KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 19 Tháng hai. 2011

VL 77, báo cáo, đã có mặt!




Tác giả: MaiDT

Như đến hẹn lại lên, Chủ nhật đầu tiên sau đợt nghỉ Tết, lớp Lý 77 lại gặp mặt đầu Xuân. Theo vòng quay, năm Tân Mão này đến lượt Dương Mai trổ tài…hai đảm đang đón các bạn. Hai đảm đang vì thực đơn chủ yếu là các món Hà Nội do các nghệ nhân Hà Nội gốc làm, 3 bố mẹ con Dương Mai chỉ có việc  chọn món đem về và bày biện đẹp nên khi các bạn đến là đã xong bữa cơm Tết gọn nhẹ đậm chất 1000 năm Thăng Long: bánh cuốn Thanh Trì, nem ốc Pháp Vân, nộm thịt bò khô Bờ Hồ!

Câu chuyện bên ấm trà đang đến độ cao trào với những kỉ niệm về “lớp mình” trong suốt 40 năm qua thì bỗng Kim Thanh - “mẹ dâu” của lớp (vợ Hoàng Lương)[1] - nhận được tin nhắn từ Hội trưởng KGU Ngọc: “Ngọc có gửi nhiều thư cho các anh chị Lý 77 và mong muốn Lý 77 có bài về lớp mình. Rất tiếc không anh chị nào trả lời cả”. Thanh nối máy và đẩy điện thoại sang Dương Mai để nghe em Ngọc “bêu gương”: Các chị đã đọc bài của Quê Hương về lớp Lý 81 chưa? Chúng nó có 3 người mà làm nên chuyện còn các anh chị có những 16 người mà không được chữ nào"….Nghe “mắng” đầu Xuân xong, lại thêm lớp trưởng Hoàng Lương dọa: ”Ngọc nó làm nhanh lắm, chiều nay họp Ban liên lạc xong có khi là đi in Sách về KGU ngay đấy, nhanh lên, khéo không kịp”. Lại đến cổ …mới nhảy như nhiều lần trả “ekdamen” trước đây vậy. Khổ nỗi Quê Hương lại cứ giỏi văn như bố nên chỉ có 3 người mà cũng “loằng ngoằng” được từng ấy trang làm cho các anh chị dù có đông gấp 5 lần và vẽ theo kiểu mười con giun thì cố lắm cũng chỉ được 1/5 số trang của Lý 81, đúng là hậu sinh khả úy làm khổ các bậc đi trước cứ phải lẽo đẽo chạy theo!

Trong Hội Toán - Lý, lớp VL77 của chúng tôi, cứ tm ngẩm tầm ngầm, bình bình, lặng lặng mà ngẫm ra lại có nhiều cái nhất - đông nhất (16), nhiều con gái nhất (6), người ra, người vào nhiều nhất (chuyển ra sau dự bị có Như Anh, Loan và Bình (nam), Đinh Vinh sau dự bị chuyển sang Chai lọ, ngược lại, chuyển vào có Huệ, Mai Hương (từ Chai lọ sang VL); sau năm thứ nhất, Thanh Lương “tụt” xuống VL78 đến năm thứ tư Tất Thắng lại “tụt” từ VL76 xuống lớp chúng tôi, rồi lại đón anh Lọ (Toán 77) cùng về sinh hoạt lớp và Chi đoàn để nếu khóa 77 có hát lại bài “Xòe bàn tay, đếm ngón tay… Bình” thì ngoài 3 bạn gái là Bình kều, Bình khàn (Chai lọ), Bình Phạm (OB) làm ba ngón giữa thì Hội Toán - Lý chúng tôi vẫn giữ được 2 ngón, đó là: ngón út là Thanh Bình và ngón cái (hơi dài bất thường) là Lọ thay cho Bình “chai lùn” trước đây[2]); nhiều bạn ra đi sớm nhất (Thế Vinh mất ngay cuối năm 1977 chỉ 5 tháng sau khi về nước; rồi lại đến Trung Thông); nhiều người bỏ nghề VL (6 người - không biết có nhất không?) và nhiều “kiện tướng” …cờ vua nhất (Tất Thắng, Hồng Đức và Lọ); yêu nhau nhiều nhất (bằng cớ là có tới 3 đôi nên vợ nên chồng: Khang - Mai Hương; Hồng - Thanh Bình và Chính - Huệ); nhiều người 'con một bề" nhất (10- trong đó có nửa chuyên ông bà nội, nửa chuyên ông bà ngoại); họp lớp đều đặn nhất, "Chương trình gặp nhau đầu năm" được duy trì suốt từ 1980 đến nay. Ngoài ra, còn một cái nhất nữa mà chắc có ít ACE KGU biết, đó là chúng tôi có rất nhiều bài thơ sáng tác tập thể thuộc dòng thơ ”con cóc” để tự trào “lớp mình” (còn kiểu thơ tình... thình lình thốt ra như của bạn Chính  “Ôi, Môn đô vi mùa tuyết đi, Câu thơ bỗng nghẹn… biết nói gì! (Chấm hết!) thì lớp tôi có vô vàn!)

Têt năm 1976, chúng tôi làm thơ dự báo tương lai của mỗi đứa, mở đầu là

Thắng về với núi Hoàng Liên

Khang đi một mạch về miền La La

Thắng đi học từ Hoàng Liên Sơn và quyết tâm trở về với hình bóng “ảo” của người con gái áo chàm Cốc San; còn Khang là quản ca của lớp đã khản cổ dạy chị em bài hát “Ơi con suối La La…” nhưng lúc cần cao thì chị em lại đi bè trầm, lúc tay Khang trỏ xuống chị em lại cứ chót vót bỏ quên nhạc phía dưới nên Khang bực mình bỏ về miền LaLa! Cũng phải nói thêm rằng Thắng và Khang là một cặp bài trùng của lớp tôi, người tung kẻ hứng, đồng tâm hiệp lực trong nhiều việc, nhất là việc “chăm sóc” chị em trong lớp bởi vì Thắng được chị em bầu là Hội trưởng Hội phụ nữ (đến bây giờ chị em vẫn tha thiết gọi “Hội trưởng ơi!” mỗi khi gặp Thắng). Có lần mải học để ngày hôm sau đi thi, trưa ăn bánh mì, mãi tối chị em mới tất tả đi ra Xtalôvaia thì gặp Thắng và Khang về, mừng quá hỏi “Nhà ăn còn mở cửa không?”, hai gã sốt sắng “Nhanh lên, đang vắng đấy, ăn 2 xuất vào nhá". Chị em chạy hộc tốc đến thấy đèn nhà ăn tối om, chỉ có cái biển treo lủng lẳng  "Sevodnhia zakrưta”. Hóa ra là remônt! Có lần Khang bị cảm được anh bạn Môn ở cùng phòng xui « đun rượu lên uống là khỏi », thế là Thắng sốt sắng làm luôn cho bạn, hôm sau Khang ngất ngưởng đến lớp lại còn buột miệng khoe cô giáo làm cho bạn Môn tốt bụng nọ suýt bị đi quét tuyết ! Cả hai đều một lòng yêu nghề VL cho đến nay (Thắng là Trưởng Bộ môn Vật lý Trường Đại học Xây dựng còn Khang khi về hưu là Phó giám đốc Liên hiệp điện tử Sao Mai) và đều con một bề: con trai lớn của Thắng có tên là Phạm Tuân vì sinh đúng ngày dân ta có anh hùng mang bèo hoa dâu bay vào vũ tru còn Ông nội Khang thì bây giờ làm nghề lái xe đưa đón cháu đi đây đi đó... 

  Chính ra Côn đảo xa nhà.

  Đức về chùa Bộc với bà sư cô.

  Huệ thì quanh quẩn Thủ đô.

  Trung Thông ẩn dật bên bờ sông Hương

Chính- Huệ là một đôi điển hình của “ông Chẳng bà Chuộc” về khẩu khí suốt thời yêu nhau. Huệ đã dứt khoát không chịu xa Hồ Gươm quá 3km thì Chính quyết phải đi hẳn ra Côn Đảo cho …bõ chí trai! Ai ngờ, Côn Đảo sau chục năm lại trôi dạt về sát Hà Nội nên bây giờ Huệ, sau khi xuất khẩu hết đồ mây tre ế của nước nhà đã chuyền sang kinh doanh chuyên máy Dell ở tận Hàng Bột còn Chính thì là Senior Adviser của Đại sứ quán Na Uy đóng đại bản doanh tại tòa nhà Vincom trên đường Bà Triệu chỉ chực đâm thẳng vào Tháp Rùa!

Hồng Đức nhà trước ở Khu Trung Tự, mải đánh cờ, năm thứ tư tóc đã pha sương, giả tảng chặc lưỡi” Tớ chẳng có ai thương thì về nương tựa Chùa Bộc gần nhà vậy…”. Ai ngờ “Bà sư cô” của Cụ Đức lại là hoa khôi của Hội Ong Bướm 78, Diệu Linh- “mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da” ở Phố Bà Triệu. Vì đam mê nghiệp cờ mà bỏ cả Trường Đại học Bách khoa về Trường Đại học Thể thao TP. Hồ Chí Minh để dạy…Vật lý và trở thành huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Cờ vua Quốc gia.

Chỉ có Thông quê ở Bình Trị Thiên khói lửa là thủy chung với sông Hương, làm giảng viên của Trường Đại học Tổng hợp Huế từ khi về nước cho đến khi mất. Lúc nào cũng chân thành, hồn nhiên, tức đấy, cười đấy. Nhớ hôm hết dự bị, mới chuyển từ Ob3 sang Ob1 của Toán Lý, mọi người đang ngồi xem chương trình ba lê của Nga trên TV để ở sảnh tầng 2 phía ngoài Góc đỏ, Thông đi qua, ngó lên màn hình rồi hầm hầm bỏ đi thẳng “Bọn này mất dạy quá, ăn mặc thế mà lên vô tuyến à?”.

 Hoàng Lương và bạn Dương Mai

 Bói vui, “thầy” phán: Suối vàng nương thân

 Chia tay, Bình, Hải tần ngần,

 Sài gòn hẹn lại sống gần bên nhau.

Chẳng sợ đâu vì nếu “thầy nói mò” mà đúng thì Dương Mai đã chẳng kịp sau 9 năm theo đuổi nghề Vật lý lại chuyển sang Pháp lý (chỉ thôi "Vật" nhưng vẫn kiên trì được một nửa”lý” vì vốn học Polu- provodnhic), rồi cứ thế mà đắm đuối "Phun thuốc sâu" (PTS) vào “rừng luật” cho đến nay, lẽ ra đã được về hưu nhưng vẫn bị giữ lại làm tiếp để rồi vừa ngâm cứu vừa bế cháu ngoại Bắp cải! “thầy” chắc phải “giải nghệ”Hoàng Lương ngay sau khi tốt nghiệp bằng đỏ về Đại học Tổng hợp Hà Nội chỉ chuyên tâm vào nghiên cứu con tạo xoay vần ở Vật lý, để đến hôm nay Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội mới có Phó Hiệu trưởng Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hoàng Lương còn Hội VL thì có một đại diện tích cực trong Ban liên lạc KGU! Và cho đến bây giờ thì lớp tôi, cho dù có “thất thoát” ít nhiều, vẫn may mắn là rắn có đầu vì Hoàng Lương vẫn là lớp trưởng nghiêm khắc mà chu đáo còn Dương Mai thì  vẫn    Komsorog luôn tận tâm lắng nghe  để chia sẻ và thấu hiểu mọi người .

Bình, Hải, Dương Mai cùng nhau đi tàu từ Hà Nội, qua Yêckut, Mạc Tư Khoa đến Kisinhốp, lại ở cùng phòng với nhau cả 6 năm trời nên hiểu nhau đến chân tơ kẽ tóc. Hôm dừng ở Bắc Kinh để chuyển tàu đi sang Nga, Hải muốn mua phong bì và tem để gửi thư về nhà nhưng chữ bác Mao bẻ đôi không biết, Bình nhanh trí lấy giấy gấp cái máy bay cứ thế đứng trước ô cửa Post tay cho máy bay nghiêng liệng, miệng ù ú u… Lập tức, Hải có được chiếc phong bì xanh dán tem sẵn lại có chữ Avia hẳn hoi. Khi tàu về gần đến Mônđavi, có bà Nga ngồi cùng toa hỏi gì không rõ nhưng đại khái hiểu là “đến đây làm gì?”. Dương Mai có tí vốn Ruxki iazưk bật ra được chữ uchitxia nhưng học ở đâu thì khó quá, lúc này lại đến Hải nhanh tay mở Từ điển ra chỉ ngay vào từ “ unhivermag”, quá tuyệt, ba nàng đến học tại Bách hóa tổng hợp! Chẳng vậy mà Bình đã có câu cửa miệng “Hải ơi, tao đi Tufli trong bụng mày”. Hồi dự bị, cứ khi nào cuối tháng hết tiền mà thấy Hải mua khoai tây về là Bình lại rùng mình vì biết rằng sắp phải trường kỳ khoai tây chấm đường. Cực chẳng đã, cả bọn liền cử Hải và Bình mặc áo len đỏ của Mai Hương và Cao Mai  xuống gặp "chú Cường" (Hoá 77) và Bình sẽ là "con oanh đỏ" thỏ thẻ vay tiền cho may mắn! (chắc là bây giờ Kim Thanh và các bạn nữ Chai lọ 77 mới biết rõ là thời đó, mình đã có các đối thủ cạnh tranh dầy kinh nghiệm như thế nào trong lĩnh vực tín dụng "xoá đói giảm nghèo", đúng không?).  Nhớ hôm trước khi đi chơi Kiép bằng tầu bay lần đầu, chẳng cần nói ra nửa lời, hai đứa lẳng lặng cùng nhau đi chụp ảnh chân dung mắt buồn thăm thẳm để lại cho Dương Mai giữ, phòng khi … rớt từ trên trời xuống! Bây giờ không sợ nữa lại còn hăm hở rủ nhau vào tận Sài gòn làm ăn để có thể được đi mây về gió thường xuyên. Nhưng Sài gòn xa quá, cha mẹ già trông cậy vào “con trâu nái”, nên cả hai đành yên phận trú ngụ lại tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Chẳng được bay cao như mơ ước nên Hải sau khi đóng cửa lò luyện thi đại học (vốn là nơi hẹn hò của các nhà giáo KGU hết lòng vì dân như Hội trưởng Thắng, em Phú (Toán 79)… nay đã trở thành “Người làm vườn” trên tầng không gian gác 4, từ 8 giờ sáng đến 6 giờ tối cặm cụi cười với cà chua, dưa chuột, cải cúc…Trong bữa cơm đầu xuân này, dù trời rét buốt răng, các bạn đều gắng ăn hết trái ‘cà sạch” của Hải (xin mở ngoặc là cùng với món thịt lợn nướng do Huệ tự nuôi ở trang trại (sắp đóng cửa)). Nhà giáo ưu tú Bình hôm nay vắng mặt vì đang phải làm vai trò “bà mọn’ của hai cháu trai ngoại sinh đôi. Thời xưa, ở Kisinhốp, bé Bình bảo bé Hồng” Sau này tớ chỉ ăn cơm tập thể, đỡ phải nấu nướng mất thì giờ”. Ấy vậy mà bây giờ, ngoài giảng dạy Vật lý ở cái tổ bộ môn đã được giải thưởng Kovalépxkaia của Đại học Quốc gia Hà Nội, thì nào là cơm nước, tắm giặt cho ông bà đã xấp xỉ 90, nào ninh cháo móng giò cho con gái, lại hai tay hai bình sữa cho hai thiên thần oe oe! Phó giáo sư rồi nhưng vẫn như xưa, cứ rúc rích cười giữa đêm khi hiểu ra chuyện anhêgờđốt các bạn nói lúc sáng, đáng yêu thế, khen cho Xuân Hồng có mắt tinh đời và có tầm nhìn xa.

      Vượt Trường Sơn qua đèo cao,

      Chuyên viên văn hóa sang Lào, Thế Vinh.

Là con trai Hà Nội nhà ở phố Hàng Chỉ, đi bộ đội bị thương ở đầu, cho đến năm thứ ba, Vinh học rất khá, nhanh nhẹn, vui vẻ nhưng sau đó bị phát bệnh, phải điều trị mấy kỳ ở Bệnh viện tâm thần của xứ Môn. Chắc ACE thời ấy chưa quên hình ảnh rất thương về bạn Vinh ngồi ở ghế đá trước Ob1, đầu đội mũ giấy cao ngất ngưởng nặng tới vài kí vì bên trong quấn toàn bằng dây thép, khuôn mặt nghiêm nghị, căng thẳng để làm "nhiệm vụ tuyệt mật" là bắt sóng theo dõi các cuộc hội đàm giữa TBT Lê Duẩn và Brêgiơnhép về quan hệ hai nước sau chiến tranh.... Vậy nhưng, khi đỡ, về học lại, bạn Vinh vẫn cố gắng pass được hết các môn thi.  Khổ nhất với Vinh là môn thi quốc gia Chủ nghĩa cộng sản khoa học, lớp bèn phân công Dương Mai tóm tắt đến mức cô đặc nhất chín mươi chín cái tác phẩm kinh điển của các ông râu rậm rồi cứ thế truyền khẩu cho Vinh cho đến tận cửa phòng thi. Thế mà Vinh được Khơ ra sồ mới giỏi chứ, chắc là nhờ cái vốn tiếng Nga lưu loát (không câu nệ ngữ pháp) của Vinh do trong thời kỳ ốm, Vinh “kiêng” nói tiếng Việt, chỉ phát ngôn chính thức bằng tiếng Nga hoặc là chỉ nghiêng đầu cười …Về nước, nhận công tác ở B29, Viện KTQS cùng chỗ với Dương Mai, Khang và các anh Hoài, Nhuận (VL76), Minh Sơn (VL75). Nhưng chỉ sau vài tháng, Vinh đã tự đi về cõi vĩnh hằng sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở đời của người lính đi học, để lại cho gia đình trang sổ để ngỏ tự vẽ hình Tượng đài liệt sỹ và dòng chữ: "Tổ quốc ghi công". Tiếc là Vinh chưa kịp thực hiện ước mơ mặc áo gió màu đỏ sang làm chuyên viên văn hoá giúp bạn Lào nơi chiến trường xưa. Xin bạn yên nghỉ!

     Đồng chiêm tiếng gọi ân tình,

     Xa xôi Cồn có nhớ mình hay không?

     Trường làng vui đón Xuân Hồng.

     Lò mì Tất Thắng ngồi trông đêm ngày.

  Cồn quê vùng đất chiêm trũng, cao nhất lớp nên luôn có mặt ở đội bóng chuyền Khoa Toán - Lý. Còn về nội bộ mà nói thì Cồn là huấn luyện viên có hạng cho chị em lớp tôi tập toẹ vào sân. Mỗi khi bóng chuyền sang phia sân chị em, Cồn lại hét to với Cao Mai (kều) :" Cúi cái "nưng" xuống" để ....tránh bóng. Sau mươi năm lưu lạc ở Nha Trang, Cồn đã theo tiếng gọi ân tình của Thủ đô về lập nghiệp tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cùng với nhiều bạn Hoá 77. Xuân Hồng chú em út của lớp - phu quân của Thanh Bình, là người nhiều tài vặt bởi có đến ...11 cái hoa tay! Chả thế mà, sau khi sáng kiến về việc tổ chức cuộc bầu cử tượng trưng cùng ngày Tổng tuyển cử 1976 để mọi người được hưởng quyền công dân ở xa Tổ quốc do Chi đoàn VL77 đề đạt lên Hội Toán - Lý và Hội to được hưởng ứng, chính Hồng và anh Hùng (VL76 - người có tài vẽ đúng "thần sắc" của đôi bím tóc nhớ thương nào đó mà anh Hoài đã nhắc đến trong bài Lớp Vật lý 70-76 chúng tôi) đã được giao thiết kế Thẻ bầu cử để sau đó, Thắng và Cồn hăng hái đi in thẻ đúng 3 màu, khó ơi là khó (về cuộc bầu cử này Hội trưởng Tuý đã có bài ở tầm vĩ mô). Chú bé loắt choắt tài hoa ấy sau hơn 10 năm ở quân ngũ, chẳng chịu về trường làng như đã hứa, mà lại chuyển ngành và làm "to", đâu như là Viện trưởng Viện ứng dụng công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhưng còn có cái to hơn nữa, đó là đã trở thành ông ngoại của hai cháu trai sinh đôi, đang tràn đầy hy vọng sau này được chuyển dòng thành Cụ nội của chắt ngoại!

  Xin lỗi Tổng thư ký Hội cờ vua Việt Nam vì lúc làm thơ năm 1976, Tất Thắng lại chạy ra ngoài khi vần gieo đến lượt mình, nên anh chị em "bí" quá đành  phán liều "Đánh cờ suốt ngày thì tiện thể trông luôn lò bánh mì, đằng nào cũng đau bụng có ăn được gì ngoài bánh mì đâu". Thế nên mới có câu thơ tiên đoán trên. Tuy nhiên, để sửa sai, đến năm 1986, lớp mình đã đính chính lại

   Mặc cho con tạo xoay vần,

  Tất Thắng vẫn giữ một chân hội cờ.

  Còn hai bạn nữ cuối cùng của lớp:

  Cao Mai, Băng Cốc sang ngay.

  Mai Hương chưa biết sau này đi đâu...

  Cao Mai là con gái của một gia đình Việt kiều yêu nước ở Thái Lan. Vào giữa những năm 1960, mấy anh chị em được đưa về Việt Nam trước, do sự biến nên sau đó, bố mẹ và hai em nhỏ không về được nữa. Thế là gia đình chia hai chốn hai nước. Năm tháng qua đi, tuổi bố mẹ mỗi ngày một cao, vì vậy khi có điều kiện, Cao Mai đã thực hiện được ước mơ sang ngay Băng Cốc để làm con gái hiếu thảo chăm sóc hai cụ. Bây giờ Cao Mai cùng chồng và các con đang sinh sống tại Australia, có một Tết về gặp lại các bạn, vẫn xinh xắn và "cao kều" như xưa!

  Mai Hương ngơ ngác giữa dòng đời, từ thượng uý vô tuyến chạy sang Trung ương đoàn phụ trách mấy cái "còm piu tờ" quả táo đầu tiên rồi thành Phó ban Nhà trường, sau đó lại bị xô đẩy sang Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ làm Chánh Văn phòng rồi lên đến Phó chủ tịch Uỷ ban quốc gia Vì sự tiến bộ phụ nữ đồng thời là Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cuối cùng, sau khi về hưu mới định vị được ở Hội bảo vệ quyền trẻ em. Đúng là già, trẻ. gái, trai tất tật đều qua một tay Mai Hương - nguyên Hội trưởng Hội Toán - Lý nhiệm kì 73-74 thì phải. Bề ngoài nghiêm khắc của nữ hội trưởng đã nhiều phen làm em Thu Hồng, Bồng Lai (VL78) và cả bạn Việt Nga (Toán 78) sợ đến cứng lưỡi không giấu được tội bỏ học trốn đi chơi Ôđetxa, còn Thanh Bình thì tự giác khai báo ngay tội: tớ với Hải và Dương Mai xem phim tư bản…Nam Tư lúc đi nghỉ ở Kommunannhik. Mai Hương hỏi : phim về gì ? Bình bảo : tớ cũng không rõ lắm vì vào phòng chiếu cái là ngủ ngay, khi giật mình tỉnh dậy thấy bắn nhau đì đòm trên màn ảnh! (có tình tiết giảm nhẹ thế nên Bình được Mai Hương đề nghị « xét vớt » đoàn viên 4 tốt, còn Dương Mai với Hải thì « trượt » vì trót xem từ đầu đến cuối phim để học tốt hơn tiếng Nga theo yêu cầu của ông giáo phụ trách đoàn đi nghỉ mà trong phim lại chủ yếu là súng đạn thời Đại chiến II lên tiếng). Thực ra, từ hồi sinh viên, Mai Hương đã thể hiện nữ tính cao và có năng khiếu nữ công gia chánh nhất trong đám phụ nữ vụng về lớp tôi. Món mứt khoai tây dai hơn dép cao su xuất khẩu do Mai Hương làm mỗi dịp Tết đến, ai cũng phải nhớ đời! Và để có được món quà tình yêu kỉ niệm những ngày lạnh giá ở Môn, vào hè cuối, Mai Hương đã quyết tâm,lần đầu tiên, cầm lấy đôi que đan, hì hụi chọc lên chọc xuống liên tục trong suốt 3 tháng (trừ lúc vào Nhà máy hoa quả làm thêm để kiếm 5 rúp một ngày còn có tiền mua xe xì pot về sánh đôi cùng người yêu). Đầu thu năm ấy, Khang- người đàn ông hạnh phúc nhất lớp tôi - đã được khoác lên tấm thân gày chiếc áo len bó sát sàn sạt trước ánh mắt long lanh của Mai Hương (với mười đầu ngón tay đã thành chai và trọng lượng giảm sút ít nhất là 3 kí lô gờ ram). Chỉ khổ thân, người có công nhớn vì sự tiến bộ, bình đẳng của phụ nữ toàn cõi Việt Nam này lại thỉnh thoảng bị thằng cháu nội đích tôn hơn 3 tuổi đẩy ra không cho bế thay ông vì bà là....con gái!

  Còn một "em áp chót " của lớp, tuy đã tụt xuống lớp dưới (vì ốm, phải nằm dài dài trong cái bệnh viện đẹp như mơ, lại có cả bàn bóng, làm cho Bình và Hải cứ ước được ốm như thế), không được bói về tương lai trong bài thơ trên nhưng bao giờ chúng tôi cũng vẫn coi là người lớp mình, đó là Thanh Lương - nghệ sỹ « chớp bóng » đã làm cả Hội KGU rưng rưng vì được xem clip đầu tiên tự quay về  nash belưi gôrod hiện tại. Trải qua nhiều khó khăn, kể cả mất mát đau đớn, Thanh Lương vẫn giữ được dáng vẻ trắng trẻo thư sinh từ thời sinh viên, vẫn yêu đời, sống tình cảm, thỉnh thoảng lại chọc ngoáy cho các bạn dãn cơ mặt theo kiểu Giáo sư « hỏi xoáy, đáp xoay ». Sau khi tốt nghiệp về nước, Thanh Lương mạo hiểm hiến dâng thân phận mình cho sự nghiệp hạt nhân nước nhà. ACE KGU nếu tinh mắt thì sẽ thấy cứ khi nào có vụ mất mát hạt nhân là y như rằng sẽ lại có mặt Cục phó Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Thanh Lương trên TV để phân trần này nọ, xoay một hồi lại thấy dù mất thì mất… vẫn tuyệt đối an toàn !

  Thế đấy, muôn mặt đời thường của lớp tôi là như vậy. À, còn một đặc điểm nữa là lớp tôi chia làm hai phe trong lĩnh vực âm nhạc - một là, mấy bạn trai như Hoàng Lương, Khang là các thành viên xuất sắc của Ban nhạc đầu tiên của Hội Kisinhốp (cùng đánh đàn với Công, Kiệt, Bồng Lai cho hai con chim hoạ mi là Thu Hồng, Chi Lan (đều là VL78) mặc hai cái áo len đỏ chót của Bác Bửu cho vừa lườm nhau để giữ nhịp vừa hót líu lo cả tiếng ta lẫn tiếng tây Nga, Anh, Pháp; còn phe thứ hai là phần lớn chị em cùng mấy bạn trai khác thừa nhiệt tình hát không cần nhạc! (về điểm này có anh Khoa, anh Minh (VL76) là nạn nhân chứng giám bởi vì các anh ấy ở phòng chênh chếch phòng chúng tôi nên đã nhiều phen bị nghe chị em VL77 xả stress bằng cách lấy sổ ghi lời bài hát ra hát từ trang một đến trang Kanhes, mà hình như lại quên đóng chặt cửa nên cả hành lang bị tra tấn, trước tiên là đôi tai đầy nhạc cảm của anh Khoa).

Để ACE Hội KGU hiểu rõ hơn tình đoàn kết, thân ái giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trên con đường nghệ thuật của lớp chúng tôi, xin kết thúc bài viết này bằng cách thả lăn long lóc một cục thơ nữa được viết vào dịp Hội diễn mùa Xuân năm1974 mà chúng tôi tham dự ở Kisinhốp

 Mồng Tám tháng Ba

 Ch em nhà ta

 Cổ quàng chăn hoa (tức là khăn bà ba),

 Na csene,

 Ch em hiện ra,

 Chị em đứng đấy,

 Chị em mấp máy,

 Bị anh em “nườm”.

 Tuy vậy cũng thương,

 Chạy ra cùng hát,

 Chị em quên nhạc

  Hát chẳng nên lời,

  Bị anh em cười,

  Chị em ngượng quá,

  Chạy vào suýt ngã,

  Chị em cười vang,

  Ầm cả hành lang,

  Anh em cũng thế!                                                                             

                                                                          Tháng 2/2011



[1] Vợ chồng Lương - Thanh chuyên dòng “đồ nội”, nên Thanh vừa than phiền rằng bây giờ người đời cứ hay gọi “mẹ dâu” và “con mẹ chồng”

[2] Tên Lọ hay và hợp lý thế mà sau này bỗng đổi thành Lộ rồi lại sang Hưng làm chị em vì kiêng húy nên khi đan áo len cứ phải bảo nhau là đan áo “cổ Hưng”!


Người post: LuongNH

Ngày đăng: 19-02-2011 23:11






Xem 11 - 20 của tổng số 23 Comments



Từ: NhuanNT
20/02/2011 15:00:23

Tuyệt quá, con gái tòan Lý vẫn giỏi hơn các khoa khác chứ chẳng cần 'khiêm tốn' với những 3 dấu chấm than đâu HT ạ. Mai ơi, mình cứ vừa đọc vừa cười, bạn viết hay và hóm hỉnh. các bạn thật vui và tình cảm!


Mình vẫn nhớ rất rõ Vinh, bây giờ mới biết qua những ngày cuối trong bài này. Mấy lần cùng Vinh đi khám bệnh, những điếu Vinh kể về những người bí mật cứ rình rập xung quanh, cả khi bạn ấy chơi dưới sân cứ ám ảnh mình mãi. Cho đến bây giờ, khi biết nhiều hơn về bệnh tật, mình càng thương bạn ấy hơn.


Mong được đọc tiếp những bài viết của Mai.


 


 



Từ: NguyetTM
20/02/2011 14:58:58

Đúng là mấy tuần nay say sưa với các bài viết của Toán Lý, ai viết cũng tuyệt vời. Đọc bài chị Mai viết mới biết Lý năm 77 có nhiều "cái nhất". Cùng với Hóa 77 em thấy năm ấy cực kỳ vui nhộn, trẻ trung.


Ảnh các chị đan len quá Việt Nam, quá duyên dáng. Hình như năm 77 còn có anh nào đó đan len giỏi? Nếu ai có ảnh hãy đưa lên mạng cho đủ bộ nhỉ?



Từ: KhoaDT
20/02/2011 14:55:08

Đúng là dân VL chuyển sang Pháp Lý có khác, câu văn rất chuẩn, không miên man và lại mang nhiều nội dung sinh động, chi tiết giống như một bài tổng kết của nguyên thủ QG. Kiểu này trong các bài hồi ký của dân VL, story của ông Hoài ông Huy về VL76 khéo lại xuống "bét" mất. Chuyện kể nhiều kỷ niệm rất hay, sinh động nhưng có vẻ hơi ít kỷ niệm chung với năm trên thì phải? trừ việc nhớ ra là Khoa & Minh là hàng xóm cùng hành lang ở Ob1. Tôi nhớ Cao Mai hình như toàn sống cùng phòng với chị Cầm VL75, nên chắc các bạn nữ VL77 cũng có nhiều kỷ niệm với bạn nữ duy nhất của chi đoàn VL75-76 này. Còn Thông thì tụi mình vẫn nhớ là vệ sỹ thường xuyên của "góc đỏ" bế Chi Lan VL78 về phòng mỗi khi em bị "ngất xỉu". Thông đã mất rồi mà hôm nay tôi mới biêt, buồn quá. Có đôi chỗ D Mai đã viết có vẻ "phê phán" Mai Hương là bônsevik nhưng anh em VL76 lại nhớ là D Mai cũng đã là cán bộ BÔN lắm nên không ai (TRỪ PV Hoài) có thể gần gũi giao lưu được. Hihi. 



Từ: ThanhLK
20/02/2011 14:30:58

Dương Mai ơi, hôm 2/9/2007 khóa mình kỷ niệm 30 năm ngày ra trường ở Hạ Long, chú Cường đã "tự thú trước bìnhminh" cho cả khóa chuyện có cả các em Lý 77 vay tiền "anh Cường cuối tháng rồi, nên chúng tớ cũng  đã biết là hồi ấy không phải chỉ có mình là đồ đệ của"chúa chổm". Lần sau khi "anh Cường" ra Hà Nội, bọn mình sẽ cùng nhau tiếp ân nhân giúp "xóa đói giảm nghèo" thời sinh viên nhé.



