Kishinev - Những Kỷ niệm ngọt ngào - VL82
Tác giả: AnhNQ
Kishinev - Những Kỷ niệm ngọt ngào - VL82
Chẳng hiểu xác suất run rủi thế nào mà năm trong số cả nghìn du học sinh Việt nam sang Liên xô học năm 1977 được phân công về học Vật lý ở Kishinev lại có hai người trùng cả tên, họ lẫn tên đệm: Nguyễn Quốc Anh. Tôi là một trong hai người ấy. Việc có hai em cùng tên đã làm cho các anh chị năm trên lúng túng vì không biết làm sao để phân biệt ai với ai. Còn may là hai chúng tôi có năm sinh khác nhau 1959 và 1960, nên một cách tự nhiên là năm sinh được ghép vào tên để phân biệt: Quốc Anh-59 và Quốc Anh-60. Tuy vậy mọi người vẫn chưa hài lòng vì hai cái tên đó dài quá, lại không thể cắt bớt thành Anh-59 và Anh-60 được, “bọn chúng nó là phận đàn em, gọi như vậy hóa ra là anh mình à?” Thế là một hôm mấy anh năm trên kéo đến phòng bọn tôi: “Bọn mày phải nghĩ ra tên lóng để phân biệt hai thằng Quốc Anh đi chứ”. Thế là cả hội ngồi bàn bạc. Quốc Anh-1 và Quốc Anh-2 nghe không ổn, vì ai xứng đáng làm số 1? Quốc Anh-A và Quốc Anh-B cũng không lọt tai lắm. Có ý kiến đề nghị “Quốc Anh dân sự” và “Quốc Anh bộ đội” (chả là tôi nhập ngũ khi được gọi đi vào đại học Kỹ thuật Quân sự), song liền bị phản bác là “chính trị” quá. Bàn tới bàn lui chưa ra được cái tên nào thích hợp, chợt có anh hỏi: “Thế bọn mày có ai bị tật gì không?”. Bạn Quốc Anh-60 nhớ ra là có một lần đá bóng gãy chân phải bó bột, thế là mọi người gán ngay cho cái tên Quốc Anh què. Còn tôi không có tiểu sử bệnh tật gì đặc biệt cả, làm cả hội bế tắc mất một lúc. Bỗng có anh bảo: “Một thằng đã là què, thằng kia phải là lác”. Mọi người hưởng ứng nhiệt liệt, vì nghe đối nhau chan chát. Tuy tôi không tin rằng mình bị lác, song “ý kiến tập thể” đã quyết, tôi cũng vui vẻ chấp thuận. Thế là từ đó mọi người đã có cách để phân biệt “đôi bạn cùng tên”. Riêng bọn bạn cùng lớp và hội Toán Lý năm trên còn gọi tắt hơn: “thằng Què”, “thằng Lác”. Không biết bạn Quốc Anh kia thế nào, riêng tôi cảm thấy vui vui khi nghe gọi “Lác ơi”.
Cặp bài trùng
Khi chúng tôi mới đến Kishinev, lớp Vật lý chỉ có bốn người, hai Quốc Anh, Lê Mạnh Tuấn và Phan Thanh Diện. Khi đã vào học được hơn hai tuần bỗng một hôm chúng tôi được báo là tối hôm ấy đi ra ga tàu hỏa để đón một bạn mới tên là Ngô Mơ đến để học Vật lý. Tuy đã được thông báo Ngô Mơ là con trai, song nhiều anh chị vẫn nửa tin nửa ngờ, và số người ra đón Mơ nhiều hơn dự kiến. Tôi vẫn nhớ đến Ngô Mơ trong cái lần gặp gỡ đầu tiên ấy, hiền lành, rụt rè với nụ cười dễ mến. Lớp chúng tôi ai cũng có tên lóng: “thằng Què”, “thằng Lác”, “Tuấn tồ”, “Diện điên”, riêng Mơ thì tôi không nhớ là có tên gì khác, có lẽ bản thân cái tên Mơ đã quá gợi cảm rồi, không ai nghĩ đến chuyện gán thêm tên lóng cho Mơ nữa. Mơ có tâm hồn rất nhạy cảm. Đây là một trong những bài thơ đầy cảm xúc mà Mơ viết cho báo tường của hội Toán-Lý
Tôi gặp em lần đầu
Trên sân ga ngày ấy
Đôi má em đỏ dậy
Như ánh buổi bình minh
Trên môi nụ cười xinh
Như đóa hoa hồng ngọc
Và lung linh trên ngực
Chiếc huy hiệu Đoàn viên
Tôi chưa từng gặp em
Một lần trong cuộc sống
Trên sân ga lạnh cóng
Lòng tôi ấm thêm nhiều
Vì tôi rõ một điều
Tôi được em ra đón.
Tôi rất nhớ năm học đầu tiên ở Kishinev, cả bốn đứa (trừ Mơ đến sau) sống chung một phòng ở tầng một. Trước hôm khai giảng anh Ngọc (hội trưởng KGU hiện giờ) mang đến tặng chúng tôi 10 quển vở bìa cứng dày, làm cho chúng tôi rất cảm động. Anh cũng hay ghé thăm chúng tôi, kể các câu chuyện vui cho chúng tôi khuây bớt nỗi nhớ Việt nam. Căn phòng của chúng tôi có cửa sổ nhìn về hướng sân bóng, song không thể nhìn dược mọi người trong sân, vì những khóm cây xanh, có lẽ là сирена vì tôi nhớ chúng có hoa thơm phức, che um tùm bên ngoài cửa sổ. Một đêm mưa nhớ nhà, tôi lặng ngắm những giọt mưa trên lá của khóm hoa, bất chợt viết được một bài thơ nhỏ:
Mưa nhè nhẹ rơi trên lá cây
Lá chìa ra hứng như bàn tay
Từng giọt long lanh dưới ánh điện
Rì rào đơn điệu mà vẫn hay
Giọt mưa treo nặng đầu ngọn lá
Rơi rồi, nhưng lại có giọt thay
Ngắm thỏa thuê rồi nằm suy nghĩ
Mưa đêm, trời mát, ngủ thêm say.
Diện là người có năng khiếu thể thao nhất trong đám chúng tôi. Cậu ta đá bóng tuyệt vời, sút hai chân như một, chính xác và căng như kẻ chỉ. Diện là người chỉ cho tôi các kỹ thuật và chiến thuật bóng đá (vì từ bé tôi không có điều kiện chơi thể thao, trừ bóng bàn), từ rê dắt, sút thẳng, sút xoáy, đá má ngoài, má trong, đến đánh đầu hay xoạc bóng trong phòng ngự. Tôi chạy khỏe nhưng kỹ thuật bình thường, nên được lĩnh chân hậu vệ, Diện đã bảo cho tôi là phải luôn đứng chắn giữa tiền đạo đối phương và cầu môn của mình để có thể nhào lên phá bóng hay lui về hỗ trợ thủ môn được dễ dàng. Tuấn hậu vệ cũng rất khá, cùng với tôi làm thành một cặp phòng thủ cho đội VL-82. Biết tôi thích đánh đầu Diện thường tranh thủ lúc nghỉ sút tập cho tôi. Nhờ những đường bóng như đặt vào đầu của Diện mà kỹ thuật đánh đầu của tôi tiến bộ trông thấy. Chắc nhiều người còn nhớ cái sân bóng rổ ở giữa bốn ốp (общежитие) thường được gọi là “sân con” để phân biệt với cái sân rộng hơn (có thể làm thành hai sân bóng chuyền hoặc một sân bóng đá) gọi là “sân to”. Cái “sân con” chỉ cần ít người là có thể chơi được rồi, nó chấp nhận các đội từ 2 cho đến 6 người, tối ưu nhất là 4 hoặc 5. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của “sân con” là các cú sút phạt đền: do cầu môn là một cái cột to bằng bắp đùi (dùng để giữ lưới bóng rổ) đoạn thẳng cao khoảng 1m, đoạn nghiêng dài khoảng 2,5m quả bóng để đá phạt đền đặt cách cột khoảng 5m nên được hưởng quả phạt đền cũng gần như không, bởi vì sút trúng cột là một điều rất khó. Cái sân lại có đường nứt phía gần chân cột, làm cho những quả bóng được đá nhẹ và sệt luôn nẩy lên để đi chệch hướng. Quốc Anh què thường là người sút phạt đền ở “sân con” cho lớp chúng tôi. Thế nhưng “sân con” luôn có khách, nhiều hôm phải áp dụng luật “thua ra được ở lại”. Liên quân Toán-Lý-81 cũng có 5 người, vì thế chúng tôi thường thi đấu với nhau ở sân này. Kết quả là ngang sức ngang tài, khi thắng khi thua. Tôi còn giữ được một tấm ảnh chụp đội bóng chúng tôi trong trang phục “ngựa vằn”, có lẽ không năm nào khác có được tấm ảnh kỳ lạ như vậy.
Đội bóng ngựa vằn
(từ trái qua phải: Mơ, Quốc Anh lác, Diện, Quốc Anh què, Tuấn)
Cái “sân con” còn có một kỷ niệm nữa, chắc nhiều người còn nhớ. Một năm, vào mùa đông lạnh giá, không biết ai đó có sáng kiến bơm nước lên sân để đông lại thành sân trượt băng. Rất nhiều người tham gia làm sân băng này, trong đó có cả các bạn nữ. Chẳng hiểu ai đó kiếm ra được mấy cái ống nước cao su, lắp vào buồng tắm tầng hai của 2 ốp, dẫn ra nước ra sân. Hì hục suốt cả mấy tiếng đồng hồ, lạnh cóng cả người, cuối cùng sân băng cũng hoàn thành. Ngày hôm sau, khi đi học về, nhiều người đã được trượt trên cái sân băng nhân tạo đó, ngay giữa các ốp, thật tuyệt. Chỉ tiếc là sân băng chỉ tồn tại được hai ngày, vì băng quá mỏng, sau hai ngày thì mặt xi măng đã lộ ra, không trượt được nữa. Không biết có ai chụp được tấm ảnh nào của cái sân băng tự tạo đó không?
Chúng tôi cùng ham thích trượt băng, có lẽ chỉ có Mơ là ít trượt nhất. Các bạn Nam Mai, Quê Hương cũng đi trượt với chúng tôi một vài lần ở hồ Комсомольское. Không chỉ trượt băng, chúng tôi còn chơi cả хоккей nữa. Tôi chơi kém nên chỉ đứng giữ gôn, còn Diện thì trượt nhanh, sử dụng gậy khá, tranh cướp шайба được với các bạn Nga. Nhắc đến khúc côn cầu ở Kishinev tôi còn nhớ đến một kỷ niệm vui nữa. Hôm ấy trời lạnh âm 15 độ, Tiến (VL-81) rủ bạn bè ra hồ chơi хоккей. Vì trời lạnh đã lâu nên mặt hồ đóng băng rất dày. Tuy vậy có một chỗ băng nhìn khá mỏng, (sau này mới biết là có một cái máy hút bùn vừa mới hoạt động hôm trước ở chỗ đó), cạnh chỗ Tiến đi. “Cẩn thận kẻo băng vỡ Tiến ơi”, có người kêu lên. “Âm 15 độ, làm sao mà băng vỡ được!” Tiến đáp và mạnh dạn bước đi. Bỗng “ủm” băng vỡ ra và Tiến ta lọt nửa người xuống nước. May quá chỗ băng vỡ còn khá gần bờ, nước nông không ngập đầu. Anh Ngọc đi bên cạnh liền kéo Tiến lên, thế là tan cuộc chơi!
Tuấn, Diện và tôi ở cùng phòng 79 mấy năm liền. Cùng ham mê âm nhạc và điện tử nên chúng tôi đã rủ nhau lắp ampli và nhạc màu. Căn phòng chúng tôi có mấy bảng đèn màu, cái thì nhấp nháy theo nhạc, cái thì làm thành bảng chữ “DISCO”, cái thì như mặt trời tỏa sáng. Tôi thường giúp Diện đóng hộp cho các sản phẩm hoặc lắp bảng đèn. Những bảng đèn màu này đã từng phục vụ những buổi dạ hội của khoa Toán-Lý. Các bạn Nga thường hay đến phòng chúng tôi để vừa nghe nhạc vừa được thưởng thức đèn màu. Chúng tôi còn có một kỷ niệm về cục Cubic-Rubic. Chẳng hiểu Diện mò đâu ra được cục Rubic (không bán ở Nga) mà cứ xoay xoay vặn vặn suốt mấy hôm liền. Cái cục Rubic ấy, anh nào có tính tò mò một chút, dính vào là không dứt ra được, cứ có cảm giác là mình sẽ làm được, ít nhất là 1-2 mặt, song nếu không học thì cả tuần cũng không làm được mặt nào, vì cứ xoay 1 cục mới đến thì các cục ở chỗ cũ đã bị đẩy đi mất rồi! Tôi cũng thử xoay, nhưng chỉ đạt được một mặt. Diện quyết tâm xoay bằng được, đã phải mò vào thư viện tìm mượn được một quyển tạp chí có dạy cách xoay. Thời đó người ta chưa tìm ra được cách quay tối ưu, các ký hiệu cho các phép xoay cũng chưa chuẩn, nên có sách rồi mà Diện vẫn phải ngồi thâu đêm mới xoay xong. Sáng sớm hôm sau vừa tỉnh dậy tôi được Diện khoe cái cục Rubic với đủ 6 mặt đồng màu, thật tuyệt vời. Niềm say mê của Diện đã lây sang tôi, tôi đọc tạp chí Diện cho mượn, lại hỏi thêm được kinh nghiệm của Diện nữa, nên tốn ít thời gian hơn để xoay. Riêng cấu trúc của cục Rubic lại làm tôi lại quan tâm hơn cả, làm sao các khối gắn vào nhau mà lại xoay được 3 chiều và không rời ra khi xoay? Sau đó vào thư viện, lục thêm các tạp chí khác, tôi tìm được sơ đồ của Cubic-Rubic và đã vẽ lại vào sổ tay. Khi về Việt nam, trong thời gian nghỉ chờ đợi công tác, tôi đã dùng sơ đồ ấy, đẽo gọt và lắp được một cục Rubic bằng gỗ (vì thời đó Việt nam chưa nhập Cubic-Rubic). Cái cục Rubic của tôi cũng sơn 6 màu như ai, tất nhiên là khi quay có chỗ còn hơi nặng tay, tuy vậy vẫn là một đồ chơi độc đáo, làm cho nhiều người ngạc nhiên. Tôi phải ngồi nhớ lại các phép xoay và ghi chép cẩn thận để có thể xoay được 6 mặt, vì nếu không ghi chép thì sẽ không biết hỏi ai hoặc tìm đâu ra cách để làm cho nó có 6 mặt đồng màu. Khi gặp lại Diện với cục Rubic của mình tôi lại được Diện chỉ cho mấy phép xoay cùng chức năng nhưng ngắn hơn nhiều. Rất tiếc là một số đồng nghiệp của tôi khi mượn nó để chơi, làm mãi không được liền ra sức gỡ rời mấy cục ra để nhét lại cho thành 6 mặt đồng màu, nên chỉ ít lâu sau nó bị gãy trục. Phần vì chán nản vì bạn bè không biết giữ gìn, phần vì bận rộn công việc, tôi chưa kịp sửa nó lại, và chỉ nửa năm sau ở Việt nam đã có bán Cubic-Rubic, thế là cái cục Rubic của tôi không có dịp trở lại phục vụ nữa.
Tuấn khá giống tôi về sở thích âm nhạc. Chúng tôi dành rất nhiều thời gian để tìm mua đĩa hát hay, và tiêu tốn không ít tiền cho việc đó. Tôi xuề xòa hơn, chỉ cần có đĩa hát là được rồi, nhưng Tuấn bao giờ cũng muốn mua đĩa hát với bìa cứng, trang trí đẹp đẽ, láng bóng, cho dù phải đi đến chỗ xa hơn. Tuấn biết chơi đàn ghi ta, và đem theo không ít những bản nhạc trữ tình soạn cho ghi ta. Thời đó chưa có kỹ thuật photocopy, các bản nhạc Tuấn có là do tự mình chép từ những nguồn khác nhau từ hồi học phổ thông. Nhờ Tuấn mua đàn ghi ta mà phòng chúng tôi thường xuyên có tiếng nhạc, và cũng nhờ Tuấn mà tôi và Diện bập bõm học đệm đàn cho các bài hát. Giọng hát của Tuấn ấm áp và tình cảm, mỗi khi dạy tôi đệm đàn đều rất tận tình. Tôi vẫn nhớ những ngày yên tĩnh, Tuấn mang đàn ra chơi làm cho căn phòng ấm cúng hẳn lên. Tôi thích nhất là bản “Thư gửi nàng Elise”, chắc không ít bạn đã từng được nghe Tuấn chơi bản nhạc đó.
Tuấn và tôi có hai lần đi lao động mùa hè (đi отряд như chúng ta vẫn gọi), một lần ở nông trang trong Kishinev, một lần ở ngoại thành Москва. Lần nào Tuấn cũng đem theo cây ghi ta của mình để làm cho những ngày lao động thêm phần vui tươi. Lần đi Москва, năm 1980, chúng tôi ở một đội chuyên đúc cống cho các con mương, và xây dựng một vài kho chứa đồ nhỏ. Đội chúng tôi ở trong một làng nhỏ, không có sinh hoạt tinh thần gì khác ngoài tivi, và tối thứ bảy thì đi đến sàn nhảy (дискотека) của thôn. Vì buồn quá nên chúng tôi cũng theo các bạn Nga đến đó vài lần, song chỉ nghe nhạc và hưởng không khí sôi động là chủ yếu, chẳng nhảy mấy. Vì buồn quá, nên có lần được đến chỗ Châu và Ngọc Bình (cũng đi отряд ở môt nơi gần đó) bọn chúng tôi trò chuyện rất hứng thú. Chúng tôi nói đủ chuyện, từ nỗi mệt nhọc khi làm việc, cách tăng năng suất (một hình thức tăng thu nhập), đến chuyện Phạm Tuân bay vào vũ trụ, nhưng sôi nổi nhất vẫn là chuyện về Olympic Matxcơva. Đang chuyện trò rôm rả về Olympic, bỗng Ngọc Bình nói “để hưởng ứng Olympic, Châu và Quốc Anh thử làm một keo vật đi”. Tuấn nhiệt liệt tán đồng, thế là tôi và Châu không từ chối được nữa. Chúng tôi kéo nhau ra bãi cỏ sau nhà để “tỉ thí”. Tôi khá khỏe, nhưng Châu cũng không vừa, lại nhanh nhẹn nữa, nên tôi phải dè chừng. Chợt nghĩ đến những lần xem đấu vật Olympic trên tivi, các đô vật thường áp dụng cách tóm tay đối thủ để quật xuống sàn, tôi lừa lúc Châu không để ý, lao vào dùng hai tay túm chặt được tay phải của Châu. Nhưng … tóm được tay đội bạn rồi tôi mới nhận ra là mình không biết phải làm gì tiếp để có thể chiến thắng. Bước tới, bước lui, sang phải, sang trái vẫn không biết làm sao cho Châu ngã được. Đã trót thì phải trét, tôi đành giữ chặt tay Châu, vì sợ buông ra để đổi thế sẽ bị sơ hở. Còn Châu, bị giữ chặt tay phải cũng không có cách nào quật ngã tôi. Dằng co một lúc chúng tôi đồng ý hòa. Chỉ mấy phút thôi mà người nóng bừng, mồ hôi nhễ nhại, đúng là “tinh thần thể thao” của Nguyễn Công Hoan! Chắc trong số chúng ta ít người có được kỷ niệm về Olympic một cách cụ thể như vậy.
Quốc Anh lác và Tuấn ở отряд - 1980
Đã lâu lắm rồi lớp chúng tôi chưa có dịp gặp lại nhau đầy đủ. Có lẽ do hoàn cảnh công tác, người ở Mỹ, kẻ ở Nga, bạn ở Hà nội, bạn ở Sài gòn, gặp nhau lẻ tẻ thì có, nhưng cả 5 người thì không. Tuấn đã từng mang vợ con sang Mỹ chơi và ở nhà chúng tôi. Chúng tôi cùng nhau đi dạo và ngắm cảnh New York. Diện cũng đã sang thăm chúng tôi ở đây. Thật là thú vị khi gặp bạn thân ở chốn xa xôi này. Những lần về Việt nam, vào Sài gòn, tôi, Tuấn, Diện và Nam Mai thường tụ tập, nhưng vẫn còn thiếu hai bạn Quốc Anh què và Ngô Mơ. Thay cho lời kết tôi muốn gửi đến mọi người, nhất là các bạn VL-82, đoạn kết của bài hát “Tạm biệt Matxcơva”
Растаются друзья
Остаётся в сердце нежность
Будем песню беречь
До свидания до новых встреч
Các bạn ơi, hãy cố gắng dành thời gian và tâm trí để chúng ta có thể tụ tập đầy đủ, cùng nhau ôn lại quãng đời sinh viên tươi đẹp cùng những kỷ niệm ngọt ngào về Kishinev nhé.
Quốc Anh-59, VL-82
Người post: AnhNQ
Ngày đăng: 24-02-2011 12:12
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 11 - 20 của tổng số 21 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |