Toán 81 Chúng tôi
Tác giả: MaiLC
Lớp Toán 81 chúng tôi: Thanh, Bình, Mai, Châu và cô Irina
Sau gần 30 năm, cả bốn chúng tôi cùng Bà giáo dạy tiếng Nga lại cùng ngồi với nhau trong một không khí ấm cúng, nên thơ của resort Nam Hải, dưới ánh đèn và ánh nến lung linh huyền ảo, để nói tiếng Nga, hát, đọc thơ, xem ảnh và nhớ về Kishinhôp của những năm tháng thuở sinh viên. Bãi biển Nam Hải, Đà nẵng những ngày cuối tháng 7/2010 trời trong xanh, nắng, nhưng không gay gắt. Ai có thể nghĩ sau gần 30 năm, sáng sớm trên bãi biển Nam Hải, chúng tôi lại cùng nhau tắm biển và nói chuyện, về tất cả, về những năm tháng cả 4 đứa cùng nhau suốt 5 năm ròng, về gia đình, công việc hiện nay. “Bè lũ 4 tên” là tên của lớp chúng tôi mà khoa Toán Lý gọi như vậy, vì lớp có 4 đứa và mình tôi là con gái – và như vậy tôi sẽ phải là “Giang Thanh”. Hoàng Minh Châu đã có sáng kiến và thu xếp tất cả để mời Bà giáo Irina Stepanovna, Bà giáo dạy tiếng Nga của lớp chúng tôi trong 5 năm Đại học, sang Việt Nam. Ngoài những hoạt động chung khác mà cả hội KGU đã biết, Châu mời tất cả gia đình lớp chúng tôi thu xếp công việc để đi nghỉ cùng Bà giáo tại Nam Hải. “Tôi như đang sống trong ckazka” (lời của Bà giáo) và chúng tôi đều có cảm giác như vậy. Các con của chúng tôi chắc lần đầu tiên được nghe bố mẹ chúng say sưa nói tiếng Nga, đọc thơ và hát các bài tiếng Nga cùng với Bà giáo. Hẳn chúng cũng hơi ngạc nhiên khi thấy bố mẹ chúng lại hồn nhiên và say sưa đến thế.
Lớp Toán 81 và cô Irina sau 30 năm
Các bạn của tôi, Nguyễn Ngọc Bình, Hoàng Minh Châu và Nguyễn Sỹ Thanh, những người học rất giỏi và đa tài. Mỗi lần nghĩ về các bạn cùng lớp và Khoa Toán Lý (hai khoa này hầu như không tách khỏi nhau trong tâm trí chúng tôi), tôi tự hào lắm. Tôi còn nhớ những ngày đầu tiên, khi tới Irkusk trên con tàu đã vượt qua Trung Quốc, Mông cổ, tôi được biết thêm về các thành tích của các bạn (tôi và Quê Hương học dự bị tiếng Nga ở Thanh Xuân, còn các bạn nam Toán, Lý đều học dự bị, đại đội 106 của Đại học Kỹ thuật Quân sự, nên thực sự lúc này mới là làm quen nhau) đều là dân học chuyên Toán của các trường nổi tiếng: Châu chuyên Toán A0 Tổng hợp, Bình chuyên Toán Sư phạm Vinh, Thanh chuyên toán Lam Sơn Thanh Hóa, và điểm thi vào Đại học của các bạn thì cao ngất ngưởng. Tôi nhớ Nguyễn Hồng Quang, Lý 81 có điểm cao nhất Miền Bắc, 29.5/30, còn các bạn lớp tôi thì sát ngay với mức ấy, Lê Quang Tiến thì thi Toán Quốc tế. Nhưng sẽ không nói tới khả năng và thành tích học Toán của các bạn ấy làm gì vì nó hiển nhiên là xuất sắc.
Nói tiếp trên con tàu vượt Trung Quốc và Mông cổ, thật khổ cho tôi và Quê Hương, hai đứa con gái, mỗi đứa ở một khoa Toán và Lý, đã bắt đầu bị Bình bắt nạt ngay từ những ngày đầu. Tại Irkusk: “Các cô ngày mai nộp lý lịch Đoàn cho tôi”, “Dạ, vâng, ngày mai chúng cháu sẽ nộp cho chú”, líu hết cả lưỡi. Bà giáo Irina nói sau gần 30 năm gặp lại, Bình rất ít thay đổi, chắc vì Bình đã “già” từ những ngày đó và không thể “già” hơn được nữa. Và vẫn như vậy, Bình vẫn liên tục “bắt nạt” tôi cho đến hiện nay. Là Viện phó Viện CNTT, tôi sang office của Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Bình, Bình bắt tôi uống nước chè thì tôi phải uống, ăn bánh ngọt thì tôi phải ăn, cho dù có muốn hay không. Cũng như khi quãng năm thứ Tư, chẳng may tôi hỏi Bình là tôi có nên cắt hai cái đuôi sam không (lúc đó là lúc tôi muốn cắt lắm rồi, ngứa miệnh đi hỏi), thì Bình bảo không được và tôi không dám cắt. Chắc là đến giờ, ngay sau khi về nước, lúc Bình không còn có ảnh hưởng trực tiếp đến tôi được, tôi đã cắt tóc ngày cằng ngắn :-). Nhớ lại hai năm cuối, ở tầng 3, Thanh, Bình lớp tôi và Quang lớp Lý 81 ở phòng 76, còn Diện, Tuấn và Quốc Anh lớp Lý 82 ở phòng 79. Chúng tôi hay chơi vói hai phòng này hơn và gọi các bạn ấy bằng số phòng (“hội 76” hay “hội 79”). Tú của Hóa 81 cũng hay gia nhập phòng 76 nên bọn tôi cũng coi là phòng 76 luôn.Trong phòng 76 này thì Bình là hay “ra vẻ” đạo mạo nhất. Bình hay bắt nạt nhưng chăm sóc chị em và hay nói chuyện với chúng tôi. Vì Bình hay phải phụ trách các tiết mục văn nghệ, hay phải tập hát tập múa cho chúng tôi nên tiếp xúc nhiều nhất. Nhưng Bình cũng thích đi “chỉnh đốn” lũ con gái bọn tôi, nào là”con gái thì không được đút tay vào túi quần thế”, “Chi Mai không được nặn mụn trứng cá ở mặt ”nào là “sao chị em mà không dịu dàng tý nào”, nên chúng tôi cũng thân với Bình nhưng nhiều khi cũng tức. Có những lúc Bình bắt bọn tôi tập hát bài “Con kênh xanh xanh”, chúng tôi cứ đến đoạn sau là xuyên tạc “nước chuồn qua khóm trúc”, làm Bình tức quá, dỗi không dạy nữa. Nhiều khi bọn tôi bảo nhau “Nó cứ làm như nó là mẹ chồng của chúng mình ấy nhỉ” và mấy đứa lại phá lên cười với nhau. Nam Mai và Quê Hương cũng lấy làm lạ, là sao cứ tự nhiên mấy đứa con gái cứ chịu như vậy. Quyết không nghe được vài việc, nhưng cuối cùng thì về cơ bản tình hình không khá hơn suốt trong 5 năm đại học, không những chỉ tôi, Quê Hương và Nam Mai, các chị Cẩm, Lan nhiều khi cũng cùng chung số phận và sống trong sự kèm cặp của Bình :)
Một khoảng khắc hiếm hoi khi "bè lũ 4 tên" Toán 81 sum vầy tại biển Hội An
Nhưng thôi, bỏ qua những điều trên, phải nhìn Bình với cái nhìn khác, nếu ai đã được chiêm ngưỡng Bình đánh đàn bầu, ghita và sáng tác nhạc. Hội diễn mùa Xuân 1979, kỷ niệm năm tốt nghiệp của Toán 79, anh Phư đã sáng tác bài thơ "Lời chào tạm biệt", nói đúng nỗi lòng người sắp xa Kishinhôp và trở về... Trước khi có bài thơ của anh Phư, anh Ngọc và các anh năm trên thúc giục Bình và anh Nguyễn Hồng Sơn (Lý 80, đã mất vì tai nạn xe hơi tại Canada) cần sáng tác một bài dành cho sinh viên tốt nghiệp xa trường về nước... Bình đã loay hoay, đau đáu, đâu đó vang lên những câu hát, những ý thơ mờ ảo như (Bình kể lại)
Để lại nơi đây
Những ngày muốn yêu
Để lại nơi đây
Những chiều vắng tôi...
Nhưng chắp thành một bài hát thì chưa đạt, vì Bình bảo không phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp, dù đã tự đọc không ít về âm nhạc và lý luận sáng tác... Từ các bài hát Nga, Anh,... muốn đi vào lòng người thì lời bài hát nên là lời thơ... Từ đó Bình đã hỏi xin anh Phư sáng tác bài thơ để xem phổ nhạc thì khỏi phải lo phần lời... May thay, sau ít ngày anh Phư đã đưa bài thơ cho Bình, đúng như bài anh Phư đã chép cho cả nhà. Đọc bài thơ xong, khi gặp khổ cuối:
Khi chia tay, lòng bao lưu luyến
Với bạn bè và cuộc sống sinh viên
Như bao con thuyền từ nay rời bến
Vào Đại dương mang tình biển bao la!
thì Bình có nhạc ngay, và xem như là phần điệp khúc. Âm điệu vang lên được xác định luôn là nhịp điệu 3/4, có lẽ thời đó ảnh hưởng việc Bình dàn dựng các bài cho các buổi Hội diễn nhịp 3/4 hoặc 3/8 hay 6/8 như Làng tôi (Văn Cao), Làng tôi (Hồ Bắc), Quê em miền trung du (Nguyễn Đức Toàn), Bài ca xây dựng (Hoàng Vân)... Bình chọn gam trưởng cho có chất tươi sáng bên cạnh tính trữ tình, thay cho gam thứ dễ rơi vào ủy mị ... và như vậy bài Gym chia tay đã ra đời. Từ một người bạn lớp tôi.
Bình và Chi Mai lên báo nhà trường KGU
Các bạn lớp tôi đúng là đều tài, mỗi người một vẻ. Bình có năng khiếu về nhạc, đàn hát, Thanh có tài về thơ phú thì Châu lại có máu hài hước và lại diễn kịch rất giỏi. Tôi còn nhớ, hội diễn văn nghệ năm 1979, lúc đó đang xảy ra cuộc chiến với Trung Quốc. Khoa Toán chúng tôi dựng một vở kịch về cuộc chiến tranh này. Trong vở kịch đó, Châu và Thanh đóng vai lính Trung Quốc còn tôi thì đóng vai cô dân quân cầm súng bắt giặc. Thanh và Châu hóa trang, rắc phấn lên tóc để giả làm tóc bạc, rất giống. Thanh đóng thì cũng bình thường như tất cả chúng ta đi diễn kịch thôi, nhưng Châu thì đóng vai đạt kinh khủng. Châu đóng những cảnh tên lính chui bờ rúc bụi, mặt mũi hốt hoảng, sợ cả tiếng chim kêu, tiếng gà gáy, đat đến mức mọi người ở dưới một mực bảo rằng Thanh đang đóng kịch cùng với một tên lính Trung Quốc thật. Tôi có cái ảnh đang cầm súng giải hai tên giặc Thanh và Châu đi mà tiếc quá chưa tìm thấy. Hồi đầu bên đó, Châu ăn nói hơi lăp bắp, và năm đầu thì tự nghĩ là tiếng Nga chưa khá. Tôi cứ nghĩ Châu không hay hát tiếng Nga, nhưng hôm vừa rồi ở Đà Nẵng thì Châu hát một loạt các bài mà không cần nhìn lời, điều làm tôi ngạc nhiên nhất. Khi chuẩn bị đón Bà giáo sang, Châu băn khoăn nghĩ chắc chỉ nói được mấy câu chào, nhưng chỉ sau vài ngày, Châu đã trơn tru kể anekdot bằng tiếng Nga làm Bà giáo và chúng tôi cười chảy nước mắt. Trong đó có chuyện sau: Châu ở với anh “Dục cồ nên thơ” (tên của anh Lê Thúc Dục – Toán 80 do chị Việt Nga đặt), một hôm trong những tháng đầu tiên khi Châu mới sang, anh Dục mở đài (phòng nào cũng có một đài) và hỏi Châu là hiểu được độ bao nhiêu phần trăm. Châu bảo hiểu quãng 80% gì đó, anh Dục bảo thế thì mày giỏi đấy, tao chẳng hiểu gì vì đó là tiếng Môn :). Anh Dục và Châu làm luận văn tốt nghiệp liên quan đến lý thuyết đồ thị với Thầy Zukov, một GS rất nổi tiếng về lĩnh vực này trong toàn liên bang nhưng cục kỳ dobrui. Anh Dục thì chứng minh định lý gì đấy và toàn bộ luận văn chỉ có 6 trang, Châu viết dài hơn một chút, 15 trang thì phải và cũng chứng minh đâu 2-3 định lý. Lý thuyết đồ thị là thứ mà tôi vẫn thấy khó cho đến tận bây giờ dù rằng cũng thỉnh thoảng phải dùng đến nó. Và nay thì chả phải riêng hội ta, mà cả nước ai cũng biết Châu, anh Ngọc và Tiến làn những trụ cột không thể thiếu được của Tập đoàn FPT, về hướng phát triển và tay hòm chìa khóa. Tôi nhớ lại, những buổi sáng cùng Bà giáo tắm biển hay bơi trong hồ bơi của bãi biển Nam Hải trước nhà, khi chỉ còn cánh phụ nữ, Bà giáo luôn rơm rớm nước mắt cảm động khi nói về Châu, không phải ai có điều kiện kinh tế cũng có được một tấm lòng như vậy với thày cô giáo và bạn bè. Bà giáo cảm kích việc Châu đã bỏ hẳn 2 tuần không ngó ngàng gì tới công việc, chỉ đi tháp tùng Bà giáo và vui chơi với bạn cũ. Chắc ai ở vị trí đứng đầu doanh nghiệp lớn mới thấy điều này đáng quí đến mức nào. Cũng mấy hôm ấy, như một gia đình, bà mẹ với đàn con cháu, thấy mấy đứa con chúng tôi chơi với nhau, bà giáo có ý tưởng hay là để xe duyên cho con trai của tôi và con gái thứ hai của Châu :) (mấy đứa này hãy còn đang học phổ thông cả). Sau khi ở Nam Hải về, tôi thấy con tôi đã chat, chuyện trò gì đó với các con của Châu và Thanh và thông báo cho tôi một số sự kiện của gia đình Châu, Thanh.
Chi Mai bảo vệ năm 1981
Những ngày cuối cùng ở Kishinhôp là những ngày thực sự đáng nhớ. Hồi ấy các bạn năm dưới đã đi chơi cả. Trong ob chỉ còn lại Thanh, Tú, Bình, Quang, Quê Hương và Chi Mai. Thế là suốt ngày chỉ có đi lang thang các phố ở Kishinhôp để sau này đỡ nhớ. Chúng tôi lại còn lâm vào tình trạng cực kỳ buồn cười là cả lũ hết tiền. Nguyên do là vì trước khi về nước mấy đứa bọn tôi chung nhau gửi một thùng đồ đạc về nước, và không hiểu sao chi phí của vụ gửi thùng lại tăng vượt dự đoán của chúng tôi và ngốn hết cả số tiền bọn tôi định để ăn tiêu những ngày cuối, mặc dù trong các thùng ấy toàn là sách với mỗi đứa một cái xe đạp. Mà chẳng còn em năm dưới nào ở nhà để bấu víu, nên chúng tôi phải rất dè sẻn chi tiêu. Một hôm tôi và Quê Hương vừa đi chơi về đến ob thì Thanh và Tú hớn hở khoe: có tiền rồi, hôm nay chúng mình nấu ăn tươi nhé. Hóa ra Thanh và Tú vừa tìm ra đưọc một đống vỏ chai bia tích trữ từ thời nào và mang ra cửa hàng đổi lấy được mấy chục rúp, cả lũ hí hửng sung sướng lắm, ăn uống linh đình. Sau đấy mấy hôm, thì Tú lại được giải thưởng khoa học 35 rúp, thế là chúng tôi đủ thoải mái cho đến lúc về. Có hôm chúng tôi còn tổ chức liên hoan, chỉ có mấy đứa năm thứ năm bọn tôi và chú Thăng hội trưởng. Hôm ấy Quang đi uống rượu với bạn Tây về say, nằm vùi, không ăn được. Tôi và Quê Hương đi tìm ở dưới sân được môt ít vôi ở cái chỗ người ta đang xây dựng cái gì đó, hai đứa mang lên phòng 76 bôi vào bàn chân Quang, rồi để lại thức ăn ở đó, cả lũ chúng tôi đi chơi. Một lúc sau, lo lắng không biết Quang thế nào rồi, chúng tôi cử Thanh về xem Quang ra sao. Thanh quay lại, bảo Quang đã kịp dậy (chắc chắn là do hiệu ứng bôi vôi của chúng tôi), đã đánh chén sạch cả bàn thức ăn để lại và đi đâu mất rồi. Những ngày đó, dù chưa xa Kishinhôp mà chúng tôi đã sống trong tâm trạng của người đã đi xa. Còn nhớ, trong một hôm ngồi ở phòng 76 (phòng của Bình, Thanh, Quang), Thanh đã đọc cho chúng tôi nghe bài thơ “Gửi về Kishinhôp”, hôm vừa rồi tôi đã đề nghị Thanh cho post lên diễn đàn và Thanh đồng ý. Suốt mấy hôm nay chỉ vang vọng trong tôi giai điệu:
Có phải hồn ta không chịu sự lặng yên
Nên cứ mãi mong một chút gì biến đổi
Nên cứ thúc cho thời gian trôi vội
Để hôm nay ngoảnh lại vẫn ngậm ngùi
Hay bởi ta luyến tiếc một quãng đời
Rất vô tư mà cũng đầy ước vọng
Rất êm đềm mà sao nhiều sức sống
Như cây xanh được tắm nắng mặt trời.
và thực sự nó làm động lực trong tôi để hoàn thành sứ mạng mà anh Ngọc giao: viết về các bạn trong lớp. Nó khó bởi các bạn quá giỏi, quá tài để có thể viết đầy đủ. Thanh làm rất nhiều thơ nhưng chỉ làm thơ cho riêng mình. Ít ai biết được thời ấy Thanh thuộc hết Truyện Kiều, và rất say sưa tâm đắc với “Ký sự miền Đất lửa” của nhà văn quân đội Nguyễn Sinh, và chắc đó cũng là số phận, hiện nay vợ Thanh chính là con gái của nhà văn. Tiếng Nga của Thanh giỏi nhất lớp tôi, Thanh rất chịu khó đọc các tác phẩm nguyên bản bằng tiếng Nga. Chính nhờ học gương Thanh, tôi lấy được lòng “dũng cảm” để đọc trọn một quyển đầu tiên là “Tình yêu cuộc sống” của Jack London được dịch sang tiếng Nga… và sau này nhờ nó mà vẫn tiếp tục đọc các tác phẩm khác.
Ngọc Bình chỉ huy hợp xướng bài "Tạm biệt những mùa thi" của chính Bình sáng tác (thơ anh Phư Toán 79)
Đời người ta ai cũng đã từng gặp may mắn và hạnh phúc. Đối với tôi, có những người bạn như vậy trong quãng đời sinh viên quả là một may mắn và hạnh phúc lớn lao, điều mà không phải ai cũng có.
Người post: NgocBQ
Ngày đăng: 18-02-2011 08:08
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |