KGU Events >>Sự kiện
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 28 Tháng mười một. 2011

THĂM QUÊ ANH ĐINH NGỌC HIỆN - LUẬT 81




Tác giả: ThuyDTHuy

Những ngày này, Hà Nội đang vào cuối thu, đón đầu đông. Trời se lạnh, nắng hanh hanh nhẹ. Đúng lúc đang ao ước giá mà được đi chơi đâu đó vào cuối tuần hẳn là tuyệt quá, thì vợ chồng anh Đinh Ngọc Hiện – Luật 81 đã mời nhóm anh chị em KGU ở Hà Nội, trong đó chủ yếu là những người đã tham gia đợt “Về nguồn” về quê anh ở Nam Định chơi một ngày. Thật là cầu được ước thấy!

Chuẩn bị xuất phát từ 91 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội

Sáng chủ nhật ( 27/11/2011), đoàn ACE KGU Hà Nội với 23 người (kể cả bốn cô con dâu KGU và một F1) đã lên đường . Xuất phát từ lúc 6h30 sáng.  Đến Phủ Lý ăn sáng với món đặc sản “Bánh đa cá rô đồng” và món bánh cuốn chả. Xe vừa ra khỏi Hà Nội ,  mọi người bắt đầu hát. Giọng ca vàng mở đầu là chị Thái – OB75 với bài quan họ Bắc Ninh, rồi chị Liên – CL74 hát các bài Nga, rồi đồng ca của mọi người với các bài hát Nga, Việt. Mọi người tranh nhau hát, hát to khỏe, phấn khởi lắm. Được đi chơi mà lị. Chả mấy chốc, cả đoàn đã tới Chùa Cổ Lễ, cũng đã khá gần nhà anh Hiện rồi.

Chùa Cổ Lễ

Chùa Cổ Lễ thuộc thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Ðịnh. Đây là một ngôi chùa cổ, thật đặc biệt. Tương truyền chùa do thiền sư Nguyễn Minh Không thời Lý sáng lập. Ngôi chùa hiện nay do hoà thượng Phạm Quang Tuyên xây dựng vào tháng 11 năm 1920. Trước chùa có tháp Cửu Phẩm Liên Hoa 12 tầng được xây dựng vào năm 1926 - 1927. Tầng đế tháp có 8 mặt, đặt trên lưng một con rùa lớn hướng vào chùa. Trong lòng tháp có một cột trụ rất lớn, có 60 bậc thang từ đế tháp lên đỉnh tháp theo đường xoáy trôn ốc. Từ đây du khách có thể ngắm nhìn toàn bộ phong cảnh vùng này.

 

 

Qua một cây cầu cong là tới khu "Phật giáo hội quán" xây dựng năm 1936. Giữa sân chùa có chuông lớn nặng 9 tấn, cao 3,2m  được đúc vào năm 1936. Trên thượng điện có tượng Phật Thích Ca cao 4m, rộng 3,5m, bằng gỗ sơn son thiếp vàng. Pho tượng này rất độc đáo.                                 
Chùa Cổ Lễ ngoài thờ Phật, còn thờ thần sư Nguyễn Minh Không. Trong chùa còn có nhiều di vật văn hoá quí hiếm như đại hồng chung, một trống đồng thời Lý và một túi đựng đồng. Chùa đã được nhà nước công nhận là di tích kiến trúc văn hoá.

Hạnh, Phúc cầu Hạnh Phúc tại chùa Cổ lễ

Sắp đến giờ ăn trưa, tạm biệt Chùa Cổ Lễ, đoàn đi tiếp đến nhà anh Hiện.

Quê anh Hiện là xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Một vùng quê thật hữu tình với “con sông, bến nước”. Bên đường là con mương nhỏ, từng đoạn  lại có những cây cầu bắc qua, đường làng rất sạch sẽ, chả khác gì thành phố. Chợ họp đông đúc, tấp nập. Cách nhà anh vài trăm mét là một nhà thờ rất đẹp. Mãi đến lúc ra về, sắp lên ô tô, chúng tôi mới phát hiện ra nhà thờ này. Tiếc quá, không còn thời gian để ghé vào thăm nữa, chỉ ngắm từ xa. Chắc sẽ có dịp khác đến tận nơi, vào bên trong để ngắm nghía.

 

(Nhà thờ xứ Kiên Lao, Xã Xuân Tiến, Xuân Trừơng, Nam Định)

 Nhìn quanh, bỗng dưng cảm thấy thấy thiêu thiếu gì đó cảnh quen thuộc của làng quê Bắc Bộ. Đúng rồi, có lẽ đô thị đã len lỏi vào thôn quê, nên nơi đây vắng bóng tre xanh.

Khoảng 11h chúng tôi về tới nhà anh Hiện. Gia đình anh ấy có 6 anh chị em, 3 trai, 3 gái, anh Hiện là con út trong nhà. Các anh chị em đều ở quây quần cạnh nhau. Nơi anh tiếp bọn chúng tôi là một ngôi nhà với khuôn viên sân vườn, cây xanh rộng rãi, rất đẹp.

 Khu nhà chính 2 tầng với kiến trúc ba gian cổ điển, rất nhiều gỗ tốt. Tầng trên là gian thờ tổ tiên trang trọng. Tất cả đồ thờ, câu đối, bài vị, bát hương, lọ hoa… đều được đúc tinh xảo bằng đồng. Lời chữ nghĩa trong câu đối, trong bài vị đều được xin chữ từ cụ GS Vũ Khiêu. “Tổ tiên để lại nền văn hiến. Con cháu noi theo bậc thảo hiền”. Mọi người thắp hương vái tổ tiên anh Hiện. (May quá, bạn HạnhLM đã chu đáo mang theo chè, bánh để đặt lễ lên bàn thờ. Cả đoàn chả ai nhớ ra). Tầng một, giữa phòng khách có một bức tranh lớn khảm đồng rất đẹp với cảnh sinh hoạt làng quê có dòng chữ “Công cha như núi Thái Sơn”. Phía dưới bức tranh khảm đồng là một phiến đá to phẳng có hoa văn rất đẹp với ý “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Giữa sân trước cửa nhà là một khối đá lớn có nhiều hốc nông sâu, hình uốn lượn tự nhiên, đặt trong một chậu đá lớn có khắc chạm hoa văn cầu kỳ xung quanh. Nghe đâu chỉ riêng chậu đá liền khối này đã mua từ lâu với giá 350 triệu đồng. Xung quanh nhà nhiều cây quý giá trị như cây bách, cây sanh, si…. Ngôi nhà anh Hiện toát lên sự giầu sang của đại gia, nhưng vẫn giữ được nét trang nhã, truyền thống của kiểu nhà đồng bằng Bắc Bộ. 

Cả đoàn trong nhà anh Hiện

Trước khi vào bữa trưa, ACE tranh thủ tụ tập chụp ảnh kỷ niệm. Một chút bất ngờ khi chị Lưu Kim Thanh – Hóa 77, thay mặt nhiều người đã trân trọng tặng anh Hiện chủ nhà một món quà là chiếc áo sơ mi đẹp. Cám ơn vợ chồng anh Hiện, chị Kết đã mời, đã lo chu đáo cho chuyến đi chơi này. (Vỗ tay, chụp ảnh). Sau đó lại có quà áo sơ mi tặng anh Vũ Chu Hiền – Hóa 74 nhân dịp anh Hiền về hưu từ tháng 12 này. Anh Hiền là Tổng Giám đốc Tổng công ty Technoimport, Bộ Công Thương. Anh ấy hiền đúng như tên gọi, ngoài ra còn là một người anh rất chăm lo cho mọi người, nhiệt tình chủ trì và tham gia các hoạt động của người KGU. Mọi người đặt nickname cho anh là Vũ Chu Đáo. Vợ anh Hiền, tên là Bình, hôm qua cũng cùng đi, một người dễ thương, đẹp người đẹp nết.  Lại còn quà nữa. (Vỗ tay ầm ầm). Đây là món quà tặng cho một người KGU cũng vừa về hưu, sau chuyến Về nguồn bạn này đã tham gia ngay vào một Văn phòng Công chứng. Bạn ấy là Lâm Thị Minh Hạnh – Luật 80. Hạnh cũng là một người rất tích cực trong mọi hoạt động của Hội KGU, mà không chỉ mình Hạnh, còn cả phu quân của Hạnh, chính là Tổng Nghị nữa, cũng nhiệt tình, giỏi giang lắm. Mọi người bắt Hạnh phải diện ngay món quà là chiếc áo lửng móc bằng len. Nom bạn ấy tươi cười xinh hẳn lên trong bộ cánh mới. Hoan hô chị Thanh, quả là chu đáo!

Bữa trưa đã được bày biện ra rất nhiều thức ăn, nhiều món. Món nào cũng ngon, cũng nóng. Ấn tượng đặc biệt món ăn quê hương là món cá khoai nấu rau cần, ăn nóng ngon tuyệt. Đang đói, được ăn ngon, uống rượu ngon, ai nấy chuyện trò rôm rả. Xen kẽ trong bữa ăn là các câu chuyện tiếu lâm. Chị Thái – Sinh 75, còn ngẫu hứng hát một bài dài về phở và cơm. “Phở là phở mà cơm là cơm”.

Sau bữa trưa, chúng tôi rẽ thăm vài nhà họ hàng của anh Hiện. Thắp hương ở ban thờ nhà anh trai anh ấy vừa mới mất cách đây hơn 2 tuần.  Ngay cạnh nhà anh Hiện lại là một gian nhà cổ của họ hàng. Ngôi nhà này thật là hiếm có, đặc biệt với mái lá nhà tranh lợp rất dày từ hơn 50 năm nay. Nhà năm gian, lớp cánh cửa gỗ cũ kỹ nhưng là gỗ bền tốt, bậc thềm là những tảng đá liền khối to dày. Sống trong nhà này mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Từ xưa các cụ đã xây được những ngôi nhà thế này, chắc chắn cũng là những người giàu có trong vùng.

 

Vườn nhà anh Hiện toàn cây cảnh đẹp

Chẳng mấy chốc mà đã đến giờ chia tay họ hàng nhà anh Hiện để đi thăm khu phủ Thiên Trường. Xin cám ơn gia đình ông anh cả của anh Hiện. Các cháu trai, cháu gái anh ấy nấu ăn chuyên nghiệp, rất ngon lại còn nhiệt tình, nhanh nhẹn, chu đáo đón tiếp đoàn khách Hà Nội của chú Hiện.

Cả đoàn dừng chân ở Chùa Phổ Minh. Sáng nay nhà chùa vừa làm lễ kỷ niệm ngày mất của Vua Trần Nhân Tông, tức là lễ lần thứ 703 năm ngày Vua lên cõi Niết bàn. Quang cảnh xung quanh còn rất nhiều cờ, phướn đỏ vàng. Khẩu hiệu đón chào tăng ni, phật tử, du khách còn tươi nguyên giăng khắp xung quanh. Đoàn chúng tôi đúng là có duyên may mắn mới trùng với ngày lễ lớn này. Một điều ngạc nhiên là ngay cổng chùa đã có hai thanh niên đứng chờ, nhiệt tình đón đoàn, giới thiệu lịch sử nhà chùa và hướng dẫn ACE tham quan chùa. Mãi sau mới biết là anh Hiện đã liên hệ trước với một công ty du lịch ở Nam Định đến đón tiếp đoàn. Các anh bên du lịch đã sắm đầy đủ lễ để đoàn dâng hương tại chùa và các đền. Nhìn bề ngoài anh Hiện rất bình thản ung dung như không để ý điều gì, chị Kết thì xinh tươi, cười nói vui vẻ với mọi người. Nhưng thực ra vợ chồng anh ấy đã lên kế hoạch đón tiếp rất chu đáo, tỷ mỉ đến từng chi tiết để đưa đoàn đi chơi thật mỹ mãn. Trong chuyến đi chúng tôi còn tiếp tục gặp nhiều điều ngạc nhiên nữa.

