KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 14 Tháng hai. 2011

Người trở về




Tác giả: HuyenBT

Người trở về

                                         Bùi Thanh Huyền- Kisinhop, Luật 1988

            (Chuyện kể về một  người đã cùng vợ con  trở về thăm trường cũ sau 30 năm xa cách)

 

Hồi còn học phổ thông, có lần em phải làm bài văn phân tích câu thơ: “Nửa đời tóc ngả màu sương / Nhớ quê anh lại lần đường thăm quê…”, em đã ngồi cắn bút khá lâu. Bây giờ thì em hiểu, đứa trẻ 13 tuổi, dù có trí tưởng tượng phong phú thế nào, cũng chẳng thể nói hết được tâm trạng của một người đàn ông tóc đã ngả màu sương. Có lẽ phải đến một ngưỡng thời gian nào đó, đi qua những bến bờ nào đó, con người ta mới thấu hiểu được một tâm trạng, một tình cảm nào đó.

      Thế cho nên khi được tin anh ấy bươn bả “vợ đìu, con ríu”, trở lại miền đất xưa, em cũng thấy hào hứng bội phần.

       Vào đúng cái lúc em đang ngẩn ngơ ngắm bức tranh “Hoa súng” (Waterlilies của Monet) trong Viện bảo tàng nghệ thuật New York, thì nghe có tin nhắn điện thoại. Em đã không định cầm máy, không muốn mất đi khoảng khắc hiếm có của mình, nhưng có gì bồn chồn quá, đành mở tin nhắn ra đọc:

         “Anh có visa vào Moldova rồi!!!”

        Còn hơn cả tiếng reo vui! Có cảm giác như những dòng chữ nhắn tin cũng nhảy nhót! Nếu đó là một cậu bé, thì chắc cậu ấy đang nhảy chân sáo và miệng đang hát vang một câu hát rất vui nào đấy. Anh ấy đã nhắn tin cho em ngay trong sân sau của tòa nhà Đại sứ quán Moldova ở Matxcova.

Người ta có thể ngạc nhiên về một niềm vui quá đỗi như thế của con người ấy (trong cuốn hộ chiếu của anh đã có đến hai, ba chục cái dấu ra, vào các nước khác nhau). Nhưng nếu biết rằng, anh ấy được trở lại mảnh đất của năm năm tuổi trẻ, và ba mươi  năm xa cách…thì sẽ hiểu được vì sao con người vô cùng bận rộn, vô cùng quan trọng, vô cùng thành đạt, vô cùng, vô cùng…này lại có thể hạnh phúc như thế khi có trong tay tấm visa trở về.

      Em nhớ, trong bao nhiêu ngày chuẩn bị trước chuyến đi, dồn dập đi, về những lá thư hỏi-đáp. “H ơi, tháng sáu ở bên đó bây giờ thế nào, có hoa nào nở nhỉ, có quả nào chín chưa?”. Lại phải nhắc anh ấy nhớ lại bài sochinenie “Bốn mùa ” mà chúng mình vẫn phải viết trong giờ học tiếng Nga. “H ơi, ký túc xá của anh còn có sinh viên ở không?” Thì đây, em chụp ảnh cận cảnh Ob. 1 của anh, trên ban công tầng 3 thấy phơi mấy váy áo nữ sinh đấy. “Em gặp thầy anh chưa, thầy anh già đi nhiều không? –“Đúng là thầy có già đi, nhưng già đi nhiều không, thì em không biết, vì em có biết thầy ba mươi năm về trước đâu!”-“Em gửi đến bà Samux cái ảnh bọn anh bơi thuyền trên hồ Komsomol này nhé!” Ngày hôm sau, em nhắn tin:” Bà giáo không nhận ra ai, chịu, không nhớ nổi đó là ai”. Anh ấy buồn bã, im lặng đến nẫu lòng mấy phút, rồi quả quyết anh sẽ tìm cách gợi cho bà giáo nhớ ra. Rồi với thứ tiếng Nga chắp, nối sau ba mươi năm…anh ấy dùng điện thoại đường dài để bà giáo quen giọng, mà cuối cùng đã nhận ra học trò…

         Em thấy hiếm có người nào mà lại thương nhớ Liên Xô đến thế (với tất cả hoài niệm gắn với cái tên này: phong cảnh thiên nhiên, con người, đất nước, văn hóa, nghệ thuật…). Anh ấy lớn lên cùng với Paven Coocsaghin, hồi hộp theo dấu chân của “những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt”, mê “Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ” chỉ vì một lý do rất đơn giản, vì trong một cuốn truyện Liên Xô, có kể về chuyện hai chiến sĩ Hồng quân Liên xô trong vùng chiếm đóng đã gửi cho nhau nghe bản nhạc đó bằng cách gõ telex. Mê cuốn truyện “Liên Xô” đó, anh ấy mê luôn cả hành khúc hùng tráng này. Anh ấy đã từng nhận ra “mùi Liên Xô” ngay cả khi còn nhỏ xíu, mỗi khi có ông chú, ông cậu nào đó mở chiếc vali khi vừa từ Liên Xô trở về. Và còn điều này nữa, chẳng mấy ai biết, cả chị ấy cũng không đoán ra, là anh ấy đã tỏ tình với chị  đúng như Anđrây đã chìa bàn tay mình cho tiểu thư Natasa vào một khung cảnh lãng mạn trong tiểu thuyết “Chiến tranh và Hòa bình”.

         Tiếc là L.Tolstoi đã không biết cái đoạn này:

        “Họ nắm tay nhau chạy như bay trên những bậc cầu thang đổ xuôi xuống hồ Komsomolskoe. Những giọt nắng sớm hè nhảy nhót trên tóc họ. Gió đổ tràn bờ vai. Chỉ có màu áo lụa thiên thanh, và màu lá non vừa mới biết xanh lần đầu! Nụ hôn đầu run run cháy lại…vẫn chiếc ghế đá năm xưa, tiếng chim hót năm xưa…duy chỉ một điều, hồ đã cạn kiệt…”.

 

      

      Cô hướng dẫn viên du lịch kể lại: lần đầu tiên trong cuộc đời làm du lịch, cô ấy gặp một đoàn khách tham quan lạ như thế. –“Họ đổi hết chương trình, toàn những chỗ đáng tham quan thì họ bỏ. Họ cứ đi lang thang ngõ này, ngách nọ, vào toàn những nơi cũ cũ, hoang hoang…Đôi khi lại thấy ngó nghiêng đi tìm cái gì đó ở một hè phố. Hỏi cần gì, họ bảo: tìm thùng bán nước Kvas! Trời ơi, họ ở trên trời rơi xuống hay sao, giờ người ta uống Heineken, trẻ em thì Coca-cola, mấy ai còn nhớ đến thứ nước 5 kop ấy nữa!”. Nhưng mà anh ấy vẫn muốn tìm. Muốn tìm cái dáng ngả nghiêng của mấy thằng bạn sinh viên, tìm lại tiếng cười sảng khoái khi trên tay là cái cốc vại 0.5 lit trong có thứ nước nhờ nhờ, mà cũng đủ chút tê tê đầu lưỡi. Đó là những giây phút hạnh phúc nhất của sinh viên sau khi trả xong môn zachot cuối cùng hay sau một chầu bóng đá.  

        Cô hướng dẫn viên kêu là lần này cô ấy gặp may với cái xe của công ty du lịch, tuy nó  có cái dáng cũ kỹ, chạy cà ràng thế, nhưng được bộ phanh rất “ăn”. Nếu không thì nhiều phen nguy hiểm. Đang chạy thẳng đến một nơi như dự định, tự nhiên thấy tiếng từ đằng sau kêu lên hoảng hốt: “Dừng lại, làm ơn dừng lại ngay chỗ này với!”. Nghe tiếng phanh ken két, xe trượt thêm không quá 1 mét. Khách tham quan nhảy bụp xuống đường: “Chỗ này ngày xưa chúng tôi từng đá bóng!”,-“ chỗ kia chúng tôi đợi xe buýt đến trường!”-“Ngay bên lề vỉa hè này, ngày xưa có thùng bán kem, có quầy bán bánh rán nhân bắp cải!...”. Cứ như thế, những kỷ niệm rải dọc trên đường, mỗi góc phố, mỗi tòa nhà, trên từng bến xe, từng chiếc ghế đặt trong công viên…Em nhìn vào mái tóc đã bắt đầu những sợi bạc, cố đoán xem cái cậu sinh viên trong câu chuyện anh ấy đang hào hứng kể ấy có mái tóc thế nào. Những năm ấy, “mốt” quần loe, tóc dài!

 

      

 

        Khi chúng em báo với cô hướng dẫn viên rằng sẽ bỏ bữa ăn restaurant của chương trình, và đi bộ vào nhà ăn trong ký túc xá sinh viên, thì cô này thật sự không hiểu, cô ấy từ chối: “Tôi không mang theo thuốc đau bụng”. Mặc cô ấy lo lắng nhìn theo, anh ấy phăm phăm đi trước, như là đang đói lắm rồi, hoặc giả phải đi thật nhanh để chiếm chỗ trong nhà ăn, như ngày xưa anh ấy vẫn làm như thế. Chỉ có lèo tèo mấy em sinh viên, nhưng chúng vẫn im lặng đứng xếp hàng. Em và anh ấy cũng xếp hàng sau chúng, trong lòng  gợn một chút cảm giác rằng mình đang là sinh viên, và rất lâng lâng với cảm xúc này. Bỗng có tiếng nhỏ nhẹ từ phía trước: “ Xin mời ông, bà lên trước ạ!”. Em gái sinh viên kính cẩn nhìn hai anh em, nhường chỗ. Thế đấy, “tóc ngả màu sương” ơi, có muốn lại làm sinh viên cũng không được nữa rồi!

         Nhưng may quá, anh ấy thực sự được làm sinh viên khi được gặp lại thầy cô mình ở trên trường. Thầy anh ấy xoa xoa lên mái tóc đã điểm bạc của anh, bảo bài luận văn  đề tài cậu chọn rất hay, nhưng giờ tôi vẫn thấy chỗ này chưa ổn lắm (và bắt đầu những thuật ngữ chỉ có hai người hiểu). Anh ấy chăm chú lắng nghe, có chút lo lắng của một cậu học trò khi thấy thầy cầm bút lên chấm điểm.

 

          

 

           Em thú vị với hình dung của mình về anh ấy khi đứng trên bục giảng của trường Đại học Bách khoa, đứng uy nghi giữa phòng họp của FPT thuyết trình…Không biết mấy em học sinh ấy có hiểu rằng: ông thầy nào cũng đã từng là sinh viên, từng có những gót chân Asin? …Anh ấy hồi hộp đọc bài phát biểu của mình trước ban lãnh đạo nhà trường, trước những thầy giáo cũ. Hồi hộp đến mức, có cảm giác như anh ấy đang bảo vệ luận án trước hội đồng khoa học.

         Anh ấy cố đọc thật to, thật chuẩn, mà cố quá, đâm ra lạc cả giọng. Nhưng đúng là không hồi hộp sao cho được, vì đó là một cuộc gặp gỡ quan trọng, nơi mà KGU gặp Tổng Hợp Quốc Gia Moldova, sau 20 năm khoảng cách. Khoảng cách của những mặc cảm…Cũng đã từng có những cuộc gặp như thế, nhưng hoàn toàn ở góc độ official, hoàn toàn mang tính ngoại giao, và chỉ dừng lại ở đó. Khi lên danh sách mời các ban giám hiệu cũ của KGU, các thầy cô KGU và ban giám hiệu Trường Đại học Tổng Hợp Quốc gia Moldova bây giờ, anh ấy băn khoăn:- Tất cả sẽ đến dự đầy đủ chứ H? Và khi em thông báo: “Làm thế nào bây giờ, em mời ai họ cũng vui vẻ bảo nhất định sẽ đến?!”. Anh ấy trả lời ngay:”Em giỏi lắm, thật tuyệt!”(lần đầu tiên thấy anh ấy không tiếc lời khen!).

      ...Những câu chuyện trong bàn tiệc hôm đó là những kỷ niệm về một thời KGU, là tình thày trò, và lòng biết ơn và cảm kích của học sinh Việt Nam đối với thầy cô KGU, là những kết quả mà thầy cô KGU đã là người gieo hạt, để hôm nay nhìn thấy mùa màng bội thu. Hóa ra, cả thầy cũ, thầy mới, trò cũ, trò mới, có mặt bên bàn tiệc hôm đó đều đã từng là học trò KGU. Một quá khứ không thể chối bỏ. Một quá khứ tô đẹp cho hiện tại. Một quá khứ để kéo con người lại với nhau…

          Một bầu không khí thân thương lan dần, tỏa dần âu yếm, bao bọc từng trái tim lúc đó. Anh ấy cảm nhận được điều đó, điều mà anh ấy rất hy vọng, và cố gắng để làm được cho nên khi hai người hiệu trưởng của hai “thời kỳ”, hai người đại diện của hai cái tên của một trường đại học cùng nâng trên tay bức tranh thêu “Vịnh Hạ Long” của các học trò cũ gửi tặng trường mình, thì căn phòng rung lên tiếng vỗ tay và đậm niềm xúc động.

 

        

 

        

 

           Hội trưởng Ngọc báo cáo trước các thầy cô bằng video

 

          Anh ấy xúc động hơn ai hết, đến nỗi đứng sững người, cứ nhìn mà quên cả vỗ tay. Em nhắc nhở: “Anh cũng hoan hô đi chứ!”Anh ấy chợt nhớ ra, và nhìn kìa trên khuôn mặt của cậu học trò năm xưa là một nụ cười rạng rỡ mà em không biết dùng lời để tả. Anh ấy đã làm được một việc ngoài kế hoạch đặt ra, ngoài sự tưởng tượng của mình: đã nối được dẫu là trong khoảng khắc hai cái tên vào một hình ảnh đẹp Trường Đại học Tổng hợp của chúng ta, đã gắn kết hiện tại và quá khứ của một số phận

 …“Người nào biết nâng niu quá khứ, người ấy sẽ có một tương lai đẹp”. Em đã đọc được ở đâu câu nói đó nhỉ? Tất cả chúng mình đã hiểu. Nhưng nếu lại ra cái đề văn ấy cho em vào cái tuổi 13, thì chắc chắn, em sẽ lại ngồi cắn bút…

 

 

 

 

 

 

 

 


Người post: HuyenBT

Ngày đăng: 14-02-2011 23:11






Xem 1 - 10 của tổng số 16 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

26/02/2011 21:49:40

Anh ko ló mặt ra vì ... ngượng.


Huyền xạo quá, Hàm có lên mạng bao giờ đâu.


Em chuẩn bị đón 100 người thì mệt lắm đấy, ko như đón gia đình anh với 5 mống đâu



Từ: HuyenBT
26/02/2011 20:15:31

@ Anh Thông,quả thật mấy hôm nay bay đi, bay lại nhiều bắt đầu thấy mệt, cũng bắt đầu nghĩ đến sức khỏe, điều mà chẳng mấy khi em quan tâm. Thế nên nghe anh dặn đúng vào lúc này, thấy "thấm" quá!


@Chị Nhuận ơi, bánh rán, tiếng Nga gọi là Пирожки, có loại còn được gọi là беляши. Nó có thể có nhân thịt,nhân bắp cải, nhân khoai tây nghiền, có thể là nhân ngọt như táo, anh đào, mứt quả mạn, quả mơ...bánh có thể được nướng trong lò, có thể rán trong dầu. Hồi sinh viên, bọn em thích loại rán trong dầu, khi còn nóng, và thường ăn cùng với kem(rất thú vị với cảm giác vừa nóng giòn, vừa lạnh buốt, chắc về già mới "biết tay", khi răng có vấn đề). Em cũng biết làm những thứ bánh đó đấy,chị muốn không, chạy sang chỗ em đi! A, mà vẫn có thể kiêm được Kvá đấy, 3 Chai ạ.


@Anh Diện, thuốc đau bụng thì em kiếm được. Nhưng mà em lại dự định khác, em sẽ ăn trước 5 phút, thấy yên ổn, mọi người mới ăn theo. Họa theo cách của người xưa,để tỏ lòng "trung với hội"(người KGU)


@Chị Thanh ơi, hôm nay em vừa đi dự bữa tiệc, và em nghĩ là em sẽ chọn chỗ ấy cho ngườiKGu trở về nguồn, vì chỗ đó chứa được 100 người."Bao giờ cho đến tháng Mười!"


@Anh Ngọc, sao anh lại im lặng thế? Sợ người ta bảo là "làm com." à? Anh mà không nói gì, là anh Hàm sẽ lên tiếng đấy!



Từ: ThongNV
20/02/2011 22:19:17

Cám ơn HuyenBT-Nhà ngoại giao, kiêm phóng viên KGU. Em viết rất hay nên mỗi khi đọc xong anh cứ nuối tiếc là sao đọc nhanh hết vậy. Cũng chính vì điều đó mà quên mất comm. Cũng may là có ông bạn "vàng" kịp nhắc anh mới tỉnh ra. Chúc em hoàn thành các phận sự mà KGU giao nhé, nhưng cũng phải nhớ giữ sức khỏe, vui vẻ và hạnh phúc.


 



Từ: 3Chai
16/02/2011 17:29:33

Tuyệt tác thế này mà bây giờ mình được đọc, thật là lạc hậu lạc lạc hậu!!!


Nếu bây giờ ở Nga và Moldova người ta không uống kvas nữa thì ở VN tương lai những quán chè thập cẩm, những hàng nước mía, những gánh xôi khúc sẽ thế nào nhỉ?


 


 


 



Từ: ThanhLK
16/02/2011 00:30:58

Đọc bài viết này của Huyền chắc là HT không còn"ghen tị" với Hàm nữa rồi. Chuyến trở về của gia đình HT được mô tả một cách rất "văn học", nên rất hấp dẫn và sống động. Huyền đã làm cho Đoàn về nguồn (đến nay đăng ký đã khoảng 90 người) từ nay sẽ sốt ruột mong ngóng cho thời gian trôi nhanh: "bao giờ cho đến tháng 10". Cám ơn Huyền nhé.



Từ: MaiND
15/02/2011 17:24:13

Cảm ơn Huyền! Em viết qúa hay, sống động và gợi đầy kỷ niệm về chuyến đi của gia đình HT Ngọc trở về mái trường KGU thân yêu chúng ta. Em không chỉ hoàn thành xuất sắc vai trò "Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của NguoiKGU" mà còn là cây bút tài năng và nhiệt tình của trang web chúng ta. Lần nữa cảm ơn Em. Năm mới  Chúc Em và gia đình luôn hạnh phúc và thành đạt.



Từ: NgaHT
15/02/2011 15:53:42

Cảm ơn Huyền đã có bài viết thật sống động, cho chúng ta, những thành viên KGU cảm giác được trở về mái trường xưa cùng với HT.



15/02/2011 15:32:46

Cám ơn Huyền về bài viết.


Sắp tới hội KGU sẽ sẽ theo chân anh HT về thăm Moldova. Và chắc là mọi người sẽ ghé nhà ăn sinh viên. Huyền lo cho mọi người thuốc đau bụng nhé.



Từ: NhuanNT
15/02/2011 14:05:13

Huyền ơi, cảm ơn em vì bài viết qúa hay. gợi bao nhiêu kỷ niệm. CHị rất hy vọng là một ngày nào đó được trở về uống nước kvas, thế mà không còn nữa à? Mấy năm trước qua London, anh chị có tìm được nước kvas đóng chai, hay na ná như  vậy, nhưng chị rất thích. Cũng tìm được bắp cải muối, smetana...


Huyền ơi, bánh rán nhân bắp cải tiếng nga gọi là gì? chị quên rồi


Kishinev không chỉ là một thành phố cũ nơi ta từng học, đó còn là những năm tháng tuổi trẻ đấy ắp những kỷ niệm, buồn và vui.


Cám ơn HT và Huyền đã đặt được cái cầu cho bọn mình gặp nhau và cùng trở về 'green field' của chúng mình.



Từ: Khửu
15/02/2011 10:00:38

Riêng anh chả biết nói gì hơn, cảm ơn Huyền đã có bài viết quá tuyệt vời của một tâm hồn đầy cảm xúc và nhân văn về một con người cũng rất tuyệt vời. Anh có cảm tưởng như Huyền đang nói về tất cả chúng ta những người KGU của một thời.





Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s