"HOME SWEET HOME" hay là "HAI NGÀY Ở NYC"
- NÕI NHỚ MÙA THU
- CỦA NHÀ TRỒNG ĐƯỢC
- HAI ĐÀU CẢM XÚC
- ĐẠI CA SÁU BẮC KỲ
- NHỚ VỀ CON ĐƯỜNG XƯA
- NGƯỜI MANG ĐẾN NIỀM VUI
Tác giả: Meomun
(Các nhân vật chính trong bài không có tên, vì tôi cố gắng giữ lời hứa với chị: Không được viết gì về chị trên KGU đấy nhé! Viết xong bài, tôi lưỡng lự mãi rồi mới dám post (vì sợ bị mắng là giữ lời hứa một cách nửa vời, hihi). Lúc đầu tôi định post ở mục Ký-Luận, nhưng tôi đoán là sau khi đọc bài này, trong mỗi người đọc đều hiện lên một chân dung người KGU...)
Những ngày ở Mỹ, tôi hay để ý đến những ngôi nhà xinh xinh ở các khu dân cư. Kiến trúc nhà ở của Mỹ không cầu kỳ, không thiên hình vạn trạng, không màu mè, hướng về sự tiện lợi mà vẫn gần gũi với thiên nhiên. Nhà nào rộng rãi thì có thảm cỏ xanh, giàn hoa trước cửa và những cái cổng được trang trí thật đẹp. Nhà bé thì cũng có bậc thang gỗ nho nhỏ, cánh cửa hay lối ra vào được thiết kế đơn giản mà vẫn rất đẹp và tinh tế. Đặc biệt, trên khoảng sân vườn lối dẫn vào nhà hay trước cánh cổng vào nhà nhiều khi có những hình trang trí vui mắt và ngộ nghĩnh kèm theo mấy chữ “Home sweet home” viết cách điệu rất dễ thương, mỗi nhà một kiểu. Tôi vẩn vơ: - Không biết nên dịch là “ngôi nhà hạnh phúc” hay là “tổ ấm”, nếu những tấm biển ấy được treo trước những ngôi nhà ở Việt Nam nhỉ? Nhưng tôi thích để nguyên những từ ấy, vì khó có thể tìm từ tương ứng để cảm thấy sự trọn vẹn và thật … “ngọt ngào” như một cách giới thiệu đầy tự hào, một lời mời chân thành của chủ nhà với khách. Nó ấm áp như cái bắt tay, một cái ôm chào đón, khiến khách thấy thân thiết, gần gũi và có tâm trạng vui vẻ khi đặt chân vào nhà.
xx
Sau gần 3 tuần lang thang hết bờ Tây lại sang bờ Đông nước Mỹ, chiều hôm ấy tôi và con gái quay về TP New York để 2 ngày sau trở về Việt Nam. Kain, cậu tour guide thả chúng tôi xuống một địa điểm ở khu vực Flushing và bảo: - Tao đã gọi điện cho bạn mày để thông báo thay đổi địa điểm đón rồi, yên tâm đi! Cứ đứng trước cửa khách sạn Marco này nhé!
Thế là hai mẹ con (“tơi tả” sau những ngày đi tour) cùng với 2 cái va li đứng trước cửa khách sạn và chăm chăm nhìn vào dòng xe qua lại trước mặt để chờ chị ấy đến đón. Được 1 lúc thì tôi đâm ra lo lắng, lỡ đâu chị không đón 2 mẹ con được, vì địa chỉ đón phút cuối lại thay đổi, nghe Kain trao đổi qua điện thoại với chị thì có vẻ chị cũng không rành cái địa điểm này lắm. Trong khi tôi không có điện thoại ở Mỹ để liên lạc và nhất là tôi và chị chưa từng gặp nhau ngoài đời. Con gái tôi trố mắt: - Thế thì làm thế nào bác ấy nhận ra 2 mẹ con mình? Tôi trấn an:- Mẹ biết mặt bác ấy mà, tóc bác ấy dài dài...
Thấy cái xe hơi nào đi qua mà lái xe là phụ nữ, lại là phụ nữ châu Á là tôi lại nghển cổ nhìn, đầy hồi hộp và cả căng thẳng để rồi lại tẽn tò. Thế rồi chừng một tiếng sau thì chị đến. Không khó gì để 2 chị em nhận ra nhau, mặc dù trước mặt tôi là một phụ nữ nhỏ nhắn với tóc ngắn màu nâu sáng, chứ không phải là cô gái tóc dài như tôi vẫn mường tượng qua những tấm ảnh 30 năm trước của chị mà tôi thấy trên trang web KGU.
Từ điểm đón về đến nhà chị hóa ra cũng khá xa, dễ đến hơn nửa tiếng lái xe. Dọc đường, như đã quen nhau từ bao giờ, tôi và chị đã kịp nói đủ thứ chuyện. Chị hỏi thăm 2 mẹ con về chuyến đi chơi, nhắc đến những người bạn chung, nhiều người trong nhóm chúng tôi mặc dù chị chưa từng gặp mặt nhưng qua “nó”, chị lại biết khá rõ. “NÓ”, người đã gửi giấy mời cho tôi sang Mỹ để tôi giữ làm “bảo bối” phòng khi phỏng vấn cần tới, nhưng phút cuối cùng lại không gặp được nhau vì chương trình làm việc của “nó” quá kẹt. Và thế là thay vì bị mẹ con tôi “quậy” một vài ngày, “nó” thu xếp để “bán cái” nỗi khổ ấy cho chị, đồng môn KGU và cũng là đồng nghiệp của ông xã “nó” (tôi chịu chết không nhớ nổi ngành hẹp của chị, chỉ biết là cái gì đó liên quan đến vật liệu nano). Cũng may là chị đang dịp nghỉ hè nên chị đã vui vẻ nhận lời.
Qua “nó”, từ lâu rồi tôi đã biết chị, rồi từ ngày có trang web KGU, lâu lâu chị em vẫn trao đổi email qua lại, nhưng việc sẽ trở thành “khách không mời mà đến” khiến tôi ngại ngùng. “Nó” thì ra sức trấn an tôi, bảo tôi đừng ngại, anh chị ấy dễ thương lắm, với lại nhà chị ấy cũng thường xuyên là trạm đón khách Việt Nam. Trước khi tôi khởi hành, chị góp ý lịch trình đi chơi của mẹ con tôi, rồi theo dõi và trao đổi với tôi hàng ngày trong thời gian tôi ở Mỹ khiến tôi cảm thấy an tâm hơn.
Ngôi nhà xinh xắn của anh chị nằm trên con đường khá yên tĩnh ở Rego Park, cách trung tâm NYC chừng hơn nửa tiếng lái xe. Trước khung cửa nhà chị không có biểu tượng “Home sweet home” như căn nhà bên cạnh, nhưng có hình trang trí “Welcome neighbors” khiến tôi cảm thấy vui vui khi bước vào nhà. Mình cũng đang là một “hàng xóm” được welcome đây, tôi tự nhủ. Vào nhà, chị gọi công tử út, một cậu bé cao lều nghều với gương mặt thanh tú và đôi mắt to mơ màng như thi sĩ Byron ra xách đồ cho cô MM. Chị giới thiệu cô MM là bạn của cô “X “ (mà cô “X “ lại là... bạn thân của 2 công tử nhà chị, hihi). Tôi ngỡ ngàng, cậu bé xinh xắn như con gái, cười rất tươi trong tấm ảnh chụp cùng chị và “cậu cả” nhân dịp chị về Việt Nam 7 năm về trước mà tôi có dịp thấy trên báo bây giờ đã là một học sinh trung học, chân tay dài nghều ngào. Cậu cả nhà chị đang học tiếp bằng đại học thứ hai. Trái với em trai, cậu cả có dáng người chắc khỏe, đôi mắt sáng và nụ cười rất giống bố, anh là một “người KGU” mà tôi đã có dịp gặp khi anh về Việt Nam.
Theo sự “điều động” của chị, mẹ con tôi sẽ ở phòng của Công tử Út, một căn phòng xinh xinh có cửa sổ nhìn ra vườn phía sau nhà. Chắc cậu ta cũng đã quen với việc bị chiếm phòng mỗi khi nhà có khách từ Việt Nam sang nên vui vẻ nhường và dọn qua ngủ ở phòng cậu cả. Về “công tử Út” nhà chị, bạn tôi đã giới thiệu qua cho tôi biết và bảo em Mon nhà tôi phải học tập anh, anh học giỏi, đàn hay, vẽ đẹp. Nhưng em Mon thấy ông anh “nghiêm” quá nên cũng chẳng dám bắt chuyện, mặc dù em ấy vốn là kẻ “hay chuyện” (tán chuyện với hầu như tất cả các thành viên “quốc tế” trong đoàn tour). Chị chủ nhà an ủi Mon: - Cháu thông cảm nhé, tại anh đang ở tuổi không thích chơi với trẻ con! Với lại anh đang bận học thi, mai anh thi rồi!
Trong phòng công tử Út, tôi thấy có rất nhiều giải thưởng mà cậu đã giành được trong quá trình học tập, nhiều nhất là về toán (đúng là con nhà nòi có khác). Tôi tò mò ngắm tủ sách của cậu, như một cậu bé, cậu có bộ Harry Porter dày cộp, bên cạnh những tác phẩm văn học khác (tất nhiên là bằng tiếng Anh) như của Dan Brown và cả tập thơ “Leaves of grass” (Lá cỏ) của Walt Whitman và đặc biệt là mấy tập sách “tiếng Việt”. Có lẽ được bố mẹ kèm dạy tiếng Việt nên tuy xa xứ, các cháu nhà anh chị vẫn nói tiếng Việt tốt.
Buổi tối đầu tiên ở nhà anh chị, biết 2 mẹ con đi theo tour cả tuần mệt mỏi và thèm thức ăn Việt Nam, chị chiêu đãi món phở bò.
Loáng 1 lúc, chị đã nấu xong và mời cả nhà ra bàn ăn. Mẹ con tôi sau cả tuần ăn fast food và món ăn Tàu, thưởng thức món phở chị nấu với sự tích cực đặc biệt. Chị bảo ở bên ấy vẫn có đầy đủ gia vị để nấu phở, còn bánh phở thì dùng phở khô. Ăn xong, tôi và chị lại tiếp tục truyện trò say sưa, hết chuyện văn chương, chuyện con cái, bạn bè...Chuyện về thời thơ ấu của cô bé học nhảy cóc từ lớp 1 lên lớp 3 và từ lớp 3 nên lớp 5. Chuyện về cái tên hơi đặc biệt của chị, khiến ngày nhỏ chị cứ hay trách cha vì cái tên “không giống ai”, sao cha không đặt tên cho chị một cái tên “kêu” như của các bạn khác để không bị bạn bè trêu (hồi trước tôi cứ tưởng là tại bác nhân viên hộ tịch của Ủy Ban làm rơi mất dấu sắc khi làm giấy khai sinh cho chị, hihi). Hóa ra cha chị đặt tên chị theo một câu thơ của bác Tế Hanh. Tôi mang sang cho chị tờ báo Văn Nghệ Công An từ năm 2007 mà tôi tìm thấy khi dọn dẹp đống báo cũ, có đăng bài viết về ông cụ thân sinh của chị. Trong những câu chuyện của chị, tôi luôn cảm thấy bóng dáng của cha chị, người đàn ông có gương mặt đẹp và khắc khổ với ánh mắt trầm buồn mà tôi thấy trên những tấm ảnh chị treo trong nhà. Ngày ấy, chị và em gái đều học giỏi văn nhưng không ai đi theo nghiệp của cha. Người cha, thấm thía những nỗi vất vả và cả đắng cay của người thợ cày trên cánh đồng chữ, không muốn các con đi theo nghề viết. Ông bảo chị: “Nghề văn là nghề cực nhọc. Con đi nghề khác đi, rồi sau này, nếu thực là có tài, lúc nào con viết cũng được, đâu nhất thiết phải theo nghề văn”. Bố còn bảo: con đi theo ngành khoa học tự nhiên là tốt đấy. Hai cộng hai bằng bốn con à… Sau này, hai chị em gái đều chọn môn học chẳng liên quan gì đến văn chương, cả hai đều trở thành giáo sư giảng dạy vật lý tại các trường đại học ở nước ngoài. Với chị, vật lý lý thuyết là sự kết hợp hài hòa giữa toán và văn, là khoa học nhưng lại đầy chất lãng mạn. Chị thoáng trầm giọng khi nhắc đến những ngày cha chị còn sống thì chị và em gái còn vất vả lắm, chưa đủ thành công để cha có thể tự hào về các con, chưa kịp phụng dưỡng cha...Tôi nghĩ bây giờ chắc chắn ở cõi ấy, bác hẳn rất yên lòng và tự hào về các con gái của bác.
Xxx
Sáng hôm sau, ông chủ nhà đưa công tử Út đi thi từ sớm và sau đó đi làm luôn, cậu cả cũng bận rộn với công việc của mình. Chị chuẩn bị bữa sáng cho hai mẹ con tôi và chúng tôi lại tiếp tục những câu chuyện tưởng như không có hồi cuối. Chợt nhớ chuyện “NÓ” bảo cả anh nhà chị và công tử Út đều vẽ đẹp, tôi “đòi” chị xem tranh của hai bố con. Chị cười xoà và bảo:- Ối nó cứ tuyên truyền thế, anh có mấy khi vẽ đâu! Còn con chị, nó cũng hay vẽ nhưng cho vui ấy mà! Chị cho tôi xem quyển vở có những bức tranh chân dung mà Công tử Út vẽ bằng bút chì đen và bút chì màu. Những nhân vật trong tranh với đôi mắt và đặc biệt là những sợi tóc, dường như cậu bé đã tỉ mẩn vẽ và thổi hồn cho từng sợi tóc. Tôi thích quá nên đã chụp vài bức.
Tuy chị nói là ông chủ nhà không có tranh để cho cô MM xem, nhưng tôi đã kịp chụp ảnh bức tranh anh đang vẽ dở bằng màu nước:
Có thời gian, tôi mới tỷ mẩn “khám phá” căn nhà chị. Căn nhà nhỏ nhưng rất ấm cúng và xinh xắn, phía sau nhà là một khoảng vườn, có bụi hoa hồng và một cây to, một chú sóc đang nhảy nhót trên cành cây và quay lại giương đôi mắt nhấp nháy nhìn tôi. Chị bảo bận quá nên không có thời gian chăm sóc vườn, mặc dù rất thích hoa. Nhưng bù lại, hễ có chút thời gian nào rảnh là “ông chủ nhà”, người rất thích làm vườn, chăm chút những chậu hoa trên sân thượng tầng 1 mà chị gọi là “vườn treo Babilon” nên chị cũng thường xuyên được “thưởng hoa”.
Nhà chị có tầng hầm, là phòng làm việc của anh chị với 1 giá sách to, đầy ắp sách chuyên ngành và cả sách văn học bằng tiếng Anh, Pháp, Nga và Việt. Tôi “ghen tị”:- Sao chị giỏi thế, biết cả tiếng Pháp, khó chết đi được! Chị lại xuê xoa:- Cho vui ấy mà em! (Ôi sao tôi cũng muốn biết tiếng Pháp ở mức mà chị bảo chỉ “cho vui” như thế)! Rồi chị bảo: -“NÓ” mới thực sự có năng khiếu ngoại ngữ! “Nó” mới học tiếng Pháp 2 năm nay mà bây giờ bắn tằng tằng, phục thật!
Trong cái tủ ở phòng khách có trưng bày nhiều vật lưu niệm về những nơi anh chị đã đặt chân tới, không thiếu bóng búp bê Mastrioska bên cạnh búp bê Nhật xinh xinh trong bộ kimono. Nhà chị có khá nhiều tranh, tranh của bạn bè vẽ tặng, tranh của người thân trong gia đình. Tranh sơn dầu có, tranh màu nước có và cả tranh xé giấy, tranh xé vải rất độc đáo,về tác phẩm của một người cô của chị.
Tôi thích bức ký họa “công tử Út”. Qua nét cọ tài hoa của Trịnh Lữ (tức Trịnh Hữu Tuấn), một người bạn của anh chị- họa sỹ kiêm phóng viên, kiêm dịch giả, kiêm nhà văn (và kiêm nhiều “nhà” khác, mà “nhà” nào cũng đình đám cả, phục thế!), công tử Út thật dễ thương và sinh động với đôi mắt rất cuốn hút (kiểu này mẹ cháu sẽ phải tiếp bạn gái giúp con trai rồi!). Chị bảo cháu có nhiều nét giống bên ngoại, đặc biệt là giống ông cụ thân sinh ra chị.
Trên tường có cả bức tranh tĩnh vật của NSND Trà Giang, cô chỉ cầm cọ vẽ sau khi người bạn đời là giáo sư Bích Ngọc mất. Hóa ra giáo sư Bích Ngọc là chú ruột của chị và nghệ sĩ Bích Trà là em con chú con bác với chị.
Chị kể vì chị đi làm xa, sáng thứ 2 là phải lái xe hàng trăm dặm đến trường chị dạy (ở bang khác) nên cả nhà chị chỉ sum họp vào cuối tuần và một năm chỉ quây quần trọn vẹn bên nhau có 4 tháng, một tháng nghỉ đông và 3 tháng mùa hè. Tôi bùi ngùi khi nghĩ đến nỗi vất vả của chị, của những người phụ nữ Việt sống và làm việc ở nước ngoài, nhất là khi con còn nhỏ và sống trong một môi trường làm việc quá cạnh tranh như ở Mỹ. Ấy thế mà nhà chị luôn tấp nập khách khứa từ Việt Nam sang, trong đó có cả khách “không mời mà đến” như mẹ con tôi. Mới gần 2 tuần trước, chị đón chị bạn cùng khóa KGU sang chơi, 2 chị đã lang thang khắp Washington DC và chị làm hướng dẫn viên kiêm lái xe, hihi. Mấy hôm nữa, chú TĐ, tác giả Đèn cù, một người bạn lớn của gia đình chị sẽ đến chơi, chị “khoe” với tôi.
Ăn sáng xong, chị lái xe đưa tôi đi mua sắm trước khi về nước. Hôm trước, khi chị hỏi tôi muốn đi đâu mua đồ, tôi hỏi chị:- Hôm nọ đi NYC, em nhìn thấy có 5th Avenue toàn là cửa hàng, hay mình đi đến đó? Chị cười bò:- Ối giời ơi, ngố ạ, 5th Avenue thì chuyên bán đồ hàng hiệu cho giới thượng lưu, như Mr. Đàm mới có tiền đến đó thôi! Theo chị thì mình đi outlets và sau đó còn thời gian thì đi COSCO (một kiểu siêu thị bán sỉ như Metro Cash & Carry ở Việt Nam), chị cũng muốn mua vài thứ quà để chuẩn bị về Việt Nam.
