Năm cuối cùng thời sinh viên của tôi
Tác giả: Khửu
NĂM CUỐI CÙNG THỜI SINH VIÊN CỦA TÔI
Thế là tuần lễ cuối cùng trước khi em rời Kishinhev đi Ôđetxa cũng đã đến. Cái nóng nực của mùa hè cũng đã dịu đi nhiều, điều kiện để bọn con trai chúng tôi suốt ngày lăn lộn trên sân bóng. Số sinh viên đi nghỉ hè về đông lên và trên các sân bóng đá, bóng rổ người đông nghịt từ sáng sớm đến tối mịt. Thực ra kể từ sau khi đi nhà nghỉ Kommunalnik về tôi cũng rất ít khi gặp được em, nhiều việc linh tinh chiếm hết thời gian của tôi và của em nữa, nhưng cái chính là em rất ngại gặp và nói chuyện với tôi mặc dù đã mấy tôi lần gọi điện sang ký túc của em. Thời gian đó tôi và một số bạn Lý cùng lớp tính chuyện xin đi làm thêm để kiếm chút tiền còn sắm đồ chuẩn bị về nước, đã là mùa hè cuối cùng rồi còn gì. Chúng tôi xin vào làm đóng thùng ở nhà máy rượu vang. Đi làm cũng vui, công việc chả nặng nhọc gì chỉ cầm búa đóng những thanh gỗ thông thành thùng để đựng và vận chuyển rượu và cái khoái là chúng tôi được uống rượu thoải mái. Nói là thoải mái chứ thực ra chả uống được bao nhiêu vì bọn tôi có đứa nào là bợm rượu đâu, một cốc vang nho đỏ là đã váng cả đầu rồi, trong khi ông đội trưởng lúc nào cũng đi kiểm tra dò xét và đôi khi còn…ngửi mồm nữa. Chỉ mấy bác công nhân người Môn là ma mãnh thôi, tu cả lít mà chả say bao giờ. Cứ làm 1 vại xong họ lại ngậm đầy nước trong mồm, hễ kiểm tra đi qua họ súc miệng sùng sục rồi nhổ toẹt thế là hết cả mùi lẫn vị.
Làm việc được 1 tháng thì bọn tôi xin nghỉ vì cũng sắp hết hè, thực ra đi làm lần này là để giữ chỗ đi lại cho lần sau xin việc vào khoảng tháng 4-5 khi đã xong luận án tốt nghiệp. Đúng vào thời gian ấy tôi được biết em và một số bạn khóa dự bị đã đi nhà nghỉ Lesnoi đợt cuối cùng. Hết việc ở nhà chả biết làm gì, ngoài những lúc chạy đá bóng thì đầu óc tôi thường nghĩ tới em, rồi tự hỏi không biết em đang làm gì, chắc em chả còn nhớ gì đến cái anh Vật lý năm trên quần loe tóc dài nữa, mà tán thì rõ khéo làm người ta phát sợ…Cuối cùng, tôi cũng không chịu nổi với những suy nghĩ dằn vặt ấy nên đã rủ bạn Tất Thắng và bạn Lọ cùng năm đi lên nhà nghỉ Lesnoi, gọi là đi chơi thăm mấy bạn cùng lớp đang nghỉ trên đấy, tranh thủ nghỉ “hôi” vì cũng chỉ hơn 1 tuần nữa là tháng 9 phải vào năm học mới rồi.
Lên đến Lesnoi, sau khi dò la tin tức tôi được biết em đang ở cùng lán với mấy chị khoa Hóa, Lý năm trên. Chẳng có cách tiếp cận nào hơn tôi tích cực tham gia vào những cuộc đi chơi dã ngoại trong rừng, đốt lửa, nướng thịt và các cuộc đấu bóng đá bóng chuyền, hi vọng có cơ hội được gần và chuyện trò với em. Nhưng vì em ‘dính’ với các chị năm trên quá nên hầu như hi vọng của tôi bị dập tắt. Duy nhất có lần chơi bóng chuyền khi tôi phát bóng và hét to: “Quả này cho Th. này” làm em giật mình, chạy đón bóng và lại ngã. Tôi ân hận quá nhưng em lại cười nói: “Anh phát lại đi, lần này em sẽ không ngã nữa đâu, thề đấy”. Cơ hội cuối cùng được đứng gần em cũng bị tuột mất. Hôm ấy là ngày cuối cùng ở nhà nghỉ, cả hội ra sân chụp ảnh kỷ niệm, đoàn khá đông gần 50 người, tôi đứng ra hò hét mọi người xếp thành hàng để thợ ảnh chụp. Đến khi ông thợ ảnh chuẩn bị chụp tôi mới chạy vào hàng thì em đã đứng lọt vào tốp giữa, tôi đành đứng kiễng chân ở hàng sau cùng, mắt chỉ còn nhìn thấy vẫn 2 bím tóc ngắn tũn của em.
Trở về Kishinev việc đầu tiên là tôi đi cắt tóc và tắm gội sạch sẽ. Sau bữa tối ở nhà ăn tôi liều mình sang ob4 định bụng tìm gặp em để nói chuyện. Lên tầng 2, đến trước cửa phòng em tôi lấy hết can đảm và gõ cửa. Cánh cửa mở ra, đứng trước mặt tôi là em và trong phòng lúc này chỉ có một mình. Mặc bộ khalat màu vàng nhạt, trên tay là mảnh áo len đang đan dở, em nhìn tôi hơi ngạc nhiên rồi cứ đứng ngây ra. Tôi vội nói là chỉ định sang chơi nói chuyện làm quen với các em thôi, nếu em bận thì thôi khi khác cũng được. Em mời tôi vào phòng và nói: “Em không bận nhưng các bạn H, V và PL thì đang trên phòng các bạn tầng 3, anh cứ ngồi chơi em lên gọi chúng nó xuống ngay”. Nói xong em cứ để cửa mở và chạy biến rất nhanh. Không biết làm gì tôi đành ngồi chờ, nhìn xung quanh thấy giường đệm, sách vở, va li khá gọn gàng ngăn nắp, nghĩ bụng con gái có khác chả bù cho nhà mình, bừa bộn khủng khiếp luôn. Ngồi chờ tới gần 15 phút vẫn không thấy em và các bạn xuống, thỉnh thoảng có vài em dự bị sang nhìn thấy tôi và hỏi các bạn phòng này đâu. Tôi chỉ biết lắc đầu và nói anh cũng đang chờ mọi người đây. Cuối cùng thì tôi cũng hiểu ra rằng em muốn tránh mặt tôi. Chỉ sau này em kể lại tối hôm đó em sợ phải ngồi một mình nói chuyện với tôi thật sự, em bảo mấy bạn xuống nhưng chúng nó đang vui lại không muốn xen vào câu chuyện giữa em và tôi nên cứ đuổi em xuống tiếp khách. Và thế là em đã bỏ mặc tôi ngồi một mình với sự ân hận lắm nhưng cũng không thể làm khác được.
Tối hôm đó tôi mới thú thật với anh bạn Tất Thắng cùng phòng là đang có ý định tấn công một em dự bị và rủ anh ấy đi chơi với mấy em cùng phòng cho vui biết đâu lại chẳng “cá kiếm” được em nào phù hợp. Thực tình lúc ấy tôi nghĩ phải có đồng minh thì may ra có thể tiếp cận được em chứ một mình thì chịu chết rồi. Thật may cho tôi anh T.Thắng nhiệt tình xung trận ngay. Sang ngày hôm sau, tôi với T.Thắng bàn nhau là rủ các em đi thăm quan Muzei nghệ thuật ở gần vườn hoa Pushkin. Lĩnh vực này thì T.Thắng là người quá sành sỏi vì ngay từ năm đầu tiên học dự bị anh ấy đã mua hàng mấy chục quyển tranh dày cộp của các học sĩ Nga và châu Âu từ thời kỳ La mã, Phục hưng đến hiện đại sau này. Anh ấy có thể kể say sưa hàng giờ về thân thế sự nghiệp của từng họa sĩ danh tiếng như Kramskoi, Repin, Levitan, Ljubanopski, Kuydzi hay Rafael, Renoa, Rembrant, Leonard D’vanci, Michelange v.v…Chỉ tiếc sau này khi chuyển sang mê cờ vua anh lại bán hết các sách và tranh ảnh đi để mua mấy va li sách nói về môn cờ quạt này. Nhưng cũng thật bõ công, anh ấy đã trưởng thành trong làng cờ vua và hiện đang là Tổng Thư ký Liên đoàn cờ vua VN. Tối hôm đó tôi và T.Thắng cùng sang ob4 để thông báo cho các em về ý định đi thăm quan. May mắn lần này chúng tôi gặp được cả 4 em cùng phòng đang dọn dẹp bàn vì vừa ăn tối xong. Em Th. “của tôi” (xin phép bạn đọc là tôi từ giờ cứ mạnh dạn mà gọi em như vậy chứ còn lúc đấy đã xác định được thứ tình cảm đó cụ thể là gì đâu) thì đã nói chuyện khá thoải mái chứ không hãi đến mức chạy mất dép như ngày hôm trước nữa. Sau khi nghe tôi và anh Thắng giới thiệu ‘chương trình’ thăm quan một số nơi như vườn hoa Pushkin, bảo tàng nghệ thuật và cả đi Detski Mir nữa, các em hoan hô ầm lên, đòi phải đi thật sớm thì mới kịp. Tôi có nói vì các em sắp phải xa Kishinhev rồi mà mấy cái chỗ này các em vẫn chưa biết nhất là Bảo tàng nghệ thuật thì thật tiếc, bọn anh sẽ làm hướng dẫn viên luôn để khi đi xa rồi thì còn có cái gì để mà nhớ về Kishinhev chứ. Riêng em tôi để ý không thấy thể hiện là vui hay buồn nữa nhưng tôi nghĩ có các bạn cùng đi chắc là em sẽ hết ngần ngại.
Sáng hôm sau đúng giờ hẹn các em díu dít dắt tay nhau sang ob1 và lên phòng chúng tôi. Khi mở cửa mời các em vào tôi hết sức ngạc nhiên không thấy em sang cùng các bạn. Tôi vội vàng hỏi ngay: Th.đâu? Em H. trả lời: “Em biết ngay là anh Khưu sẽ hỏi Th. mà. Hơi tiếc là Th. phải đi trả sách thư viện anh ạ, em nói thế nào nó cũng bảo chỉ còn có hôm nay thôi phải đi trả. Nó hứa nếu xong sớm cũng sẽ ra cùng bọn em”. Tự nhiên tôi cảm thấy buồn và mất hết mọi cảm hứng, mới một phút trước thôi tôi còn háo hức, dù sao kế sách đi chơi thăm quan này là do tôi nghĩ ra nhằm để được đi chơi và nói chuyện với em lần cuối trước khi em chuyển đi thành phố khác. Trong khi đó các em nhất là V.kẹo và PL thì cứ rối rít giục đi ngay và an ủi tôi rằng thế nào cái Th. cũng ra, trả mấy quyển sách mất mấy phút chứ mấy. Trên đường đi ra bến xe anh T.Thắng có vẻ vui ra mặt và các em thì cứ ríu rít hỏi hết cái này đến cái nọ. Tôi có cảm giác là anh Thắng cũng đã để ý nhiều đến 1 em trong nhóm. Tôi thì như một kẻ miễn cưỡng nhưng dù sao cũng không thể giữ mãi cái bộ mặt đưa đám được các em sẽ nhìn vào mà trêu chết. Sau này thì tôi biết sự thật là Th. của tôi đã cố tình tránh gặp tôi hôm ấy vì em nói đã có cảm giác là anh Khửu để ý đến mình rồi nên mới bịa ra chuyện đi trả sách.
Sau khi đi chơi về, đói bụng chúng tôi nói với các em là chờ 1 chút bọn anh nấu cơm ăn luôn, nhà ăn giờ này cũng đóng cửa rồi. Anh Thắng thì giở hết quyển tranh này đến tập tranh khác giới thiệu với các em. Còn tôi ra bếp nấu cơm và làm thật nhanh món bắp cải sào và trứng rán. 15 phút sau mâm cơm ‘thịnh soạn’ được bày ra. Lúc đó thì em của tôi đang chơi với các chị Hóa trên tầng 3, em rất thân với mấy chị Hóa vì trong số đó có chị H là chị em họ với em, hay chị L đã từng đi sơ tán nhiều năm với nhau. Em cũng quyết định không đi với chúng tôi mà chờ chúng tôi quay về để hỏi chuyện thôi. Tôi nói H lên gọi Th. xuống ăn cơm. Một lúc sau em xuống và lí nhí nói lời xin lỗi vì phải đi…trả sách, em còn thề là đi trả sách thật chứ không nói dối làm mọi người cười ầm lên: thế mày muốn nói dối hay sao mà phải thề? Mặt em đỏ lên, không nói thêm câu nào nữa. Thật tội nghiệp! Bữa cơm thật đơn giản mà ai ăn cũng khen ngon và chuyện trò thì rôm rả không dứt. Em nói là em tiếc thật sự vì không được xem những bức tranh trong bảo tàng nghệ thuật nơi mà em đã muốn đi mấy lần sau khi học những bài tiếng Nga nói về nghệ thuật hội họa Nga thời kỳ Phục hưng (peredvizhniki).
Cơm nước xong chúng tôi lại tiếp tục giở các album ảnh ra ‘khoe’. Trong khoa Lý thì tôi là đứa ham mê chụp ảnh nhất. Ngay từ năm dự bị tôi đã mua cái máy ảnh Smena-8 kiểu trẻ con để về thực tập. Hầu như cuối tuần nào tôi cũng lọ mọ trong phòng tối để tráng phim, rửa ảnh. Khi về nước tôi còn mang theo cả 1 bộ làm ảnh và rất nhiều giấy, thuốc làm ảnh. Tôi ham mê chụp ảnh thêm mấy năm nữa cho đến khi trong nước bắt đầu xuất hiện các fotolab thì mới thôi. Trong số các bức ảnh mà tôi còn giữ được đến bây giờ có nhiều tấm được chụp từ cái máy ảnh cổ lỗ này. Sau này tôi đổi sang Smena-15 rồi máy ảnh Kiev nhưng chất lượng cũng không khá hơn là bao nhiêu. Tôi có nói các em thích cái ảnh nào thì cứ lấy thoải mái, ít ra cũng để kỷ niệm mấy anh em chơi với nhau. Thế là các em thi nhau nhặt, cứ cái nào nom ngồ ngộ hay buồn cười là cho em cái này cho em cái kia nhé. Riêng Th. em chả xin 1 tấm nào mặc dù tôi mời chào hết ảnh này đến ảnh khác. Cuối cùng chắc thấy cái mặt tôi nó chảy ra, ‘nể quá’ em mới chọn 1 bộ post card toàn ảnh cá cảnh và nói: thằng em em nó thích cá cảnh lắm, em xin anh bộ này để gửi về cho nó, được không anh? Nghe thế tôi thật sự cảm động, lúc nào em cũng nghĩ tới người khác, về gia đình và người thân ngay cả những khi đang vui vẻ nhất. Tôi chỉ những tấm huy hiệu, huy chương mà tôi sưu tầm treo trên tấm vải đầu giường và hỏi em có thích cái nào không. Tôi còn kể về xuất xứ của 2 tấm Huy chương (medal) về môn khúc côn cầu mà tôi và anh Khoa đã đoạt giải nhì dự đoán kết quả của báo Tin tức Izvestia toàn Liên bang. Em nghe có vẻ phục lắm nhưng quyết không nhận dù tôi có dúi tận tay.
Thời gian đang trôi dần về ngày cuối cùng của tuần cuối cùng. Hôm nay là thứ 7, sáng sớm mai em, H. và một số bạn nữa sẽ ra ga lên tàu đi Ođetxa. Trước đấy tôi có hỏi nếu các em cần thì chúng tôi sẽ sang đóng gói giúp đồ đạc sách vở. Em từ chối ngay lập tức và nói mọi thứ bọn em đã đóng gói gọn gàng rồi, đồ đạc thì có gì nhiều nhặn đâu, mỗi đứa 1 va li 1 thùng giấy, thế thôi. Chỉ có mỗi em PL. thì hỏi mượn bọn tôi 1 cái vali để đựng sách và sẽ gửi sau lên Moskva. Tôi và T.Thắng thì rất sốt sắng được giúp các em. Hôm cuối cùng ở Kishinhev ấy tôi có mời em và các bạn lại sang bên ob chúng tôi để ăn một bữa cơm chia tay nhưng các em nói nhiều người mời lắm nhất là các chị năm trên nên thôi, dù sao cũng đã được ăn cơm với các anh rồi. Đành vậy chứ biết làm sao, dù sao thì tôi cũng đã là gì của em đâu mà có quyền đòi hỏi. Đến tối thì tôi lại sang chơi với các em lần cuối cùng. Không khí tối hôm ấy buồn lắm, em và các bạn đều khóc mắt đỏ hoe, nói bọn em thật sự chẳng muốn xa Kishinhev 1 tí nào, chỉ 1 năm thôi mà đã thấy thành phố này và mọi người gần gũi quá, thân thiết quá, chắc chắn đi rồi bọn em sẽ nhớ lắm đây từng con phố, từng dãy nhà, ngôi trường thân thương và nhất là cái khu ký túc xá quây tụ 4 cái ob toàn sinh viên VN mình suốt ngày vui như hội thế này. Chỗ mới thì chả biết thế nào, người lạ, trường mới lại còn phải lo học hành nữa chứ không thể chơi nhiều như năm dự bị được nữa…Trong lòng tôi cũng buồn lắm vì thực ra tình cảm với em dù chỉ là mới chớm nở nhưng dường như tôi đã định hướng là sẽ nuôi dưỡng nó, sẽ làm mọi cách để em hiểu tôi hơn, để chúng tôi hiểu nhau hơn và mong sao rồi hạnh phúc sẽ đến với chúng tôi. Trước lúc ra về tôi có nói là sáng mai anh sẽ ra ga tiễn em và các bạn. Nghe vậy, tôi có cảm giác như em chạm phải điện giật, em giãy nảy: “Không cần đâu anh, bọn em đi sớm lắm mà cũng nhiều người ra tiễn rồi, em nói thật là không muốn anh ra đâu, em hay khóc nhè, ngượng lắm”. Em đã nói thế tôi đành phải nhượng bộ chứ biết làm thế nào mặc dù thâm tâm đâu muốn thế.
Đêm hôm ấy tôi thao thức hầu như không ngủ được. Tôi nghĩ về em nhiều lắm, chỉ mới gặp nhau vài buổi, đi chơi nói chuyện vài bữa thế mà hình bóng em đã không thể dứt ra được trong tôi. Nghĩ lại tôi thấy cũng thật lạ, suốt 5 năm trời trước khi gặp em, lại đang trong tuổi thanh niên phơi phới là thế mà tôi chưa hề có một chút tình cảm nào với bất cứ bạn gái nào mà mình biết. Tôi cũng là một đứa thích hoạt động sôi nổi ồn ào, năm thứ 4 mọi người còn bầu tôi vào Ban lãnh đạo Hội sinh viên VN của KGU và trực tiếp phụ trách khoa Toán – Lý. Tôi cũng có chơi tuy không thân lắm với các bạn nữ cùng năm ở các khoa Sinh vật, khoa Hóa. Với các em gái khoa Toán Lý cũng không phải là không biết hay không để ý đến ai. Bây giờ cũng xin thú thật là đã có lúc tôi hơi hơi có cảm tình với em Cao Mai Lý 77 và em Ánh Lý 80, cứ mỗi lần nấu ăn trong bếp mà thấy các em ra là tôi nhường bếp ngay. Thật ra đó chỉ là cảm giác thinh thích thì đúng hơn và chắc chắn là chẳng ai biết điều này ngoài tôi. Thế mà tôi thì chẳng bao giờ nghĩ tới việc cưa cẩm em này hay em nọ cả, tôi cũng chẳng thèm để ý xem mọi người nhất là các em, các bạn gái nghĩ gì về mình nữa.
Tôi xin kể một chuyện gọi là ‘quan hệ’ thân mật với mấy bạn nữ Hóa cùng năm. Ngay khi mới sang năm dự bị chúng tôi đã rất thích chơi bóng đá. Đội bóng Vật lý của năm chúng tôi càng ngày càng nổi tiếng, nổi tiếng cả về thành tích và cả về lối chơi ‘đầu gấu’. Bọn tôi chẳng nể đội nào, kể cả mấy anh năm trên, lôi thôi là taibo luôn. Nam rù được mệnh danh hậu vệ máy chém, T.Thắng đá thì bình thường nhưng có cú song phi khi vào bóng làm đối thủ rất ngại. Bạn Đức nom chậm chạp thế mà khi giữ bóng thì đố ai giành được, tôi và Hưng thường đá trên tiền đạo và được gọi là cầu thủ dội bom…Hôm ấy bọn tôi mải đá quá đến tận gần 9g tối vì mùa hè thường trời tối muộn nên không để ý. Lúc đó nhà ăn đã đóng cửa, tôi và các bạn Khoa, Minh cận, Nam rù bàn nhau sang ob3 nhà các bạn PT, L. (khoa Hóa cùng năm) để xin cơm ăn. Lúc thấy chúng tôi gõ cửa bước vào nói là đói quá vì đá bóng muộn mà nhà ăn đã đóng cửa, các bạn có gì cho ăn với, bạn P.Th chỉ vào cái tủ bảo thức ăn và cơm trong tủ ấy, còn nồi cam-pot nữa đấy, ăn xong nhớ rửa bát đũa nồi niêu cho tử tế. Lệnh xong các bạn ấy lại quay ra trò chuyện với nhau. Bọn tôi đánh tỳ tỳ hết sạch cả cơm, thức ăn lẫn nước cam-pot táo. Sau đó mấy thằng mang nồi niêu bát đũa ra ngoài, đóng cửa lại để xuống và…ù té quyền. Khi chạy xuống cầu thang đến tầng 1 thì nghe thấy tiếng chửi rõ to của bạn P.Th: “M.tiên sư mấy thằng Lý nhớ! Ăn no rồi vứt đấy cho các mẹ phải rửa à!” Bọn tôi vừa chạy vừa cười và chắc chắn chẳng bao giờ có được bữa xin ăn lần thứ 2 nữa. Đấy tính trẻ con của chúng tôi là như vậy đấy, thế thì làm sao để có thể ai đấy (là em gái hay bạn gái) rung rinh tình cảm với mình được cơ chứ.
Thế mà giờ đây hình bóng của em, một cô gái hoàn toàn xa lạ, chỉ mới quen qua 1 đợt nghỉ hè, lại cứ ám ảnh tôi không thể nào dứt ra được. Người ta hay nói nhiều đến tình yêu sét đánh, bây giờ thì tôi hiểu đấy là điều có thật. Sau này khi chúng tôi đã nên vợ nên chồng thì tôi cũng tin rằng duyên số trong cuộc đời người ta cũng là điều có thật.
Giờ thì em đã xa tôi cả hàng trăm cây số rồi và tôi thì vẫn không nguôi nghĩ về em. Ngay ngày hôm sau các em rời Kishinhev tôi đã bàn với T.Thắng là phải xuống Ôđetxa thăm các em xem ăn ở như thế nào kết hợp thăm thành phố cảng này luôn vì chúng tôi còn 1 tuần nữa mới phải đến trường. Tôi để ý thấy T.Thắng có vẻ thích em H. cùng phòng và cũng về Ôđetxa học cùng ngành cùng trường với em. Chúng tôi quyết định đi mà không thông báo trước, vì biết chắc rằng nếu thông báo thì các em sẽ không bao giờ đồng ý. Mới có 2 ngày xa em mà tôi đã thấy lâu quá thể. Chiều hôm đó chúng tôi phải nhờ Vaxia, một cậu bạn người Bun mua vé giúp vì lần đầu đi không có visa nên cũng hơi sợ. Tàu chạy khoảng 2 tiếng thì đến nơi. Chúng tôi hỏi đường và đi xe buýt đến ký túc xá của trường OGMI (Khí tượng Thủy văn Ôdetxa) trên phố Gamarnika. Ôđetxa rất giống với Hà Nội, những con phố nhỏ, ngõ nhỏ và hàng cây hai bên, lại có xe điện leng keng nữa, nhiều lúc cứ ngỡ như mình đang đi trên các con phố Hà Nội.
Lúc chúng tôi gần đến ký túc xá thì thấy trên bệ cửa sổ tầng 2 nhìn xuống là 2 cái đầu đang chỉ chỏ về phía chúng tôi. Rồi một cô reo lên: đúng anh Thắng với anh Khưu rồi, các anh ơi chờ bọn em xuống nhé. Lúc sau cả Th. và H. đã tay bắt mặt mừng ríu rít hỏi chúng tôi rằng tại sao xuống mà không báo trước cho các em, rằng bọn em cũng nhớ Kishinhev lắm nhưng sắp tới sẽ rất bận học nên chắc không về được, rằng ở đây bọn em chỉ nói về Kishinhev như là về nhà vậy chứ không nói đi. Sau các em vào xin phép bà thường trực cho bọn tôi lên phòng. Tôi thấy bà ấy trợn mắt nói: chúng mày vừa mới đến hôm qua mà hôm nay đã có khách rồi? Sau bà ấy bảo chỉ được ở trên phòng đến trước 9g tối thôi. Bọn tôi cảm ơn rối rít nói là 1 tiếng nữa đã ra ga về rồi, bà yên tâm đi. Lên phòng các em vội vã rót nước và đi nấu cơm mời chúng tôi ở lại ăn. Tôi nói không đói, tốt nhất không ăn mà bọn anh thích ngồi nói chuyện hơn, mà 6g tối phải ra ga rồi. Cuối cùng các em đồng ý không cơm nước gì nữa và mấy anh em ngồi quây quần nói đủ thứ chuyện, chủ yếu vẫn là về Kishinhev, về các bạn, về những kỷ niệm như nhà nghỉ Lesnoi, Kommunalnik và hỏi nhau cả về gia đình nữa. Các em rất vui và còn nói: các anh thích thật đấy chỉ còn 1 năm nữa là được về nhà rồi. Chả hiểu bọn em có chịu nổi 5 năm nữa không.
Thời gian trôi đi quá nhanh, đã đến giờ phải ra ga chúng tôi chia tay các em, nhưng cả 2 đều nhất quyết đưa chúng tôi ra tận nhà ga. Đứng dưới sân ga, tàu chạy rồi em còn nói với theo: nhất định đến 7-11 chúng em sẽ về, các anh không phải xuống đây nữa đâu.
Chuyến đi Ôđetxa lần đầu của tôi là như thế. Trong năm cuối cùng của quãng thời gian sinh viên tôi đã vài lần ‘trốn’ đi Ôdetxa để thăm em (vì làm gì có visa), nhưng tôi nhớ nhất là vào dịp 8-3 năm 1976, chúng tôi (lại tôi và T.Thắng) cũng đi Ôđetxa và không báo trước các em. Thực ra hôm mùng 7 tôi có viết thư cho em nói là sẽ xuống vào ngày hôm sau mùng 8-3. Khi chúng tôi đang ngồi trên phòng thì thư mà chúng tôi gửi cũng vừa đến bàn bà thường trực. Thấy H. cầm thư lên nói thư của anh Khưu này, tôi vội giằng lấy và nói đừng đọc, không có gì đâu, thư cũ rồi ấy mà. Nhưng 2 em cũng không chịu, nói đây là thư của bọn em rồi nên có quyền đọc. Cuối cùng tôi đành xuống nước nói thôi được nhưng bọn em sẽ đọc sau khi bọn anh về, được không? Thực ra tôi chỉ cảm thấy ngại khi em đọc được những dòng tình cảm dành cho em ngay trước mặt chính mình mà thôi, nó giống như mình thổ lộ điều gì đó thầm kín mà không muốn ra mặt. Chúng tôi chúc mừng các em nhân dịp mùng 8-3 và nói thêm là rất vui rất thích khi được quen biết và chơi với các em, trong sinh hoạt và học tập có gì khó khăn cứ chia sẻ bọn anh sẵn sàng giúp đỡ như đối với các em gái trong nhà, đừng ngại gì hết. Tôi cảm nhận được là em rất cảm động và muốn nói nhiều nhưng có điều gì đó làm em còn ngập ngừng, e ngại. Trước khi chia tay chúng tôi còn chụp ảnh nhưng em rất ý tứ đứng cách tôi về một phía để H. đứng cạnh tôi. Khi tôi kéo em lại gần để anh Thắng chụp thì em ngượng thật sự cúi đầu tay cứ vân vê mấy cái búp đa vừa nhặt.
Giờ thì tôi xin kể về chuyến trở về Kishinhev của em vào ngày CM tháng 10 Nga 7-11-1975. Em đã báo cho tôi mấy ngày trước đấy làm tôi vô cùng thấp thỏm. Em về và đến ở phòng mấy chị Hóa khóa 77 ngay trên tầng 3 của ob1 chúng tôi, hồi đấy ob3 đang remont nên cả khoa Hóa và khoa Sinh vật cũng sang ob chúng tôi ở tạm. Thời gian này chúng tôi rất bận học vì phải kết thúc tất cả các môn trong học kỳ 1, sang học kỳ 2 chỉ còn thi Gosekzament và làm luận án. Chiều tối hôm đó tôi đang ngồi học trong phòng nghe thấy tiếng gõ cửa. Tôi ra mở thì thấy em bê 1 đĩa to bánh tôm còn đang bốc khói. “Em mới về hôm qua có mang 1 ít tôm Ôdetxa làm bánh, mời anh ăn thử xem có ngon không”. Tôi vừa ngỡ ngàng vừa mừng vui, đỡ đĩa bánh tôm: “anh chưa ăn cũng đã biết là rất ngon rồi, mùi thơm thế này cơ mà.” Lúc ấy chỉ có mình tôi ở nhà, mời em vào phòng nhưng em từ chối, nói: “Thôi em phải lên với các chị đây, em còn phải đi thăm nhiều người lắm, lúc khác anh em mình nói chuyện, chiều mai em mới đi Ôdetxa. À có thư H. gửi anh Thắng đây, anh chuyển giùm em nhé”. Thế là chỉ gặp em có một thoáng nhưng mùi vị của đĩa bánh tôm thì cứ ngây ngất mãi trong tôi.
Buổi tối tôi mời các bạn trong phòng ăn bánh tôm và chỉ vào đĩa bánh rồi nói: đây là смысл моей жизни! Không hiểu sao sau này em cũng biết câu nói đó của tôi. Khi biết là em chơi thân với tôi, chị H. đã nói với em: được đấy, anh ấy chơi được đấy, một золотой человек đấy. Thế mà trong đầu tôi lúc ấy chỉ nghĩ mấy cái cô Hóa này đáo để có một, chắc coi mấy thằng Lý chúng tôi chẳng ra gì. Giờ nghĩ lại thấy oan cho chị em Hóa quá. Hôm hội họp ở nhà tôi nhân Đại lễ 1000 năm Thăng long tôi cũng đã nói ý đấy: giá như hồi ấy…thì bây giờ thế nào nhỉ?
Thời gian cứ trôi đi, tình cảm trong tôi thì cứ lớn dần lên, chỉ day dứt một điều là không thể gặp được em để thổ lộ. Ngoài mấy lần trốn xuống Ôđetxa chơi với em, thời gian còn lại tôi viết thư. Hầu như tuần nào cũng viết, có khi 2-3 ngày lại viết. Không chuyện gì mà tôi không kể em nghe, cứ như một cuốn băng ghi lại tất cả những gì tôi làm tôi nghĩ và cuộc sống hàng ngày của tôi. Đọc những bức thư của tôi, em nói: em có cảm giác như đang sống ở Kishinhev vậy và rằng em rất thích đọc thư tôi, nghe như một người anh chỉ bảo cho đứa em. Thời gian đầu tôi và anh Thắng cùng viết thư, nhưng trong thư tôi và thư T.Thắng đều viết tên cả 2 em Th. và H. vì lúc đó tôi chưa đủ can đảm và chắc chắn em còn ngại hơn tôi. Một thời gian sau khi tình cảm anh em đã trở nên khá thân thiết (tất nhiên chỉ qua các bức thư) thì chúng tôi quyết định viết riêng: tôi viết cho em còn anh Thắng viết cho H. Tôi cũng không ngờ là các em đồng tình ngay với sáng kiến này của chúng tôi. Lần đầu tiên nhận được lá thư của em viết riêng cho tôi tôi cảm động lắm và cũng lần đầu tiên em gọi tôi bằng cái tên thuần Việt, anh Huy, chứ không Khưu hay Khửu gì nữa, tôi thật sự thấy trong lòng mình ấm áp và một cảm giác tự tin hơn. Từ đây trong tôi bắt đầu một tia hy vọng rằng em cũng đã có cảm tình thật sự đối với mình. Cũng từ đây tôi và em đã có thể chia sẻ những câu chuyện, những điều mà cả 2 cùng quan tâm. Tôi đã có thể trao đổi với em những vấn đề mà trực diện chắc không dám hỏi như quan niệm về lẽ sống, về tình yêu, tình bạn…qua đó tôi có cảm giác là chúng tôi càng ngày càng xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn. Dù sao thời gian phía trước còn dài, cả 2 chúng tôi đều hiểu rằng hiện tại chúng tôi chỉ là những người bạn tốt của nhau và để đến được với nhau chắc chắn còn rất nhiều trở ngại thử thách mà bây giờ đây chẳng ai có thể nói được điều gì.
Tôi sẽ không kể nhiều về những ngày miệt mài với thi cử và làm luận án, rồi cả những buổi tối đi cày cuốc làm thêm phải trèo tường vượt rào chui cửa sổ vì làm ca đêm mà quá muộn là ký túc xá khóa cửa không cho ai ra vào nữa. Sau khi bảo vệ thành công luận án, cuối cùng thì cái ngày mà chúng tôi đã chờ đợi bao lâu cũng đã đến gần: chuẩn bị về nước. Điều đầu tiên mà tôi nghĩ đến là phải đi Ôđetxa lần cuối để chia tay em và mang giúp em ít quà về cho gia đình. Nghĩ là làm, tôi lại rủ T.Thắng đi cùng cho có đồng bọn. Vì đã được báo trước nên em và các bạn rất sốt sắng chuẩn bị tiếp đón chúng tôi. Khi chúng tôi bước vào phòng đã thấy một mâm cơm thịnh soạn chờ sẵn: gà luộc, canh bắp cải, trứng rán và có cả nem nữa. Chúng tôi thật bất ngờ, chắc các em đã phải tiêu những đồng rúp cuối cùng trong tháng để chiêu đãi chúng tôi đây.
Ăn cơm xong chúng tôi rủ nhau đi ra bãi biển chơi, em nói: “Chắc bọn anh sẽ chẳng có dịp nào mà quay lại đất cảng này nữa nên bọn em muốn dẫn các anh đi chơi biển chụp ảnh làm mấy pô làm kỷ niệm, sẽ có lúc nhìn ảnh các anh còn nhớ là có mấy đứa em gái đang ở cái thành phố Biển Đen xa xôi ấy chứ”. Thành phố Ôđetxa như tôi đã nói ở trên có nhiều điểm rất giống Hà Nội từ những con phố tới hàng cây, người biển đen cũng vậy không ồn ào vội vã và rất mến khách. Chúng tôi men theo bậc thang Потёмкина dài dằng dặc đi xuống cầu cảng. Hai bên tàu bè đỗ san sát và hành khách thì lên xuống nhộn nhịp. Đứng từ đây có thể nhìn thấy ngọn hải đăng ở phía xa đầu mũi kè đá nhô ra biển. Em kể cho tôi nghe tổng kiến trúc sư xây dựng thành phố này là người Pháp. Có lẽ đấy cũng là lý do Ođetxa mang nhiều nét của Hà Nội. Chúng tôi rảo bước trên bãi cát dọc bờ biển với rất nhiều khu công viên đẹp và các đôi tình nhân ngồi tình tự trên các ghế đá vườn hoa. Chúng tôi dừng lại và chụp mấy bô ảnh lấy hình nền là cầu cảng và làn nước biển xanh làm kỷ niệm.
Chúng tôi mải mê nói chuyện và cứ đi mãi mà không nhớ đến thời gian phải ra ga lên tàu trở về Kishinhev. Đến lúc nhìn đồng hồ tôi mới giật mình: chỉ còn không đầy 15 phút nữa thì tàu chạy, chúng tôi phải về ngay không lỡ tàu. Chúng tôi vội vã bắt taxi đi thẳng ra ga. Mua vé xong còn đúng 2 phút thì tàu chạy. Đứng trên sân ga, chúng tôi chỉ kịp bắt tay các em và nói vài câu chia tay tạm biệt ngắn ngủi. Tôi nhắc các em nhớ gửi ngay quà qua đường bưu điện để chúng tôi mang về nước cho gia đình. Nhìn tôi em xúc động lắm và nói nhất định sẽ viết thư cho tôi với điều kiện tôi cũng phải viết cho em. Em bảo em rất nhớ Hà Nội anh hãy viết kể thật nhiều về Hà Nội cho em nghe. Tôi hứa nhất định rồi, không thể nào khác. Tầu bắt đàu chuyển bánh. Trong toa tàu nhìn qua cửa kính lòng tôi thấy bịn rịn vô cùng, vẫy tay chào tạm biệt cho đến khi bóng các em khuất dần sau các toa tàu đang uốn lượn rời ga.
Một tuần sau tôi và a. Khoa được các bạn đưa tiễn ra ga đi Moskva tiền trạm, cả đoàn năm thứ 5 về nước sẽ đi sau. Nhiệm vụ tiền trạm của chúng tôi là nộp hộ chiếu, tiền và làm các thủ tục cho đoàn về nước với sứ quán. Kể từ hôm đó chúng tôi lại tất bật với những việc lo đóng gói hàng họ và mua vé về nước. Ở Moskva tôi cũng đến chơi với em V.kẹo và em PL., 2 người cùng phòng với em hồi dự bị Kishinhev, một em học trường Trắc địa và một em học trường Điện. Lại những buổi vào bếp và ăn uống, lại những câu chuyện về thời dự bị. Tôi cũng kể cho 2 em về chuyến đi Ôđetxa trước khi về nước nhưng chắc chắn chẳng ai lúc này có thể hiểu được tâm trạng của tôi, ngoài tôi ra, một nỗi nhớ về Ôđetxa thật da diết. Lúc đấy tôi đâu có biết rằng còn những 4 năm trời đằng đẵng ở phía trước đang chờ đợi tôi, một thử thách mà tôi không thể lường trước được. Trong thâm tâm tôi chỉ có một suy nghĩ rằng, có thể em chưa nói được điều gì về tình cảm của mình đối với tôi, nhưng riêng tôi dường như đó đã là một quyết định: cho dù có gặp khó khăn bao nhiêu trong cuộc sống sắp tới hoặc có bất cứ điều gì xảy ra thì tôi cũng sẽ quyết giữ bằng được sự liên hệ với em, qua đó em sẽ hiểu mình hơn, rồi em sẽ đồng cảm hơn và tình yêu chắc chắn sẽ đến. Thật ra lúc đứng ở sân ga Ôđetxa với em tôi đã chắc một điều: tôi đã yêu em, yêu một cách chân thành, không gì kể cả thời gian và khoảng cách có thể thay đổi được mối tình như định mệnh này của tôi.
Người post: HuyTQ
Ngày đăng: 06-11-2010 23:11
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |