KGU News >>Người KGU >>Chúng ta
KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 26 Tháng hai. 2011

Người KGU khóa 1 (Phần 2)




Tác giả: AnhPT1

Phan Thục Anh (Hoá 1967)

Trường ta-KGU: những năm đầu thập kỷ 60

             Người KGU K1 và K2 đã trải qua những năm đại học đầu tiên tại cơ sở cũ trên đường Пирогова, cách khu vực hành chính khoảng 100 m. Cơ sở này bao gồm mấy ngôi nhà thấp, ở giữa có 1 sân nhỏ, quang cảnh chung có phần gợi nhớ đến khu vực các trường đại học của Việt Nam trên đường Lê Thánh Tông, Hà Nội. Không kể Văn Miếu thì đây là khu trường đại học lâu năm nhất của Hà Nội, nơi hiện có đến 3 trường đại học sở hữu: ĐH Dược, ĐH Y và ĐH Khoa học tự nhiên. Bước vào cổng trường ĐH Dược hay ĐH KHTN, mắt bạn đập ngay vào những dẫy nhà cũ 2 tầng. Đấy, KGU của chúng ta khi chúng tôi học những năm đầu tương tự như vậy, nhưng không thoáng, rộng và đẹp như khu đại học Lê Thánh Tông, tôi chỉ muốn so sánh về kích thước các ngôi nhà thôi.

            KGU còn có nhiều cơ sở rải rác trên các phố khác nhau. Phòng thực tập môn vật lý nằm trên một phố yên tĩnh gần đường Ленин (tôi không nhớ tên phố, chỉ nhớ là nơi này không xa thư viện Крупская), từ đây rẽ sang trái, băng qua 1 công viên nhỏ là đến rạp Патрия. Mỗi lần đến giờ thực tập vật lý chúng tôi phải vừa đi vừa chạy mới kịp giờ; mùa hè thì không sao nhưng mùa đông đường trơn, chạy cũng ngã mà lò dò đi từng bước cũng ngã. 

           

 Có những khoa ở khá xa khu vực trung tâm của trường. Tôi nhớ có lần tốp ca nữ VN được mời sang khoa Sử biểu diễn vài tiết mục, ô tô đưa chúng tôi đi khoảng 30 phút mới đến nơi, tôi cũng không biết là đến phố nào. Đó là 1 buổi tối mùa đông của năm học đầu tiên. Chúng tôi được chào đón nhiệt tình, có lẽ vì những bộ quần trắng áo dài lạ mắt hơn là vì giọng hát. Trước đó ít lâu chúng tôi đã hát tại Дом Културы  nên nhiều người đã thấy trang phục dân tộc của chúng ta, họ rất thích và nói rằng trong bộ trang phục này các cô gái Việt trông giống như các cô tiên ấy. Khi khoa Sử mời họ cũng yêu cầu mặc áo dài. Không có yêu cầu này thì chúng tôi cũng mặc áo dài, chẳng lẽ lại khoe mấy bộ váy áo kiểu колхозницы trên sân khấu. Chúng tôi được học vội vàng 1 bài hát ngắn tiếng Môn để biểu diễn thêm, chỉ có mấy câu thôi, câu mở đầu phiên âm thế này "фрунзе вер дэ,  сентиоа рэ...". Chúng tôi không hiểu nội dung bài hát, có thể là ca ngợi Frunze? Khắp xứ Môn ngày ấy, đi đâu cũng gặp tên phố Frunze bởi ông là người anh hùng nổi tiếng được vinh danh trong sử sách.

             Khoa Hoá ở ngay trong khu nhà cũ trên phố Пирогова nói trên. Sau khi vào cửa, rẽ sang trái bạn sẽ thấy các phòng thí nghiệm: đầu tiên là hóa vô cơ, tiếp theo là hóa kỹ thuật, rồi đến hóa phân tích, phòng thí nghiệm hóa hữu cơ nằm vuông góc với phòng thí nghiệm hóa phân tích. Tôi không nhớ gì về nơi làm thí nghiệm hóa lý và hóa keo. Các phòng thí nghiệm đều khá chật chội, dụng cụ thí nghiệm đủ nhưng phần lớn là kiểu cũ, các chi tiết nối với nhau bằng nút cao su, có khi tìm trong đống nút đến 15-20 phút mới thấy 1 cái vừa với cổ sinh hàn hay bình cầu, có lúc còn phải tự khoan nút. Phòng thí nghiệm, đặc biệt là phòng hóa hữu cơ khá ngột ngạt dù tủ hotte hoạt động liên tục. Mùi hóa chất dai dẳng bám theo chúng tôi cả khi đã rời phòng thí nghiệm, vào mùa đông пальто dạ của các bạn nam là vật lưu dữ mùi hết sức lợi hại đến nỗi có lần những người cùng đi trên xe buyt cũng phát hiện ra là các bạn này mới ở phòng thí nghiệm ra. Tuy nhiên, mọi thứ đều là mới lạ nên chúng tôi không khi nào thấy đó là phiền hà hay thiếu thốn, tôi chỉ nhận ra điều này từ khi được làm thực nghiệm tại Академия (chuyên ngành của tôi không có tại KGU), nơi mà cái gì cũng sẵn, chỗ nào cũng sạch sẽ, dụng cụ chuẩn hóa và còn được tiếp cận nhiều phương tiện, phương pháp hiện đại nữa. Thư viện nằm về phía hành lang bên phải ngôi nhà. Phòng đọc rất nhỏ, đến chậm là hết chỗ, vì vậy vào mùa thi có lúc chúng tôi ra thư viện Крупская học. Các giảng đường được bố trí trên cả 2 tầng ngôi nhà chính, trông chúng cũ kỹ, xuyềnh xoàng y như các lớp học tại các trường đại học y, dược ở khu vực Lê Thánh Tông-Hà Nội cách đây hơn 30 năm. Vào mùa đông, những người ngồi cuối lớp rất khó đọc được chữ viết trên bảng do bảng màu nâu, chữ trắng mờ, lớp học lại không đủ ánh sáng. Cận thị -3 đi ốp như tôi thì chỉ có cách duy nhất là cố đi sớm một chút để chiếm lấy 1 chỗ ngồi ở bàn đầu.

            Không có nhà ăn trong trường, chúng tôi thường ăn tại một буфет nhỏ ở phía bên kia đường, đối diện với ngôi nhà có thư viện. Ở đấy chỉ có bánh ngọt và đồ uống. Sau này chúng tôi được bà giáo Nga văn dẫn đến ăn tại минитерская столовая ở trong 1 ngõ nhỏ nhỏ ngay cạnh đường Садовая, cách lối xuống hồ không xa, chắc là nhiều người biết chỗ này? Nhiều cán bộ làm việc ở các cơ quan gần đó vẫn đến đây ăn trưa. Thức ăn ở đây quả thật là ngon hơn hẳn столовая trên phố Бендерская của chúng ta, giá cả không đắt lắm, nhưng so với học bổng của sinh viên ta những năm ấy thì đấy không thể là nơi có thể đến ăn hàng ngày. Trong vài năm đầu chúng tôi hầu như không nấu ăn lấy; ngày ấy chưa có ống dẫn ga mà dùng ga trong bình, khi hết thì đến kêu với ông Cò (комендант) rằng "газа нет"!

            Toà nhà lớn trên đường Садовая quay mặt ra phía hồ Komxomol khi đó còn là một bãi đất trống, ngổn ngang vật liệu xây dựng cùng những cái máy xúc, máy ủi. Thỉnh thoảng chúng tôi đi tắt ra hồ qua khu vực này mà không biết đó là công trường xây dựng cơ sở mới của trường. Vào khoảng năm học thứ tư thì phải chúng tôi được chuyển sang cơ sở mới, khi đó tôi đã nhận thày hướng dẫn tốt nghiệp tại phòng hóa học các hợp chất tự nhiên của Академия và bắt đầu làm thí nghiệm tại đó nên không thường xuyên đến trường, cũng không để ý đến cơ sở cũ nên không biết số phận của nó ra sao.                             

Những người cùng khoá

            Khoá 1 với 46 người có lẽ là khoá đông sinh viên VN nhất (?) mà KGU tiếp nhận trong một năm. Do cùng sống trong oб. 3 suốt 5 năm trời nên đến bây giờ chúng tôi vẫn nhớ tên, họ của từng người và có thể kể 1 điều gì đó về bất kỳ ai. Nhưng viết gì đây để các khoá khác có được 1 bức tranh tổng thể, không nhạt nhoà và cũng không vụn vặt về K1 (và đôi khi cả K2 nữa), tôi thấy khó quá nên cứ lần chần mãi, không sao viết được. Mà cũng lạ, K1 không có tấm ảnh nào chụp chung, mặc dù từ năm thứ nhất một số người đã có máy ảnh. Ảnh từng nhóm, ảnh đi chơi các nơi, ảnh chụp tại nông trường trong các dịp lao động... thì nhiều vô kể. Cũng may là nhà trường đã thu ảnh cá nhân để ghép thành một ảnh lớn cùng với một số thày cô giáo và mỗi người được tặng 1 cái  khi tốt nghiệp.  Đáng tiếc là một số người không có mặt trong ảnh này trong đó có nhóm thổ nhưỡng vì thời gian học của họ dài hơn nên tốt nghiệp sau chúng tôi mấy tháng.

            Những gì tôi nhớ được, dù là việc hay hoặc không hay, chuyện vui hay không vui đều là kỷ niệm đẹp của thời sinh viên mà tôi luôn trân trọng. Rất tiếc, khi viết về người KGU K1 tôi không có cơ hội gặp gỡ hay trao đổi thêm với những người cùng khóa để có thêm thông tin . Chúng tôi ra trường vào những năm chiến tranh ác liệt đã lan rộng ra miền Bắc, nhiều người theo cơ quan đến nơi sơ tán ngay sau khi nhận quyết định công tác. Rất khó liên hệ với nhau, đặc biệt đối với những người không làm việc tại Hà Nội. Về điểm này, tôi là một trong số những người may mắn vì có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, nhà ở trên con phố mang tên một nhà thơ lớn và nổi tiếng bởi "những đêm hoa sữa thơm nồng" (thật ra tiếng tăm này nhiều năm sau mới xuất hiện). Do dễ tìm nhà nên được bạn bè lui tới thường xuyên, vì vậy tôi vẫn giữ được liên hệ với nhiều người. Tôi không hy vọng là có thể nói "đúng ý" hoặc "như ý" mọi người, nhưng tin rằng không đến nỗi làm người cùng khóa thất vọng. Tôi chỉ kể lại những việc được trực tiếp chứng kiến hay là người trong cuộc, vì vậy xin đại gia đình KGU không lấy làm phiền khi thấy tôi luôn xuất hiện. Tôi cũng xin được nhắc đến những người đã sớm ra đi với tâm niệm rằng các anh, chị luôn luôn và mãi mãi là một phần gắn bó của đại gia đình người KGU.

            Phần lớn người KGU khóa 1 bước vào năm học đầu tiên với tuổi đời khá lớn so với các khóa sau vì có hơn chục người là cán bộ đi học, trong số học sinh phổ thông nhiều người cũng đã qua tuổi 20, nhóm U20 có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tuổi mẫu giáo, tuổi nhi đồng của chúng tôi đã qua đi trong kháng chiến chống Pháp nên nhiều người không có điều kiện đi học đúng tuổi như các bạn sau này. Không biết ai là người lớn tuổi nhất của K1 mà cũng là của người KGU để chúng ta tôn vinh làm anh Cả. Theo tôi, có thể người đó là anh Trần Văn Chánh (thổ nhưỡng)- hội trưởng đầu tiên. Tôi nhớ mang máng rằng trong mấy ngày nghỉ tại Biển Đen trước năm học đầu tiên ai đó đã đề nghị nâng cốc chúc mừng sinh nhật lần thứ 30 của anh. Không biết trước khi học đại học anh làm gì, anh được chỉ định làm hội trưởng cho người KGU K1 khi nào, có lẽ từ trước khi lên đường sang CCCP. Anh Chánh là người rất hoạt bát và hoạt ngôn nữa. Anh cũng được coi là хитрый (từ này nhất thiết phải dùng tiếng Nga) nên tên anh thường được gắn thêm từ "еврей" đằng sau. Nếu tôi nhớ sai điều gì, xin vong linh anh tha thứ cho. Tôi nhắc đến anh với một sự kính trọng của một cô em gái đối với một người anh. Những năm đầu, mỗi khi cần tham gia hoạt động đối ngoại nào đó, anh Chánh thường gọi tôi đi cùng vì "con bé này ăn nói được". Đúng vậy, theo nghĩa đen, tôi ăn được hầu hết các món người ta mời, trừ cá và cũng có thể uống được, còn nói thì đã có anh Chánh.

             Một cây đa khác là anh Nguyễn Lợi (Hóa). Anh cũng trạc tuổi anh Chánh và là người đứng đầu của nhóm chai lọ đông đảo 28 người. Anh Lợi là bí thư chi bộ đầu tiên của K1. Khác với anh Chánh, anh Lợi trầm tính, trông có phần khắc khổ. Trong con mắt tôi, anh Lợi là người nghiêm khắc trên mức cần thiết, luôn lo lắng giữ gìn các quy định đối với lưu học sinh, đặc biệt trong năm đầu. Tôi là một trong số những người có thể làm anh không yên tâm lắm. Ai mà biết được, hết giờ học trên lớp chúng tôi đi đâu chơi, xem phim gì...Để anh Lợi thấy là chúng tôi cũng chăm học như anh, chúng tôi ôm sách ra крaсный уголок ở tầng 2 (phòng tôi ở tầng 3), chiếm 1 bàn gần chỗ anh ngồi. Một tối anh Bùi Ngọc Thọ và tôi quyết thức thi với anh Lợi, chỉ sau khi anh Lợi về phòng ngủ chúng tôi mới rời phòng học. Tất nhiên chúng tôi thắng. Anh Lợi không biết gì về cuộc thi này và nếu biết, có thể anh đã thắng. Khi nào đọc được những dòng này, anh hãy nhớ lại những tháng năm học tập căng thẳng nhưng rất vui ấy ở KGU nhé. Anh hãy coi những chuyện chúng tôi làm anh bận tâm là những trò vui, nếu thiếu vắng chúng thì chẳng có mấy chuyện để mà nhớ về cuộc sống của sinh viên du học. Sau kỳ thi cuối năm, anh Lợi không còn lo lắng cho chúng tôi như trước nữa bởi kết quả thi của chúng tôi đã góp phần tạo ra những cái bằng đỏ của những người KGU khóa 1. Riêng tôi, tôi còn được anh Lợi giúp một việc lớn ảnh hưởng đến định hướng công việc chuyên môn sau này. Tôi vốn được phân công học hóa phân tích, hồi ấy chúng tôi không được tự chọn chuyên ngành. Buồn thay, chưa một lần tôi thấy yêu mến môn này, tôi càng không thích các bài thực tập hóa phân tích. Việc nung hàng giờ những cái chén sứ hay chén thủy tinh cho đến khi có trọng lượng ổn định hay căng mất đo, đếm khi chuẩn độ và nhiều việc khác làm tôi phát chán. Năm thứ 3, tôi xin anh Lợi nói với sứ quán cho tôi được đổi học môn khác. Thật bất ngờ, anh đồng ý ngay và bảo tôi: "được, nhưng chỉ chuyển sang hóa hữu cơ thôi nhé". Tôi mừng quá, chuyển môn nào cũng được, miễn là thóat được hóa phân tích. Chuyện thật đơn giản, thì ra anh Lợi được phân công học hóa hữu cơ trong khi anh lại muốn học hóa phân tích.  Thế là hai bên đều có lợi! Bây giờ nghĩ lại, nếu vẫn theo môn hóa phân tích, chưa chắc tôi đã được phân công về trường đại học Dược và không biết đã trôi nổi ở đâu. Dù sao tôi cũng đã có những thành công nhất định trong nghề nghiệp. Sẽ là không phải nếu quên cảm ơn anh Lợi.

            Một tên tuổi quen thuộc không chỉ đối với người KGU mà còn ở tầm cao và rộng hơn là chị Tâm Đan. Tôi chỉ có thể kể đôi điều về chị trong những năm cùng học tại KGU,  những thành đạt trong thời kỳ hậu KGU của chị và một số người khác như Trần Đình Long (OB 67), Huỳnh Văn Tâm (OB 67), Nguyễn Văn Xuyến (CL 67)... tôi nghĩ sẽ được nhắc đến vào dịp khác. Trong số nữ K1 chị Đan là người duy nhất đã từng làm việc, trước khi vào đại học chị là giáo viên. Từ năm thứ 2 đến khi tốt nghiệp chị là bí thư chi bộ và cũng từng ấy thời gian tôi ở cùng phòng với chị. Tôi luôn coi chị là người mẫu mực, là tấm gương để noi theo (nhưng không thể theo được). Những năm đầu chị Đan không được khỏe, rất gầy, thỉnh thoảng phải nghỉ học để nằm bệnh viện. Mỗi lần ra viện, chị phải học đuổi theo lớp, vậy mà chị luôn đạt điểm thi cao nhất. Ở cùng chị tôi thấy như đuợc che chở hơn, yên tâm hơn, chị không để ý đến những chuyện lặt vặt, những "hoạt động ngoại khóa" của chúng tôi (chủ yếu là xem phim và chơi tại khu vực hồ Kômsômôl) kể cả khi chúng tôi vi phạm quy định cấm xem phim tư bản. Có lần tôi và vài bạn nữa quyết định "công khai hóa" việc xem phim tư bản bằng cách rủ chị Đan cùng đi. Chị bảo: "Các em cứ đi, chị không đi đâu". Từ khi ở cùng tổ và cùng phòng với chị, tôi tự thấy mình có trách nhiệm hơn với việc học tập. Xin nói là tôi không bị coi là lười học nhưng không mấy khi cố gắng hết sức, không đặt mục tiêu nào để "phấn đấu". Có lần chi đoàn yêu cầu đăng ký điểm thi, tôi ghi "không bị điểm 3". Chị Đan đã nhắc tôi: "Sao em lại thế, đã bao giờ bị 3 đâu mà lại cố gắng để không bị 3?" Tôi cố cãi lại rằng chỉ làm được thế thôi, nhưng cũng từ đó tôi đã cố gắng hơn và dần dần đã loại trừ cả điểm 4. Không biết chị Đan có nhớ những chuyện này không.

            K1 có những anh tài mà tôi muốn các bạn làm quen (trên giấy). Chúng tôi có giọng ca vàng Phí Văn Ba (thổ nhưỡng). Lần nào có biểu diễn tại Дом Културы anh Ba cũng hát vài bài, anh hát tiếng Nga rất hay, đến bây giờ tôi vẫn nhớ rõ giai điệu bài Молдавские ночи mà anh từng biểu diễn. Những giọng ca solo khác là các chị Thanh Tâm và Sức (CL), Nhâm (OB), nam có Chu Mạnh Cường. Xin nói thêm là bạn Cường rất giỏi tiếng Nga, đã từng học phổ thông 4-5 năm tại Москва cùng thời gian với chị Muội. Thời kỳ đầu Cường luôn phải kiêm vai trò phiên dịch mỗi khi làm việc với nhà trường. Các anh lớn tuổi gọi bạn ấy là "thằng tây con".  Nhờ Cường mà tôi làm quen khá nhanh với cuộc sống ở nước bạn. Năm đầu chúng tôi ở cùng tổ, nhưng khác nhóm.

Ngay từ đầu Cường đã "dẫn dắt" chúng tôi- các đoàn viên trong tổ (Phan Túy, Trí, Quang Hồng, T. Anh, Sức) vào những hoạt động ngoài giờ học, chủ yếu là đến các rạp phim, đi chơi, chụp ảnh...

Nhóm thanh niên của tổ tôi rất thân thiết với nhau, đến nay tình bạn ấy vẫn duy trì được, tiếc rằng anh Q. Hồng đã bỏ chúng tôi ra đi cách đây mấy năm. Tôi nhớ là anh Q.Hồng  hát được vọng cổ, nấu ăn giỏi thì phải. Nhóm này còn có ông già Hoa (anh Hoa là cán bộ đi học) rất hiền lành, dễ dãi và đặc biệt rất quý chúng tôi. Nhóm bạn chơi thường xuyên của chúng tôi còn có Thành, Thọ (CL), đôi khi Doanh (OB) cũng tham gia. Mọi người hẳn còn nhớ, ngoài quy định không xem phim tư bản còn có quy định đi đâu phải có từ 3 người trở lên. Tôi đã gặp rắc rối với quy định vô lý và cũng không thể kiểm soát được này, có lúc đã bị nhắc nhở mặc dù lần ấy tôi hoàn toàn không phạm luật.

           

 Mỗi khi có điều gì không vui tôi thường sang  phòng bên cạnh nơi có 4 chị OB. Tại đây có chị Ngọc Mỹ là người quen biết từ lâu. Nếu các bạn được thấy mái tóc dài của chị ngày ấy! đấy cũng là một niềm tự hào của вьетнамка. Thời kỳ đầu chúng tôi, 4 người (OB có Trần đình Long, Ngọc Mỹ, CL có Cường và tôi) thường được cử đến thăm cung thiếu niên và các trường học. Gần như tuần nào cũng đi, các em thiếu nhi và học sinh rất quý sinh viên ta. Có em xin cả địa chỉ nhà ở Việt Nam và còn viết thư cho bố mẹ chúng tôi

Lại nói về chuyện đầu tóc. Nhiều bạn nữ thường chải tóc rất cao theo mốt thời đó, những mái tóc ấn tượng nhất, theo tôi thuộc về chị Cúc (CL), chị Nhâm (OB 67), Cẩm Đoan (OB 68). Chị Nhâm chải tóc rất đẹp, có lần tôi cùng chị làm đầu gần đường Lênin, khi chải tóc cho tôi các cô thợ luôn mồm kêu "ужаснo" vì không sao chải được mớ tóc dày của tôi; chị Nhâm giành lấy lược và chỉ trong vài phút đã hoàn thành công việc trước sự kinh ngạc của mấy cô thợ làm đầu. Cùng phòng còn có Trương Thị Thảo, nguyên bí thư chi đoàn. Tôi vẫn giữ được 1 tấm ảnh chụp cùng chị Thảo trong 1 vườn táo tại nông trường. Người thứ tư trong phòng là Quản thị Hòa, lâu lắm rồi tôi không gặp lại người bạn đất cảng này, nhưng được biết bạn vẫn bình yên.

            Trong thời gian còn là sinh viên chúng tôi đã được dự đám cưới của anh Trần Quang Phần tại... Hà Nội. Khi đó là mùa hè năm 1964. Rất nhiều người KGU K1 về nước nghỉ hè, chủ yếu nhờ vào nguồn kinh phí của các phụ huynh. Năm ấy các bậc cha mẹ lo sốt vó về việc chủ nghĩa chủ xét lại có xâm hại con em mình không. Với mối lo tương tự, Bộ Đại học triệu tập các cán bộ chủ chốt về nước học chính trị, đồng thời chấm dứt việc học tập đối với một số ngành có nguy cơ cao (như triết học) và một số lưu học sinh có biểu hiện đáng lo ngại. Hình như đơn vị Kishinhôp không nhận được hay nhận quá chậm thông tin này nên cán bộ chủ chốt (như chị Tâm Đan) không về hết mà bọn lau nhau thì kéo nhau về khá đông. Đến Mascơva người ta nói rằng chúng tôi không thuộc diện được về, nhưng chẳng nhẽ đuổi chúng tôi trở lại Kishinhốp trong khi gia đình đã mua vé tàu, thế là chúng tôi được về. Các bạn có thể thắc mắc rằng việc chúng tôi về hè liên quan gì đến kế hoạch của Bộ Đại học. Vấn đề là khi về đến Hà Nội tất cả đều phải tập trung học chính trị tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân, học suốt ngày và kéo dài gần hết kỳ nghỉ. Thật khổ cho những người không sống ở Hà Nội. Sau đợt học ấy một số người không trở lại CCCP học nữa, rất may không có người KGU

nào trong số này. Cũng trong dịp này chúng tôi được ăn cưới anh Phần.

            Những năm 65-66 cuộc kháng chiến chống Mỹ đi vào giai đoạn khốc liệt. Cả nước dốc sức cho chiến trường. Phong trào "Thanh niên ba sẵn sàng" rộ lên làm chúng tôi đứng ngồi không yên, chỉ mong được góp sức và mau chóng trở về nước. Chúng tôi quyết định lao động lấy tiền gửi về nước. Không biết ai đã liên hệ được với 1 công trường hay nhà máy gì đó để chúng tôi đến làm một số việc, hình như có cả việc đào đất. Vừa tới nơi, chưa kịp làm gì thì nhà trường biết và cử người đến ngăn không cho làm công việc nặng nhọc và nhếch nhác đó, bắt chúng tôi phải về nhà. Không nhớ sau đó chúng tôi có kiếm được khoản tiền nào để gửi về nước không. Chúng tôi còn xin tập bắn súng. Việc này được trường nhiệt tình giúp đỡ. Trường bắn ở dưới hầm, tại một nơi gần phía rạp chiếu phim 40 лет. Chiều chiều chúng tôi ngóng chờ giờ tập, rất thích thú với hoạt động này. Tôi thường đi cùng với bạn Hạnh, Nguyệt (OB 68). Hạnh bắn giỏi còn tôi khá nhất cũng chỉ bắn được vào vòng 8, thường chỉ vào vòng 5 hay 6. Chúng tôi được tập bắn cả súng trường và súng lục. Bắn súng lục khó hơn, chỉ run tay 1 tý là đạn bay ra ngoài các vòng đồng tâm. Cũng trong thời gian này, chúng tôi được đón tiếp đoàn anh hung chiến sĩ từ Việt Nam sang, trong đó có chị Nguyễn thị Hằng đại đội trưởng dân quân Nam ngạn Thanh hóa và anh Tràn Đăng Khoa chính trị viên bộ đội đảo Cồn cỏ anh hùng.

            K1 có một nhân vật khá đặc biệt, đó là anh Trần Quảng (hóa). Anh Quảng giỏi tiếng Trung, hình như trước khi vào đại học anh là phiên dịch. Những ngày đầu anh ghi bài bằng cả 2 thứ tiếng: Trung và Nga. Năm đầu anh Quảng vẫn còn sinh hoạt đoàn, cuối năm anh ra Đoàn. Lần cuối cùng sinh hoạt chi đoàn anh phát biểu cảm tưởng, tôi ngồi bên cạnh và thấy tờ giấy chuẩn bị của anh ghi đầy chữ Trung quốc. Anh ra đi rất sớm, tiếc rằng chúng tôi không được biết lý do, địa điểm và cả thời gian anh đi nên đến nay vẫn không có dịp thắp hương cho anh. Một người nữa cũng sớm ra đi là anh Nguyễn Huy Hoài (sinh vật). Anh Hoài bị bệnh vào những năm cuối. Anh bị mổ đi mổ lại mấy lần, lúc đầu nằm bệnh viện tại Kishinhốp, sau phải chuyển đi Mascơva. Chúng tôi bồn chồn không yên trong những ngày anh nằm viện, cả hội đã tập trung chăm sóc anh. Anh ốm vào lúc chúng tôi đang học thi. Mỗi lần có người vào thăm trở về từ bệnh viện là cả bọn xúm vào hỏi. Chúng tôi còn học bài tại крaсный уголок để tiện theo dõi tình hình. Một lần có người từ bệnh viện về báo "anh Hoài muốn gặp mọi người". Chúng tôi hoảng quá, ai nấy cố lao nhanh khỏi ký túc xá để bắt xe đến bệnh viện. Khi chúng tôi đến nơi, anh Hoài đổi ý, không cho tất cả vào thăm. Sau lần mổ thứ 2, hội đã cử người nấu ăn hàng ngày rồi mang vào bệnh viện cho anh Hoài. Ban công phòng tôi có lúc trở thành nơi nhốt gà. Anh Phạm Nga khi đó là hội phó sinh hoạt có lẽ là người bận rộn nhất, khi anh Hoài được chuyển đi Mascơva, anh Nga và bạn Cường cũng đi theo để chăm sóc. Do ốm lâu nên anh Hoài phải ở lại một năm, mặc dù anh học rất giỏi. Sau khi về nước không lâu anh Hoài đã vĩnh biệt chúng ta. Tôi cũng không thể không nhắc đến anh Lê Minh Triều (thổ nhưỡng) với đôi chút ân hận. Anh vào loại lớn tuổi, học tập có phần hơi vất vả. Nhiều năm sau khi tốt nghiệp tôi nhận được một thư của anh gửi theo địa chỉ trường tôi. Anh nhắn khi nào đi công tác ở phía Nam thì ghé qua chỗ anh chơi. Một tối, tôi tìm đến địa chỉ anh cho tại một phố lớn ở quận 1, TP HCM, đến nơi mới biết đó là cơ quan nên không gặp được anh. Vài năm sau tôi được tin anh đã mất. Tôi tự trách mình tại sao không sắp xếp thời gian để trở lại cơ quan anh một lần nữa, biết đâu chẳng đã gặp được anh.

            5 năm trôi qua, ngày tốt nghiệp đã đến. Thày tôi yêu cầu tôi đăng ký bảo vệ luận án ngay ngày đầu. Khoa Hóa xếp tôi bảo vệ đầu tiên, vô tình tôi được là lưu học sinh Việt Nam đầu tiên bảo vệ luận án tốt nghiệp tại KGU. Sáng ngày 5 tháng 6 năm 1967 tôi đã hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình. Chúng tôi ra trường vào những năm các trường đại học phát triển, mở rộng hoặc mới thành lập nên thiếu nhiều cán bộ, đặc biệt về các môn khoa học cơ bản. Vì vậy, quá nửa số tốt nghiệp năm 1967 được phân công về các trường, đối với nhóm hóa tỷ lệ này là 2/3. Riêng trường đại học Dược Hà Nội đã tiếp nhận 6 người KGU trong đó có 4 CL (anh Huỳnh Văn Hoa, chị Nguyễn Huỳnh Mai, Phan Túy và tôi) và 2 OB (Nguyễn Hoàng, Nguyễn Đức Doanh). Các anh chị là giáo viên trước đây thì về các trường đại học sư phạm.

            Không bao giờ có thể kết thúc chuyện về những người cùng khóa. Tôi vẫn nhớ tất cả mọi người, không chỉ K1 mà cả K2. Trong nhiều năm người KGU K1 không có điều kiện gặp nhau thường xuyên, ít nhất cũng bị phân cách bởi những năm chống Mỹ. Muộn hơn, chúng tôi đã tìm đến nhau, cả 2 khóa 1 và 2 đã gặp nhau tại nhà hàng Москва trên phố Ngọc Khánh, vài lần tại Small Dream trên phố Phạm Sứ Mạnh, tại một địa điểm thuộc Quốc hội trên phố Trần Hưng Đạo, trong các đám cưới con anh Chứ, con anh Doanh, con chị Nhất (OB 68)...và nhiều nơi khác.

Những chuyến đi công tác tại Huế, TP Hồ Chí Minh cũng là cơ hội để gặp nhau. Không thể nhớ nổi tôi đã đi chơi, đi ăn bao nhiêu lần với các anh, chị ở phía Nam: chị Huỳnh Mai, anh Thanh Hồng, anh chị Trí-Tâm, anh chị Thọ-Cúc, anh Thành, Hoàng Hà...Cùng ở phường Bách Khoa với tôi có anh Chứ (OB 67), các anh Xuyến và Xinh (CL 67). Gần đây tôi đã "bắt liên lạc" được với anh Lương và anh Thanh Hà.

             

Những chuyện thường ngày của sinh viên du học

Xem phim đã rồi học sau

            Xem phim có lẽ là một trong những thú vui lớn nhất và cũng là... hợp pháp. Xung quanh việc này cũng lắm chuyện hay mà tôi không quên được.

            Một lần, vào cuối năm học thứ nhất chúng tôi có buổi thực tập, nhóm tôi làm thí nghiệm vào đợt 2, sau nhóm của các anh Cường, Tuý, Trí, Quang Hồng, Hoa. Cũng ngày đó tại rạp Патрия có một bộ phim mới do Pháp và Ý cùng đóng được chiếu lần đầu, quảng cáo rất hấp dẫn. Hồi đó chúng tôi rất thích các phim của Pháp-Ý cùng đóng, vì vậy không thể bỏ qua bộ phim này. Quyết định là sẽ đi xem phim sau khi thực tập (tất nhiên, chúng tôi đã loại trừ vài người trong tổ vì đây là phim tư bản). Tôi làm thí nghiệm đợt 2 nên nhận nhiệm vụ mua vé. Khi tôi đến rạp Патрия người ta đã xếp hàng dài, rồng rắn từ trong nhà ra đến cả hè phố Ленин, chẳng khác gì xếp hàng mua vé xe, tàu vào các dịp lễ, Tết ở Việt Nam. Tôi có hơn 2 giờ để chờ đợi nên cảm thấy rất yên tâm. Dòng người nhích dần lên một cách chậm chạp, chẳng bao lâu phía sau tôi đã có mấy chục người xếp hàng và cái câu hỏi "Кто последний?" vẫn tiếp tục vọng lên. Thời gian trôi nhanh, chỉ còn khoảng 30 phút nữa là đến giờ thực tập, từ chỗ tôi đứng đến quầy bán vé vẫn còn trên 10 m. Tôi gửi chỗ rồi chạy vội về phòng thí nghiệm, dục mọi người làm nhanh lên để ra xếp hàng thay cho tôi. Quay trở lại rạp, tôi tiếp tục đứng vào hàng, sốt ruột đợi mọi người. 5 phút, rồi 10 phút qua đi, vẫn chưa có ai ra thay; sao hôm nay mọi người thực tập lâu thế cơ chứ. Chỉ còn mấy phút nữa là đến giờ học. Tôi quyết định: không bỏ chỗ, tiếp tục xếp hàng cho đến khi mua được vé.  Khi tôi lấy được vé thì giờ thực tập đã bắt đầu được gần 20 phút. Trên đường về gặp các bạn ra thế chỗ, tôi hãnh diện đưa ra gần chục cái vé rồi rảo bước về phòng thí nghiệm. Thật lạ, không ai nhận ra sự vắng mặt của tôi lúc đầu giờ thì phải, cô giáo Natalia đang hỏi bài ai đó, các bạn cùng tổ thì đang chăm chú lắp ráp các dụng cụ thí nghiệm hoặc đọc các bản hướng dẫn.

            Nhiều người KGU thích xem phim lắm, bất kể vào lúc nào. Có lần tôi và Xuân Dung (OB 68) rủ nhau đến thư viện học thi. Ra khỏi cửa chúng tôi thấy một quảng cao phim mới, hình vẽ khá bắt mắt. Cả hai đứa dừng lại để xem phim gì. Tên phim thì tôi không nhớ, nhưng dòng quảng cáo "Cấm trẻ em dưới 16 tuổi" đập ngay vào mắt chúng tôi. Không chút lưỡng lự, chúng tôi ra ngay rạp phim, gác việc học thi lại. Sau khi xem phim chúng tôi cũng quên luôn việc đến thư viện. Nhân đây xin giới thiệu với các thế hệ sau của người KGU: chị Xuân Dung không chỉ học giỏi mà còn múa rất đẹp, đặc biệt các điệu múa cần mềm dẻo.

            Xa nhà, ai cũng khao khát được xem phim Việt Nam. Thật kỳ lạ, một bộ phim Việt (tôi nhớ là "Một ngày đầu thu") đã được chiếu tại một rạp nhỏ gần chợ nông trường, tôi không nhớ tên rạp. Chúng tôi, khoảng gần 20 chục người hăm hở kéo đi xem. Nơi bán vé vắng tanh, chỉ có chúng tôi. Khi phòng chiếu phim tắt đèn để bắt đầu, nhìn quanh nhìn quẩn vẫn chẳng thấy ai khác ngoài chúng tôi! Không có chúng tôi chắc rạp phải hủy buổi chiếu phim đó rồi.

Trại tế bần

             Thiếu tiên là bệnh kinh niên của lưu học sinh. Nếu chỉ chi cho việc ăn thì cũng có thể nói là đủ. Nhưng cuộc sống đâu chỉ tồn tại bằng các bữa ăn. Chỉ cần vài lần xem phim với 5-7 cái vé là hết gần 1/5 học bổng rồi. Với nhiều người trong đó có tôi, sau khi lĩnh học bổng hơn 2 tuần hoặc 3 tuần là đã phải lục lọi các túi xem tiền để đâu. Thỉnh thoảng tôi lại được chị Thanh Tâm (một trong những ủy viên chấp hành chi đoàn) cho mượn tạm quỹ chi đoàn để lấy tiền ăn. Có lần chị Cúc và tôi ăn trưa tại nhà ăn cạnh Дом Културы, tôi bê khay ra trước, chị Cúc ra sau và trả tiền. Tôi thấy chỉ có 1 cốc nước chè (giá 2 copek), hỏi thì chị Cúc cười và nói: "hết tiền rồi em ạ". Vừa lúc đó có mấy bạn nam vào nhà ăn, chị Cúc bảo tôi: "Em ra xin anh Thọ 1 cốc nước chè đi". Anh Thọ lấy cho chúng 1 cốc cà phê. Anh, chị còn nhớ chuyện này không? Biết đâu, đây chẳng phải là 1 chuyện góp phần tạo nên duyên của 2 anh chị?

            Cách tốt nhất để qua những ngày hè còn lại sau khi đi chơi thành phố nào đó là đến trại tế bần. Không biết đây có phải là giải pháp chung cho sinh viên ta không. Cái tên "trại tế bần" chúng tôi học được từ những người đi trước, tất nhiên họ ở các thành phố khác. Đó là những nông trường, chúng tôi đến đó nghỉ ngơi, hàng ngày ra ruộng/vườn thu hoạch rau, quả lấy tiên công để chi cho các bữa ăn. Mùa hè, vì vậy việc chính là hái cà chua và nhổ cà rốt, các vườn quả chưa chín. Tôi đã đến trại tế bần 2 lần, chỉ nhớ 1 nơi có tên là Аланешты. Chúng tôi ở trong trường học. Ngày ngày có xe chở ra ruộng, buổi trưa xe đón về. Buổi chiều chúng tôi nghỉ, vào rừng chơi hay ra sông tắm. Ở đây có 1 con sông rất đẹp, một bên là khu rừng xanh, một bên là cánh đồng. Chúng tôi vừa làm vừa đếm số thùng cà chua đã hái, tính đủ tiền công cho bữa ăn. Khi nào đủ tiền là nghỉ, dù còn sớm. Tối tối các cô học sinh (chủ yếu là các cô) đến rủ các anh nhà ta đi nhảy, nữ chúng tôi cũng được mời cho phải phép.

 

 K1 khối anh nhờ được thực hành như vậy mà nhanh chóng nhảy giỏi đây. Những ngày ở trại tế bần thật là vui.

Chuồng cọp

            Có lẽ nhiều người đã đọc hòi ký của cựu tù nhân Côn Đảo, ông Nguyễn Đức Thuận. Chúng tôi đã đọc ngấu nghiến hồi ký của ông, vô cùng thán phúc các chiến sỹ của chúng ta. Trong hồi ký ông Thuận có nhắc tới các phòng giam được gọi là chuồng cọp. Sau đó không lâu chúng tôi cũng tạo ra 1 chuồng cọp tại ob. 3. Đó là 1 buồng kho không xa cầu thang trong của ngôi nhà, đối diện với bếp. Kho hơi tối, chỉ có 1 bóng điện. Trong kho có mấy cái đệm cỏ. Kho không bị khóa nên chúng tôi có thể vào bất cứ lúc nào. Chúng tôi biến đây thành nơi tụ tập thay cho đến 1 phòng nào đó, có thể ồn ào mà không ảnh hưởng tới ai cả, cũng không ai ngăn cấm chúng tôi. Nhóm thanh niên Chai lọ hiếu động thường đến đây nhất. Đôi khi một số khác hiền lành hơn cũng góp mặt. Tại chuồng cọp này GS. TSKH Nguyễn Văn Xuyến (khi đó là студент thôi) đã xuất khẩu thành thơ rất ngộ nghĩnh. Tiếc là bản thảo bài thơ ấy không còn lưu giữ được, tác giả của nó cũng không nhớ lại được. Phải nói chuồng cọp ở ob.3 là nơi tụ tập lý tưởng của chúng tôi. Tuy nhiên, tôi cũng tin là một số người chưa bao giờ bước chân vào đó.

Những kỳ thi/kiểm tra may, rủi của tôi

            Trong 5 năm học tôi đã có những kỳ thi và зачёт đáng nhớ đời, may cũng có mà rủi cũng có. Nói về cái may trước nhé.

            Như đã kể trên đây, tôi không thường xuyên học bài kỹ lắm, nhất là những năm đầu. Đáng nhớ nhất là kỳ thi kết thúc môn hóa kỹ thuật do ông Má Đào (họ là Городетский ?) dạy. Môn này rất khó học, khó nhớ với những quy trình sản xuất hóa chất phức tạp. Khó nhớ nhất là quy trình sản xuất acid nitric. Tôi quyết định bỏ qua, chị Đan cảnh báo "Nhỡ bắt phải câu này thì sao?", tôi nói "Chắc không đâu". Nhưng rồi đó lại là câu hỏi số 1 trong phiếu thi của tôi. Ai cũng biết câu 1 thường quyết định đến nửa số điểm. 2 câu sau thì dễ. Tôi bí quá, đi quanh phòng thì nhìn các sơ đồ cho qua thời gian. Các bạn cùng vào biết tôi không trả lời đươc và ái ngại co tôi. Tôi nghĩ phen này 3 điểm là chắc rồi. Khi đến lượt trả lời tôi nói ngay với thày là không thể trả lời câu 1 vì phức tạp quá. Thày gật gù "Ладно, отвечайте второй вопрос!" Tôi trả lời trơn tru được nửa câu, thày nhìn vào giấy nháp, không hỏi thêm nữa rồi yêu cầu tôi vẽ sơ đồ các máy. May quá, tôi biết tới 29 sơ đồ vì thấy hay nên bỏ công ra học. Quyết lấy điểm 4. Mấy phút sâu thày lẳng lặng đến chỗ tôi ngồi và thu tờ giấy nháp. Tôi sợ hãi, nói chưa vẽ hết. Không 1 tiếng trả lời, thày quay lại bàn thì ghi ngay vào sổ của tôi chữ "отл.". Tôi không tin vào mắt mình nữa. Ra khỏi phòng thi, các bạn Nga và Việt xúm lại hỏi, tôi đưa sổ điểm cho họ xem. Ai cũng ngạc nhiên. Sau buổi thi ấy mọi người nói chắc là thày cho điểm sẵn từ trước rồi. Còn may vài lần nữa, nhưng chỉ xin kể 1 chuyện thôi.

            Trên đây tôi đã nhắc tới phòng thí nghiệm vật lý. Đây là nơi khởi đầu của những "trừng phạt" mà tôi phải chịu đối với môn vật lý, cả về lý thuyết lẫn thực hành. Đó là năm thứ 2. Lần ấy tôi đến thực tập mà không xem bài trước ở nhà. Tôi đọc vội bản hướng dẫn tại phòng thí nghiệm rồi bắt đầu nối một mạng điện. Bỗng nhiên, chuông réo lên, tôi hiểu là mình đã làm sai. Cô giáo Tachiana (đồng thời cũng dạy lý thuyết) nhìn tôi với vẻ không hài lòng, cô bảo tôi làm lại. Tôi thay đổi vị trí vài linh kiện rồi cắm phích vào ổ điện. Chuông lại réo lên. Phải làm lại lần nữa, cuối cùng cũng qua được. Nhưng hậu quả đang ở phía trước. Cuối năm có зачёт thực hành, các thày cô thường giải phóng cho những người hàng ngày làm tốt các bài thực tập. Cô Tachiana giải phóng cho gần hết mọi người trong tổ, cả tây và ta. Chỉ có 2 người phải đến cho cô kiểm tra: tôi và anh Tô Duẩn (người sau này không hoàn thành nhiệm vụ học, phải về nước sớm). Sau thực hành là thi vật lý lý thuyết. Tôi thich môn này nên học khá kỹ. Trong lúc trả lời các câu hỏi, cô  Tachiana liên tục khen "молодец", "молодец". Kết thúc thi cái "молодец" của tôi chỉ đáng giá 4 điểm trong sự ngỡ ngàng của tôi và các bạn cùng ngồi trong phòng thi khi đó.  Cô giáo vẫn chưa quên cái tội của tôi trong phòng thí nghiệm.

            Học tốt, làm tốt thì được điểm cao. Không ai nghi ngờ điều này. Nhưng có lúc tôi lại không được điểm cao vì lý do này. Đó là môn vẽ kỹ thuật. Tôi cũng thích các môn học tinh vi và cần đôi chút khéo tay nên rất thích vẽ kỹ thuật, luôn cố gắng vẽ cho chính xác và đẹp. Vậy mà tôi liên tiếp chỉ được điểm 4 trong khi một số bài được 5 rõ ràng không bằng bài của tôi. Thế rồi cũng có ngày tôi được 5 điểm. Lần ấy chị Thanh Tâm kể lại với tôi là chị có mặt khi thày chấm bài, thấy tôi chỉ được 4 chị hỏi tại sao vẽ tốt thế mà thày không cho 5. Các bạn khó mà đoán được câu trả lời của thày: "Chắc là nó nhờ ai vẽ hộ, sinh viên làm sao vẽ được thế này". Chị Tâm nói luôn là tôi tự vẽ. Từ đó tôi không còn điểm 4 của môn này nữa.

             Chuyện thường ngày của sinh viên kể mãi cũng không hết được. Tôi tin rằng ai cũng có 1 kho chuyện và muốn được chia sẻ. Về phần tôi, xin được tạm dừng ở đây. Hẹn còn gặp lại.


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 26-02-2011 21:09






Xem 11 - 12 của tổng số 12 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: NghiPH
26/02/2011 22:40:54

Chị Thục Anh nhớ được rất nhiều chi tiết về trường, về bạn học, về  sinh hoạt và học  tập của khóa I.


Khu trường cũ mà các chị đã từng học sau này hình như là khoa Luật của bọn em tiếp quản. Em  thấy rất lý thú với các chi tiết: Kiên trì xếp hàng mua vé xem phim hợp tác Pháp- Italia của các chị; chuyện xin đi tập bắn súng bằng cả súng trường và súng lục ở trường bắn gần rạp 40 let (nghe nói công an ta bây giờ cũng không có đạn để tập bắn thường xuyên); đi hoạt động đối ngoại, hát cả bài hát bằng tiếng Moldavia mà chị đoán là hình như hát về Phrunze…


Hóa ra khi  đó chưa có hệ thống đường ống dẫn gaz chung nên các chị ít nấu ăn tại ký túc xá. Đi lao động ở nông trang mà cái chị nói là đi “trại tế bần”, tìm được chỗ bù khú với nhau ở tầng ngầm ob. 3 mà chị gọi là “chuồng cọp”. Sau này bọn em cũng có biết là có tầng hầm nhưng người ta đã  khóa lại.


Rồi nữa, sinh viên thời nào cũng thiếu tiền đến nỗi vào nhà ăn chỉ dám lấy cốc nước chè. Bọn em sau này cũng có lúc phải đi “mót” tiền bằng cách lấy chổi quét kỹ căn phòng  để hy vọng tìm được mấy kopek mua cái bánh mì về ăn với nước chè.


Khi anh Nguyễn Huy Hoài bị ốm, các anh chị đã quan tâm chăm anh ấy rất chu đáo. Rất tiếc anh Hoài đã ra đi rất sớm.  


Chị Thục Anh  có một trí nhớ tuyệt vời về cuộc sống sinh viên của khóa I KGU.  Tuy chị không kể nhưng em cho rằng, phong trào thể thao đã sôi nổi từ thời các anh chị khóa I,  phải không ạ.


 



Từ: ThanhLK
26/02/2011 22:16:26

Chị Thục Anh ơi, chị giỏi thật đấy, viết bài dài như  vâỵ mà vẫn "Hẹn còn gặp lại".


Em tưởng chỉ có nữ khóa CL 77 của bọn em là nghịch ngợm, vậy mà các chị cũng có "trại tế bần", "chuồng cọp", "xem phim đã rồi học” và xem phim tư bản...Đúng là thờì sinh viên ở Mônđavi có những kỷ niệm mà khi một người viết ra ai cũng thấy tâm đắc vì như là đang được nghe kể lại chuyện của mình. Tuy nhiên phải công nhận trí nhớ của chị thật tuyệt vời. Đã qua gần nửa thập kỷ mà chị vẫn nhớ như in những kỷ niệm thời sinh viên trong sáng và sôi nổi ấy.


Cám ơn bài viết của chị đã cho chúng em, lớp người sau này hiểu rõ hơn thời sinh viên của các anh chị khóa đầu tiên ở KGU.




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s