Nhân dịp kỉ niệm Quốc Khánh Cuba 1/1/1959 - 1/1/2011, xin giới thiệu bài viết về Cuba, khi tôi qua đó vào năm 2004.
Trước ngày sang Cuba, tôi xem tivi thấy Chủ tịch Phiden bị ngã phải nằm viện. Báo An Ninh thế giới đăng lá thư viết từ bệnh viện, trong đó nói rằng, Phiden đã yêu cầu các bác sĩ không gây mê toàn phần khi thực hiện phẫu thuật, để ông còn đủ tỉnh táo lãnh đạo đất nước. Khi đọc bản tin này, tôi tự hỏi, phải chăng ông già Phiden sau 45 năm trị vị đất nước đã trở nên lẩm cẩm?
Từ khi Liên xô và Đông Âu sụp đổ, ở Việt Nam, người ta ít nhắc đến Cuba – đất nước có một thời được Hồ Chủ Tịch ví như người anh em sinh đôi với Việt Nam. Theo sau Trung Quốc, Việt Nam từng bước chuyển hướng sang kinh tế thị trường. Thời buổi khó khăn, kiếm được miếng ăn đã quá vất vả, không ai còn tâm trí gì suy nghĩ về số phận của người anh em sinh đôi bên kia bán cầu.
Đi Cuba lần này, ngoài công việc, tôi thực sự muốn tìm hiểu, một đất nước nhỏ bé vẫn kiên trì chủ nghĩa xã hội thực ra có tương lai hay không?
Hội chợ quốc tế La Habana
Tham dự Hội chợ quốc tế La Habana lần này, ngoài đoàn cán bộ của Hiệp Hội Điện tử (gồm 8 người) còn có Đoàn cán bộ của Vinafood. Khu triển lãm tọa lạc trên một diện tích rộng hàng trăm hec-ta với rất nhiều công trình kiến trúc có lẽ một thời rất hoành tráng nhưng từ lâu đã không được tu sửa. Không có mặt các nước phương Tây. Chủ yếu là các công ty đến từ châu Mỹ la tinh, châu Phi. Châu Á có hai nước tham dự là Trung Quốc và Việt Nam. Hàng hóa trưng bày khá đơn điệu so với một triển lãm quốc tế bất kỳ mà tôi có dịp tham dự trong thời gian qua. Các gian hàng nội địa cũng không có gì đặc biệt, ngoài khu vực thuốc men y tế. Tôi chợt nhớ ra rằng, thị trường trong một nước XHCN rất khác biệt. Hay nói đúng hơn là nó không có thị trường. Ở đây, nhà nước là khách hàng duy nhất. Nếu Chính phủ lên kế hoạch năm tới trang bị cho dân chúng một triệu chiếc tivi thì năm tới có thị trường tivi. Không ai có thể dự đoán thị trường tivi năm tiếp theo sẽ như thế nào. Nếu chính phủ có kế hoạch tập trung vào một dự án quốc gia khác, thị trường tivi sẽ chấm dứt… Luật cung cầu ở đây không có hiệu lực. Các nghiên cứu dự đoán thị trường cũng chả có tác dụng gì. Cả đất nước chỉ có một khách hàng duy nhất là chính phủ. Các công ty nội thương, ngoại thương Cuba được tồn tại cũng chỉ để thực hiện các nhu cầu của khách hàng duy nhất này. Vì thế không có gì ngạc nhiên là các công ty triển lãm không quan tâm đến việc người dân Cuba có đến triển lãm tham quan hay không. Quan trọng là các quan chức cao cấp của chính phủ biết đến sự hiện diện và thích sản phẩm của họ.
Chỉ có thể đầu tư thông qua Liên doanh
Do bị cấm vận suốt 45 năm qua, có rất ít nhà đầu tư quốc tế đến Cuba. Tuy vậy, nếu ai đó thực sự muốn đầu tư cũng không dễ dàng. Cơ chế đầu tư nước ngoài của Cuba giống hệt như Việt Nam 20 năm về trước. Chỉ có một hình thức duy nhất là thông qua Liên doanh (với một doanh nghiệp nhà nước Cuba), trong đó phía Cuba nắm ít nhất 51%. Người Cuba làm việc trong các Liên doanh, không được nhận lương trực tiếp từ nhà đầu tư nước ngoài mà vẫn do nhà nước Cuba trả lương theo cách riêng của họ. Ngoài ra, rất nhiều dịch vụ cho Liên doanh do phía Cuba chỉ định tổ chức cung ứng mà không thông qua bất kỳ đấu thầu nào, dù chỉ là hình thức. Sau khi tìm hiểu các văn bản, đặt câu hỏi, nhận được các câu trả lời như sách…, đoàn cán bộ Việt Nam lắc đầu ngán ngẩm vì không hình dung nổi một liên doanh như thế sẽ hoạt động như thế nào. Chưa kể các thủ tục đăng ký đều rất phực tạp và chậm như rùa. Bộ máy chính quyền thật sự quan liêu. Không có tham nhũng, nên mọi việc càng chậm trễ. Tôi nhận ra rằng, đặc trưng lớn nhất của nền kinh tế kế hoạch hóa là bao giờ cũng sai kế hoạch.
Chế độ tem phiếu vẫn duy trì
Lương pê-sô của công nhân Cuba rất thấp, nếu quy ra đô la Mỹ thì chỉ tương đương 10-20 đô. Nhưng sức mua thực sự không phải thế. Vẫn theo cái cách “mua như cướp, bán như cho”. Nhà nước mua của nông dân theo giá nhà nước quy định thường rất thấp. Nhà nước trả lương cho công nhân cũng theo cách như thế. Bù lại, nhà nước bán cho nhân dân mọi nhu yếu phẩm với giá như cho theo hệ thống tem phiếu. Chữa bệnh nhà nước lo. Học hành miễn phí. Nếu chia GDP theo đầu người thì được khoảng 4500 USD, nhưng người dân thực sự được cầm rất ít tiền. Tiền do nhà nước giữ và tiêu hộ. Chi tiêu vào việc gì cũng do nhà nước định đoạt (chẳng hạn, nhà nước thích dành rất nhiều phúc lợi cho giáo dục và y tế thì dân sẽ được hưởng phúc lợi về ý tế, chứ không có quyền lựa chọn khác đi). Không phải gia đình nào cũng có ô tô, tivi, tủ lạnh. Nhà nước thấy những thứ này không quan trọng bằng giáo dục, y tế. Ở Cuba, chỉ có thể mua những thứ này trong các cửa hàng giao tế (bán bằng ngoại tệ). Các cửa hàng mua bằng tiền Peso thường chả có hàng hóa gì ngoài các nhu yếu phẩm. Trong nền kinh tế XHCN, nhờ kế hoạch hóa, người ta không bao giờ phải lo lắng về khủng hoảng thừa. Người dân không cần có nhiều tiền vì có cũng chả để làm gì.
Khủng hoảng kinh tế năm 90-99
Sau khi Liên xô và Đông Âu sụp đổ, Cuba bước vào giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử nước cộng hòa. Toàn bộ các nhà máy trong liên minh kinh tế với khối Sép đã phải đóng cửa do thiếu đầu ra. Đồng Pê-sô mất giá nghiêm trọng. Trong bối cảnh các nước như Trung Quốc, Việt Nam đổi mới sang cơ chế kinh tế thị trường, Cuba vẫn kiên trì đường lối XHCN. Mặc dù bị bao vây kinh tế của Mỹ và mất đi toàn bộ quan hệ kinh tế với phe XHCN, Cuba đã tự mình đứng dậy với sự kiên cường đáng khâm phục. Ngày nay, người Cuba nói rằng, giai đoạn khó khăn nhất đã ở phía sau. Cuộc sống của nhân dân Cu ba đã được cải thiện đáng kể.
Cuba không có người giầu
Đây là chủ trương của nhà nước. Những công chức nhà nước, công nhân trong các xí nghiệp do nhà nước trả lương có thể có một cuộc sống tương đối đầy đủ (đặc biệt là các nhà khoa học), nhưng không bao giờ có thể giầu. Cuba cho phép kinh tế hộ tư nhân, nhưng giới hạn không được thuê quá 10 nhân công, nhà hàng tư nhân không có quá 20 ghế ăn.
Cuba không có người nghèo
Những người lười biếng không có tham vọng làm giầu sẽ tìm thấy xã hội Cuba như một thiên đường: ai cũng có việc làm, ai cũng có nhà ở, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Cả thành phố không tìm thấy một căn nhà ổ chuột. Nông thôn còn có vẻ sung túc hơn. Diện tích Cuba bằng khoảng 1/3 Việt Nam, nhưng toàn là đồng bằng. Mỗi hộ nông dân Cuba có ít nhất là 30ha đất canh tác (trong cải cách ruộng đất ở Việt Nam, nhiều địa chủ có ít ruộng hơn như thế này đã bị xử bắn).
Nền giáo dục ưu việt cho toàn dân
Chúng tôi đến tham quan Đại học Khoa học và CNTT Cuba trong một buổi sáng. Đây thực sự là một trường đại học với hạ tầng của châu Âu. Giáo trình Mỹ. Trang thiết bị hiện đại. Cơ sở vật chất đầy đủ. Nhìn những căn hộ cho sinh viên ở đây mà thấy thương cho những ký túc xá sinh viên thời Liên xô. Mọi thứ đều miễn phí từ ăn, ở, học hành… Ấn tượng nhất là khu văn hóa của trường. Có đủ nhà thi đấu bóng chày, bóng rổ, bóng đá. Có thư viện. Có bảo tàng nghệ thuật lưu giữ những bức tranh nguyên bản của các họa sĩ nổi tiếng nhất Cuba. Nghe các anh ở Sứ quán kể lại, điều kiện giáo dục cấp 1-2-3 ở đây cũng rất tốt. Tuy nhà nước không chủ trương trang bị tivi, máy tính cho nhân dân, nhưng trong các lớp học có đủ từ ti vi máy tính, máy chiếu video… Thời gian gần đây, nhà nước nhận thấy tỷ lệ người da đen vào đại học thấp nên đã đưa ra các giải pháp để những người da đen dễ vào đại học hơn. Khác với cơ chế cạnh tranh tự nhiên, Cuba muốn tạo cho mọi người có cơ hội đạt được kết quả ngang nhau. Theo cách này, những người yếu sẽ được hỗ trợ nhiều hơn, những người khỏe sẽ được hỗ trợ ít hơn và hệ quả là mọi người đạt được các thành tích ngang nhau.
Nền y tế miễn phí toàn dân
95% dân Cuba có bác sĩ gia đình. Những bác sĩ giỏi nhất được công nhận là bác sĩ gia đình, sẽ phụ trách khoảng 50 đến 100 hộ dân. Khi người dân bị ốm, nếu bác sĩ gia đình không có khả năng chữa trị mới chuyển lên bệnh viện của Quận. Tất cả đều miễn phí. Dịch vụ 24/24. Thông thường, bác sĩ gia đình được nhà nước trả lương rất cao (như bộ trưởng), có phòng khám ngay tại nhà (ngoài diện tích ở như mọi người). Một điều ngạc nhiên là ở Cuba hầu như không có người nghiện ma túy; số người nhiễm HIV cũng không đáng kể, mặc dù chính sách của nhà nước là free-sex. Có lẽ đây là hệ quả tự nhiên của nền giáo dục toàn dân kết hợp với các điều kiện đảm bảo y tế tốt nhất.
La Habana là một thành phố sạch đẹp
La Habana là một thành phố rất đẹp, cả khu cổ lẫn khu hiện đại. Các nhà cổ ở đây theo kiến trúc Tây Ban Nha. Có một đặc trưng là hầu hết các lâu đài đều xây bằng đá nhám nên trong rất cũ kỹ. Các đường phố song song với bờ biển đánh số chẵn, các đường vuông góc với bờ biển đánh số lẻ. Số nhà tăng theo chiều từ đông sang tây và từ nam sang bắc. Ở đây người ta làm một sa bàn La Habana trên một diên tích cỡ 500mét vuông. Khi xây một tòa nhà mới, chính quyền luôn yêu cầu phải có mô hình của ngôi nhà. Họ đặt mô hình này lên sa bàn, nếu thấy đẹp mới cho phép xây dựng. Nếu so sánh trong phạm vi các nước XHCN, La Habana có lẽ là thành phố sạch nhất. Chắc chắn là do trình độ dân trí Cuba rất cao. Hệ thống xe công cộng phục vụ 90% nhu cầu đi lại của nhân dân. Ở đây có rất nhiều cọ, đặc biệt là loại cọ hoàng gia (loại này đã du nhập về Việt Nam với cái tên là cau vua). Tuy nhiên, do thiếu đầu tư quốc tế, thành phố có vẻ rất cũ kỹ.
Chính phủ Cuba không tham nhũng.
Có lẽ ưu điểm này đã khiến cho nhân dân Cuba tôn trọng các quan chức chính phủ của họ. Tham nhũng là quốc nạn của nhiều nước, đặc biệt là khu vực châu Mỹ la tinh. Nếu như sự tham nhũng ở các nước tư bản đã nguy hiểm, thì sự tham nhũng tại các nước XHCN, nơi của cải xã hội do nhà nước nắm quyền phân phối, càng nguy hiểm hơn. Trong lịch sử 45 năm Cuba XHCN, chưa có một quan chức nào từ cấp vụ phó trở lên có hành vi tham nhũng. Lĩnh vực duy nhất có tham nhũng là trong ngành du lịch, nơi khách boa tiền mặt cho nhân viên dịch vụ.
Không có sùng bái cá nhân
Mặc dù Chủ tịch Phiden nắm giữ tất cả những chức vụ quan trọng nhất của nhà nước Cuba trong 45 năm qua, nhưng tôi không cảm nhận thấy sự sùng bái cá nhân Phiden trong dân chúng như chuyện thường xảy ra trong hoàn cảnh tương tự (Bắc Triều Tiên, Irac…). Không thấy tượng Phiden ngoài đường phố. Ảnh Phiden cũng rất ít, chủ yếu trong các công sở thường treo chung với các vị lãnh đạo khác. Người duy nhất mà nhân dân Cuba tôn sùng như một vị thánh là một anh hùng – chiến sĩ cộng sản quốc tế Che Guevara. Hose Marti cũng được ghi nhận. Hình ảnh của Phiden trong dân chúng là một lãnh tụ giản dị, gần gũi và đáng kính.
Các giá trị của nhân loại được giữ gìn
Có thể thấy các lãnh đạo Cuba là những người có học khi họ biết trân trọng gìn giữ các giá trị của nhân loại, cho dù nó là sản phẩm của bọn thực dân. Viện bảo tàng nghệ thuật thuộc địa ở La Habana là một bằng chứng về điều này. Một người Mỹ cũng rất nổi tiếng ở Cuba: đó là Hê-Ming-Guê. Có rất nhiều kỷ niệm của nhà văn này được lưu giữ ở Cuba, kể cả giải thưởng Nô-ben văn học của ông. Trong các loại cocktail pha bằng rượu rum, Daiquiri – một cocktail do Hê-Ming-Guê sáng chế ra, là nổi tiếng nhất.
Cấm vận của Mỹ không làm nhân dân Cuba khổ sở
3 triệu dân Cuba lưu vong tại Mỹ hàng năm gửi tiền về giúp 10 triệu người trong nước khiến cho việc cấm vận của Mỹ không ảnh hưởng gì đến dân chúng. Người Cuba ghét Mỹ, nhưng không câu nệ trong việc xài tiền Mỹ, hàng hóa Mỹ, phim ảnh Mỹ. Trước đây, Cuba là sân sau của Mỹ, là nơi ăn chơi của các trùm maphia Mỹ. Về mặt văn hóa xã hội, người Cuba cũng khá giống người Mỹ. Bất chấp lệnh cấm vận, rất nhiều người Mỹ vẫn đi du lịch vào Cuba qua đường Mehico. Sẽ không có lệnh cấm vận nào cấm được nhân dân các nước đi lại với nhau.
Cuba cần sự cấm vận để đảm bảo ổn định chính trị
Nếu Mỹ dỡ bỏ cấm vận, diễn biến hòa bình sẽ rất nguy hiểm với chính quyền Cuba. Hãy tưởng tượng, hôm nay Mỹ bãi bỏ cấm vận, ngày mai sẽ có 1 triệu khách du lịch vào Cuba. Trong vòng 5 năm, con số này sẽ là 10 triệu khách. Lấy gì đảm bảo rằng, 10 triệu người Cuba sẽ đứng vững trước sức cám dỗ do 10 triệu khách du lịch mang đến. Chính vì thế, chính phủ Cuba luôn hành động để Mỹ không có lý do dỡ bỏ cấm vận.
Mỹ cần cầm vận Cuba để phục vụ chính sách đối nội
Sau khi Nga rút hết căn cứ quân sự tại Cuba vào năm 1999 (người Cuba nói rằng, đây là món quà vô giá mà Putin đã tặng cho nước Mỹ), Mỹ không thực sự bị đe dọa quân sự từ Cuba. Bây giờ, Mỹ cần Cuba cũng như các nước Irac, Bắc Triều Tiên, Miamar… để làm cớ tăng ngân sách quốc phòng cũng như thực thi học thuyết quân sự cứng rắn phòng thủ từ xa. Hai nước cùng có lợi ích trong việc duy trì cấm vận.
Chưa ở đâu trên thế giới, Việt Nam nổi tiếng như thế
Ở Cuba, nói đến Việt Nam, ai cũng biết. Người dân Cuba yêu quý Việt Nam như tổ quốc của mình. Có rất nhiều địa danh, công trình, tổ chức mang tên Việt Nam như Nguyễn Văn Trỗi, Đồng Khởi, Ấp Bắc, Bình Giã… Con gái Cuba rất thích con trai Việt Nam. Nghe mấy anh lưu học sinh Việt Nam kể lại, các cô gái Cuba thường tự hào khi có bạn trai là người Việt Nam. Không ở đâu người chúng ta được chào mừng như thế khi giới thiệu mình là người Việt Nam.
Cuba – một đất nước với nhiều thành tựu ấn tượng
Bãi biển Varadero của Cuba được coi là bãi biển đẹp nhất thế giới. Mặc dù cấm vận, nhưng bãi biển này hàng năm vẫn mang lại cho Cuba nhiều tỷ USD từ khách du lịch khắp thế giới. Cuba là nước có trình độ công nghệ sinh học hàng đầu thế giới. Họ bán công nghệ nuôi trồng thủy sản cho các nước Mỹ La tin và châu Phi. Về Y tế, Cuba cũng có trình độ rất cao, là một trong 4 quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất vắc-xin. Về giáo dục, Cuba cũng nằm trong những quốc gia có nền giáo dục ưu việt nhất. Về thể thao, hiếm có một quốc gia nào chỉ với 10 triệu dân mà luôn nằm trong danh sách 10 cường quốc thể thao. Cuba còn có ciega, rượu rum ngon nhất thế giới. Cuba xuất khẩu rất nhiều tôm hùm và tôm của họ cũng nổi tiếng là ngon. Hạ tầng giao thông của Cuba không thua kém gì các nước phát triển nhất. Hạ tầng xã hội cũng rất cao, tương tự như hạ tầng ở châu Âu… Thật đáng ngạc nhiên là một nước XHCN lại đạt được tất cả những thành tựu này. Có lẽ, trước khi xây dựng XHCN, Cuba đã trải qua giai đoạn phát triển Tư bản chủ nghĩa. Mark đã đưa ra luận điểm này như điều kiện cần để đảm bảo thành công cho CNXH, nhưng sau thời Lenin, người ta lại tin vào luận điểm thiếu khoa học khác là có thể tiến lên CNXH mà không cần kinh qua giai đoạn TBCN.
Nếu không kể việc nhà nước không chủ trương phát triển internet cũng như viễn thông quốc tế, hạn chế tiếp cận với thông tin quốc tế thì tôi chẳng thấy có gì phàn nàn ở đây cả. Có thể nói, nhân dân Cuba đang có một cuộc sống tương đối hạnh phúc, mặc dù theo quan điểm của thế giới hiện đại, họ không hoàn toàn được tự do quyết định về cuộc sống của mình.
Kết luận
Trước khi sang Cuba, tôi rất thương cho nhân dân ở đây vì bị Mỹ bao vây kinh tế trong gần nửa thế kỷ qua. Tôi cũng lo lắng nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung khó giúp Cuba phát triển. Trước đây Cuba đã giúp Việt Nam rất nhiều trong chiến tranh. Tôi nhớ lại câu nói của Phiden “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng máu của mình”.
Khi về, tôi thấy lo lắng cho Việt Nam. XHCN thì chúng ta chưa xây dựng đến nơi đến chốn, còn kinh tế thị trường thì đang nham nhở. Cơ hội của Việt Nam quá ít nếu so sánh với Cuba.
Nhưng những gì được chứng kiến trong một tuần lễ ở đây là khiến tôi tin tưởng đất nước và nhân dân Cuba sẽ có một tương lai tốt đẹp. Nếu CNXH ở Liên xô cũng do những con người tuyệt vời như ở Cuba lãnh đạo, có lẽ nó không dễ dàng sụp đổ như thế. Rõ ràng là, không phải mô hình mà chính là con người quyết định sự phát triển của xã hội.