Từ: MaiDT
20/02/2011 12:41:53

Cam on em Ngoc, anh Son da bo sung  anh ve cac thanh vien VL77 con thieu trong cai anh Xuan Tan Mao dau bai nhu Hong Duc, anh Lo (Hung), Cao Mai. Con anh avatar cua chi ma Ngoc post len, that vo duyen, U60 roi con nep sau hoa tit mat cuoi! Tram toi tai Hoi truong Ngoc moi nen cai nong noi ay day, con hoi anh dau ra w?



Từ: Khửu
20/02/2011 12:03:45

Tuyệt quá, thế là cuối cùng Lý 77 cũng đã cho ra lò một tuyệt tác! Cho đến bây giờ mình mới được biết VL77 có nhiều cái nhất thế đấy. Hồi ấy tuy 2 khóa là sát nhau cả sát vách nữa thế nhưng chỉ có mỗi a.Hoài năm mình là tiếp cận được được với mấy em gái 77 (thế mà cuối cùng cũng chẳng nên cơm cháo gì thật tiếc!) nói gì tới mấy anh quần loe tóc dài, toàn bị đứng chào từ xa hoặc đến gần thì bị quay ngược chỉ còn nhìn thấy lưng. Nghị à mình đã nói rồi 76 có muốn đúp cũng chả được vì nội bộ họ chia nhau hết rồi, có đến 3 đôi lận cơ mà, có mỗi a.TThắng liều mình đúp xuống may còn có món cờ để đam mê. Trong bài Dương Mai đã khắc họa đủ cả 16 người của lớp vẫn với cái chất humor đặc trưng của Toán Lý. Hồi Hoài viết có 15 anh 76 thôi mà đã mỏi dừ cả tay rồi, chắc hẳn tay của D.Mai phải khỏe hơn tay Hoài, nếu không thì ...đã nên cơm cháo! Đọc chuyện, xem ảnh của mọi người mà mình cứ hồi tưởng mãi không thôi, nhớ quá cái thời Kisinều...



Từ: LuongNH
20/02/2011 11:44:49

Cám ơn anh Sơn đã nhắc lại những kỷ niệm xao xuyến.



Từ: SonTM
20/02/2011 11:13:26

 





Lớp Dự bị VL77 có Hoàng Lương và Hồng Đức rất thân với các anh CL76 ở cùng tầng 2 Ob3 (anh Sơn và anh Lọ). Mình còn nhớ lúc các bạn mới sang anh em rất hay nấu ăn chung với nhau. Đức thường trổ tài nấu ăn nhất là món phở bò (từ mỳ và thịt bò). Thời ấy được ăn bát phở bò ở trong nước là giấc mơ của mỗi người, thế mà ở Mônđavi được ăn bát phở tự chế, thế mới tuyệt chứ. Hôm gặp lại Hồng Đức ở Tp HCM sau  hơn 30 năm, anh em còn ngồi nhắc lại những kỷ niệm đó. Anh em còn dẫn nhau đi chụp ảnh kỷ niệm năm đầu tiên ở hồ Côm xô môn, trên đây là một trong số những bức ảnh mình còn lưu giữ được.




 


 



Từ: ThoaNP
20/02/2011 00:36:23


Đọc bài Dương Mai viết hay quá, làm mình nhớ Cao Mai và Binh nhiếu. Cao Mai khi mới sang ở cùng mình và Vinh (CL77). Đến giờ lâu lâu nhìn lại ảnh 3 chị em chụp hồi đó lại nhớ Cao Mai và Vinh quá chừng. Bình VL77 hồi nhỏ ở gần phố nhà mình ở Hà Nội, nên khi mới gặp nhau ở Kis đã thấy thân quen như chị em. Sau này thỉnh thoảng gặp nhau ở các Hội nghị thấy không thay đổi tí nào, từ nét mặt đến tính tình hiền lành.


Khá lâu rồi mới vào lại trang web, cùng lúc đọc được mấy bài thật hay của Khoa Lý, lại thấy tủi thân cho Khoa Hóa quá. Nếu không có hội Cửu nữ CL77, chắc khoa Hóa chìm nghỉm mất. Phương Thảo đâu rồi, ra tay thôi, không lẽ bà chỉ võ mồm thôi à?!


 



 



20/02/2011 00:29:40

Nghi ơi, sao cậu ko tuyển các bài thơ của Lý 77? Họ nhiều thơ lắm đấy, tất nhiên họ có "khuyết điểm" là ko đưa lên web.


Các anh chị VL 77 gửi ngay thơ của mình cho Nghị nhé


@Chị Mai: đố chị biết avatar (ảnh đại diện) của chị từ đâu đấy?





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s