NỬA CÁI BÁNH MÌ
(Một nửa bánh mì vẫn là bánh mì nhưng một nửa sự thật không còn là sự thật- Ngạn ngữ )
Hồi tôi còn nhỏ, bánh mì có lẽ là một món ăn xa xỉ đối với đại đa số người dân ở cái thị xã đồng bằng Bắc Bộ nhỏ bé ấy. Thi thoảng, mẹ tôi đi dự hội nghị , có lần khẩu phần ăn trưa là 1 cái bánh mì, mẹ đã len lén gói lại, cất vào túi xách rồi chờ đến chiều mang về cho lũ con. Khỏi phải nói, chúng tôi đã mừng như thế nào khi vây xung quanh mẹ như một đàn gà con, chờ được chia một mẩu bánh mì bé xíu vàng ruộm, thơm nức. Sau này, có hồi thiếu gạo, mậu dịch đã đổi gạo lấy bánh mì cho dân, tôi nhớ cứ 1 kg gạo đổi được 5 cái bánh mì to. Tôi nhớ những ngày đông, thật sung sướng khi được ăn bánh mì chấm với sữa đặc, hay pha sữa nóng, rồi bẻ từng miếng bánh mì cho vào cốc sữa. Mẹ tôi nhìn mấy đứa em ăn xong còn liếm mép thèm thuồng mà rưng rưng: “- Bao giờ mẹ sẽ cho chúng mày ăn thả cửa!” Chúng tôi thì nhao nhao: - “Nhé, mẹ nhé! Bao giờ hả mẹ?” Được vài bữa thì mẹ tôi không đổi bánh mì nữa, vì mẹ thấy “hao quá”! Trẻ con đói mà bánh mì đổi từ sáng, để ngay trước mặt thì khác gì trêu ngươi. Ở nhà, chúng tôi lâu lâu lại mon men tới chỗ để bánh mì để dành cho bữa chính của cả nhà, lòng tự nhủ chỉ véo một miếng. Ấy thế mà quay đi quay lại, một loáng là hết, đến bữa chính chẳng còn gì, đói lại hoàn đói.
Sau này gia đình tôi chuyển vào Nam, bánh mì trở nên thông dụng hơn. Những cái bánh mì xốp rộp, kẹp vài miếng thịt quay màu vàng vàng đỏ đỏ bán trước cổng trường, trong chợ, nhưng không phải lúc nào cũng có tiền mà mua. Thời ấy, gia đình tôi cũng như nhiều người khác, vẫn quen ăn sáng ở nhà, thường là cơm rang, mì ăn liền chứ ít khi được cầm tiền đi mua bánh mì.
Hồi mới sang Liên Xô, chúng tôi như mê mẩn trước đủ loại bánh mì, to nhỏ, lớn bé, có cái to tướng như cái gối mây. Đặc biệt, có cái lại màu đen làm tôi hết sức ngạc nhiên. Hóa ra đó là bánh mì làm từ lúa mạch đen. Dân Việt Nam không quen ăn bánh mì đen nên lúc đầu thấy khó chịu. Bánh mì đen có vị ngai ngái làm tôi liên tưởng tới mùi bạch dương, mùi lúa mạch, mùi của cỏ trên cánh đồng Nga, như trong tiểu thuyết của Sôlôkhốp, nhưng ăn rồi sẽ quen và đâm nghiện. Tôi nhớ có những lần Tanhia, cô bạn người Moldavia ở chung phòng từ quê lên, tay xách nách mang toàn những “của ngon vật lạ” và sau đó sẽ trổ tài nấu món Borsh chiêu đãi tôi và Huyền. Tanhia hì hục trong bếp, đầu trùm một cái khăn hoa trông ra dáng bà đầu bếp, rồi lâu lâu lại gọi tôi và Huyền nếm xem vừa chưa. Rồi ba đứa ngồi xì xụp ăn Borsch với Xmetana và bánh mì đen trong căn phòng ấm áp, bên ngoài là mùa đông lạnh giá, sao mà ngon đến thế. Cái món Borsch ấy tưởng chừng rất đơn giản, được nấu chủ yếu từ rau củ, sườn heo, chút dưa chuột muối, lá nguyệt quế và có màu hồng sẫm đặc trưng của củ cải đỏ. Sau này, khi về nước tôi đã thử nấu vài lần nhưng đều thất bại, có lẽ vì tôi nấu ăn dở và cũng có thể là không còn tìm lại được cảm xúc ngày nào khi ăn những món ấy. Những lần ra Hà Nội, nhớ Borsch và bánh mì đen, tôi lại đến quán “Giấc mơ nhỏ” ở số 9 Phạm Sư Mạnh,có lẽ là nơi bán thức ăn Nga thuần túy hơn cả.
Bây giờ, có lẽ không còn thiếu loại bánh mì nào không có mặt ở Việt Nam. Từ bánh mì Pháp kiểu truyền thống mà dân mình vẫn thích, bây giờ có cả bánh mì Hàn Quốc, bánh mì Schneider của Đức, bánh Mehico, Ấn Độ và đủ thứ khác mà tôi mới nghe chứ chưa từng thử. Nhưng trong tôi, dường như đâu đó vẫn nhớ hoài hương vị bánh mì Nga, những cái bánh mì 12 Kopec, 20 kopec đã đi qua cả quãng đời sinh viên vui tươi, vô tư lự. Có những hôm dẫu tuyết rơi nhiều, magazine đóng cửa, nhưng chẳng ai lo đói, vì ít nhất là có thể xin được một nửa cái bánh mì từ bất cứ ai trong ký túc xá. Những cái bánh mì mua từ hôm trước vẫn còn mềm mại vì được đựng vào túi nilon, buộc kín miệng túi, theo “bí quyết” của dân bản xứ.
Mấy hôm trước, vào dịp 49 ngày của con trai, lúc cả nhà sắp đi ngủ thì tôi có khách, Huệ và Nhàn, hai “người KGU” thuộc thế hệ đàn em cùng khoa. Huệ thanh minh là sáng mai Nhàn bay trở về Hà Nội nên phải tranh thủ đến thăm anh chị, thắp hương cho cháu, mặc dù cũng hơi khuya rồi. Huệ xách theo một cái bánh mì gối, khoe rằng mới được một chị ở Vũng Tàu cho, bánh Nga chính cống! Cười thật tươi, Huệ lấy chiếc bánh ra, bẻ cho tôi một nửa, bảo để chị thưởng thức bánh mì Nga cho đỡ nhớ! Tôi nhận nửa cái bánh mì từ em mà lòng thấy rưng rưng. Lúc khách về rồi, thằng em trai tôi, và cả mẹ tôi, lần đầu thấy bánh mì Nga, tò mò cầm lên xem thử đều nhận xét: - Sao nó nặng thế nhỉ! Rồi mọi người ăn thử một cách dè dặt, nhưng một lúc sau ai cũng khen bánh mì Nga ngon quá, có vị béo, đậm đà, khác hẳn những loại bánh mà mọi người đã từng ăn. Còn tôi, tôi thấy vui khi thấy mọi người ăn ngon miệng, vừa thấy có chút "tự sướng" của một người đã từng ở cái mảnh đất xa xôi ấy.
Tôi đã nhận từ một người KGU nửa cái bánh mì Nga như thế đấy!
23/12/2010
Người post: VanNH
Ngày đăng: 23-12-2010 15:03
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |