KGU News >>Người KGU
KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 04 Tháng một. 2011

Viva Cuba




Tác giả: ChauHM

 Nhân dịp kỉ niệm Quốc Khánh Cuba 1/1/1959 - 1/1/2011, xin giới thiệu bài viết về Cuba, khi tôi qua đó vào năm 2004.

 

Trước ngày sang Cuba, tôi xem tivi thấy Chủ tịch Phiden bị ngã phải nằm viện. Báo An Ninh thế giới đăng lá thư viết từ bệnh viện, trong đó nói rằng, Phiden đã yêu cầu các bác sĩ không gây mê toàn phần khi thực hiện phẫu thuật, để ông còn đủ tỉnh táo lãnh đạo đất nước. Khi đọc bản tin này, tôi tự hỏi, phải chăng ông già Phiden sau 45 năm trị vị đất nước đã trở nên lẩm cẩm?

Từ khi Liên xô và Đông Âu sụp đổ, ở Việt Nam, người ta ít nhắc đến Cuba – đất nước có một thời được Hồ Chủ Tịch ví như người anh em sinh đôi với Việt Nam. Theo sau Trung Quốc, Việt Nam từng bước chuyển hướng sang kinh tế thị trường. Thời buổi khó khăn, kiếm được miếng ăn đã quá vất vả, không ai còn tâm trí gì suy nghĩ về số phận của người anh em sinh đôi bên kia bán cầu.

Đi Cuba lần này, ngoài công việc, tôi thực sự muốn tìm hiểu, một đất nước nhỏ bé vẫn kiên trì chủ nghĩa xã hội thực ra có tương lai hay không?

Hội chợ quốc tế La Habana

Tham dự Hội chợ quốc tế La Habana lần này, ngoài đoàn cán bộ của Hiệp Hội Điện tử (gồm 8 người) còn có Đoàn cán bộ của Vinafood. Khu triển lãm tọa lạc trên một diện tích rộng hàng trăm hec-ta với rất nhiều công trình kiến trúc có lẽ một thời rất hoành tráng nhưng từ lâu đã không được tu sửa. Không có mặt các nước phương Tây. Chủ yếu là các công ty đến từ châu Mỹ la tinh, châu Phi. Châu Á có hai nước tham dự là Trung Quốc và Việt Nam. Hàng hóa trưng bày khá đơn điệu so với một triển lãm quốc tế bất kỳ mà tôi có dịp tham dự trong thời gian qua. Các gian hàng nội địa cũng không có gì đặc biệt, ngoài khu vực thuốc men y tế. Tôi chợt nhớ ra rằng, thị trường trong một nước XHCN rất khác biệt. Hay nói đúng hơn là nó không có thị trường. Ở đây, nhà nước là khách hàng duy nhất. Nếu Chính phủ lên kế hoạch năm tới trang bị cho dân chúng một triệu chiếc tivi thì năm tới có thị trường tivi. Không ai có thể dự đoán thị trường tivi năm tiếp theo sẽ như thế nào. Nếu chính phủ có kế hoạch tập trung vào một dự án quốc gia khác, thị trường tivi sẽ chấm dứt… Luật cung cầu ở đây không có hiệu lực. Các nghiên cứu dự đoán thị trường cũng chả có tác dụng gì. Cả đất nước chỉ có một khách hàng duy nhất là chính phủ. Các công ty nội thương, ngoại thương Cuba được tồn tại cũng chỉ để thực hiện các nhu cầu của khách hàng duy nhất này. Vì thế không có gì ngạc nhiên là các công ty triển lãm không quan tâm đến việc người dân Cuba có đến triển lãm tham quan hay không. Quan trọng là các quan chức cao cấp của chính phủ biết đến sự hiện diện và thích sản phẩm của họ.

Chỉ có thể đầu tư thông qua Liên doanh

Do bị cấm vận suốt 45 năm qua, có rất ít nhà đầu tư quốc tế đến Cuba. Tuy vậy, nếu ai đó thực sự muốn đầu tư cũng không dễ dàng. Cơ chế đầu tư nước ngoài của Cuba giống hệt như Việt Nam 20 năm về trước. Chỉ có một hình thức duy nhất là thông qua Liên doanh (với một doanh nghiệp nhà nước Cuba), trong đó phía Cuba nắm ít nhất 51%. Người Cuba làm việc trong các Liên doanh, không được nhận lương trực tiếp từ nhà đầu tư nước ngoài mà vẫn do nhà nước Cuba trả lương theo cách riêng của họ. Ngoài ra, rất nhiều dịch vụ cho Liên doanh do phía Cuba chỉ định tổ chức cung ứng mà không thông qua bất kỳ đấu thầu nào, dù chỉ là hình thức. Sau khi tìm hiểu các văn bản, đặt câu hỏi, nhận được các câu trả lời như sách…, đoàn cán bộ Việt Nam lắc đầu ngán ngẩm vì không hình dung nổi một liên doanh như thế sẽ hoạt động như thế nào. Chưa kể các thủ tục đăng ký đều rất phực tạp và chậm như rùa. Bộ máy chính quyền thật sự quan liêu. Không có tham nhũng, nên mọi việc càng chậm trễ. Tôi nhận ra rằng, đặc trưng lớn nhất của nền kinh tế kế hoạch hóa là bao giờ cũng sai kế hoạch.

Chế độ tem phiếu vẫn duy trì

Lương pê-sô của công nhân Cuba rất thấp, nếu quy ra đô la Mỹ thì chỉ tương đương 10-20 đô. Nhưng sức mua thực sự không phải thế. Vẫn theo cái cách “mua như cướp, bán như cho”. Nhà nước mua của nông dân theo giá nhà nước quy định thường rất thấp. Nhà nước trả lương cho công nhân cũng theo cách như thế. Bù lại, nhà nước bán cho nhân dân mọi nhu yếu phẩm với giá như cho theo hệ thống tem phiếu. Chữa bệnh nhà nước lo. Học hành miễn phí. Nếu chia GDP theo đầu người thì được khoảng 4500 USD, nhưng người dân thực sự được cầm rất ít tiền. Tiền do nhà nước giữ và tiêu hộ. Chi tiêu vào việc gì cũng do nhà nước định đoạt (chẳng hạn, nhà nước thích dành rất nhiều phúc lợi cho giáo dục và y tế thì dân sẽ được hưởng phúc lợi về ý tế, chứ không có quyền lựa chọn khác đi). Không phải gia đình nào cũng có ô tô, tivi, tủ lạnh. Nhà nước thấy những thứ này không quan trọng bằng giáo dục, y tế. Ở Cuba, chỉ có thể mua những thứ này trong các cửa hàng giao tế (bán bằng ngoại tệ). Các cửa hàng mua bằng tiền Peso thường chả có hàng hóa gì ngoài các nhu yếu phẩm. Trong nền kinh tế XHCN, nhờ kế hoạch hóa, người ta không bao giờ phải lo lắng về khủng hoảng thừa. Người dân không cần có nhiều tiền vì có cũng chả để làm gì.

Khủng hoảng kinh tế năm 90-99

Sau khi Liên xô và Đông Âu sụp đổ, Cuba bước vào giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử nước cộng hòa. Toàn bộ các nhà máy trong liên minh kinh tế với khối Sép đã phải đóng cửa do thiếu đầu ra. Đồng Pê-sô mất giá nghiêm trọng. Trong bối cảnh các nước như Trung Quốc, Việt Nam đổi mới sang cơ chế kinh tế thị trường, Cuba vẫn kiên trì đường lối XHCN. Mặc dù bị bao vây kinh tế của Mỹ và mất đi toàn bộ quan hệ kinh tế với phe XHCN, Cuba đã tự mình đứng dậy với sự kiên cường đáng khâm phục. Ngày nay, người Cuba nói rằng, giai đoạn khó khăn nhất đã ở phía sau. Cuộc sống của nhân dân Cu ba đã được cải thiện đáng kể.

Cuba không có người giầu

Đây là chủ trương của nhà nước. Những công chức nhà nước, công nhân trong các xí nghiệp do nhà nước trả lương có thể có một cuộc sống tương đối đầy đủ (đặc biệt là các nhà khoa học), nhưng không bao giờ có thể giầu. Cuba cho phép kinh tế hộ tư nhân, nhưng giới hạn không được thuê quá 10 nhân công, nhà hàng tư nhân không có quá 20 ghế ăn.

Cuba không có người nghèo

Những người lười biếng không có tham vọng làm giầu sẽ tìm thấy xã hội Cuba như một thiên đường: ai cũng có việc làm, ai cũng có nhà ở, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Cả thành phố không tìm thấy một căn nhà ổ chuột. Nông thôn còn có vẻ sung túc hơn. Diện tích Cuba bằng khoảng 1/3 Việt Nam, nhưng toàn là đồng bằng. Mỗi hộ nông dân Cuba có ít nhất là 30ha đất canh tác (trong cải cách ruộng đất ở Việt Nam, nhiều địa chủ có ít ruộng hơn như thế này đã bị xử bắn).

Nền giáo dục ưu việt cho toàn dân

Chúng tôi đến tham quan Đại học Khoa học và CNTT Cuba trong một buổi sáng. Đây thực sự là một trường đại học với hạ tầng của châu Âu. Giáo trình Mỹ. Trang thiết bị hiện đại. Cơ sở vật chất đầy đủ. Nhìn những căn hộ cho sinh viên ở đây mà thấy thương cho những ký túc xá sinh viên thời Liên xô. Mọi thứ đều miễn phí từ ăn, ở, học hành… Ấn tượng nhất là khu văn hóa của trường. Có đủ nhà thi đấu bóng chày, bóng rổ, bóng đá. Có thư viện. Có bảo tàng nghệ thuật lưu giữ những bức tranh nguyên bản của các họa sĩ nổi tiếng nhất Cuba. Nghe các anh ở Sứ quán kể lại, điều kiện giáo dục cấp 1-2-3 ở đây cũng rất tốt. Tuy nhà nước không chủ trương trang bị tivi, máy tính cho nhân dân, nhưng trong các lớp học có đủ từ ti vi máy tính, máy chiếu video… Thời gian gần đây, nhà nước nhận thấy tỷ lệ người da đen vào đại học thấp nên đã đưa ra các giải pháp để những người da đen dễ vào đại học hơn. Khác với cơ chế cạnh tranh tự nhiên, Cuba muốn tạo cho mọi người có cơ hội đạt được kết quả ngang nhau. Theo cách này, những người yếu sẽ được hỗ trợ nhiều hơn, những người khỏe sẽ được hỗ trợ ít hơn và hệ quả là mọi người đạt được các thành tích ngang nhau.

Nền y tế miễn phí toàn dân

95% dân Cuba có bác sĩ gia đình. Những bác sĩ giỏi nhất được công nhận là bác sĩ gia đình, sẽ phụ trách khoảng 50 đến 100 hộ dân. Khi người dân bị ốm, nếu bác sĩ gia đình không có khả năng chữa trị mới chuyển lên bệnh viện của Quận. Tất cả đều miễn phí. Dịch vụ 24/24. Thông thường, bác sĩ gia đình được nhà nước trả lương rất cao (như bộ trưởng), có phòng khám ngay tại nhà (ngoài diện tích ở như mọi người). Một điều ngạc nhiên là ở Cuba hầu như không có người nghiện ma túy; số người nhiễm HIV cũng không đáng kể, mặc dù chính sách của nhà nước là free-sex. Có lẽ đây là hệ quả tự nhiên của nền giáo dục toàn dân kết hợp với các điều kiện đảm bảo y tế tốt nhất.

La Habana là một thành phố sạch đẹp

La Habana là một thành phố rất đẹp, cả khu cổ lẫn khu hiện đại. Các nhà cổ ở đây theo kiến trúc Tây Ban Nha. Có một đặc trưng là hầu hết các lâu đài đều xây bằng đá nhám nên trong rất cũ kỹ. Các đường phố song song với bờ biển đánh số chẵn, các đường vuông góc với bờ biển đánh số lẻ. Số nhà tăng theo chiều từ đông sang tây và từ nam sang bắc. Ở đây người ta làm một sa bàn La Habana trên một diên tích cỡ 500mét vuông. Khi xây một tòa nhà mới, chính quyền luôn yêu cầu phải có mô hình của ngôi nhà. Họ đặt mô hình này lên sa bàn, nếu thấy đẹp mới cho phép xây dựng. Nếu so sánh trong phạm vi các nước XHCN, La Habana có lẽ là thành phố sạch nhất. Chắc chắn là do trình độ dân trí Cuba rất cao. Hệ thống xe công cộng phục vụ 90% nhu cầu đi lại của nhân dân. Ở đây có rất nhiều cọ, đặc biệt là loại cọ hoàng gia (loại này đã du nhập về Việt Nam với cái tên là cau vua). Tuy nhiên, do thiếu đầu tư quốc tế, thành phố có vẻ rất cũ kỹ.

Chính phủ Cuba không tham nhũng.

Có lẽ ưu điểm này đã khiến cho nhân dân Cuba tôn trọng các quan chức chính phủ của họ. Tham nhũng là quốc nạn của nhiều nước, đặc biệt là khu vực châu Mỹ la tinh. Nếu như sự tham nhũng ở các nước tư bản đã nguy hiểm, thì sự tham nhũng tại các nước XHCN, nơi của cải xã hội do nhà nước nắm quyền phân phối, càng nguy hiểm hơn. Trong lịch sử 45 năm Cuba XHCN, chưa có một quan chức nào từ cấp vụ phó trở lên có hành vi tham nhũng. Lĩnh vực duy nhất có tham nhũng là trong ngành du lịch, nơi khách boa tiền mặt cho nhân viên dịch vụ.

Không có sùng bái cá nhân

Mặc dù Chủ tịch Phiden nắm giữ tất cả những chức vụ quan trọng nhất của nhà nước Cuba trong 45 năm qua, nhưng tôi không cảm nhận thấy sự sùng bái cá nhân Phiden trong dân chúng như chuyện thường xảy ra trong hoàn cảnh tương tự (Bắc Triều Tiên, Irac…). Không thấy tượng Phiden ngoài đường phố. Ảnh Phiden cũng rất ít, chủ yếu trong các công sở thường treo chung với các vị lãnh đạo khác. Người duy nhất mà nhân dân Cuba tôn sùng như một vị thánh là một anh hùng – chiến sĩ cộng sản quốc tế Che Guevara. Hose Marti cũng được ghi nhận. Hình ảnh của Phiden trong dân chúng là một lãnh tụ giản dị, gần gũi và đáng kính.

Các giá trị của nhân loại được giữ gìn

Có thể thấy các lãnh đạo Cuba là những người có học khi họ biết trân trọng gìn giữ các giá trị của nhân loại, cho dù nó là sản phẩm của bọn thực dân. Viện bảo tàng nghệ thuật thuộc địa ở La Habana là một bằng chứng về điều này. Một người Mỹ cũng rất nổi tiếng ở Cuba: đó là Hê-Ming-Guê. Có rất nhiều kỷ niệm của nhà văn này được lưu giữ ở Cuba, kể cả giải thưởng Nô-ben văn học của ông. Trong các loại cocktail pha bằng rượu rum, Daiquiri – một cocktail do Hê-Ming-Guê sáng chế ra, là nổi tiếng nhất.

Cấm vận của Mỹ không làm nhân dân Cuba khổ sở

3 triệu dân Cuba lưu vong tại Mỹ hàng năm gửi tiền về giúp 10 triệu người trong nước khiến cho việc cấm vận của Mỹ không ảnh hưởng gì đến dân chúng. Người Cuba ghét Mỹ, nhưng không câu nệ trong việc xài tiền Mỹ, hàng hóa Mỹ, phim ảnh Mỹ. Trước đây, Cuba là sân sau của Mỹ, là nơi ăn chơi của các trùm maphia Mỹ. Về mặt văn hóa xã hội, người Cuba cũng khá giống người Mỹ. Bất chấp lệnh cấm vận, rất nhiều người Mỹ vẫn đi du lịch vào Cuba qua đường Mehico. Sẽ không có lệnh cấm vận nào cấm được nhân dân các nước đi lại với nhau.

