KGU News >>Người KGU >>Chúng ta
KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 03 Tháng mười hai. 2011

NHỚ VỀ CON ĐƯỜNG XƯA




Tác giả: MinhCK

NHỚ VỀ CON ĐƯỜNG XƯA

 

Trong những dòng tự sự “về nguồn” của rất nhiều người ở hội KGU tôi thấy đều có cùng một suy nghĩ, một niềm nhớ nhung, một hoài niệm về những cái đã qua của một thời sinh viên, của một thời nhớ về nơi xa lắm ấy. Trong các “còm” cho bài “Về nguồn 4” của HT Ngọc BQ tôi tình cờ đọc được một bài thơ hay, bài GỬI CON ĐƯỜNG XƯA. Bài thơ là của chị ThuTT, chắc vừa rồi chị cũng về nơi ấy. Bài thơ của chị đã làm cho tôi và một số độc giả bị “sốc” mạnh, nhất là những người đã qua đi một thời tuổi trẻ ở đó. Đây là bài thơ hay, nhiều hình ảnh, đầy ấn tượng, gây cảm xúc, buộc người đọc phải suy nghĩ về cái thời mà chẳng biết gì ngoài việc học và học. Vì thế mở đầu bài thơ chị đã nói:

 

Ơi con đường ngày xưa ta tới lớp

Con đường ta qua suốt tuổi hoa niên

 

Trong tiếng Nga Дорога hay путь đều là những con đường, nhưng ở đây tôi lại hiểu chị không chỉ nói về con đường theo nghĩa đen đơn giản như thế. Đó là con đường dẫn ta đến tri thức làm người, con đường của sự nghiệp vẹn toàn ngày hôm nay đã có công lao của các thầy, cô ngày hôm qua. Biết bao những người trong chúng ta đã đi qua con đường ấy, đã trở thành các tiến sỹ, tiến sỹ KH, các giáo sư, phó giáo sư và rất nhiều người khác đã thành đạt đều đã đi qua con đường ấy - con đường đưa chúng ta vào đời. Chị cũng đã tâm sự trong comment của mình là: Một con đường mà rất nhiều người trong chúng ta không nhớ tên nhưng không bao giờ quên. Những ngày về lại Kishinhốp tôi đã "Gửi con đường xưa" nỗi nhớ của mình.

 

            Nỗi nhớ đưa chị trở về với từng viên đá lát đường thân quen / rất có thể trên từng viên đá lát / rất có thể trên từng góc phố…đã để lại cho chị những kỷ niệm không quên với dấu chân ta đâu đó vẫn còn / phải là con người nặng lòng lắm với quá khứ và hình như chị đi một mình trên con đường đó để chiêm nghiệm, hồi tưởng và hình dung xem cái lần сuối tháng февраль hay đầu tháng МарT năm xưa ấy khi băng đang tan lại gặp một đợt lạnh bất ngờ làm băng đóng lại cứng và trơn rất lâu, đi trên nó không cẩn thận sẽ ngã và mình đã ngã ở nơi nào đây nhỉ. Chị tự hỏi mình hay hỏi ai.

 

                        Rất có thể góc đường băng vẫn cứng

                        Ta lại trượt chân vì vội vã trễ giờ

 

          Đi trong mông lung ấy chị đã nghĩ đến đoạn đường nào mình đã đi qua, nhưng mọi cái đều không chắc chắn lắm, dường như chị cho phép mình được giả thiết ngay với bản thân mình để rồi trong ngay câu sau đó chị lại tự mình trả lời cho mình. Thời bấy giờ chắc chị là con người trách nhiệm lắm cho nên chị chỉ chú tâm vào việc học, vội đến nỗi bị ngã đấy nhưng không nghĩ đến đau hay không mà chỉ sợ trễ giờ học. Chữ “lại” đặt vào trong câu này rất đắt, nó nói rằng sự trượt chân này không phải một lần. Chữ “lại” đã nói lên tất cả sự nhọc nhằn của những người đã từng đi học nước ngoài thời đó. Đi tiếp nhận khoa học, đi tìm con chữ văn minh trong cuộc sống, đi học làm người và để thành người. Cái vất vả thiêng liêng của thời đi học đâu chỉ có thế, nó còn phải đổi bằng nỗi khổ xa nhà, xa gia đình, xa Tổ quốc.   

           

Tôi muốn dùng cụm từ “vất vả thiêng liêng” để nói về những năm tháng nhọc nhằn đi lĩnh hội “Khoa Học” ở nước ngoài. Cuộc sống có thể đầy đủ hơn những người học trong nước, nhưng đổi lại họ phải chịu đựng đớn đau về tình cảm rất nhiều. Nỗi đau thể chất có thể chữa được, nhưng trong tất cả những nỗi đau thì nỗi đau về tình cảm nó vất vả, nhọc nhằn và dai dẳng nhất. Ở đâu đó chị đã nhìn thấy sự ấm cúng, sum họp gia đình, rồi sau đó chị mới vận vào mình và thảng thốt:

 

Sau khung cửa cảnh gia đình đầm ấm

Ta nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ em.

 

Bài thơ có 4 khổ nhưng có tới 3 khổ chị giả thiết cho mình;

 

 Rất có thể chiếc lá chiều qua rụng / Rất có thể tháng năm không chảy nữa / Rất có thể trên từng mét phố…và rất nhiều cái rất có thể nữa.

 

Chị lại đưa mình lạc vào cõi hư vô của người đang mơ mộng để rồi trong câu thơ với đầy những nhớ thương ấy một hoài niệm về một thời xa nhà đi học đã ẩn dụ trong bài thơ của mình:

 

                   Rất có thể chiếc lá chiều qua rụng

             Ta để quên đâu đó giữa trang thơ….

          ….Rất có thể tháng năm không chảy nữa

            Chỉ còn ta trong chiều muộn đứng nhìn….

          …Rất có thể trên từng mét phố

                vẫn còn nguyên nước mắt nụ cười….

 

Chia tay tuổi thơ, chia tay thời sinh viên với rất nhiều kỳ thi, bài tập lớn, luận văn tốt nghiệp, chia tay bạn bè bao giờ cũng buồn, nhiều khi buồn đến ngẩn ngơ cả người. Tôi không chắc chị đã có những mối tình nào ở đó chưa, nếu chưa thì chị phải là người đa sầu, đa cảm lắm mới viết được như thế. Còn nếu đã có rồi thì những khi đi chơi họ chưa dám dắt tay nhau, đi xa nhau ra một chút và cúi gằm chắc đã đếm được từng viên đá lát trên đường, từng vết trượt chân ở đâu đó và có thể vào chỗ nào đây. Hay chị đã nói hộ mọi người rằng tại gốc cây, quãng đường, chỗ ngoặt nào đó … chúng mình đã gặp nhau, đã đi bên nhau thời sinh viên đó, để bây giờ tìm lại như một giấc mơ. Có thể tình yêu thời sinh viên chỉ có thế, rồi mỗi người lại đi một nơi để rồi lại nhớ về nhau, kể về nhau sau những lần gặp lại. Tôi còn nhớ đâu đó hai câu thơ của một nhà thơ nào đó cũng nói đến tâm trạng này:

 

                   Bạn đã đến đây một lần rồi

            Tựa thành cửa sổ không vào chơi

 

Tình yêu tuổi học trò là như vậy đó, thật thanh khiết, trong sáng. Đến chơi đấy nhưng rồi lại sợ (chẳng biết vì lý do gì) không dám vào. Suốt những năm tháng của tuổi học trò, thời sinh viên đã lần nào chị rơi vào trạng thái tình cảm này chưa, nhưng với bài thơ của mình đọc lên chỉ vài phút thôi, chớp nhoáng thôi chị đã “găm” được cảm xúc vào người đọc thơ chị, nó như hình bóng của chị trong trí nhớ của họ. Chị đã đưa họ về với những kỷ niệm vui, buồn của ngày nào trong "thành phố trắng" thân yêu bởi:

 

           Rất có thể trên từng mét phố

          Vẫn còn nguyên nước mắt nụ cười

 

Đây có lẽ là bài thơ thứ hai (sau bài đưa con đi thăm thành cổ Quảng Trị) của chị tôi được biết, được đọc trên mạng KGU. Có thể xem đây như những “câu” nhật ký “về nguồn” vì nó đã vẽ lại, nhắc lại tất cả từ con đường xưa tới lớp, từ những viên đá lát, dấu chân, mét phố…tưởng chừng rất nhỏ nhoi trong mỗi ngày, mỗi tháng, năm qua, từ  chiếc lá chiều qua rụng đến tháng năm không chảy nữa đều là những ấn tượng, những xúc cảm chân thành như thế nắm bắt được và cả trừu tượng về vùng đất xa xôi, nhưng vô cùng thân thương, yêu quí. Từ đó giúp chị qua biết bao thăng trầm của cuộc sống trên đất nước thân yêu của mình vẫn luôn nhớ:

 

                 Để hơn ba mươi năm sau trở lại

               Ta thấy mình nguyên vẹn tuổi hai mươi

 

Chúc chị mãi mãi tuổi hai mươi để nhớ, để thương, để ấp ủ những kỷ niệm về vùng đất xa ngái nhưng rất đỗi  yêu thương trong suốt cuộc đời của chị và của biết bao người bạn đồng môn, đồng trường khác. Chúc các bạn dù ở đâu, lúc nào cũng nghĩ được rằng: Dù sao Kishinhốp vẫn thân thương nhất ./.

 


Người post: MinhCK

Ngày đăng: 03-12-2011 16:04






Xem 11 - 17 của tổng số 17 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: MinhCK
04/12/2011 20:08:22

Tôi hoàn thành bài viết này cách đây khoảng gần một tháng, nhưng rồi lấn cấn mãi nên hôm vừa rồi mới post lên được. Bài viết được các bạn "còm" động viên trước hết nhờ có bài thơ hay của em ThuTT mà tôi cảm nhận được. Sau đó là tình cảm của tôi với vùng đất của vợ tôi và của các bạn, nơi đã "lấy đi" tuổi xuân của chúng ta để phục vụ cho việc học hành. Bài viết của tôi được hoàn thành với sự giúp đỡ rất tận tình của một người KGU hay thơ, hay văn và rất nhiệt tình với hội. Người đó đã sửa cho tôi cách hành văn, cách diễn đạt và lỗi chính tả. Cho phép tôi chân thành cám ơn người bạn ấy. Hy vọng với sự giúp đỡ của mọi người tôi sẽ có những bài khác hay hơn. Hẹn gặp các bạn ở những lần sau.



04/12/2011 16:14:14

Xin chào anh Kỳ Minh, nhà phê bình thơ mới xuất hiện trên thơ đàn KGU.


Xin chào chị Thu, nhà thơ đã xuất hiện từ mùa hè năm nay 2011. Hy vọng chị Thu tung nhiều thơ hơn nữa lên thơ đàn. Để sẽ có nhiều bài bình thơ nữa của anh Kỳ Minh.


Nhân tài NguoiKGU đông như là mùa thu. Nhà thơ đã nhiều, người bình thơ cũng không ít. Rất tiếc gần đây em khá bận nên chẳng tham gia bình thơ, bình văn nữa.


Những con đường không bao giờ phôi phai trong trí nhớ NguoiKGU. Năm sáu năm đại học, ngày hai lần đi trên con đường đó, làm sao quên được. Chẳng qua sau mấy chục năm, đi lại trên những con đường ấy, chị Thu có thơ. Nhà thơ khác người thường ở chỗ đó. Người thường chỉ nhớ nhung, bồi hồi. Nhà thơ thì biến nhớ nhung bồi hồi ấy thành thơ.


Có 1 chi tiết nhỏ cho những đôi lứa NguoiKGU: trên con đường ấy, họ đã bao lần nắm tay nhau cùng đi về KTX sau những giờ thí nghiệm, sau những giờ ngồi ở phòng đọc. Trời thì tối mịt, nhưng với những đôi ấy, con đường vẫn sáng, vẫn rộng mở như tâm tình của họ. Trong các đôi ấy, có em và Nguyệt.


@anh MinhCK: anh bình nữa đi, NguoiKGU có nhiều thơ hay lắm.



Từ: ThuTT
04/12/2011 15:40:18

Em cám ơn anh Minh đã ưu ái dành những lời tốt đẹp cho bài thơ của em. Thành thực mà nói, với tư cách người đọc thì em thấy bài bình hay hơn bài thơ nhiều. Cũng như tất cả Kishôpsư, những năm tháng sinh viên của em gắn liền với con đường này. Nhưng những vần thơ này thành hình chính là nhờ những câu chuyện được nhắc lại khi em, chị Bình, chị Thảo cùng đi lại trên con đường này để về lại ký túc xá. Chị Thảo kể về cái hôm tủi thân khóc  một mình và anh bạn Misa bằng cái giọng rất chi là "chị Thảo" (chứ không ngọt ngào như trong bài viết đâu) nhưng đầy cảm xúc. Lần sau đi lại con đường này với chị Bình và Trương Xuân Thanh, Thanh nhẹ nói:" Ngày xưa bao nhiêu lần về tối, nhìn cảnh gia đình đầm ấm qua những khung cửa sổ này mà nhớ nhà". Thấy nhiều người cũng từng như mình những năm tháng ấy.



Từ: NghiPH
04/12/2011 07:23:51

Một nhà thơ bình về thơ của một nhà thơ. Nhà thơ có bài bình thơ hôm nay có đôi mắt xanh, có trái tim rung cảm cùng nhịp đập của những người Về nguồn. Anh hòa vào cái hối hả đi đây đi đó của mọi người. Anh đi trên con đường xưa. Anh lên giảng đường, tới phòng đọc,  vào phòng thí nghiệm. Anh bước xuống  đường cầu thang tới hồ Komxomol. Anh cùng đến thăm các thầy các cô. Anh lắng đọng trong hồn thơ của ThuTT. Để rồi viết lên một bài bình thơ thật hay. Xin cám ơn anh. Hai nhà thơ KGU ơi! Đọc bài thơ của chị, đọc bài bình của anh, sáng nay tôi lại thấy mình nguyên vẹn tuổi hai mươi.



Từ: BinhNH
04/12/2011 07:00:54

Các bạn ơi,


Đại tá Kỳ Minh nói đa tài là chưa đủ mà còn phải nói là anh chung tình nữa: Chung tình với gia đình nhỏ với chị Bích Chi nên mới có tình cảm rung động với cả con đương mà Đại tá chắc hẳn đã tưởng tượng ra cảnh vợ mình đã đi trên con đường ấy . Có thế mới thể bình thơ em Thu hay như vậy.



Từ: ThanhLK
03/12/2011 23:08:15

Hay thật, vừa được nói chuyện với anh Kỳ Minh qua điện thoại xong lại được đọc tác phẩm của "Nhà phê bình văn học". Em Nguyệt đang rung rinh mà vẫn phong chức cho anh Minh rất chính xác. Những năm còn đang tại chức, cứ mỗi lần đi họp ở Bỉ là em lại hẹn gặp Thu đi phố, sau đó đến nhà Thu ăm cơm. Em đã biết Thu có tâm hồn lãng mạn và rất hay làm thơ, yêu thơ và chắc Thu phải còn cả một "kho tàng" thơ chưa công bố. Tuy mới có một vài bài đưa lên web nhưng thơ của Thu đã cảm hóa người đọc ngay rồi. Nhưng để cảm nhận sâu sắc hơn "cái hồn" của bài thơ, để hiểu được những khía cạnh trìu tượng mà bài thơ muốn thể hiện...thì phải may mắn đọc được những bài bình kiểu "Kỳ Minh" như thế này. Em ủng hộ ý kiến của Nguyệt: Đại tá Kỳ Minh rất đa tài.



Từ: NguyetTM
03/12/2011 21:15:21

Lần đầu tiên được comment No.1 cho một bài viết trên Web.KGU và lại là còm cho bài anh Kỳ Minh nữa nên rất rung rinh. 


Em vào mạng, trong đầu đang nghĩ là cuối tuần này liệu có bài nào hay posted hay không. Thế mà cầu được ước thấy - thấy ngay bài anh Kỳ Minh bình luận về bài thơ cực hay của chị Thu. Thơ đã hay rồi, bài bình còn hay hơn nữa. Trong thơ người ta mới chấm phá những nét tình thôi, nhưng người bình đã cho chúng ta thấy cả biển tình đa sắc được gói gém trong những vần thơ ấy. Mọi khi cứ tạm gọi anh Minh là nhà thơ, nhưng hôm nay thấy anh bình thơ cũng hay quá nên lại gọi anh là nhà phê bình văn học nữa rồi. Ngài Đại tá đa tài quá.




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s