KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 19 Tháng mười hai. 2010

Tản mạn nhớ Ngô Thanh Đồng


Các bài viết liên quan:
- CON ĐƯỜNG CỦA BÁC
- Bụi trong nắng


Tác giả: KhanhT

Mọi người nhắc đến Ngô Thành Đồng là một người кишинёвец đáng nhớ. Tớ cũng có những nỗi nhớ với Ngô Đồng (nghe nói thời còn học trò cấp 2, cấp 3 bạn bè gọi tắt như vậy). Tên chính thức của Đồng là Ngô Thanh Đồng (chữ lót không có dấu huyền) là đồng để đúc chuông ấy. Nhân có chuyện Đồng có viết một tài liệu gửi GS. Tạ Quang Bửu và sau đó GS Bửu có gọi đến gặp nói chuyện, phóng viên báo Tiền phong biết và viết một bài báo về câu chuyện của Đồng, trong bài báo này phóng viên viết tên thêm dấu huyền vào chữ lot thành ra Ngô Thành Đồng, lại còn tán thêm, đại thể, tên anh mang tiếng gọi của đồng bao miền Nam thành đồng Tổ quốc đang ngày đêm chiến đấu chống đế quốc Mỹ thôi thúc anh sống và học tập sao cho xứng đáng… Biết bài báo này, có lần Đồng nói với tôi làm thế nào để sửa lại tên. Tôi bảo báo đăng rồi, sửa thế nào được (hồi ấy chưa có chuyện báo cải chính), vả lại cũng không cần thiết, có thêm một cái tên nữa cũng hay, mà người ta cũng không nhầm với người khác thì có sao đâu. Cụ Hồ còn có bao nhiêu tên nữa là. Coi như là tên mới do nhà báo đặt cho. Từ đó Đồng có vẻ cũng ưng cái tên này.

Tôi biết Đồng từ hồi còn học phổ thông, khi hai anh em về tỉnh dự thi chọn học sinh giỏi toán của tỉnh để đi thi toàn miền Bắc, tụi tôi chẳng ai được đi, nhưng được biết nhau. Sau này sang Liên xô học thì tình cờ lại cùng học một trường, một khóa, tuy tôi có bị sang sau do khi hết phổ thông thì phải đi bộ đội ngay, rồi cấp trên cho "B quay" về đi học, nên vào đợt vét, sang đến Kis đã là tháng 11 rồi (cùng sang với Lân-hóa73), chậm khoảng 2 tháng.