Chùa Phổ Minh còn gọi là chùa Tháp nằm cách khu di tích đền Trần khoảng 300m về phía tây. Công trình có giá trị nhất giữ vai trò chủ đạo ở chùa là cây tháp Phổ Minh. Tháp được xây dựng ngay trước cửa nhà bái đường là một kiến trúc quy mô của thời Trần còn lại cho đến ngày nay. Trong chùa có bày tượng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn (tượng nằm); tượng Trúc Lâm tam tổ dưới bóng trúc; một số tượng Phật đẹp lộng lẫy.

Chiều cao của cây tháp là 19,51m. Tháp được xây trên một cái sân vuông vắn, mỗi chiều dài 8,60m, có độ sâu 0,45m so với mặt đất, xung quanh có tường hoa bao bọc. Bệ tháp và ở ngay tầng một là hai lớp cánh sen chạy bao quanh, cánh nở bung. Cây tháp như được mọc và vươn lên trời cao từ một bông sen. Khu sân trũng tượng trưng cho một hồ nước nhưng không có nước, thay vào đó là những băng hoa văn sóng nước được khắc ở chân bệ gồm nhiều tầng nhiều lớp để xây ấn tượng của mặt nước xung quanh đóa hoa sen khổng lồ ở chân tháp. Đây là một nét khái quát, một biểu tượng của kiến trúc Việt Nam đã từng được xây dựng từ thời Lý, đó là ngôi chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) ở kinh đô Thăng Long. Nhìn toàn bộ cây tháp thể hiện cho cái tâm hồn của Phật, giống như đóa sen mọc từ bùn lầy nước đọng nhưng vẫn ngát hương.

Đoàn tiếp tục đến thăm Đền Trần ngay gần Chùa Phổ Minh.

Đoàn đến đền Trần đúng ngày kỷ niệm 703 năm ngày mất vua Trần Nhân Tông

Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Trước khi vào đền, phải qua hệ thống cổng ngũ môn. Đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần, được khởi dựng từ thời Hậu Lê, trong đền có thờ bài vị của 14 vị Vua nhà Trần. Đền Cố Trạch thờ Trần Hưng Đạo, được dựng từ thời Nguyễn. Đền Trùng Hoa mới được chính quyền tỉnh Nam Định với sự hỗ trợ về kinh phí của chính phủ xây dựng từ năm 2000. Đền được xây trên nền cung Trùng Hoa xưa - nơi các đương kim hoàng đế nhà Trần về tham vấn các vị thái thượng hoàng. Trong đền Trùng Hoa có 14 pho tượng bằng đồng của 14 hoàng đế nhà Trần đặt tại tòa trung đường và tòa chính. Thời Trần, cùng với việc xuất hiện chế độ Thượng hoàng, năm 1262, đền Trần được xây dựng quy mô như một kinh đô thứ hai sau Thăng Long.

Trải qua 175 năm cầm quyền, triều Trần với 14 vị Vua đã để lại cho lịch sử dân tộc những dấu ấn sâu sắc trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt với ba lần đánh tan quân Nguyên Mông, tên tuổi Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã làm vẻ vang dân tộc Đại Việt, lừng lẫy năm châu bốn biển.

Đỉnh đồng ở đền Trần

 Nhiều năm gần đây, cứ vào chiều và tối ngày 14/1 âm lịch hàng năm, Nam Định tổ chức lễ khai ấn Đền Trần. Chính cái lễ hội này đã bị cải biên nhiều, gây mất trật tự và diễn ra sự mua bán ấn lộn xộn thiếu văn hóa nên năm 2012, Bộ Văn hóa kiên quyết không cho phát ấn đền Trần vào đêm 14 tháng riêng nữa. Theo đó, lễ khai ấn đền Trần theo nghi lễ truyền thống vẫn được tổ chức nhưng không cho phát ấn vào đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng như mọi năm để tránh sự chen lấn, xô đẩy.

Thời gian trôi nhanh quá. Cả đoàn hối hả lên ô tô để đến ngôi đền cuối cùng là Đền Bảo Lộc, cũng rất gần với Đền Trần. Đền được xây dựng trên đất “thang mộc” của An sinh vương Trần Liễu, thân phụ của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và là anh trai của Trần Thái Tông – vị vua đầu tiên của vương triều Trần.

 Đền Bảo Lộc nguyên là đền An Lạc, thuộc làng Bảo Lộc, tổng Hữu Bị, huyện Mỹ Lộc nay là xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.

Tương truyền, ấp An Lạc là nơi sinh ra và lớn lên của Trần Quốc Tuấn, một con người tài ba, một nhân cách lớn, một thiên tài quân sự đã làm vẻ vang đất nước với ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông. Tài hoa, đức độ, cuộc đời ông là bản anh hùng ca về tinh thần trung – hiếu – nghĩa – chí – tín. Ông đã từng khảng khái trả lời vua Trần Nhân Tông trong lúc nguy nan: “Xin hãy chém đầu thần trước, sau hãy hàng giặc. Đầu thần còn giữ được, xã tắc vẫn bền vững lâu dài, xin bệ hạ đừng lo”. Với công lao to lớn trong ba cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, tháng 4 năm 1288 ông được ban tước hiệu “Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương”. Khi ông mất, triều đình lại phong là: “Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân vũ Hưng Đạo đại vương”. Suốt một đời phò vua giúp nước, ông dốc sức xây dựng Đại Việt thành quốc gia “Thái bình thịnh trị” với câu nói nổi tiếng “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”. Chính sách trọng nông, lấy dân làm gốc…không chỉ giúp nhà Trần chiến thắng những kẻ thù mạnh nhất mà còn giúp vương triều tồn tại và phát triển rực rỡ gần 200 năm. Là đại thần của triều đình, được ví là bậc Thượng phụ nhưng Hưng Đạo đại vương luôn lấy chữ “nhân” để xử thế, vì vậy ông gần gũi với dân và được nhân dân tôn kính. Ông là “Cha”, là “Đức Thánh Trần”, là huyền thoại sống mãi trong tâm thức của lớp lớp thế hệ người Việt Nam. Nhân dân dựng đền thờ ông ở nhiều nơi trong ấp An Lạc là nơi anh hùng dân tộc đã gắn bó thuở thiếu thời. Bởi vậy dân gian có câu “Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc”.

Ấn tượng nhất là tại Đền Bảo Lộc cả đoàn đã làm lễ dâng hương Đức Thánh Trần khá long trọng ngay trong cấm cung. Để vào cấm cung, mọi người phải cúi mình chui qua một cánh cửa bé tý tẹo. Có cả một ông thầy đọc lễ khấn cho Đoàn cựu sinh viên trường KGU do “Thầy Đinh Ngọc Hiện” làm trưởng đoàn. Mọi người được tự tay đóng triện xin ấn của Thánh ban cho bản thân mình. Ai cũng sung sướng cầm trên tay ấn Thánh và cả bùa vận may mang về. Ấn Thánh sẽ để lên bàn thờ gia đình, bùa thì cài vào ví mang theo người để gặp may, tránh rủi ro.

 

Tạm biệt ngôi nhà hiếu khách của gia đình anh trai của anh Hiện

Trời đã tối, chúng tôi chia tay tạm biệt Nam Định, mảnh đất với biết bao di tích lịch sử như đền, chùa, miếu và cả nhà thờ cổ kính. Một ngày trôi qua thật nhanh. Trên ô tô bon bon về Hà Nội, chúng tôi lại cùng nhau hát bài “Mùa xuân nơi đầy nắng” của các anh Nguyễn Đình Phư – Nguyễn Đình Minh. Hội trưởng mà nghe được chắc cũng phải gật gù là bọn tôi hát đều và hay y chang như hôm tập ở nhà HT. Chị Bình kều rút trong túi ra lời bài hát, nên bọn tôi hát cả lời tiếng Nga đầy đủ. Đúng là vợ nhạc sỹ có khác, lúc nào cũng có sẵn bài hát.

Đến Phủ Lý, chúng tôi lại dừng chân ăn tối ở nhà hàng Ngọc Sơn. Bữa tối ăn cũng rất ngon với món cá chép om dưa, gà luộc, dưa giá, rau xào… Đặc biệt là món tráng miệng chuối ngự tiến vua, đặc sản của Nam Định, đang còn thòm thèm thì lại thấy nhà hàng bưng tiếp lên đĩa chuối đầy ự.  Một bất ngờ cuối cùng của nhà anh Hiện trước khi chia tay là chúng tôi lại còn được một túi quà phát ngay trên ô tô. Anh chị ấy tặng cho mỗi người hai con cua bể to đùng, lọ mắm tôm to và cả gói bánh khoai vừng. Thật là ngại quá, anh chị Hiện – Kết đã chuẩn bị cho chuyến đi, lo hậu cần cho cả đoàn hết ý rồi, mỹ mãn rồi, thăm thú nhiều di tích lịch sử rồi, lại còn quà mang về nữa. Đúng là, “được ăn, được nói, được gói mang về”.

Khám phá tổ ong tại nhà anh Hiện

Một lần nữa, xin cảm ơn anh Hiện, chị Kết cùng với ban tổ chức của KGUHN là chị ThanhLK, bạn HạnhLM đã dành cho chúng tôi một ngày Chủ nhật thật vui vẻ, thật ấn tượng và nhiều ý nghĩa.   


Người post: ThuyDTHuy

Ngày đăng: 28-11-2011 22:10






Xem 11 - 20 của tổng số 20 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: NguyetTM
29/11/2011 22:37:12

Cảm ơn anh Hiện - chị Kết đã mời mọi người về quê với một chương trình thăm quan tuyệt vời . Thú thật, hôm thứ 2 lúc đi viếng mẹ chị An, thấy các chị Chi, chị Thanh, chị BìnhK kể về chuyến về quê anh Hiện vui như thế nào thì tôi cũng hơi tiếc vì đã không tham gia được. Nhưng đến hôm nay, sau khi đọc bài phóng sự của chị Thủy thì tôi lại thấy mãn nguyện lắm rồi. Chị Thủy viết rất chi tiết, rất sinh động, rất đầy đủ, chị viết như một sử gia. Vì vậy tôi cảm thấy như mình đã có mặt ở những nơi đó và chiêm ngưỡng mọi thứ. Cảm ơn chị Thủy nhé.



Từ: GiangHV
29/11/2011 21:09:03

Em Thủy đã có một kí sự thật tuyệt vời. Ngoài việc miêu tả khá đầy đủ, chi tiết và sinh động các hoạt động của chuyến đi, Thủy còn bỏ công tra cứu tư liệu lịch sử để bổ sung cho bài viết làm cho chuyến đi càng thêm ý nghĩa.


@ Anh Hải Bột à! Bây giờ anh mới phát hiện ra hiện tượng "âm thịnh, dương suy" của các chuyến đi à? Chuyến Về nguồn vừa qua cũng vậy: ngoài 4 anh cặp với 4 chị về Kis để tìm lại "mối tình đầu" và anh Hiện mang theo "cơm nắm" thì chỉ có 4 gã đàn ông (anh Hiền, Giảng, Việt và Long) lọt thỏm giữa một đàn bướm xinh. Đoán trước được xu thế này, nên khi được BTC thông báo kế hoach đi chơi về thăm quê hương anh Hiện là Giảng đăng kí liền. Kết quả thật tuyệt vời: vì không chỉ được chơi (rất nhiều nơi và đều tuyệt vời), được ăn (nhiều bữa, với nhiều món và đều rất ngon), được nghe (nói rất nhiều và hát rất hay), được gói mang về (những 2 gói cơ, vì chị Kết tuyên bố dứt điểm là quà được chia theo đầu người đi chứ không theo gia đình), mà còn trở thành gần như là mì chính cánh của đoàn đi. Các anh cứ ở nhà mà xoay sở với những việc "bất khả kháng" để mà tiếc nuối nhé.



Từ: HanhLM
29/11/2011 18:16:22

Bức ảnh hai chị em Hạnh - Phúc thật độc đáo! Chúng em đang tâm tâm niệm niệm trước ban thờ Phật nên chẳng biết bà chị đã nhanh tay chớp ảnh lúc nào. Té ra, không những chị Bình Kều nhanh mồm nhanh miệng, mà còn nhanh mắt, nhanh tay nữa.


Cám ơn chị Bình Kều nhiều nhé!



Từ: HaiNV
29/11/2011 17:42:00

Mình đã được em HạnhLM thông báo về chuyến đi, rất muốn đi nhưng lại có việc bất khả kháng nên không đi được, thật tiếc! Mình có nghe Chi Mai - bà xã mình, nói là anh Hiện có quê hoành tráng lắm (CM làm cùng anh Hiện ở Học viện Hành chính Quốc gia khá lâu mà!). Cách đây 2- 3 năm mình cũng đã có chuyến đi nhớ đời về thăm Đền Trần đúng vào dịp Lễ Hội Đền Trần ("khoe" thêm chút là mẹ mình cũng Họ Trần, ông ngoại mình là cụ Trần Quốc Đàm, người Hà Nội, mà có thể "gốc gác" cũng từ Nam Định đấy!). Mấy khu đền xung quanh mình cũng đã đi nhưng không nhớ hết vì là "cưỡi ngựa xem hoa", nên mong có dịp trở lại thăm lâu và kỹ hơn.


À mà sao chuyến đi chỉ có hầu hết là chị em, hơi bị "âm thịnh, dương suy" thế?, không kể anh Hiện chủ nhà, chỉ thấy anh HiềnVC và GiảngHV? Mà sao em Phong lại đứng một mình?


Theo như em Thủy mô tả, thì mình còn thấy thiếu chưa kể đến cô em song sinh của người KGU là PhúcLM. Xem ảnh thấy: Hạnh Phúc cầu Hạnh Phúc trông thật Hạnh Phúc! 


Xin chúc mừng tất cả mọi người có chuyến đi về thăm quê anh Hiện thật nhiều ấn tượng!    



Từ: NgocNT
29/11/2011 16:44:54

Thế là một lần nữa em lại bỏ qua cơ hội vui chơi rồi! tiếc thật! Chị Thuỷ vẫn nỗi tiếng về ký sự mà! Chuyến đi của các thầy cô cũng cđược chị miêu tả tỉ mỉ. Chuyến đi này cũng vậy! Cám ơn chị Thuỷ nhiều nhiều! Càng ngẫm càng thấy anh huy chỉ có thể mệt hơi mà khám phá những điều thú vị ở chị Thuỷ thôi! Không biết anh Hiện còn tổ chức chuyến nào thế này nữa không nhỉ?!



Từ: BinhPT
29/11/2011 13:40:42

NguoiKGU ở hiền gặp lành nên có toàn rể hiền, dâu thảo (tuy là Thuỷ cũng là nguoiKGU chính hiệu nữa). Hoan hô cả bạn Bình Kều đã giao đúng người, đúng việc nên trang web đã có bài nhanh và chính xác hơn cả vnexpress. Chuyến đi vô cùng ấn tượng cả về mặt tinh thần và vật chất (!). Cũng nhờ "thầy giáo" Hiện mà nhiều nguoiKGU lần đầu tiên được nhận ấn thánh, mà lại còn được tự tay đóng. Cám ơn gia đình anh Hiện và ban tổ chức!



Từ: BinhNH
29/11/2011 07:08:22

Trưa hôm qua, ngày 28/11/2011 , nghĩa là chỉ khoảng 18 tiếng sau khi đoàn đi Nam định về đến Hà nội, em Thủy đã gọi điện thông báo cho chị Bình là em đã hoàn thành nhiệm vụ chị giao và đã gửi bài viết cho chị. Chị muốn làm gì thì làm. Tôi giật mình vì tình cảm và sự giỏi giang của cô con dâu KGU này. Đến tối , về nhà tôi mới đọc được bài của Thủy, càng ngạc nhiên hơn về chi tiết mà Thủy đã nhớ được cũng như tra cứu thêm. 


Thế là tôi chỉ việc Post bài và minh họa ảnh cho bài viết mà thôi.



Từ: ThanhLK
28/11/2011 23:26:50

  Đúng là  em Thủy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của chị Bình kều giao: “Đã làm dâu, được đi chơi thì phải viết bài chứ”.!. Một phóng sự rất đầy đủ, chi tiết được viết với tình cảm chân thật. Một chuyến Về Quê đầy ắp các sự kiện đáng nhớ, được tổ chức chu đáo và hoàn hảo. Đọc bài của Thủy chị rất thích. Nhất là bức ảnh "Hanh, Phúc cầu hạnh phúc tại chùa Cổ Lễ".


Thủy cũng đã thay mặt anh chị em trong đoàn cám ơn tấm lòng thơm thảo và sự chu đáo của gia đình anh Hiện đối với đoàn “cán bộ cựu sinh viên KGU”.  Em Thủy nhận xét rất đúng là: “Nhìn bề ngoài anh Hiện rất bình thản ung dung như không để ý điều gì, chị Kết thì xinh tươi, cười nói vui vẻ với mọi người. Nhưng thực ra vợ chồng anh ấy đã lên kế hoạch đón tiếp rất chu đáo, tỷ mỉ chi tiết để đưa đoàn đi chơi thật mỹ mãn”.. Anh Hiện và chị Kết đã dành cho đoàn nhiều bất ngờ: Một chuyến Về Quê với đầy đủ hương vị quê, kết hợp hài hòa với việc thăm quan những di tích lịch sử thuộc địa phương, được sống lại với khí thế yêu nước và chiến thắng ngoại xâm hào hùng của ông cha…và hơn nữa là lại được sum họp trong tình người KGU…Một ngày tuyệt vời và đáng nhớ. Một lần nữa cám ơn anh chị Hiện + Kết rất nhiều. Cám ơn các ACE đã nhiệt tình tham gia.


 



Từ: HanhLM
28/11/2011 23:00:47

Hoan hô Thanh Thủy - phu nhân của anh Khửu  và cũng là dân dự bị Kisinhop khóa 1974-1975 - đã có bài rõ nhanh và rõ chi tiết về chuyến du hí đầu tiên của NguoiKGU sau chuyến Về nguồn. Bạn là một trong những nàng dâu, chàng rể tuyệt vời nhất của Hội KGU đấy. Như các cụ nói là "Không có tuần chay nào thiếu nước mắt", bạn tham gia đều đặn "như vắt chanh" mọi hoạt động của Hội ta, từ hoạt động thăm hỏi tình nghĩa, đến đón thầy cô giáo Nga, từ picnic Thung Nai đến Du xuân Đầm Long, từ đón tiếp bạn bè phương Nam ra đến "tiến về Sài Gòn" thăm anh chị em hcmkgu...Tiếp tục phát huy nhé bạn!


Trong suốt hành trình, các câu chuyện vui lượm lặt trong chuyến Về nguồn đã được nhắc lại thật thú vị, từ việc madame Thái (Sinh 75) luôn mượn "tay vịn" của các em giai, em gái (chả là chị ấy bị khớp mà), chị Thái và anh Đức cùng dìu nhau và khi nhìn thấy ghế là reo lên: "Ghế kia rồi!", việc "đi hái hoa" bị mất ối tiền (4 lần hái hoa mất đứt 1kg táo)...Vui đáo để.


Xin gửi anh chị em KGU ngắm 2 tấm hình cảnh cả đoàn chăm chú nghe giới thiệu ở chùa Phổ Minh và "bữa cơm rau" nhà anh Hiện chiêu đãi đoàn.



 



Từ: NghiPH
28/11/2011 22:58:07

Hai mươi ba anh chị em KGU đã có một ngày về quê anh Hiện rất vui và bổ ích. Được thăm các ngôi nhà nhiều kiểu dáng ở  huyện Trực Ninh; được đến thăm viếng các ngôi chùa, ngôi đền nổi tiếng của đất Nam Định; được dự lễ dâng hương Đức Thánh Trần. Anh chị em được chuyện trò với những người thân nhà anh Hiện, được giao lưu với nhau, được hát hò, kể chuyện cười. “Được ăn, được nói, được gói mang về!” Thật là vui.


Tôi rất tiếc không được tham dự chuyến đi lý thú này. Cám ơn bạn Thủy đã kể lại khá chi tiết chuyến về quê anh Đinh Ngọc Hiện.  




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s