Outlets thì tôi đã từng đi khi ở Las Vegas, nhưng hồi ấy còn đi tour nhiều nên không dám mua gì, mặc dù cũng hoa mắt vì hàng hóa. Người Mỹ thật biết cách bán hàng và họ có nhiều chiêu hay khiến khách hàng phải rút tiền (à rút thẻ) ra khỏi ví. Cả một khu vực rộng lớn như một thế giới khép kín toàn là các quầy hàng của đủ mọi nhãn hiệu hàng tiêu dùng, từ quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm, cái gì cũng có, mua sắm xong mệt thì ăn uống tại đó, rồi lại mua sắm tiếp. Hầu như lúc nào cũng có đợt khuyến mãi đối với hàng hóa bán ở outlets. Như thời gian này là khuyến mãi mùa hè, càng gần ngày 4/7, ngày Quốc Khánh Mỹ thì càng khuyến mãi nhiều, chị bảo thế. Đi outlets thì thích quá, nhưng thường outlets cách xa thành phố nên tôi cũng hơi ngần ngại, sợ chị bị mệt khi phải đưa tôi đi, chiều về muộn lại còn việc nhà nữa. Chị bảo không sao, anh đi làm đến tối mới về, cu nhóc sáng thi xong có khi đi chơi với bạn, còn cậu cả thì lớn rồi, chả phải lo! Mà thức ăn buổi chiều chị đã chuẩn bị sẵn, sẽ chiêu đãi em món này hay lắm!
Hai chị em dự tính đi shopping chừng 2-3 giờ chiều nhưng đến tận 6 h -7 h chiều mới mò về đến nhà. Sau khi đã “càn quét” các outlets, tôi cũng mua được nhiều thứ khá ưng ý cho mình và về làm quà. Đồ đạc phát sinh nên phải mua thêm cái vali to. Con gái tôi lẽo đẽo đi theo mẹ mãi thì phát chán, phần thì nó đói và mệt. Nó dỗi:- Mẹ mua đồ cũng nhiều như một bà ba Tàu! Chả là nó đã thấy các khách hàng là người TQ mua hàng ở các outlets thế nào, ai cũng tay xách nách mang, hihi.
Thế mà sau khi chị đưa 2 mẹ con ghé vào một tiệm để ăn trưa, hai chị em vẫn còn sức để shopping tiếp. Trên đường về, chị đưa tôi vào COSCO để mua thêm các loại thực phẩm chức năng. Chị giới thiệu với tôi công dụng của từng loại, bảo là mọi người sang bên này hay mua, thế là tôi lại mua thêm cả túi to lỉnh kỉnh toàn chai lọ nữa. Thấy những trái đào, trái mận to và đẹp quá, tôi nảy ý định sẽ mua vài kí để mang về Việt Nam.
Dọc đường về nhà, chị mệt quá nên có nhiều lúc chị “loạng choạng” lái xe lấn sang cả lane bên cạnh, chỉ tích tắc thôi nhưng cũng khiến tôi thót cả tim, có lúc tôi chỉ dám thốt lên nho nhỏ: - Chị ơi! Hihi hóa ra tại tôi nhát thôi.
Buổi tối hôm ấy, cả nhà anh chị quây quần thật vui. Ông chủ nhà mở laptop lướt web rồi bình luận về vụ khủng bố mới xảy ra ở 1 nhà thờ Tin Lành. Công tử Út đã thi xong nên ngồi dưới phòng khách để chơi games, cậu cả cũng xuống chơi với em, hai đứa nói chuyện với nhau (bằng tiếng Anh) rất vui vẻ và điều đó khiến tôi ngạc nhiên, vì lúc không có cậu cả, dường như công tử Út rất kiệm lời và có vẻ nhút nhát. Cậu cả xin phép chị hôm sau đưa em trai đi xem phim nữa. Chị bảo cũng may vì tuy anh em nó cách xa tuổi nhau thế mà vẫn nói chuyện với nhau được. Thấy tôi và chị “bình phẩm” về chuyện 2 cậu con trai thì đứa giống cha, đứa giống mẹ, nhìn qua không biết là 2 anh em, cậu cả nhìn em trìu mến: - Em cũng có nét giống bố đấy chứ, có điều em giống theo một kiểu khác, chứ không giống y hệt như con!
Chị mang mấy đôi giày mới mua ở outlets ra cho bố con thử và chị cười rạng rỡ khi thấy mình mua đồ có “độ chính xác cao”, ai cũng đi vừa.
Thưởng thức bữa tối với món chả cá Lã Vọng của chị xong, tôi xoay ra sắp xếp đồ đạc. Khó nhất là làm sao đóng thùng được số trái cây mà tôi mua lúc chiều, trông thế mà lại quá lỉnh kỉnh, không khéo thì về đến nhà là nát bẹp. Anh chủ nhà giúp tôi tìm thùng giấy, rồi hì hục xếp trái cây và chèn đồ xung quanh cho chắc. Rồi anh khệ nệ bưng cái thùng nặng trịch ấy ra cân thử xem có quá cân không, chu đáo và cẩn thận. Thấy cảnh đóng thùng tất bật, chị kể chuyện hồi ông bạn cùng khóa ở KGU đóng thùng giúp chị lúc về nước, nhưng ra đến hải quan Nga thì thùng hàng bị bật tung ra, có gì bên trong là lộ hết trước bàn dân thiên hạ, ngượng quá!
Nhờ anh chủ nhà cẩn thận nên thùng trái cây (được chèn với vô số lọ thực phẩm chức năng và nhiều thứ khác), về đến nhà vẫn còn tươi ngon, tất nhiên sau hai ngày đi đường xa thì hơi bị chín. Tôi biếu bà ngoại và mời các em, cháu thưởng thức, ai cũng khen sao đào Mỹ, mận Mỹ to và ngọt thế, hihi, nghe mát cả lòng, cũng bõ công.
Trưa hôm sau, ăn trưa với món bún bò Huế xong, nghỉ một lúc thì chị chuẩn bị đưa mẹ con tôi ra sân bay. Phút chia tay, tôi xin phép được chụp ảnh với anh chị ở trước căn nhà số 8358 có bảng gỗ “Welcome Neighbors”. Thấy tôi lúng búng nói lời cám ơn, chị cười xòa và xua tay: - Đừng khách sáo thế! Ông chủ nhà, như thường lệ chỉ nở nụ cười hiền lành. Tôi cũng cười và “dọa” anh chị:- Thế thì 2 năm nữa em sẽ quay lại quậy anh chị nhé! Có gì anh chị cứ trách “nó”, tại “nó” bán cái nên anh chị mới vất vả vì em!
Tạm biệt New York, tạm biệt ngôi nhà xinh xinh ở Rego Park có chậu hoa rực rỡ bên cửa sổ, có sàn gỗ cót két khiến tôi phải cố gắng nhón chân giảm thiểu tiếng động (theo vật lý thì chắc nó tỷ lệ thuận với trọng lượng, huhu) nơi ấy tôi đã được welcome, đúng nghĩa ấm áp và chân thành như thế.
Tạm biệt anh chị và các cháu, em mang theo về Việt Nam hương vị phở, chả cá Lã Vọng, bún bò Huế và cả vị kem dâu ngọt ngào chị tự tay chế biến, mặc dù bận mải thế...
PS: Hai ngày sau, chị mail cho tôi: Cả đêm qua, chị đã thức và đọc xong cuốn Quân khu Nam Đồng em mang sang cho chị rồi. Nhiều chỗ thấy vui quá, chị cười suốt làm cho anh và các cháu cũng thắc mắc không hiểu có chuyện gì khiến mẹ cười nhiều thế...
Người post: VanNH
Ngày đăng: 28-06-2015 12:12
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 21 - 30 của tổng số 35 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |