấm vé chợ đen rồi hòa mình với dòng người cuồn cuộn từ các ngả đường dẫn vào sân vận động. Từ chỗ ngồi hơi xa, tôi thấy Zola bé tí tẹo, gầy nhẳng, trông thảm hại hơn trên tivi nhiều. Hồi ấy chưa có vụ tỉ phú Nga Abramovich mua Chealsea nhưng tôi đã khoái Chelsea. Do mua vé chợ đen, không được quyền lựa chọn nhiều nên chúng tôi tình cờ ngồi trúng giữa đám fan của Sheffield Wednesday. Lúc The Blues làm bàn, tôi đứng phắt lên, lấy khăn quàng cổ ra phất lấy phất để làm mấy thằng fan của Sheffield Wednesday tức điên, chúng giật cổ áo từ phía sau khiến tôi suýt ngã bổ chửng.Sau này nghe thiên hạ kể đi Anh, Mỹ thì thăm viếng những đâu, mua sắm những gì, còn tôi, tôi “tự sướng” với chuyện đã “dũng cảm” bỏ tiền mua vé chợ đen để được vào sân Stamford Bridge, để thấy là cỏ trên sân rất xanh và cầu thủ Tây thì quá đẹp trai!
Không kể hồi trẻ con, tôi chỉ thực sự chú ý đến bóng đá Việt nam từ sau khi tuyển Việt Nam có thầy ngoại, đầu tiên là Weigang, rồi Tavares, rồi lại Weigang, Riedl... Chắc tôi cũng giống nhiều người Việt Nam khác, bỗng dưng yêu nước hơn qua từng trận đấu quốc tế có Việt Nam tham gia. Hồi xưa, tôi chỉ nghe kể cái chiến tích đội Thể Công thắng Bát Nhất của Tàu, kèm với bao nhiêu điển tích thực hư, dính đến cả chuyện ngoại giao, chính trị! Nghe sao mà sướng, mình dám thắng cả Tàu! Rồi giải SKADA của quân đội các nước xã hội chủ nghĩa anh em nữa. Thằng em tôi kể như thật cái vụ dân mình trước trận đấu đưa mấy anh tây đen Angola đi uống bia và … tăng 3, khiến cho hôm sau các anh chỉ có nước chân nặng như chì, lết không nổi. Thế là Việt Nam thắng, thắng cả Tây đen, có oách không chứ! Bóng đá người lớn rộn ràng, bóng đá nhi đồng (khoảng chục năm trước) cũng không kém, mặc dù qua phù phép của người lớn, nhiều “nhi đồng cụ” phải cạo lông chân để đủ "chuẩn" nhi đồng. Chắc mọi người còn nhớ câu chuyện bi thảm của “thần đồng bóng đá” Trần Thế Vọng, phải đội tên giả, lý lịch giả của người khác trong giải nhi đồng toàn quốc năm nào, rồi khi trưởng thành thì chết trong một tai nạn chả liên quan gì đến sân cỏ. Hồi tôi về quê ngoài Bắc, cô bạn là giáo viên hỉ hả kể chuyện cả tỉnh ra tận bến phà để đón đội bóng nhi đồng của tỉnh vừa giành được cúp vô địch. Cô ấy kể:”- Lúc phóng viên hỏi thằng T mà ai cũng lo, chỉ sợ nó khai tên thật thì chết!” Thế đấy, vì bệnh thành tích, bệnh “tự sướng” của người lớn mà hỏng cả một thế hệ.
Bây giờ người hâm mộ Việt Nam một năm có thể buồn vui với nhiều trận đấu có đội tuyển Việt Nam. Bóng đá nam, rồi bóng đá nữ, cũng là cớ để tự sướng, nhất là khi tuyển nam đá chán quá thì người ta quay qua ủng hộ tuyển nữ. Còn tôi, tôi thấy chạnh lòng khi thấy các cô gái tóc ngắn, da dẻ đen thui, quần đùi áo số nhìn qua không biết trai hay gái đang chạy huỳnh huỵch trên sân.
Những năm gần đây, nhiều người mình đã bỏ dần tư duy “Việt Nam mà đá đấm cái gì” để mơ đến những trận thắng và nhiều khi cứ đòi hỏi là phải thắng. Khi đội tuyển Việt Nam thắng, thắng trực tiếp hay gián tiếp nhờ tay kẻ khác đều là cớ để xuống đường ăn mừng. Hồi SEA Games 1997, Việt Nam phải nhờ đến bàn thắng của cầu thủ Lào Keolakhon ở phút 89 vào lưới Malaysia ở lượt đấu cuối cùng vòng bảng mới giành được vé vào bán kết, thế mà phố xá đỏ rực cờ, cứ như Việt Nam vừa giành được cúp vô địch và người ta truyền nhau câu thơ vui: “Hoan hô anh Kẹo La Khon/Đá xong một quả lon ton chạy về!” Vì cú làm bàn tình nghĩa ấy mà tình hữu nghị Việt Nam- Lào lại được nhắc đến, rưng rưng cảm động kiểu:- Anh mang ơn chú! Ấy thế mà mấy năm sau, trong một kỳ Seagames, Việt Nam “xơi tái” Lào đến 8 trái, không cho “chú” chút ân huệ.
Thắng tất nhiên là vui rồi. Trên truyền hình, bình luận viên bóng đá (lẽ ra chỉ nên gọi là tường thuật viên thì đúng hơn) sẽ gào lên “VÀO…VÀO…VÀO” và không gian sau đó vỡ òa ra bởi tiếng la từ các quán cà phê, quán nhậu, từ từng nhà. Chỉ ít phút sau, đường phố sẽ đầy người đi “bão”, cờ đỏ ngập trời. Các loại báo chí, báo hình lẫn báo in, báo mạng tràn đầy màu đỏ phấn khích, kèm theo những lời có cánh để đẩy tất cả lên tận mây xanh. Nào là đấu pháp hay, nào là “tinh thần quyết thắng” “ý chí Việt Nam” và khiếp nhất là còn so sánh đội tuyển Việt Nam với Barca, hay một cá nhân nào đó với Messi. Nghe thật nổi da gà. Nhưng đang vui, mọi người cũng thể tất để cho phép nhau tự sướng một tí. Thằng khách hàng của tôi, một thằng trong tên họ có chữ “van” có lần bảo:”- Tối hôm qua tao đi về nhà mà kẹt xe vì cái đám cổ vũ bóng đá! Thắng mấy thằng Đông Nam Á hàng xóm mà chúng mày cứ làm như thắng Brazin ấy!” Tôi cụt hứng nhưng cũng cố chống chế: “-Nước tao là nước nhỏ mà!” Nó cười:-“ Thế mày không biết Việt Nam có diện tích và dân số lớn gấp mấy lần Hà Lan của tao à? Cứ như tư duy của mày thì bóng đá Trung Quốc phải nhất thế giới!” Ừ nhỉ, lâu nay mình cứ lấy Thái Lan làm kẻ thù truyền kiếp, làm “mục tiêu phấn đấu” trong mấy giải bóng đá “ao làng”, rồi buồn vui theo chuyện thua Thái Lan bao nhiêu bậc trong bảng xếp hạng của FIFA, nghĩ cũng hài hước.
Còn thua ư? Lập tức người ta sẽ chạy sang một thái cực khác: chê thậm tệ, rồi đổ cho khách quan, hay cho trọng tài là dễ nhất. Cực đoan hơn, đổ tại cầu thủ bán độ. Thực ra mọi thứ đều có lý, nhất là ở Việt Nam. Ngày xưa tôi không bao giờ tin là những cầu thủ của một trận cầu quốc tế, mang theo mình cả niềm tin và lòng tự hào dân tộc, lại có thể bán độ. Hồi Seagames 23, tôi xót xa khi thấy những pha vào bóng ác ý của đối phương vào những cầu thủ con cưng của Việt Nam thời ấy như Văn Quyến, Quốc Vượng. Thế mà tất cả là một trò diễn, những thần tượng ấy chỉ còn là “tượng”, mà là tượng vỡ. Một số người nói rằng không một trận cầu nào ở Việt Nam hay có đội Việt Nam tham gia là không thể mua bán độ, có điều có làm hay không thôi. Cũng phải thông cảm cho cầu thủ, đời cầu thủ ngắn ngủi, chế độ đãi ngộ phập phều, lúc thắng thì ẵm tiền trăm triệu, lúc thua thì bị lãng quên, rồi bị vắt chanh bỏ vỏ, chấn thương nặng một cái là tiêu, tội gì mà không tranh thủ kiếm tiền mua nhà, tậu xe, mà là toàn xe xịn, có bạn gái là người của giới Showbiz cho nó oách. Tỉnh táo một chút, người ta quay ra trách mấy ông VFF, trách cái chuyện bóng đá Việt Nam như cái nhà được xây từ nóc, như lời một huấn luyện viên nước ngoài của đội tuyển Việt Nam đã nói. Nhưng cuối cùng thì chung quy cũng tại “thằng” cơ chế cả, chứ các bác VFF cũng lo lắm chứ! Nếu đội tuyển thi đấu không đạt chỉ tiêu, các bác ấy sẽ khốn khổ, xất bất xang bang vì sợ mất ghế, còn các nhà tài trợ sẽ ngoảnh mặt đi. Lúc ấy thì chỉ còn biết gọi "sao không về tiền ơi!" Cứ xem tên gọi của giải bóng đá vô địch quốc gia V-Leage thì thấy, thay đổi xoành xoạch, hết Strata lại Sting, Kinh Đô, Number One, Euro Window rồi lại PetroGas …
Thôi thì trong khi chờ mọi thứ thay đổi để có một sách lược toàn diện, tổng thể và dài hơi cho bóng đá Việt Nam, để bóng đá Việt Nam không còn chuyên nghiệp nửa mùa và mơ đến ........danh hiệu vô địch World Cup, tôi vẫn tự sướng, anh tự sướng và tất cả chúng ta cùng tự sướng với đội tuyển Việt Nam tại giải AFF lần này.
13/12/2010
Người post: VanNH
Ngày đăng: 13-12-2010 12:12
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |