KGU News >>Người KGU
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 08 Tháng năm 2016

ĐỖ XUÂN QUANG - MỘT NGƯỜI KGU XUẤT CHÚNG




Tác giả: CucNT

ĐỖ XUÂN QUANG – MỘT NGƯỜI KGU XUẤT CHÚNG

Tôi học sau anh hai năm ở trường Đại học Tổng hợp Kishinew, ấn tượng về anh đọng mãi trong tôi anh là một người nhân ái, chăm chỉ, sôi nổi, nhiệt tình, thông minh. Chúng tôi ở cùng ký túc xá, hàng ngày gặp nhau ở bếp nấu ăn, lúc nào có anh là lúc đó có những tiếng cười vì anh thật dễ gần và vui tính.

Học xong  năm 1989, anh về nước với tấm bằng cử nhân luật. Từ nhỏ anh ước mơ trở thành luật sư và anh được phân công làm việc tại tòa án Buôn Ma Thuột. Những năm tháng đó, đất nước đang bắt đầu thực hiện chính sách đổi mới. Lương luật sư quá thấp lại ở miền núi xa xôi nên là con người năng động, anh nghĩ đến những bứt phá trong sự nghiệp để trở thành một doanh nhân. Lúc đó, có người chú làm ở Vinatrans cho biết công ty bắt  đầu hợp tác với các tàu biển của Nga, cần một người giỏi tiếng Nga. Vậy là anh chọn đầu quân cho Vinatrans- Một trong ba doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics.

Tôi về phép, ngồi cùng anh một lúc trong quán cà phê gần sân bay Tân Sơn Nhất. Anh dặn đi dăn lại: “Học đi em, ráng học tốt và học thêm tiếng Anh cho giỏi để về nước làm việc tốt. Đất nước đang cần lắm những người có trình độ, tri thức.” Vào những năm đầu 90 của thập kỷ, Việt Nam còn nghèo đói lắm, những người học xong về nước trước tôi có chung một lời khuyên,: “ở nước ngoài, gắng kiếm tiền rồi hẵng về nước hoặc tìm cách ở lại chứ về nước lương ba cọc ba đồng khổ lắm!”. Anh là người duy nhất khuyên tôi phải tranh thủ từng giây từng phút học thêm ngoại ngữ, chiếm lĩnh thêm nhiều tri thức của nhân loại để về nước làm việc tốt. Tôi đã chẳng làm được như anh khuyên nhưng tôi nhớ mãi lời anh dặn.

Tôi về nước, sau anh 10 năm, chẳng có bằng tiến sỹ cũng không có bằng cử nhân Anh văn. Đôn  đáo chạy tìm việc khắp nơi, ở đâu cũng cần người giỏi tiếng Anh chứ không cần người biết tiếng Nga, tôi tự trách mình đã chẳng nghe lời anh.

10 năm anh có những bứt phá ngoạn mục trở thành doanh nhân thành đạt, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần vận tải Ngoại thương ( Vinafreight), tôi làm đủ việc linh tinh để kiếm sống. Mọi người khuyên tôi tìm anh để nhờ xin việc nhưng tôi không dám vì tôi không có những kiến thức và kỹ năng mà anh mong đợi.

Rồi chúng tôi gặp nhau, anh tài trợ vé cho thầy cô dạy chúng tôi ở Mondova qua tham quan Việt Nam.  Tôi rất biết ơn anh, thiếu gì người giàu nhưng mấy ai có tấm lòng rộng mở như anh. Cả hội trường rộn rã tiếng cười vui của thầy trò gặp nhau sau bao năm xa cách. Anh đến, niềm nở, vui vẻ nhiệt tình bắt tay tất cả. Anh chẳng quên tên ai, với ai anh cũng coi như bạn bè thân thiết và ân cần hỏi thăm tôi. Mặc cảm về khoảng cách vị trí trong công việc, địa vị xã hội  với anh xóa nhòa trong tôi.

                            Thầy trò Kgu hội ngộ


Rồi chúng tôi gặp nhau nhiều hơn. Dù bận rộn với bao nhiêu công việc, vợ chồng anh vẫn có mặt, đi cùng chúng tôi xuống Đồng Nai, Cần Giờ vv hội tụ cùng bạn bè. Đi đâu anh cũng mang theo cả túi bánh kẹo, rượi bia loại ngon để đãi cả hội.

Tôi có dịp “phỏng vấn” anh để hiểu về anh nhiều hơn.

Ban đầu anh làm  mảng vận tải hàng hải cho Vinatrans, sau đó anh chuyển sang làm mảng vận tải hàng không. Chúng ta học luật nên đó là một lợi thế rất lớn cho công việc. Luật là một ngành học có tính chuẩn mực cao giúp chúng ta hiểu rõ các quy định, thủ tục và lập quy trình làm việc, từ đó ứng dụng và việc điều hành và quản trị công ty. Trong cuộc sống lắm lúc ta không thể tính trước con đường sắp tới của mình nhưng khám phá ra những cơ hội để tận dụng nó và biến nó thành công từ nổ lực của cá nhân là rất quan trọng. 

Khi làm trong lĩnh vực Logistics, anh đã phát hiện ra rất nhiều cơ hội trong lĩnh vực này. Trước năm 1975, ở Miền Nam đã có những công ty tư nhân khai thác dịch vụ logistics nhưng quy  mô nhỏ, còn ở Miền Bắc thì ngành này hoàn toàn phục vụ mục đích quân sự. Sau năm 1975 nhà nước giữ vai trò độc quyền khai thác ngành dịch vụ này. Đầu thập niên 1990, nhà nước xóa thế độc quyền, mở cửa cho các doanh nghiệp tư nhânvà từ đó ngành logistics tư nhân phát triển mạnh. Ngành logistics  đối với Việt nam tương  đối mới mẻ. Hiện nay, với việc Việt Nam gia nhập TPP, ngành logostics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào những trung tâm giao dịch vận tải thế giới. Tuy nhiên trong thời gian qua các doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa thực sự tìm được tiếng nói chung với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên đang thua ngay trên sân nhà. Thống kê của VLA cho thấy hiện Việt nam có khoảng 1.300 doanh nghiệp logistics đang hoạt động. Trong đó các công ty điều phối logistics nước ngoài chỉ có khoảng 25 doanh nghiệp hoat động nhưng  lại chiếm 80% thị phần. Còn lại gần 1.300 doanh nghiệp logistics nội địa Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% thị phần. Mỗi năm chi phí logistics ở Việt nam chiếm khoảng 37-40 tỷ USD, 30-35 tỷ USD  trong số đó thuộc về các doanh nghiệp ngoại, coi như phần ngon nhất của “miếng bánh” logistics Việt Nam đang nằm trong tay các  doanh nghiệp nước ngoài.   “Ôi! Tiếc quá”, tôi xuýt xoa tiếc rẻ.

Em không hiểu gì nhiều về lĩnh vực logictics, em chỉ biết anh là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực này. Em muốn biết thêm về quá trình phấn đấu của anh.

Trước  đây, Vinafrieght chủ yếu phục vụ vận tải hàng hải. Năm 2003, với tư cách Chủ tịnh HĐQT anh quyết định thành lập thêm Vector Aviation, chuyên cung cấp tải hàng không cho thị trường, đóng vai trò tổng đại lý cho 28 hãng hàng không nước ngoài, chịu trách nhiệm gom hàng hóa từ các doanh nghiệp giao nhận.

 Năm 2007 anh chính thức mua tải và phát triển các tuyến đường xung quanh thay vì chỉ làm đại lý như trước. 

Khi giai đoạn bán sỉ thành công rồi, anh tiến hành bước tiếp theo là lập luôn hãng máy bay riêng để vận chuyển hàng hóa Bắc Nam.

Ai cũng lo ngại cho rằng mở hãng hàng không là đốt tiền, phản ứng ban đầu của Ban quản trị công ty là không ủng hộ vì họ cho rằng nó vượt quá sức của công ty nhưng mở hãng hàng không chuyên vận tải hàng hóa đầu tiên tại Việt nam là ước mơ anh ấp ủ cả cuộc đời và anh tin là anh làm được vì mỗi bước đi của anh đều rất logic.

Anh là người phát hiện ra thị trường, một thị trường chưa ai khai phá.Trước khi anh làm thì việc thuê máy bay chưa ai làm, chưa ai dám thuê máy bay, thuê trực thăng riêng cho khách Vip.

Anh luôn kiếm duoc lợi nhuận dù thị trường luôn phải cạnh tranh một cách khốc liệt bởi anh luôn chớp được cơ hội và Việt Nam luôn là một nước có cơ hội. Một nguyên tắc chung hiện nay là người bán hàng không nhất thiết là nhà sản xuất, người mua hàng không cần phải là người tiêu dùng cuối cùng, do vậy nhà đại lý vẫn tồn tại và phát triển, xã hội cần nhà  phân phối và đại lý. Anh kể tôi nghe về những “ngách” thị trường anh tìm kiếm được lợi nhuận thật ngoạn mục. Jamaika là một nước rất nhỏ với vài chiếc máy bay nhưng nó vẫn thuộc Hiệp Hội hàng không quốc tế. Tại Châu Á Thái Bình Dương không hề biết đến hãng hàng không này. Anh đến gặp chủ tịch hãng đặt vấn đề: “Bây giờ Châu á Thái Bình Dương không ai biết các ông, vậy ông cho tôi làm đại diện cho hãng tại khu vực này với tên Hãng hàng không Jamaika. Sau đó các ông sẽ có doanh số, có lợi nhuận, có tiếng tăm tại Châu Á – Thái Bình Dương , đồng thời tôi cũng phát triển thương hiệu cho hãng. Hãng hàng không Jamaika có thể kiếm lợi nhuận 4.000UDS / 1 ngày, 120.000 USd / 1 tháng và hơn 1 triệu UDS trong một năm. Về phía công ty của mình, nếu hãng hàng không kiếm duoc 1000 USd thì anh lấy phí 80% còn Jamaika 20% như kiểu nhượng quyền thương hiệu. Anh làm như thế cho rất nhiều hãng hàng không quốc tế. Và đây là một khái niệm rất mới về hàng không ảo, không phải ai cũng làm được. Những điều này, anh đã kể cho một số nhà báo nghe nhưng tôi thì lần đầu tiên nghe được. Tôi tròn xoe mắt,  mọi người vẫn  thường nói, kinh doanh bất động sản là siêu lợi nhuận nhưng tôi chưa thấy ai làm ăn hiệu quả như anh.

Anh tham gia ngành logistics đã  25 năm và gia nhập Hiệp hội logistic Việt Nam đã 16 năm. Năm 2010  anh được  bầu làm chủ tịch Hiệp Hội.

Ngày 27-29/09/2012 Hội nghị Hiệp hội  thường niên lần thứ 22 của AFFA tại Manila, PhiLipin  đã bầu anh làm Chủ tịch liên đoàn các Hiệp hội giao nhận, Vận tải và Logistics Đông Nam Á ( AFFA). Theo chủ tịch FIATA, ông Staley Lim ( Singapore) , thời gian qua ông có theo dõi sự thay đổi và phát triển ngành giao nhận vận tải và logistics của VN, VN đã đóng góp rất tích cực trong việc xúc tiến, đề xuất các chương trình hành động của Hiệp hội AFFA và đảm nhận các trách nhiệm quan trọng trong tổ chức Hiệp hội nên nhiệm kỳ này hiệp hội đã bầu ông Đỗ Xuân Quang vào vị trí Chủ tịch.

Ông Stan Ley Lim cùng anh Đỗ Xuân Quang và các đối tác khác.


Ngành logistics  đối với Việt Nam là khá mới mẻ. Kinh doanh là việc kinh doanh, tham gia hiệp hội là hoạt động xã hội của anh nhằm mục đích đưa logistics Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. Anh đã làm tất cả cho điều đó, cho ngành logistics Việt Nam lớn mạnh xứng tầm với bất cứ nước nào trong khu vực Đông Nam Á.

 “Năm 2015 là thời điểm cộng đồng kinh tế ASIAN  chính thức thành lập mà Việt Nam là một thành viên. Ngay trên sân nhà, Ngành logistics VN chỉ chiếm 20% thị phần thì còn ít ỏi quá. Có cách gì để chúng ta chiếm phần đa trên sân nhà và một phần không nhỏ ở các sân láng giềng không anh? “.  Tôi mạnh dạn hỏi.

Anh cho rằng dù ngành logistics của Việt Nam chưa xứng tầm nhưng trong hai thập niên qua ngành này đã phát triển mạnh từ cơ sở hạ tầng (Cảng biển, giao thông thủy bộ, hàng không ) đến kiến trúc thượng tầng ( hệ thống pháp luật về logistics). Cách duy nhất để ngành giao nhận trong nước lớn mạnh là doanh nghiêp trong nước phải lớn mạnh lên, phải xây dựng được các thương hiệu. Các công ty giao nhận trong nước phải ngưng cuộc chiến cạnh tranh bằng giá cước và tập trung nâng cao chất lượng dich vụ. Không ai hiểu thị trường Việt Nam hơn các doanh nghiệp nội.  Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tự hoàn thiện mình để làm tốt, không nên liên doanh với nước ngoài khi mình có thể đảm đương được, khi đó mình sẽ hưởng toàn bộ lợi nhuận. Trong khi nhà nước đang có chủ trương trãi thảm đỏ để mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài thì quan niệm của anh, các nhà đầu tư trong nước phải tự hoàn thiện mình để lớn lên, để ngang tầm với các doanh nghiệp quốc tế. Quả là những ý nghĩ mạnh mẽ và tầm nhìn chiến lược.

Tôi học luật cùng anh, trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, lúc nào cũng coi kinh tế nhà nước là chủ đạo. Thật bất ngờ khi anh cho rằng “ Kinh tế tư nhân chính là động lực phát triển của xã hội”.

 “Theo số liệu mới công bố của Tổng cục thống kê, trong năm 2015, 81.000 doanh nghiệp phá sản (Tri thức trẻ ngày 26/12/2015)  thì anh cho rằng: “Thời buổi này cơ hội làm ăn quá nhiều. Cơ hội này khai thác chưa hết, cơ hội mới đã đến, không làm thì rất phí. Thông thường, người ta thích kế thừa thành quả của người khác rồi phát triển thêm. Còn bản thân anh lại muốn xây dựng từ con số o. Anh đã xây dựng thành công Vector Aviation và bây giờ là Vietjiet Air Cargo.

 Thi thoảng đi đâu, tôi thường chọn hãng hàng không Vietjet Air.com vì có vé máy bay giá rẻ và thầm nghĩ hãng hàng không này rồi sẽ lỗ như Jetstar Airline hoặc một số hãng hàng không tư nhân khác thôi. Nhưng càng ngày tôi thấy hành khách chọn Vietjet Air càng đông và khi nói chuyện với anh tôi “vỡ” ra nhiều điều. Anh đã sử dụng Vietjet Air để chuyên chở hàng hóa và đó là việc hiện nay chưa ai làm. Bán vé máy bay có thể lỗ nhưng anh đã lấy khoản lãi ở vận chuyển hàng hóa bù vào. Càng ngày VietjetAir càng hoàn thiện về mọi mặt trong việc phục vụ hành khách nên khoản lỗ ở khâu bán vé ít đi và khoản lãi ở khâu vận chuyển hàng hóa càng tăng cao. Anh cho rằng chữ tín là vô cùng quan trọng trong cuộc sống nói chung và kinh doanh nói riêng.

Công ty tư nhân của tôi chỉ mấy nhân viên mà lúc nào tôi cũng cảm thấy áp lực làm thế nào để thu nhập đủ trả lương cho họ.  Làm thế nào anh có thể duy trì được đội ngũ nhân viên đông đảo cùng những chuyên gia nước ngoài chuyên nghiệp. Để doanh nghiệp lớn mạnh bền vững thì nhân sự là vấn đề quyết định, anh luôn bảo đảm thu nhấp tốt cho nhân viên và một vấn đề tôi thấy không có doanh nghiệp nhà nước nào làm được như anh là bên cạnh vấn đề về lương, ngay khi tuyển nhân viên, anh đã vẽ cho họ một lộ trình. “Chẳng hạn hiện nay, anh chỉ làm nhân viên, hai năm sau anh có thể thay mặt tôi ở nước ngoài, năm năm sau anh có thể làm giám đốc khu vực hoặc gì đó. Bản thân tôi làm giám đốc, tôi cứ ngồi đây sao các anh lên được, vậy thì các anh phải nghĩ đến chuyện làm những dự án mới để có thể làm  giám đốc ở vị trí nào đó. Chẳng hạn tôi thành lập công ty con, thành lập công ty liên doanh, nhiều chức vụ lãnh đạo đang trống, ai có năng lực đều có thể qua đó làm”. Làm doanh nhân, mục đích chính không chỉ là mang  về cho mình nhiều lợi nhuận mà phải   đào tạo thật nhiều chuyên viên giỏi, nhiều nhân viên có tay nghề cao, những người này sẽ tạo ra nhiều của cải cho xã hội em ạ! Khi có kiến thức vững chắc, sâu rộng, có ngoại ngữ tốt các doanh nhân sẽ có sự tự tin để làm việc. Anh nhận thấy tự tin là một phẩm chất quan trọng trong kinh doanh. Khi một doanh nhân tự tin đối tác nước ngoài ngay lập tức tin vào doanh nghiệp của người ấy và như thế doanh nghiệp Việt Nam sẽ lớn mạnh như doanh nghiệp quốc tế thôi…Tôi ngồi nghe anh nói càng thấm thía vì sao anh bảo ‘kinh tế tư nhân là động lực phát triển của xã hội”.

Chúng tôi tới nhà anh, một căn nhà ngang 4M, dài 17m đúc 3 lầu, khiêm tốn như bao căn nhà khác xung quanh  trong nhà mọi đồ dùng đều giản dị bày biện hết sức gọn gàng, ngăn nắp. Liên tưởng đến những đại gia đúc tượng gà vàng trên nóc, xây ghế dát vàng trong nhà tôi thấy anh thật khiêm tốn, gần gũi. Vợ anh là chị Hà cũng học ở Kishinew cùng anh xinh đẹp, dịu dàng, chị cứ trẻ mãi như ngày xưa. Anh chị mang bánh kẹo, rượu bia những gì ngon nhất ra thết đãi vui vẻ, rộn ràng như chàng trai, cô gái 20 tuổi hồi học cùng chúng tôi ở Kshinew. Anh mở máy cho chúng tôi nghe những bài hát Nga. Tôi nhìn cả chồng đĩa hát của các ca sỹ Nga anh mang về Việt Nam từ gần 30 năm trước, chìm đắm trong điệu nhạc du dương, cảm phục tâm hồn nhạy cảm và thái độ trân trọng những giá trị tinh thần vô giá của anh.

Trong nhà anh, Chị Việt Hà, vợ anh ngồi bên trái, phía ngoài, trẻ nhất trong Hội.

Cả một đời lăn lộn trên thương trường,đi 40-50 vùng lãnh thổ trên thế giới để ký kết hợp đồng , thương thảo chuyện làm ăn, tôi cứ nghĩ anh chỉ gặp gỡ những người thân yêu nhất và các đối tác quan trọng vì anh đâu có thời gian. Vậy mà vợ chồng anh vẫn vẹn nguyên trong tình bạn, chân tình, gần gũi thân thiết.

“Anh tài giỏi thế, làm gì cũng thành công, em phục anh quá!”. “Ồ! Em nhầm rồi, anh thất bại nhiều chứ, nhiều dự án không thực hiện được, nhiều lúc anh kinh doanh bị lỗ nhưng anh không bi quan. Những lúc căng thẳng, đầu óc không làm việc được, anh tạm gác mọi chuyện lại, gọi bạn thân ra quán uống cà phê, nói chuyện . Anh có rất nhiều bạn, khắp mọi miền đất nước và cả nhiều nơi trên thế giới. Bạn bè quan trọng lắm em ạ!”.Điều đó thì tôi thấy rồi, chỉ là cùng học chung với nhau mấy năm thôi nhưng anh lúc nào cũng có mặt mỗi khi chúng tôi cần đến.

                              Cựu sinh viên Kgu hội ngộ tại  Đồng Nai.


“Anh làm việc như thế, thời gian đâu mà đọc sách hả anh?”.  Anh đọc rất nhiều, nguồn tri thức trong sách vỡ đưa đến cho anh rất nhiều kinh nghiệm, kiến thức, những gì gọi là thành công ở anh một phần vì anh đọc sách nhiều đấy.  Tuổi trẻ anh làm việc mỗi ngày 12 đến 15 tiếng nhưng anh vẫn dành thời gia đọc sách, mỗi tháng anh  đọc ít nhất một cuốn sách. Anh thấy bạn trẻ bây giờ ít đọc sách quá. Anh hỏi tôi có còn yêu thơ như trước không? Tôi ngại ngùng :“cơm gạo áo tiền làm em khô cứng hết rồi’. “Phải lãng mạn em ạ! Sự lãng mạn làm cho cuộc sống chúng ta thăng hoa hơn, bay bổng hơn và dám ước mơ. Khi ta dám mơ ước, ta có đam mê để theo đuổi ước mơ. Hai mươi lăm năm trước chúng ta không bao giờ dám nghĩ đến việc ăn sáng ở Việt Nam, ăn trưa ở Băng kok, ăn tối ở Hồng Công. Đó là điều viễn vông. Bây giờ điều đó hoàn tòan làm được. Chúng ta đang sống trong thời đại có thể biến nhiều ước mơ thành hiện thực.”.  

Anh đúng là người toàn diện -Tôi thầm nghĩ.

“Em ân hận vì ngày xưa đã không nghe lời anh, không tranh thủ học khi còn trẻ, khi chưa qúa bận rộn với con cái, gia đình. Anh có nhắn gửi điều gì với thế hệ trẻ hiện nay không?”.

“Tri thức là sức mạnh. Anh không phải là người có tố chất kinh doanh bẩm sinh, tất cả những gì đạt được là nhờ học hành. Nhiều người Việt vẫn còn mang tâm lý nhược tiểu. Chúng ta thường thấy bản thân thua kém so với các bạn trong khu vực và những nước Âu Mỹ. Điều đó cần phải thay đổi ngay! Công bằng mà nói, người Việt chúng ta giỏi hơn những  nước khác về rất nhiều mặt. Chúng ta cần phát huy cái mạnh của mình”. Làm doanh nhân, mọi kiến thức đều quan trọng nhưng việc đầu tiên là nắm vững luật pháp để không vi phạm nó và có thể cạnh tranh với bất cứ đối tác nào trên thế giới. Làm doanh nhân, lợi nhuận là đích đến nhưng đừng quên điều rất quan trọng là  đào tạo cho đất nước những chuyên gia giỏi để họ có thể nhân rộng kiến thức, tạo công ăn, việc làm, thay đổi số phận  cho nhiều người và đưa đất nước Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Điều ngày xưa anh nói với em, bây giờ vẫn chưa cũ, phải nắm vững ngoại ngữ, doanh nhân Việt nam đang kém ngoại ngữ quá, điều đó hạn chế rất nhiều khả năng hội nhập quốc tế.

Ôi! Nếu doanh nhân nào cũng như anh thì đất nước Việt Nam đã tiến những bước dài, bước xa rồi. Dù hiện tại còn nhiều vấn đề phức tạp trong xã hội, được nghe những lời tâm huyết của anh, tôi thấy lạc quan hơn nhiều. Sinh ra ở vùng quê Quãng Ngãi giàu truyền thống cách mạng, anh là người con đất Việt mang trong lòng tình yêu quê hương đất nước nồng nàn.

Tôi tìn rằng ngành logistics Việt Nam sẽ có những bước tiến ngoạn mục và vững chắc khi Chủ tịch Hội là  người như anh. Xã hội Việt Nam sẽ phát  triển mạnh mẽ khi có những doanh nhân như anh làm động lực thúc đẩy.

“ Điều quan trọng không phải bạn là ai, mà chính là bạn ở bên cạnh ai.

Nếu bạn muốn thông minh, thì bạn phải ở bên cạnh người thông minh, bạn mới có thể nhìn xa trông rộng hơn.

Nếu bạn muốn xuất sắc, thì phải ở bên người xuất sắc, bạn mới có thể nổi bật.

Cuối cùng hãy nhớ, đọc sách hay, gặp cao nhân, chính là hai may mắn lớn trong cuộc đời"" ( Lê Hiếu - dịch từ Cmoney .TW).

Tôi thấy mình thật may mắn vì được là đứa em nhỏ bé của anh.

Tp. HCM 07/05/2016

 Nguyễn Thị Cúc


 


Người post: CucNT

Ngày đăng: 08-05-2016 03:03






Xem 11 - 17 của tổng số 17 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: Meomun
09/05/2016 03:50:28

@Chị THoa, Cúc: MM đã định post 1 tấm ảnh của bác Quang cách đây 30 năm, ảnh đẹp cực, nhưng vì chưa xin phép bác ấy nên cũng ngại, hì hì. 


Chắc ai cũng mong muốn Nhà nước mình và những doanh nhân VN có tâm huyết sẽ có những bước đi đúng đắn để giữ được miếng bánh ngon Logistics mà phần lớn trong tay các doanh nghiệp FDI ...,nhưng ngày đó chắc còn xa lắm.



Từ: CucNT
09/05/2016 03:25:31

Cảm ơn các anh chị đã đọc  để hiểu thêm, tự hào thêm về 1 người Kgu "trẻ". Không chỉ riêng thời các anh chị mà thế hệ KGu thời bọn em sau này cũng rất đoàn kết thương yêu, chia sẻ lẫn nhau. Có lẽ đó là đặc trưng riêng của dân Kgu mà không thành phố nào sánh nổi


 


Chờ ảnh của MM post lên.



Từ: ThoaNP
08/05/2016 22:34:34

MM nói post ảnh mà không thấy ảnh đâu hết.



Từ: Meomun
08/05/2016 20:04:56


 



Cám ơn em Cúc đã viết bài về 1 nhân vật gần gũi với các thế hệ KGU sau này. Bài viết cũng đã nói hộ MM nhiều điều, cám ơn Cúc nhiều!  


Với MM, anh Quang (mà moi người quen gọi là Quang Hà, kèm theo tên “nội tướng” xinh đẹp và trẻ mãi không già của anh) vừa là đồng hương Quảng Ngãi  mà là đồng hương khá gần (vì ngày xưa ba anh Quang và ba của  MM cùng sinh hoạt thanh niên Cứu Quốc ở xã thì phải) và anh Quang cũng là một  ân  nhân của MM, đã giúp MM  từ thuở mới về nước và loạng choạng từ Biên Hòa lên SG tìm việc làm.  Anh Quang thấy MM vất vả, làm không đúng chuyên môn nên đã nhờ bạn bè giới thiệu cho MM vào làm việc ở 1 công ty tư vấn  luật trong nước.  Hơn hai mươi năm về trước, khái niệm luật  sư, công ty luật quá là mới mẻ  và coi như phải học lại từ đầu trong công việc.  Thuở ấy máy vi tính trong công ty toàn là đời 386-486 gì đó, chạy chậm rì nhưng có nó đã là sung sướng lắm rồi. Tiếng Anh thì ú ớ, mà có ai dạy đâu, phải tự học, học vét, học lỏm vì có thời gian đâu mà cắp sách ra trung tâm. Nhờ bạn anh Quang giới thiệu (và cả kèm cặp vì anh bạn kia làm chung công ty với MM) nên MM 1 năm sau  đã vượt qua vòng gửi xe để chuyển sang đầu quân cho 1 công ty luật, bắt đầu quá trình hành nghề  luật sư tư vấn kéo dài hơn 20 năm đến bây giờ MM đã sắp về hưu, huhu. Anh Quang bận là thế, nhưng mỗi lần MM gọi điện cho anh để “bóc lột chất xám” liên quan đến logistics thì đều được anh nhiệt tình giúp đỡ.  Anh sẵn sàng chia sẻ view của mình. Đối với những vấn đề thuộc phạm vi “grey”,  nếu không biết, anh  cũng không ngại và nói rằng ”cái này anh không biết”, rất khiêm nhường.


Trong khoảng thời gian dài ấy, MM đã được nhiều bạn bè giúp đỡ, nhưng MM vẫn nhớ về “cái thuở ban đầu” khó khăn và rất ngây ngô, đúng là “may hơn khôn”, được anh Quang và các bạn của anh giúp.   Nhiều lúc cũng e ngại vì mình chẳng làm gì mà có thể trả ơn cho người giúp mình được. Nhưng như nhân vật của nhà văn Dumbatze trong tác phẩm “Quy luật của muôn đời” đã nói:   “….chừng nào còn sống, hãy gắng giúp nhau để cho tâm hồn trở nên bất tử. Anh giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp cho người khác, người ấy lại giúp cho người khác nữa và cứ như thế cho đến vô cùng…”


MM còn giữ được một số ảnh bạn bè thời Kishinev, trong đó có anh Quang, một người luôn vui vẻ, hoạt bát.  MM xin phép anh Quang post lên đây để mọi người cùng nhớ về thời sinh viên sôi nổi đã qua:


 @Chị Thoa ơi:  Từ “logistics” chị không biết cũng là bình thường mà. Bởi vì chính các  nhà làm luật Việt Nam cũng bí, chả biết dịch là gì nên đành để nguyên tên Tây “logistics” trong các văn bản luật liên quan. Không biết còn trường hợp nào mà trong văn bản luật của Việt Nam lại sử dụng từ nước ngoài như thế không.  Gọi là “Dịch vụ hậu cần” luật ” thì cũng chỉ đúng có 1 phần, kê ra đủ thì lại dài quá nên law maker đành để nửa Tây nửa ta như thế, hihi.    


 


 



 



Từ: ThoaNP
08/05/2016 15:11:12

Cảm ơn em Cúc về bài viết, giúp chị hiểu thêm về bạn bè KGU. KGU mình nhiều người giỏi thật.


(Nhờ bài của em chị phải tra chữ "logistics" mới hiểu đúng nghĩa của nó. Trước giờ thấy chữ đơn giản, cứ suy từ "logic" ra nên không hiểu đúng. Thanks nhé.)



Từ: BaLX
08/05/2016 14:37:40

Cựu SV KGU có nhiều người vừa giỏi vừa có tâm. Chúng ta tự hào về cacs bạn ấy. Các bài viết của em Cúc lúc nào cũng rất chi tiết với nhiều tư liệu. 



08/05/2016 04:41:29

Cám ơn Cúc, người giữ lửa cho KGU.




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s