Vốn là học sinh giỏi toán lý phổ thông nay lại "bị" phân về KGU học sinh học, nên chán. Hai năm đầu hai anh em cùng viết thư gửi Sứ quán xin chuyển trường, chuyển khoa, tôi xin SQ chuyển trường bách khoa nào đó trong Liên bang (tôi rất thích máy móc, cơ khí), Đồng xin học toán, và nhờ anh đơn vị trưởng chuyển thư giúp khi về Matscơva họp. Trong thời gian ấy chúng tôi đều ngấm ngầm trốn sang khoa toán lý học chui (dự giờ, tôi nhớ là bên tòa nhà chính) để chuẩn bị trước. Mãi sang năm thứ 2 rồi cũng không thấy có trả lời của Sứ quán. Một lần nhân có bí thư thứ 2 sứ quán xuống Kishinhôp công tác, chúng tôi hỏi anh đơn vị trưởng, thì hóa ra là anh ấy không gửi thư của chúng tôi cho sứ quán, vì cho rằng chắc chắn là không được. Thế là tụi tôi xông đến phòng anh để nói thẳng với bí thư thứ 2. Đồng rất là căng thẳng, lời qua tiếng lại khá là to, nhưng cuối cùng cả hai đều bị bí thư thứ 2 mắng cho một trận và còn nói, Đảng và Chính phủ đã có kế hoạch rồi, nước ta là một nước nông nghiệp… phải học, nếu không thì cho về nước luôn.  Nghe thế 2 đứa sợ khiếp vía, rút lui ngay. Biết là không thể đổi được, bọn mình vẫn tìm cách thế nào đó để được học toán, mới tìm đến thầy Пушняк - Trưởng Khoa Ngoại quốc, thầy khuyên hỏi ý kiến thầy trưởng Khoa Sinh học-Thổ nhưỡng là thầy Барановский. Lúc ấy là hết năm 2 rồi, bắt đầu phân chuyên môn. Thầy Барановский bảo, nếu các bạn muốn học ngành chuyên môn sâu sinh học có học toán nhiều thì nên đi vào di truyền học. Thầy cũng nói di truyền học ở trường hiện nay chỉ dạy đại cương thôi, không đi chuyên sâu, nhưng thầy hứa sẽ liên hệ cho chúng tôi được học thêm di truyền học ở Viện hàn lâm, thầy có quan hệ với các đồng nghiệp trong ấy. Và thế là 2 chúng tôi được thầy  Барановский cùng với thầy Ильвицкий giới thiệu vào học trong Viện hàn lâm từ năm thứ 3 đến hết năm thứ 5 làm luận án tốt nghiệp (sau này, theo tin trên mail-kgugroup thì biết có Trần Bắc Hải cũng có vào Viện HL học, ở bộ môn sinh hóa, nhưng không biết là SV hay NCS, không biết còn ai nữa không?). Vào Viện hàn lâm chúng tôi được giao cho 2 thầy trực tiếp dạy và xếp vào bộ môn di truyền học của Viện sinh học thuộc Viện hàn lâm khoa học Moldavia, sinh hoạt chung với các nghiên cứu sinh bộ môn. Thầy phụ trách Đồng là Александр Адреевич Чеботарь, còn thầy tôi là Семён Максимович Колесников. Cả 2 chúng tôi đều chung một thầy ở trường là Валерий Анатольевич Ильвицкий. Các thầy dạy chúng tôi theo chương trình về Di truyền học của Đại học Tổng hợp Leningrad, nơi mà sau này tôi biết là anh Lê Đình Lương - GS Đại học Tổng hợp Hà Nội từng học ở đó. Cach học là các thầy giao cho chúng tôi tài liệu theo chương trình, định kỳ, các thầy ngồi với chúng tôi khoảng 1-1,5 giờ giảng giải tóm tắt nội dung, sau đó chúng tôi tự học và trả bài bằng báo cáo tóm tắt (конспект), thí nghiệm thì thực hiện trong phòng thí nghiệm của bộ môn và thầy giao cho các nghiên cứu sinh hướng dẫn, ngoài ra chúng tôi được dự seminar ở bộ môn tổ chức mỗi tuần một buổi cuối tuần, chúng tôi cũng cố gắng dự được nhiều buổi, các buổi seminar thường là trưởng bộ môn giao cho một người (nghiên cứu sinh) chuẩn bị báo cáo đề dẫn theo chuyên đề đề tài nghiên cứu của người ấy. Tôi trong bấy nhiêu năm cũng chỉ báo cáo trên seminar vài lần, Đồng thì nhiều hơn, và có khi Đồng báo cáo vo, không chuẩn bị bài viết trước, chỉ có tờ giấy loắng ngoắng dăm ba chữ, cứ thế đứng lên nói, tuy giọng rất to, khó nghe, nhưng nhiều người rất thích. Như thế là từ năm 3 đến hết khóa chúng tôi học di truyền học và làm luận án tốt nghiệp về di truyền học ở Viện hàn lâm theo cách như thế, nhưng khi bảo vệ tốt nghiệp thì về Trường. Đề tài của chúng tôi đều là nghiên cứu về đột biến di truyền, chỉ khác nhau về tác nhân gây đột biến, của Đồng là phóng xạ, của tôi là hóa học, là những nhánh trong chuỗi các đề tài do VS.Dubinin, TS.Rapoport và TS.Phan Phải chủ trì từ Matscơva giao cho các thầy của chúng tôi ở Viện HL Moldavia thực hiện. Đồng thời thực hiện ý kiến của thầy Барановский, chúng tôi vẫn phải hoàn thành toàn bộ chương trình học về sinh lý thực vật tại Khoa Sinh học-Thổ nhưỡng và thi đầy đủ các môn học trong chương trình. Được cái chúng tôi đều học khá, tất cả các môn thi tôi đều được отлично, Đồng cũng vậy, chỉ bị vài điểm 4 (хорошо) vì cãi thầy! Học hành kiểu ấy nên chúng tôi rất bận, hầu như suốt cả ngày phải học nên ít có thời gian sinh hoạt chung với lớp, mà phải âm thầm, vì dù sao cũng là một loại “học chui”, cứ sợ SQ mà biết thì đuổi về nước, sau khi đã bị ông bí thư thứ 2 mắng cho một trận.

Chúng tôi thường phải đọc ở thư viện, cả ở trường và cả thư viện Крупская, nơi có điều kiện rất thuận lợi, dễ tìm tài liệu (có thể tìm được tài liệu chuyên khảo, trước tác của các tác giả do các thầy chỉ cho, như của Mendel, Michurin, Morgan, Vavilov , Dubinin…, các thầy khuyên đọc, bởi đọc các tài liệu thứ cấp - “luộc lại” thường không chuẩn xác khái niệm, đánh giá, và vào thời ấy còn bị chính trị hóa, nhất là trong lĩnh vực di truyền học). Ở đây rộng rãi lại im ắng, vừa đọc vừa làm конспект luôn. Ở thư viện Крупская cũng thường có định kỳ những sinh hoạt hội thảo khoa học, chúng tôi thường cũng có tham gia dự, rất có ấn tượng đối với chúng tôi là các buổi thuyết trình có trình diễn về thôi miên (гипнос), nội dung về гипнос cũng có nhiều ảnh hưởng đối với Đồng sau này trong nghiên cứu của mình. Ngô Đồng rất có duyên, ở thư viện trường khi muốn tìm tài liệu là được vào thẳng kho tìm, không phải viết giấy đề nghị rồi ngồi chờ. Đồng có tài thơ, và rất được một cô thủ thư (tên là Larisa?) của thư viện yêu mến, cô ấy thấp thấp, tóc đen, mắt đen, khuôn mặt thanh thoát lắm và Đồng có nhiều bài thơ tặng cô ấy. Chuyện này anh em ở đơn vị cũng biết, cho rằng Đồng ưa cô ấy nên làm thơ, nhưng tôi vì hay đi với Đồng đến thư viện thì biết là cô ấy cũng “chủ động” thích Đồng. Cô ấy rất xinh, tôi cũng thích nhưng cô ấy không thích tôi, thỉnh thoảng cũng thả vài câu thăm dò, nhưng cô ấy bảo tôi trong mắt anh đã có ai đó rồi (кое-кто в твоих глазах)! Thơ Đồng thuộc dòng trữ tình, giàu tưởng tượng. Cho nên khi Đồng gọi trong thơ ai đó xinh thì phải hiểu là xinh theo tưởng tượng của Đồng, xinh theo tình cảm chứ không phải, không chỉ là xinh fenotyp! như Đồng nói. Cái tinh thần ấy quán xuyến trong các bài viết, tác phẩm khoa học của Đồng sau này.

Khi sang bên ấy, ngay từ năm đầu, Đồng đã thể hiện là một người đặc biệt, không phải với anh em mình mà với “Tây” họ cũng cảm thấy như vậy. Ví dụ nhiều người nhận thấy là Đồng hầu như không ăn sáng, sớm tập thể dục ở sân sau, cậu ấy dậy sớm ra trước tập một mình, không bài bản gì cả, chủ yếu là vươn vai, chạy, rồi lộn cây chuối đi vài đường, xong về… rồi đi bộ đến trường, tay không, ít khi thấy mang cặp sách vở gì cả, không đi троллейбус, mà chạy bộ, khi qua đường thì chạy, nhiều khi gặp ô tô họ phải phanh kít lại, nhìn ra thì là một вьетнамец ! Từ năm thứ 2 khi đã có chút tiền sắm thêm quần áo giày dép, thì có hôm cậu ấy đi hai chân cùng một phía, trông rất ngộ, ngủ dậy cứ xỏ chân vào giầy là đi không cần biết đôi nào với chiếc nào.

Còn ở lớp thì Đồng hay bỏ giờ (trốn học để đi dự học chui bên toán lý, sau này ra Viện hàn lâm), nhất là giờ thực hành, nhưng lại rất thích tham gia семинар, và rất hay phát biểu. Mọi người cùng lớp chắc còn nhớ là rất thích Đồng phát biểu ở семинар lịch sử, bởi đó là giờ học chán nhất, và nếu có Đồng phát biểu thì sẽ tranh luận triết lý với bà giáo Романова hết buổi, và anh em được ngồi nghe, nghỉ thoải mái không phải lo gì.

Tôi nhận thấy những năm sau này, nhất là sau khi học về thống kê, sinh trắc học, có lần thầy Чеботарь giao tài liệu cho chúng tôi đọc, trong đó có đoạn nói về tỷ lệ người bị “tâm thần phân liệt” (шизофрения) ở mức cao rơi vào nhóm người tài năng, thì hình như Đồng cũng có vẻ tăng hơn những biểu hiện khác thường. Nhưng điều đó chỉ có ấn tượng thế thôi chứ tuyệt nhiên tôi không thấy môi trường xã hội  bên ấy có gì phân biệt đối xử, hay kỳ thị gì cả, rất khác với sau này khi Đồng vê nước, người ta cứ coi như đó là một người lập dị, thậm chí điên và phân biệt đối xử. Vì thế nên khi về Bộ Đại học, người ta cũng đã phân công Đồng đi một số nơi, nhưng rồi không đâu nhận cả. Về sau, khi gặp GS. Tạ Quan Bửu, GS đã dùng quyền của mình quyết định giao Đồng vê Bộ phận quản lý lưu học sinh. Từ đó Đồng thuộc biên chế của Bộ phận này và suốt đời chỉ hưởng một mức (bậc) lương khởi điểm, đổi lại Đồng được tự do tuyệt đối, cơ quan không giao việc gì cho Đồng cả, chỉ đến ngày lĩnh lương thì đến nhận. Tuy nhiên cơ quan cũng phân phối cho Đồng một chỗ ở, đó là Phòng 42x, nhà C6 TT Kim Liên.(một cái phòng xép ở góc tầng 4).

Đồng là một nhà nghiên cứu tự do, chỗ đến làm việc nhiều nhất là các thư viện, nhất là Thư viện quốc gia, và một số viện nghiên cứu khi người ta mời đến tham gia một vài chuyên đề, dự án liên quan đến phạm vi học thuật của Đồng mà họ quan tâm. Phương tiện làm việc là sách, but giấy viết, ngoài ra không cần gì nữa cả. Di chuyển là đi bộ, ăn uống thì tùy, gặp đâu ăn đấy, mà cũng bữa đực bữa cái lắm, có hôm chỉ một bữa thôi. Thường đến chơi nhà bạn bè, nhà chúng tôi, nhà Tánh Mai (hồi còn ở phố Trần Hưng Đạo) là nhiều, vì đi bộ gần, nhà Thúy Tỉnh, nhà Kim Phương… Sống độc thân, yêu cũng nhiều đấy, mà rồi cũng không đậu bến nào. Thật khổ.

Cái hồi Đồng mất, báo đăng tin rất mù mờ, Tánh là người đọc được tin ấy đầu tiên, phát hiện ra người trên báo là Đồng, rồi gọi cho Kim và anh em biết, rồi mọi việc lo toan sau đó cho Đồng thì như Tánh đã viết. Tôi có bà chị họ ở cùng nhà tập thể với Đồng, nên khi Đồng ở đấy tôi  cũng có đến chơi vài lần, tuy nhiên cũng có khi không gặp vì Đồng hay đi vắng, chỉ tối khuya mới về ngủ. Mình gặp Đồng nhiều hơn là ở nhà mình khi Đồng đến chơi là chính. Sau này khi mọi việc xong xuôi, cậu Duy là em rể Đồng còn ra Hà Nội, giải quyết các việc còn lại cho Đồng, sau 3 năm thì đã chuyển di hài về quê rồi, nhà ở cũng đã chuyển giao xong rồi.

“Chỉ có mi là hiểu tau thui” có lần Đồng nói với tôi như vậy khi tôi dúi vào tay mấy đồng lúc ra cầu thang về, khi đến nhà tôi, ngồi tào lao chí khứa đủ thứ chuyện, tất nhiên là cả về đề tài “giác quan thứ 6”.

Cuối những năm 80 Đồng đã viết xong tác phẩm của mình bằng tiếng Nga, 700 trang, tôi biết vậy nhưng chưa được đọc, chỉ được thỉnh thoảng Đồng nói đến mà thôi, và anh em cũng có thảo luận, khá sôi nổi (hôm sau khi Đồng mất, em Duy ra, chúng tôi có đến nhà Đồng ở, cả Kim, Tánh, Thúy… chúng tôi có tìm xem có tác phẩm ấy để lại trong phòng không, nhưng chúng tôi đã lục lọi hết cả giấy tờ ở đó vẫn không tìm thấy).

Tác phẩm hoàn thành là lúc mà Đồng được GS Phạm Đức Dương mời tham gia “đề tài khoa học cơ bản: Môi trường và sự sống”, và chắc rằng GS Dương đã được thấy, vì chính GS khuyên Đồng viết tóm tắt lại gởi sang Liên xô, nhưng rồi Liên xô sụp đổ, và chính GS đề nghị Đồng viết lại bằng tiếng Việt dễ hiểu. Đồng đã viết rất nhanh, tập trung trong chỉ hơn một tháng là hoàn thành với 300 trang in tiếng Việt chuyển cho GS Dương. Cuốn “Khám phá về các bí ẩn của con người và thế giới sống (Môi trường & Sự sống” (sách tham khảo) do Nhà xuất bản Đà Nẵng (ấn hành), Viện nghiên cứu Đông Nam Á/Ngô Thành Đồng (tác giả) xuất bản. In 500 cuốn. Khổ 13x19. Giấy phép xb số 985 QĐ/CB. Nộp lưu chiểu tháng 1/1998. Khi cuốn sách lên khuôn in thì Đồng đã ra đi.

Thay lời giới thiệu, GS Phạm Đức Dương, Chủ tịch Hội khoa học Đông Nam Á – Việt Nam viết: “… Là một nhà sinh học, giỏi toán, hội nhập lý thuyết Đông – Tây, cổ - kim, anh đã đi sâu “khám phá” bản chất của sự sống dựa trên mối tương tác genotyp – phenotyp trong không – thời gian sinh học sáu chiều ( khác với lý thuyết không thời gian bốn chiều của Anhxtanh). Anh coi nguyên lý tương tác là nguyên lý tổng hợp không những đối với thế giới tự nhiên, mà còn đối với xã hội, thế giới tinh thần và trí tuệ. Đó là nguyên lý khởi thủy của mọi sự cố trong thế giới vậy (tr 32). Từ đó anh phát hiện ra mối quan hệ giữa không gian, thời gian và sự sống, con người và môi trường, trí tuệ và xã hội, khái niệm về con người, về cái gọi là giác quan thứ sáu. Anh còn muốn giải thích những hiện tượng “thần bí” làm bận tâm nhiều thế hệ: giấc mơ của Lomonoxov và việc nhà bác học này tìm được xác cha; giấc mơ của Đan, nhà triết học Anh về hạm đội của Napoleon bị đắm 4000 người chết gần đảo Hêlen, sau đó thành hiện thực nhưng chỉ có 400 người chết thôi; về việc Lý Quảng, một danh tướng đời Tần bắn tên cắm vào đá khi ông tưởng đó là một con hổ!... Tôi cố hình dung bộ óc anh có cả một bộ nhớ khổng lồ như bị dồn nén cứ muốn trào tuôn, muốn diễn giải, muốn khám phá những bí ẩn của sự sống. Anh viết một mạch không chú thích, không ghi xuất xứ - anh cần ai để đối thoại hay minh chứng thì anh cứ mời họ ra từ Aristote, Kant, Hegel đến Anhxtanh…”.

Không phải dễ hiểu đối với nhà sinh học chuyên môn khi đọc những luận giải toán học cho phát kiến của Đồng, mặc dầu những luận giải toán học đó có khi lại đơn giản đối với dân nhà toán,  bởi đây là những áp dụng logic toán trong luận giải mối quan hệ tương tác genotyp-phenotyp mà thôi. Và ngược lại, những nội dung sinh học kiểu như là: “…ngay trong moment “đang là” của hệ thống, tất yếu tồn tại dòng biến cố nhớ về quá khứ, điều này rất rõ trong nguyên tắc phat triển mang tính lặp lại của sống.” (tr 99, sđd) thì những nhà toán học, vật lý học thấy mù mờ, còn dân sinh học thì không khó hiểu nguyên tắc này trong nghiên cứu về quá trình hình thành bào thai (эмбриологический процесс). Tớ vì là bạn cùng “hoàn cảnh” nên đã từng nghe Đồng thảo luận vấn đề này và do vậy phần nào cũng thấm được một vài tí ý tưởng vào đầu. Hồi ấy Đồng chưa viết thành tác phẩm hoàn chỉnh như sau này.

Và đến năm 1997, tớ có điều kiện thử nghiệm một khía cạnh trong lý thuyết về không – thời gian 6 chiều của Đồng, mà cụ thể cái gọi là “giác quan thứ 6”.

Đó là một lần, sau khi tiếp hộ sếp một ông khách nước ngoài, mình tiễn khách về rồi đi lên cầu thang, vừa lên đến gác 2 thì gặp một chị vừa đi xuống vừa khóc, nhìn mặt có vẻ quen quen, thì ra là nhà báo - phóng viên (mình quen mặt vì thỉnh thoảng đến chơi nhà anh chị mình ở dốc Thọ Lão, chị ấy cũng ở gần đó)…, hỏi chị thì chỉ ấy cứ khóc, nói không ra lời, mình mời chị vào phòng khách (vừa tiếp khách xong), để chị bình tĩnh lại, và kể lại cho nghe rành rọt hơn. Số là, chị ấy có người anh bộ đội, hy sinh trong Nam, ở ngục 9 hầm, biết vậy nhưng chưa tìm được mộ. Vừa qua một số thông tin về anh Nguyễn Văn Liên ở Hải Dương có năng lực đặc biệt, có thể giúp tìm mộ cho một số người, và đã có kết quả, chị ấy là nhà báo nên biết thông tin, và muốn nhờ anh Liên giúp, nhưng vì đến thời gian ấy có khó khăn, chính quyền địa phương đang ngăn cản vì cho là mê tín dị đoan, hai là chị ấy cũng chưa đủ khả năng tổ chức đi tìm theo chỉ dẫn của anh Liên, qua lời khuyên của một số người, chị ấy tìm đến Bộ KH,CN&MT để xin lập một đề tài giao cho một số cơ quan nghiên cứu để bảo đảm có căn cứ khoa học. Chị ấy đến gặp một thủ trưởng ở Bộ mà theo chức năng là quản lý loại việc này, nhưng bị từ chối, nên khóc mà về. Tớ cũng đã biết một ít thông tin rồi, qua lời kể của chị ấy tớ càng thấy hiện tượng ông NV Liên là có tính đặc biệt, tớ nghĩ đến lý thuyết của NT Đồng, nghĩ cần thiết nên khảo sát thử nghiệm để có thể chứng minh. Tớ xin lại địa chỉ điện thoại của chị ấy và hứa sẽ tác động giúp. Sau đó tớ báo cáo sếp, thuyết phục ông ấy, và được ông ấy đồng tình, mà thực ra sau này tớ biết là ông cũng đã có thông tin khá nhiều rồi. Tớ truyền đạt ý kiến của sếp cho thủ trưởng đơn vị chức năng, và kết quả là anh ấy đã tổ chức được dự án đầu tiên mang tên “Đề tài thực nghiệm năng lực tìm mộ của ông Nguyễn Văn Liên” và giao cho 3 cơ quan, tổ chức khoa học phối hợp thực hiện.

Đề tài triển khai ngay, và sau sáu tháng, pha 1 đã có báo cáo. Mình đã được cung cấp báo cáo và trình sếp, sau khi đọc xong thì trả lại Đề tài lưu (theo quy định đối với đề tài đặc biệt loại này). Kết quả bước đầu rất thú vị, có nhiều thử nghiệm có thể chứng minh được rằng  một vài người có khả năng ngoại cảm thực sự. Những thử nghiệm có kết quả như đối với trường hợp liệt sỹ-anh trai nhà báo nói trên, có trường hợp liệt sỹ hy sinh tận bên Lào,… và trong đó có trường hợp liệt sỹ là mẹ của một người KGU ta – anh Trần Thượng Tuấn. Về sau đề tài tiếp tục pha 2 nhưng không thuộc Bộ mình phụ trách nữa. Những nghiên cứu thử nghiệm sau này còn được hỗ trợ thêm của công nghệ gien. Và theo những thông tin mình được biết thì các thử nghiệm bằng kỹ thuật ADN cũng thêm một lần xác định những thông tin mà các nhà ngoại cảm cung cấp có những trường hợp đúng, mức độ chính xác khá cao. Kết quả các thử nghiệm này cũng đã có người trích đăng trên báo chí và cả sách như cuốn “Những chuyện về thế giới tâm linh” của nhà văn Trần Ngọc Lân sưu tầm và biên soạn (sách mới tái bản, tớ vừa mua được ở Tràng Tiền. Số là khi viết bài này, tớ gọi điện hỏi người lưu giữ tài liệu tổng kết đề tài mượn đọc lại, nhưng anh ấy không cho mượn nữa, giữ nguyên tắc mà, vì tớ đã về hưu, nhưng anh ấy giới thiệu cho cuốn sách này). Trong tài liệu có những chi tiết ấn tượng như tài liệu tổng kết mà mình đã đọc, như trường hợp: chị gái anh Trần Thượng Tuấn là chị Trần Tố Nga đã nhờ các nhà ngoại cảm giúp đỡ tìm mộ mẹ là Liệt sỹ Nguyễn Thị Tú-nguyên là “người lãnh đạo phong trào phụ nữ Sài gòn trong thời kỳ chống Mỹ” (lời Bà Nguyễn Thị Bình-trang 165-171 sđd) bị địch bắt và thủ tiêu, chúng nó trói bằng dây ni-lông rồi chôn (đẩy xuống hố chôn) ở tư thế ngồi. Khi khai quật lên đúng hoàn toàn là như vậy. Hiện nay dây nilông gia đình vẫn giữ để trên bàn thờ. Như vậy có thể nói đến nay bằng thực nghiệm khoa học đã chứng minh được lý thuyêt của Ngô Thanh Đồng là có cơ sở. Nếu vậy thì đó sẽ là một phát minh thực sự lớn, xưa nay chưa có.

Nói đến giác quan thứ 6 thì lẽ tất nhiên là nghĩ ngay “vậy nó ở đâu?”, bộ phận nào của cơ thể con người mang chức năng này? Xúc giác có da, vị giác có lưỡi (mới đây các nhà khoa học Nhật bản còn phát hiện là phổi và cuống phổi cũng có chức năng này, nhờ vậy mà có thể sẽ có biện pháp chữa trị bệnh hen suyễn tốt hơn), thính giác có tai, thị giác là mắt, khứu giác là mũi, vậy giác quan thứ 6 – cảm giác? Ngô Thanh Đồng đã từng nói với tôi đề xuất, tuy nhiên tôi chưa thể bật mí ở đây. Vậy các bạn nghĩ là cơ quan nào của cơ thể người lĩnh chức năng này. Không bật mí nhưng gợi ý thì có thể. Cư dân Đông Nam Á không lạ gì, khi mà người Chăm thờ Linga-Ioni! Linga-Ioni là nơi hội tụ của trời đất, nơi mà vật chất được thấm linh hồn, có phải thế không? Tất nhiên là giác quan nào thì thông tin cũng tập trung về cơ quan tối cao là não. Và mọi người nghiệm mà xem có phải thế không.

Tôi viết bài này từ cách đây mấy tháng, hồi mọi người đang bàn thảo về Ngô Bảo Châu, viết tản mạn vì nhớ đến đâu viết đến đấy, nên có khi dây cà ra dây muống! Nhưng rồi cứ để đấy chưa đưa lên web đàn, có một vài chi tiết muốn kiểm chứng, tìm hiểu lại, như đi hỏi người lưu tài liệu nhưng không được mượn, đến cả thư viện quốc gia tìm… xem ngày mất – ngày giỗ của Đồng là ngày nào. Nay xác định được là Đồng mất vào sáng ngày 19/12/1997. Hôm nay đúng 13 năm ngày Đồng mất, tôi gửi bài này lên web của Hội để mọi người nhớ Ngô Thanh Đồng, một người KGU đặc biệt của chúng ta.

(Về cuốn sách của Ngô Thành Đồng nay tôi chỉ còn mỗi một cuốn. Tôi đã lên Trung tâm thông tin KH&CNQG (cơ quan của Trần Thu Lan) nhờ các bạn trên ấy số hóa hộ cho, nay có bản số hóa rồi, nhưng không đưa lên web được, vì size hơi bị lớn, và không biết để vào chỗ nào cho thích hợp, vì vậy bạn nào muốn tham khảo gửi email cho tôi, tôi sẽ chuyển trực tiếp như HT Ngọc từng gửi bài hát.mp3 ấy).


Người post: KhanhT

Ngày đăng: 19-12-2010 15:03






Xem 21 - 30 của tổng số 33 Comments



Từ: ThanhLK
21/12/2010 00:27:20

Anh Khánh ơi, trong chuyến đi Bacu năm học dự bị, em cũng chỉ biết anh Đồng học giỏi và vì thế tính cách có hơi khác người. Qua bài viết của anh em thấy rất thương anh Đồng và tiếc cho một tài năng đã không được quan tâm nuôi dưỡng. Có cách nào để có thể đánh giá và phát triển các kết quả nghiên cứu của anh Đồng được không ?


Đúng là anh rất hiểu anh Đồng và nhận định đúng: nếu anh Đồng có một gia đình thì số phận anh có lẽ sẽ khác nhiều...Cám ơn về bài viết rất "khoa học" của anh nhé.



Từ: HuongNT
20/12/2010 23:04:21

Hôm qua em đọc bài của anh Khánh, đọc một cách say sưa, lúc đó chưa thấy có comment nào cả, nhưng bỗng dưng bị đau đầu nên em phải dừng lại. Tối nay đọc tiếp thì đã thấy có rất nhiều comments rồi, và một điều chung nhất là mọi người đều rất cám ơn anh Khánh đã cho người KGU hiểu được nhiều hơn và đúng hơn về anh Đồng. Hồi em sang thì anh Đồng về nước rồi  nhưng được nghe khá nhiều giai thoại về anh ấy. Thường thì những người siêu giỏi sống hơi lập dị và cuộc sống của họ rất vất vả, có thể nói là không bình thường như các nhà bác học, các họa sĩ thiên tài mà chúng ta đã từng biết. Em cũng có những kỷ niệm về anh Đồng. Năm 1984-1985 em đi học thêm tiếng Anh buổi tối ở Trường Phan Chu Trinh trên phố Nguyễn Thái Học. Trong lớp mọi người đều chú ý đến một học viên già ăn mặc trông rất khắc khổ. Anh đến lớp luôn luôn mặc duy nhất chiếc áo sơ mi trắng đã chuyển màu cháo lòng và quần màu tím than. Đi học anh chỉ mang sách và một quyển sổ nhỏ nhưng không ghi chép gì. Có một lần giờ giải lao anh ấy hỏi em trước đây học ở đâu? Em trả lời là ở Liên Xô. Anh ấy lại hỏi thành phố nào? Em nói là ở Kisinhop. Thế là anh ấy bảo cũng học ở đấy. Và em nhận ra ngay đây là anh Đồng rồi. Anh đưa cho em xem quyển sổ bìa nilon đen, trong đó anh ấy viết rất nhiều câu triết lý, em hỏi những câu này là của ai thì anh Đồng bảo là của anh ấy.Thế là từ hôm đó trở đi cứ giờ ra chơi là anh Đồng lại đến ngồi cạnh em nói chuyện(anh Đồng toàn đi học muôn). Mọi người trong lớp rất ngạc nhiên vì sao anh Đồng hay nói chuyện với em thế. Em kể là anh ấy học cùng trường KGU thì mọi người lại càng ngạc nhiên hơn. Sau này anh Tuất Chai lọ 73 có kể cho em về cái chết của anh Đồng rất tội.Trên đời này những người tài giỏi thường ra đi quá sớm, thật tiếc!


Cám ơn anh Khánh đã có một bài viết rất hay về anh Đồng để người KGU hiểu hơn về một con người tài năng nhưng số phận không may mắn. Em thấy đúng như anh Huy nói nếu anh Đồng có một gia đình thì có thể cuộc đời của anh ấy sẽ không bất hạnh như vậy. 



Từ: NhuanNT
20/12/2010 14:37:45

Cảm ơn Anh Khánh, một nhà khoa học chính cống đã viết thật hay và chi tiết về Anh Đồng. Dù cũng biết sơ sơ về anh ấy nhưng thực sự là em chỉ nghe rằng anh ấy có những tư duy mà người thường không hiểu nổi.  Khoa học bây giờ chỉ tính đến những thứ đo đếm được, phần lớn thuộc về thế giới vật lý mà tâm linh là 'hệ điều hành' phức tạp mà con người chưa hiều nổi. Cứ như anh ấy đi trước thời đại của mình, không hợp thời, không địa lợi, tiếc thế.


Cả anh và anh Đồng đều là những nhà khoa học thật đáng ngưỡng mộ.


Anh là Đại ca của những Đại ca đấy.



Từ: ChiNB
20/12/2010 10:22:25

Cám ơn anh Khánh đã cho chúng em được biết rõ hơn về anh Đồng. Ngay từ khi mới có Hội KGU em đã rất mong các anh chị OB73 viết về anh Đồng. Anh là một NHÀ KHOA HỌC thật sự, tài năng, khổ hạnh và rất lập dị. Thật tiếc cho một tài năng lớn của KGU.


@HaiNV: Có bao giờ HDKH xét và truy nhận học vị TS không nhỉ ?



Từ: ThoaNP
19/12/2010 23:36:35

Anh Khánh ơi. cảm ơn bài viết của Anh đã cho em hiểu thêm một người bạn KGU của chúng ta. Tiếc quá, là hôm nay Hội KGU HCM tụ tập rất vui, mà không biết là 13 năm ngày mất anh Đồng để chúng em nhắc đến và tưởng niệm.


Nếu được anh gửi quyển sách cho em nhé, và anh cũng dạy cách download xuống luôn (ntpthoa@hcmus.edu.vn). Cám ơn Anh.



Từ: Khửu
19/12/2010 22:15:36

Anh Khánh ơi, anh mới thực sự là Đại ca đấy! Ngay từ khi chỉ đọc các comment của anh em đã thấy anh viết rất sâu sắc, hay và chuẩn xác. Bây giờ được đọc bài viết của anh là càng thấy anh đúng là có ý chí của 1 nhà KH 'nhớn' đấy. Anh nhớ rất chi tiết và chính xác quá! Những điều viết về anh Đồng đúng như những gì bọn em biết và nhớ về anh ấy, anh còn viết rõ hơn nhiều điều như niềm say mê NCKH, việc học hành, sinh hoạt và cả tình cảm riêng tư nữa, hay thật! Em cứ nghĩ giá như a.Đồng có một gia đình như mọi người bình thường chắc anh ấy đã không có số phận bất hạnh như vậy, anh ấy thực sự là một nhà NCKH đáng nể. Cả anh nữa đấy anh Khánh ạ. Rất mong có lúc nào được nghe anh nói chuyện về những nghiên cứu của mình nhất là trong lĩnh vực sinh học và thần giao cách cảm. Em có bà chị ruột cũng vừa được 'người âm mách bảo' địa chỉ mộ của bố chồng mất trong chiến tranh, giờ gia đình chị ấy đang chuẩn bị tìm cách xác định chính xác địa điểm và đưa hài cốt cụ từ SG ra HN.


À anh Khánh có thể gửi cho em copy cuốn sách của anh ĐồngNT được không, qua mail? Cảm ơn anh nhiều.




Từ: HuyenBT
19/12/2010 20:31:08

Những người KGU của chúng mình tuyệt vời quá! Cứ mỗi ngày lại có một điều bí mật được mở ra, từ tấm áo len dan từ hơn 30 năm trước, bỗng có một ngày mang lại niêm ấm ấp chung cho cả hội người KGU, đến những bí mật nằm trong bộ nhớ của con người. Các anh, các chị giỏi quá, giỏi từ khi dám cãi lại, cả gan di học chui, để bảo vệ niềm say mê của mình.Em thương trái tim và khối óc của anh Đồng quá, ước gì nó vĩnh cửu, vì cả đời sống của nó, chỉ để tìm ra những bí mật của đời sống con người.


Em đang thấy yêu hơn, gắn bó hơn với mảnh đất Moldova.Nơi đây đã từng có trường KGU, từng có những người KGU. Vì vậy khi làm "Góc Vietnam" ở nhà Bảo tàng của trường mình, em kiên quyết đấu tranh, để họ phải đồng ý cho em viết "những sinh viên KGU", mở ngoặc đơn: (hiên nay là trương ĐHTH Moldova), chứ không phải là Trường ĐHTH Moldova,(mở ngoặc đơn("trước đây là KGU"). Chúng em tự hào, chúng em trân trọng, chúng em nâng niu những gì thuộc về KGU. Chỉ có tấm lòng KGU tuyệt vời của anh Khánh, chúng em mới có những hiểu biết thêm về nguơikgu. Em cảm ơn anh Khánh nhiều nhiều.Anh còn biết gì nữa, hãy viết hết ra đi



Từ: BinhNH
19/12/2010 20:29:59

Anh Khánh à, Em cũng vẫn nhớ hình ảnh anh đồng chạy bộ đến trương. Trong khi chúng em chen chân trên xe bus. Mà mùa đông, đường trơn chứ. Đặc biệt em không nhìn thấy anh Đồng ngã ? Mặt anh ấy luôn tươi cười.



Từ: BinhNH
19/12/2010 20:26:38

Anh Khánh ơi,


Thật sự phục anh về sự say mê học, tìm tòi khoa học không những của anh Đồng mà cả của anh. Em nghĩ các anh đã làm được nhiều điều.


Bọn em thiếu hẳn đoạn say mê thư viện của các anh.


Bài viết của anh rất chi tiết và anh cho đăng đàn đúng ngày mất của anh Đồng.


Chắc anh Đồng cũng cảm nhận được tình cảm này ở nơi chín suối.. 



Từ: NghiPH
19/12/2010 19:19:38

Anh Ngô Thanh Đồng của chúng ta là nhà khoa học thực thụ. Xin kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ anh!


 





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s