Cuba cần sự cấm vận để đảm bảo ổn định chính trị

Nếu Mỹ dỡ bỏ cấm vận, diễn biến hòa bình sẽ rất nguy hiểm với chính quyền Cuba. Hãy tưởng tượng, hôm nay Mỹ bãi bỏ cấm vận, ngày mai sẽ có 1 triệu khách du lịch vào Cuba. Trong vòng 5 năm, con số này sẽ là 10 triệu khách. Lấy gì đảm bảo rằng, 10 triệu người Cuba sẽ đứng vững trước sức cám dỗ do 10 triệu khách du lịch mang đến. Chính vì thế, chính phủ Cuba luôn hành động để Mỹ không có lý do dỡ bỏ cấm vận.

Mỹ cần cầm vận Cuba để phục vụ chính sách đối nội

Sau khi Nga rút hết căn cứ quân sự tại Cuba vào năm 1999 (người Cuba nói rằng, đây là món quà vô giá mà Putin đã tặng cho nước Mỹ), Mỹ không thực sự bị đe dọa quân sự từ Cuba. Bây giờ, Mỹ cần Cuba cũng như các nước Irac, Bắc Triều Tiên, Miamar… để làm cớ tăng ngân sách quốc phòng cũng như thực thi học thuyết quân sự cứng rắn phòng thủ từ xa. Hai nước cùng có lợi ích trong việc duy trì cấm vận.

Chưa ở đâu trên thế giới, Việt Nam nổi tiếng như thế

Ở Cuba, nói đến Việt Nam, ai cũng biết. Người dân Cuba yêu quý Việt Nam như tổ quốc của mình. Có rất nhiều địa danh, công trình, tổ chức mang tên Việt Nam như Nguyễn Văn Trỗi, Đồng Khởi, Ấp Bắc, Bình Giã… Con gái Cuba rất thích con trai Việt Nam. Nghe mấy anh lưu học sinh Việt Nam kể lại, các cô gái Cuba thường tự hào khi có bạn trai là người Việt Nam. Không ở đâu người chúng ta được chào mừng như thế khi giới thiệu mình là người Việt Nam.

Cuba – một đất nước với nhiều thành tựu ấn tượng

Bãi biển Varadero của Cuba được coi là bãi biển đẹp nhất thế giới. Mặc dù cấm vận, nhưng bãi biển này hàng năm vẫn mang lại cho Cuba nhiều tỷ USD từ khách du lịch khắp thế giới. Cuba là nước có trình độ công nghệ sinh học hàng đầu thế giới. Họ bán công nghệ nuôi trồng thủy sản cho các nước Mỹ La tin và châu Phi. Về Y tế, Cuba cũng có trình độ rất cao, là một trong 4 quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất vắc-xin. Về giáo dục, Cuba cũng nằm trong những quốc gia có nền giáo dục ưu việt nhất. Về thể thao, hiếm có một quốc gia nào chỉ với 10 triệu dân mà luôn nằm trong danh sách 10 cường quốc thể thao. Cuba còn có ciega, rượu rum ngon nhất thế giới. Cuba xuất khẩu rất nhiều tôm hùm và tôm của họ cũng nổi tiếng là ngon. Hạ tầng giao thông của Cuba không thua kém gì các nước phát triển nhất. Hạ tầng xã hội cũng rất cao, tương tự như hạ tầng ở châu Âu… Thật đáng ngạc nhiên là một nước XHCN lại đạt được tất cả những thành tựu này. Có lẽ, trước khi xây dựng XHCN, Cuba đã trải qua giai đoạn phát triển Tư bản chủ nghĩa. Mark đã đưa ra luận điểm này như điều kiện cần để đảm bảo thành công cho CNXH, nhưng sau thời Lenin, người ta lại tin vào luận điểm thiếu khoa học khác là có thể tiến lên CNXH mà không cần kinh qua giai đoạn TBCN.

Nếu không kể việc nhà nước không chủ trương phát triển internet cũng như viễn thông quốc tế, hạn chế tiếp cận với thông tin quốc tế thì tôi chẳng thấy có gì phàn nàn ở đây cả. Có thể nói, nhân dân Cuba đang có một cuộc sống tương đối hạnh phúc, mặc dù theo quan điểm của thế giới hiện đại, họ không hoàn toàn được tự do quyết định về cuộc sống của mình.

Kết luận

Trước khi sang Cuba, tôi rất thương cho nhân dân ở đây vì bị Mỹ bao vây kinh tế trong gần nửa thế kỷ qua. Tôi cũng lo lắng nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung khó giúp Cuba phát triển. Trước đây Cuba đã giúp Việt Nam rất nhiều trong chiến tranh. Tôi nhớ lại câu nói của Phiden “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng máu của mình”.

Khi về, tôi thấy lo lắng cho Việt Nam. XHCN thì chúng ta chưa xây dựng đến nơi đến chốn, còn kinh tế thị trường thì đang nham nhở. Cơ hội của Việt Nam quá ít nếu so sánh với Cuba.

Nhưng những gì được chứng kiến trong một tuần lễ ở đây là khiến tôi tin tưởng đất nước và nhân dân Cuba sẽ có một tương lai tốt đẹp. Nếu CNXH ở Liên xô cũng do những con người tuyệt vời như ở Cuba lãnh đạo, có lẽ nó không dễ dàng sụp đổ như thế. Rõ ràng là, không phải mô hình mà chính là con người quyết định sự phát triển của xã hội.

 

 

 

 

 

 

 

 


Người post: ChauHM

Ngày đăng: 04-01-2011 10:10






Xem 11 - 20 của tổng số 20 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: Meomun
05/01/2011 10:45:44

Yên tâm đi Huyền ơi, anh Châu chắc sẽ có bài về nước Nhật và các nước khác mà anh đã từng tới (hơi bị nhiều).  


Hồi xưa, SV Cu Ba lại có tiếng xấu là ... hay ăn cắp vặt!


Em thấy các anh chị đang ở nước ngoài như Masli, chị Thu... chưa có bài nhỉ. Anh Masli mà viết về Balan chắc có nhiều người hưởng ứng lắm đấy (trong đó có em)!



04/01/2011 18:28:17

Đề tài Cuba rất hay, rất tiếc là nhạy cảm chính trị nên tại hạ không dám xuất chiêu. Mong anh em đồng đạo thông cảm



Từ: HienVC
04/01/2011 18:17:21

Cảm ơn Châu đã giới thiệu Cu ba dưới góc nhìn rất khác so với những gì mình đã đọc trên các phương tiện TTĐC hiện nay.


Hy vọng là khoảng cách 6 năm không làm thay đổi nhiều những gì Châu đã phản ánh, để những thần tượng một thời của mình như Fidel Castro, Che Guevara vẫn có những chỗ đứng rất trang trọng trong lịch sử của Hòn đảo Tự do theo đúng nghĩa của nó .



Từ: SonTM
04/01/2011 16:57:43


Thực ra giai đoạn phát triển vừa qua của Cu Ba chiụ ảnh hưởng chung của cả hệ thống xã hội chủ nghĩa cũ cộng thêm với sự cấm vận của Mỹ. Nhưng theo tôi nghĩ, Cu Ba cũng bắt đầu có những cải cách trong  lĩnh vực kinh tế do Raun Castro khởi sướng. Những bước đi ban đầu bao giờ cũng thận trọng. Tôi tin rằng với trình độ dân trí cao hơn của VN và với kết cấu hạ tầng phát triển cùng với nền tảng khoa học vững chắc Cu Ba sẽ tiến nhanh hơn VN. Tôi tin tưởng vào tầng lớp lãnh đạo ở Cu Ba, họ vẫn giữ được nhiệt tình cách mạng như thuở ban đầu. Chắc năm 2011 Cu Ba sẽ khác xa với 2004 lúc bạn Châu thăm đất nước xinh đẹp này.




Từ: HanhLT
04/01/2011 15:22:30

Bài hay, bạn Châu đúng là có tầm nhìn của nhà khoa học làm kinh tế.Chúng ta đúng là chưa biết bò đã lo học chạy, còn nạn tham nhũng thì khỏi bàn luôn, nó làm cho con người mất cả niềm tin, đồng tiền quá có uy lực thành ra đạo đức cũng suy đồi theo. Biết khi nào ...



Từ: BinhPT
04/01/2011 13:32:36

Cám ơn Châu về bài này, nhưng sau 6 năm chắc cũng nhiều thay đổi chứ nhỉ. Nghe tin Mỹ sắp bỏ cấm vận nên người Việt đầu tư vào Cuba bây giờ cũng nhiều vì Việt Nam vào Cuba cũng thuận lợi hơn các nước khác. Chị tháng 2/2011 cũng đi Cuba công tác. Hy vọng khi về sẽ có nhiều ấn tượng như Châu.


 



Từ: Meomun
04/01/2011 11:46:18

Còn em, em thích bài viết của anh Châu vì cái nhìn đa chiều.


@bác Tổng Nghị: Phục bác còn nhớ bài thơ "từ Cu Ba" (hình như thế!!!) của TH. Nhưng cho em đính chính 1 chữ thôi: "đảo tươi một dải" chứ không phải là "đào". Em nhớ vì thầy em khen TH ví hòn đảo Cu ba như một dải lụa đào... 


 



Từ: Khửu
04/01/2011 11:42:14

Cảm ơn Châu đã cho mọi người biết về sự thật cuộc sống của người dân Cu Ba. Quả thật khi chưa đọc bài của Châu mình cũng có ý nghĩ về cuộc sống trên hòn đảo Tự do này khá ảm đạm, do bị cấm vận, do phát triển theo môhình CNXH cứng nhắc, do bị lãnh đạo bởi những bàn tay sắt và do nền KT tập trung như thế làm sao có sản phẩm cho XH tiêu dùng và như vậy làm sao có giàu sang thịnh vượng...Tuy vậy tôi cũng biết ở Cu Ba mọi vấn đề về Y tế, Giáo dục và an sinh xã hội của người dân đều được NN đảm bảo ở mức bình thường. Chính 2 ý nghĩ này làm tôi rất khó hình dung XH Cu Ba như thế nào. Tôi có cảm nhận tâm trạng của người dân Cu Ba vẫn mong muốn có cuộc sống đầy đủ về vật chất hơn nhưng họ cũng không muốn đánh đổi những thành quả đạt được. Chính đây sẽ là bài toán rất khó cho ban lãnh đạo CB trong việc XD và PT đất nước trong thời gian tới, làm sao để CNXH có thể là hiện thực theo đúng nghĩa của nó. Còn ở VN ta thì chỉ là món nửa nạc nửa mỡ, lời nói không đi đôi với hành động, thực tế lại càng chả giống gì với điều mà người ta mong muốn cả. Tôi đồng tình với nhận định của Châu.



Từ: HanhLM
04/01/2011 11:33:58

Cám ơn Châu đã có một bài viết khá đầy đủ, phân tích sâu sắc về Cu Ba qua nhãn quan của một nhà quản lý, một nhà kinh doanh. Đọc những chia sẻ của Châu chị biết thêm rất nhiều về Cu Ba ngày nay, về những thông tin mà chị không có được từ khá lâu rồi. Bản thân chị rất yêu quý Cu Ba, yêu quý Phiden Caxtro và cũng như Châu trước đây, chị rất thương nhân dân Cu Ba vì nghĩ rằng nhân dân Cu Ba sống rất khổ trong nền kinh tế KHH XHCN và bị Mỹ cấm vận bao nhiêu năm nay.


Cám ơn em nhiều nhé!



Từ: NghiPH
04/01/2011 11:23:54

 


Cám ơn Châu về bài viết rất hay về Cu Ba.


Thật ấn tượng: Cu Ba không có người giàu nhưng Cu Ba cũng không có người nghèo.


Viva Cu Ba!


 Đọc bài của Châu lại nhớ đến những câu thơ của Tố Hữu : Cu Ba, hòn đảo Lửa, đảo Say/ Ở đây say thật, say trời đất/ Sóng biển say cùng rượu mật, say.../ Nắng rực trời tơ và biển ngọc/ Đảo tươi một dải lụa đào bay…/ Em ạ, Cu Ba ngọt lịm đường/ Mía xanh đồng bãi, biếc đồi nương/ Cam ngon, xoài ngọt vàng nông trại/Ong lạc đường hoa, rộn bốn phương/ Anh mải mê nhìn, anh mải nghe/ Mía reo theo gió những thân kè/ Tóc xanh xõa bóng, hàng chân trắng /Có phải tiên nga dự hội hè?...


Không biết có dịp nào đến được hòn đảo Ngọc này không?




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s