KGU News >>Văn học >>Truyện
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 20 Tháng mười hai. 2010

HOA QUỲNH NỞ MUỘN




Tác giả: Meomun

.“Cái đẹp thường mong manh”

Cứ mỗi buổi chiều từ cơ quan về nhà, ông lại có một cảm giác khó tả, nửa mừng lại nửa lo. Mừng vì đã kết thúc một ngày làm việc nhàm chán, không một niềm vui và chẳng còn ý chí phấn đấu. Lo, thậm chí một nỗi sợ hãi mơ hồ vì thời gian rảnh rỗi khi chiều đến sẽ không biết làm gì cho hết thời gian và những đêm mất ngủ đến với ông thật dài. Cuối ngày, khu tập thể nhỏ bé, cũ kỹ trở nên nhộn nhịp hơn, người lớn đi làm về, trẻ con cũng xong buổi học, mọi người như những con kiến cần cù tụ tập về lại tổ. Đối với ông, mọi thứ ở khu tập thể trở nên quá đỗi quen thuộc như bữa cơm hàng ngày.Tiếng bà mẹ gọi con, tiếng xoong nồi  khua, rồi khói bếp than tổ ong, bếp củi và cả bếp dầu lửa bốc lên khen khét, nồng nồng. Sau đó sẽ là mùi thức ăn, rồi tiếng bát đũa khua, rồi tiếng trẻ con ê a học bài, giọng bà mẹ nào đó vừa giảng bài cho con vừa gắt gỏng.  Còn với ông, mọi việc quá đơn giản, nấu một bữa cơm cho một người ăn, có gì ăn nấy, khi quả trứng, lúc con cá khô, sang hơn nữa thì có chút thịt, cộng với nắm rau khoai lang hay rau  muống luộc, thế là xong bữa.

 

Hồi này ông cảm thấy mình xuống sức hơn, hay ốm vặt, những hôm nào trái gió trở trời, các khớp xương đau nhức và mất ngủ triền miên. Có lúc thấy ông vui vẻ, mấy cậu trai trẻ trong phòng đánh bạo trêu ông:“- Này bố, bố cứ lấy vợ đi là khỏe tất!”. Thằng Sơn còn tếu táo: “-Bố có biết chuyện đêm tân hôn cô dâu hỏi chú rể là để dành được bao lâu rồi không?” Hahaha, thế là cả lũ phá ra cười khiến ông khoặm mặt lại, mấy cậu đang cười đùa chợt im bặt, mọi người lảng đi chỗ khác. Có lần ông đi khám bệnh, người ta bảo không sao, chỉ là bệnh già! Bệnh già! Ông ngỡ ngàng. Ông chợt giật mình, mới đó mà đã suýt soát ba chục năm, kể từ ngày ông chuyển công tác đến cái thị trấn miền trung du nhỏ bé ấy. Ông bần thần, ba chục năm, thời gian, những biến cố trong cuộc đời và những va chạm trong công việc đã đủ để biến một chàng trai tóc đen nhánh ngày nào thành một ông già tóc bạc, một công chức an phận. Bây giờ, sau bao nhiêu đời thủ trưởng, (vốn chỉ tạm trú ở thị trấn này tạm thời vài năm để chuyển đi công tác khác tốt hơn), ông là trưởng phòng hành chính, nhưng thực chất công việc chủ yếu là chỉ là quản lý hồ sơ, chấm công cho anh em, quản lý văn phòng phẩm và những việc linh tinh để chờ dăm ba năm nữa sẽ về hưu. Về hưu, ông bỗng hoảng sợ. Mới đó mà đã về hưu! Về hưu thì mình sẽ làm gì cho hết ngày? Đi làm dẫu có chán, có nhàm nhưng vẫn còn có công việc để mà bận rộn. Bây giờ, ông cảm thấy hết sức trống trải khi hết mỗi ngày làm việc, ông lại trở về đối diện với chính mình trong căn phòng tập thể rộng chừng hơn chục mét vuông.

 

(Sơn mài "Vườn xưa"- Họa sỹ Nguyễn Văn Hải-Collector:MM)

Thực ra, ông đã từng có vợ, mà có rất sớm, từ hồi 20 tuổi, còn đang đi học. Cô vợ là người cùng thôn, hai người lấy nhau là do cha mẹ mối mai. Sống với nhau mới được mấy tháng, cô ta đã bỏ nhà đi theo một gã thầu khoán. Cái xóm làng nhỏ bé của ông ồn ào lên. Bà mẹ của ông thì quả quyết là cô ta bị người ta trút lốt nên đã bỏ nhà ra đi. Bà cụ kể là trước đó ít hôm, hai mẹ con đi chợ để bán mấy thứ rau quả vườn nhà, bà có việc bận nên để cô ta ngồi bán hàng một mình. Đến trưa bà quay lại chỗ con dâu thì thấy cô ta đang ngồi ngẩn ngơ với một cái thúng, trong có mấy cái áo cũ của ai đó. Cô ta chỉ nhớ láng máng trong buổi chợ đông đúc ấy có ai đó đã gửi cô ta cái thúng đó và bỏ đi, đến tận khi chợ trưa vẫn không đến nhận lại. Ở quê ông, người ta gọi đó là bị trút lốt, một điều hết sức kiêng kỵ.  Còn ông, dẫu chưa kịp hiểu và yêu thương, nhưng một ngày cũng nên nghĩa. Mang tiếng bị vợ bỏ, ông cũng buồn một thời gian. Nỗi buồn ấy càng nhân lên gấp bội khi cả bố lẫn mẹ ông sau đó lần lượt từ giã cõi đời.

 

Rồi hạnh phúc cũng mỉm cười với ông. Lên thị trấn này được chừng gần chục năm, ông đã gặp và yêu Ngát, một cô giáo cấp 1 miền xuôi lên dạy học. Ngày cưới nhau, Ngát mới ngoài hai mươi, da trắng, tóc dài và tiếng cười trong vắt. Có Ngát, căn phòng tập thể của ông như sáng bừng lên và cuộc sống của ông được chăm chút nhiều hơn. Vẫn căn phòng chật hẹp ngày nào, nay thoáng mát, gọn gàng và ấm cúng hơn bởi bàn tay thu vén của người phụ nữ. Những buổi tối, Ngát ngồi soạn bài và ông giúp Ngát chấm bài cho học sinh, những bài toán hay chính tả của học sinh cấp 1 thì chẳng có gì là khó với ông, chỉ làm một loáng là xong. Soạn bài xong, Ngát ngồi mạng lại quần áo cho ông, hay thêu cái áo gối, miệng hát nho nhỏ. Còn ông, có lúc ông cứ say sưa nhìn chăm chắm người vợ trẻ của mình, ngắm cái cổ cao vươn ra như một búp sen kiêu hãnh, mái tóc xanh mướt lòa xòa trước trán, đến mức Ngát ngưng hát, đỏ mặt rồi phát vào lưng ông:- “Nhìn cái gì mà nhìn người ta mãi thế!” Những ngày đó sao mà hạnh phúc, nhất là từ hôm ông về nhà đã thấy Ngát đón ở cổng với vẻ mặt hết sức bí mật nhưng không giấu được vẻ rạng ngời trên đôi mắt, làn môi, rồi thì thào vào tai ông là ông sắp được làm cha!

 

Sơn dầu- Họa sỹ Đinh Quân

Ấy thế mà tất cả đã kết thúc sau đó không lâu. Mọi chuyện cứ như một cơn ác mộng. Vào cái ngày hè định mệnh ấy, ông đang ở cơ quan thì có người hớt hơ hớt hải chạy đến thông báo cho ông tin dữ. Người ta nói rằng Ngát đi giặt ở khúc suối, bị sảy chân và bị nước cuốn trôi đi một đoạn. Ông chạy đến nơi thì đã thấy Ngát nằm đó, trên một tấm chiếu ở gần bờ suối. Ông như điên như dại gạt đám đông, xông vào và đứng sững người. Ngát của ông đó, khuôn mặt xinh tươi ngày nào bây giờ phù ra, nhợt nhạt, những vết xước trên mặt trắng bợt và mái tóc bết lại thành từng nắm, trông thật khủng khiếp. Ông sà xuống bên Ngát, ôm lấy thân hình lạnh ngắt của cô, không tin được sự thật là ông mất cả vợ lẫn đứa con chưa kịp chào đời. Ông ngất đi, lúc tỉnh dậy không nhớ người ta đã mang ông về đến nhà như thế nào nữa. Bao nhiêu năm trời, cái chết bi thảm của người vợ trẻ và đứa con chưa kịp chào đời cứ ám ảnh ông. Cả một thời gian dài, ông cứ ngơ ngẩn tự trách mình. Giá ông kiên quyết hơn, giá ông quan tâm hơn... Ngát vốn tham công tiếc việc, nghỉ hè, thời gian rảnh rỗi nhiều, nay cô mang quần áo cũ ra giặt lại, mai giặt chăn, giặt chiếu... Thấy cô cứ bận rộn vất vả, ông đã “cấm”, bảo cô chỉ nên giặt ở bể nước khu tập thể, nhưng cô nào có nghe lời. Ngát bảo tranh thủ làm nhoáng một tý là xong, đề phòng ít lâu nữa “nằm chỗ” sẽ bận rộn hơn. Ngát còn bảo bể nước bé quá, múc một tý đã hết thì người khác lấy gì mà dùng, vừa mất công múc, lại vừa không sạch, chi bằng ra suối cho sạch. Ngát mất đi, mang theo mình tất cả những mơ ước của ông về một cuộc sống gia đình hạnh phúc và ông như biến thành một con người khác hẳn, ông sống lặng lẽ, xa rời mọi cuộc vui, ồn ào xung quanh. Ông đón cha của Ngát, người mà sau cái chết của vợ rồi lại đến con gái cũng trở nên suy sụp, về ở cùng để tiện phụng dưỡng. Ông cụ mất sau đó mấy năm.

Xx

x

Ăn bữa tối xong, dọn dẹp, giặt bộ quần áo, lôi tờ báo buổi sáng lấy ở cơ quan về đọc lại, làm cốc trà nóng, hết mọi việc mà trời vẫn còn sớm, ông thường thả bộ đi quanh thị trấn. Ngày ông mới về đây, thị trấn còn khá hoang vu, dân cư thưa thớt chứ nào được sầm uất như bây giờ.

Có lần vẩn vơ, ông đã đi đến chỗ cuối đường chính của thị trấn. Mấy năm nay, nhà cửa mọc lên nhiều, nhưng ông vẫn nhớ gần như rõ ràng đặc điểm của từng ngôi nhà. Ông chợt dừng chân trước một cái quán nhỏ, có lẽ chỉ mới xuất hiện không lâu. Ông tò mò bước vào. Cũng như mọi quán nước khác, một cái tủ nho nhỏ đựng thuốc lá, mấy gói bánh kẹo treo lủng lẳng phía trên và bộ bàn ghế nhựa nho nhỏ để trước quán. Chủ quán là một người đàn bà không còn trẻ, có lẽ chừng ngoài 40 tuổi nhưng trên gương mặt vẫn còn nét đẹp của thời xuân sắc, phảng phất một nỗi buồn. Tên chị là Sáu, chị ở nơi khác mới đến mua lại căn nhà nhỏ này và mở quán, như chị nói là bán mấy thứ linh tinh kiếm tiền chợ. Ông gọi một ấm trà rồi lấy một điếu thuốc lá. Chị chủ nhà đón khách bằng một nụ cười mỉm rồi lặng lẽ đưa ông điếu thuốc bằng hai tay và ông chợt giật mình khi nhìn vào bàn tay ấy. Ngát của ông ngày xưa cũng có đôi bàn tay trắng trẻo, ngón tay thuôn dài như thế, bàn tay của người cầm bút. Ông vội vã trả tiền và đi như chạy về nhà. Ông mang ảnh cũ ra ngắm và thẫn thờ. Người ta vẫn nói “những người chết còn trẻ mãi”, Ngát trong ảnh vẫn trẻ như thuở ấy, cặp mắt to, trong veo và nụ cười hạnh phúc, đang nép đầu vào bên ông, tin cậy, dịu dàng.

 

Xx

X

Cây quỳnh ông trồng đã mấy năm nay mà chẳng chịu ra hoa, mặc dù ông đã dày công chăm sóc. Cứ mỗi buổi sáng, trước khi đi làm ông đều đến bên chậu hoa, tỉ mẩn tưới nước, bón thêm phân, rồi xem từng cái lá. Ông Minh, bạn ông nói cây quỳnh nhà ông chậm ra hoa vì thiếu cành giao và hứa sẽ tìm để ông trồng cho đủ bộ. Ai cũng bảo, đã chơi cái loài “đàm hoa nhất hiện” này phải tỉ mẩn, kì công và kiên nhẫn. Nghe ai mách bảo cách chăm sóc hoa quỳnh là ông đều chăm chú lắng nghe để về áp dụng.

            Từ ngày có quán chị Sáu, ông năng đi bộ đến, cũng chỉ là để uống trà, hay hút một điếu thuốc rồi về. Câu chuyện giữa ông và chị chủ quán cũng dần dần trở nên cởi mở, vui vẻ hơn. Chị cho biết trước kia từng là giáo viên, nhưng do cuộc sống khó khăn quá nên đã bỏ nghề. Thảo nào, ông thấy mình đã đoán đúng khi nhìn bàn tay chị, và càng đúng hơn khi thấy trong lời ăn tiếng nói của chị đều có một chừng mực, không giống như dân buôn bán thông thường. Chị kể chị có một đứa con gái đang học trung cấp dưới tỉnh, hàng tháng về nhà thăm mẹ và “để lĩnh lương mẹ”. Hỏi về chồng, chị lảng đi nhưng nói đến con gái, chị trở nên hoạt bát hẳn, mắt chị sáng lên và miệng cười thật tươi.  Chị khoe ảnh con bé, kể chuyện hồi bé nó khó tính khó nết thế nào, đến nỗi phải gửi tên vào chùa cho dễ nuôi. Chị bảo cũng mong là ít lâu nữa nó học xong, sẽ xin việc ở đâu đó gần nhà, rồi nó sẽ lấy chồng, có cháu cho chị bế. Nghe chị nói thế, ông chợt bật ra câu đùa:- “Gớm, bà ngoại gì mà trẻ thế!” Chị đỏ mặt, lúng túng:- “Bác cứ nói thế, em già rồi!” Còn ông, ông chợt im lặng, nghĩ đến cảnh mình và lòng lại thoáng buồn. Lẽ ra, ông cũng đã có một gia đình, có những đứa con đến tuổi trưởng thành và có lẽ đã có cháu nội, cháu ngoại, như những người cùng trang lứa. Ông lầm lũi ra về và lại một đêm thức trắng.

Chẳng hiểu từ khi nào nữa, ông đã quen với việc cách một vài ngày cứ buổi chiều là đi bộ đến quán của chị Sáu. Quen đến mức chị bận việc gì trong nhà mà có ai đến mua hàng thì ông bán giúp, người không biết lại tưởng ông là chủ quán. Có những lúc, ông ngồi cả tiếng chỉ để uống trà, và nói chuyện bâng quơ với chị Sáu và thỉnh thoảng liếc trộm chị đang ngồi cắm cúi bên cái máy khâu, gia công quần áo trẻ em. Dáng chị thanh mảnh, mái tóc chưa có sợi bạc búi cao, để lộ cái gáy thon thon làm ông nhớ tới hình ảnh Ngát ngày nào. Vào Chủ Nhật, không có việc gì làm ở nhà, ông lại đến quán của chị. Khi thì ông giúp chị nâng lại cái giàn mướp, rào lại cái hàng rào, hay có hôm còn bắc thang dặm lại cái mái bếp bị dột. Ông làm những việc ấy một cách hết sức tự nhiên và thấy vui vẻ, sốt sắng như chính việc nhà mình. Lúc đầu, chị cũng ngại, ông phải gạt đi, bảo là việc đàn ông, chỉ làm một nhoáng là xong, việc gì phải ngại. Tự nhiên, ông thấy mình dường như khỏe mạnh hẳn, những triệu chứng mệt mỏi, nhức xương khớp hầu như không còn, tính tình trở nên vui vẻ hơn. 

Rồi chị Sáu cũng lần mò đến căn phòng tập thể của ông và thực sự thấy cám cảnh trước căn phòng tuềnh toàng không hề có bàn tay vun vén của phụ nữ. Chị chỉ cần ra tay một buổi, mọi thứ trở nên ngăn nắp, sạch sẽ. Có lúc chị đứng lặng ngắm nhìn tấm ảnh trắng đen chụp ông và Ngát đang treo trên tường và thở dài lặng lẽ.

Những việc ấy không qua mắt được nhiều người trong khu tập thể cũng như trong cơ quan. Tò mò cũng có, thực bụng quan tâm cũng có, người bàn vào, kẻ bàn ra. Lâu nay người ta ngại nói đến chuyện riêng của ông, vì biết ông rất khó tính, nhiều khi đang ngồi chơi với mọi người, thấy có ai tỏ vẻ muốn khuyên bảo, hay mai mối cho mình là ông đứng dậy bỏ đi, đối với ông, tất cả tưởng chừng như đã hết từ sau cái chết của Ngát. Vậy mà, sau một lúc đắn đo, ông đã tâm sự về chuyện riêng của mình với ông Minh, người bạn chí cốt. Ông Minh lưỡng lự:-“Tùy ông thôi, tôi thấy cô ấy cũng hiền lành chăm chỉ. Ông cũng nên lập gia đình để có người bên cạnh lúc trái gió trở trời, khi về già có chỗ mà dựa. Chỉ ngại còn con gái cô ấy, biết ý nó ra sao?” Ừ nhỉ, còn con bé nữa! Nhưng ông nghĩ chắc không có gì đáng lo, một khi ông sẽ thương yêu nó, chăm sóc nó như con của mình.

X x

x

Mấy hôm nay cây quỳnh của ông thấy rất khác. Những cái lá như xanh hơn, mọng nước, vươn dài đầy sức sống. Ông khấp khởi thấy một nụ hoa nhú từ nách lá, hồng hồng, xinh xắn như ngón tay trẻ con, mỗi hôm một lớn. Buổi sáng, ông Minh sang uống trà đã ngắm nghía, gật gù và bảo ông năm nay sẽ may mắn lắm đây! Ông Minh còn bảo chắc chắn khuya hôm nay hoa sẽ nở, nên “kẻ quân tử” như ông phải chuẩn bị ấm trà ngon mà thưởng hoa, kẻo không kịp chứng kiến giây phút hiếm hoi khi “nàng” xuất hiện. Ông tự nhủ, mình sẽ đến nhà chị Sáu chơi sớm, nhân thể dò ý chị Sáu về kế hoạch sắp tới ra sao, mà cũng tại mấy hôm nay bận làm báo cáo cho cơ quan nên ông không tới thăm chị được. Sau đó còn kịp trở về để thức chờ hoa quỳnh nở. Lòng rộn ràng, ông rảo bước nhanh tới nhà chị, đoạn đường chừng cây số đối với ông hôm nay dường như ngắn hơn. Ông dừng chân trước cửa nhà, cửa đóng kín, trước cửa có dán tờ giấy có mấy chữ “chuyển về quê”, lạnh lùng như những cái tát. Ông đứng ngẩn người cả lúc lâu, hoang mang vì mấy ngày trước đó, ông không thấy chị Sáu nói gì với mình cả, chỉ thấy chị hơi buồn, tính càng lặng lẽ hơn. Rồi ông bước đi, những bước chân vô định. Quay về khu tập thể thì ông không muốn, bởi càng thấy trống trải và cô đơn hơn bất cứ lúc nào hết. Bước chân đưa ông ra nghĩa địa của thị trấn, nơi Ngát nằm lại, bên cạnh nấm mộ của ông cụ thân sinh ra Ngát.  

 

Hóa ra, đứa con gái chị Sáu, nghe phong thanh về mối quan hệ của mẹ nó với một ông già gần 60 tuổi, đã đột ngột về nhà. Nó dọa tự tử. Sau trận làm mình làm mẩy của đứa con gái duy nhất, chị đã gạt nước mắt, ra đi như chạy trốn.

Trời rạng sáng, ông thất thểu trở về căn phòng tập thể của mình. Ông chợt nhớ đến cây quỳnh, không biết nó nở chưa? Bỗng ông bủn rủn cả chân tay. Bông hoa quỳnh nở về đêm, bông hoa quỳnh mà ông chờ đợi bấy lâu nay đã biến mất, chỗ bị ngắt còn ứa nhựa, như những giọt nước mắt. Đêm hôm qua có kẻ trộm lọt vào khu tập thể. Đảo qua một vòng chẳng lấy được gì, nó tính bưng chậu quỳnh. Nặng quá bê không nổi, nó đành bỏ lại. Nhưng bông hoa quỳnh trắng ngần, lung linh dưới ánh trăng, tỏa hương quyến rũ khắp không gian tĩnh lặng khiến nó nổi cơn tức tối. Nó bèn thò tay ngắt cho bõ ghét.

1990

На память моего сына

 

 


Người post: VanNH

Ngày đăng: 20-12-2010 14:02






Xem 1 - 10 của tổng số 15 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Meomun
19/11/2016 14:33:00

@Hoa: theo yêu cầu của bạn và một vài anh chị khác, MM post lại. Chân thành cám ơn sự lưu tâm của mọi người đến cái truyện ngắn đã viết cách đây gần 30 năm, thuở còn ngọng nghịu lắm. 



Từ: Guest Hoa
17/11/2016 11:19:36

@Bạn MM, bạn pot bài này lại được không, đọc cmt mà không đọc bài chính thấy bứt rứt quá, bạn pot lại nhé, cám ơn bạn.



Từ: Meomun
30/12/2010 07:37:46

@Anh Thông: Comment của anh thật tuyệt vời, cả từ góc độ thực tế cuộc sống lẫn góc độ của một nhà phê bình. Đúng là em có nhắc đến cành giao nhưng hoàn toàn không khai thác yếu tố này, dở quá! Còn chuyện "kỹ thuật" là cây quỳnh trồng như thế nào, ra hoa lúc nào thì em chỉ nghe nói và ... tán thêm chứ không có hiểu biết thực tế. Em thấy quyết định không theo đuổi chuyện viết lách của em là hoàn toàn đúng, vì ngoài chuyện khả năng có hạn, nếu vốn sống của người viết quá ít sẽ biến tác phẩm thành thứ văn chương "salon" mà thôi. 


Cám ơn anh Thông rất nhiều.



Từ: ThongNV
30/12/2010 07:06:52

Anh thích và thấy cái kết của Meomun hơn của Nghị. Đồng ý với Meomun khi không chọn cái kết thứ hai. Cái kết đầu còn không hợp lý nữa là ở kết cấu của chậu Quỳnh. Những người đã biết thưởng thức hoa Quỳnh thì không bao giờ trồng mỗi cây Quỳnh không mà phải trồng với cây Cành Giao. Cành Giao vì như "Người chồng" để Quỳnh -"Người vợ" dựa vào. Nếu tác giả mô tả thêm chi tiết về Cành Giao trong chậu Quỳnh thì càng làm nổi bật sở thích hoa Quỳnh của nhân vật trong truyện. Và hơn nữa còn làm tương phản cuộc sống bất hạnh của ông vì cây còn có đôi . . . . .


Cây Cành Giao thường to, cành xè xoạng nên dùng gậy mà "phang" như kết của Nghị thì càng không hợp lý.


Có một chi tiết nhỏ nữa là khi cây Quỳnh đang mơn mởn lá thì không ra hoa. Phải qua thời kỳ này, cây cằn lại mởi trổ bông được. Ở Đà Lạt đã tạo giống hoa Quỳnh mở ban ngày (Nhật Quỳnh) đủ các màu, để cho ra hoa nhà vườn phải cắt đầu nhánh đi. Đây là chi tiết nhỏ, không làm ảnh hưởng đến nội dung của truyện. Người làm vườn tiện tay thì viết ra thôi.



Từ: Meomun
24/12/2010 08:07:03

Cám ơn bác Tổng đã đọc kỹ và đưa ra 2 option cho cái kết, liên quan đến tên ăn trộm, ăn trộm cả hoa quỳnh, ánh trăng và niềm hi vọng cuối cùng của ông già U60. (hihi, chắc do hồi đó em trẻ quá nên em thấy 60 tuổi thì già quá, chứ như quan niệm bây giờ thì U60 vẫn trẻ trung, lạc quan để tiếp tục "tin ở hoa quỳnh").


Cái kết đầu thì em không thích, mặc dù cũng hợp lý, một tên ăn trộm thông thường, ít học, bặm trợn thì có cách đối xử với hoa tàn bạo như vậy cũng là dễ hiểu. Một cây hoa quỳnh mong manh thì chịu sao nổi cú gậy vụt, chắc chắn sẽ nát tươm, lấy đâu sức mà tỏa hương nữa, để tên trộm ngây người bỏ đi. Hơn nữa, vụt như thế có thể gây tiếng ồn, bà con sẽ tỉnh giấc ra đuổi bắt trộm. 


Cái kết sau thì em "kết" hơn, hơi lạ nhưng em không chọn nó. Bởi nó sẽ làm thay đổi chủ đề, ý tưởng của câu chuyện: Cái đẹp rất mong manh, hạnh phúc rất mong manh. Người đời có khi cố tình phá vỡ hạnh phúc của người khác, nhưng có khi chỉ là vô tình. Thực ra tên trộm cũng là người trong chừng mực nào đó biết yêu cái đẹp, hắn định bê chậu hoa cơ mà! Nhưng chậu hoa nặng, thế là hắn nổi máu "không được ăn thì đạp đổ", ngắt hoa, ngắt mất niềm hi vọng cuối cùng của ông già. 


 



Từ: HuongNT
22/12/2010 23:16:35

Chuỵện của Vân rất hay dù kết hơi buồn chứ chị không dám nói là không có hậu. Em đừng băn khoăn vì truyện viết lại khác với bản thảo đầu tiên vì khác là đương nhiên rồi. Chỉ cần biết là mọi người đọc và đều thích. Chị rất thích hoa quỳnh và nhà chị cũng trồng, không có cành dao mà nó nở vẫn rất nhiều Vân ạ.


Đọc comments có mấy câu thơ của anh Minh cũng rất hay!



Từ: NghiPH
22/12/2010 11:56:44

Xin tham gia một chút về đoạn cuối của truyện ngắn này. Theo tôi, có thể có nhiều cách thể hiện tâm trạng và hành động của Người ăn trộm đáo qua khu tập thể nghèo đêm ấy. Tôi đưa ra hai cách sau đây:


Cách thứ nhất:


Đảo qua một vòng chẳng lấy được gì. Lúc trở ra nó gặp chậu hoa quỳnh đang nở. Đóa hoa quỳnh trắng ngần, lung linh dưới ánh trăng khiến nó nổi cơn bực tức:- Cái bọn này đã nghèo kiết xác mà lại còn hoa với hoét! Thấy có một cái gậy nhỏ, nó quơ lấy, rồi vụt lia lịa vào đóa hoa. Trong đớn đau hoa quỳnh vẫn tỏa mùi hương quyến rũ khắp không gian.


Nó ngây người, buông gậy, bỏ đi.   


 


Cách thứ hai:


“Bông hoa quỳnh trắng ngần, lung linh dưới ánh trăng, tỏa hương khắp không gian tĩnh lặng khiến nó mê mẩn. Nó quỳ xuống say sưa hít hà cái hương vị đặc biệt tỏa ra từ đóa hoa mà nó không thể gọi là hương vị gì. Nó cởi tấm áo đang mặc, trải ra sàn. Rồi từ từ, nhẹ nhàng ngắt bông hoa, đặt xuống tấm áo, cẩn thận gói lại và mang đi.


Nghe nói, nó đã bỏ nghề từ đêm ấy”. 



Từ: Meomun
22/12/2010 07:26:54

@MinhCK: Anh Minh post bài thơ "hoa quỳnh" của anh đi, nhân ngày 22 tháng 12. Anh nói đúng, "mấy ai kiên nhẫn chờ xem hoa quỳnh". Chị Bích Chi đọc những dòng anh viết chắc sẽ rất cảm động. 


Hoa quỳnh tối nở là em


Mấy ai kiên nhẫn chờ xem hoa quỳnh


 Anh là người lính kiên trinh


Vẫn chờ hoa nở để mình anh xem



Từ: Meomun
21/12/2010 15:43:31

Cám ơn các anh chị vì những dòng comment chia sẻ, động viên. Khi viết lại một truyện ngắn mà mình đã viết cách đây 20 năm, ngoài việc quên mất nhiều chi tiết, câu cú, cái em thấy khó nhất là bối cảnh. Truyện này em đã từng được một bậc trưởng lão khen là “đẹp và trong sáng, mặc dù không phải là một kết thúc có hậu”. Còn bây giờ em phải cố gắng “vặn vọ” để những chi tiết, suy nghĩ, tình cảm của nhân vật sao cho phù hợp với bối cảnh lúc đó. Đã là cố thì thành mất tự nhiên, có lúc khiên cưỡng.


Qua theo dõi phản hồi của độc giả nguoiKGU và cảm xúc của chính mình, em hiểu truyện mình viết lại nó khác ngày xưa mất rồi, mặc dù em chỉ thêm vài chi tiết. Nhưng có khi mấy chi tiết đó nó lại phản tác dụng, làm bi lụy hóa nhân vật chính (như Khửu đại hiệp phát hiện và chê một cách duyên dáng). Truyện ngày xưa chỉ mang lại nỗi buồn nhẹ nhàng, với tâm điểm là hoa quỳnh và ý tưởng” cái đẹp thường mong manh” và hạnh phúc cũng thế. Cuối cùng, oái oăm thay, kẻ chứng kiến cái giây phút hoa quỳnh nở lại là thằng ăn trộm...


Nhà thơ Nga Olga Becgon có nói “em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa”. Còn em, “em viết khác xưa rồi”, bởi "cảm xúc đã khác xưa" sau 20 năm. Huhu (bỗng dưng muốn khóc!!!)  


 



Từ: 3Chai
21/12/2010 08:33:55

Cảm ơn Vân đã chia sẻ.




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s