NHỮNG NGÀY CÙNG VỚI THÀY CÔ ĐI HẠ LONG, ĐÀ NẴNG, HUẾ
Tác giả: ThuyDTHuy
NHỮNG NGÀY CÙNG VỚI THÀY CÔ ĐI HẠ LONG, ĐÀ NẴNG, HUẾ
(Đào Thanh Thủy, Dự bị KGU 1974-75)
Được chồng tôi báo tin là sắp tới các anh chị em KGU có ý định sẽ mời thầy giáo dạy tiếng Nga Arcadi Ivanovich Vưsochanski sang thăm Việt Nam, tôi reo lên sung sướng “Thầy giáo em đấy, cho em tham gia với”. Thế là tôi được các chị MK cho nhập cuộc, tham gia đóng góp kinh phí, lên chương trình. Từ hôm đấy, tôi bắt đầu lôi hết các tập ảnh cũ hồi còn học ở Liên Xô của hai vợ chồng ra để chọn lọc. May quá cái ảnh tôi chụp riêng với thầy, ảnh cả lớp dự bị chụp chung và nhiều ảnh nữa chưa bị mốc. Nhờ bạn HạnhLM scan lại các ảnh, phóng to ra, ép plastic để tặng thầy và tạo một quyển album thời Xô Viết. Từ lâu tôi đã định làm một quyển album kỷ niệm thời sinh viên, toàn ảnh đen trắng, kích cỡ đủ kiểu mà vẫn chưa làm được.
Tôi quyết định phải viết bức thư thăm hỏi thầy, động viên thầy giữ sức khỏe và để thầy được biết là bên này, ở Việt Nam, nhóm học trò của thầy đang chuẩn bị đón tiếp thầy, sao cho thầy vui và yên tâm. Nhưng khổ một nỗi tôi không còn biết viết, biết nói tiếng Nga như thế nào nữa, may ra nghe còn hơi hiểu vì thỉnh thoảng vẫn có nghe TV Nga. Thật xấu hổ quá, vì khi học tiếng Nga tôi đã từng là отличница. Tôi đành viết 1 bức thư bằng tiếng Việt, nhờ chồng dịch và nhờ gõ hộ thư luôn. Trong thư, tôi kể về bản thân sau khi chia tay với thầy, nhắc lại kỷ niệm vào những ngày cuối trước khi rời Ođexa trở về tổ quốc, tôi đã về lại Kisinhop, vào lớp tiếng Nga của thầy để chào tạm biệt... Cuối bức thư, tôi đành phải tự viết thêm “P/S. извините пожалуйста, это письмо написано конечно с помощью моего мужа, а сама я не смогла бы”. Và còn gửi đính kèm cái ảnh tôi chụp với thầy, để hy vọng thầy còn nhớ ra đứa trò nào đã gửi thư. (Qua cái vụ dốt nát tiếng Nga này, tôi nể phục chồng hơn hẳn, không dám cãi linh tinh nữa). Tiếp sau đấy là những ngày hồi hộp, chờ đón ngày thầy cô sang.
Sáng Chủ nhật, 24 tháng 4, các đoàn học trò KGU tíu tít lên sân bay đón đoàn thầy cô. May quá, chị Thục – Hóa 77 lại nhớ in hẳn một biểu ngữ chào đón thày cô, nom long trọng hẳn. Chị Bình Phạm SV77, bạn Xuân Thanh luật 80, NgọcBQ hội trưởng là vào được tận bên trong sân bay để đón các thầy cô (cả HàmLH cùng bay với thày cô từ Moxcva về). Vừa nhìn thấy các thầy cô ra khỏi cửa sân bay, là các trò túm tít chào hỏi và ôm hôn chặt. Nhìn thầy, tôi không khỏi xúc động, thầy vẫn như ngày xưa, vẫn hình ảnh này còn lưu giữ trong tâm trí của cô học trò 36 năm trước. Nhiều trò tay bắt mặt mừng hỏi “Thầy có nhớ em không? Em học khóa này, năm này…”, thầy cười tươi bảo “помню, помню…”. Chắc là thời điểm đó, thầy chả nhớ ai đâu, toàn trò đã học từ hơn 30 năm, 40 năm trước rồi mà. May ra, có chị ThanhLK, chị BìnhTH, chị HoaNT khóa 71-72, đã có nhiều thư từ liên hệ từ trước với thầy thì có lẽ thầy nhớ. Sau đấy là đến màn chụp ảnh. Các thầy Riabukhin và Arcadi có vẻ mệt mỏi sau chuyến bay dài, còn các bà vợ của các thầy thì phấn khởi, cười tươi.
Tôi lại nhớ hồi mới sang học năm 1974, chị ThanhLK có sang ob dự bị chơi, biết bọn tôi là học trò thày Arcadi chị bày cho cái bài giới thiệu về gia đình. Khi thày hỏi tên bố là gì, nhớ nói là “Bố tôi tên là Ngoằn”, trong tiếng Nga cái âm NG không có, nên rất khó phát âm, thầy sẽ hỏi tên mẹ là gì. “Mẹ tôi tên là Ngoèo”. Thôi thế là chịu chết. Bố mẹ mày tên khó thế. Nhớ đến thày Arcadi là tôi lại nhớ thầy bắt chúng tôi ngày nào cũng phải đọc báo Правда và kể lại những tin chính trên trang nhất. Mỗi nhóm vài trò được phân công quan tâm đến tình hình một số nước, nhóm thì Tây Ban Nha, nhóm Bồ Đào Nha, nhóm Đảo Síp… Từ ngữ trên báo khó nhớ, khó đọc, nhiều khi chả có tin tức gì để mà trả bài. Nhớ nhất là thày bắt học thuộc lòng cụm từ “Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô - Председатель Президиума Верховного Совета Союза Советcких Социалиcтических Республик”, và cụm từ “Trường ĐH Tổng hợp Quốc gia Kisinhop huân chương Cờ đỏ mang tên V.I. Lênin”. Mới hôm vừa rồi trên ôtô ngồi cùng thầy, tôi lại nhắc tới kỷ niệm những bài giảng này, lắp bắp đọc lại, thầy cười và bảo hồi đó tôi đã dạy em đọc một hơi không được nghỉ cơ mà. Còn nhiều kỷ niệm với thầy mà tôi không bao giờ quên cái năm đầu tiên xa nhà, được thày dạy tỉ mỉ từng từ, từng chữ để cho chúng tôi biết nói, biết viết, biết nghe tiếng Nga. Những năm chiến tranh, các cô bé cậu bé nghèo khó được sang Liên Xô học tập là điều rất sung sướng và tự hào của chúng tôi.
Hôm nay đây, được ngồi bên thày, các trò xung quanh tíu tít, tôi ngỡ như trong mơ. Thật là cảm động. Ngót nghét gần 40 năm, trò trẻ nhất là các em NgọcNT, em Quy, em Diệp thì cũng đã học thầy từ hơn 20 năm trước. Để có được chuyến thăm này của thày cô thì phải có rất nhiều công sức đóng góp cả vật chất, tinh thần và thời gian của nhiều ACE KGU, của em Huyền Ludmila, chị Thanh, chị Bình, chị Hoa, Hội trưởng NgọcBQ, anh HiềnVC, Xuân Thanh…và các ACE khác không thể kể hết tên được. Đúng như lời bà vợ thầy giáo nhắc nhiều lần, đây như là câu chuyện cổ tích, như trong mơ.
Nhớ tới thày Riabukhin, thầy giáo của HT Ngọc là tôi nhớ dáng thày lòng khòng khom lưng, lúc nào cũng chắp tay sau lưng, rất ít nói. Nhưng càng về sau càng hay cười, thỉnh thoảng thầy mới nói, mà câu nào cũng là hóm hỉnh dí dỏm. Dáng thày, nét mặt thày đầy thông minh, uyên bác. Đúng là Viện sĩ có khác. Lúc lên máy bay từ Huế ra Hà Nội, thày Riabukhin cứ đội nón ngồi trong khoang máy bay, ai nói thày cũng nhất định không bỏ nón ra, chắc là thày sợ nhầm lẫn hoặc mất kỷ niệm xứ Huế.
Thày Arcadi thì có vẻ bình dân hơn, thày rất hay hát và hát thì rất hay. Giọng thầy trầm, ấm, khỏe. Cứ trò cất lời bài nào là thầy lại hát theo hỗ trợ và giữ nhịp cho đúng. Các anh chị em nói tiếng Nga giỏi thì không kể, còn lại là đôi khi cứ lẫn lộn tiếng Nga đá tiếng Anh, thế mà thày vẫn đoán được trò đang định nói gì. Chị ThanhLK giới thiệu trang trại nhà Dũng Cẩm rộng khoảng 20 nghìn m2 là “twenty тысяч”, có lúc tôi mời thày ngồi садитесь, please. Cứ mỗi lần tôi nói tiếng Nga nhầm với tiếng Anh là các bạn lại cười rộ lên, đến lúc đấy tôi mới biết là mình đã nói nhầm. Rồi bọn tôi có hỏi thày là bây giờ nếu cho điểm Nga văn lũ trò này thì được mấy điểm. Thày bảo các em đều đạt Пятёрка, Отличники. Tôi nhớ, mỗi lần mời thầy cô chụp ảnh, thày Arcadi đều lấy lược trong túi ra rồi chải hất ngược mái tóc rất điệu đà. Cái hình ảnh này rất giống khi thày còn trẻ, cũng tóc chảy hất ngược, bóng mượt. Hồi trẻ thầy rất đẹp trai, hiền từ và nhân hậu, bây giờ chỉ khác là khuôn mặt già hơn, gầy hơn và tóc đã bạc nhiều.
Các bà vợ các thầy thì rất chăm sóc các ông chồng, mà cũng thỉnh thoảng hai ông bà lại cãi nhau nghe rất trẻ con. Bà vợ thày Riabukhin chỉ cho thày ăn súp thoải mái, còn ăn sang các món khác như dăm bông hay pho-mat là lại ngăn không cho ăn, sợ béo, có hại đấy. Thế là thầy lại ngoan ngoãn ngồi im không ăn. Các trò nhanh tay nhanh mắt chờ bà giáo quay đi chỗ khác, lại gắp vào bát cho thầy. Thầy cũng ăn rất nhanh và gật gù bảo вкусно. Còn bà vợ thày Arcadi mất một bàn tay do tai nạn lao động nhưng bà lại có nghề nghiệp là nấu ăn. Bà rất khéo tay, bà đã làm rất nhiều bánh ngon mang sang Việt Nam mời các học trò ăn. Trong buổi liên hoan chia tay, hôm 3/5 ở KS La Thành, trên bàn có nhiều bánh do bà giáo tự làm đấy các bạn ạ.
Đi tới đâu các thày cô cũng được nghỉ ngơi ở những khách sạn, phòng nghỉ đẹp đẽ, sang trọng. Nhớ tới đợt đi Vịnh Hạ Long (26 – 27/4), hai phòng đẹp nhất có cửa thông ra 1 ban công nhỏ trên boong đầu tầu đã được đặt cho hai cặp thày cô. Chiều hôm đó, chúng tôi đi thăm Hang Sửng Sốt và tắm tại bãi biển Titốp. Hôm đấy trời hơi lạnh nên chỉ có Thày Arcadi tắm cùng với vài trò. Mọi người ai cũng thích bơi, nhưng đều ngại nước lạnh và hy vọng vài hôm nữa sẽ đến Đà Nẵng bơi cho thỏa thích.
Bữa tối, sau khi ăn, em NgọcNT đã liên hệ trước nên chủ tàu cho đoàn được hát karaoke khỏang một tiếng. Chúng tôi chọn các bài hát Nga nhưng trên màn hình chỉ có lời Việt, thế mà cả mấy thày trò cứ hát ào ào, lời Nga lời Việt lẫn lộn. Thày Arcadi hát say sưa, bài nào cũng thuộc. Thấy vui quá, một nhóm khách Australia đi qua cũng đứng vây quanh cùng vui với chúng tôi. Sau đấy, em NgọcNT lại đưa ra món ăn đêm – ghẹ hấp bia. Lúc này chỉ còn toàn các học trò và bà Olga vợ thày Arcadi ở lại. Lại ăn, cười, nói vui vẻ. Lưu luyến mãi rồi cũng đến lúc споконой ночи, đi ngủ để còn sức ngày mai vui tiếp.
Sáng hôm sau, cả đoàn có tiết tục đi chèo thuyền trên vịnh Hạ Long, ai không chèo thuyền sẽ đi tắm biển. Trong 4 thày cô chỉ có thày Arcadi là thích đi chèo thuyền. Buổi sáng hôm đó cũng thật là thú vị, mỗi người được trang bị áo phao, hai người, hai mái chèo ngồi một xuồng. Vịnh Hạ Long hơi se lạnh, trời lặng gió, rất phù hợp với chèo thuyền. Mọi người được chèo khoảng một tiếng quanh vịnh, gần cửa Hang Sửng sốt. Thời gian trôi thật nhanh. Đã đến giờ tàu đưa mọi người đi thăm vòng quanh vịnh.
Vịnh Hạ Long đúng là kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp, trời xanh biếc, mặt nước biển cũng trong xanh với vô số đảo lớn nhỏ, muôn hình vạn trạng nhấp nhô trên biển. Mọi người tranh thủ chụp ảnh. Những bức ảnh với nền phía xa xa là đôi hòn Trống – Mái như đang chụm vào nhau được chụp lia lịa, phải chụp thật nhanh kẻo qua mất moment quý giá này. Sau hơn một tiếng dạo quanh vịnh, tàu Hanoi Opera lại từ từ quay trở lại vị trí neo ban đầu để mọi người nghỉ ngơi và ăn trưa. Gần 12h trưa, chiếc ca nô nhỏ hôm qua lại đến tàu để đón đoàn về Cảng Tuần Châu và lên ô tô về Hà Nội. Tạm biệt Hạ Long. Tạm biệt một ngày đêm nghỉ ngơi, vui chơi thú vị giữa mênh mông trời biển, giữa thiên nhiên tuyệt vời. Thày trò chúng tôi lại chuẩn bị ngày mai lên đường đi Đà Nẵng.
Đà Nẵng (28/4 – 1/5). Vừa ra khỏi cửa sân bay, chúng tôi đã nhìn thấy các bạn KGU Đà Nẵng tụ tập rất đông để đón các thày, cô và các bạn Hà Nội. Còn có anh Trự_Hóa77, chị Thanh Hòa_Hóa78 bay từ TP Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng để gặp mặt và cùng vui với các thày cô.
Hội trưởng NgọcBQ đã thuê ở Resort Fusion Maia hẳn một villa rất đẹp, riêng biệt, đầy đủ tiện nghi, lại có cả bể bơi trong khuôn viên và các phòng nhìn thẳng ra biển. Ngòai ba phòng ngủ còn có một phòng lớn sinh hoạt chung, nơi mà những người còn lại trong đoàn rất thường xuyên ghé qua thăm các thầy cô và tụ tập. Chúng tôi, 10 người còn lại, được anh HiềnVC thuê cho ở khách sạn Rainbow, ngay trên phố Bạch Đằng, trông thẳng ra sông Hàn.
Thật may mắn, thời tiết Đà Nẵng mấy hôm đó rất tuyệt, không nắng quá, rất ấm, lại không mưa. Các ông bà giáo bơi rất nhiều, nhưng có vẻ các bà bơi lại nhiều hơn các ông. Sau khi bơi các ông còn ra ngoài vườn nằm đọc sách và sưởi nắng. Được bơi ở biển Đà Nẵng, nghỉ ở Resort Fusion Maia, các bà giáo luôn luôn nói với chúng tôi rằng, được sang thăm Việt Nam cùng chồng là điều vô cùng sung sướng và hạnh phúc đối với các thầy cô. Ngày hôm sau, chúng tôi lên đường đi chơi Hội An. Ở đây ngòai việc đi thăm quan thì cũng là dịp các chị em may đo được cho các bà mấy cái áo đẹp, vì cỡ người như các bà rất khó mua được áo may sẵn.
Thú vị nhất là vào dịp đó, Đà Nẵng tổ chức thi bắn pháo hoa quốc tế “Lung linh sông Hàn”. Các ông bà giáo vô cùng mãn nguyện khi được xem pháo hoa rất đẹp, lại bắn rất lâu như đêm hôm đó. Đòan chúng tôi rất ấn tượng với Đà Nẵng. Đường xá luôn sạch đẹp, rất nhiều tượng đá được đặt dọc sông Hàn. Trời đêm, bên sông Hàn các cây cầu lấp lánh đủ màu sắc ánh đèn, đúng thật là lung linh. Hầu hết những nơi danh lam thắng cảnh ở miền trung các học trò đều cố gắng đưa bằng được thày cô tới thăm. Sáng ngày 30/4, trời nắng nóng từ sớm, trước khi đến Bà Nà, cả đoàn đã kịp ghé thăm Chùa Linh Ứng. Trời Phật như phù hộ nhóm thày trò KGU, vừa ra khỏi cửa chùa cũng là lúc đường lên chùa tắc cứng ôtô các loại. Lên đến chân núi Bà Nà thì dòng người xếp hàng đi cáp treo đông quá. May nhờ tài nhanh nhẹn của HT Ngọc, đã thu xếp cho được 4 thày cô và 4 học trò chưa đi Bà Nà lần nào được đi kèm. Số còn lại đành ngồi hơn 1 tiếng dưới chân núi chờ đoàn cáp treo trở về.
Tối 30/4, tại villa Fusion Maia đã diễn ra buổi liên hoan giao lưu của đoàn thày trò KGU từ Hà nội vào với KGU Đà Nẵng, lên tới gần 30 người. Buổi tối thật đầm ấm, lại chụp ảnh, lại ăn uống, chuyện trò và hát. Cám ơn các bạn KGU Đà Nẵng nhé.
Sáng 1/5 cả đoàn lại lên xe đi đến Huế. Đến Lăng Cô thì mọi người rẽ vào thăm nhà nghỉ của DũngTV Toán 79, nhìn ngắm biển Lăng Cô trong vắt và chụp ảnh kỉ niệm, rồi lại tiếp tục lên đường. Sau bữa trưa, cả đòan đi thăm lăng Tự Đức. Ở đây mỗi bà giáo mua được 1 chiếc nón Huế làm kỉ niệm. Một tin vui đột xuất ngòai chương trình, là chị Tân Thanh (dự bị KGU 72), vợ anh Hòai VL76 mời cả đòan chúng tôi đến thăm quê của chị, ở thôn Tiên Nộn cách Huế 6 km. Trên những con đường nhỏ quanh co trong làng, các thầy cô rất thích thú ngắm cảnh làng quê Việt Nam. Và chúng tôi còn ngạc nhiên hơn, khi vừa bước vào nhà, thì đã đầy ắp những đĩa bánh đặc sản của Huế, được bày sẵn trong vườn để chờ chúng tôi đến. Bố và cô chị Tân Thanh cùng người nhà, đã rất long trọng đón tiếp chúng tôi. Các thầy cô được dịp ngắm cảnh vườn quê Việt nằm ngay bên cạnh dòng sông Hương. Bà giáo vợ thầy Arcadi còn nói nhìn đây trông như Venice. Sau bữa ăn rất ngon và vội vã, chúng tôi lại tiếp tục quay trở về Huế để đi du thuyền nghe hò Huế trên sông Hương. Thực sự là lịch luôn kín mít và đầy ắp sự kiện. Nhưng mọi người lúc nào cũng vui vẻ và hào hứng, vì đi đến đâu các thầy cũng được gặp lại những học trò cũ từ khắp nơi trên mọi miền đất nước.
Ngày cuối, 2/5 cả đòan đi thăm Thành Nội Huế. Hôm đấy nắng gắt, thời tiết nóng và oi vô cùng, mọi người ai đi cũng mệt mỏi và chỉ lo nhất là sức khỏe của các thầy cô. Cũng may, các thầy cô rất phấn khởi, đi thăm được hết cả khu Thành Nội, trong khi 1 nhóm học trò chúng tôi thì lại không chịu được sức nóng ở Cố Đô, 1 số chị em phải chui vào chỗ mát để nghỉ. Ăn trưa xong chúng tôi lại làm phiền chị Tân Thanh thêm 1 lần nữa, đến nhà chị ở Huế để nghỉ chờ đến giờ ra sân bay vì khách sạn họ đã check out từ buổi sáng. Cảm ơn chị Tân Thanh và anh Hoài rất nhiều.
2 giờ rưỡi chiều chúng tôi ra sân bay Huế. Tạm biệt Huế. Tạm biệt miền Trung với những ngày nghỉ tươi đẹp và đầy ắp kỉ niệm. 1 lần nữa cảm ơn các ACE KGU Đà Nẵng, Huế đã chu đáo đón tiếp đoàn thầy cô và các trò Hà Nội, để chuyến đi luôn vui vẻ trọn vẹn.
Về đến Hà Nội là cả đòan đến nhà Huy Thủy ăn tối luôn. Bữa tối đó có đặc sản rất ấn tượng là món Borsh do chị Bình Phạm đã chuẩn bị từ trước và mang đến sẵn. Các thầy cô nhận xét rằng, đây mới đúng là món súp đặc trưng Nga, và thầy Riabukhin còn ăn đến 2 bát đầy. Do chủ nhà cũng đi cùng thầy cô, xuống máy bay muộn, nên thật may có bạn Băng Thanh, học trò cũ của thầy Arcadi đến hỗ trợ nấu cùng con gái Huy Thủy, để vừa về đến nhà là chúng tôi đã được ăn ngay. Bữa ăn kết thúc sớm để các thầy cô còn về khách sạn nghỉ, chuẩn bị tiếp cho chuyến đi thăm Hà Nội ngày hôm sau. Thú thực, trong quá trình đi chơi, ai cũng hăng hái, không cảm thấy mệt mỏi nhiều, nhưng sau khi về đến nhà thì mới thấm thía cái mệt của cả hành trình.
Chúng tôi thực sự rất sung sướng và mãn nguyện, vì đã hòan thành tốt nhiệm vụ đưa các thầy cô đi chơi, thăm quan đất nước và gặp gỡ lại các học trò cũ, đặc biệt là sức khỏe của các thầy cô vẫn tốt sau 1 chuyến đi dài với lịch trình dày đặc như vậy.
Hôm nay khi ngồi viết những dòng này, tôi đã nhận được tin rằng các thầy cô đã về nhà an tòan, mạnh khỏe từ hôm qua. Chúc các thầy cô luôn khỏe mạnh và giữ mãi những tình cảm tốt đẹp về Việt Nam. Chúng tôi, những học sinh Việt Nam KGU đã và sẽ luôn biết ơn công lao và nhớ mãi các thầy cô giáo Xô Viết.
Người post: ThuyDTHuy
Ngày đăng: 06-05-2011 20:08
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 11 - 20 của tổng số 27 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |