KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 13 Tháng hai. 2011

Lớp Vật lý 81 của tôi




Tác giả: HuongNQ

 

Các bạn Vật lý 81 của tôi

                            

                                                                   Nguyễn Quê Hương, VL 81

 

Vừa dạy xong hai tiết, tôi nhìn ra cửa sổ. Tuyết. Năm nay miền Đông Bắc nước Mỹ  rất lạnh. Từ đầu mùa đông đến giờ, liên miên  hết trận bão tuyết này đến trận bão tuyết kia. Vừa sáng nay trời rất trong xanh, bây giờ tuyết đã đang rơi trắng xóa, phủ thành lớp dày trên các nóc nhà, rặng cây. Và nắng. Các thảm tuyết phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh tạo thành một không gian rực rỡ. Bỗng nhiên, một hình ảnh lâu lắm từ đâu hiện về. Quang, Tiến và tôi vừa tan học buổi trưa ấy. Đẩy cánh cửa trường bước ra ngoài, chúng tôi choáng ngợp bởi một không gian đầy nắng và tuyết. Ánh sáng từ hồ Комcомольское, từ con đường trước cửa trường, từ những khóm cây, thảm cỏ đầy tuyết hắt lên sáng trắng, lấp lánh. Bước chân xuống bậc tam cấp, Quang thốt lên “Снег и солце, день чудесный!” (một câu thơ của Pushkin). Ở bên cạnh, Tiến tỉnh bơ: “Thằng Quang này, Quê Hương biết không, ngày xưa nó ti toe định làm nhà thơ, đi thi bị Pushkin đánh trượt, bây giờ đành phải đi học Vật lý”. “Cái thằng này, bịa cứ như thật”, Quang gãi đầu gãi tai…

Tiến - Quang tạo dáng trong buổi dã ngoại khoa Lý năm 1980

Lớp Vật lý 81 của chúng tôi đấy. Không như các anh chị khóa VL75, 76, mỗi lớp có cả 15, 16 người, các lớp về sau dần dần “teo tóp” và đến khóa chúng tôi thì chỉ còn mỗi ba mống: Lê Quang Tiến, Nguyễn Hồng Quang và tôi. Chỉ có mỗi ba đứa mà tính tình hoàn toàn khác nhau nên chúng tôi lúc nào cũng chí chóe. Tôi một mình là con gái nên khác hẳn đã đành. Đều rất thông minh, học giỏi, là niềm tự hào của các thầy cô và là tâm điểm ngưỡng mộ của các bạn Nga trong lớp, nhưng Quang và Tiến tính ngược nhau như nước và lửa. Nếu như Quang hồi ấy hiền lành chân chất, chưa nói đã đỏ mặt gãi đầu gãi tai, thì Tiến lại sắc sảo, láu lỉnh, thích kể chuyện tiếu lâm và sẵn sàng biến tất cả mọi người thành các câu chuyện cười. Học hành thì một 9 một 10, nhưng nếu Quang là học sinh gương mẫu, học hành chắc chắn, đều đặn hàng ngày, thì Tiến không bao giờ học những môn mà hắn không thích nếu ngày mai chưa phải là экзамен, nhưng với những môn mà hắn thích thì hắn có thể ngồi thâu đêm. Nếu như vở của Quang sạch sẽ và chữ đều tăm tắp thì vở của Tiến nguệch ngoạc như gà bới. Nếu như Quang lúc nào cũng tóc tai gọn gàng và thích mặc comple thì Tiến lại để tóc dài và thích mặc quần loe với cái áo lụng thụng của người Mônđavi...  Tiến không những học giỏi mà chơi cũng giỏi, đá bóng và trượt băng rất cừ. Và vì nhảy rất giỏi nên Tiến thường được cử đi hữu nghị, những cuộc cần nhảy với các bạn Nga. Còn Quang thì lại đánh ghi-ta hay. Thỉnh thoảng ở các cuộc vui Quang bập bùng gảy  ghita và hát… Có lẽ đúng với sự khác nhau như thế mà bây giờ Tiến trở thành một lãnh đạo của một tổng công ty lớn nhất nhì Việt nam còn Quang trở thành nhà khoa học.

