Khối keo
Tác giả: BinhNH
Tôi không nhớ chính xác lắm về thời gian, nhưng hình như vào cuối năm 1972 , nghĩa là khi chúng tôi đang học học kỳ 1 của năm thứ nhất đại học, sau khi trở về từ cuộc họp với Sứ quán tại Moscow, chú Dinh – Nghiên cứu sinh , đơn vị trưởng của Lưu học sinh của Việt nam ở Kishinhov đã thông báo trên cuộc họp của toàn hội tại Dom Kulturu ( nằm giữa Ob. 3 và ob 4) là : ở Sứ quán đã nắm được thông tin là có 9 bạn nữ học hóa năm thứ nhất tại Kishinhov, nghịch ngơm, hay mất trật tự, hay đi học muộn, xem phim nhiều nhưng lại gắn bó như một khối keo, khó mà bảo được…
Nữ Hóa 77 năm thứ 5 Đại Học
Chắc chú Dinh khi ấy có ý muốn khuyên bảo chúng tôi nên chăm chỉ học hơn, giảm phần nghịch đi và tuy đã nêu ý kiến của Sứ quán để răn đe chúng tôi, nhưng với giọng nói hiền hòa, nên dù chú Dinh đứng trên bục ở sân khấu của Club nói hẳn hoi, mà chúng tôi cũng không cảm thấy bị phê bình gì nặng lắm…Chỉ có bạn Nghiêm Xuân Minh , lớp trưởng phụ trách cả 17 bạn Việt nam , học khoa hóa năm thứ nhất ( bao gồm 9 đứa con gái chúng tôi và 8 bạn nam. Nhớ là lớp chúng tôi không chỉ có 9 đứa con gái như nhiều bạn nhầm tưởng mà có cả 8 bạn nam) là buồn thôi…Bạn ấy cũng như 7 bạn nam của Hóa 71-77 chỉ mong sao 9 bạn gái ít nghịch đi, chuyên tâm học hành để lớp Hóa năm thứ nhất đỡ bị nhắc nhở..
Thế rồi từ đó cứ nhìn thấy 9 đưa bọn tôi là mọi người lại nhớ đến từ “ khối keo” ấy. Chẳng hiểu sao, các chú sứ quán hồi đó lại phát minh ra từ “ khối keo” để gắn cho bọn chúng tôi,, tên gọi ấy thật chính xác về mặt nghĩa bóng và đúng cả về nghĩa đen, chúng tôi học hóa mà. Cho đến tận bây giờ, khi 9 đứa bọn tôi đã lên U60, mấy bạn đã lên chức bà…thế nhưng chúng tôi vẫn “ chứng nào, tật ấy”….9 đứa vẫn là một khối keo.
Chúng tôi tốt nghiệp về nước năm 1977 , nên các bạn sang học những năm sau 1977 chắc không phải nghe SQ nhắc nhở như vậy nữa, và không rõ các đơn vị trưởng về sau có phải lo lắng nhiều với những loại sinh viên như 9 đứa bọn tôi không?
Chúng tôi đều sang Kishinhov năm 1971 sau khi đã được thi ĐH ở khối QR ( như bài viết rất hay của bạn ĐTLương “ Cái sọt đá và tấm áo len” ). bằng tàu liên vận , chuyến tàu đi ngày 27/7/1971 , cũng rất lạ, ngay trong những ngày trên tàu, ở Ierkut khám sức khỏe, qua Moscow , ở trường Lomonoxov , rồi lên tàu về Kishinhov, tất cả lũ con gái bọn tôi đã thấy thân quen. Không kể tôi và Trần Bình đã học với nhau cùng lớp 10 ở trường phổ thông 3A, 7 bạn nữ còn lại cũng đều đã từng biết nhau hoặc từ lớp 1, lớp 2, không thì từ mẫu giáo rồi… nên khi gặp lại nhau ở KGU thân nhau thật dễ . Chả là cả 9 đứa con gái chúng tôi đều xuất thân từ các trường phổ thông ở Hà nội mà… ( Câu chuyện chúng tôi đi tàu đã được Hoa kể khá kỹ trong mục người KGU , bài “ Đi du học Liên xô bằng tàu hỏa”)
Ngay khi đến ga Kishinhov chúng tôi được rất nhiều anh chị năm trên ra đón và đưa về Ký túc xá. Đấy là các anh chị sang năm 1970 và tốt nghiệp năm 1976. Các anh chị dắt cả lũ lơ ngơ sang nhà ăn , nằm cạnh Câu lạc bộ để hướng dẫn cách lấy đồ ăn, cách thanh toán. Hồi ấy , chúng tôi thấy nhà ăn thật rộng , đèn rực sáng vì so với nước mình đang chiến tranh, điện thiếu…Chúng tôi được các anh chị dạy tỷ mỉ cách cầm dĩa, cầm thìa, cách ngồi ăn đàng hoàng , cách lấy thức ăn, cách trả tiền, cách nhai phải ngậm miệng…. Sao các anh chị chỉ sang trước chúng tôi một năm và cũng vừa kết thúc khóa dự bị mà chu đáo quá vậy, cả lũ chúng tôi mắt tròn , mắt dẹt vừa nghe, vừa phục, vừa ăn …không nghỉ: cái gì cũng ngon: Maslo, Smentana, sup, kotlet… cho đến bánh mì … chúng tôi ăn sạch . Thế rồi chúng tôi về sống ở ký túc 3 đường Benderskaia.Lúc đầu mười tám người được phân học khoa hóa nên chia thành 2 lớp học dự bị tiếng Nga( có lẽ về số lượng người VN học một khoa ,cùng một năm thì lớp tôi là đông kỷ lục đấy).
Lớp Hóa dự bị tiếng Nga học cô Elena
Một lớp học tiếng Nga thày Arcadi gồm 9 bạn, lớp kia cũng có 9 bạn học cô ELENA STEPANOVNA. Cách đây hơn 1 tháng Huyền Đại sứ của KGU báo tin Cô Elena đã mất, còn thày Arcadi đang được lớp chúng tôi cùng các bạn học thày các khóa gấp rút lên kế hoạch đón thày sang Việt nam, hy vọng đầu năm tới kế hoạch này được thực hiện). Những kỷ niệm thời dự bị của chúng tôi có rất nhiều : như đi học muộn vì mải ngủ, đi tham quan, rồi những kỷ niệm học tiếng Nga , những buổi đầu ở với các bạn người Nga hoặc người Môn…có những sự hiểu nhầm do ngôn ngữ còn bất đồng dẫn đến cãi nhau, mà đã cãi nhau thì dù có kém tiếng nga các bạn nữ hóa dự bị nhất quyết dùng mọi từ có thể thể hiện được để buộc bạn phải hiểu và “ phải “ chịu thua mình mới thội. Ấy thế mà chính những người bạn ấy, khi đã hiểu nhau, chơi thân và chiều bọn chúng tôi ra phết…(về những chuyện học tiếng Nga, Thanh lớp tôi đã có bài “ Năm đầu tiên ở Kishinhov “ đăng ở mục người KGU kể một phần về năm học dự bị của chúng tôi)
Lớp Hóa dự bị tiếng Nga học thày Arkadi 1971
Cuối năm dự bị , số người học khoa hóa khóa 1971 có sự thay đổi : 2 bạn nữ Mai Hương và Huệ chuyển sang học khoa lý , chúng tôi đón nhận bạn Vinh từ lớp dự bị khoa lý sang học hóa. Thế là từ năm 1972 , vào học năm thứ nhất lớp hóa 72-77 chính thức có 17 người , bao gồm 9 nữ : 2 Bình, Hoa , Hương, Lan , Phong, Thanh , Thục và Vinh. Nam có 8 bạn : Cường, Sinh Hoa, Hiến, Minh, Mậu, Sơn , Trự và Tuấn.
Có thể nói một cách ngắn gọn :cách sống và tính tình của 9 đứa con gái chúng tôi là hình ảnh hoàn toàn ngược lại với 8 bạn nam. Bây giờ gặp lại các bạn nam vẫn lắc đầu “ chán nản” với khối keo này. Nhưng thực sự chúng tôi gặp “ may” suốt 6 năm học cùng lớp với 8 bạn nam lớp chúng tôi. Dù chúng tôi có nghịch đến đâu, gây phiền toái cho các bạn thế nào, các bạn ấy vẫn rất rộng lượng bỏ qua và giúp đỡ chúng tôi rất chân tình, như Thanh , Hoa, Lan, T.Bình đã kể và cả anh Cường cũng tâm sự lại trong “ Thư ngỏ của chú Cường” đăng trên mục người KGU ngày 22/11/10.
Lại nói tiếp chuyện khi chúng tôi kết thúc năm học dự bị, theo truyền thống của Đơn vị Kishinhov ( Hồi đó toàn gọi tập thể sinh viên VN ở Trường ĐHTH Kishinhov là đơn vị , cứ như đơn vị bộ đội, có lẽ do nước mình còn chiến tranh), hàng năm đều tổ chức hội diễn văn nghệ cho toàn thể sinh viên VN nên lớp nào cũng phải có tiết mục tham gia. Khóa chúng tôi sang năm 1971, có tới hơn 50 người học các khoa Toán, Lý , Hóa, Sinh vật, nên cũng không thể thiếu được. Thế là các lớp Sinh vật, Hóa , Lý đều say sưa chọn tiết mục, tập tành và tự may các loại trang phục , mà lại còn giữ bí mật về các tiết mục để còn thi đua cơ chứ . Điều này tôi và Trần Bình mãi sau mới biết …
Ngay năm học dự bị , chẳng hiểu sao, chúng tôi: Bình “ khàn” và Bình “ kều” đã bị “ mang tiếng” là lắm mồm, nên dù 9 đứa con gái chúng tôi rất thân nhau, vui vẻ trong mọi sinh hoạt, nhưng riêng đến khoản tập văn nghệ cho hội diễn thì 7 bạn kia đã thống nhất với nhau : Không cho 2 con Bình tham gia để còn giữ được bí mật, cho 2 con ấy biết thì hỏng bét. Thế là hai chúng tôi cứ ăn no, ngủ kỹ, rồi tối nào hai đứa cũng đi xem phim như bình thường mà không biết rằng 7 bạn kia đang bí mật tập rượt cho chương trình văn nghệ của lớp… Mãi đến hôm trước ngày hội diễn, Như Anh, học cùng khóa chúng tôi nhưng là dự bị vật lý ( sau này Như Anh đã chuyển đi Minsk học) thấy chúng tôi cứ nhởn nhơ , chẳng bận rộn gì bèn bảo: ngày mai hội diễn rồi, các ấy có muốn lên biểu diễn với tớ một tiết mục không? Hai Bình trả lời : chúng tớ chẳng biết gì đâu, biểu diễn thế nào? Cứ yên tâm, có tiết mục đây rồi, tấu hài nhé. Nghe thấy hài, hai Bình gật đầu liền. Đúng là điếc không sợ súng. Thế là tối đó, dưới sự hướng dẫn của Như Anh trong vòng một tiếng, chúng tôi đã có tiết mục “ 3 lính Mỹ”.
Hai Bình và Như Anh diễn hài năm 1972
Phải công nhận Như Anh là người đa tài : thơ giỏi, văn giỏi, tiếng Nga giỏi, và đặc biệt kể chuyện giỏi, khóa chúng tôi , tất cả các bạn nữ đều thích nghe Như Anh kể chuyện. nhưng Như Anh thích nhất là kể chuyện cho hai Bình nghe. Vì hai Bình có thể thức cả đêm nghe Như Anh kể ( xin lưu ý là 100% chuyện kể của Như Anh là chuyện bịa, nhưng rất hấp dẫn)đồng thời chịu khó làm các việc của Như Anh nhờ, cốt là không phải học, được nghe chuyện, xem Như Anh vẽ, hay được Như anh cắt may cho váy, áo…Ấy cho nên khi Như Anh nổi tiếng về Nhật ký tình yêu với Nguyễn văn Thạc, hai Bình cũng ít ngạc nhiên hơn người khác… Thế là Như anh sáng tác ra tấu hài về 3 lính Mỹ, Trần Bình làm lính bộ binh, Như Anh làm Hải quân còn tôi cao nhất thì làm Phi công Mỹ. Ngoài ra 5 Bình còn có tiết mục hát bài 5 ngón tay xinh… Nhưng tuyệt nhất là tiết mục Nghêu sò ốc hến của 7 bạn nữ lớp tôi : Thanh, Lan, Hoa , Phong, Thục, Hương và Vinh trong vai trò phục vụ hậu trường trong hội diễn năm 1974 khi chúng tôi học năm thứ 2, đã thực sự gây ấn tượng với toàn thể sinh viên VN . Hội diễn của Hội sinh viên Việt nam hàng năm đã trở thành truyền thống và lần nào cũng rất vui và đặc sắc. Từ những năm trước khi chúng tôi sang cho đến các khóa tiếp theo , sau khi chúng tôi đã tốt nghiệp về nước các lần Hội diễn đều để lại những kỷ niệm khó phai mờ trong ký ức mọi người.
Sang năm thứ nhất Đại học, chúng tôi bắt đầu học chung với các bạn người Nga và Môn, cả các bạn gốc do thái nữa. ( Khoa Hóa chúng tôi năm ấy do có những 17 người Việt Nam nên không có thêm các bạn Đức hay Bun như các năm trước). Những ngày đầu nghe giảng , chúng tôi chỉ nghe và ghi được khoảng 50-60% lời giảng của giáo viên. Các bạn nam rất chăm chú và luôn đi sớm ngồi hàng đầu để nghe giảng, còn 9 đứa chúng tôi nào ngủ dậy muộn, ăn sáng chậm…và một lý do rất lạ kỳ nữa là 9 đứa con gái chúng tôi thường xuyên không biết giờ học nào học ở Auditoria nào nên thường đến lớp chậm hơn, ngồi hàng sau… Đã thế lại hay nói chuyện nên luôn “ được” các bà giáo nghiêm khắc như bà Samus nhắc nhở.
Tuy nhiên, rất nhanh chóng chúng tôi đã làm thân với các bạn cùng lớp, đặc biệt là hai bạn nữ do thái có tên Jana và Bella , hai bạn này học giỏi, vở sạch , chữ đẹp lại rất nhiệt tình nên chúng tôi đã mượn vở về chép lại bài … thế là khắc phục được việc chưa chép kịp bài. Cũng may là chỉ sau khoảng 1,2 tháng của năm thứ nhất việc mượn vở chấm dứt vì chúng tôi đã “ tự thân vận động” được ngay trên lớp.
Còn việc không thể nhớ được thời khóa biểu xem giờ hóa tiết 1 học ở giảng đường nào, giờ Nga văn tiết 2 học ở đâu , korpus nào, hay giờ Toán tiết 4 ở phòng nào thì thật là nan giải.Vì Thời khóa biểu thường được viết trên bảng treo ở Khoa Hóa, tầng 3, hồi ấy chẳng có máy tính, máy photocopy như bây giờ nên việc chép thời khóa biểu là việc 9 đứa chúng tôi không làm , hoặc có làm thì để lẫn ngay, nên chúng tôi nhiều khi đến trường đã muộn lại còn trèo lên tầng 3 để xem thời khóa biểu rồi mới biết đi đâu để vào đúng lớp. Thế rồi chỉ sau vài ba ngày đầu của năm thứ nhất chúng tôi phát hiện ra : 8 bạn nam luôn đi học sớm, vào đúng lớp. Thế là chúng tôi chỉ việc đi theo các bạn ấy là vào đúng lớp , đúng giờ cần học. Ấy là nếu chúng tôi đi học đúng giờ thì mới áp dụng biện pháp đó, chứ đi muộn thì đành chịu. Mà việc đi muộn xảy ra quá thường xuyên. Lúc đầu đi muộn, chúng tôi ( đặc biệt là 2 Bình) có khi đi trễ độ 15 phút chúng tôi vẫn xin vào lớp. Sau độ 2 ,3 lần đi muộn , chúng tôi được thày cô nhắc nhở, rút kinh nghiệm chúng tôi bỏ hẳn tiết 1 và đến trường vào đầu tiết 2. Hồi học dự bị chỉ có học tiếng Nga và do 1 giáo viên dạy, nên đi muộn thế nào cũng bị phát hiện. Lên năm thứ nhất mỗi giờ một môn khác nhau nên trốn 1 tiết thì Nhitrevo… Nếu hôm nào một môn do 1 giáo viên dạy chiếm cả 2 tiết đầu thì chúng tôi “ đành” nghỉ cả para đầu và đi học từ tiết thứ 3.
Nghịch ngợm
Từ năm thứ 2 , cả chín đứa chúng tôi đã thành thói quen, đến trường tập trung một chỗ đầu hành lang nói chuyện, nhưng khi vừa thấy Nghiêm Xuân Minh, lớp trưởng xuất hiện là chúng tôi đã để ý , rồi để bạn ấy đi qua , sau đó chúng tôi chỉ việc đi theo sau bạn ấy là chắc ăn sẽ vào lớp đúng giờ, đúng địa điểm. Mà dứt khoát chúng tôi không gọi hay hỏi đâu nhé. Chỉ đi theo như quán tính. Hồi ấy chẳng có điện thoại di động nên cũng bất tiện thế đấy. Bạn Minh cũng đã quen nên cứ thẳng bước vào lớp , chẳng ngoái cổ lại chắc bạn ấy cũng biết rõ có 9 cái đuôi bám theo. Mà hễ bạn ấy dừng bước là chúng tôi cũng dừng, đi học như vậy rất tiện lợi vì chúng tôi không cần nhớ thời khóa biểu và vừa đi theo bạn ấy vừa nói chuyện thoải mái không ngơi miệng, vui như tết. Việc này cũng làm cho chúng tôi nhớ mãi vì từng có chuyện xảy ra như tiếu lâm vậy…
Tuy nhiên, chắc lớp trưởng của chúng tôi bị lãnh đạo đơn vị nhắc nhở, hoặc bạn ấy thấy các bạn nữ hay nghỉ học nên cũng suy nghĩ để giúp đỡ các “ phần tử chậm tiến”. Một hôm , mùa đông, chắc vào năm thứ hai đại học, hai Bình ngủ dậy muộn nên quyết định trốn học luôn cả buổi, nghỉ học thì phải ăn uống đàng hoàng chứ , vì bếp giờ ấy vắng vẻ chẳng có ai nấu, nghĩ vậy hai Bình nấu nướng và ăn trưa thoải mái. Ai dè, đang ăn uống, cười nói vui vẻ trong phòng thì có tiếng gõ cửa. Hai Bình ngó qua khe cửa thấy lớp trưởng , thế là vứt nguyên xi cả nồi xoong trên bàn, hai Bình trèo lên giường kéo chăn đắp rồi mới đồng thanh hét lên “ mời vào”. Bạn Minh vào, liếc qua bàn học giữa nhà toàn nồi, bát và mùi thức ăn đầy phòng, bạn ấy vẫn hỏi : Sao hai Bình nghỉ học ? Chúng tôi đồng thanh đáp : ốm. Bạn Minh vẫn ôn tồn : Cố gắng dậy uống thuốc rồi đi học đi . Chúng tôi cùng đáp : Ừ.Bạn ấy nhắc thêm : ăn uống nhớ dọn dẹp, rồi đi ra….
Còn đối với bạn Hoa và Thanh lớp tôi cũng xảy ra chuyện tương tự , nhưng người đến thăm là thày Nga văn, Arcadi , thày vào thẳng phòng lấy bàn chải đánh răng và thuốc đánh răng đưa cho Hoa và Thanh : đây thuốc của các em đây, dậy uống rồi đi học…
Dạo chơi trên Đại lộ Lê Nin sau giờ học tiếng Nga Dự bị 1971
Lại nói đến chuyện ăn, sao hồi ấy chúng tôi ăn khỏe thế… chắc do tuổi trẻ một phần, một phần do chúng tôi tiêu hao nhiều năng lượng khi chạy nhảy và nói cười trên mức bình thường nên mức độ ăn cũng nhiều và tốc độ đói cũng nhanh hơn các bạn khác thì phải. Tôi còn nhớ trên giảng đường phòng 401( tầng 4 , có bậc ghế ngồi cao dần ấy) , mỗi khi các thày cô giáo say sưa giảng bài trong tiết cuối, trước giờ ăn trưa, là 9 đứa chúng tôi đau khổ lắm. Chữ vào tai nọ lại ra tai kia, vì lúc ấy chúng tôi chỉ muốn đi ra nhà ăn. Nhìn quanh, các bạn nam vẫn miệt mài ghi chép, các bạn Nga vẫn lắng nghe lời giảng, còn 9 đứa chúng tôi đã ra mật hiệu với nhau: phân công đứa nào hôm nay chạy ra nhà ăn trước để xếp hàng … Trong 9 đứa chúng tôi , không phải bạn nào cũng lười biếng như 2 Bình đâu , bạn Phong và Vinh học giỏi, chăm chỉ, Thục nghiêm túc, Thanh cẩn thận, chi tiết….nhưng chúng tôi đồng lòng trong các mục ăn , xem phim , nghịch ngợm, vậy nên chỉ cần 1 nữ hóa 77 xếp hàng ở nhà ăn là đương nhiên người đứng sau sẽ phải chịu là người thứ 10. Một người xếp hàng nhưng thản nhiên lấy 9 cái khay để thức ăn… nghĩ lại , chúng tôi thấy cũng “ hơi quá “ một chút…
(Hết phần 1)
Người post: BinhNH
Ngày đăng: 04-01-2011 22:10
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |