KGU Events >>Sự kiện
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 12 Tháng chín. 2011

911, mười năm trước...




Tác giả: HuongNQ

 

Buổi sáng ngày 11 tháng 9 năm 2001 bắt đầu bình thường như tât cả các ngày khác. Nhân Hậu, con trai đầu của chúng tôi, đang học lớp 9, rời nhà đi học vào lúc 6 rưỡi sáng. Cháu học trường cấp 3 Stuyvesant, một trường chuyên của thành phố New York, nên phải đi học xa chứ không học trường gần nhà theo khu phố như lệ thường o Mỹ. Stuyvesant nằm ở downtown của Manhattan, cách 2 tòa tháp đôi của Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế đúng hai phố. Do New York quá to, nên các cháu học trường này phải tự đến trường từ các góc khác nhau của thành phố chứ không có xe buýt của trường đón như đối với các trường ở khu phố.

8 giờ sáng, Quốc Anh đi làm, và tôi cũng đưa Ron đi gửi trẻ. Ron mới hơn một tuổi, chúng tôi gửi cháu ở một nhá trẻ tư cách nhà khoảng 10 phút lái xe. Rồi tôi quay xe lái đến trường. Đường đông nên xe chạy rất chậm. Đi qua cầu Queensboro, cây cầu nối Queens, vùng tôi đang ở, với khu vưc Manhattan, đường gần như tắc, nhích từng bước một. Lúc này là khoảng 9 giờ sáng. Cầu Queensboro chạy ngang qua sông Hudson ở chính vùng Midtown, từ cầu có thể nhìn rất rõ vùng downtown  của Manhattan,  tòa tháp đôi của TT Thương mại Quốc tê va cả tượng Nữ thần Tự do. Bình thường, đi qua đây tôi hay ngó nghiêng qua cầu để nhìn về phía Manhattan, nhưng hôm đó, không hiểu vì sao, có thể vì đường đông quá và tôi sợ tai nạn chăng, mà  tôi không hề nhìn ngang qua cửa sổ. Tôi lại đang bật nhạc, không nghe đài nên tôi cũng đã không nhận ra điều gì khác thường ngoài việc giao thông gần như tắc nghẽn.

9 gio 30 tôi mới đến trường. Bước chân lên khoa Vật Lý là thấy ngay điều bất bình thường. Tất cả các giáo sư và học sinh đều đứng ngoài hành lang,  mặt mũi nghiêm trọng. Một cái TV được ai mang ra đặt giữa văn phòng khoa. Vài học sinh đang cố gắng điều chỉnh mà màn hình vẫn nhiễu không nhìn thấy gì, vài giáo sư vẫn cố gắng dán mắt vào màn hình để đoán. Mọi người vồ lấy tôi khi tôi vừa từ thang máy bước ra “Hương, mày đến đây bằng đường nào” “Qua cầu Queensboro” “Thế mày có nhìn thấy gì không?” “Không, có chuyện gì vậy?” “Máy bay đâm vào tháp đôi” “Sao, phi công có vấn đề à” “Không, không phải tai nạn. Khủng bố”. Bàng hoàng.

Tất cả chúng tôi đứng ngoài hành lang. Không hiểu chờ đợi cái gì.Giây phút này mọi người như gần nhau hơn.  TV không còn thấy được hình gì nữa. Tất cả các phone di động đều không có sóng. Ai đó thông báo tình hình :” Tất cả các cầu đều đóng”. Manhattan, đảo chính của thành phố New York, nối với các vùng dân cư của thành phố bằng các cầu. Phần lớn dân New York đều sống ở các vùng dân cư lân cận như Queens, Brooklyn, Staten Island, và đều đi qua cầu để vào Manhattan làm việc. Các cầu đều đóng, nên chúng tôi không làm gì khác đưc là đng tại trưng .  Mọi ngưi bàn tán “Máy bay chở khách à, vậy hành khách ra sao?” Lúc đó, chúng tôi chưa hề lường được chuyện Tháp đôi đổ, mà chỉ nghĩ đến những hành khách trên 2 cái máy bay kia.

Có tin “Tháp đôi đổ rồi”. Không khí như đông cứng.  102 tầng tháp, bao nhiêu là người… “Họ chạy có kịp không nhỉ?” Ai đó hỏi trống không, và chẳng ai trả lời. Bỗng dưng một luồng điện chạy qua làm tôi choáng váng. Trường của Nhân Hậu chỉ cách Tháp đôi 2 phố. Nếu mà tháp đổ, thì trường cháu ra sao? Ruột gan nhu lửa đốt, tôi quay vào phòng làm việc.Trong điện thoại bàn có tin nhắn của Quốc Anh “Em ơi anh liên lạc với trường Nhân Hậu không được, không hiểu con ra sao, anh lo quá. Em cố gắng tìm đường về nhà ngay nhé, anh cũng về đây”. Tôi còn giữ cái tin nhắn này rất lâu. Tôi cố gắng gọi lại văn phòng trường. Các hồi chuông đổ dài, không có ai nhấc máy.

Thành phố thông báo “Các cầu đã mở 1 chiều để mọi người ra khỏi Manhattan". Chúng tôi tạm biệt nhau để lấy xe ra về, bắt tay nhau chúc may mắn, trong mắt ai cũng đọng một nỗi lo lắng. Đường rất đông, nhiều đường  bị đóng, tôi đã phải lái xe vòng vèo rất lâu qua các phố của Manhattan để đi được đến cầu. Những nơi tôi qua, vẫn không thấy gì đổi khác, trật tự vẫn giữ được,  trừ việc bỗng nhiên rất nhiều người đi bộ. Lòng tôi ngổn ngang…Cảnh Hà nội những năm tháng chiến tranh như lại hiện về, với mũ rơm, súng trường và những hầm tròn cá nhân trong thành phố...

2 giờ chiều tôi mới về đến nhà,  vẫn chưa có ai về. TV vẫn không làm việc, đài thì tiếng được tiếng mất. Không thể ngồi một mình trong nhà vì lòng đã như lửa đốt, tôi đi đón Ron. 4 giờ, Nhân Hậu vế, vừa đi vừa khóc. Cháu ôm chầm lấy tôi“Mẹ ơi, con nhìn thấy hết”.  Ngồi lặng đi một lúc, cháu nức nở kể cho tôi nghe. Giờ ấy, các cháu đang nghe giảng Vật Lý ở  tầng 10. Lơ đãng nhìn ra ngoài, chợt cháu nhìn thấy một cái máy bay đâm thẳng vào một cái tháp. Dụi mắt tưởng mình mơ ngủ hay đang xem phim, đập bạn bên cạnh thì đã thấy cả lớp đều nhìn về phía ấy. Nhà trường thông báo tất cả ngồi im tại chỗ. Rồi các cháu thấy cái máy bay thứ hai lại đâm vào Tháp. Rồi kinh khủng nhất, vì ở quá gần, các cháu chứng kiến cảnh từng người, từng người ở trên 2 cái tòa tháp ấy nhảy qua cửa sổ để mong thoát thân khỏi cái tòa tháp đang đổ sụp. Đối với bọn trẻ con 14, 15 tuổi, đang sống trong thời bình, chứng kiến cảnh hàng chục người nhảy xuống từ tầng tám mươi chín mươi và lẫn vào trong đống đổ nát như vậy là quá sức chịu đựng của chúng. 2 tuần sau,  mỗi sáng dậy tôi qua phòng cháu, cháu vẫn nói “con vẫn  mơ thấy họ mẹ a”.  Sau này, khi trường Nhân Hậu vào học lại và báo tường ra số đầu tiên sau 911, có một bạn viết về những cú nhảy đó, về nỗi hoảng hốt khi quan sát từng người, người thì nhảy đột ngột, người thì chạy lấy đà, người thì do dự đưa một chân ra thử và ngã cả người xuống ra sao…Tôi hiểu rằng những trải nghiệm này các cháu sẽ không thể nào quên được.

 Nhân Hậu kể,  sau đó, trường thông báo các cháu phải đi về càng nhanh càng tốt. Thế là các cháu dắt nhau chạy, nhìn về phía sau thấy bụi và khói cuộn tròn. Bọn con gái khóc và không đi nổi nữa, bọn con trai mỗi đứa phải đeo 3,4 cái ba lô đầy sách hộ cho các bạn gái, cả bọn đi bộ dọc nửa thành phố New York, qua cầu và về nhà. Đến 6 giờ chiều QAnh mới về, đường của QA bị tắc hơn. Từ chiều đến tôi, điện thoại nhà tôi kêu liên tục, bạn bè từ các bang khác sốt ruột hỏi thăm.

Những ngày sau đó, tất cả NY hồi hộp theo dõi các đội lính cứu hỏa đào bớ cứu nạn nhân. Những câu chuyện nhường cơm sẻ áo lại làm tôi nhớ đến Hà nội những ngày chiến tranh. Hình như ở đâu cũng vậy, trong nguy nan cái tôi của mỗi người giảm xuống, tình yêu đồng loại tăng lên. Người Mỹ đã không bao giờ còn như cũ sau 911. Đã không còn nữa vẻ vô lo, không còn cảm giác an toàn và tự tin cố hữu, như qua một cú sốc nặng, người Mỹ trở nên lo lắng hơn, nhạy cảm hơn và bớt ích kỷ hơn.

Mới đấy mà đã 10 năm. Sáng nay bật TV, tôi thấy lễ kỷ niệm ở Ground Zero. Mọi người ôm lấy nhau  xung quanh hồ nước khắc tên những người đã chết. Những bàn tay run run sờ lên tên của người thân, run run như khi ta sờ lên mặt những người thân mới mất. Từng người từng người, các gia đình nạn nhân lên đọc tên những người đã mất. Một cô gái nước mắt vòng quanh “Mẹ ơi con yêu mẹ”. Một em bé chưa đến 10 tuổi thảng thốt “bố ơi khi bố mất con còn nằm trong bụng mẹ. Con chưa được gặp bố nhưng con yêu bố lắm bố ơi” . Một thanh niên 20 tuổi trầm ngâm “cám ơn bố đã yêu thương con 10 năm đầu đời, và là người anh hùng của con 10 năm tiếp theo” ...

10 năm. Giống như cái đài tưởng niệm kia, một hố trống đã để lại, bao nhiêu nước chảy vẫn không thể lấp được đầy. Một khoảng trống để lại trong lòng người Mỹ và không bao giờ đầy lại được.


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 12-09-2011 13:01






Xem 11 - 20 của tổng số 22 Comments



Từ: Meomun
12/09/2011 21:46:20

Cám ơn chị QH đã giải thích cho em. Em chỉ biết theo kiểu Tây thì vẫn viết tháng trước ngày thôi chứ  không biết số ĐT cấp cứu bên Mỹ là 911 chị ạ, hì hì! Như vậy thì không cần sửa đâu HT ạ.


Chuyện này làm em nhớ mới hôm trước xem tennis với bà cụ nhà em (cụ 70 tuổi), cụ thấy trên sân ghi số 9/11/11, cụ hỏi ủa sao tụi nó viết nhầm ngày nhầm tháng à con!!!     



Từ: ThongNV
12/09/2011 21:18:33

Tôi đã từng tham gia đánh quân xâm lược Mỹ. Trên người vẫn còn thương tích do bom đạn Mỹ gây ra. Thời gian đầu làm việc với các chuyên gia Mỹ tôi rất ác cảm, nhưng sau này tôi thấy họ cũng thân mật, góp ý và chỉ rõ những yếu kém của mình làm cho tôi có thiện cảm hơn.


Khi nghe tin bọn khủng bố tấn công vào Tòa tháp đôi thì cảm giác đầu tiên của tôi là nghĩ đến những người dân đang ở trong đó. Số phận họ sẽ ra sao? và không hiểu sao nhiều đêm tôi không ngủ được, cứ nhắm mắt là nghĩ đến những trận ném bom của máy bay Mỹ xuống làng quê miền nam, xuống trận địa của chúng tôi. Người chết, người bị thương, thịt xương văng tung tóe. .  .Và tôi nghĩ đến thương những con người rơi vào cảnh ngộ đó. . .



Từ: ThoaNP
12/09/2011 20:28:34

@Quê Hương: Cảm ơn em vì bài viết. Đây là lần đầu tiên chị đọc được bài viết về sự kiện này từ người sống ở ngay New York, mà không phải là các kiểu tin tức trên TV, báo chí. Bài của em tác động đến suy nghĩ của chị nhiều, trong 1 còm không thể nói hết được.


Chị là Thoa, CL76, em chắc chắn không biết chị đâu. Nhưng anh Dũng chồng chị thì biết em rõ lắm, anh ấy thường xuyên cung cấp cho chị tin tức về em, từ những Hội nghị Vật lý trong nước khi các em chưa đi Mỹ, đến những thành tích đáng nể của em trong khoa học sau này. Trong mắt anh chị, em cũng thuộc diện nhân tài đất Việt, hay nói theo kiểu anh Thắng trong này là "nguyên khí quốc gia".


Chị cảm ơn em lần nữa vì bài viết nhé.



Từ: HuongNQ
12/09/2011 19:36:19

@Mèo Mun: Với cách  viết tháng trước ngày sau của người Mỹ thì người ta viết là 9/11. Nhưng khi đọc lên (Nine-Eleven) thì nó trùng với số điện thoại cấp cứu 911, như anh Minh nói. Vì thế, người ta thường dùng 911 khi nói đến sự kiện này. Nhưng anh Ngọc ơi anh làm ơn sửa hộ em thành 9/11 để cho rõ hơn với, thanks anh.


Ron là tên ở nhà của Nhân Văn, cô Mèo Mun ạ. Nhưng vì ai cũng gọi Ron nên chị quên mất không giới thiệu.


@Anh MinhCK: Không ai nghe thấy gì đâu anh ạ.Vì từ trên cầu nhìn thì rõ thế thôi chứ khoảng cách thì xa lắm, chắc phải 7,8 km, xe đóng cửa thì không thể nghe thấy gì được. Vả lại lúc em ở trên cầu thì tòa nhà chưa nổ và sụp. Tiếng nổ lúc sụp mới to, chứ lúc máy bay đâm thì không to đâu. Nếu nhìn thì sẽ thấy, hoặc nếu nghe đài thì sẽ biết tin để mà nhìn, nhưng em lúc đó "tai nghe nhạc, mắt nhìn thẳng" nên đã không biết gì hết.


Em có thấy mấy chỗ đánh dấu sai hoặc thiếu chữ, nhưng chắc lúc HT cho ảnh vào cho em HT post lại mất rồi nên em không vào sửa được nữa. HT ơi giúp em với!


@ Diện: Tất nhiên nếu nói về chính sách của chính phủ thì sẽ có nhiều điều cần nói. Và là người Việt nam thì ai trong chúng ta cũng biết Mỹ đã làm gì. Nhưng khi đối diện với tang thương và những nỗi đau, thì mình nghĩ không ai có thể nói "đáng đời" được đâu Diện ạ. Vì cái ác, dù bất kỳ là dưới lý do gì, thì cũng đáng bị lên án.



12/09/2011 18:45:55

Trước tiên tôi xin lỗi vì viết ra những điều ngược với nhiều người trong số chúng ta.


Tôi biết tin 11/9 qua CNN khi đang ở Moscow. Trước đó 1 năm tôi có qua Mỹ và đã leo lên tháp đôi tham quan. Một công trình vĩ đại của nhân loại. Vì thế cảm giác là sững sờ và tiếc thương. Nhưng cùng lúc trong người có một ý nghĩ khác, trái ngược hoàn toàn: cũng đang đời người Mỹ. Mấy ngày sau, trao đổi với nhiều người Việt ở Nga và cả người Nga thì thấy có nhiều người chung tâm trạng đó. TV Nga còn quay cảnh các nước khác dân reo hò ăn mừng ra sao.


Thật sự mà nói rất khó mô tả và phân tích điều này. Nước Mỹ dã làm gì để bị căm ghét như vậy tại nhiều nơi trên thế giới. Khi có 3000 người Mỹ chết thì tưởng niệm rất hoành tráng. Còn khi nước Mỹ gây ra cái chết cho hàng triệu người thì im lặng. Nếu ai đó đánh Mỹ thì bị coi là khủng bố. Còn nếu Mỹ cũng như vậy với nước khác thì có lý do chính đáng: bảo vệ an ninh cho Mỹ, vì nền dân chủ, ... Họ xâm lược Iraq vì vũ khí hủy diệt hàng loạt, cái mà đến giờ chẳng ai thấy đâu. Chẳng cần đi đâu xa, hãy xem chiến tranh Việt nam. Vì sao Mỹ xâm lược VN vâ giết chết hàng triệu người dân? Và họ có lời nào xin lỗi nhân dân VN không?


Thực tình mà nói thì nhiều câu hỏi lắm. Ở đây khó có thể nói ra được. Đến giờ tôi vẫn coi là nước Mỹ nên thay đổi tư duy, đừng đặt bản thân lên trên các nước khác, như một thời nước Đức đã làm.



Từ: LyTM
12/09/2011 16:22:15

Cám ơn QH đã viết lại một sự kiện để Người KGu cùng nhớ lại giây phút khủng khiếp mà 3000 người dân Mỹ vô tội đã ra đi trong hoảng loạn và đau đớn. Ngày hôm đó LyTM đang ngồi trong phòng khách sạn ở Hà Tĩnh, đi công tác, bật tivi ra và đang xem thì thấy hình ảnh đó- đã rất choáng. Nói thật với mọi người, lúc đó có một tia gì đó như là sự chế nhạo cho thành trì của tư bản -đã bị động đến rồi! cứ khoe, cứ tự mãn nữa đi! Nhưng ngay lập tức nghĩ đến cái Tháp đôi đấy, hàng ngàn tổ chức và tập trung bao nhiêu cơ sở dịch vụ, bao nhiêu con người thì lại bàng hoàng, lo lắng và xót xa.


Muốn kể ra một chuyện là năm sau, tháng 2/2002, sang đó, LyTM được một anh bạn Mỹ của tổ chức hòa bình thế giới đưa ra, đứng bên cạnh thành quây tạm, xung quanh còn xếp đầy hoa, di ảnh,... nghe cậu ta tả lại mới hình dung ra sự thật kinh hoàng và dã man của nó. Trèo lên trên tổ chức của cậu ấy để nhìn xuống chỗ tháp đôi, nhìn cái cầu và những ngôi nhà bao quanh, nhiều ngôi nhà vẫn còn vết nứt, cậu ta nói bụi và khói đen che phủ bầu trời, cả tổ chức không ai còn tin vào mắt mình vì tiếng động mạnh và rung lắc. Người dân thường của Mỹ rất lành, rất thân thiện và lịch sự đã sống trong nỗi khiếp sợ và không còn tin vào sức mạnh của Chính phủ nữa. Sự kiện này đã là chủ đề để lớp fellowship 19 người từ 15 quốc gia bọn mình thảo luận về chính sách đối ngoại của Mỹ với những diễn biến thù địch trong điều kiện khủng bố phát triển, hôm đó có người của Văn phòng Tổng thống đến dự. Mỗi người đều phải nói, đến LyTM mình cũng đã thể hiện quan điểm. Mình cho là mối quan hệ nhân quả là có, nhưng rõ ràng, các nước cần phải nhìn nhận vai trò của nước mình với quốc gia khác trong mối quan hệ tôn trọng ngang bằng, không phân biệt giầu nghèo,... các hoạt động phòng chống khủng bố phải mang tính toàn cầu và những nơi dễ bị lợi dụng để kích động, nảy sinh khủng bố là nơi nghèo đói và lạc hậu. Rất tiếc, đôi khi chính sách của một nhóm cầm quyền có thể trở thành một cái cớ để nảy sinh thù hận và khủng bố!



Từ: NghiPH
12/09/2011 16:00:50

 


Tối qua chúng tôi có xem Chương trình tưởng niệm 11/9 do kênh TV CNN truyền trực tiếp. Một chương trình tưởng niệm cảm động, sâu lắng, nhân văn.


Chúng tôi có ấn tượng rất mạnh về Đài tưởng niệm 11/9.


 



Sau nhiều năm tháng ròng rã làm việc không ngừng nghỉ của biết bao nhiêu kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng và nhân công đủ ngành nghề, Ủy ban Kiến thiết Đài Tưởng niệm và Viện Bảo tàng  9/11 đã cho ra mắt đài tưởng niệm dưới hình thức 2 thác / hồ nước nhân tạo "song sinh" hình vuông có chiều rộng là 1 mẫu tây (acre) với chân móng của chúng nằm trùng với nền cũ của 2 tòa nhà đã bị khủng bố đánh sập vào ngày 11 tháng 9 mười năm về trước.


Hai thác nước "song sinh" này được coi như là những thác nước nhân tạo lớn nhất nước Mỹ. Đó là một công trình rất quy mô mang biểu tượng của sự hồi sinh và trường tồn qua hình ảnh thác nước chảy liên tục từ ngọn thác xuống đáy hồ rộng 1 mẫu tây, rồi nước từ đáy hồ lớn lại được đổ xuống một hồ con nằm trong lòng hồ lớn. Chung quanh thành hồ là những tấm bảng đồng được khắc tên của gần 3000 nạn nhân không may bị thiệt mạng trong đợt tấn công vào ngày 11/9/2001 tại 2 tòa tháp đôi, trên chuyến bay United 93, tại Penthagon (Lầu Năm Góc)  và cả 6 nạn nhân trong vụ World Trade Center năm 1993. Đài tưởng niệm 9/11 được vây quanh bởi một khu vườn xanh tươi với mục đích tạo cho du khách đến thăm viếng một cảm giác yên tĩnh, lắng đọng khi đến một địa điểm từng là nơi hàng ngàn sinh mạng đã bị cướp đi một cách chóng vánh và bất ngờ.


Tác giả kiến trúc đài tưởng niệm 9/11 là kiến trúc sư người Do Thái 42 tuổi- Michael Arad. Đài Tưởng niệm được xây dựng liên tục trong 6 năm vừa qua, nay mới khánh thành.


 



Từ: Meomun
12/09/2011 15:16:38

Thanks anh MinhCK, em lại biết thêm 1 điều nữa! Nhưng em thấy trong bài có 2 chỗ có tính chất là thời điểm ("...sau 911") nên em nghĩ có lẽ ý chị QH là nói đến ngày 11 tháng 9. 



Từ: MinhCK
12/09/2011 14:59:20

 


911 theo như mọi người nói thì đây là số cấp cứu ở bên Mỹ, nên QH ko cần sửa đâu, có thể ý tác giả muốn nói về việc cấp cứu của 10 năm trước chăng. Nhưng QH qua cầu mà cũng ko nghe thấy gì thì thì cũng lạ đấy nhỉ. Kinh khủng thật, người trong cuộc thấy bình thường nhưng bọn này thì lại thấy sợ. Cám ơn QH. Nhưng trong bài một số chỗ thì phải sửa đấy đúng ko tác giả ơi.


 



Từ: HoaNT
12/09/2011 14:54:20

 


 Cám ơn QH  là người trực tiếp cận cảnh Tháp đôi ở Mỹ đã có bài viết quá hay về ngày 11/9


Đúng ngày này năm ấy mình đang xếp hàng để lên tháp đôi của Malaysia.  Sau 1 tháng làm việc tại nước bạn hôm đấy bọn mình mói có thời gian đến Tháp đôi vì phải đi sớm để xếp hàng lấy giấy hẹn, chờ đến lượt , họ cứ cho từng tốp khoảng 15 người một đợt. Mình thì lên đây nhiều lần nhưng những người cùng đi đợt ấy chưa đi lần nào nên mình có kinh nghiệm làm hướng dẫn đoàn. Chiều về mở TV xem mới thấy hãi hùng quá, nhưng ngay lúc đấy thì chưa thấy nghiêm trọng lắm nhưng càng nghe các bảng tin cập nhập các con số thiệt hại mà thấy hãi hùng. Ngày hôm sau thì Tháp đôi ở Malaysia đóng cửa không cho người lên.


Cuộc sống bình yên cho mọi người là điều cần nhấtm sợ nhất là chiến tranh, khủng bố, giết chóc.





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s