Lúc nào ba đứa chúng tôi cũng chiếm chỗ ngồi ở bàn đầu. Thói quen đó có từ năm thứ nhất, khi tiếng Nga chưa tốt, ngồi bàn đầu để tập trung nghe thầy nói và ghi bài dễ hơn. Rồi sau đó cả lớp quen đi, chúng tôi có đến muộn thì các bạn Nga và Môn vẫn để dành ba cái chỗ ở bàn đầu ấy cho bọn tôi. Có một hôm, giờ giải tích năm thứ nhất, bà giáo sắp vào rồi mà hai chỗ bên cạnh tôi vẫn còn trống. Bà giáo môn giải tích rất nghiêm khắc, bà không thích ai đến muộn cả nên mỗi khi nhìn thấy bà trong hành lang thì các học sinh đều chạy cốt để vào lớp trước khi bà vào. Bà giáo mở cửa bước vào, vừa kịp đặt cái cặp lên bàn thì cánh cửa bật mở. Và … hai đôi “giày bác Bửu” từ từ tiến vào ở tư thế … nằm. Hóa ra hai ông bạn vàng của tôi thấy bà giáo đã vào lớp nên cuống cuồng chạy, và đôi “giày bác Bửu” trơn tuồn tuột cùng với cái hành lang bóng loáng đã làm các bạn ngã ngay khi vừa mở được cửa lớp!

Tiến sắc sảo nên luôn nhìn thấy những chuyện hài hước xung quanh. Và chúng tôi lúc nào cũng cười vỡ bụng với các анекдот hắn bịa ra về các bạn Nga, bạn Việt. Và tất nhiên, ở ngay bên cạnh hắn nên tôi và Quang biến thành miếng mồi ngon để hắn trêu chọc. Nhớ về Quang và Tiến, tôi luôn luôn nhớ đến hình ảnh một tên thì cười toác miệng, một tên thì đỏ mặt gãi đầu gãi tai “cái thằng, điêu đến thế là cùng”, và thanh minh những chuyện không ai cần thanh minh… Nhưng Quang và Tiến lại rất hợp nhau, vì một tên cần người để trêu, còn một tên thì không hề để bụng.

Và tôi, tất nhiên cũng không được Tiến tha.

Một hôm, 12 giờ 5 phút đêm, Tiến chạy lên gõ cửa phòng tôi (phòng Tiến ở tầng 1, còn tôi và Nam Mai ở tầng 2, Quang ở tầng 3). Mặt mũi nhăn nhó, tay cầm quyển bài tập Cơ Lý thuyết, Tiến hỏi tôi: “Quê Hương đã làm hai bài này chưa?” và chỉ ngay vào hai bài “3 sao” trong sách. Nhiều bạn chắc vẫn còn nhớ hệ thống đánh giá độ khó của bài tập trong sach Vật lý, không có sao là dễ, 1 sao là khó vừa, 2 sao là rất khó, 3 sao là cực kỳ khó. Tôi giãy nảy “Ở đâu ra đấy, làm gì có”. “Tiến cũng tưởng là không có, nhưng con Жанна vừa bảo là có, Харченко nói mà mình không để ý, thế mới chết”. Thế là, tưởng được đi ngủ lại phải ngồi vò đầu bứt tai với hai cái bài tập “của nợ”. Sau một hồi thì cũng xong nhưng hôm sau mắt tôi díp lại vì buồn ngủ. Đến lớp, nhìn thấy Tiến mặt mũi tỉnh bơ. Gặp Жанна, mặt mày con bé ngơ ngác, tôi mới linh cảm “что-то не то”. Vào giờ học, Харченко bảo: “Lần trước tôi chưa ra bài tập, đây la các bài tập cho lần tới”. Tôi liếc sang Tiến, nó đang ngoác mồm ra cười. Nhìn lại lịch, hôm ấy là ngày mùng 1 tháng 4. Và đêm hôm trước, lúc Tiến lên tìm tôi, lúc ấy là 0 giờ 5 phút ngày mùng 1 tháng 4. “Ai bảo Quê Hương nghe nó, nó cũng định lừa tớ, nhưng tớ biết ngay là trò 1 tháng 4”. “Khổ quá, lúc ấy mới là 0 giờ 5, ai mà đã nhớ ra ngày nào”. Hóa ra Quang bị trêu nhiều quá nên “có kinh nghiệm” hơn tôi.

Ngày “Cá tháng Tư”, không hiểu từ bao giờ, luôn được coi là “ngày của dân Vật lý”. Vào ngày này tờ báo tường của ông “Cóc” (ông thầy dạy Vật lý chất rắn) phụ trách, treo ở góc của khoa Lý ở tầng 2, luôn ra số đặc biệt với những câu chuyện cười rất hay. Tiến bao giờ cũng bày trò gì đó trong ngày này. Hồi bọn tôi năm thứ 2, ngày hôm ấy các chị năm thứ 5 (sắp về nước) bỗng dưng nhộn nhịp vì tin “ở ngoài chợ có đài Риголда”. Và mặc dù trời mưa, các chị vẫn lũ lượt kéo nhau ra chợ để rồi về không. Về nhà các chị mới nghĩ ra là bị lừa vì ngày hôm đó là mùng 1 tháng 4, và quyết tìm ra thủ phạm. Tất nhiên không ai khác là ông em Lê Quang Tiến. Một lần khác tôi đang ngủ bỗng giật mình vì tiêng chuông kêu chói tai. Nếu mọi người còn nhớ, mỗi phòng của ký túc xá có một cái chuông để bà trực nhật gọi khi cần. Thông thường nếu ai muốn bà trực nhật đánh thức thì ghi vào một mảnh giấy và để trên bàn cho bà ấy. Mắt nhắm mắt mở, tôi chạy xuống nhà. Trên bàn bà trực nhật vẫn còn mảnh giấy “Đánh thức phòng 43 lúc 5 giờ sáng”, và tất nhiên là chữ của Tiến. Một lần nữa, buổi chiều, tiếng chuông phòng tôi lại kêu. Chạy xuống trực nhật, bà ấy chỉ cái ống nghe điện thoại để sẵn ở ngoài “Hình như mày có phone từ Việt nam”. Mừng quýnh, tôi cầm ông nghe và chờ. 1 phút, 2 phút, 5 phút. Cứ nghĩ là phone quốc tế thường là lâu nên cố gắng chờ. Nhưng vẫn không có tiếng động. Hỏi bà trực nhật “Sao bà biết là phone của tôi?” “Tao biết đâu, thằng Tiến nó nghe phone rồi nó bảo là phone của mày, thế là tao gọi mày”. Trời ạ, lại ông bạn vàng. Tức điên, nhưng “làm gì nó bây giờ”!

Những năm Kisinev, trong chị em Toán-Lý chúng tôi lưu truyền một quyển sổ nhỏ, nhan đề là “Từ điển Quang”. Nguyên nhân là vì Quang luôn lúng túng mỗi khi cần phải nói chuyện với mọi người, hoặc vì từ ngữ không đến kịp với suy nghĩ, nên hắn phải lấy những từ khác (hoặc hành động khác) để lấp chỗ trống. Và hắn luôn luôn dùng những từ ngữ ấy rất sáng tạo. Chẳng hạn, một lần Quang nhìn thấy Chi Mai và hỏi “Chi Mai ơi, tí nữa có không ấy nhỉ?” “ là gì?” Chi Mai vừa hỏi vừa cười. “À tức là có họp không ấy mà”. À, tức là “ là họp”, chúng tôi ghi vào từ điển. “Quê Hương ơi, đã làm ấy chưa?” “Ấy là gì?” “À, tức là đã làm bài tập chưa?”. Ha, “y là bài tập”, chúng tôi lại ghi vào từ điển. Cứ thế, “ngày mai có không” có thể là “ngày mai có học không” hay “ngày mai có xem phim không” hay “ngày mai có đi chơi không”; và “đã ấy chưa” có thể là “đã làm bài tập chưa”, “đã ăn cơm chưa”, “đã hỏi ông giáo chưa”, tùy hoàn cảnh. Tức là Quang đã làm chúng tôi phát hiện ra rằng hai từ “gì” và ‘ấy” là các từ đa nghĩa và có thể thay thế tất cả các danh từ và động từ, với điều kiện người này hiểu người kia đang muốn nói đến chuyện gì. Không biết bao nhiêu lần, chúng tôi cười lăn lóc mỗi khi nói chuyện xong với Quang và hiểu xong cái đống “gì” và ‘ấy” rất “туманно” như thế. Nhưng Quang đã dùng hai cái từ “gì” và ‘ấy” ấy một cách trơn tru và thản nhiên nhất trên đời, một cách rất dễ thương, làm tất cả chúng tôi mặc nhiên coi chuyện đấy là chuyện rất bình thường, chuyện rất là “Quang” (tức là chúng tôi cũng biến luôn Quang thành một tính từ rồi đấy).

Một lần, mấy đứa con gái chúng tôi đang ở trong phòng thì Quang gõ cửa. Nam Mai ra mở cửa, Quang hỏi “Này Nam Mai u… u… u… (bàn tay phải của Quang quay hai vòng) có nhà không?”. Nam Mai hỏi lại “Anh hỏi ai cơ ạ?” “Là mình hỏi … (tay lại quay hai vòng) có nhà không?”. Lần này thì Nam Mai mở luôn cửa chỉ vào mấy đứa chúng tôi đang ngả ngốn trên giường “Anh cần gặp chị nào ạ?”. Sau vụ ấy, chúng tôi ghi thêm vào từ điển “tay quay 1 vòng: Nga, 2 vòng: Quê Hương, 3 vòng: Chi Mai,…”

Thậm chí đến sau này khi tôi và Quang đã về cùng một Viện, Quang vẫn còn giữ nguyên thói quen dung ngôn ngữ hình tượng như thế trong một thời gian dài. Một lần ở hội nghị Vật lý lý thuyết, Quang lên báo cáo. Miêu tả tán xạ Raman, Quang vừa chỉ hình vẽ vừa nói “tức là khi cái đống ánh sáng này nó đi vào đây, nó đánh nhau với cái cục này…”, tất cả hội nghị được một trận cười nổ tung, còn sếp Hiệu thì ngồi dưới lẩm bẩm “Cái cậu này sao ăn nói linh tinh thế nhỉ”… Bây giờ Quang đã là Viện phó và phải nói năng nhiều, thành quen, chắc Quang không còn nói như thế nữa.

Mùa hè năm 1980 khi chúng tôi kết thúc năm thứ tư, có một chuyện xảy ra. Chắc mọi người còn nhớ hồi ấy ở các ký túc có đội trực cờ đỏ. Đội cờ đỏ đi kiểm tra vệ sinh các phòng mỗi tuần một lần. Và kiểm tra rất ác, không phải chỉ xem phòng có gọn gàng không, mà còn vén khăn trải giường lên để quệt ngón tay vào thành giường để xem có bụi không hoặc kiễng chân quệt ngón tay lên đầu tủ xem có sạch không. Cái đội cờ đỏ này làm mọi người rất ghét, nhưng vì không ai muốn bị “bêu tên” nên cuối cùng là phòng ai cũng “đành phải sạch” ít nhất là vài ngày trong tuần. Hồi ấy ở trong ký túc cấm hút thuốc. Vào một lần đội cờ đỏ đi trực như thế, cô cờ đỏ phát hiện ra là Tiến nghịch ngợm treo lên tường một bức vẽ pháo đài Брест với các hàng chữ nguệch ngoạc bắt chước những dòng chữ để lại của các cảm tử quân “Умрём, не курём”. Cô cờ đỏ bảo Tiến bỏ cái tranh đó xuống. Nhưng đến lần kiểm tra sau, cái tranh đó vẫn ở trên tường. Thế là Tiến bị gọi lên trường, bị dọa đuổi về nước vì đã xúc phạm lịch sử”. May mắn, cuối cùng câu chuyện đã kết thúc có hậu, và Tiến không bị làm sao. Hú vía với các trò nghịch ngợm.

Ngày bảo vệ luận văn tốt nghiệp

Nghịch ngợm và suốt ngày chí chóe, nhưng các bạn tôi lại rất là tình cảm. Còn nhớ, ngày mới ở Kishinev về, tài sản duy nhất của mỗi đứa chúng tôi là một cái xe đạp cuốc. Từ Vĩnh phú xuông Hà nội, đến thăm tôi, Tiến thấy cái cục xe cuốc nguyên đai nguyên kiện vẫn nằm yên vị ở góc nhà. Tiến hỏi tôi “Quê Hương có cần lắp xe để đi không, Tiến lắp cho?”. Tất nhiên là tôi mừng rỡ đồng ý, vì nhà tôi có mỗi hai chị em gái, chả ai biết lắp. Tiến vất vả bò ra một ngày trời mới lắp xong, vừa lắp vừa lẩm bẩm “Quê Hương mà leo lên cái xe này thì giống con bò đội nón”. Xong rồi Tiến mới thú nhận là “Từ bé đến giờ chưa biết lắp xe bao giờ” và “Nếu ngày mai Quê Hương đi mà một cái bánh xe lăn ra thì đừng chửi tớ”!

Hồi năm 90, Quang có quay lại làm việc ở Kishinev một năm. Hồi ấy bố tôi đang ốm. Từ Kishinev về, vợ chồng Quang đến thăm bố tôi. Và, cả nhà tròn xoe mắt khi Quang từ từ lôi ra … 10 hộp sữa Similac to đùng “để bác bồi dưỡng”. Khi tôi hỏi Quang “tại sao lại đến 10 hộp?” Quang lúng túng “thì đi Nga về, chẳng có cái gì khác cho bác”!

Ôi các ông bạn của tôi…

Đôi bạn trẻ năm xưa

Năm nay là 30 năm kể từ ngày chúng tôi rời Kishinev. Không thể tưởng tượng nổi thời gian đã dài đến thế từ hồi “nhất quỷ nhì ma” của chúng tôi. Còn nhớ, trong một giờ học năm thứ 5, đang lúc không muốn nghe giảng, chúng tôi hẹn nhau: hai mươi năm sau chúng mình sẽ tụ tập nhé. Hai mươi năm với các cô bé cậu bé hai mươi tuổi hồi ấy là một con số to, là một quãng thời gian dài cứ như không bao giờ đến. Vậy mà, bây giờ đã là 30 năm. Mong lại được một lần, trở lại lớp học ngày xưa, ngồi giữa các bạn, nghe giảng và cười nói…


Người post: HuongNQ

Ngày đăng: 13-02-2011 00:12






Xem 31 - 40 của tổng số 53 Comments



Từ: GiangHV
16/02/2011 13:49:02

Diện à! Trong comments của mình, anh đã đề cập đến rồi còn gì. Quê Hương là người KGU “độc đáo về cái tên,...và mái tóc”. Song vì bọn anh khác khóa (cách nhau những 4 khóa), khác khoa nên chỉ có thể đứng nhìn chiêm ngưỡng mà không được phép tiếp cận “sát” như các bạn cùng lớp để có thể đo tỷ mỷ như Tiến đã làm, nên không có con số cụ thể như Diện đã nêu. Tiến sướng thật đấy, chỉ tiếc rằng hình ảnh của Tiến lại không có mặt trong thơ của Quê Hương, như Quang đã tiếc thay cho Tiến khi đọc bài thơ "Tạm biệt Kishinhop" của Quê Hương.



Từ: HaiNV
16/02/2011 11:40:05

Mình không được gặp em Quê Hương lúc tóc em "siêu" dài, nhưng khi em về Viện thì mình nhớ là tóc em Hương vẫn khá dài thì phải. Nhân chuyện tóc dài, thì Kisinhop cũng có nhiều chị em "tóc dài nổi tiếng" lắm: bạn HạnhLT lớp mình (OB76) này, em Thủy (OB78) này, rồi em HạnhLM Luật - phu nhân Tổng Nghị này...



16/02/2011 10:00:37

Cám ơn Quê Hương nhé, bài viết rất hay. Giá như Hương viết luôn cho VL82 thì hay biết mấy. Dù sao cũng là dâu của VL82, tương trợ lẫn nhau kẻo HT đang lườm dữ quá.


Đọc comments không thấy ai nhắc đến nên xin phép viết vài dòng. Với Quê Hương hình ảnh nhớ nhất là mái tóc dài. Duy nhất cả Kisinhop chỉ có Quê Hương có tóc dài như vậy, chính xác gần chạm đất. TiếnLQ đã đo và công bố độ dài là 126cm. Không rõ có ai quên chi tiết này không. Ai còn ảnh QH tóc dài (QH quê Bến Tre chính gốc) xin vui lòng post lên nhé.



Từ: NgaHT
15/02/2011 16:42:41

Đúng là Quang rất hay đỏ mặt, gãi tai. Chắc Quang lúng túng khi gặp chị em mình nên những gì định nói quên đi mất sạch, từ ngữ cũng biến mất. Đã vậy, chị em lại hay cười khi gặp Quang.



Từ: NghiPH
15/02/2011 10:23:56

Quê Hương và anh Giảng ơi! Tôi cũng nhớ có lần mấy đứa rủ nhau đi chơi ở  Kisinhopskoe more. Hôm đó có Quê Hương, Chi Mai, 2 Quốc Anh, Tuấn, Nam Mai, Quang, Diện, Châu. Đi bằng xe buýt, hình như số 20, từ  bến xe gần chợ Trung tâm. Kisinhopskoe more là một cái hồ rất rộng, cách Kisinhốp khoảng 10- 15 km. Mấy đứa bơi lội thỏa thích rồi lên bờ đá bóng. Chụp ảnh lia lịa. Thức ăn có bánh mì, bơ, giò và sữa. Đá bóng mệt thì chơi bài.  Đúng là Quê Hương chơi  bài rất siêu.. Tôi chơi kém quá, toàn bị thua.  


Ôi! Nhớ quá cái thời sinh viên!



Từ: HuongNQ
15/02/2011 03:17:05

Anh Huy ơi bà Kharchenko và ông Cóc mất rồi à? Em hoàn toàn không biết tin này. Hồi em mới sang Mỹ em có nói chuyện đượcc với bà Kharchenko đáy. Hồi ấy ông giáo em sang Israel mấy tháng, và thật may mắn là ông ấy mang về cho em đượcc cái số phone của bà Kharchenko. Em nói chuyện với bà ấy hai lần. Bà ấy vô cùng mừng rỡ khi nhận ra em. Bà ấy kể rằng sang Israel bà ấy không xin được việc ở Đại học (vì các giáo viên Đại học từ Nga sang Israel đông quá) nên bà ấy phải dạy vật lý ở high school nên bà ấy cũng buồn. Con trai bà ấy làm Ph.D. ở Mỹ và cũng ở lại Mỹ làm việc.Bà ấy cũng nói chuyện Perlin mất, và thở dài khi nhớ lại chuyện ngày xưa. Nhưng sau vài năm thì không hiểu nhà bà ấy chuyển nhà hay là thay đổi phone mà em mất liên lạc. Thế mà bà ấy đã mất rồi.


Dạy vật lý hạt nhân cho bọn em cũng la ông Keloglu anh Khoa a. Ông ấy dạy vẫn boring như thế, bọn em toàn ngủ gật. Em còn nhớ ông ay cứ hét trên bảng: interesno thế này mà chúng mày cứ ngồi im re như thế kia à, hồi tao la tao nhảy dựng lên khi học cái này...:-) Yulia, con gái ông ay, cũng học vật lý lý thuyết lớp em.


Chào anh Lý, lâu lắm không thấy anh sang NY. Bé Ron đã lớn rồi mà cái ô tô bác Lý mang sang vẫn còn giữ đấy! Cám ơn anh Lý và anh Nghị nhớ truyện của bố em.


Anh Giảng ơi, lâu lắm rồi nên em quên mất chuyện chơi bài ở Lvov, anh nhắc lại làm em buồn cười quá.Vang, đấy là kỳ đi nghỉ đông đầu tiên của bọn em hồi em năm thứ nhất, hồi ấy mình "sát phạt" thật là vui.


Chị Nga oi chị viết về hội chị em Toán Lý đi, bao nhiêu là chuyện hay. Em sẽ viết thư dài cho chị nhé (cú hẹn mãi mà rồi chưa viết, vì định viết dài nên cứ lần lữa đấy...)


Chi Hạnh à bọn em chưa dám chăc là có thu xếp cả 4 đứa nghỉ cùng 1 lúc để "Về nguồn" được không nữa, nhưng sẽ rất cố gắng để thu xếp. Bon em muốn dẫn 2 đứa về để biết "quê hương thứ hai" của chúng ta mà.


Em có biết Lê Chi Mai anh Hải a, biết sơ sơ hồi mà tất cả doàn đi LXo tập trung ấy. Và cũng hay nghe các bạn năm em kể nữa, em chỉ không biết LCM là bà xã cảa anh thôi.


Chi Bình ơi chị làm em cười lăn vì chị bảo " Đọc bài viết của em chị mới biết Tiến có tài bịa đặt tư bé". Thế này thì Tiến nó kiện em mất thôi chị ạ :-)


 



Từ: KhoaDT
14/02/2011 16:22:41

Đúng là lúc đầu mình không nhận ra bà Kharchenko trong ảnh vì bà ta có vẻ trẻ hơn hồi dạy tụi mình (chắc có tác dụng của mỹ viện Kisinhov??? mình nhớ là bà này luôn ăn mặc rất sành điệu). Không hiểu lớp Hương năm VL81 học vật lý hạt nhân ai dạy. Thời mình là Dozent Keloglu (một GS người gốc Gagauz thì phải). Ông này dạy VLHN quá tồi nên tất cả dân VL KGU không có một ai đi sâu vào chuyên ngành này, trừ bản thân Khoa vì theo yêu cầu công việc đã phải sang Dubna trong những năm 8X để tu nghiệp môn này gần như từ đầu. Thực ra VLHN có thể dạy rất hấp dẫn, nếu có thầy giỏi từ hồi KGU thì biết đâu ngành VLHN của VN bây giờ lại có vài GS đầu ngành thuộc hội KGU ??? 



Từ: GiangHV
14/02/2011 15:57:39

Chúng tôi học trước lớp Lý 81 bốn năm, khi các bạn vào năm thứ nhất thì chúng tôi đã là năm thứ năm, lại khác khoa nên hồi ở Kis chúng mình biết rất ít về nhau. Tuy nhiên tôi lại biết khá nhiều về Quê Hương. Ngoài những nét độc đáo về cái tên, ngành học, dáng đi, khuôn mặt và mái tóc (hồi tuổi đời chưa đầy đôi mươi), tôi được quen biết với Quê Hương trong đợt đi thăm quan Lvop mùa đông cuối năm 1976/đầu năm 1977 (đoàn tham quan có khoảng 15 người). Sau các buổi đi tham quan các danh lam thắng cảnh của thành phố (có nghĩa địa rất nổi tiếng) cũng như vào các buổi tối chúng tôi thường rủ nhau chơi bài. Quê Hương có biệt tài nhớ tất cả các quân bài đã tiêu, các quân bài còn ở lại và đoán rất chuẩn các quân bài còn ở lại này đang nằm trên tay ai. Vì thế mà Quê Hương (hay cặp chơi có Quê Hương) hầu như đều thắng cuộc. Tuy hầu như đều thua cuộc, song bọn tôi lại rất thích chơi với các em vì tính hồn nhiên của các em và để tiêu tốn thời gian của đợt nghỉ đông. Tôi nhớ mãi năng khiếu chơi bài tuyệt vời của Quê Hương cho dù đã ngót 35 năm trôi qua. Một cô gái gái thông minh và đáng mến.



Từ: NghiPH
14/02/2011 15:37:17

Tôi nhớ đến “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn chuyên viết về truyện ngắn và ký Nguyễn Thành Long. Truyện này được ông viết năm 1970, là kết quả của chuyến đi thực tế lên Lào Cai của tác giả, được in lần đầu trong tập “Giữa trong xanh” (1972).


            Truyện ngắn có cốt truyện dung dị: Rồi cây cầu số 4, chiếc xe chở hành khách lên Lai Châu dừng lại nghỉ để lấy nước và cho hành khách nghỉ ngơi, bác lái xe giới thiệu với ông họa sĩ và cô gái về một người “cô độc nhất thế gian” đó là anh thanh niên 27 tuổi làm công tác khí tượng thủy văn kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét. Anh mời mọi người lên nhà chơi, anh chạy lên trước hái hoa tặng cô gái, họ chuyện trò khoảng 30 phút; anh kể chuyện mình sống và làm việc ở đây, anh rất yêu và gắn bó với công việc, anh thích đọc sách, trồng hoa, trồng rau, nuôi gà, anh ăn ở gọn gàng, ngăn nắp… Anh thanh niên đã âm thầm, lặng lẽ làm việc, cống hiến cho quê hương, cho đất nước.


Với lời văn giàu chất trữ tình, hình ảnh mềm mại, ngôn ngữ giàu chất thơ, “Lặng lẽ Sa Pa” mang dáng dấp, mang hơi thở của một bài thơ.



Từ: NgaHT
14/02/2011 10:50:23

Quê Hương ơi! Bài viết của em làm chị nhớ thời sinh viên quá. Hôm trước Tết, Nam Mai có về Đà Nẵng, 2 chị em hàn huyên 1 buổi mà chưa hết chuyện.Nam Mai cũng nhắc đến Hương. Chị có hứa gởi ảnh gia đình em cho Mai, nhưng rồi cũng chưa gởi được.Chị cũng định viết về mấy chị em toán lý của mình, nhưng mới viết được cái đề, nội dung thì chưa có vì ý nghĩ còn lộn xộn trong đầu. Bao nhiêu kỉ niệm của hơn 30 năm trước trỗi lại trong ký ức. Bài viết của em sẽ giúp chị hồi tưởng nhiều hơn về những ngày tháng êm đẹp đó. Thời gian không quay trở lại, nhưng những bài viết sẽ giúp ta quay trở lại, sống lại thời sinh viên đã qua.





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s