CHUYỆN VỀ NÓ
Tác giả: MEOMUN
“Nó” sang Kishinev sau tôi hai năm, là dân Quy Nhơn nhưng cũng coi như cùng đồng hương Nghĩa Bình, cái thuở chưa tách thành Quảng Ngãi và Bình Định, quý lắm chứ! Hồi ấy, mỗi lần đón các em dự bị mới sang, bên cạnh các cô gái xinh tươi, nói cười ríu rít thì thường kèm theo là mấy anh giai gầy còm xanh xao, tóc lút cả gáy. Nhưng nó thì không đến nỗi thế, cao ráo, trắng trẻo, tóc đen mượt (chả biết có dấp nước không). Tuy đi từ phía Nam nhưng nó lại nói giọng Bắc, vì bố là dân tập kết và nó sinh ra ở miền Bắc. Nó có đôi mắt một mí, xếch ngược lên tận trán (!), đậm chất Á Đông. Hồi ấy, sau các anh luật 84 thì khoa luật 4 năm sau mới có sinh viên Việt Nam sang, đó là khóa chúng tôi. Có lẽ mang tiếng là năm già nhất nên chúng tôi (nhất là cái tổ tam tam gồm Huyền, Tú Anh và tôi) cứ thoải mái xưng chị với nó. Một lần, nó hỏi Tú Anh: “Em sinh năm 64, thế còn chị? Thế là Tú Anh và cả Huyền bị hố nên ngượng ngùng: - Bọn chị bằng tuổi em!!! Nhưng nó cũng ngoan phết, không ít tuổi hơn nhưng vẫn răm rắp gọi các bạn nữ năm chúng tôi là “chị”. Các anh cùng khóa chúng tôi năm ấy thì đa số đi bộ đội về (chỉ trừ triết gia Huỳnh Thới), tất nhiên là nó phải gọi là anh. Nhưng đối với các cô gái năm sau chúng tôi, tức là trước nó những một năm, nó cũng chả thèm gọi ai bằng chị, chỉ gọi bằng tên. Còn với 6 cô gái năm nó, biết nó hơn các cô 1-2 tuổi nhưng chẳng cô nào gọi nó bằng anh, mà cả lũ đều gọi nó sau lưng là …”thằng”, chắc tại bụt chùa nhà không thiêng và bởi cái tính đôi khi hơi khó hiểu đến mức hơi “đỏng đảnh” của nó. Đáp lại, nó gọi các cô bé đang tuổi ăn tuổi ngủ, sang Tây mới chóng lớn ấy là “khoai tây”, thế mới ác. Nó cười khành khạch trước cảnh các “củ khoai tây”, tròn xoe, mặc áo kurtka dày cộp, trượt chân ngã oành oạch ở cái dốc nổi tiếng gần Ob 10 vào những ngày đông. Cho nên dù sau đó nó có giơ tay ra cho các cô bám vào, các cô cũng quay ngoắt đi, không thèm!
tháng 10/1984
Nó quảng giao, mới học dự bị mà suốt ngày lang thang sang các ob toán (Ob 16), luật (Ob 10, Sinh, nghiên cứu sinh (Ob 3), và chăm giao du chơi với các bạn nước ngoài, chủ yếu là dân châu Phi, Nam Á, Mỹ La Tinh…Nó bày trò vui nên các bạn ấy quý nó lắm, nhiều cậu gạ nó dạy tiếng Việt, để …tán con gái Việt Nam. Về chuyện dạy Tây học tiếng Việt, cũng lắm chuyện buồn cười. Có dạo, chúng tôi thấy mấy cậu châu Phi cứ gặp sinh viên Việt Nam là khoanh tay cúi đầu: - Con lạy cụ! Thấy chúng tôi ngơ ngác rồi phá lên cười, các bạn ấy liền ngờ vực rồi đi hỏi từng từ một có nghĩa thế nào. Sau khi hiểu là bị chơi khăm, các bạn ấy giận lắm. Tôi còn nhớ một cậu người Phi, da tất nhiên là đen cháy, trợn trắng mắt lên trông rất đáng sợ rồi chỉ mặt cả lũ: - Chúng mày xấu, chúng tao muốn học thật mà sao chúng mày lại…! Kể cũng xấu hổ thật, nhưng tuổi trẻ thì mau quên, nên vài hôm sau cả lũ lại tíu tít nói chuyện. Chẳng biết một người tinh nghịch như nó có phải là thủ phạm vụ trêu Tây này không.
Sau khi “tốt nghiệp” dự bị, nó cùng các bạn được chuyển về chung Ob 10 với chúng tôi. Nó thuộc loại không chăm học, hay có lẽ là học ít mà hiểu nhiều nên giữa lúc mà mọi người ăn tối xong là ôm sách vở xuống phòng đọc ở pogval để nhận chỗ thì nó suốt ngày lượn bên khoa Toán. Có khi nó ở phòng các anh năm trên như Hào, Vinh Tơ, Vinh Sọc…hàng tuần mới thấy mặt ở khoa Luật. Hồi ấy, có một anh cựu sinh viên khoa Lý, vào những năm tháng biến động nhất của mình cũng hay sang Ob 16 khoa Toán tá túc. Anh ấy được tất cả mọi người quý mến, mặc dù với các chú Sứ thì anh bị coi là có phốt. Ngoài tên khai sinh, anh ấy có thêm “tên thường gọi” trùng với nó, chỉ khác cái họ, nên kính lão đắc thọ, mọi người ưu tiên gọi anh lớn theo tên, còn thằng em thì thêm chữ “con” ở đằng sau cho dễ nhận diện, mặc dù nó khá cao lớn giữa đám giai Việt.
Thấy nó mấy hôm nay tung hoành trên web KGU, tôi cũng không ngạc nhiên lắm. Vì đối với người có tư chất nghệ sĩ, có tài nổi lẫn chìm như nó, nó có thể viết hay hơn nhiều, đây chắc mới chỉ là màn chào ra mắt thôi. Tôi vẫn nhớ những lần hội sinh viên tổ chức đón Tết, lễ hội, pakhot (picnic) ở ngoại ô thành phố thuở sinh viên. Cả lũ mang theo lều trại, khệ nệ vác đồ đạc, hoa quả, các loại thịt ướp sẵn… rồi căng lều, nướng thịt khói um cả vùng, bày trò chơi tập thể thật vui. Những cuộc vui ấy không thể thiếu mặt nó và kéo theo là những “đàn em” nhiệt tình, chưa thấy người đã thấy tiếng như Huyền Tôn chẳng hạn. (tranh thủ nói xấu Huyền Tôn tí nhé).
Pakhot tháng 3/1986-có ai nhận ra cô bé tóc ngắn không? Huyền Tôn đấy!
Nghệ sĩ đường phố-Pakhot tháng 3/1986
Nó chơi ghi ta được, vẽ khéo, trang trí đẹp, có tay nó, bó hoa trông đẹp hẳn lên. Nó thường tham gia những dịp hội hè, sinh nhật, đám cưới của sinh viên Việt Nam, nhiều khi lại quá nhiệt tình. Đến bây giờ, tôi vẫn còn giữ cái vỏ gối mà nó vẽ đôi nai vàng xinh xinh để làm mẫu cho người đẹp Quỳnh Anh khoa Toán, người rất khéo tay hay làm, thêu tặng chúng tôi. Mỗi lần ngắm lại món quà ấm áp tình bạn ấy, không thể nghĩ là đã 29 năm trôi qua kể từ cái ngày đặc biệt ấy, dường như tất cả mới là hôm qua….
Nó nhảy rất tuyệt, như một vũ sư vậy. Khi nó nhảy, cái dáng hình cao cao với những bước nhảy điệu nghệ, chau chuốt và nét mặt thì thật lạnh lùng, đôi mắt lim dim cuốn tất cả mọi người vào vòng nhảy, thật sôi động. Độc đáo nhất là món kịch câm (pantomimo). Chúng tôi thích thú xem nó thể hiện hình ảnh một người tù trong ngục với những biến chuyển tâm lý lúc lo lắng, lúc sợ hãi và cả hi vọng. Người tù dướn người lên cao, cố gắng nhìn qua bức tường trước mặt, rồi lần theo bức tường nhiều lần mà vẫn không biết trốn ra như thế nào… Chắc nhiều bạn còn nhớ tiểu phẩm kịch câm hay nhất của nó mang tên “tình yêu”. Qua bước chân dẻo quẹo, thân hình và cánh tay như “dây chun” của nó, chuyện kể về đôi nam nữ đi với nhau trong mưa, chàng trai cởi áo che cho cô gái, lúc tạnh mưa thì chúng ngồi xuống, đốt đống lửa để sưởi, chàng thanh niên vắt khô cái áo, rồi chúng ôm hôn nhau qua ánh lửa chập chờn…tất cả sống động và tinh tế, tuy nhân vật thì là 2 nhưng chỉ có một diễn viên là nó. Cả đám vừa trố mắt xem vừa cười phá lên khi thấy những động tác “giống hơn thật”, rồi bắt nó làm lại những động tác được coi là thú vị nhất.
Bây giờ sau mấy chục năm, chẳng biết bây giờ với “vòng hai”khó bảo của tuổi tác, nó còn có thể biểu diễn lại những tiểu phẩm ấy cho người KGU mình xem không.
Dốc phố ngày xưa – Về nguồn 2016
Thuở ấy mọi người đều vô tư, các bạn nam hay qua phòng các bạn nữ chơi, tán chuyện cả ngày, gặp bữa thì sà xuống ăn cùng. Có khi các cậu còn bị bọn con gái sai vặt, nào là đi xếp hàng dưới Kafe Drugjba, ở cửa hàng dưới chân dốc, hay ra phố để mua gà, thịt, bánh mì...Nó rất hăng hái và chẳng bao giờ từ chối giúp các bạn nữ, đặc biệt là đi cùng các bạn ra tận phố Lenin tranh mua gà đông lạnh với dân bản xứ. Có hôm thấy xếp hàng đông quá, nó với Tú Anh giả bộ hớt hải rồi nói khó với các Babushka người Mol là “chúng tôi sắp phải ra sân bay, cho phép chúng tôi mua trước”, thế mà họ nhường chỗ thật. Mà nào có mua ít, mua một lúc hàng chục con gà, mua cho “nhà mình”, mua giúp các bạn…Nó làm “cu li”, xách nặng vẹo cả người mà mặt vẫn tươi hơn hớn. Khi đời sống bắt đầu khó khăn, thực phẩm bắt đầu khan hiếm, Tây thấy dân Cộng hay mua chân giò, chân gà, lục phủ ngũ tạng gia súc, gia cầm, (rất rẻ, chỉ để phục vụ các bạn 4 chân) họ ngạc nhiên hỏi mua làm gì thế, nó cười tít mắt bảo chúng tao ….mua cho chó! Đến chịu nó! Đại loại thế, những trò ma mãnh của thời sinh viên.
Thế mà có lúc nó cũng khó hiểu ra phết. Không những tôi mà còn những người khác đã từng có cảm giác bẽ bàng, khi có những hôm nó lượn qua trước mặt mình mà mặt vác lên trời, lạnh băng như chưa bao giờ quen biết, mặc dù mới vừa chị chị em em tíu tít. Thôi thì đành tự nhủ là chắc cái bọn nghệ sĩ nó thế, cũng may, nếu nó là con gái chắc sẽ đỏng đảnh phải biết đây!
Tết 1985
Sau này về nước, chúng tôi nhiều lần gặp lại nó khi cả nhà về Quy Nhơn thăm ông bà nội. Nó làm ở cảng vụ hay sao đó, nghe nói không nghèo. Tôi đoán thế vì thấy nó cũng phát tướng chứ không thanh mảnh như xưa. Nó đưa chúng tôi đi thưởng thức hải sản Quy Nhơn, rồi cả lũ ngồi quán café ôn nghèo kể khổ thời ở Kis. Với chúng tôi, nó vẫn là người bạn dễ thương như ngày nào.
À mà quên, tuy cao ráo, trắng trẻo, hoạt ngôn, nhiều tài lẻ, lại rất “galăng” nhưng suốt những năm ở Kish, mặc dù luôn có các người đẹp vây xung quanh (như trong tấm hình dưới đây) nhưng chẳng thấy có cô nào quan tâm đặc biệt tới nó (hay là có nhưng không ai biết, hihi). Vì thế, từ cái ngày ôm cái thùng đầy bàn là, nồi áp suất, dây maiso…về quê ở tận Quy Nhơn thì mãi đến năm 1999 thì phải, nó mới “got married”, như nó kê khai trong FB. Tôi trêu nó, may mà cậu lấy vợ muộn nên em ấy mới trẻ thế, chứ hồi ấy cậu mà lấy bạn nào từ “bên ấy” thì bây giờ có phải là vợ cậu cũng già như cậu không? Nó cười phá lên, vẫn tiếng cười như ngày xưa, vẫn là nó!
Nó và các cô gái – Về nguồn 2016
Người post: VanNH
Ngày đăng: 01-11-2016 19:07
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 21 - 30 của tổng số 36 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |