Nghe Ngô Bảo Châu nói về Bổ đề cơ bản
Vợ chồng tôi chụp ảnh cùng GS Ngô Bảo Châu và GS Hồ Ngọc Đại.
Mấy hôm trước tôi nhận được email mời tham dự buổi giao lưu của GS Ngô Bảo Châu với sinh viên Đại học FPT. Dù đang rất bận nhưng tôi vẫn quyết tâm đến dự, chắc đây là dịp có thể tiếp xúc trực tiếp với Ngô Bảo Châu (chứ biết qua mạng và báo chí thì cũng kha khá rồi). Sáng thứ 7 tôi chủ động được thời gian, mà hôm nay chẳng có cuộc họp nào. Không những thế, Nguyệt vợ tôi, cũng muốn tham dự. Thế mới biết sức hút của Ngô Bảo Châu lớn đến nhường nào.
Tham gia buổi giao lưu còn có GS Hồ Ngọc Đại, nguyên Hiệu trưởng trường thực nghiệm, nơi Ngô Bảo Châu đã học cấp 1. MC buổi giao lưu là “GS” Cù Trọng Xoay, một cán bộ FPT nhưng đang khá nổi tiếng với chuyên mục “Hỏi xoay đáp xoáy” trên VTV3.
Ngô Bảo Châu (tôi xin được không dùng chức danh GS trong bài viết này, vì Châu còn rất trẻ, rất gần gũi với tôi và các bạn trẻ khác) được giới thiệu mở đầu buổi giao lưu như là nhân vật hot nhất của VN trong 2010, hơn bất cứ diễn viên, ca sỹ, người mẫu hay cầu thủ bóng đá nào. Nếu nói về số lượng người hâm mộ muốn xin chữ ký và chụp ảnh cùng, Ngô Bảo Châu vượt xa những nhân vật kia. Tôi đã chứng kiến điều đó trong buổi sáng hôm nay khi Ngô Bảo Châu đã chụp không biết bao nhiêu ảnh và ký không biết bao nhiêu chữ ký. Một hiện tượng trong năm 2010 của VN, của giới Toán học thế giới. Lần đầu tiên một nước đang phát triển được ghi danh vào bảng giải thưởng Fields danh giá, mà đến năm nay mới chỉ có 15 quốc gia có vinh dự này.
Câu hỏi đầu tiên cho Ngô Bảo Châu là cảm giác thế nào khi trở thành người nổi tiếng, dù là bất chợt. Châu không trả lời thẳng câu hỏi, mà kể chuyện rằng trong những ngày ấy, khi ánh hào quang của giải thưởng Fields đang vây quanh anh, cô con gái út của Châu đã thốt ra câu nói: “lớn lên con chẳng học giỏi đâu”. Đủ hiểu rằng làm người nổi tiếng cũng rất nhiều phiền phức. Tuy nhiên Châu cũng nói thêm bây giờ Châu dành nhiều thời gian cho công việc không phải là khoa học, không như trước kia nghiên cứu khoa học chiếm hầu hêt thời gian của Châu. Một câu trả lời rất thật, rất trách nhiệm với cộng đồng người VN. Hôm nay anh đã dành phần lớn thời gian cho sinh viên Đại học FPT. Anh nói về Viện toán cao cấp mà anh tham gia thành lập là để tạo môi trường cho những người làm Toán ở nước ngoài về cùng làm việc với những người trong nước. Anh sẽ dành thời gian nhiều hơn cho việc đào tạo (Châu nhận thấy đã làm việc đó chưa tốt khi kể ra những NCS đã không bảo vệ thành công khi làm cùng Châu). Không phải ai cũng thấy được vai trò, giá trị của mình với những người khác khi đã đạt được những đỉnh cao như Châu.
Các câu hỏi tiếp theo là về niềm đam mê Toán học được hình thành trong Châu ra sao, những khó khăn thách thức lớn nào mà Châu đã vượt qua. Khi làm luận văn tiến sỹ, sang đến năm thứ 3 Châu vẫn chưa có kết quả gì. Anh vẫn kiên trì, và rồi đã giải được bài toán do thầy giáo đặt ra (mà người thầy khi đặt bài toán cũng chưa biết sẽ giải nó thế nào). Sự kiên trì là rất cần thiết cho những ai muốn đạt được đỉnh cao khoa học. Châu đã nghiên cứu bổ đề cơ bản từ khi tốt nghiệp đại học cho đến khi chứng minh được nó hoàn toàn vào năm 2008. Đó là điều mà Châu muốn gửi tới các em sinh viên.
Một câu hỏi dành cho Châu mà nhiều người trông đợi: Bổ đề cơ bản là cái gì. Tôi đã hỏi Châu mấy hôm trước qua email và có nhã ý nhận được câu trả lời trong 1 trang A4. Rất tiếc Châu chuyển cho tôi mấy đường dẫn để có thể đọc tham khảo, vì tôi chỉ muốn hiểu nôm. Còn hôm nay, trước các sinh viên, Châu nói nôm na là: "Có thể hiểu đơn giản, Bổ đề nói về hai con số, được tính toán bởi các phép tích phân trong các ngữ cảnh khác nhau, phải bằng nhau. Nhiều người đã cố chứng minh chúng bằng nhau nhưng chưa được. Tôi nhìn hai con số đó theo một góc độ khác và đã chứng minh được chúng bằng nhau". Với một kẻ đã từng học Toán, kiến thức của tôi về Bổ đề cơ bản được mở rộng thêm một lượng là epsilon (ký tự Hy Lạp thường được dùng để chỉ sự vô cùng bé trong Toán).
Nhiều câu hỏi trong buổi giao lưu được gửi tới Ngô Bảo Châu nhưng tôi không muốn đề cập hết ở đây. Có một thông điệp hay mà Châu cũng đã gửi tới các sinh viên trong buổi giao lưu: "Làm khoa học chỉ là vì đam mê khoa học, chứ đừng vì những thứ khác". Điều tưởng như đơn giản đấy không phải lúc nào cũng đúng, nhất là với những người làm khoa học trong điều kiện khó khăn hiện nay tại VN.
Buổi giao lưu thêm phần đa dạng với sự có mặt của GS Hồ Ngọc Đại. Ông là một nhà sư phạm nổi tiếng hết mình vì sự nghiệp cải cách giáo dục của VN. Ông nói nhiều về Châu khi học ở trường thực nghiệm. Tôi chỉ nhớ được 2 ý của ông: "Châu sống và nghĩ rất thật" và "Câu trả lời rằng ai đã đóng góp nhiều nhất cho những thành tựu của Ngô Bảo Châu: đó chính là cá nhân Châu". Tôi nhận rõ sự kính trọng của Châu đối với người thầy giáo già, cũng như sự tự hào của GS Hồ Ngọc Đại đối với cậu học trò của mình. Đó là sự kính trọng nhau của những nhân cách lớn.
Sau hơn hai tiếng, buổi giao lưu cũng đi đến kết thúc. Lần lượt các các nhóm sinh viên, cán bộ trường Đại học FPT được chụp ảnh cùng Ngô Bảo Châu với sự ngưỡng mộ lớn tới anh. Mọi người xếp hàng để được chụp ảnh hay xin chữ ký. Biết bao nhiêu người xin chữ ký, lên đủ các vật dụng khác nhau: ảnh, bưu thiếp, cuốn sổ, thậm chí cả giấy mời buổi giao lưu hay cái cốc uống nước, miễn là lưu lại được chữ ký của Châu. Châu ân cần ký, vui vẻ chụp ảnh với một sự độ lượng, tự nguyệt mà tôi phải khâm phục. Hình như anh ý thức được việc làm của mình, tuy mất thì giờ, nhưng mang lại niềm vui, niềm tự hào cho những người khác. Châu làm việc đó như một sứ mệnh được trao. Mà đâu chỉ có hôm nay, chắc những buổi như thế này nhiều lắm. Tôi và Nguyệt cũng chụp ảnh với Châu như mọi người, có nói thêm một ý với Châu: "Em ở A0, anh ở Chu Văn An, còn chị Nguyệt ở Sư phạm, toàn những lò chuyên Toán ở miền Bắc đấy".
Buổi trưa lãnh đạo nhà trường mời cơm Ngô Bảo Châu và GS Hồ Ngọc Đại. Tất nhiên tôi và Nguyệt cũng ghé theo, chẳng gì tôi có chân trong HĐQT Đại học FPT. Không những thế con trai chúng tôi, cháu Ngọc Minh, sau buổi tan trường cũng đến dự cùng. Tôi cũng cần biết khai thác cơ hội gặp người nổi tiếng. Mặt khác Ngọc Minh cũng từng học ở trường thực nghiệm, cháu cần đến chào thầy hiệu trưởng. Sẵn có đàn piano, cháu Minh đã được yêu cầu đàn một bài tặng cho thầy Hồ Ngọc Đại và anh Ngô Bảo Châu.
Tại bữa cơm trưa chúng tôi nói được nhiều chuyện hơn. Châu kể thêm về hệ thống giáo dục đại học ở Pháp, ở Mỹ. Câu chuyện dẫn tới ý kiến của Ngô Bảo Châu: "Một đại học muốn thực sự đào tạo tốt phải là một trường phi lợi nhuận". Anh bạn hiệu trưởng Đại học FPT nhìn tôi nói thêm: "Các anh có dám để trường phi lợi nhuận không?, hay năm nào cũng ép bọn em doanh thu và lợi nhuận!". Tôi mạnh dạn trả lời: "Tại sao không, chỉ cần có lộ trình và khi các bạn đã có một thương hiệu mạnh", tuy biết rằng với điều kiện cụ thể ở VN, ở FPT, điều đó không dễ thực hiện.
Tôi cũng hỏi thêm về hướng nghiên cứu mới của Châu. Châu cho biết anh vẫn tiếp tục nghiên cứu về Chương trình Lenglangs. Chương trình đó còn nhiều vấn đề lắm, Bổ đề cơ bản mới chỉ là một hướng, và nó đã được giải quyết trọn vẹn. Châu kể thêm, Lenglands sau này chuyển sang nghiên cứu vật lý lý thuyết, bởi vì rất nhiều kết quả hay của chương trình mang tên ông chỉ là giả định và luôn phải kèm câu "Nếu Bổ đề cơ bản mà đúng thì.. ". Nhiều người chọc quê Lenglands: "Nếu bổ đề sai, các kết quả kia vứt hết". Nay ông quay lại nghiên cứu Toán sau khi Châu đã chứng minh xong Bổ đề cơ bản.
Vợ chồng tôi, cháu Ngọc Minh và Ngô Bảo Châu
Các cô nhân viên nhà hàng cũng tranh thủ xin chữ ký của Châu. Còn chúng tôi tiếp tục chụp thêm ảnh với Ngô Bảo Châu. Châu vẫn vui vẻ ký, chụp, như buổi sáng, càng thấy rõ đó đúng là một sứ mệnh của Châu.
Chúng tôi chia tay nhau. Tôi chúc Châu có thêm nhiều kết quả trên hướng nghiên cứu mới.
Một ngày thứ 7 dễ chịu với tôi. Dễ chịu bởi gặp được một nhân cách lớn. Châu nói chuyện rất dễ hiểu, nhẹ nhàng nhưng luôn có những ý sâu sắc. Đặc biệt Châu rất dễ gần, Châu không hề có biểu hiện ngôi sao hay người nổi tiếng (dù rằng thực sự Châu rất nổi tiếng và là một ngôi sao khoa học).
Từ lâu tôi đã biết đến một định lý: "Những tài năng thực sự bao giờ cũng là những nhân cách lớn". Hôm nay tôi được thêm một minh chứng cho định lý đó.
Người post: NgocBQ
Ngày đăng: 06-03-2011 01:01
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |