Lớp Luật 1 của chúng tôi
Một lần tại Hà Nội, tình cờ gặp các anh chị năm trên cùng là dân cựu sinh viên KGU, mọi người hỏi Thu Thủy: “Em học khoa nào, khoá nào?”. Thủy trả lời: “Dạ, em Luật 1 đây ạ”. “Ơ, thế em là cái bọn năm đầu tiên học Luật ở Kishinhop đấy à?”. “Vâng ạ”. “Ôi giời ơi, lớp bọn em nhảy đẹp lắm, cái điệu “pacazachenưi” ấy!”
Tuy đã tốt nghiệp KGU tròn 30 năm, nhưng thực sự cho đến bây giờ chúng tôi vẫn luôn tự hào khi nhắc đến lớp Luật 1 thân yêu của mình. Lớp chúng tôi không chỉ có nhảy đẹp đâu, mà lại còn học giỏi đều và cực kỳ đoàn kết nữa. Là những sinh viên đầu tiên học Luật tại KGU (trước đó nghe nói hình như đã có sinh viên Việt Nam học Luật tại đây, nhưng phải về nước trước khi tốt nghiệp), lớp chúng tôi có 14 người, đều thuộc diện “Năm Cùng”: Cùng là học sinh miền Nam (có cha, mẹ là dân tập kết); Cùng là học sinh phổ thông (các lớp Luật khác có cả các anh chị cán bộ hoặc bộ đội chuyển ngành); Cùng mê nhảy (sinh nhật - nhảy, chuẩn bị ôn thi - nhảy; thi xong - nhảy; cuối tuần - nhảy; lễ - nhảy; Tết - nhảy; vui buồn gì cũng tổ chức nhảy hết…); Cùng mê phim “tư bản” (phim nào hay quá, như phim “Romeo và Juliet” chẳng hạn, xem đi xem lại cả chục lần, lại còn vác máy ảnh vào rạp chụp lia lịa, về rửa hình phóng to treo đầy tường!) và cùng thích mặc quần loe (lúc ấy là “mốt” mà!).
Lớp chúng tôi có năm bạn nam như “năm anh em trên một chiếc xe tăng”. Bạch Hà, lớp trưởng, tròn xoay, hiền hậu, giản dị, xuề xòa, lúc nào cũng đơn giản hoá mọi vấn đề bằng triết lý “êtơ zakon prirođư”, nên mọi việc cần giải quyết của lớp luôn kết thúc ngắn gọn, mọi người đều đồng thuận một cách chóng vánh. Hùng Việt, bí thư chi đoàn, cao gầy, chăm chỉ nhất lớp, là người đưa ra các biện pháp thúc đẩy hoạt động thanh niên sôi động và cũng là người viết báo cáo thường xuyên về hoạt động thanh niên của lớp (bạn ấy là “cảm tình” từ khi còn là sinh viên đấy, ghê chưa!). Tiến Long, to cao, đẹp trai, vừa là cầu thủ đội bóng đá của Hội sinh viên VN ở KGU, vừa tham gia đội bóng của khoa Luật (cùng với các sinh viên Tây) và còn là thầy dạy võ cho sinh viên Tây nữa. Xuân Thanh, với mái tóc giống diễn viên nam chính trong phim “Mascơva, tình yêu của tôi”, là người mà các bạn gái luôn gọi ời ời: “Nấu món khoai tây hầm gà hộ tớ với!”, “Cắt cho tớ quần bò chưa?”, “Này, cái áo của tớ bao giờ mới may xong đấy?”(Chả thế mà sau này Xuân Thanh hay “mách” vợ là các chị ấy toàn “đè đầu cưỡi cổ” bọn anh, làm cho bọn anh có lớn được đâu!)…Công Thắng, hiền lành, ít nói, ai trêu gì cũng chỉ cười, chẳng bao giờ cáu. Mỗi người một tính, một nết, nhưng 5 anh em sống với nhau thật chân tình, hoà thuận.
Chín đứa con gái chúng tôi mặc dù gần gấp đôi số bạn nam, nhưng vẫn thích được cưng chiều và luôn được các đấng nam nhi trong lớp cưng chiều như thế đấy. Mỗi đứa chúng tôi có nhiều nét riêng và rất dễ thương, đến nỗi bây giờ chúng tôi vẫn còn nhớ như in tính cách, sở thích của từng đứa.
Thu Thủy, cô bạn có dáng người nhỏ nhắn, xinh xắn như búp bê. Giống như vợ chồng Huy - Thủy, tên của Thu Thủy cũng bị gọi chệch đi là “Thu Thu”. Mấy anh Tây trong lớp rất khoái gọi tên “Thu Thu” của cô bạn nhỏ xinh xinh. Thủy là người rất kiên trì và kỷ luật “thép”, giờ nào việc nấy, cả trong việc học chính khóa lẫn học ngoại ngữ (ngay từ dạo đó Thủy đã rất chịu khó tự học tiếng Anh), cả trong tập luyện thể dục (chắc là Thủy muốn được phổng phao lên tý chút!) lẫn trong việc duy trì thư từ đều đặn về nhà (Thư cho Má và thư cho Anh (là Kiên- chồng Thủy bây giờ). Ở cùng phòng với Thủy là Thanh Thảo. Thủy và Thảo như hình với bóng trong suốt 6 năm học chung. Gặp Thảo là phải nghĩ ngay đến Thủy, hỏi về Thủy và ngược lại. Dạo bên kia Thảo luôn chiều chuộng Thủy như là người chị chiều em gái vậy, còn khi về nước thì nhiều khi Thủy lại là người chăm sóc Thảo nhất. Cho đến bây giờ, đã 55 tuổi rồi, hai bạn ấy vẫn quấn quýt với nhau, từ khi cùng công tác ở Văn phòng 2 Bộ Tư pháp tại thành phố Hồ Chí Minh (hai mươi năm chẵn) đến khi về hưu cơ đấy (thỉnh thoảng vẫn “chén chị chén em” và cùng nhau đi dancing). Có lẽ hai tên này có duyên phận với nhau nhiều nhất trong chín đứa chúng tôi.
Quang Vinh là người bạn gái xinh đẹp với nhiều nét đẹp của Đức mẹ Maria và cao nhất trong lũ con gái của lớp (thuộc “giới chân dài” theo tiêu chuẩn hồi đó, nên Vinh đi cứ khòng khòng cái lưng). Nhưng Vinh lại rất nghiêm nghị, nên cuộc đời chọn cho bạn nghề làm cô giáo dạy Luật là quá đúng. Nói đến Vinh là phải nghĩ ngay đến cái giường, vì cô bạn này có thể ngồi trên giường học cả ngày, thậm chí Vinh không vào Góc đỏ để học bao giờ. Hình ảnh “thường ngày ở huyện” của bạn là cảnh Vinh ngồi thu lu trên giường, đầu gối cao quá mang tai, sách vở bày đầy trên cái gối trước mặt, học rất tài tử nhưng chẳng có môn nào điểm 4 cả. Cũng như đôi bạn Thủy - Thảo, Quang Vinh và Bích Hòa cũng là đôi bạn thân lắm và chọn ở với nhau ngay khi từ mới sang cho đến khi về nước. Cũng có thể là do hai bạn cùng sống tại Hải Phòng, cùng học phổ thông với nhau, rồi cùng quê Đà Nẵng. Bích Hòa luôn cười tươi và tính tình thì dễ thương lắm. Hòa hình như chẳng giận ai bao giờ, luôn giúp đỡ, nhường nhịn mọi người và cũng chăm sóc Vinh hết mực, hệt như Thảo chăm sóc Thủy vậy. Bích Hòa “vinh dự” được tham gia công tác Đoàn của đơn vị Việt Nam cùng với TBT Nghị (Luật 1981) và Chi Mai (Toán 1981). Đặc biệt Hòa là photoliubichen của lớp tôi và hình như không có cái ảnh nào mà Bích Hòa không cười cả.
Minh Hạnh - cô bạn có mái tóc dài đẹp nhất lớp (dài đến gần đầu gối cơ đấy). Dạo mới sang, có chị năm trên xui Hạnh: “Gội đầu xong em cứ xõa mái tóc dài như thế đi lại trong ký túc xá cho tụi Tây nó “lác mắt” nhé!” (Vì sang đây một vài năm là tóc rụng dần đi, không còn được dài và dày như trước nữa đâu em à). Cô bạn này thích nói và hay nói. Hạnh luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn bè và tính rất cẩn thận. Mỗi khi lớp chúng tôi tổ chức hội hè gì là Hạnh lại ghi chép sổ sách tỷ mỷ từng việc cần chuẩn bị, từng khoản phải chi tiêu. Thế là chúng tôi chẳng phải lo gì cả. Hạnh rất thích hát, luôn chép những bài hát Nga vào một cuốn sổ riêng và khả năng nhớ thì tuyệt vời. Lẽ ra Hạnh phải làm chủ tịch Hội Phụ nữ, nhưng nghề pháp chế ngân hàng lại chọn bạn mất rồi. Thanh Phương - cô bạn cùng phòng với Hạnh. Phương có nét mặt và dáng dấp của một cô gái Digan, với vẻ đẹp kiểu “mệnh phụ phu nhân” và ít nói, tính tình dịu dàng, nữ tính hơn chúng tôi. Nhưng khi ngồi ghế xét xử thì trông Phương thật uy nghi và sắc sảo (gần 30 năm nay bạn là thẩm phán Tòa phúc thẩm tại thành phố Hồ Chí Minh mà). Cũng giống như Thủy, Phương cũng rất chịu khó tập thể dục (trong phòng), matxa tay chân mặt mũi hàng ngày đều đặn. Phương thuộc diện “to con” hơn lũ con gái trong lớp, nhưng lại là người được các bạn nam (cả Tây, lẫn ta) “bế” nhiều nhất, do thỉnh thoảng bị xỉu đi vì hạ đường huyết.
Kim Bình và Tinh Hoa là hai bạn gái cũng rất dễ thương. Kim Bình rất chăm chỉ, cẩn thận, nấu ăn ngon. Nhiều khi tôi nghĩ Bình giống như người chị cả của 9 đứa chúng tôi. Cũng giống như Minh Hạnh, Bình luôn được giao cho việc giữ quỹ lớp hoặc mua sắm, vì Bình biết tiết kiệm, thu vén, chứ chúng tôi thì chỉ có đập phá hết tiền nếu giữ quỹ lớp, hihi! Bình rất thích sưu tầm ảnh diễn viên Nga và đến nay bạn vẫn đang sở hữu một bộ sưu tập “đáng nể” ảnh của các diễn viên Nga vang bóng một thời. Bình còn là một cầu thủ “có hạng” trong đội bóng chuyền liên quân Hóa - Luật những năm 1974-1980, cùng với các tên tuổi “nổi tiếng” như chị Phong, Bình Trần, Kim Thanh, Thu Lan…Nói đến Tinh Hoa là nói đến bệnh viện. Hoa là cô gái ốm yếu nhất lớp, nhưng cũng là người có nghị lực nhất. Bệnh đau đầu bắt bạn cứ vài ba tháng lại phải vào viện nằm, nhưng bạn vẫn cố gắng trả hết các kỳ thi và về nước đúng hạn với lớp. Còn nhớ, lúc nào chị em mang thức ăn đi thăm Hoa thì anh em cũng tay xách nách mang đi cùng (Hoa nằm viện nhiều, tiếp xúc thường xuyên với Tây, nên tiếng Nga rất tiến bộ và nhảy thì hơi bị giỏi).
Cẩm Hòa, một cô gái tinh nghịch và mũm mĩm (béo ị) kể từ khi còn là sinh viên cho đến bây giờ (bạn thuộc loại ít thay đổi). Cẩm Hòa là người bạo dạn, hài hước, trong lớp bạn còn dám “trêu” cả thầy giáo. Lúc đầu bạn về công tác ở Viện Kiểm sát tỉnh Bình Định, nhưng vì bản tính mạnh mẽ, ưa tự do, lại rất đa cảm, nên nghề luật sư đã chọn bạn từ những năm 90 của thế kỷ trước. Bạn đã dũng cảm dứt bỏ “bầu sữa mẹ” để ra ngoài đi tìm “sữa ngoại” ngay từ thời bao cấp khó khăn. Không những thay đổi hướng đi cho mình, bạn còn “chuyển nghề” cho chồng từ Giám đốc một doanh nghiệp nhà nước thành một luật sư, hơn nữa lại là Trưởng một Văn phòng luật sư có uy tín ở Quy Nhơn và là Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bình Định (sau khi học thêm bằng cử nhân Luật, ngoài tấm bằng cử nhân kinh tế đã có).
Năm bạn trai trong lớp thương chín bạn gái lắm. Đi học thì xách cặp hộ, vì chúng tôi học Luật nên nhiều lúc phải đem các bộ luật mỗi quyển dày cả gang tay đến lớp (thường là Bạch Hà lớp trưởng xách cặp cho 3 chị em Kim Bình, Minh Hạnh, Thu Thuỷ); lên xe traleybuyt thì nhường chỗ cho ngồi, tổ chức tiệc tùng thì đi chợ, nấu các món ăn (chỉ có rửa bát thì “nhường” chị em thôi), ngày 8/3 thì tặng hoa và thiệp… Quần áo của chị em trong lớp đều do một tay anh em cắt may cho (Ơ, hình như chẳng có đo đạc gì mà sao may vừa khéo thế!). Thỉnh thoảng có tranh luận gì hơi căng một tý thì cuối cùng anh em cũng nhường cho chị em thắng về chung cuộc cả thôi.
Chúng tôi không bao giờ quên, hồi học năm thứ nhất, cả lớp chúng tôi được đón Năm mới tại nhà thầy Chiuchenkin (thầy chủ nhiệm, người Nga). Đích thân thầy và con trai đến ký túc xá đón chúng tôi. Mỗi lần nhìn những bức ảnh thầy đang dìu chúng tôi đi trong tuyết trắng, trên con đường đóng băng trơn như mỡ dẫn đến khu chung cư cũ nơi gia đình thầy ở, còn chúng tôi bám chặt vào thầy dò dẫm từng bước, râm ran nói cười suốt chặng đường đi là chúng tôi như thấy lại hình ảnh một người cha hiền từ, tận tụy dang tay che chở cho đàn con nhỏ của mình trong gió bão của cuộc đời.
Vợ chồng thầy mời lớp tôi ăn tối trong căn hộ ấm cúng, có lò sưởi bập bùng ánh lửa. Trên tấm khăn trải bàn thêu ren các hoạ tiết rất Nga là món súp củ cải đỏ, món cá kinki, ở góc phòng chiếc ấm Samôva bốc khói… Long và Thanh đánh đàn ghi ta, Hạnh và Cẩm Hoà hát bài “Cachiusa”. Thầy nói thầy thương các em, “đaraghie dechi”, các em từ Việt Nam chiến tranh thương đau, các em “maladsư”… Hôm đó chúng tôi như đàn chim non líu lo trong tổ ấm của mình. Đêm, tạm biệt thầy cô về ký túc xá, cả lớp chúng tôi tay trong tay nhau, thân thiết và đầm ấm vô cùng, mặc dù tuyết rơi trắng trời, lạnh buốt...Còn gì quý giá hơn tình thầy trò và tình bè bạn, khi bạn đang sống xa gia đình?
Có gì gắn bó hơn buổi đi picnic của lớp chúng tôi mãi ngoài Kirghis (Kisinhopxkoe More), khi cả lũ vừa đàn hát, vừa nhảy múa, vừa nướng “saslức” giữa trời lồng lộng gió, bên bờ hồ trong vắt, dưới ánh nắng vàng như mật? Một đội bóng đá hỗn hợp nam nữ nhanh chóng được lập ra, Hạnh ta được phân công làm thủ thành, với cầu môn được phân định bằng 2 chiếc giày da. Và thế là một trận cầu “nảy lửa” diễn ra trong tiếng reo hò đến khản cổ của những khán giả “tuy hai đội nhưng một nhà”. Hình ảnh 5 bạn nam chụp chung tấm hình “như năm ngón tay trên một bàn tay” là một kỷ niệm thật đẹp.
Những buổi lao động hái táo, hái nho, giữa bạt ngàn trái ngon trái chín, chúng tôi chọn cho nhau những trái đẹp nhất, cùng cắn chung miếng táo với bánh mỳ, cũng tranh nhau chấm mút vào nhúm muối ớt trong một lòng bàn tay…Có những ngày chủ nhật đẹp trời, lũ con gái dắt díu nhau đi chơi chụp ảnh, xuất phát từ ký túc xá kéo lên trường, rẽ sang Công viên Kômxômôn, trở ra lên Quảng trường trung tâm ngồi trước tượng ba Cụ C.Mác, Ăng ghen, Lê Nin làm dáng chụp ảnh…
Rồi những đêm ngồi học ở thư viện trường đến tận khuya để đọc, để dịch và chép những nội dung chính của bài giảng trong những cuốn giáo trình dày cộp, cũ kỹ của môn “Lịch sử các học thuyết chính trị”, “Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới”, “Lịch sử nhà nước và pháp luật Liên Xô”…Chả là giáo trình của các môn này rất ít, không đủ cho sinh viên mượn về nhà. Các khóa trên toàn là các anh chị học các khoa Toán, Lý, Hóa, Sinh vật nên chúng tôi chẳng hỏi bài được gì cả. Cuốn Từ điển Nga - Việt của bác Nguyễn Năng An thì mỏng dính, chẳng có nhiều các từ ngữ về luật học, nên tụi tôi học thật vất vả. Nhiều hôm lên lớp mà chỉ ghi được mỗi tên bài giảng (nếu thầy nào không chép tên bài giảng lên bảng thì lại phải chép của “anh chị em Tây” thôi). Cho đến tận năm thứ 4, thứ 5 mà có những môn học chúng tôi nghe giảng vẫn như “vịt nghe sấm” ấy, nhất là các môn “Pháp y”, “Tâm thần học tư pháp”, “Tâm lý học tội phạm”…Nhiều khái niệm đọc chẳng hiểu gì mấy, thế là đành phải học thuộc lòng như con vẹt thôi. Có cả một học kỳ học môn “Tâm thần học tư pháp”, chúng tôi phải đi xe buýt ra bệnh viện tâm thần ở ngoại ô Kisinhốp (thường là phải chạy bộ ra bến xe cho kịp giờ học), rồi những buổi thực tập môn “Pháp y”…Học thì nghe kinh vậy, nhưng ngày tốt nghiệp đến quá nửa lớp được nhận Bằng đỏ. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của cả lớp (sao lại thiếu Tiến Long, Bạch Hà, Công Thắng nhỉ, chắc nhận Bằng tốt nghiệp xong, chạy đi chia tay với các bạn gái chăng?) trong tấm ảnh chụp với thầy Hiệu trưởng Melnhik, thầy Trưởng khoa Luật Iacoplep, thầy Phó khoa Luật Karpop và thầy Leoskevich (thầy dạy môn Luật Tố tụng hình sự) trước cửa trường KGU ngay sau Lễ nhận bằng, mà chúng tôi như vẫn thấy mình đang sống trong tâm trạng hồ hởi, hạnh phúc ấy.
Đã 30 năm trôi qua kể từ ngày chia tay mảnh đất Mônđavia thân yêu, nhưng chẳng ai trong chúng tôi có thể quên những giây phút cùng sánh vai nhau đi trên những con đường trải thảm bằng lá thu vàng rực trong tiết trời se se lạnh, cùng nhau khe khẽ hát bài ca “Thành phố trắng của tôi”, cùng nhau cặm cụi dán những cánh hoa giấy lên cành cây khô để Tết xa quê vẫn được ngắm cành đào phai, đào thắm…
Ngày về nước rồi cũng đến. Chúng tôi chuẩn bị thu xếp trở về với bao tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Vui vì đã hoàn thành chương trình học tập và cầm tấm bằng cử nhân trở về quê nhà gặp lại bố mẹ, người thân và được phụng sự cho Tổ quốc. Nhưng theo chúng tôi vẫn có một nỗi buồn thoang thoảng khi phải chia tay nhau, rồi đây mỗi đứa một phương, kẻ nam người bắc, biết khi nào gặp lại…Buồn còn vì lẽ sẽ phải chia tay mảnh đất của những tháng năm tuổi trẻ, với bao tình nghĩa thầy trò, bè bạn và cả ân tình của các bà thường trực ký túc xá, các chị thủ thư, các cô, các chị trong nhà ăn sinh viên và người dân nơi đây đã yêu quý, tận tình chăm sóc chúng tôi. Biết bao giờ có ngày trở lại về thăm trường, thăm thầy cô bạn bè đây? Trong tâm trạng ấy, chúng tôi đã “tay trong tay” hẹn với nhau rằng: Dù có khó khăn đến mấy thì 20 năm sau, chúng mình sẽ gặp lại nhau. Chúng tôi đã “ngụp lặn” trong sự bề bộn của cuộc sống mưu sinh vất vả, nhưng theo chúng tôi suốt thời gian ấy vẫn một lời hẹn ước: Gặp nhau cả lớp sau 20 năm. Thật lãng mạn khi đúng 20 năm sau khi ra trường, cả lớp tôi đã gặp lại nhau. Để dành hết cho nhau, chúng tôi đã tắt hết điện thoại di động, không liên lạc với bên ngoài, chỉ chung vui với nhau suốt thời gian nghỉ tại Hạ Long. Đúng là cảnh tay bắt mặt mừng, đứa nào cũng cười hết cỡ, mà trong lòng cứ rưng rưng…Chúng tôi cùng nhau hát, cùng nhau nhảy múa, cùng nhau tâm tình như chưa bao giờ được nói, được chia sẻ. Sau chặng đường dài của số phận mỗi người, chúng tôi đã kể cho nhau nghe về gia đình, con cái, công việc, về những niềm vui, nỗi buồn, những thăng trầm của mỗi người…Nhưng trên hết, gặp lại nhau mà chúng tôi cứ ngỡ như mình vẫn là những cậu bé, cô bé thưở ấy, thanh xuân, vô tư, tràn trề hạnh phúc.
Ngày Bạch Hà mất, chúng tôi có mặt tại Huế tiễn đưa bạn về với vĩnh hằng. Khóc thương bạn, gặp nhau, chúng tôi càng hiểu nhau hơn, càng yêu thương, gắn bó với nhau hơn, bởi khi “gần nhau cảm thấy bình thường, xa nhau mới thấy tình thương dạt dào…”- đó là tâm trạng của chúng tôi những ngày đau buồn ấy…
Nhiều người thắc mắc, sao thân nhau thế, hiểu nhau thế, mà hồi ấy trong lớp chỉ có mỗi một đôi yêu nhau thôi, còn các bạn kia lại kết đôi nơi khác… Ơ, thế cứ thân nhau, hiểu nhau là phải… yêu nhau à? Đến tận hôm nay (và chắc là cả mai sau), lớp Luật 1 chúng tôi mỗi lần gặp lại nhau, tuy không còn đầy đủ như ngày xưa, nhưng vẫn thân nhau, vẫn hiểu nhau (tất nhiên vẫn cùng nhau nhảy rất “xung”, từ Bãi Cháy, Tuần Châu, đến Hà Nội, Huế, Đà Nẵng nữa) và sau nhiều thăng trầm, được mất của cuộc sống, chúng tôi nhận ra rằng, những thành viên của lớp Luật 1 ngày xưa càng thân nhau hơn, hiểu nhau hơn, và lúc này đây, chúng tôi cảm ơn cuộc sống đã cho chúng tôi cơ duyên gặp nhau, có nhau và…bây giờ yêu nhau...
“Hãy giúp bạn những gì có thể, hãy chia sẻ những gì bạn muốn!” là slogan “nằm lòng” của mỗi thành viên lớp Luật 1 - khóa 1980 trong suốt chặng đường còn lại của cuộc đời.
Thu Thủy - Cẩm Hòa - Quang Vinh - Minh Hạnh (Luật 1980)
Người post: HanhLM
Ngày đăng: 02-01-2011 02:02
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |