DƯ ÂM CUỘC GẶP MẶT VỚI GS MAI XUÂN LÝ
Tác giả: Meomun
Cuộc gặp mặt cuối tuần giữa người KGU SG với giáo sư Mai Xuân Lý có lúc biến thành cuộc mạn đàm về văn chương và trình diễn ca nhạc rất hấp dẫn và lý thú. Anh Lý là nhà khoa học, nhưng lại rất quan tâm và hiểu biết sâu sắc chuyện văn thơ, có lẽ do anh cũng là người làm thơ. Anh sôi nổi bàn chuyện thơ Olga Becgon thì Bằng Việt hay là Thụy Anh dịch hay hơn. Hóa ra anh Lý có biết nhà thơ trẻ Thụy Anh và đã từng đọc thơ Thụy Anh ở Ba Lan.
Một lúc sau, cuộc gặp mặt biến thành buổi biểu diễn văn nghệ cây nhà lá vườn một cách hết sức tự giác và nhiệt tình. Các chị Diệu Linh, Tuyết, Lâm, Lam, Hòa, Bồng Lai, Phương Thoa… tranh thủ diễn tập các tiết mục Du Xuân, đặc biệt là có bài hát “chế” rất vui và đầy màu sắc CCCP của anh Châu (“he hé” chút thôi, chứ kiên quyết giữ bí mật đến phút cuối cùng). Nghe xong anh Thắng gật gù: “- Chuẩn! Thế mà Xuân Ba cứ lo mục văn nghệ nghèo nàn!”
Anh Châu mở Ipad tìm các bài hát vượt thời gian như “Đàn sếu”, “chiều Moxkva”, rồi bài “Goodbye my love, goodbye” của Demis Roussos... Thế là mọi người quây lại quanh cái Ipad để nghe lại những bài hát nổi tiếng về cuộc sống, về tình yêu thập niên 60-70 thế kỉ trước. Ai đó nhắc tới Robertino làm tất cả như sôi động hẳn lên. Rồi tất cả như đều đắm chìm trong tiếng hát trong veo đầy quyến rũ và mê hoặc của Robertino, giọng hát thần đồng người Italia thuở nào trong bài “Jamaica”. Chợt như vừa mới dứt khỏi những hồi ức mà bài hát mang lại, anh Uyển hắng giọng: “- Hồi ấy mình hay hát bài “Trở về Suriento” của cậu này, mà bằng tiếng Nga nhé! Nhưng không biết lâu rồi còn nhớ lời không…?
Được mọi người cổ vũ nhiệt liệt, anh Uyển đã cất giọng hát ngọt ngào đưa tất cả “Trở về Suriento” (tiếng Nga là "Вернись в Суриенто"). Đặc biệt là sau 40 năm mà anh không hề quên lời bài hát bằng tiếng Nga. Anh dừng một lúc rồi mà mọi người vẫn còn im lặng, dường như đâu đây gần lắm là một thời thanh xuân trong trẻo và đầy nhiệt huyết ở cái “thành phố trắng” xa xôi ấy, đến nỗi quên cả vỗ tay cám ơn. Các chị thì trêu anh Uyển: “- Tưởng hổi ấy có“động lực”thì mới hát hay thế, hóa ra bây giờ hát vẫn hay!” Được đà, anh Uyển hát luôn một loạt các bài “tủ” để tặng mọi người, những bài hát “một thời và mãi mãi” với những ai đã để lại một thời trẻ trung của mình ở cái xứ sở CCCP ấy như “"Волга течет", "Берега"... Anh Châu chợt phát hiện: “ - Này, nhiều từ tiếng Nga không thể dịch ra tiếng Việt chính xác được nhỉ! Như cái từ “умалаю” trong bài “Trở về Suriento”, sao mà hay thế! Tiếng Việt dịch ra gì bây giờ? Không lẽ “anh lạy em???”
Anh Thắng chen vào: “-Có chứ, tiếng Việt có từ tương đương chứ, trong thơ Nguyễn Bính ấy, trong bài gì mà có chữ “van em” ấy nhỉ, MM?”
Em MM cũng gật gù: “ - Dạ đúng, trong thơ Nguyễn Bính ông ấy nhiều lần sử dụng từ “van”…. Thế nhưng tiếp theo thì em MM tắc tịt, không nhớ ra nổi những câu thơ của Nguyễn Bính. MM vò đầu bứt tai rồi quay qua anh Lý than thở: “ - Chắc em có biểu hiện bệnh “Aizemmơ” mà lúc nãy anh nói rồi!”
Cuộc vui nào rồi cũng tàn, mà lại phải tàn sớm, để anh Lý nghỉ để sáng mai còn bay về Ba Lan, nơi có những người thân yêu nhất của anh đang chờ đợi. Đến đêm thì em MM gửi email khoe là trên đường đi về nhà, em ấy đã nhớ ra những câu thơ của Nguyễn Bính có từ “van”! May cho MM nhé, lúc ấy muộn rồi nên đường sá chắc cũng ít xe cộ, nên MM thả sức mà nghĩ đến thơ!
MM bảo bài “Chân quê” thì ai cũng biết rồi, câu ấy là: “Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa”. Nhưng còn 1 bài nữa cũng của Nguyễn Bính, bài “Xa cách” có từ "van":
Nhà em cách bốn quả đồi
Cách ba ngọn suối, cách đôi cánh rừng
Nhà em xa cách quá chừng
Em van anh đấy, anh đừng yêu em!
Ừ nhỉ, sao cô gái trong bài thơ “khôn” thế! Miệng thì đếm con số, cố tình kể lể những núi cùng sông cho “người ta” nản lòng! Lại còn "van" một cách hết sức duyên dáng và nữ tính nữa chứ! Thế nhưng mà cô ta lại đếm số lùi, từ 4 quả đồi, xuống còn 3 ngọn suối, sau chỉ còn “đôi cánh rừng”! Ý là vẫn còn ít lắm, bằng ấy sông núi cách trở đã thấm gì, các cụ vẫn bảo “yêu nhau mấy núi cũng trèo” cơ mà!
Cuối cùng thì trong cuộc gặp mặt, những bài hát hay nhất, truyền cảm nhất vẫn là những bài hát về cuộc sống, về tình yêu. Rồi cái “từ khóa” được mọi người bàn luận vui vẻ ( “Умалать” trong tiếng Nga và “van” trong tiếng Việt) vẫn liên quan đến chủ đề tình yêu, bất kể những người tích cực tham gia là thuộc thế hệ A50 hay U70…
Người post: KhanhT
Ngày đăng: 15-03-2014 21:09
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |